Ước mơ kim cương
Ước mơ kim cương – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2018
Phần lớn phụ nữ, và cả nam giới, rất thích kim cương. Kim cương được mua nhiều, phần thì dùng làm trang sức, phần thì làm của để dành. Người ít tiền thì mua « cho có », đeo chơi. Người nhiều tiền thì mua « cả cục » đeo để làm của, vừa làm trang sức hào nhoáng. Chỉ khoảng 20% sản lượng kim cương trên thế giới 30.000 kg (tức 150 triệu carat) được dùng làm hàng trang sức, 80% còn lại được dùng trong kỹ nghệ thí dụ như là mũi khoan, đĩa cắt, chất cách nhiệt…và trong khoa học nghiên cứu.
Kim cương là một khoáng sản tự nhiên, được kết tinh bởi các bon, có độ cứng rất cao và khả năng khúc xạ rất tốt. Kim cương được khai thác ở Phi châu, Canada, Ấn Độ, Nga, Brasil, Úc châu, đến nay người ta đã khám phá ra 700 địa điểm có diamant trên thế giới, và nổi tiếng nhất là tập đoàn khai thác De Beers, và tập đoàn thợ chuyên môn mài đá quý và thương mại người Do thái ở Anvers (Bỉ). Giá của năm 2010 cho biết một carat nằm vào khoảng 342,92 đô la Mỹ cho kim cương châu Phi, 67,34 đô la Mỹ cho kim cương từ nước Nga.
Ngay cả tro của người chết bị hỏa thiêu cũng được dùng để chế tạo ra diamant nhân tạo.
Trên thị trường Việt Nam thì một viên kim cương giá cả tỷ đồng, hai tỷ, ba tỷ hơn không phải là hiếm thấy. Theo tỷ giá hiện nay thì 1 tỷ tương đương với 42.550 đô la Mỹ (1usd = 23.500 vnd). Kim cương có giấy tờ kiểm định độ sắc và cân lượng thì tất nhiên đắt hơn những viên không được kiểm định xác thực. Vì thế ở Việt Nam mua kim cương phần lớn phải là nơi tin tưởng tuyệt đối. Khi bán lại khách hàng phải chịu mất ít nhất là 20% giá mua.
Đa phần khách hàng ưa chuộng kim cương không có mầu, ánh trắng, và « sạch », dù phải trả giá đắt. Thông thường, kim cương được xác định theo chỉ tiêu 4C là carat, color, clarity, cut (khối lượng, mầu sắc, độ trong và cách cắt). Một carat bằng 0,2 gram. Người mua thường không có khả năng chuyên môn chú ý đến mặt cắt, chỉ thấy nó « sáng », « có lửa » nhiều, ít, và chỉ chú trọng đến mầu sắc, cân lượng và độ trong, nhưng thật ra cách cắt kim cương rất quan trọng cho việc khúc xạ ánh sáng. Ngọc có mài mới sáng.
Ở Âu châu, người có nhiều tiền lại chuộng kim cương có mầu rõ rệt, từ vàng óng, xanh ve, đỏ, hồng, nâu cho đến xanh đậm nước biển (Fancy colors).
Các nhà khoa học nghiên cứu thì lại chuộng nhất là kim cương mầu xanh.
Kim cương mầu xanh rất hiếm và rất đắt tiền. Chỉ 0,1% kim cương có mầu xanh, do chất kim loại bore (ký hiệu B) có trong kim cương phản chiếu ánh xanh.
Kim cương màu xanh được tìm thấy ở độ sâu 660 cây số dưới mặt đất, trong khi kim cương trắng chỉ ở độ sâu 150 đến 200 cây số dưới mặt đất, và được hình thành trong một nhiệt độ từ 1.200 đến 1.400° C.
Kim cương màu xanh trong ngôn ngữ của chuyên gia được gọi là « Typ IIb » (không có azote và chứa 0,1% bore). Có 4 Typ được các khoa học gia phân loại cho loại kim cương mầu:
Typ Ia : 0,3% chứa azote
Typ Ib : chứa 0,1 % azote
Typ IIa: không có azote
Typ IIb: không có azote, có 0,1% chất bore
Các viên kim cương nổi tiếng trên thế giới là qua quá trình lịch sử của nó, được nhiều nhân vật có tiếng tăm trong xã hội mua về, hay là tài sản của một quốc gia như các viên Koh-i-Noor, xuất xứ từ Ấn Độ, đã trở thành tài sản của hoàng gia Anh.
Cũng nổi tiếng nhất là viên mầu xanh đậm huyền bí Hope-Diamant, có tiếng là đem tai họa đến cho chủ, vì nó chưa tìm được người chủ xứng đáng, người ta tin như thế. Vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette cũng đã đeo viên kim cương này khi nó còn trong tay triều đình Pháp, và cả hai đều bị chém đầu bởi Cách mạng Pháp 1798. Năm 1824 viên kim cương được bán về tay Thomas Hope, từ đó mang tên Hope-Diamant. Hiện nay Hope-Diamant được triển lãm bởi Smithsonian Institute ở Washington và bảo hiểm với giá là 250 triệu đô la Mỹ.
Minh tinh điện ảnh Elizabeth Taylor là người có hân hạnh làm chủ viên kim cương Hope một thời gian, và sau đó lại được chồng là Richard Burton tặng cho viên kim cương mang tên Taylor-Burton diamant nặng 69,42 carat, mà sau này khi ly dị bà bán đấu giá với 5 triệu đô la Mỹ khởi đầu.
Các hoàng gia còn lại của châu Âu thường đeo nặng trĩu đầy người nữ trang, nào vương niệm, bông tai, dây chuyền, vòng tay bằng kim cương để nói lên sự vương giả của mình. Quý bà thường hãnh diện khoe nhẫn đính hôn của chồng sắp cưới bằng kim cương nói lên địa vị tương lai trong xã hội của mình.
Bụi trong kim cương, trái ngược với sự đánh giá của thị trường thương mại là làm giảm giá

Caption: Blue boron-bearing diamond, with dark inclusions. Evan M. Smith/© 2018 GIA Foto: Evan M. Smith/© 2018 GIA
trị bán vì bị cho là « không sạch » , thì lại được các nhà khoa học đánh giá cao, vì qua các bụi trong kim cương, đó là các dạng kim loại đọng lại trong kim cương như Calciumsilicat, người ta xác định được độ sâu của nó, như từ 410 cây số đến 660 cây số của viên kim cương mầu xanh chẳng hạn.
Kim cương mầu thường được núi lửa phun lên theo nham thạch từ độ sâu trong lòng đất, do đó con người mới tìm thấy trong các mỏ kim cương ở gần mặt đất. Ở những vùng núi lửa cổ tìm kiếm trong nham thạch đông cứng sẽ thấy kim cương.
Kim cương mầu hồng (Fancy Pink) thí dụ như viên Pink Star nặng 59,60 carat được định giá tại Geneve, Thụy sĩ, với giá là 83 triệu đô la Mỹ năm 2013.
Kim cương mầu vàng (Fancy Yellow) như viên Sun Drop nặng 110,3 carat được định giá là 10,9 triệu đô la Mỹ. MTT
Commentaires fermés