Hoài niệm thăm Lăng Ông
Hoài niệm thăm Lăng Ông – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2018
Một trong những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi gắn liền với ngày Tết Nguyên Đán và ba tôi. Không nhớ từ năm nào tôi bao nhiêu tuổi, ba tôi đã đặt ra cái thông lệ cho tôi được phép xông nhà, sau ba tôi, ngày mồng một Tết. Tục xông nhà, xông đất vào mồng một Tết, tức là người đầu tiên đặt chân vào nhà mình trong năm mới, mang ý nghĩa nếu người ấy có vía tốt thì đem lại điều tốt lành cho gia chủ suốt năm, nếu người ấy vía xấu thì gia chủ lãnh tai ương suốt năm. Cho nên, mình tự xông đất nhà mình thì tránh được mọi rủi ro vía xấu của người khác. Đêm Giao thừa, theo tục lệ, cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết với con cháu xong, thì mọi người lên đường đi lễ chùa, lễ đền, hái lộc cầu phước, xong về xông đất nhà.
Bọn tôi con nít, háo hức được mặc bộ quần áo mới và được tiền lì xì ngày mồng một Tết tất nhiên là không ngủ được, thức chờ giao thừa và nghe pháo nổ. Cà nhà rộn rịp sửa soạn mâm cơm thịnh soạn cúng ông bà. Từ sáng sớm, bàn thờ đã được lau chùi sạch sẽ, đồ đồng đánh bóng lưỡng, nhà quét lau sạch sẽ, vì ba ngày Tết không được quét nhà, lau nhà hay dọn dẹp đồ đạc sợ xui xẻo suốt năm. Con gà khỏa thân, trần truồng đã được luộc từ chiều, trước nhất. Rồi nấu xôi, cắt giò chả, xào rau với lòng gà, nấu bát miến, bầy các mâm hoa quả, cắt hoa cắm hoa, thắp hương, đốt đèn cầy, chưng vàng mã…Mùi thức ăn của mâm cỗ, mùi hoa, mùi hương, mùi nến, mùi quần áo mới và còn thiếu mùi pháo, mùi lửa đốt vàng mã bấy nhiêu đấy mùi tạo thành hương vị Tết nhớ mãi không quên.
Ba tôi bận tất bật. Buổi sáng ông đã lo đi hớt tóc, cạo râu ăn Tết. Cơm chiều vừa xong ông đã lo tắm rửa sạch sẽ, mặc âu phục chỉnh tề. Thấy ba tôi như vậy, tôi cũng bắt chước. Còn việc chợ búa, bếp núc ? Tôi chẳng lo, vì đã có má tôi là tổng chỉ huy, chị Tư đi chợ và làm bếp và những người khác phụ việc trong nhà lo trọn gói !
Đồng hồ vừa điểm 23 giờ, ba tôi đã sốt ruột không ngớt canh thời gian. Đúng 23 giờ rưỡi, ba tôi cúng. Nhang đèn sáng rực khói hương bốc nghi ngút. Ông khấn lầm thầm mời ông bà tổ tiên. Tôi cũng theo sau, làm y xì như ba. 24 giờ : Giao thừa. Ba tôi lấy tràng phảo còn cuộn mình trong cái hộp tròn rõ to, đỏ rực, ra châm mồi rồi thả ngay ra ngoải ban công thòng xuống chấm mặt đất. Nhà tôi cao năm từng, bàn thờ đặt trên tầng bốn nơi ba tôi thả tràng pháo xuống. Nó dài 25 mét, mỗi từng cao 5 mét. Má tôi và mọi người trong nhà đứng bên dưới nghe pháo nổ vang, ai nấy đều chờ nghe pháo đại nổ đùng. Tạch tạch tạch….đùng ! Sướng quá ! Ôi chao, pháo nổ bốn phương tám hướng, nghe dòn tan không dứt, nhà naò cũng đốt pháo. Bọn con trai đã ùa ra đưòng, nhặt pháo chưa nổ, đốt từng cái một ném vào nhau rất là thích thú. Tiếng pháo Giao thừa vang kéo dài cả tiếng, vẫn còn vọng lại đì đùng tử xa. Xác pháo đỏ hồng trải thành thảm trước nhà như thảm pháo cô dâu ngày cưới.
Sau này, vì chiến tranh, tiếng pháo hòa lẫn với tiếng súng đạn, nên tục lệ đốt pháo đêm Giao thừa và rước dâu bị cấm hẳn. Giao thừa và đám cưới cô dâu trở nên im ắng lạ thường rồi tiếng pháo đi dần vào quên lãng.
Đúng năm giờ, ba tôi chở tôi trên chiếc xe ếch bà (vespa) trực chỉ hướng Lăng Ông. Năm giờ, trời chưa sáng hẳn, còn lờ mờ đêm nhưng những con gà thành phố đã gáy báo hiệu bình minh. Không khí còn mát rượi, đèo sau xe ếch bà tôi còn cảm thấy lạnh, nổi da gà, may mà đã có ba tôi chắn gió. Bây giờ tôi mới biết, khoảng cách nằm trong lòng mình. Khi xưa đi từ nhà đến Lăng Ông tôi thấy sao xa lơ xa lắc, bây giờ đi từ Pháp về Việt Nam tôi thấy sao nó dễ òm, leo lên máy bay ở Pháp, bước xuống máy bay là đến Việt Nam. Có một lúc, tôi đứng trong máy bay nhìn qua cửa sổ ra ngoài, bật cười, vì thấy mình như tiên nga, đứng trên chín tầng mây, vén mây nhìn xuống trần gian xem bọn con người tham lam chí chóe dành dựt với nhau, tao miếng to mày miếng nhỏ. Có nhiều rồi nhưng vẫn chưa đủ.
Hai cha con đến nơi thì Lăng Ông đã ngùn ngụt khói hương, người đông như kiến, chen chúc nhau. Nhìn từ xa, ở chỗ đốt vàng mã lửa bốc lên phừng phựt. Hòa trong dòng người, tôi len lỏi níu áo ba tôi vào Lăng Ông, thở hít hương vị ngày Tết. Tôi kiên nhẫn đứng chờ xin xăm. Tiếng những cây xăm bằng tre chạm vào ống xăm cũng bằng tre nghe như tiếng nhạc do người xin xăm tạo ra. Người lắc nhẹ, người lắc mạnh, người lắc lâu, người lắc ngắn cây xăm đã rớt ra. Tôi không biết mình muốn gì, cứ lắc đến khi cây xăm rớt ra, đó là quẻ mà tôi đã xin được.
Thời ấy, ở Lăng Ông có lên đồng. Tôi nhớ mãi một lần được ba tôi dắt đi theo hầu đồng, tôi đứng lấp ló ngoài cửa không dám vào, bà đồng gọi « Này, con rồng nhỏ vào đây ». Nhìn quanh quất không thâý ai khác ngoài mình, tôi chợt nghĩ ra, à, bà gọi mình, bèn rón rén bước vào. Bà cho tôi một cái oản và một lá bùa gập làm tư là lá bùa hộ mạng của tôi. Tôi mang nó theo ra nước ngoài, nhớ là tôi cất kỹ lắm, nhưng sau nhiều lần dọn nhà, lá bùa biến mất.
Cúng vái xong, lại tranh nhau đốt vàng mã, rồi thì vặt một cành cây gọi là hái lộc đem về. Sau Tết, các cây kiểng trong Lăng Ông đều trụi hết cành hết lá ! Trở về nhà, trời đã nắng chang chang, ba tôi vào nhà trước, tôi vào sau ông, má tôi và các em đã đứng chờ để chúc Tết và lì xì đầu năm lấy hên.

Lăng Ông – Khu vực đền thờ và nhà đốt vàng mã
Thấm thoát, thời gian trôi qua dễ đã đúng năm mươi năm, một nửa thế kỷ, rồi tôi mới trở lại viếng thăm Lăng Ông vào một buổi trưa nắng gắt vào tháng năm. Khung cảnh đường xá chung quanh rất lạ lẫm, một con đường lớn cắt ngang qua, xe hơi chạy vun vút. Trước kia chung quanh Lăng Ông cây cối xanh rì. Trong Lăng chỉ có vợ chồng tôi bước vào, vắng lặng. Hôm nay không phải ngày rằm, không phải ngày lễ, mà cũng không phải ngày Tết. Chúng tôi tha hồ ngắm Lăng và chụp hình, xin xăm, không ai quấy rầy. Chắc Lăng phải được trùng tu, bảo tồn cho nên tất cả đều nguyên vẹn, sơn son thếp vàng đẹp đẽ, sạch sẽ.

Lăng Ông – Phần mộ có hình tượng mu rùa của Lê Văn Duyệt và phu nhân song táng
Lăng Ông trong ký ức của tôi ngày xưa chính là lăng mộ của Lê Văn Duyệt, một khai quốc công thần của vua Gia Long. Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 tại Định Tường, qua đời năm 1832 tại Gia Định, thọ 69 tuổi. Quê quán ông cha của ông vốn ở Quảng Ngãi, vào Nam sinh sống, nên ông được sinh ra trong Nam. Ông là quan võ, phục vụ hai triều Gia Long và Minh Mạng. Mới 17 tuổi, ông theo chúa Nguyễn Phúc Ánh lúc chúa bị quân nhà Tây Sơn đánh đuổi chạy đến vàm Trà Lọt. Tương truyền ông là người bẩm sinh ái nam ái nữ, nhỏ, nhưng có sức mạnh phi thường, dũng cảm, có công tùng chinh.
Ngày nay Lăng Ông thờ ba người công thần có một thời bị oan ức là Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản và Lê Chất.
Tháng giêng năm 1801 (âm lịch) Lê Văn Duyệt hộ tống chúa Nguyễn cùng các tướng khác đánh chiếm cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn ngày nay) để tiến vào tổng hành dinh của quân Tây Sơn đóng ở Tây Sơn (17 km về phía Bắc của Quy Nhơn). « Trong trận đánh này, chúa Nguyễn đem 190 chiến thuyền, mỗi chiến thuyền trang bị từ 4 đến 16 khẩu thần công bằng đồng, chiếm lại được Phú Xuân, lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long ngày 2 tháng 5 năm 1802, rồi tận dụng thời cơ nhà Tây Sơn suy yếu sau cái chết của vua Quang Trung Nguyễn Huệ (1792), tiến ra Bắc, đánh quân nhà Tây Sơn tan rã, làm chủ đất nước từ Nam chí Bắc.* » .
Quân Nguyễn Phúc Ánh đã nhiều lần tấn công cửa Thị Nại nhưng không thành công. Trong trận đánh cửa Thị Nại năm 1799, có sự tham gia của Hoàng tử Cảnh và giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), giám mục bị bệnh nặng qua đời ngày 9 tháng mười năm 1799 tại nơi đây. *
Hai năm sau, trong trận tấn công Thị Nại năm 1801 quân chúa Nguyễn Phúc Ánh được sự trợ giúp đắc lực của trang bị chiến thuyền và người Pháp, tướng tài Võ Di Nguy bị trúng đạn chết, Lê Văn Duyệt « ra sức đốt phá gần hết chiến thuyền của quân Tây Sơn », được xem là võ công lớn nhất của Lê Văn Duyệt, và cũng là chiến thắng lớn nhất của nhà Nguyễn, vì đó là trận đánh đã quyết định vận mạng của triều Nguyễn Gia Long mở đầu thời kỳ cai trị kéo dài 143 năm từ năm 1802 cho đến năm 1945 mới chấm dứt.
Trong dương có âm, trong chiến thắng có suy tàn, bi kịch nhà Nguyễn lại
bắt đầu với cái chết còn rất trẻ ngày 20 tháng ba năm 1801 của Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, hai tháng sau khi lấy được cửa Thị Nại, thái tử Cảnh chỉ hưởng thọ được 21 tuổi, ông biết tiếng Pháp vì gần gũi giám mục Bá Đa Lộc, đã cùng với giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp năm 1787 gặp vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette, nên được cho là thân Pháp.
Vua Gia Long lập con thứ là con của bà Trần Thị Đặng, hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm, sinh năm 1791 tại Gia Định lên nối ngôi, tức là vua Minh Mạng sau này.
Pháp rất thất vọng vì người nối ngôi vua Gia Long không phải là Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh. Những người Pháp trợ giúp Nguyễn Phúc Ánh dần dần bị loại, bằng cách này cách khác. Gia đình hoàng tử Cảnh hứng chịu một kết cục bi thảm, vợ hoàng tử Cảnh, bà Tống thị Quyên bị xử án dìm nước chết, hai con trai của hoàng tử Cảnh tên là Mỹ Đường và Mỹ Thùy « xin » về làm thứ dân để tránh hậu diệt. Kỳ Ngoại Thái Bình Hầu Cường Để (1882-1951) là cháu đích tôn dòng hoàng tử Cảnh, có quan điểm chống Pháp thân Nhật rõ rệt, nhưng ông thất vọng mất ở Tokio, không được Nhật đưa về nước làm vua năm 1945 khi Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương.
Vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820, bắt đầu chính sách cấm đạo Thiên chúa, bắt giết dã man giáo dân và giáo sĩ truyền đạo, bế quan tỏa cảng.

Kinh Vĩnh Tế
Trong triều Gia Long, Lê Văn Duyệt được phong Tổng trấn Gia Định thành từ 1812 đến 1815. Vừa lên ngôi, vua Minh Mạng sai Lê Văn Duyệt vào Nam làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai. Ông mất tại chức năm 1832 và được truy tặng « Tá vận công thần đặc tấn Tráng võ tướng quân, Tả Quân đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái Bảo Quận Công ». Người đương thời gọi tắt, kính cẩn là « Đức Tả Quân » hay « Đức Thượng Công ». Người dân Gia Định, tên của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, vì công đức của ông chỉ gọi tắt bằng Lăng Ông, và vì Ông rất linh thiêng nên thường xuyên đến cúng vái và xin quẻ xăm, hương khói phụng thờ quanh năm suốt tháng.
Lê Văn Duyệt có ảnh hưởng lớn dưới cả hai triều vua, tuy rằng theo sử sách vua Minh Mạng không lấy gì làm ưa ông lắm. Các tác giả viết ngoại sử cho rằng đó là điều dễ hiểu vì Lê Văn Duyệt chống lại chính sách bế quan tỏa cảng và tả đạo của vua Minh Mạng, lại đứng phía về dòng chính của hoàng tử Cảnh.
Là Tổng trấn Gia định thành Lê Văn Duyệt nhiều khi chống lại lệnh tàn sát giáo dân, giáo sĩ của vua Minh Mạng trong Nam. Ông cho đắp đường, đào kênh Vĩnh Tế, bảo vệ và trị an dân tình.
Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, quan Bố chính Bạch Xuân Nguyên được cử để truy xét công và tội của Lê Văn Duyệt, khiến dẫn đến vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, bị cầm tù và phá tù nổi dậy. Lê Văn Khôi bắt được Bạch Xuân Nguyên và tổng đốc Nguyễn Văn Quế đem về đốt tế sống trước từ đường Lê Văn Duyệt.
Năm 1834 Lê Văn Khôi bị bệnh chết. Năm sau, 1835, quân triều đình

Giáo sĩ tử đạo Joseph Marchand, sau được phong thánh
chiếm lại thành Phiên An, Gia Định. Con trai của Lê Văn Khôi, tên là Lê Văn Cừ. mới 8 tuổi bị xử tử tứ mã phanh thây, và giáo sĩ người Pháp Joseph Marchand bị xử lăng trì, xẻo từng miếng thịt cho đến chết.
Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép:
- Tra xét nơi chôn thây tên nghịch Khôi, đào lấy xương đâm nát chia ném vào hố xí ở 6 tỉnh (Nam Kỳ) và cắt chia từng miếng thịt cho chó, đầu lâu thì đóng hòm đưa về kinh (Huế) rồi cùng đầu lâu những tên phạm khác bêu treo khắp chợ búa nam bắc, xong vất xuống sông. Còn bè đảng a dua không cứ già trẻ trai gái đều ở vài dặm ngoài thành chém ngay, rồi đào một hố to vất thây lấp đất, chồng đá làm gò dựng bia khắc: nơi bọn nghịch tặc bị giết, để tỏ quốc pháp.
Vua Minh Mạng còn cho san bằng mồ mả của Lê Văn Duyệt và dựng tấm bia « Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ » (chỗ này là nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu hình phạt).
Tàn ác hơn nữa, theo Quốc triều chính biên toát yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho giết chết 1.831 người tham gia, dân chúng có liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi chôn chung một chỗ gọi là « Mả ngụy » hay là « Mả biền tru » (có nghĩa là giặc phải giết ngay, không cần xét xử), hiện được xác định ở khoảng đường Cách mạng tháng tám (đường Lê Văn Duyệt trước 1975) và đường Điện Biên Phủ (đường Phan Thanh Giản trước 1975).
Đến khi vua Thiệu Trị lên ngôi mới ban lệnh phục hồi cho Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Một trang sử đẫm máu của nhà Nguyễn được lật qua. Ác giả ác báo. Các vua nhà Nguyễn cũng không thoát khỏi luật nhân quả. Ngày nay, có ai còn nhớ đến sự tích khi vào thăm Lăng Ông ?
*Trích Dấu xưa-Tản mạn lich sử nhà Nguyễn, Mathilde Tuyết Trần, xuất bản năm 2010
Commentaires fermés