Aller au contenu principal

Thời gian qua mau ở trường Pétrus Ký

5. Mai 2019

Thời gian qua mau ở trường Pétrus Ký – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Lời yêu cầu viết một bài về sự thay đổi về kiến trúc của trường Pétrus Ký đến với tôi thật là bất ngờ và “phũ phàng” đưa tôi trở về với kỷ niệm thời trung học, ôi, biết bao nhiêu là mộng mơ, biết bao nhiêu là kỷ niệm đẹp. Chắc người đưa ra yêu cầu vì một tấm ảnh bưu thiếp cũ cách đây đã gần 100 năm không thể tưởng tượng được ra điều ấy. Tôi có dịp so sánh sự thay đổi với thời gian của trường Pétrus Ký, quả là một tốc độ nhanh so với gần 100 năm của giai đoạn hiện tại đối với quá khứ. Trường Petrus Ký ngày xưa nay đã đổi tên là trường Lê Hồng Phong.

Trường Gia Long cũ cũng đã đổi tên thành trường Nguyễn thị Minh Khai và có những thay đổi, nhưng còn giữ được hầu như toàn vẹn khuôn viên trường và những ngôi nhà mới xây mới tu sửa, thể hiện vẻ bề thế, sang trọng, uy nghiêm của trường giữa lòng một thành phố lớn nhất nhì đất nước.

Hồi đó, các trường công lập nổi tiếng nhất dành cho con trai theo chương trình chủ yếu tiếng Việt có hai sinh ngữ Pháp, Anh là trường Chu Văn An, Võ Trường Toản, Pétrus Ký. Bên con gái thì có các trường công lập là Trưng Vương, Gia Long và Lê Văn Duyệt.

Tuổi học trò đã biết “yêu” – bây giờ thì tôi kêu trời khi nghĩ lại, vì hồi đó đâu có biết yêu là gì trên thực tế, chỉ là một sự lãng mạn trong tâm trí viển vông với những cánh thư xanh dài dòng văn vẻ, với những tấm ảnh căn cước gửi trộm chẳng dám ký tên – thì ghép đôi, trường Chu Văn An với trường Trưng Vương, vì hai trường đều là Bắc di cư vào Nam năm 1954, trường Gia Long với trường Pétrus Ký, còn trường Võ Trường Toản với trường Lê Văn Duyệt.

Cơ hội để gặp nhau thì hiếm lắm, mỗi niên khóa có một lần một, đó là dịp được vào khuôn viên trường của nhau để bán báo Xuân, mà phải là người của Ban Báo Chí đại diện trường mới được đi bán báo, đứng bán báo. Bây giờ nhớ lại thấy tức cười, sao mà hồi xưa mình ngây thơ đến khiếp, sợ gặp nhau, trông thấy nhau, “anh” nhìn “em” rồi thì em có bầu, vậy mà cũng tranh nhau đi bán báo trường bạn, hoặc đón phái đoàn báo chí của trường bạn. Những năm được viết báo Xuân cho trường, tham gia vào ban Báo chí, là những hoạt động bên lề việc học, cũng như tham dự những cuộc tranh giải thể thao như bơi lội, đánh bóng, hay văn nghệ văn gừng múa hát…được nhiều học trò trai gái đều ưa thích, thầy cô đều khuyến khích những hoạt động lành mạnh mà bổ ích như thế. Như cơ duyên của tôi, hay là cái nghiệp, tập tễnh viết báo từ năm mười bốn tuổi đến giờ chưa nghỉ ngơi.

Tôi còn nhớ như in cái cảm giác bồi hồi khi lần đầu tiên về thăm nhà đi ngang qua trường cũ. Lưu luyến đến chảy cả nước mắt. Rồi cứ như là một thói quen, tôi thích nhìn trường học, nhìn sân trường đầy ắp học sinh, nhìn bộ đồng phục, nhìn các em vui đùa, nhìn thế hệ trẻ đang cắp sách đến trường, có một tương lai rộng mở. Tiếng cười nói ồn ào như ong vỡ tổ, tiếng trống nhập học, tiếng chuông tan giờ, tiếng hát quốc ca, cả sự vắng lặng của sân trường khi các em về nhà….những tiếng động ấy là những tiếng động của một đời sống đáng quý đáng yêu. Thế hệ 40x, 50x của chúng tôi đang như ngọn đèn dầu khi tỏ khi mờ không biết tắt lúc nào, bây giờ đã đến thế hệ 20x, 21x rồi, đúng là tuổi trẻ là tương lai của một dân tộc, vậy thì phải học cho giỏi, không hơn người thì cũng ráng bằng người. Tuổi đi học là quãng đời đẹp nhất của một đời, không phải lo gì cả cơm áo gạo tiền, chỉ phải lo học, có cha mẹ nuôi nấng, thầy cô dạy dỗ, xã hội đùm bọc.

Nghe nói các em thế hệ trẻ bây giờ hầu hết là những sinh viên Việt Nam xuất sắc trong các đại học tại nước ngoài như Đức, Pháp, em nào chỉ được điểm 1 (rất giỏi) đều không hài lòng với kết quả, các em “phải” đạt điểm Ưu hay Tối Ưu thì mới vừa ý, tôi vừa ngạc nhiên vừa khâm phục tài sức của các em, tương lai đang nằm trong tay các em!

Trường Pétrus Ký được Pháp xây dựng năm 1925, kiến trúc sư Hebrard de Villeneuve nhận trách nhiệm xây trường. Trước đó, trường trung học đệ nhất cấp Collège Chasseloup-Laubat được mở năm 1874 và trường nữ trung học đầu tiên Collège de Jeunes Filles Indigènes, tiền thân của trường nữ trung học Gia Long, tức trường Áo Tím (bây giờ đổi tên lại là Nguyễn thị Minh Khai) được mở ra từ năm 1915 ở miền Nam. Các trường Collège có 4 lớp, học trò học 4 năm rồi thi lấy bằng Thành chung tức là bằng Diplôme d’Etude Primaỉre Supérieur Franco-Indigène.

Trường Pétrus Ký là trường thứ ba do người Pháp thành lập, nhưng được chính thức có tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, tức là gồm cả đệ nhị cấp. Thời đó, bậc trung học được chia theo hệ thống giáo dục của Pháp gồm có đệ nhất cấp 4 năm, đệ nhị cấp 3 năm để thi lấy bằng Tú tài 1 và Tú tài 2 (Tú tài toàn phần, Certificat de Fin d’Etudes Secondaires Franco-Indigènes) hoặc thêm bằng Tú tài Pháp. Niên học đầu tiên của trường Petrus Ký là 1928-1929, đến nay đã 90 năm.

Như các trường công lập nổi danh , học trò đã đậu bằng Tiểu học rồi lại phải thi tuyển nhập học thêm. Tôi đã là một thất vọng cho nhà trường tôi khi đậu thi tuyển không được hạng nhất mà chỉ đứng thứ hạng 28 trên con số khoảng 400 học trò thi đậu (8 lớp đệ thất mới) ! Áp lực của việc “phải học giỏi” là một gánh nặng cho những đứa trẻ mới lên mười phải thi hai kỳ thi liên tiếp, thi bằng Tiểu học và thi tuyển vào trung học. Sau này ở bậc trung học cô giáo cũng phê tôi “học lực không đều” chỉ vì tôi bị nhiều điều khác chi phối vì học thêm sinh ngữ, vẽ, nhạc…và cô quở rằng tôi không bao giờ thành tài ở nước ngoài cả !

Cũng như trường nữ Gia Long sở hữu một diện tích rộng lớn là hơn 23.000 mét vuông, trường Pétrus Ký được người Pháp quy hoạch năm 1925 trên một khoảng đất rộng lớn gồm 8 mẫu ở khu vực Chợ Quán, tiếp giáp đường Trần Bình Trọng, đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ), đường Thành Thái (nay là An Dương Vương) và đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú).

Bây giờ theo thời gian, phần đất này đã được chia năm xẻ bẩy, lổn nhổn những nóc nhà xây trong nhiều giai đoạn đan xen với nhau không còn một lỗ trống, gồm có mấy trường đại học, một trường trung học mới tinh, nhiều nhà tư nhân, cả một hệ thống thể thao to lớn mới được xây dựng bên cạnh hồ bơi Lam Sơn với hai sân đá banh và một nhà thi đấu vận động trường, một cái siêu thị, một cái chung cư đồ sộ mới mọc…chứng tỏ con người cần đất để sống và giá nhà đất ở thành phố này xoáy lên cao đến chóng mặt, không gian của ngôi trường Lê Hồng Phong bị thu nhỏ lại. Cả một khu phố rất ồn ào, nhộn nhịp, tươi vui với những trường học đầy nhóc học trò ra vào và những quán ăn đủ mọi túi tiền cho mọi thành phần trẻ già lớn bé giầu nghèo. Có nhiều trường, có nhiều học trò, có nhiều thầy cô, như vậy là cũng đúng ước nguyện trước đây cả trăm năm của nhà giáo Pétrus Ký đấy chứ. Tuy vậy những nóc nhà cổ thời Pháp với mái ngói đỏ vẫn dễ nhận ra, và cả cái bồn nước, vẫn nguyên trạng đứng đấy sừng sững bên cạnh hồ bơi Lam Sơn làm chứng tích lịch sử. Hy vọng nó sẽ không bị phá hủy !

Ở gần khuôn viên trường Pétrus Ký cũ, phía bên kia đường An Dương Vương, góc ngã tư Trần Bình Trọng/Trần Hưng Đạo thuộc quận 5, TP HCM, còn có nhà thờ Chợ Quán, tu viện các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, cạnh đó là lăng mộ Petrus Ký với dòng chữ nhắn nhủ đời sau bằng tiếng La tinh “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (Tri thức là nguồn sống cho những ai sở hữu nó) và ngôi nhà cuối cùng của ông xây dựng từ năm 1886 giờ đây cũng đã 133 năm tuổi là nơi thờ tự, bây giờ đã trở thành một hàng quán ăn uống và xe hai bánh gửi đầy trong sân, ngay cả trên các nấm mồ người ta cất nhà để ở, tất cả đều ngập chìm trong dòng người, dòng xe chảy qua mỗi ngày của đời sống hiện tại. Nhìn tấm ảnh ngôi nhà nề nếp nghiêm trang thuở xưa, so sánh với tình cảnh hiện nay, tôi không khỏi buồn vì tất cả vật chất trên thế gian này đều là vay mượn, có giữ được cho hôm nay và cho mai sau đâu ? MTT

Trường Pétrus Ký khi được Pháp quy hoạch

và bây giờ, năm 2019 …thời gian thay đổi nhiều…Photo: MTT2019

Nhà ở của Pétrus Trương Vĩnh Ký lúc sinh thời…

Ngôi nhà xưa của Pétrus Ký ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng thuộc khu vực Chợ Quán cũ, bên phải là quán ăn, bên trái là chỗ để xe, cạnh lăng mộ gia đình. Photo: MTT2019

Trên một góc cạnh lăng mộ của Pétrus Kỳ còn có ghi hàng chữ bằng tiếng La Tinh “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch Hỡi những bạn hữu của tôi xin hãy thương xót tôi). Tiếc là chung quanh lăng mộ của ông đã thành bãi đậu xe có trả tiền. Photo: MTT2019

Nhà thờ Chợ Quán trong mùa Noel 2018, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Photo: MTT2019

Commentaires fermés