Chùa Keo Thái Bình
Chùa Keo Thái Bình – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2018
Về Thái Bình mà không ghé thăm Chùa Keo là rất uổng phí cho chuyến đi. Tôi lại thích đi chùa những khi chùa vắng vẻ, không vào những ngày lễ, tết, đông người chộn rộn, nói cười ồn ào. Cảnh chùa tĩnh mịch yên ắng mới thấy hết vẻ đẹp của chùa – vốn là nơi chốn trang nghiêm thoát tục – lồng trong khung cảnh chung quanh. Những chùa lộng lẫy quá thì chẳng hấp dẫn được chân tôi.
Chùa khác nhà thờ nhiều lắm, nhất là những ngôi chùa cổ. Kiến trúc của nhà thờ vươn lên cao, bề thế, lộng lẫy. Kiến trúc của chùa trải dài trải rộng, ẩn nấp sau những lùm cây tán lá, nếu chùa có tháp chuông thì không cao bằng tháp chuông nhà thờ. Nhà thờ xây bằng gạch, đá, chùa cất bằng gỗ, vôi vữa, rơm rạ, ngói đỏ. Nhà thờ thường được xây dựng giữa làng giữa chợ đông đúc người qua lại, tiện đường tiện xá, chùa ở nơi hẻo lánh xa chốn phồn vinh lợi lộc gần với thiên nhiên bao bọc.
Chùa Keo là một ngôi chùa cổ từ thế kỷ thứ 17, đã tồn tại trải qua 400 năm, và có một tháp chuông độc đáo. Khung cảnh chùa Keo đúng với trí tưởng tượng của tôi, nằm giữa không gian rộng lớn xanh rì của làng quê miền Bắc, có quán nước đầu chùa, có đường đê trẻ em tan học đạp xe về nhà, có đàn vịt trắng bơi lội tung tăng bì bõm trên ao, có hồ bán nguyệt, có sân rộng…như trong văn thơ người Việt.
Nơi tôi đến thăm là chùa Keo (Thượng) nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Có chùa Keo Thượng, tên chữ là Thần Quang tự, thì tất nhiên có chùa Keo Hạ, tên chữ là chùa Hành Thiện tự, nằm ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định.
Tương truyền chùa Keo do thiền sư Không Lộ Nguyễn Minh Không xây dựng từ năm 1062 dưới thời vua Lý Thánh Tông ở hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh nay thuộc về tỉnh Nam Định, đặt tên là Nghiêm Quang tự. Chùa nằm bên sông Hồng, nên năm trăm năm sau, năm 1611 bị trận lụt lớn, nước sông Hồng lên cao, dân làng Giao Thủy tản cư làm hai nhánh, một về Nam Định, một qua Thái Bình, mỗi nhánh lập ra một chùa Keo của làng mới, dân bên tả ngạn sông Hồng lập ra làng Dũng Nhuệ và chùa Keo thượng trên đất Thái Bình. Kiến trúc cả hai chùa chính đều giống nhau là chùa anh em.
Chùa Keo Thái Bình được xây dựng năm 1630 và hoàn thành xong 1632, đến nay đã được gần 400 năm, hoàn toàn bằng gỗ, lợp ngói và đã được trùng tu nhiều lần. Trong sân chùa là hai cột cờ bằng gỗ, cao, cờ bay phất phới trong gió mùa đông, bởi vì tôi về chùa vào giữa tháng mười một, tiết trời mù mù âm u.
Điểm đặc biệt của chùa Keo Thượng là có lầu chuông ba tầng vuông vắn bằng gỗ lim, lợp ngói đỏ, chạm trỗ rất công phu bởi các nghệ nhân điêu khắc gỗ thời Hậu Lê, cao 11,04 mét, có 3 tầng mái, kết cấu theo hình dáng hoa sen, ở tầng hai treo quả chuông đồng cao 1,30 m, đường kính 1m đúc năm 1686, hai quả chuông khác nhỏ hơn cao 0,62 mét, đường kính 0,69 mét treo ở tầng ba và tầng thượng được đúc năm 1786.
Chùa Keo có một diện tích kiến trúc rộng khoảng 58.000 mét vuông, gồm nhiều cụm nhà thấp, hiện nay còn lại 17 công trình. Hai bên chùa chính là hai gian hành lang dài tới 24 gian, rất ấn tượng, để cho khách hành hương sửa soạn sắm lễ vào chùa lễ Phật và lễ Thánh. Đôi cánh cửa chùa chạm rồng cũng bằng gỗ lim là một tuyệt tác kiến trúc thời Hậu Lê. Đời nay, một bộ cánh cửa nhỏ bằng gỗ lim chạm trỗ bình thường giá 200 triệu đồng là còn rẻ.
Chùa Keo gồm có ba nhà nối vào nhau, nhà trong cùng thờ Phật, cả chùa có hơn 100 pho tượng cổ bằng gỗ sơn son thếp vàng rất tinh xảo, khuôn mặt diễn tả linh động. Thiết kế trong một ngôi chùa bằng gỗ như chùa Keo vừa tinh tế, vững chãi lại vừa giản đơn, các tượng thờ chỉ được đặt ngay ngắn trên bàn thờ, trên bệ riêng, khách tham quan có thể ngắm nhìn tất cả kèo cột xà khung bằng gỗ lim và mái ngói từ bên trong.
Chùa không có một bóng người, nhưng trong nhà ngoài ngõ đều rất sạch sẽ, không có rác rưởi ngổn ngang, trong chùa mọi thứ đều ngăn nắp, không có lấy một mạng nhện, một tí bụi.
Ở một bề thế như vậy, chứng tỏ chùa Keo là một nơi tôn giáo quan trọng trong quá khứ, ở những thế kỷ trước. Bây giờ, ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch dân làng Keo mở hội xuân ngay trong khuôn viên chùa, lại còn có hội thu vào tháng chín âm lịch.
Về thăm chùa Keo, tôi rất ấn tượng bởi khung cảnh tĩnh mịch thơ mộng êm đềm thanh bình của làng quê miền Bắc, chưa bị bê tông vây kín chung quanh. Vào đây mà trút bỏ hết những mê muội trần tục, những giây phút tĩnh tâm.
Nhìn quán nước bên đường vào chùa, có những lon nước của thời hiện đại, nhưng vẫn còn ấm chè khi xưa. Tôi tiếc là đã thăm chùa vội vội vàng vàng, còn những chỗ khác phải đi, thầm hẹn chùa sẽ trở lại lần nữa. Chùa Keo Thái Bình xứng đáng là di tích quốc gia, phải được bảo tồn cho các đời sau. MTT
Commentaires fermés