Aller au contenu principal

Văn hóa “ăn cắp”

2. novembre 2017

Văn hóa “ăn cắp” – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2017

Có lẽ cái tự trọng dân tộc , bản sắc văn hóa và cái tự trọng cá nhân của tôi to thật ! Câu chuyện bắt đầu từ đâu nhỉ ?
Một hôm tôi đi một mình vào siêu thị Auchan ở Việt Nam. Hai người mặc quần áo bảo vệ chận tôi lại ngay lối vào. Tôi chưa kịp hiểu là tại sao, mới hôm qua tôi đi với chồng tôi , người Pháp, vào siêu thị này thì không có việc gì xẩy ra cả.
Một ông bảo vệ liền bảo tôi cho ông ấy xem cái sắc tay của tôi đeo ở vai, tôi chưa kịp có phản ứng gì cả, bàng hoàng ngạc nhiên, thì ông ấy đã cười cười nói “ Ấy, để gắn cái này vào đã”.
Trong nháy mắt như một người đã làm công việc này cả chục triệu lần, ông ta xỏ một cọng giây nhựa cứng ngang qua cái lỗ bé xíu của cái giây kéo cùng với cái khoen của giây đeo vai trong cái sắc tay của tôi rồi xiết chặt lại.
Trời thì nóng, tôi đổ mồ hôi nhễ nhại, phần thì sợ mình nổi giận lên lại đột quỵ lần thứ hai nữa thì chẳng đáng gì, tôi ráng giữ bình tĩnh, bước vào chợ vì tôi đang cần một ít đồ vật cấp bách. Tại sao ông bảo vệ không yêu cầu tôi phải gởi cái sắc tay của tôi vào hộc sắt đặt sẵn một dẫy bên phải cửa ra vào. Cái sắc tay của tôi chỉ nhỏ bằng nửa tờ giấy và tôi thường đeo nó ở ngang bụng khi ra ngoài đường.
Tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi bên trong cái sắc tay, nhưng tôi không thể nào mở cái sắc tay ra được. Tôi cần hai cái xô nhựa và một cái khăn lau nhà. Vội vội vàng vàng tôi bưng các thứ đã tìm ra đi ngay đến quầy trả tiền. Người phụ nữ thu tiền thản nhiên lấy kéo cắt cái giây nhựa cứng để tôi lấy cái ví tiền ra từ trong sắc tay để trả tiền.
Người phụ nữ nhún vai, ai cũng bị kiểm soát như vậy hết, không riêng gì chị, (tuổi chỉ đáng hàng con cháu mình, ai cũng được kêu là « chị ») không được mang « cái giỏ xách » vào siêu thị. Một bà khách hàng đứng sau lưng tôi cũng biểu lộ sự đồng tình, đúng rồi, ai cũng bị kiểm soát hết, không có ngoại lệ, tui cũng dzậy.
Cái giỏ xách ?! Phải nói, tôi lại ngạc nhiên một lần nữa. Cái chữ “sắc tay”, “sắc đầm” hay cái sắc là phiên âm tiếng Việt, dịch nghĩa từ tiếng Pháp “ le sac, le sac à main, le sac de femme » mà ra. Người đi chợ, đi mua đi bán, thường đeo theo các thứ túi xách to, cứng, gọi là cái giỏ đi chợ, thành phần trẻ đeo theo ba lô, người lịch sự đeo cái sắc tay để đựng các vật dụng cá nhân của mình như ví tiền, điện thoại, khăn mùi xoa, son phấn, thuốc men, giấy tờ…
Có thể nói cái sắc tay đã trở thành một vật dụng trang điểm cá nhân không thể thiếu của người phụ nữ thành thị. Đủ mọi mầu sắc, đủ mọi kiểu và đủ mọi kích thước, hình dáng. Thế nhưng người Sài Gòn hiện nay chỉ dùng độc nhất một từ “cái giỏ xách” để chỉ tất cả, kể cả cái sắc tay phụ nữ.

Đã lâu tôi không đi du lịch, chỉ loanh quanh ở Pháp, ở Đức, ở Bỉ, thỉnh thoảng sang Hà Lan, sang Ý, nên tôi không thể biết hết tình trạng đối xử với khách hàng trên khắp thế giới.

Ở Đức là thoải mái nhất. Khách hàng, tuy ít khi có cảm giác mình là « vua » , der Kunde ist der König, nhưng ít ra không bị khinh thường là kẻ cắp, vào siêu thị là để ăn cắp, không bị kiểm soát khi ra vào siêu thị. Họ chịu tốn kém thiết lập camera thu hình đủ mọi góc cạnh, thuê thám tử tư mặc thường phục trà trộn giả làm người đi mua hàng để theo dõi riêng biệt những kẻ tình nghi, bắt tại trận, rồi gọi cảnh sát tới lập biên bản.

Trong một thống kê của năm 2015 đăng trên tờ Die Welt (17.06.2015), Liên hội chính những người bán lẻ của nước Đức (HDE) công bố một con số thất thu 3,9 tỉ euro trong năm. Trong con số này có 2,1 tỷ euro thất thu do ăn cắp bởi khách hàng, 900 triệu euro bị ăn cắp do chính những cộng sự viên, 300 triệu euro bị ăn cắp do người giao hàng và nhân viên bảo vệ, số thất thu còn lại là do những vấn đề về quản lý hàng hóa. (Con số doanh thu cuối năm 2014 được xác định là 390 tỷ euro, có nghĩa là tỷ lệ thất thu chỉ chiếm có 1%)

Ở Pháp tình trạng cũng tương tự như ở Đức, theo bài báo trên tờ Le Parisien ngày 12.07.2017, thì đã có 3,5 tỷ euro bị ăn cắp trong các siêu thị ở Pháp, trong số naỳ tỷ lệ ăn cắp bởi khách hàng là 44% và bởi chính nhân viên siêu thị là 35%. Con số 3,5 tỷ euro thất thu mỗi năm tương ứng với 0,84% tổng số doanh thu.

Hàng hóa bị ăn cắp phần lớn lại được canh giữ rất kỹ lưỡng như nước hoa, kính đeo mắt, điện thoại di động và dao cạo râu, và thời điểm bị ăn cắp nhiều nhất là trong mùa Giáng sinh. Nguyên do là họ đã giảm bớt nhân công thám tử tư, chỉ đầu tư canh gác hàng hóa ở mức 1,3 tỷ euro một năm, trong khi đó việc mở rộng giờ giấc bán hàng lại được thực hiện. Thêm vào đó, lại xảy ra những vu cướp giật có tổ chức.

Cảnh sát Đức than là đã quá tải vì nhiều công việc. Người Đức cũng có sự tế nhị và nhân đạo khi trẻ em, người già vào siêu thị ăn cắp vì đói, họ không làm lớn chuyện vì một cục bơ, một kí bột hay một lít sữa. Quan tòa ở Pháp cũng thường « nhắm một mắt » tha thứ cho những trường hợp phạm tội lần đầu, và những trường hợp mang tính chất thông cảm cho hoàn cảnh của những người « phải » đi ăn cắp.

Ở Pháp, quê hương của tự do, bình đẳng, tình tương thân tương trợ, lòng bác ái và lòng nhân đạo, thì tuỳ vùng tuỳ nơi, có nơi như ở Paris, người ta không dám coi mọi người khách là kẻ cắp, sợ mất khách, nên họ tốn nhiều tiền thuê thám tử tư trà trộn làm người mua hàng để trông nom bắt kẻ ăn cắp.

Ở miền quê, tỉnh lẻ họ không ngần ngại thực hiện “văn hoá ăn cắp” tại nhiều siêu thị, tức là mọi khách hàng đều bị kiểm soát từ ngoài vào như một kẻ vào siêu thị chỉ để ăn cắp. Lại có thêm một sự mâu thuẫn là các siêu thị ở Pháp đều không cung cấp túi đựng hàng cho khách, khách phải đem theo nhiều túi to để đựng hàng. Thành thử họ phải yêu cầu khách tự ý trình những túi to mang theo vào siêu thị, khi khách ra quầy tính tiền mua hàng, trả tiền.

Nhưng chưa bao giờ họ dám đụng đến cái “sắc tay” của phụ nữ, kể cả Auchan tại Pháp. Ngay cả đến cảnh sát Pháp cũng phải yêu cầu người phụ nữ tự ý mở sắc tay của mình, cho phép kiểm soát. Người ta tôn trọng cái sắc tay phụ nữ đến thế, vì nó là vật dụng cá nhân gắn liền với thân thể bất khả xâm phạm. Thế mà Auchan tại Việt Nam dám đụng đến cái sắc tay của một phụ nữ, một công dân Pháp ? Vì thế nên tôi quyết định tẩy chay Auchan tại Việt Nam, không mua hàng của Auchan ! Tôi đi chợ.

Còn nói về lòng tự trọng của người Việt Nam ? Chỉ cần lấy thí dụ của CoOp Việt Nam, cụ thế là siêu thị CoOp Nguyễn Đình Chiểu ở thành phố HCM. Tại đây, khách đeo sắc tay không bị chận lại ngay tại lối ra vào, quấy nhiễu, túi xách giỏ đi chợ thì được gởi tại quầy có người đứng nhận và giao trả, mỗi quầy hàng có ít nhất hai nhân viên túc trực ở hai đầu vừa giúp khách mua bán, vừa kiểm soát, mang lại tiện ích cho khách hàng, vừa có văn hóa thật sự.

Lý luận theo kiểu « con sâu làm rầu nồi canh » để biến vấn đề kiểm soát quản lý siêu thị thành « văn hóa ăn cắp », chia động từ theo kiểu « tôi ăn cắp, anh ăn cắp, chúng ta cùng ăn cắp » là không thể chấp nhận được, một khi con ngườì có văn hóa và có tự trọng, có danh dự.

Chạm vào văn hóa, tự trọng và danh dự của một người, một dân tộc để bán hàng ??? Một điều rất chi là phi lý !

Commentaires fermés