Aller au contenu principal

Sách mới: Vua Duy Tân, Prince d’Annam Vinh San. Duyên nghiệp 29 năm lưu đày, 1916-1945, trên đảo La Réunion. ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

9. avril 2021

Ngày phát hành chính thức: 20.04.2021

Đặt sách : info@mttuyet.com

Sách mới: Vua Duy Tân, Prince d’ Annam Vinh San. Duyên nghiệp 29 năm lưu đày, 1916-1945, trên đảo La Réunion. ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Về vua Duy Tân, các tác giả tiền bối đã viết nhiều, nhất là giai đoạn trước năm 1916, trước khi vua Duy Tân lên đường đi đày. Các cụ có nhiều lợi thế, vì biết chữ Hán và gửi người ở Pháp, sang Pháp lục lọi trong văn khố, tìm tư liệu rồi dịch ra tiếng Việt, công ấy nhiều lắm. Tôi chỉ có cái lợi thế là tôi thuộc lớp đàn em, lại sống ở Pháp, biết cảnh biết người, đặt những điều mình viết vào hoàn cảnh sống thực tế. Con tôi cũng hỏi, tại sao tôi lại quan tâm đến một ông vua trong quá khứ. Có điều gì đó thôi thúc tôi viết về vua Duy Tân, ngoài những yêu cầu của một vài báo chí trong nước. Sức không đóng góp được kiến thức về khoa học kỹ thuật cho đời, tôi mạo muội viết một cuốn sách theo tinh thần Nguyễn Du « Mua vui cũng được một vài trống canh » để truyền đạt đến độc giả những gì tôi biết về vua Duy Tân, hầu lấp một vài chỗ trống trong cuộc đời ngoại lệ một vị vua triều Nguyễn. Người ta hay nói, phụ nữ hay thiên về tình cảm, tay viết của tôi cũng không thoát khỏi định kiến ấy, sự phán xét cuối cùng tất nhiên là quyền của độc giả.

Kẻ thù và bè bạn

Đặt vua Duy Tân vào vị trí của nhà vua khi đi đày ở vào năm 1916, đầu thế kỷ thứ 20, vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, tiếp xúc với người dân bản xứ ! Triều đình nhà Nguyễn đã giáng vua Duy Tân xuống trở lại làm hoàng tử Vĩnh San khi truất phế vua, và nhà vua lên đường đi đày với cái tên: Prince d´Annam Vinh San. Có cơm có canh mà ăn không ? Mối duyên nợ với bà vợ trẻ, tiểu thư con quan, không yêu mà mới cưới có mấy tháng tan vỡ nhanh chóng như bọt xà bông. Rồi bà công chúa Vinh San ấy về Huế, cô gái 17 tuổi đó lên tàu một mình trở về. Duy Tân, 16 tuổi, ở lại một mình, không bao giờ gặp lại. Đang yên ấm trong tháp ngà với kẻ hầu người hạ, chàng thiếu niên 17 tuổi ấy bỗng dưng tất cả phải làm một mình, để sống trong một xã hội thu nhỏ hoàn toàn xa lạ với mình, với tiếng thổ ngữ của người nô lệ créole. Trải nghiệm đó cũng là một nhức nhối, cay đắng trong đời nhà vua, đồng thời có những hậu quả sau này. Các con của vua Duy Tân đều phải mang họ mẹ, vua Duy Tân không được lập hôn thú chính thức với một người phụ nữ nào khác vì bà Mai Thị Vàng chống đối lại yêu cầu ly dị của nhà vua. Mãi đến khi vua Duy Tân tử nạn thì các con mới được phép đổi tên mang họ cha. Nhưng vì không thông hiểu cách đặt tên cầu kỳ của nhà Nguyễn, vua Duy Tân có 4 tên, nên các con vua Duy Tân mang tên húy của vua làm họ: Vinh San, gây ra không ít rắc rối.

Điều làm cho nhà vua, sau một thời gian ở đảo ý thức ra là sự đi đày của mình vô hạn định, tới chết mới kết thúc. Bản án đày ải của triều đình nhà Nguyễn và chính quyền thực dân thuộc địa dành cho hai vua Thành Thái-Duy Tân dần dần bộc lộ sự dã man thâm trần của nó: không một người thân được đi từ Huế sang đảo, không một người thân được từ đảo trở về Huế. Ý thức này làm cho nhà vua vùng lên, xông tả xông hữu, tìm mọi cách để chấm dứt cảnh đi đày cho mình và cho gia đình mình. Xin lấy vợ bản xứ người Pháp, xin nhập quốc tịch Pháp, xin về ở Paris…tất cả những cái „xin“ ấy đều bị bác bỏ, Đời sống nhà vua trên đảo tiếp tục bị theo dõi, lập hồ sơ.

Kẻ thù của vua Duy Tân là ai ?

Cái triều đình An Nam xênh xang áo mũ là một. Những ông quan đại thần chỉ lo cho vinh quang phú quý của chính mình. Cái hội đồng hoàng tộc ở Huế là hai. Tị nạnh, ghen ghét, không ưa gì hai cha con Thành Thái-Duy Tân, sợ vua làm quá thì liên lụy đến cả nhà. Cái chính phủ bảo hộ thuộc địa Pháp là ba, muốn giữ uy quyền và quyền lợi của giới tư bản đang khai thác các mỏ khoáng sản, các đồn điền cao su, trà, cà phê…, các vận chuyển hàng hóa xuất nhập như tơ lụa, gia vị, gỗ quý, trầm hương…tấp nập. Cái bộ Thuộc địa ở Paris nhiều uy quyền là bốn. Cái „phòng nhì“, cơ quan an ninh và tình báo Pháp, nguy hiểm là năm.

Năm kẻ thù nặng kí đè lên số phận đơn thân độc mã của Duy Tân, một „ông vua nhõng nhẽo“ theo lời quan toàn quyền Pháp.

Bộ máy hành chánh đô hộ thuộc địa chỉ hoạt động được khi nó đàn áp, kiểm soát, đè nén các dân tộc bị đô hộ. Các quan thuộc địa, toàn quyền, khâm sứ…đúng là có toàn quyền để đặt những ông vua bù nhìn và một hệ thống cai trị bản xứ làm tấm bình phong để mà cai trị cho dễ dàng. Trong mắt thần dân, những ông vua bị đi đày biệt xứ là những ông vua yêu nước.“

Rồi đến Phan Bội Châu, Trần Cao Vân và Thái Phiên, những chí sĩ anh hùng chống Pháp của lịch sử Việt Nam cũng đẩy vua Duy Tân vào thế kẹt. Không phải là nhà vua không yêu nước. Nhưng chính vì điểm này mà nhà vua tự trói mình nộp mạng, một thiếu niên đang lớn, bị kích động bởi tự ái và danh dự, mặc dù nhà vua đã lượng trước được là mình đang đối mặt với cái chết và thất bại vì lưới của „phòng nhì“ giăng mắc khắp nơi. Tôn Quang Phiệt đã nhận định về cụ Phan Bội Châu:

… Con đường cụ đi là con đường cách mạng, chứ không phải là con đường cải lương, mà đã làm cách mạng thì phải dùng gươm súng diệt kẻ địch, nên người nào còn cầm gươm súng đánh giặc thì cụ còn coi là đồng minh của mình 1, …lập đảng bảo hoàng không đi đến kết quả, cụ chuyển sang chủ nghĩa dân chủ….»2

Và tác giả nhận định:

….Như thế, chẳng qua Phan Bội Châu sử dụng về mặt chính trị vua Duy Tân cũng như một lá bài đồng minh trong một giai đoạn nhất thời. Vua Duy Tân đã thiếu sáng suốt ở điểm này, cuộc khởi nghĩa Thái Phiên và Trần Cao Vân chỉ mời và đưa vua Duy Tân ra làm tấm bình phong, thực sự các ông không còn bảo hoàng nữa, không còn tôn vua, hy sinh vì vua và muốn cứu nền quân chủ nữa, mà đã chuyển hướng tư duy sang một chế độ dân chủ mới mẻ hơn, xa lạ hơn. Mà vua Duy Tân niên thiếu lại thấy mình có bổn phận, trách nhiệm với tiền nhân, muốn đòi uy quyền thực sự làm vua của một nước, không làm bù nhìn, thương yêu đồng bào của mình và không muốn mang tiếng là hèn nhát. Hai bên, vào thời điểm ấy, đồng thuyền nhưng thật ra không đồng mục đích, hiểu lầm tình thế và thời thế, để cùng đi đến thất bại…..“

Vua Duy Tân đã thực lòng hy sinh hạnh phúc riêng, mối tình giữa nhà vua và tiểu thư Hồ Thị Chỉ vì công việc. Lại còn cay đắng hơn, khi biết người mình yêu phải làm vợ vua Khải Định.

Còn những người bạn của vua Duy Tân là ai ? Khi ra đi và đến đảo, nhà vua không có lấy một người bạn. Thủ thế, ít nói và e ngại tất cả. Đó là tâm trạng đầu tiên của vua Duy Tân, nhìn đâu cũng sợ người ta hại mình. Duy Tân sống đơn độc khá lâu. Dần dà Duy Tân có những người bạn cùng trang lứa, làm quen và yêu những cô gái ở đảo. Hãy nghe một người bạn thân trên đảo La Réunion tả tính cách của Duy Tân:

….Với một người đối diện mà ông không quen biết, ông rất kín đáo trong lời nói, nhưng khi ông gặp gỡ bè bạn, thì ông lại là người bạn đồng hành dễ chịu hơn hết cả, ông trở nên vui vẻ hồn nhiên, dễ chịu, hóm hỉnh, vui vẻ cười một câu chuyện cười hay, một cách chơi chữ hài hước hay một trò đùa, ông đã rời khỏi mọi sự ràng buộc, và nếu trong một cuộc trao đổi nghiêm trang, ngôn ngữ của ông vẫn trau chuốt, ngược lại, trong vòng thân mật, ông trút bầu tâm sự một cách tự do, nói chuyện với một sự sỗ sàng nhất định, sử dụng từ ngữ lóng hay tiếng bản xứ, đôi khi tống ra những từ ngữ phẩm chất chính xác và rất rõ ràng, hay đôi khi ông có những phản ảnh rất hài hước (vì ông rất thông minh và rất dí dỏm), nhưng không bao giờ rơi vào sự thô lỗ hay thậm chí dung tục và càng ít hơn nữa là một sự độc ác, luôn luôn tránh làm phật ý hay xúc phạm ai, chạy trốn lời vu khống hay ác khẩu, nhưng luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ và làm vui lòng….”

Và một mái ấm gia đình với bà Fernande Antier, nơi vua Duy Tân tìm sự an ủi và tình yêu thương của các con. Những mất mát vì đói kém, bệnh tật, bão biển, thiếu thuốc men vua Duy Tân cũng đã trải qua bằng sự qua đời quá sớm của bốn người con lần lượt. Vua Duy Tân không hề than van về nỗi đau khổ ấy của một bậc cha mẹ. Người con gái lớn nhất là Suzy và cũng là duy nhất trong lúc vua Duy Tân còn sinh thời được vua đặc biệt yêu thương. Có thể nói, vua Duy Tân là một người cha lý tưởng, nghiêm nghị nhưng giầu tình thương, lo lắng, săn sóc con cái, để ý cả đến những cái “mốt” ăn mặc cho phụ nữ, thậm chí lấy làm tiếc là lương tháng trong quân đội của ông không đủ để mua một cái sắc đầm làm quà cho con gái. Những chi tiết rất thực với đời thường này, làm cho người đọc gần gũi với một vì vua nhà Nguyễn hơn hết cả. Hãy nghe Claude Vĩnh San, con thứ của vua Duy Tân tả khung cảnh sống thường ngày trong gia đình:

… Mẹ tôi cũng như tất cả phụ nữ khác trên đảo, rất yêu mến những khoảng không gian có hoa. Phía trái, gần nhà để xe, mẹ tôi trồng cây thành bục những cây dương xỉ, cây đuôi chồn. Ngay cả dưới mái hiên rộng mở phía trước nhà, là một kiến trúc điển hình của nhà ở đảo, bên cạnh những cái ghế dựa bằng mây, ngự trị trên những cái bàn nhỏ cao là những cây xanh, cây khoai môn và cây đuôi chồn. Tất cả những thứ ấy tạo ra không gian tươi tắn và làm cho căn nhà dễ chịu hơn lên. Trong khoản sân sau, cha tôi cho dựng nên một cái chuồng chim lớn, cũng là nơi nuôi gà, vịt. Còn nhỏ chúng tôi vào cả bên trong chuồng để chơi đùa. Tôi còn nhớ những con rùa đất, chúng dạo chơi trong sân, và các anh em tôi nghịch bắt chúng bỏ vào một cái bồn đựng đầy nước, mà chúng tôi thường tắm trong đó. Ngôi nhà nhỏ thường bị đánh thức dậy từ sáng sớm bởi những tiếng sủa không đúng lúc của Friquette, một con chó bẹc giê đức, giống chó mà cha tôi rất yêu thích… „

Bạn của ông cũng là người cùng chiến đấu trong kháng chiến chống Đức quốc xã với ông. Ông là người đến với quân đội kháng chiến Pháp một cách vô tư, và họ làm chứng cho sự dấn thân của ông:

Trên đảo La Réunion, ngày 18.06.1940, khi hoàng tử Vinh San nghe từ đài BBC giọng nói của một vị tướng đọc lời kêu gọi qua làn sóng điện, câu nói : « Ngọn lửa kháng chiến Pháp không thế dập tắt và sẽ không bao giờ tắt… » đã chạm vào trái tim ông, và ông kêu lên : De Gaulle ? ? Tôi đã nghe cái tên này ở đâu đó…Nhưng bất kể ! Dù cho người ấy có què một chân, phải đi theo ông ấy ! »

Georges Vĩnh San, con trai trưởng của vua Duy Tân, đã bình luận cái quyết định theo kháng chiến Pháp chống lại Đức-Nhật-Ý trong Đại chiến thế giới lần thứ hai như sau:

…Tôi nghĩ rằng, trong suy luận của cha tôi, tướng De Gaulle phải đi vào kháng chiến chống quân Đức quốc xã đang chiếm đóng nước Pháp, cũng như Ngài phải đi vào kháng chiến chống chính quyền thực dân Pháp bảo hộ tại Việt Nam, thì cả hai đều cùng có một chí hướng yêu nước như nhau….“

Hoàng tử Vinh San không ngại sức khỏe, thức đêm ngủ ngày, để „vào trận“ mà không ai bắt buộc ông phải làm. Một người bạn chiến đấu ghi lại:

….Chúng tôi cảm thấy sự theo dõi của cảnh sát trở nên thực sự chặt chẽ, nhất là đối với tôi, với người mật thám gần nhà để xe. Vậy thì đi đâu ? Cả hai chúng tôi đều không muốn đầu hàng bằng cách khóa miệng máy truyền tin của chúng tôi.

Vinh San nghĩ đến cái nghĩa địa ở phía Đông, hướng ra biển. Chúng tôi có thể truyền tin từ một cái huyệt trống. Ý tưởng này tốt. Ban đêm, quả thật, người ta tránh đi thăm nghĩa địa vì mê tín dị đoan hay niềm tin. Chúng tôi suy nghĩ một thời gian về khả năng này. Nhưng chúng tôi phải từ bỏ nó, vì cách nghĩa địa des Volontaires, Salaune đã đặt một gác canh. Và ba cái cổng của nghĩa địa phía Đông đều đóng cổng từ lúc 6 giờ tối bởi người gác nghĩa địa ở ngay phía trước. Nếu muốn xâm nhập, thì phải leo tường cao hơn 2 thước tây. Vào nghĩa địa bằng hướng biển ? Chúng tôi không thể vì gác canh, và hơn nữa, bãi đá thì quá dài từ nhà ga cho đến nghĩa địa. Chúng tôi tìm một giải pháp khác…..“

(Salaune là tên một nhân vật của chính quyền đảo theo Pétain)

Và hoàng tử Vinh San đã đem khả năng truyền tin vô tuyến điện của mình để giúp con tàu Le Léopard đến tiếp thu đảo La Réunion. Sự kiện này khiến hoàng tử Vinh San bị bắt giam ngay lập tức bởi chính quyền theo phe Pétain của đảo, lệnh được ký bởi thống đốc Pierre Aubert, người sau này còn có khả năng và điều kiện để hại hoàng tử. Lòng yêu khoa học kỹ thuật, mơ ước những nhà máy mọc lên trên quê hương, mơ ước sự phát triển của một thành phần nông dân tay cầy tay cuốc trở thành những công nhân xây dựng tổ quốc….và khả năng nhìn thằng vào thực tế làm cho vua Duy Tân có một tầm nhìn khác hằn những vị vua khác của nhà Nguyễn.

„….Nếu hoàng tử Vinh San không nản chí phấn đấu tìm kiếm một lối ra cho mình, nếu hoàng tử chìm đắm trong tuyệt vọng như đã thổ lộ với em là Vĩnh Chương trong một lá thư gửi từ Rottweil bên Đức vào tháng 9 năm 1945, hoàng tử Vinh San còn nêu lên hoàn cảnh sống khó khăn của mình : « Em biết không, trong những năm sau cùng gần đây, anh không thể làm được việc gì cho em, tại vì những ý nghĩ về cái chết của anh mà anh bắt buộc phải làm việc cho những đứa con anh…. » ?

Sự bền bỉ và tấm lòng trong sạch của vua Duy Tân

Viết về vua Duy Tân tôi thấy nổi bật lên hai đức tính: bền bỉ, nhẫn nại, chịu đựng và dù nghèo nhưng không tham vật chất, tiền bạc. Điều rất đáng ngạc nhiên, vì đã là „vua“ thật sự, đã sống trong một khung cảnh hoàng tráng, kẻ hầu người hạ, không hề lo nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền cho bản thân, „sướng như vua“ chẳng đã là một câu nói thông dụng trong tiếng Việt. Thế mà, trong điều kiện sống với con người, với những đe dọa của thiên nhiên như bệnh tật, bảo biển, thiếu ăn thiếu mặc và những đe dọa từ chính quyền thực dân cai trị đảo, hoàng tử Vinh San đã làm tất cả để kiếm tiền nuôi con: làm nài ngựa ở trường đua, biểu diễn nhạc, sửa chữa máy radio, máy chiếu phim…, làm đồ chơi bằng gỗ, đi câu cá để cải thiện bữa ăn….và dạy con, phải sống bằng chính năng lực của mình.

Không tham tiền, hoàng tử Vinh San đã đánh bật sự chào đón của đám tình báo Anh quốc với 30 triệu quan Pháp để vua Duy Tân từ bỏ ý định trở về quê hương, mà đó lại là hoài bão duy nhất của nhà vua. Vua Duy Tân có phải là lá bài của De Gaulle hay không ? Gia nhập kháng chiến Pháp, theo De Gaulle, hoàng tử Vinh San, một người, là vua của một nước, đã từng đeo Bắc đẩu bội tinh hạng 4 của Pháp, mà chấp nhận nhập ngũ với hạng „binh nhì“ truyền tin. Tướng Lelong vì thăng chức cho hoàng tử lên „chuẩn úy dự bị“ mà bị bộ Thuộc địa Paris khiển trách nặng nề vì tội „lạm dụng chức vụ“ và hăm họa lột lon tướng của ông. Hãy đọc một đoạn mà người đọc cảm thấy xót xa cho thể trạng sức khỏe của nhà vua:

Đến khi xảy ra vụ 1.500 lính Đông Dương ở Cap de Moramanga, cách Tananarive khoảng 100 cây số, nổi loạn, từ chối không chịu phục vụ ai hết dù Anh, dù Pháp, dù theo Pétain hay theo De Gaulle, tướng Lelong nảy ra ý đem hoàng tử Vinh San đi thuyết phục đám lính nổi loạn. Nhưng các sĩ quan đều phá ra cười khi trông thấy một anh hạ sĩ, mảnh khảnh, đầu đội một cái kê pi to quá khổ mà chỉ có hai cái tai nhô ra để giữ lấy nó không rớt xuống vai, mặc bộ quần áo kaki cũng to quá khổ, đôi giầy nhà binh cũng to quá khổ, lại đeo một cái túi dết chéo ngang qua, thật là một người lính quèn, không thể trình diện hoàng tử, cựu hoàng của những người lính già, những hạ sĩ quan Đông Dương như thế được. Tướng Lelong phải phong cho hoàng tử lên chức « aspirant », chuẩn úy tập sự, ngay lập tức, nhưng sau đó ông bị khiển trách nặng nề bởi bộ Thuộc địa vì « lạm dụng » chức vụ và hăm dọa sẽ lột lon ông ! Chuẩn úy Vinh San được một bộ quân phục vừa vặn hơn, đàng hoàng hơn, và ông thuyết phục với tài ăn nói rất điêu luyện được mọi người cảm mến tuân theo lệnh và cầm lại vũ khí vào hàng ngũ.“

Tướng De Gaulle sau đó ký sắc lệnh liên tiếp để thăng trật cho hoàng tử Vinh San, bậc sau cùng trước khi hoàng tử Vinh San tử nạn là cấp bậc thiếu tá chỉ huy.

Một cựu thượng sĩ tên là Lê Duy Lương, thông ngôn cho tiểu đoàn lính thợ O.N.S (không chuyên môn) ở Madagascar, kể lại:

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với Cựu hoàng, tôi có hỏi Ngài như sau: Tại sao Ngài không lập một chính phủ lâm thời để hoạt động cho danh nghĩa Việt Nam ? Ngài đáp: „ Chúng ta không có một tấc sắt trong tay, một đồng tiền trong túi. Trong hoàn cảnh này, chúng ta phải nhờ cậy nước Pháp trước đã. Về phần tôi, tôi không muốn trở lại ngôi báu mà chỉ muốn làm một chiến sĩ mà thôi. Sau này, khi nước nhà đã được giải phóng, đã được độc lập, ai muốn làm vua làm chúa gì, sẽ do quốc dân quyết định bằng bầu cử. “ 3

Người ta thấy lấp lánh thái độ đối xử của một bậc đế vương trong mọi tình huống và dần dần tiến về con đường dân chủ cho đất nước dân tộc. Cuối cùng nhà vua đã đạt được một mục đích của đời mình, với sự trợ giúp của tướng De Gaulle, dù nước Việt vẫn còn trong chế độ bảo hộ thuộc địa Indochine: Pháp phải chấm dứt bản án đi đày biệt xứ vô thời hạn của triều đình An Nam và chính quyền cai trị thuộc địa Đông Dương áp đặt lên cả hai gia đình vua Duy Tân và vua Thành Thái. Và từ năm 1945, cái tên nước Việt Nam được sống lại, không còn bị cấm đoán và chỉ được xử dụng cái tên « Indochine française » nữa.

Và cuộc hội kiến nhiều mong đợi với tướng De Gaulle ngày 14.12.1945 đã đem lại cho vua Duy Tân những gì ? Tất cả mọi kẻ thù của cả hai người đều vểnh tai nghe ngóng. Với một cái quyết định cuối cùng như thế là chuyện tình cờ tai nạn của một chiếc máy bay rơi trên bầu trời Trung Phi ngày 26.12.1945, chỉ mười hai ngày sau cuộc hội kiến. Rồi tướng De Gaulle cũng rời chính quyền ngày 20.01.1946, chưa đầy một tháng sau đó. Cuộc chiến chống Pháp đã bắt đầu và kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ năm 1954 và Pháp phải từ bỏ mộng chiếm lại Việt Nam bằng vũ lực, rút hết quân năm 1956, chấm dứt công cuộc viễn chinh đô hộ gần 100 năm.

Là một tản mạn lịch sử, những dòng chữ theo gót chân hoàng tử Vĩnh San đi đày đến đảo 29 năm, sống một cuộc đời „nó làm cho ta đau khổ nhưng không làm cho ta xấu hổ“ rất đúng nghĩa như lời vua Duy Tân nói, nhà vua có niềm vui khi đi vào kháng chiến Pháp chống lại Đức-Nhật-Ý, một cách chống lại sự tiếp quản của quân Nhật trên quê hương, qua đảo Madagascar, đến Paris, đi sang Đức, rồi rớt máy bay ở Cộng hòa Trung Phi, nằm trong lòng đất châu Phi 42 năm sau mới được một mình trở về cố đô Huế an nghỉ ngàn thu…Cái nghiệp của nhà vua quá nặng, nhưng sau vua Tự Đức, vua Duy Tân là vị vua xứng đáng nhất của triều đại nhà Nguyễn. MTT

1Tự phê phán, trang 25

2Tự phê phán, trang 23

3Hồ sơ Duy Tân, Hoàng Trọng Thược

Commentaires fermés