Aller au contenu principal

Ngày mẹ sinh ra con – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

31. Mai 2021

Ngày mẹ sinh ra con – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Nhà quê bên Pháp vào tháng năm, bên trồng lúa mì thì lên xanh, bên trồng hoa colza thì vàng rực hút mắt…

Ngày mẹ sinh ra con là một ngày đáng nhớ trong đời cho đứa con và cho người mẹ, lẫn người cha trong vai trò phụ. Sợi dây liên kết, cái dây rốn hình như không bao giờ đứt đoạn, nó vẫn hiện hữu dù đã bị cắt đứt và trở nên vô hình. Và dù cho tình cảnh nào bất chợt, con bỏ rơi hay con đem cho, ao ước muốn tìm lại người đã sinh ra mình, hình hài và tính chất, vẫn là một điều thiêng liêng trong suốt cả cuộc đời.

Hồi đó, những năm 40, 50, người ta chỉ vào nhà thương khi….bệnh nặng, tai nạn gần chết. Sanh đẻ không được coi là bệnh tật, do những cô mụ đảm đương. Cô mụ hay bà đỡ đẻ là một nghề nghiệp phổ thông cho những phụ nữ « mát tay » có kinh nghiệm đỡ đẻ trong quá khứ, trong chiến tranh, trong « bất đắc dĩ »…, Đẻ ở nhà bà đẻ, hay đẻ ở nhà mình, đẻ ở ngoài đồng ruộng, đẻ trong cánh rừng, đẻ bên bờ sông…, người mẹ chấp nhận tất cả tình huống, chấp nhận luôn cả cái chết để cho con mình được sống. Mẹ tròn con vuông là nhà có phúc đức bầy mươi đời. Bây giờ, phụ nữ có điều kiện chỉ muốn mổ lôi con ra vì sợ đau đẻ, vì sợ hết đẹp mà không cho con bú sữa mẹ.

Nghĩ đến những đức tính của người mẹ, nổi bật nhất là sự hy sinh của mẹ, rồi đến lòng vị tha, sự cần mẫn suốt đời, những thứ ấy hợp lại là tình yêu của mẹ, là lòng của mẹ…Không có gì đau khổ hơn là người mẹ phải khóc con, không có gì đau khổ hơn là người mẹ đành đoạn phải bỏ con để đi đánh giặc. Chú tôi ra trận tuyến đánh Pháp, vợ chú, giao đứa con mới đẻ cho mẹ tôi, chị nuôi cháu hộ em mai mốt em về, để đi vào bưng biền với chú. Hai vợ chồng ra đi không trở lại, chiến tranh đã nuốt chửng cả hai người. em tôi lớn lên như cái bóng của chúng tôi, lặng lẽ, gọi ba má tôi bằng ba má, chưa bao giờ trông thấy hai người sinh thành ra mình, cũng không biết ngày sinh tháng đẻ của mình, chỉ biết cái tên: Hòa Bình.

Tôi có may mắn nhiều hơn em, được sinh ra trong hoàn cảnh ổn định của gia đình, được cha mẹ yêu thương, nuông chiều, dậy dỗ, cho ăn học. Thói tiểu thư, thói trưởng giả, thói tạch tạch xè (tiểu tư sản)…đó là những điều mà các ông bạn mao ít mao nhiều mắng tôi khi tôi đã ra ngoại quốc du học. Thời ấy, con gái được đi du học không nhiều, đặc biệt lắm, chỗ du học chỉ cho cánh con trai nhà giầu, có thần có thế ra nước ngoài học tập để mà trốn lính, con gái thường chỉ là tiểu thư thượng hạng dân ma ri cu ri mới tụ nhau lại cả đám bên Pháp và Thụy Sĩ. Bọn họ khinh thường tôi, dân trường Việt, nghèo mà ham.

Cuộc đời mới lớn, tự do có rất nhiều hấp dẫn, quên mẹ quên cha. Đến khi tôi có bầu đứa con thứ nhất, lãnh thiên chức làm mẹ, mới hiểu được…một phần của mẹ mình. Năm tháng trôi qua, ngày càng thấm thía cái cảnh khổ « Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư », ngọt bùi cay đắng, nếu cha mẹ tôi biết được từng chi tiết những cảnh đời đau khổ của tôi ?! thì chỉ làm khổ tâm thêm cha mẹ. Tôi có một chị bạn, sống theo những gì cha mẹ muốn, không ở nước ngoài, phải học bác sĩ, lập gia đình với người đàng hoàng có tương lai, bây giờ chị tâm sự là chán nghề và không hạnh phúc, nhưng chị có sức mạnh để đi tiếp. Đằng nào thì cũng khổ nhiều khổ ít, nhưng cũng có những đôi lứa không bị bão táp của cuộc đời làm tổn hại, may mắn hạnh phúc bên nhau suốt đời.

Tình yêu đôi lứa có cái ánh hào quang hấp dẫn của nó, để sinh con cái, để tiếp nối giống nòi. Con gái của mẹ đi tiếp con đường mẹ đã đi qua, hết đời này sang đời khác…Nếu không có vài người phụ nữ bị bắt phải làm nô lệ trên những hòn đảo hẻo lánh, cô đơn giữa biển khơi xa xôi…thì ngày nay không có con người ở đấy, không có một xã hội sinh sống, khai thác và giữ đảo cho một quốc gia. Tre già măng mọc, nỗi vui của đứa con gái ngày xưa là được ngắm nhìn mấy đứa cháu của mình, biết là mình đã trồng người ở đâu đó. Ngoài việc trồng người về hình hài, trồng người về tinh thần, kiến thức cũng là một cách trồng người cho các thế hệ sau.

Lúc nhỏ, ngày sinh nhật là ngày của mình, mình là tâm điểm của mọi sự chiều chuộng, quà cáp, « ăn » sinh nhật. Về già thì ngày sinh nhật là ngày của mẹ mình, ngày mẹ sinh ra mình. Kết thúc một bài tản mạn về ngày mẹ sinh ra con bằng một bài hát với tựa đề « Anh yêu em » tôi thấy thật ra không có gì là lạ, là lô gich, vì tình yêu đôi lứa là thứ tình cảm, thứ hào quang thông thường nhất để cho người con gái lãnh nhiệm vụ làm mẹ một cách tự nhiên nhất của mình, nối tiếp truyền thống cho mình, rộng hơn nữa là cho giống nòi, xã hội.

Có bao giờ bạn ngắm nhìn một đôi chim bồ câu bay vờn cánh, tỏ tình, âu yếm với nhau vào tháng Năm, tháng đẹp nhất trong năm, tháng của cưới hỏi và bắt đầu « sản xuất » ? Để kỷ niệm ngày mẹ sinh ra con tặng bạn bài hát « Anh yêu em », viết lời và tiếng hát Tuyết Trần, nhạc và hòa âm: Phan Trat Quan,  jazzig, thu thanh năm 1986. MTT

senhoTay

Sen hồ Tây Hà Nội nở vào tháng năm 2021 của một bạn gái Hà Nội gửi tặng

Commentaires fermés