Hoàng hậu Marie-Antoinette, đáng thương hay đáng trách ?
Hoàng hậu Marie-Antoinette, đáng thương hay đáng trách ? ©Mathilde Tuyết Trần, France 2013
Marie-Antoinette là hoàng hậu cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng trước giai đoạn cách mạng dân chủ Pháp vào thế kỷ 18. Cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp kéo dài từ 1789 cho đến 1804 là một giai đoạn đẫm máu với nhiều xáo trộn xã hội và chính trị. Sự kiện quan trọng nhất là việc thiết lập chính thể cộng hòa đầu tiên của Pháp và lật đổ, bãi bỏ chế độ quân chủ, vương quyền của dòng họ Capétiens, tên gọi theo người sáng lập Hugues Capet (941-996), trị vì nước Pháp đã 8 thế kỷ.
Năm 1804 Napoléon Bonaparte thiết lập lại đế chế, tự xưng Hoàng đế của đế quốc Pháp, với sự chứng kiến của Giáo hoàng Pi VII. ( Cùng thời, vua Gia Long lên ngôi hoàng đế vào năm 1802 sau khi đã thống nhất lãnh thổ từ Bắc chí Nam).
Cuộc đời khởi đầu vương giả với một kết cục thảm khốc của Marie-Antoinette trải qua cơn bão lốc kinh hoàng của cuộc cách mạng dân chủ Pháp (la Révolution Française 1789) là đề tài thường xuyên của báo chí, tiểu thuyết, phim ảnh, nhạc, kịch….
Trong bài viết ngắn này tôi đặt câu hỏi là bà đáng tội nghiệp hay đáng trách. Người dân ghét bà thì chỉ gọi ngắn hơn nữa là “l’autrichienne” trong ngụ ý ám chỉ “chienne” là con chó cái nước Áo. Ngày hôm nay, người dân Pháp còn nhắc đến bà với câu nói nổi tiếng và tiêu biểu “Nếu chúng không có bánh mì để ăn thì chúng ăn bánh brioche !” (Qu’ils mangent de la brioche!) để trách bà là một người sống hoàn toàn xa rời thực tế, xa hoa, phung phí, kiêu ngạo, vô tâm, vô nhân, tuy không có gì chứng minh đó là câu nói của bà, có thể là do người ghét gán vào cửa miệng bà.
Marie-Antoinette là người Áo, con thứ mười lăm của vua Đức Franz I. Stephan von Lothringen và bà công tước Áo cũng là nữ hoàng nước Hung và Böhmen tên là Maria-Theresia, sinh ngày 02.11.1755 trong lâu đài Hofburg tại Wien, Áo. Tên khai sinh của bà là Maria Antonia Josepha Joanna von Habsburg-Lothringen (viết theo tiếng Đức), hay Marie Antoinette Josèphe Jeanne de Habsbourg-Lorraine (viết theo tiếng Pháp), nhưng bà thường được nêu bằng tên ngắn là Marie-Antoinette d’Autriche (Marie-Antoinette nước Áo). Bà sở hữu nhiều tước hiệu như nữ công tước Áo, công chúa đế triều, công chúa vương triều của Hung và Bohême, công chúa kế vị Pháp (dauphine), hoàng hậu nước Pháp và Navarre từ 1774-1792, vương phi chính thức của Louis XVI, vua nước Pháp.
Thời ấy các cuộc hôn nhân của vua chúa đang nắm quyền hành hầu hết là những cuộc hôn nhân được dàn xếp vì lợi ích của cả hai bên, nó phải đem lại một lợi ích nào đó như bảo vệ dòng giống hoàng gia, thêm đất đai lãnh thổ, của cải hay là một liên minh bảo vệ nhau về chính trị hay quân sự. Gia đình các vương triều châu Âu đều có quan hệ hôn nhân chằng chịt với nhau từ đời này sang đời khác. Để thỏa mãn các vấn đề tình cảm khác thì các vua chúa, bà hoàng đều có hầu thiếp, tình nhân…thêm bên cạnh.
Thời niên thiếu, Marie-Antoinette đã được giáo dục kỹ lưỡng với các môn học nhảy múa, diễn kịch, lịch sử, hội họa, đọc và viết, kiến thức chính trị, toán học và ngôn ngữ. Trong chính trị hôn phối châu Âu của mình, các con của nữ hoàng nước Áo đều phải kết hôn với các vương triều khác, hoàng hậu Maria-Theresia cương quyết nối kết hai dòng vua Bourbon (Pháp) và Habsburger (Áo) với nhau bằng hôn phối giữa con gái bà là công chúa Marie-Antoinette và hoàng thái tử Pháp.
Hoàng thái tử Louis XVI, sinh ngày 23.08.1754 trong cung điện Versailles, được kế vị ngai vàng của ông nội Louis XV (1710-1774), vì cha là hoàng thái tử Louis-Ferdinand de France (1729-1765) và cả hai người con trai sinh ra trước đều qua đời sớm. Louis XVI là con trai thứ ba của Louis-Ferdinand de France với bà Marie-Josèphe de Saxe, công chúa con của vua Ba Lan Frédéric-Auguste II.
Sau nhiều cuộc thương thuyết khó khăn, vua Pháp Louis XV đồng ý ký hiệp ước hôn phối vào năm 1769 cho Marie-Antoinette và hoàng thái tử Louis XVI. Từ đó, Marie-Antoinette mới 14 tuổi, phải gấp rút học tiếng Pháp cũng như cách ăn nói, xử thế, phong cách của một hoàng hậu.
Ngày 19.04.1770 hôn lễ được cử hành qua đại diện ở thủ đô Wien, Áo. Kể từ ngày đó cô dâu mang tên Pháp là Marie-Antoinette, và mặc quần áo theo phong cách Pháp. Rồi ngày 21.04.1770 cô gái trẻ Marie-Antoinette từ giã gia đình quê hương bạn bè, ngồi trên một cỗ xe ngựa với đoàn hầu cận kéo vượt đoạn đường dài từ nước Áo sang Pháp để gặp chồng còn chưa biết mặt. Cỗ xe cô dâu đi dọc con sông Danube, qua München, Ausburg, Freiburg/Breisgau rồi vượt biên giới ở Straßburg, được đón rước nghỉ ngơi long trọng ở nhiều nơi.
Ngày 14.05.1770 đoàn xe ngựa của Marie-Antoinette đến Compiègne, nơi cô dâu 15 tuổi được ông nội Louis XV và chú rể Louis XVI đích thân đón tiếp rất linh đình trọng thể. Trên đoạn đường từ Compiègne về Paris, Marie-Antoinette ngồi giữa hai vì vua Pháp trên cỗ xe ngựa hoàng gia. Marie-Antoinette đến nghỉ ngơi tại lâu đài chateau de la Muette nằm trong quận 16 Paris, gần cánh rừng bois de Boulogne, chờ ngày cưới. Đám cưới chính thức của hoàng thái tử Pháp, 16 tuổi, và Marie-Antoinette, 15 tuổi, được tổ chức vào ngày 16.05.1770 ở cung điện Versailles, và kết thúc bằng một lễ hội cho dân chúng vào ngày 30.05.1770.
Đang còn trong tuổi trưởng thành, thiếu tất cả người thân bên cạnh, nên Marie-Antoinette phải một thân một mình làm quen, đối phó với môi trường xa lạ, phức tạp của triều đình Pháp, nhất là với những người có quyền lực, ảnh hưởng chi phối như những bà nhân tình của vua Louis XV, đặc biệt là bà Dubarry. Ngày 10.05.1774 vua Louis XV qua đời sau một cơn bệnh nặng. Louis XVI trở thành vua nước Pháp, Marie-Antoinette lên ngôi hoàng hậu khi mới 19 tuổi.
Còn khá trẻ và trong ý muốn làm đẹp, Marie-Antoinette để ý rất nhiều đến sự xuất hiện của mình, nào là quần áo, kiểu tóc và nhất là nữ trang. Và làm gì để quên thời gian buồn chán đang trôi qua ? Hoàng hậu chơi đánh bài, săn bắn, dạo xe trượt tuyết mùa đông, xem đua ngựa, diễn kịch, nhẩy đầm…. Bà cho tu sửa lại mới lâu đài Trianon, một quà tặng của chồng, làm nơi ở riêng của mình, với một phí tổn khổng lồ 2 triệu bảng.
Trên thực tế, bẩy năm sau đám cưới, vua Louis XVI mới thực hiện bổn phận làm chồng của mình vào ngày 30.08.1777, lúc nhà vua 23 tuổi, và hoàng hậu 22 tuổi. Cả triều đình tụ họp để chứng kiến tận mắt cuộc giao phối giữa vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoine !
Gần một năm sau, cũng vào tháng 8, triều đình thông báo hoàng hậu mang thai đứa con đầu tiên. Ngày 19.12.1778 Marie-Antoinette sinh hạ một bé gái đặt tên là Marie-Thérèse-Charlotte, trong sự thất vọng của nhiều người chỉ muốn có một hoàng thái tử nối ngôi.
Ba năm sau, ngày 22.10.1781 Marie-Antoinette sinh con trai, đặt tên là Louis-Joseph Xavier François, đứa trẻ sơ sinh được phong ngay là quận công Normandie, vua Louis XVI khóc vì mừng rỡ. Ngày 27.03.1785 Marie-Antoinette sinh thêm được một đứa con trai, cũng tên là Louis-Charles. Rồi năm 1786 bà sinh lần cuối, một đứa con gái mang tên Sophie-Beatrice vào ngày 09.07, nhưng cô công chúa này chỉ sống được có 11 tháng. Marie-Antoinette rất buồn, cho vẽ một tấm tranh với cái nôi trống.
Kẻ thù chính của nước Pháp khi ấy, nước Anh và Hòa Lan, tận dụng những “điểm yếu” của bà hoàng hậu, trong mục đích chia rẽ phá hoại mối liên kết Pháp-Áo-Đức, tuyên truyền gây bất lợi cho bà, tạo hình ảnh của bà là người bị dân Pháp trách, ghét thậm tệ. Cho đến khi nổ ra vụ án “chuỗi kim cương” của Marie-Antoinette. Bà bị tố cáo oan ức là đã dùng tiền của quốc gia mua một chuỗi kim cương trị giá 1,6 triệu bảng qua trung gian của Hồng y Rohan. Tuy rằng, vợ chồng La Motte bị kết tội, chính danh là kẻ lường gạt Hồng y Rohan, bà La Motte bị xử án tù và đóng dấu lửa “V” (voleur, ăn cắp) lên vai, ông La Motte thì chạy trốn qua nước Anh với chuỗi kim cương ăn cắp, nhưng danh tiếng của hoàng hậu Marie-Antoinette bị thiêu rụi hoàn toàn trong vụ án này.
Cuộc cách mạng dân chủ Pháp gồm nhiều giai đoạn, đặc biệt trong 10 năm từ 1789 cho đến năm 1799, có nhiều sự kiện đẫm máu đã xảy ra. Đề tài cách mạng dân chủ 1789 rất rộng lớn vì nhiều diễn biến lịch sử khá phức tạp, trong phạm vi bài viết ngắn này tôi chỉ đề cập vài chi tiết để giải thích ảnh hưởng lên số phận của bà hoàng hậu Marie-Antoinette.
Sự kiện đánh dấu nổi bật nhất là việc phá ngục Bastille vào ngày 14.07.1789, và cho đến nay, ngày 14.07 hàng năm là ngày lễ Quốc Khánh của nước Cộng Hòa Pháp với diễn binh long trọng trên đại lộ Champs-Élysées và nhiều hoạt động lễ hội khác kèm theo.
Ngòi nổ của cuộc cách mạng dân chủ Pháp là tình trạng nợ nần của triều đình vua Louis XVI, kế thừa từ triều đình vua Louis XV, mà trong đó có chi phí của các cuộc chiến tranh đã qua như sự tham chiến của Pháp để giúp tướng Washington dành độc lập, xây dựng nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chiến phí rất cao vì những tổn thất nặng nề của hải quân thời ấy, như của hai đạo quân Rochambeau và La Fayette. (Xem Dấu xưa…Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn).
Sự kiện tổng thanh tra tài chánh của vua Louis XVI, ông Jacques Necker, công bố sự thiếu hụt của ngân sách quốc gia năm 1781, thâu 503 triệu bảng, chi 620 triệu bảng, trong đó có 25% là ngân sách quân đội, 19% ngân sách hành chánh và 6% là ngân sách triều đình, làm cho dân chúng phẫn nộ.
Triều đình Louis XVI không thực hiện được cải cách thuế vụ vì sự chống đối của các thành phần ưu đãi, tức là giới quý tộc, lại còn cách chức Jacques Necker. Xã hội Pháp khi ấy gồm có 3 tầng xã hội theo thứ tự: Giới quý tộc, giới tăng lữ, gọi là thành phần ưu đãi có nhiều đặc quyền, và thành phần thứ ba tổng hợp bởi nông dân, công nhân, hành nghề tự do và giới chủ nhân. Trong giới quý tộc lại có sự chia rẽ giữa quý tộc quân đội (noblesse d’épée) và quý tộc do mua quan bán chức mà được mặc áo quý tộc (noblesse de robe).
Dân chúng, đại đa số là nông dân, phải gánh chịu gánh nặng thâu thuế của triều đình. Và không có gì nguy hiểm cho một quốc gia là đa số dân chúng bị đói kém. Giữa năm 1789 giá bánh mì tăng gấp ba, dân chúng thiếu ăn vì vật giá các loại tăng cao, nhiều đoàn người ăn xin kéo nhau đi lê lết khắp nơi. Sự bất mãn của dân chúng còn trải rộng trên các lãnh vực thương mại, giáo dục vì thương mại là để đem đến sự giầu có, và giáo dục là để đem đến kiến thức, để leo nấc thang uy quyền danh vọng trong xã hội.
Dân chúng muốn chống lại sự áp bức của guồng máy hành chánh chặt chẽ, và chống lại sự chiếm hữu đất đai rộng lớn của thành phần ưu đãi, quý tộc vùng, quý tộc nhà quê. Thành phần trưởng giả, có tài sản tiền bạc, cũng có tham vọng tham gia vào guồng máy quyền lực. Vào thời điểm này thì lòng dân đã chín mùi cho một cuộc nổi dậy vũ trang, mà mục đích tấn công đầu tiên là nhà ngục Bastille Saint-Antoine, biểu tượng cho uy quyền của triều đình quân chủ Louis XVI.
Khoảng năm ngàn dân tấn công phá ngục Bastille vào đêm 13.07.1789, với sự trợ giúp của một số tướng lãnh đã kéo mấy cỗ đại bác đến trước ngục Bastille, viên quản lý ngục Bastille là hầu tước Bernard-René Jordan de Launay đầu hàng, bị giết chết, đầu bị cắm trên cọc nêu, phơi làm gương. Nhà ngục Bastille, xây như một chiến thành từ năm 1370 cho đến năm 1383, bị phá vỡ hoàn toàn ngay sau ngày 15.07.1789 đó, ngày nay, trên nền cũ của nhà ngục là quảng trường La Bastille còn những hàng gạch đá trắng bị lửa đốt cháy đỏ hồng đánh dấu vị trí của nhà ngục.
Trong hai tháng “sợ hãi khủng khiếp” (la Grand Peur) 7-8/1789 nông dân nổi lên ở nhiều khu vực, tấn công các lâu đài và nhà thờ, tu viện, cướp bóc, giết chóc, tàn phá, đốt cháy thư viện, văn khố, chặt đầu xẻo mũi cắt tai luôn cả các tượng đá, cắt bỏ từng trang sách có hình ảnh vua chúa và giới tăng lữ.
Tầng lớp nông dân là tầng lớp nòng cốt của cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nhưng tầng lớp trí thức, dưới ảnh hưởng tư tưởng của Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Diderot, đặc biệt là giới luật gia, lãnh đạo tinh thần cho cuộc cách mạng. Bản tuyên ngôn nhân quyền của cách mạng dân chủ 1789 do khoảng 100 dân biểu thuộc thành phần thứ ba soạn thảo ra đời vào ngày 26.08.1789. Phụ nữ trí thức cũng nổi dậy có vũ trang đòi quyền bình đẳng với nam giới, theo đòi hỏi bình đẳng của bà Olympe de Gouges vào năm 1791.
Vua Louis XVI đứng trước một áp lực lớn chưa từng thấy, tập hợp bởi nông dân, phụ nữ, quân đội, trí thức, trưởng giả, ngay cả nhà thờ, trước đây vẫn là bạn đồng hành trung thành nhất với vương quyền, cũng đổi trận tuyến, đứng về phía cách mạng dân chủ. Sau nhiều biến động, vua Louis bị bức phải rời cung điện Versailles để về Paris, và phải chấp nhận nhiều thay đổi, cải cách về tổ chức chính trị, tư pháp như bầu cử, quy định xử án, tài chánh, thành lập các cơ cấu bảo đảm dân chủ như quốc hội (Assemblée nationale), tòa phúc thẩm (kháng án), tòa án tối cao…
Đang trong thời kỳ cao điểm của cuộc cách mạng dân chủ thì hoàng thái tử Louis-Joseph, con trai đầu tiên của Marie-Antoinette qua đời ngày 03.06.1789, chỉ mới được 8 tuổi. Đứa con trai thứ hai của Marie-Antoinette lên kế vị hoàng thái tử, tức là Louis XVII.
Bị quản thúc ở Paris từ tháng 10.1789, vua Louis XVI bèn tổ chức lén lút một cuộc chạy trốn với gia đình, giả làm gia đình thợ làm bánh mì. Họ trốn thoát được Versailles và Paris vào ngày 20.06.1791, nhưng đến Varennes-en-Argonne, thuộc vùng sông Meuse, Lorraine, gần biên giới Đức, Bỉ, thì bị một người hầu cận cũ nhận diện, bị bắt lại và giải về Paris chiều ngày 25.06.1791 và bị canh giữ cẩn thận. Từ đó, vấn đề hạ bệ vua Louis XVI được đặt ra.
Vào tháng 2 .1791 Marie-Antoinette viết thư cầu cứu anh trai là vua Leopold II với liên minh quân sự Áo-Hòa Lan, cứu hoàng gia Pháp, bảo vệ nền quân chủ và chống lại cuộc cách mạng dân chủ. Nhưng Leopold II chưa kịp có phương án gì thì qua đời vào đầu tháng 3.1792.
Ngày 20.04.1792 Pháp tuyên chiến với nước Áo. Bốn tháng sau, vua Louis XVI bị tước quyền lực và cả gia đình bị giam giữ ở Temple. Một tháng sau, trong phiên họp đầu tiên vào ngày 21.09.1792 quốc hội lập hiến (Assemblée législative) tuyên bố bãi bỏ vương quyền Pháp, thành lập chính thể cộng hòa.
Vua Louis, chỉ còn được gọi là ông Louis Capet, bị đưa ra xét xử về tội phản quốc và ngày 21.01.1793 bị chém đầu tại quảng trường La Concorde, Paris. Trước đó người bạn gái thân cận nhất của Marie-Antoinette, bà công chúa de Lamballe, bị chém đầu cắm vào ngọn dáo, đưa đi diễu khắp nơi.
Sau đó Marie-Antoinette bị xa cách con, hoàng thái tử Louis XVII, mới 8 tuổi, bị đưa đi biệt giam. Rồi, chỉ sau hai ngày bị đưa ra tòa xét xử, cũng về tội phản quốc, hoàng hậu Marie-Antoinette, 38 tuổi, chỉ còn được gọi là “góa phụ Capet”, bị đưa lên máy chém tại quảng trường La Concorde ngày 16.10.1973.
Xác của bà, cái đầu đặt giữa hai chân, bị vất bỏ trong một cái hố chung ở commune de la Madeleine, đường Anjou-Saint-Honoré, cũng là nơi vất xác của Louis XVI, ngày nay là đền thờ nằm trên quảng trường Louis XVI (square Louis XVI) thuộc quận 8, Paris.
Tương truyền, đêm trước ngày lên máy chém, tóc của bà đổi màu trở thành bạc trắng toát, nên hiện tượng bạc tóc cấp tính này mang tên “hiện tượng Marie-Antoinette”. Khi bước lên máy chém, Marie-Antoinette đánh rớt một chiếc giầy, có người nhặt được, hiện nay chiếc giầy này được trưng bày trong bảo tàng của thành phố Caen.
Theo kích thước của giầy và áo còn lại, hoàng hậu Marie-Antoinette nhỏ nhắn, xinh xắn, chỉ cao khoảng 1, 63 mét, vòng ngực 103 cm, vòng eo 58 cm, đi giầy số 36 (theo kích thước hiện tại). Con trai thứ hai của Marie-Antoinette là vua Louis XVII chết trong ngục ngày 08.06.1795, lúc 10 tuổi. Chỉ có người con gái đầu, công chúa Marie-Thérèse-Charlotte (còn được gọi là Madame Royale) là sống sót qua khỏi cuộc cách mạng đẫm máu (1778-1851), nhưng tuyệt tự.
Marie-Antoinette được sử sách, chính sử và ngoại sử, đề cập đến nhiều, vì có những quy tội, kết án bà, chỉ vì bà mới châm dầu ngọn lửa cho cuộc cách mạng. Sự thật, những nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng dân chủ Pháp xuất phát từ những diễn biến xã hội chính trị kinh tế sâu xa và rộng lớn. Người đương thời khai thác một hình ảnh tiêu cực về Marie-Antoinette để hâm nóng lòng hận thù gia đình hoàng gia trực tiếp, đồng thời hận thù oán ghét chế độ quân chủ chuyên chế, một đòn chiến tranh tâm lý để thúc đẩy dân chúng nổi dậy.
Marie-Antoinette sinh ra và lớn lên là công chúa, lấy chồng là vua Pháp, trở thành hoàng hậu Pháp, sống một đời sống hoàn toàn xa rời thực tế, và không phải là một người có được hạnh phúc cá nhân, cuộc đời bà xẩy ra đúng vào buổi giao thời giữa hai nền chính trị hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các nhà sử gia tìm ra và đưa ra vài điểm tích cực của bà, như bài báo mới đây, ngày 27.05.2013 trên tạp chí Le Point, diễn tả bà là người chú ý đến môi trường sống, tìm nguồn nước sạch, cho xây dựng nơi ở riêng (le hameau de la reine) ngay trong khu vực cung điện Versailles như một trang trại nhà nông với mái rơm, hành lang bằng gỗ, giếng đào, ao thả cá, đặt tổ ong, nuôi chim bồ câu, dê, bò sữa…, nơi bà về ở ẩn, mặc quần áo như một phụ nữ nhà nông, trốn lánh triều đình rắc rối nhiều chuyện. Chính bà đã ủng hộ cho giám mục Bá Đa Lộc được ký hiệp ước tiếp viện cho chúa Nguyễn Phúc Ánh thời ấy.
…Mặc dù thất vọng vì không thuyết phục được Nguyễn Phúc Ánh theo đạo, nhưng trước tình hình nhà Tây Sơn cấm đạo nghiêm ngặt, và để cạnh tranh ảnh hưởng với các nhà truyền giáo đến từ Anh, Bồ Đào Nha, Hòa Lan – nhất là ngăn chặn sự phát triển của nhánh đạo Tin Lành (protestants) – cho nên Bá Đa Lộc tiếp tục giúp đỡ quân Nguyễn Phúc Ánh qua cơn ngặt nghèo và đề nghị Nguyễn Phúc Ánh xin trợ giúp của triều đình Pháp. Dẫu sao, thái độ ôn hòa của Nguyễn Phúc Ánh đối với Bá Đa Lộc và công việc truyền đạo của các giáo sĩ gây niềm hy vọng cho sự bành trướng đạo Thiên Chúa lâu dài ở Việt Nam.
Nguyễn Phúc Ánh ưng thuận gởi Bá Đa Lộc làm sứ giả qua Pháp xin cầu viện và để làm tin, Nguyễn Phúc Ánh giao cho Bá Đa Lộc một dấu ấn của vương triều chúa Nguyễn và đem theo Hoàng tử Cảnh, Nguyễn Phúc Cảnh, năm tuổi rưỡi, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1780 tại Gia Định, con của Nguyễn Phúc Ánh và bà chánh thất Tống thị Lan, vợ thứ nhất, con gái quan Chưởng doanh Tống Phúc Khuông (sau được truy phong là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu).
Bá Đa Lộc, khi ấy 44 tuổi, khởi hành cùng với Hoàng tử Cảnh và đoàn tùy tùng. Nguyễn Vương cho Nguyễn văn Liêm (Khiêm Quan Hầu) và Phạm văn Chơn (Long Chánh Hầu) theo phò tá Hoàng tử Cảnh. Cùng đi có cả giáo sĩ Paul Nghị.
Ngày giờ khởi hành chính xác của Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh không được ghi chép rõ ràng, nên theo Cadière phỏng đoán thì đó là ngày 25 tháng 11 năm 1784, lên thuyền tại đảo Poulo Panjang (tên Mã Lai), có nghĩa là cả đoàn đã rời đất liền, lên thuyền nhỏ để ra đến tận đảo này chờ lên thuyền lớn. Tôi tưởng tượng một cảnh như trong phim, mọi người, từ thuyền nhỏ, leo từng bậc lên cầu thang giây dọc theo sườn thuyền để lên trên. Chú bé Hoàng tử Cảnh chắc phải được cõng trên lưng một người cận vệ khỏe mạnh leo lên thuyền.
Đảo Poulo Panjang này có tên Việt là đảo Thổ Chu, hay còn gọi là Thổ Châu, đảo lớn nhất của quần đảo cùng tên Thổ Châu gồm có tám đảo, điểm cao nhất trong quần đảo là 167m, nằm trong vịnh Thái Lan, cách cửa sông Ông Đốc, Cà Mau, khoảng 200 km, hay 125 dặm Anh, về hướng Tây, cách đảo Phú Quốc 100 km về phía Tây Nam, cách thành phố Rạch Giá khoảng 192 cây số. Về hành chánh Thổ Chu xã đảo nay thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, khá lớn, diện tích khoảng gần 40 cây số vuông, không những rất tốt để trú ẩn ngoài biển khơi, dùng làm trạm liên lạc với các thuyền lớn, còn có thể làm nơi định cư lâu dài được. Biển và rừng trên đảo là nguồn lợi sinh sống của người dân đảo Thổ Chu.
Theo tin mới hiện nay thì các đảo lớn mang tên Hòn Cao Cát, Hòn Mô, Hòn Cao, Hòn Từ, Hòn Nước, Hòn Keo Ngựa, đặc biệt có Hòn Nhạn được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở dùng để xác định lãnh hải Việt Nam.
Rừng trên các đảo còn tốt, chưa hề bị tàn phá, có ít nhất là hai trăm loại thực vật khác biệt. Thời tiết ở đây mưa ít, nắng nhiều, vào mùa khô ở những khu vực có độ cao thường hay thiếu nước.
Quanh đảo có nhiều rạn san hô gặp phổ biến trong vùng, đã xác định được tất cả 99 loài san hô. Các rạn san hô trong khu bảo tồn biển là nơi làm tổ lý tưởng đối với các loài rùa biển đang bị đe dọa trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các thảm cỏ biển tại khu vực là nơi kiếm ăn quan trọng của các loài rùa biển. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây các loài rùa đến đây làm tổ đã giảm đáng kể, hiện chỉ có một vài tổ rùa được ghi nhận. Hiện nay mỗi tuần có một chuyến tàu sắt từ Rạch Giá-Phú Quốc ra Thổ Châu và ngược lại. Gần đây, đảo Thổ Châu đã có sóng truyền hình và sóng di động. Khu vực đảo Thổ Châu hiện nay được quân đội đảm nhiệm gìn giữ.
Tuy nhiên ngày Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đặt chân lên đảo Malacca (Mã Lai) thì được ghi chép chính xác vào ngày 19 tháng 12 năm 1784, từ đó ông đi tiếp tục lên thuyền đi Pondichéry, và đến Pondichéry vào tháng 2 năm 1785.
Nhưng khi đến Pondichéry (Ấn Độ) rồi, Bá Đa Lộc gặp nhiều khó khăn. Hai nhân vật quan trọng tại thuộc địa Pondichéry là Tử tước de Souillac (vicomte de Souillac) và viên quan Tổng trấn de Coutenceau bác bỏ ý định của Bá Đa Lộc vói lý lẽ rằng, ý đồ xin cầu viện của Bá Đa Lộc trong thời điểm này là vô ích, triều đình nước Pháp đang muốn bỏ rơi các vùng thuộc địa tại Ấn Độ Dương cho quân Anh, đứng về mặt lực lượng quân sự thì đánh không lại một hải quân Anh quá hùng hậu, nước Pháp đang thở phào nhẹ nhõm vì không còn gánh nặng ở Canada nữa, triều đình Pháp sẽ không muốn mở thêm mặt trận mới, có thêm gánh nặng mới. Các viên chức Pháp đang trấn đóng ở Pondichéry không muốn mất đầu, nên có thái độ rất cẩn thận….
Bá Đa Lộc biết không trông mong gì được vào sự trợ giúp của hai người, de Souillac và de Coutenceau, ông viết nhiều thơ gởi Hội Thừa Sai và triều đình ở Paris. Tinh thần bị lung lạc, Bá Đa Lộc suy tính đến việc chỉ gởi Hoàng tử Cảnh cùng các cận thần và thông dịch viên về Paris, chuyển giao dự án cho Hội Thừa Sai thực hiện.
May sao Bá Đa Lộc tìm được những tiếng nói có thế lực giúp đỡ, cho rằng ông không vượt quá phạm vi truyền giáo, và tuy Nguyễn Phúc Ánh là người ngoại đạo, nhưng tình thân giữa hai người là đảm bảo cho sự thành công của dự án. Hội Thừa Sai chuyển thơ của Bá Đa Lộc về Giáo hoàng ở Rom. Sự kiện này đem đến kết quả tốt đẹp cho Bá Đa Lộc. Hai viên quan, de Souillac và de Coutenceau bị thay thế. Đại úy hải quân d‘Entrecasteaux thay thế de Souillac, và ông Charpentier de Cossigny thay thế de Coutenceau.
Cả hai quan mới đều đồng ý với dự án của Bá Đa Lộc, cùng đề nghị Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh cấp tốc lên thuyền đi Paris, không đòi phí tổn, trên một chiếc thuyền buôn mang tên le Malabar, khởi hành từ Pondichéry vào tháng 7 năm 1786. Còn hai ông thì ra lệnh cho Joseph de Richery làm thuyền trưởng chiến thuyền mang tên Le marquis de Castries, có đại úy de Berneron trợ tá, lên đường trinh sát vùng biển Cochinchine, tìm cách liên lạc với Nguyễn Phúc Ánh, và nếu cần thiết thì đem luôn Nguyễn Phúc Ánh về Pondichéry. Như thế Bá Đa Lộc mất tổng cộng khoảng mười tám tháng trường chờ đợi ở Pondichery, mới tiếp tục đi Pháp được.
Ông và Hoàng tử Cảnh cập bến Lorient vào tháng 2 năm 1787. Đoạn đường đi mất đúng hai năm, đủ thấy ông và Hoàng tử Cảnh cực nhọc rất nhiều.
Từ cảng Lorient, ngày 05 tháng hai năm 1787 Bá Đa Lộc viết thơ cho Bộ trưởng Bộ Hải Quân, Thống tướng de Castries, xin trình bầy vấn đề và yết kiến vua Louis XVI. Lá thơ trả lời của Thống tướng de Castries ngắn ngủi, lạnh lùng, cho biết rằng ông đã nhận được hai lá thơ của Bá Đa Lộc gởi từ Pondichery ngày 08 tháng 7 năm 1785, từ l‘île de France (hiện nay là đảo Mauritius trong Ấn Độ Dương, cách Madagascar khoảng 900 cây số đường biển) ngày 08 tháng 9 năm 1786, và cho phép Bá Đa Lộc cùng Hoàng tử Cảnh và đoàn tùy tùng về Paris, nhưng giao cho Hội Thừa Sai tiếp đón. Tướng de Castries lạnh lùng vì trách móc Bá Đa Lộc, khi đem Hoàng tử Cảnh đến Pháp, tức là đặt triều đình Pháp trước một sự kiện đã rồi, và không muốn tiếp đón Hoàng tử Cảnh theo vương lễ, nên đùn công việc tiếp đón cho Hội Thừa Sai Paris. Tại đây, phái đoàn Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh được các viên chức của Hội Thừa Sai đón tiếp rất niềm nở, vui mừng.
Trong khi đó, nhờ sự trung gian của giáo sĩ Paul Nghị, bôn ba nhiều lần đi về giữa Việt Nam và Pondichery để chuyển giao thơ từ, súng đạn, dụng cụ, vật liệu, hành lý, cũng như sự giúp đỡ của Charpentier de Cossigny, toàn quyền Pondichéry (người thay thế Coutenceau), gởi thuyền trưởng de Richery và de Berneron, chỉ huy chiến thuyền le Marquis de Castries lên đường đi Cochinchine, mà Nguyễn Phúc Ánh nhận được tin tức của Bá Đa Lộc. Giáo sĩ Paul Nghị và mười ba tùy tùng được de Richery và de Berneron đem đến đảo Poulo-Panjan (đảo Thổ Châu) vào ngày 01 tháng 9 năm 1786, cùng với lương thực đủ sống cho ba tháng, súng đạn, vật liệu, hành lý.
Nhưng vì nhiều sự hiểu lầm của de Richery và de Berneron, và thiếu phương tiện liên lạc khẩn cấp giữa ba người giáo sĩ Paul Nghị, Nguyễn Phúc Ánh và Bá Đa Lộc, mà dự kiến đem Nguyễn Phúc Ánh và gia đình về Pondichéry không được thực hiện. Nhiều bộ trưởng của triều đình Louis XVI chống lại một sự can thiệp ở Đông Dương, nhưng các nhân vật quan trọng Công giáo ủng hộ đề nghị của Bá Đa Lộc. Nhờ có sự giúp đỡ của ba nhân vật quan trọng trong triều đình, linh mục Vermont, thầy học cũ của nữ hoàng Marie-Antoinette, Giám mục địa phận Narbonne Dillon, và Loménie de Brienne, Giám mục Toulouse, vừa được bổ nhiệm tổng thanh tra tài chánh, và cả nữ hoàng Marie-Antoinette mà Bá Đa Lộc được gặp vua Louis XVI.
Tương truyền, nữ hoàng Marie-Antoinette đã cho may triều phục mới cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, và cho vẽ tranh cậu hoàng tử nhà Nguyễn.
Buổi gặp gỡ này được diễn ra vào ngày 5 hay 6 tháng 5 năm 1787, trước sự hiện diện của Bá tước de Montmorin, Thống tướng de Castries và một vài nhân vật quan trọng của triều đình. Bá Đa Lộc trình bày tình hình Đông Dương và những quyền lợi về kinh tế thương mại, vật chất, cũng như về việc truyền đạo Thiên chúa qua sự thuận tình của nhà Nguyễn. Thống tướng de Castries nhận trách nhiệm làm một bản báo cáo chi tiết về các nhu cầu của Bá Đa Lộc. (Trích Dấu xưa…Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, Mathilde Tuyết Trần, France 2010)
Chính ngay ngày hôm nay, khi xem trên truyền hình các đám cưới, lễ đăng quang của các công chúa hoàng tử vua chúa của những vương triều đang còn ngự trị như ở Anh, Hòa Lan, Thụy Điển…vừa qua, một thành phần dân chúng còn hoa mắt bởi những hào nhoáng xa hoa quá mức, say sưa bởi những chức tước, huân chương, thích thú bởi những cỗ xe ngựa dát vàng nệm nhung, những đoàn ngự lâm quân oai nghi sang trọng, những cung điện, những vườn hoa mênh mông…mà quên tự hỏi rằng những gia đình vương giả ấy sống xa hoa tột độ bằng những tài sản kếch xù vì đâu và nhờ đâu. Sau này, khi Napoléon tự xưng hoàng đế (empereur), thiết lập trở lại chính thể quân chủ tại Pháp (1804), thì cũng có ngôi hoàng hậu trở lại, nhưng các bà hoàng hậu sau chỉ sống một đời vương giả, không đáng cho hậu thế chú ý. MTT
Commentaires fermés