Aller au contenu principal

Tưởng niệm vua Duy Tân và tướng Charles de Gaulle -© Mathilde Tuyết Trần, France 2020

8. novembre 2020

Tưởng niệm vua Duy Tân và tướng Charles de Gaulle – © Mathilde Tuyết Trần, France 2020

A Georges Vinh San et Pierre Deschamps

Năm nay 2020 nước Pháp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid và bị khủng bố cực kỳ ghê rợn, kỷ niệm tướng Charles de Gaulle bằng một „Năm de Gaulle“ cũng rất đặc biệt, kỷ niệm 130 năm ngày sinh của de Gaulle, 80 năm lời kêu gọi kháng chiến 18.6.1940 chống Đức Quốc Xã và kỷ niệm 50 năm ngày mất của de Gaulle.

Thời gian qua thật nhanh, không chờ đợi ai, nhưng những khuôn mặt lịch sử được nhắc nhở cho hậu thế, và cũng theo dòng thời gian, người đời sau gạn đục khơi trong nhận biết rõ ràng hơn tầm vóc của những anh hùng chân chính.

Vua Duy Tân mang cấp bậc thiếu tá của quân đội France Libre trước khi tử nạn. Bản quyền ảnh của Mathilde Tuyết Trần

Người Pháp chỉ tưởng niệm de Gaulle, nhưng người Việt không thể quên hình bóng của vua Duy Tân song hành cùng với lịch sử Pháp những 30 năm, kể từ khi nhà vua bị thực dân Pháp bắt đi đày ở đảo Réunion cho đến khi tử nạn trong chiếc máy bay rơi ở Cộng hòa Trung Phi khi nhà vua từ Paris về lại đảo thăm gia đình vào đúng dịp Giáng sinh năm 1945.

Quãng đời niên thiếu của vua Duy Tân ở Việt Nam cho tới năm 1916 đã được khai thác nhiều, nhưng quãng đời 30 năm dài của vua Duy Tân ở trên đáo thì ít người có sử liệu.

Vua Thành Thái, cùng bị đi đày với con trai là vua Duy Tân, thì vì thái độ chống Pháp bằng cách bất hợp tác trên đảo, tự đưa mình vào quên lãng của lịch sử, sống một cuộc đời dài đăng đẳng 30 năm „không có gì để kể“ trên đảo, cho đến khi được Pháp cho về lại Việt Nam năm 1947 sau sự tử nạn của vua Duy Tân.

Năm 1948 nước Pháp cho phép mọi thành viên trong hai gia đình Thành Thái Duy Tân được lựa chọn nơi định cư của mình giữa Nice, La Réunion và Việt Nam. Tất cả mọi người, trừ một người, lựa chọn về với Việt Nam. Nhưng vì thái độ của một bà cô mà những người con của Duy Tân lại từ Việt Nam trở về đảo La Réunion, rồi dần dần định cư tại Pháp đất liền sau này. Một nhánh hiện vẫn ở lại đảo.

Vua Duy Tân thì có thái độ khác cha, nhà vua tìm cách sống cởi mở, hòa hợp, kết bạn trong xã hội Pháp ở đảo. Nhưng vì vị thế đặc biệt của mình, một ông vua bị đi đày, sự tìm kiếm hòa đồng trong xã hội Pháp không phải không có khó khăn.

Vua Duy Tân trưởng thành, không còn là một thiếu niên 16 tuổi trong tầm mắt của người khác, được diễn tả là một người thông minh, nhanh nhẹn, hiếu động, cởi mở, hòa nhập vào tư tưởng phương Tây cùng với sự thông thạo hoàn toàn ngôn ngữ Pháp của ông.

Từ một thiếu niên có tính cách „dịu êm“, „rất dễ bị ảnh hưởng“ Vua Duy Tân trở nên „dữ dằn“ và „ranh mãnh, che đậy“ đối với người cai trị mình, có những biểu hiện „độc đoán“, ít có vẻ tôn trọng ngay cả với những vị quan đầu triều bộ trưởng mà tỏ ra thần phục những người cai trị như theo báo cáo của Ernest Roume năm 1915.

Ông J. Jacnal kể lại một câu chuyện trong cuốn sách Mémoires du Sud-Est của ông; „Duy Tân lấy làm hứng thú trong việc chế diễu những quan lại cao cấp của ông nhưng những việc có vẻ đùa cợt của vua không phải là không có hậu ý. Một lần, bộ trưởng bộ Lễ Huỳnh Côn tháp tùng vua đi dạo, bất chợt nhà vua bắt đầu chạy, và ra lệnh cho Huỳnh Côn cùng quan đồng cấp Nguyễn Hữu Bài phải chạy theo bắt kịp vua. Khi mọi người thở dốc theo không kịp, nhà vua quay trở lại gặp các quan khiển trách một cách chế giễu: „Làm sao các ông có thể đánh giặc được, khi mà các ông không thể chạy nổi ?“

Trên đảo, nhà vua ở riêng với cha, thuê nhà, sống bằng số tiền trợ cấp ít ỏi, thoạt đầu vua thuê nhà ở rue Marechal Leclerc, rồi chuyển nhiều lần địa chỉ, đến khi về ở góc đường Victor-Mac-Auliffe.

Georges Vinh San đã kể rằng: „Cha tôi chơi vĩ cầm, cưỡi ngựa, đánh kiếm, viết văn, diễn thuyết và làm thơ, nhưng niềm đam mê của Ngài là truyền tin.“.

Tài cưỡi ngựa của vua Duy Tân và hoàng thân Vĩnh Chương, là thợ máy, nổi tiếng trên đảo, trên trường đua hippodrome de la Redoute hai anh em đã thắng nhiều trận, tiếng vang vượt ra khỏi thành phố Saint Denis nơi gia đình Duy Tân ở.

Nhưng vua Duy Tân biết rằng, phải có thông tin thế giới mới chống lại được sự cô lập, biệt lập trên đảo. Vua tự học, rồi trở thành người sửa chữa máy radio, máy truyền tin trên đảo, vừa kiếm thêm tiền nuôi gia đình vừa có liên lạc, đó là điều quan trọng nhất.

Từ khi bước chân đi đày lên đảo, vua Duy Tân âm thầm chiến đấu một mình với số phận đi đày của mình, không biết ngày nào được trở về quê hương, nhưng đó là mục đích duy nhất cho mọi quyết định của nhà vua trong cuộc đời.

Ông A.Scherer, giám đốc cơ quan lưu trữ vùng, đã ghi nhận trong hồ sơ lý lịch do ông thiết lập rằng, vua Duy Tân tham dự vào một số tổ chức địa phương, là thành viên của hội „la loge l´Amitié de Saint Denis“, là diễn giả, được coi là người thuộc về cánh tả. Ngài chỉ hai lần tuyên bố giòng giõi hoàng gia của mình, lần thứ nhất trong buổi meeting của Mặt trận Bình dân năm 1936, và lần thứ nhì khi Nhật tấn công Đông Dương năm 1944, Ngài đã nhân danh hoàng đế Duy Tân gởi lời hiệu trị đến dân tộc trong nước.

Vua Duy Tân luôn nhấn mạnh rằng, nhà vua bị thực dân Pháp bắt đi đày, nhưng không bao giờ thoái vị.

Gia đình vua Duy Tân và bạn bè trên đảo La Reunion. Bản quyền ảnh Mathilde Tuyết Trần

Người ta đã nhiều lần đề nghị vua trốn thoát khỏi đảo để trở về Việt Nam, nhưng nhà vua từ chối, muốn trở về đường đường chính chính, và không ngại mọi thủ tục hành chính, mọi rào cản chính thức.

Để có thể được di chuyển, không bị quản thúc, vua Duy Tân nộp đơn vào quốc tịch Pháp vào tháng 7 năm 1929. Từ chối.

Trong những khoảng thời gian, tháng 12 năm 1929, tháng 7 năm 1932, tháng 4 năm 1935, tháng 6 năm 1936, vua Duy Tân nộp đơn liên tiếp xin được về ở Paris. Từ chối.

Vào những năm tháng, tháng 4 năm 1939, tháng 9 năm 1939, tháng 5 năm 1940, tháng bẩy năm 1940, tháng 9 năm 1940, nhà vua liên tiếp yêu cầu được nhập ngũ, nhất là sau lời hiệu triệu kháng chiến của tướng de Gaulle ngày 18.06.1940. Từ chối.

Và cũng vì lý do đó, mà vua Duy Tân bị chính quyền trên đảo đứng về phía Pétain bắt giam hành chính. Thế lực thực dân trong Bộ thuộc địa Pháp còn rất mạnh và đảo Réunion phần lớn theo chính phủ Pétain trong thời gian đại chiến thế giới lần thứ hai.

Mãi đến ngày 28.12.1942 khi chiến hạm Leopard của quân kháng chiến của tướng de Gaulle cập bến đảo La Réunion, vua Duy Tân lại có dịp nối lại yêu cầu của mình. Nhà vua được thâu nhận làm hạ sĩ quan truyền tin trên chiến hạm Leopard dưới quyền chỉ huy của thiếu tá hải quân Evenou (tự là Richard).

Nhưng sau 22 ngày trên chiến hạm, nhà vua được gởi về từ Monbassa, vì thể trạng không đủ sức chịu đựng. Duy Tân viết thư cho tướng de Gaulle, và được Ủy viên thuộc địa cho phép nhập ngũ vào bộ binh với chức vị hạ sĩ quan truyền tin (caporal radio-telegraphiste).

Trong bản tuyên dương công trạng trao tặng huy chương kháng chiến Pháp vào tháng 3 năm 1945, vua Duy Tân được vinh danh vào đúng sở trường truyền tin của mình:

Hoàng tử Vinh San, với một tư cách can đảm, với những lời bình luận của ông, và cho phép, tạo cơ hội cho nhiều người nghe được những chương trình phát thanh của đài nước Pháp tự do và đồng minh, những đài phát thanh bị cấm kỵ tuyệt đối, đã góp phần vào việc duy trì sống động ngọn lửa của Kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, đã bị bắt giam hành chính“.

Tướng de Gaulle đã lần lượt phong các chức vụ quân đội cho vua Duy Tân: thiếu úy 29.10.1945, trung úy (5.12.1943), đại úy (5.12.1944), tiểu đoàn trưởng (25.09.1945).

Trong cuốn Mémoires de guerre, oeuvres completes, quyển VI, tướng de Gaulle ghi lại vì sao ông gặp gỡ vua Duy Tân, sau khi đánh giá tình hình Đông Dương, ông nhận định rằng chế độ phong kiến ở Lào và Căm bốt vững chắc, không có gì đáng lo ngại, riêng tình hình Việt Nam phức tạp hơn vì sự hiện diện khác biệt giữa ba miền Bắc Trung Nam, làm cho ông phải đi từng bước.

Trong suy tính của ông, de Gaulle ra lệnh cho tướng Leclerc phải giữ vững miền Nam (Cochinchine) và Cam bốt, trước khi tiến đến miền Trung sau này, ở miền Bắc (Tonkin) ông chờ đợi ở quan hệ đã thiết lập giữa Sainteny và Hồ Chí Minh và chờ đến khi tình hình trở nên trong sáng hơn không còn một bóng đạo quân Trung Hoa.

Về phần đô đốc D´Argenlieu được biệt phái trước tiên đến Ấn độ, rồi từ Chandernagor quan sát tình hình, sau đó mới đến Saigon thiết lập mọi quan hệ cần thiết.

Tướng de Gaulle viết về vua Duy Tân (Mémoires, trang 108,109 cuổn VI):

Sau cùng để cho mọi việc có ích lợi, tôi nuôi một ý đồ thầm kín. Vấn đề là để cho cựu hoàng đế Duy Tân có điều kiện để tái hiện, một khi người kế vị và thân tộc là Bảo Đại chứng tỏ mình, một cách chắc chắn, đã bị mọi sự kiện vượt qua. Duy Tân bị nhà cầm quyền Pháp truất phế, trở lại là hoàng tử Vinh San và đi đày ở La Reunion, đã tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh này, đứng về hàng ngũ quân đội ta. Ông được lãnh chức vụ thiếu tá (commandant). Đây là một con người mạnh mẽ. Ba mươi năm lưu đày không làm cho phai nhạt hình ảnh của vị vua này trong tâm khảm người dân. Ngày 14 tháng 12 tôi sẽ tiếp ông, để bàn với ông, từ người với người, những điều gì chúng ta có thể thực hiện cùng nhau. Nhưng, không vì những người mà chính phủ của tôi sẽ đi đến những kết luận thỏa thuận, tôi dự tính tôi sẽ thân hành đi Indochine trong tính cách trang trọng nhất để cử hành những hiệp ước khi thời gian đã tới.“

Tướng de Gaulle còn để mở một cửa về „con người“ sẽ ký hiệp ước với ông, nhưng ông đã dự tính là sẽ xuất hiện cùng với vua Duy Tân vào tháng 3 năm 1946 tại Saigon. D´Argenlieu được lệnh sửa soạn cho cuộc xuất hiện này.

Trong nhiều bài bình luận chống lại thực dân Pháp, nổi bật nhất vẫn là ý kiến cho rằng, vua Duy Tân trở thành „lá bài của de Gaulle“. Và có những nhà sử học đặt nghi vấn về nhận định của tướng de Gaulle mà họ cho là có thể sai lầm, làm sao mà ông có thể khẳng định được tâm hồn yêu mến của người dân Việt đối với vua Duy Tân sau 30 năm xa cách ?

Đứng về phía vua Duy Tân, cô thân cô thế, không có một chút lực lượng gì trong tay, quân lính không có, bạc tiền cũng không, chỉ có một tấm lòng, mơ ước của suốt ba mươi năm đã qua gần kề trở thành hiện thực, thì phải suy nghĩ làm cách nào có thể trở lại quê hương, mang lại đổi thay cho dân tộc và thống nhất ba miền lại làm một mối giang sơn gấm vóc ?

Cái kết quả thì người hậu thế đã trông thấy. Vua Duy Tân tử nạn máy bay ngày 26.12.1945 trên đường bay Paris-La Réunion trong một tình huống có nhiều nghi vấn, chỉ 14 ngày sau khi gặp gỡ tướng de Gaulle, và tướng de Gaulle cũng từ chức ngày 20.01.1946, chưa tới một tháng.

Biểu tượng của France Libre tại đài kỷ niệm de Gaulle ở Colombey-les-Deux-Eglises. Bản quyền ảnh của Mathilde Tuyết Trần

Sau 12 năm vắng bóng, tướng de Gaulle chỉ trở lại sân khấu chính trị nắm quyền lực vào ngày 01.6.1958 dưới thời tổng thống René Coty.

Để sau này, năm 1954 chính phủ Joseph Laniel loay hoay với chiến thắng Điện Biên Phủ, và người Pháp thực dân phải từ giã vĩnh viễn Indochine năm 1956.

Chiếc xe citroen bị trúng đạn trong vụ ám sát de Gaulle tại Petit Clamart, triển lãm trong viện bảo tàng de Gaulle. Bản quyền ảnh của Mathilde Tuyết Trần

De Gaulle Superstar“, tờ ParisMatch chạy tít chữ đỏ như thế trong tuần lễ này. Trên đường phổ của một thành phố nhỏ cũng thấy xuất hiện những tấm bích chương cỡ lớn đăng hình tướng Charles de Gaulle mặc quân phục, các đài truyền hình, các đài truyền thanh, báo chí, sách vở, phim ảnh…..đâu đâu cũng có bóng dáng người anh hùng của Pháp. Người ta về thăm tư gia La Boisserie, thăm viện bảo tàng, thăm nơi sinh ở Lille, thăm bãi biển nơi ông nghỉ mát ở Wilmereux, thăm mộ phần tướng de Gaulle ở làng Colombey-les-Deux-Eglises ….

Còn vua Duy Tân ?

Sau tai nạn vua Duy Tân được chôn cất tại chỗ M´Baiki ở Cộng hòa Trung Phi, mãi 42 năm sau, đến 28.03.1987 mới được chính phủ Jacques Chirac phối hợp với chính phủ Phạm Văn Đồng hỗ trợ để cho gia đình bốc mộ ở Trung Phi, chuyển về Paris rồi đem về Huế an táng. Bốn người con vua Duy Tân là Suzy, Georges, Claude et Roger theo linh cữu từ Paris về Huế.

Bà Antier, vợ vua Duy Tân về thăm Huế. Bà ước mong được chôn cất ở Huế, bên cạnh vua Duy Tân. Bản quyền ảnh Mathilde Tuyết Trần

Ngày kỵ của vua Duy Tân rơi vào ngày 22.11 âm lịch hàng năm (26.12. dương lịch), thấm thoát đã 75 năm ngày vua ra đi.

Bây giờ đại dịch Covid chia cắt, kẻ bên Tây người bên Đông như thời chiến tranh, khiến cho con cái ngậm ngùi không được về giỗ cha mẹ để thắp một nén hương. MTT

Các tác phẩm tham khảo:

  • Jean-Marc Goglione, Jean-Luc Nguyen Phươc, Prince, résistant et Réunionnais de coeur, dans Le Dossier, quotidien du samedi 23/12/1995, page 11

  • E.P. Thebault, Le tragique destin d´un empereur d´Annam, Extrait de France-Asie/Asia n° 200, Paris 1973,

  • Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, Oeuvres Completes, tome VI, Librairie Plon, Paris, Club français des bibliophiles 1970-1974 (1970)

  • Mathilde Tuyết Trần, Dấu xưa…Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, nxb Trẻ, 2011

  • Mathilde Tuyết Trần, Vua Duy Tân những ngày cuối cùng ở Paris, trang mạng www.mttuyet.fr, 14.04.2018

  • Mathilde Tuyết Trần, Ký hiệu FR 8 VX của vua Duy Tân, trang mạng http://www.mttuyet.fr hay http://www.mttuyet.wordpresse.com

Lăng vua Duy Tân, Huế Việt Nam một ngày mưa. Bản quyền ảnh Mathilde Tuyết Trần

Phần mộ tướng de Gaulle và gia đình ở làng Colombey-les-Deux-Eglises, cũng một ngày mưa. Bản quyền ảnh Mathilde Tuyết Trần

La Boisserie trong mùa thu. Bản quyền ảnh của Mathilde Tuyết Trần

Commentaires fermés