Đi chợ
Đi chợ – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2019
Tôi thích đi chợ, dù đôi khi rất vất vả để từ chối, để tránh những lời mờii chào của bà con bán hàng. Câu chào hỏi đầu tiên thường là “ Cô kiếm chi cô, em chỉ cho ?” Câu này ý nhị hơn là hỏi thẳng “Cô mua gì cô, em bán cho ?” dễ gặp được cái lắc đầu. Mà hễ đã mở miệng ra hỏi là “dính” rồi. Người bán hàng ở chợ đã lâu năm, gặp nhiều khách, tất biết tất cả bài bản tâm lý để chiêu dụ khách hàng. Chồng tôi cười ngất khi tôi xách về một lúc một đống vải may quần, mười mấy khúc vải đủ màu. Thảo nào thấy đi lâu quá, em mặc làm sao cho hết, còn một đống quần nữa chưa mặc trong tủ.
Lúc ra chợ, tôi chỉ muốn mua một chiếc quần đen ! Có mỗi một cái quần đen ưng ý tôi mặc đã hơn mười năm rồi, bây giờ định đem làm mẫu để may cái thứ hai. Bà bán vải, chị kiếm quần đen hả, em có vải đẹp, không nhăn, giặt không cần ủi, lại vừa mỏng, có chút thun, đứng lên ngồi xuống rất dễ chịu, rất đứng quần, chị mua đi, em bán rẻ cho, bảo đảm, nè chị ngồi xuống ghế đi, để em cắt vải. Hai quần nhen. Để mai mốt chị kiếm thì hết vải này rồi, không có nữa.
Thế là một quần thành ra hai quần. Tiền là của tôi, mà quyết định mua hai quần là của chị, thế mới hay. Mật ngọt chết ruồi. Và cứ như thế chị chiêu dụ tôi mua thêm quần trắng, mặc không thấy đồ lót bên trong, ai không có cái quần đen, quần trắng, đây mầu xanh cổ vịt, mầu này dễ mặc, mặc với áo trắng là sang nhứt, nè mầu gạch cua nè, chị có áo đen không, mặc với mầu này hết xẩy, màu be, mầu này nhã nhặn lắm chị, hợp với tuổi chị, chị mặc với nhiều áo mầu khác nhau cũng được, màu xám, trời ơi mầu này sang lắm lận, áo trắng hay áo đen được hết, còn mầu hồng già này hợp với nước da trắng của chị….Lúc tôi đem cái đống vải tới nhà chị bạn thợ may, chị cũng cười ngất, nhưng an ủi tôi rằng mầu nào cũng rất đẹp, mua một lần là mặc tới hết đời luôn ! Tôi cũng nghĩ rằng chị bán vải chỉ bán được một lần cho tôi rồi thôi, bao nhiêu đây quần thì tôi mặc đến cuối đời !
Chị bán vải là một thí dụ mà tôi không quên, cũng như một vài người bán buôn khác ở chợ rất nghề nghiệp biết cách “coi” khách hàng để “nặn” cho ra tiền. Tôi biết mánh của họ…vì tôi cũng là con nhà bán buôn, lại còn thích thú vì gặp được những người biết cách bán hàng như thế. Vui vẻ, niềm nở với khách để đem lợi về cho mình, đâu phải ai cũng hiểu và thực hiện được việc đó.
Có một lần, tôi trả giá, trước khi ra chợ ai cũng dặn, đi chợ phải trả giá, bắt đầu bằng ¼, lên tới một nửa, khoảng 2/3 là mua được, không thì mua hớ, mua mắc dại dột, thì bà bán hàng nổi giận, tôi không bán đâu, đi chỗ khác đi ! Ơ kìa, bán hàng mà lại đuổi khách đi ! Có lẽ bà ngó mặt tui, tưởng là khách xộp bên Tây về. Thì thôi, tôi đi luôn, không trở lại bao giờ cái chợ ấy.
Giá một trái thơm (dứa) tôi mua thì rất là tùy hỉ, bữa thì bán mười lăm ngàn, bữa thì hai chục, bữa thì ba chục, có hôm bà hàng lấy tôi tới bốn chục. Cam cũng vậy, bữa thì hai chục một kí, bữa thì bốn chục, bữa thì chỉ có mười ngàn đồng một kí, khiến cho tôi tự hỏi giá vốn của họ là bao nhiêu. Công thức bán buôn đơn giản là mua một bán ba, vốn là một đồng thì phải bán ít nhất là ba đồng mới có lợi. Công thức mua một bán hai trong thời buổi chi phí chuyên chở ngày càng nhiều tốn kém thì không đủ để kiếm lời, kinh doanh theo kiểu lấy công (của chính mình) làm lời, đó là không tính thêm chi phí của nhân công làm thuê. Tôm to nhất chợ, một kí chỉ được 18 con, giá cũng thay đổi tùy hàng từ 360 ngàn đến 260 ngàn đồng, chênh lệch 100.000 đồng ! Một túi nhỏ tỏi bằm có mười ngàn đồng tôi ăn cả tháng không hết. Một hôm, tôi vui miệng kể cho ông taxi nghe chuyện giá cả ở chợ, ông ta cũng cười, khen tôi là “thảo” vì tôi biết là quá giá nhưng vẫn mua để ủng hộ bà con.
Nhưng sau cả tháng đi chợ tự do, tôi phải lánh vào….siêu thị, giá cả ổn định hơn, bù lại thì không có người bán hàng “giao lưu” với tôi nữa, vô siêu thị thì chỉ việc chọn đồ bỏ vô giỏ rồi ra két tính tiền, đỡ tốn kém hơn, buồn hơn, đi chợ mà chắng nói chuyện với ai một tiếng nào. Buồn như đi siêu thị ở bên Pháp vậy.
Đi chợ trong hẻm cũng rất vui, cái hẻm bề ngang hẹp nên người bán ngồi thành hai dãy, hàng nọ kế hàng kia lộn xộn, hàng thịt heo bên cạnh hàng bánh cuốn, hàng vàng mã bên cạnh hàng xôi chè….tôi đi một lượt rồi vòng lại trở ra đường cái là hai tay xách nặng trĩu, mua đủ thứ. Chợ trong hẻm mà nửa con vịt là hai trăm hai chục ngàn, hai miếng thịt cốt lết heo là 30 ngàn, bít tết bò giá là 380 ngàn một kí, con gà ta 180 ngàn, chỉ có rau cỏ củ quả, gạo, bún, trái cây, bánh mì, các loại bánh, đặc biệt là cá, tôm là rẻ hơn châu Âu.
Điều làm cho tôi ngạc nhiên là giá cà phê bán ở Việt Nam lại đắt ít nhất là gấp đôi so với giá bán trung bình ở châu Âu. Cà phê chồn (thật) giá đến cả mười triệu đồng một kí, loại rẻ tiền thì cà phê pha lẫn với bắp (ngô), đậu và hương liệu tổng hợp (tức là hóa chất).
Chồng tôi nói chuyện ăn uống thì bao giờ cũng vui vẻ, bảo là sắp chết đến nơi mà em còn hà tiện tiền ăn uống, ăn thì có được bao nhiêu đâu là đã no. Thật vậy, mai mốt được lên ngồi trên bàn thờ là có diễm phúc lắm, còn có kẻ thờ phượng mình, lúc ấy thì chỉ còn có hưởng hương hưởng hoa các mâm cỗ cúng như các cụ.
Ngoài Bắc, nổi tiếng thơ mộng và đi vào hình ảnh văn thơ hội họa là những gánh hàng hoa quanh hồ Gươm, hoa để trong thúng mây đèo đằng sau xe đạp, hoa của người cầm trên tay đi rảo khắp 36 phố phường và những gánh, những thúng của những phụ nữ bán quà rong.
Trong miền Nam, người ta tận dụng xe hai bánh và các loại xe thùng làm phương tiện để buôn bán. Tôi thích thú ngắm nhìn sự sáng tạo của người dân để mưu sinh mỗi ngày với những chiếc xe thùng, không biết là ở đâu, xuất hiện từ sáng đến chiều trong các quận nội thành của thành phố, trừ ở quận 1 và quận 3. Từ người bán kẹo, bán súp cua, bán bột chiên, bán chè cho đến những xe hủ tíu mì truyền thống, xe bánh mì, xe bún riêu…cho đến anh bán đĩa nhạc chép lậu…với những phương tiện di động của họ, mỗi người một xe mỗi người một kiểu, làm sống động vỉa hè, họp thành cái chợ chồm hổm, bỗng chốc tan, bỗng chốc họp.
Người giầu có sang trọng thì ăn uống trong những căn phòng riêng có máy lạnh của những nhà hàng tên tuổi, người bình dân thì ngồi vỉa hè ăn uống vui tươi, vô tư, nhộn nhịp, có gió trời, có mưa hắt, tôi vẫn thích ngồi vỉa hè lê la ngắm ông đi qua bà đi lại, để cảm nhận đời sống quanh tôi vẫn bình thản trôi theo dòng thời gian, “không có mợ chợ vẫn đông”. MTT
Commentaires fermés