Aller au contenu principal

Một cây mít, một cây xoài Sa Đéc

4. juin 2019

Một cây mít, một cây xoài Sa Đéc©Mathilde Tuyết Trần, France 2013

Mỗi lần đi xa, về thăm quê là kéo theo một mớ quà cáp và một niềm hớn hở, hy vọng sẽ có được những ngày vui, đẹp trên quê hương. Mỗi lần đi xa, về lại nhà là cũng kéo theo một mớ quà của bạn bè tặng với bao nhiêu là kỷ niệm vui…buồn. Chuyến đi này, ngoài các món quà mang nặng tình nghĩa, vài cân cà phê, bánh phồng tôm, hạt điều, kẹo mứt…tôi còn lê được một cây mít và một cây xoài từ Sa Đéc, vòng ra miền Trung, lên đến Hà Nội, rồi về tận nhà bên Pháp, an bình! Thật đấy.

Lần ấy, anh chị Vị đưa chúng tôi đi thăm vùng đất cực Nam của quê hương. Theo lịch trình đã bàn với nhau, từ Sài Gòn chúng tôi ngang qua Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, ghé nhà thờ cha Diệp trước khi xuôi về Cà Mau, lướt sóng ca nô ngang qua Năm Căn để ra tận Đất Mũi, rồi đi Rạch Giá, Hòn Đất, Hòn Chông, Hà Tiên, đến đây sẽ chia tay nhau, anh chị Vị trở về Sài Gòn vì còn rất bận bịu công việc, phần chúng tôi sẽ đi tiếp đến Phú Quốc, và sau đó đi Côn Đảo.

Anh chị Vị đến đón chúng tôi từ sáu giờ sáng, để còn chạy đi ăn một tô phở Tàu bay chính hiệu ở đường Lý Thái Tổ, trước khi lên đường. Sáu giờ sáng ở Sài Gòn là trời đã lên cao, sáng rõ, tuy nắng mới lên còn chỉ là những luồng nắng nhẹ nhàng, e ấp, chưa nóng thiêu da như giữa trưa. Mỗi người một tô phở bò Tàu bay tái nạm nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, húp xì xụp toát mồ hôi. Giá phở tăng từ 10 ngàn, 15 ngàn…bây giờ đã là 55 ngàn một tô, phở đặc biệt có nhiều thịt bò tái giá lên đến 75 ngàn, thậm chí 95 ngàn, nhưng chỗ nào bán phở là chỗ ấy có khách, phở là một món ăn không thể thiếu trên đất nước Việt Nam, từ sáng cho đến trưa, chiều, tối. Điều lạ là tôi chưa được ăn một tô phở nào ngay tại Hà Nội, quê hương xuất xứ của phở, lại ngon như một tô phở trong miền Nam, nước dùng thơm đậm đà hơn, thịt nấu nhừ và có đúng mùi phở, không chỉ ngọt mùi bột ngọt, mà miền Bắc gọi là mì chính. Hay tại vì không biết chỗ bán phở ngon tại Hà Nội, chỉ được ăn phở như ăn mì ăn liền trong các khách sạn.

Trên xe, anh chị Vị đã chu đáo mua sẵn những chai nước suối nhỏ để uống dọc đường. Thế là, mọi người đóng cửa xe lại, anh Vị nhường cho vợ chồng tôi nguyên một băng giữa thoải mái, dễ chụp hình, quay phim, còn anh thì ngồi phía sau, chị ngồi phía trước, bên cạnh tài xế.

Đường ra khỏi thành phố thì dài, chứng tỏ là thành phố đã phình to ra, không còn nhỏ bé, ấm cúng như thời tôi còn nhỏ, chỉ có mấy quận, hiện nay trở thành các quận trung tâm. Xe chạy ngang qua quận 6, quận 10, quận 11, xa cảng miền Tây, bến xe miền Tây, lên quốc lộ 1A, thẳng vào đường cao tốc Trung Lương mới xây dựng, có nghĩa là được chạy „thả ga“ tối đa 100 cây số/giờ. Giá vé mãi lộ đường cao tốc là 40.000 đồng.

Ở bên Pháp, tốc độ hạn chế tối đa là 130 km/giờ, mà tôi còn thấy xe chạy chậm rì. Dạo xưa đi làm, tôi cứ phóng trung bình là 140, vắng xe thì chạy ào ào lên 160, có khi 190 cây số/giờ. Nhưng ở Việt Nam, xe chạy 50 cây số giờ là đã thấy nhanh…so với các xe hai bánh và xe đạp vây chung quanh, cứ sợ cán người tông xe gây tai nạn !

Bởi thế, nên được chạy lên 100 cây số/giờ là người thích tốc độ vui cười hể hả, còn ai sợ tốc độ thì níu chặt tay xe. Đường cao tốc mới tinh, mặt đường phẳng phiu bóng loáng dưới ánh nắng, mỗi chiều xe có hai lằn chính và một lằn phụ cấp cứu, vắng xe vì các xe dồn hết vào đường quốc lộ 1A cũ, trời xanh nhạt trong vắt không một gợn mây, anh tài thong thả chạy.

Hai bên, các ruộng lúa đang hườm hườm chín vàng, nhà nông bắt đầu mùa gặt vào tháng ba này cho đến giữa tháng năm, để trước mùa mưa vào tháng sáu là đã gieo lớp mạ cho mùa lúa tới.

Ai đi trục đường Bình Chánh – An Lạc – Bến Lức – Tân An – Tân Hiệp – Mỹ Tho – Cai Lậy – Cái Bè để về cận bờ sông Tiền ở Mỹ Thuận thì dọc đường tha hồ ghé hàng quán ăn hủ tiú Mỹ Tho nước lèo ngọt xớt, hay ghé nghe đờn ca tài tử còn ngọt và du dương hơn. Những cái tên bảng hiệu rất đậm đà hương sắc miền Nam như „ Năm Lùn“, „Mười Em“, „Út Đen“…nghe mà thấy thương…giống như tên tôi „Hai Tai“ của các em tôi gọi trong nhà ! Khi xe xuống tới Mỹ Tho, thì được nhìn những lò gạch đất nung của Châu Thành, những cái lò gạch rất lớn, như những cái tô „bự“ chảng úp ngược màu gạch nung, cam cam đỏ đỏ đen đen, xếp hàng cạnh nhau bên bờ sông Tiền. Ghe thuyền cập bến chở gạch đi bán, tấp nập.

Tô hủ tíu Mỹ được ăn làm hai cách, ướt hay khô. Tôi thích ăn „khô“ vì được chén nước lèo để riêng, nhưng lần này tôi hơi thất vọng vì chén nước lèo nhỏ xíu, chỉ là cái chén ăn cơm, và không có „xí quách“. Ở Việt Nam có cái lạ là người ta ăn suốt từ sáng đến tối mịt, có người ăn năm, sáu lần trong ngày, có lẽ là trời nóng, những món nước như phở, mì, hủ tíu, cháo, chè tuy ngon miệng nhưng mau tiêu, ít nhiệt lượng cho cơ thể, nên mau đói, mau khát, muốn ăn no, ăn cho chắc bụng là phải ăn cơm, ăn xôi.

Được nghỉ giữa đường, hàng quán mát mẻ, chỉ có mái mà không có vách đóng kín, các em gái miền Nam mặc bà ba tiếp khách, gió mát lồng lộng hơi hướng miền Nam đến dễ khó dzìa, là thích rồi. (Ở Hà Nội chữ „rồi“ được nói là „rùi“, còn trong Nam là „gồi“ !).

Bên Pháp, khi nào thèm lắm, tôi vin cớ này cớ nọ, nhõng nhẽo để được đi vào quận 13 Paris, ở đó có một hàng quán bán món hủ tíu Mỹ Tho, cũng có khô có ướt, và tô nước lèo thật to có một miếng xương „xí quách“ heo chín nhừ ngọt lịm. Ông chủ quán thấy mặt tôi là khách hàng quen từ mấy chục năm nay, lúc chủ và khách còn trẻ như nhau, bây giờ cũng già như nhau, cái tiệm mấy chục năm vẫn y như thế, không có gì thay đổi. Khách vẫn trung thành với tô hủ tíu Mỹ còn chủ là người làm ăn thành công, biết giữ khách.

Trước khi đi, lúc còn ở nhà, tôi đã đọc vài bút ký của nhà văn Sơn Nam, riêng bút ký „Tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long“, tôi đọc đi đọc lại để cho có kiến thức về một miền đất mà tôi chưa quen biết, nghe nói là đã thấy „sợ“ rừng U Minh và những cái tên như Cà Mau, Đồng Tháp Mười…, nhưng bây giờ trên đường tự mình đi khám phá, thì tôi quên hết những gì đã đọc, bị thu hút bởi quang cảnh đang xảy ra trước mắt, có lẽ đã thay đổi nhiều so với thời của Sơn Nam viết bút ký. Trời sáng quang đãng lại có người thân, bạn bè bên cạnh thì không thấy sợ gì nữa. Đến một địa điểm mục đích đã nhắm trước thì vui, nhưng đường đi đến mục đích là một kỳ thú, luôn kèm theo những sự hồi hộp, ngạc nhiên…vì dọc đường mắt thấy tai nghe nhiều điều mới lạ, so với sách vở đã đọc.

Thêm những nẻo đường mới, thêm những cây cầu mới, thêm chợ mới, thêm trường học… là dấu hiệu của sự phát triển của cả một vùng đã có tiếng là vựa thực phẩm của cả nước. Ở đây, con người khai thác hầu như tất cả những thứ có sẵn trong thiên nhiên để tồn tại. Tôm, cá, hải sản, cát, sỏi, than đước, vỏ dừa khô, gỗ, đất sét, đất trồng trọt cày cấy, lúa gạo, trái cây, gà, vịt, rau cỏ, hạt điều…là những sản phẩm như bày ra trước mắt cho khách qua đường thấy sự giầu có của miền Nam. Năm 1862 khi các quan đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Giãn Thiệp (hay Lâm Duy Tiếp) ký với đô đốc hải quân Pháp Louis Adolphe Bonard và đại tá Don Carlos Palanca Gutierres hiệp ước đầu hàng vào ngày 05.06.1862 (Hiệp ước Nhâm Tuất) thì vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn mất ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (và Mỹ Tho) và đảo Pulo-Condor (đảo Côn Sơn, hay Côn đảo) cho Pháp, tức là nguyên khu vực từ phía Bắc thành phố Sài Gòn xuống đến giáp sông Tiền phía Nam, vừa là một cửa ngõ địa lý có tầm mức chiến lược rất quan trọng, vừa là một miền đất trù phú.

Năm năm sau, triều đình vua Tự Đức mất luôn ba tỉnh miền Tây, tức là mất hẳn miền Nam cho Pháp, Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam Sử Lược như sau: „Ở bên Pháp, thì từ năm Đinh Mão (1867), hải quân trung tướng Rigault de Genouilly lên làm thượng thư hải quân bộ, ra sức giúp thiếu tướng De la Grandière cho xong việc. Bởi vậy súy phủ ở Sài Gòn chỉ đợi dịp để khởi sự. Tháng 6 năm đinh mão (1867) là năm Tự Đức thứ 20, thiếu tướng De la Grandière hội hơn 1.000 quân ở Mỹ Tho, rồi định ngày kéo sang lấy Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Ông Phan Thanh Giản biết thế không chống nổi, bảo các quan đành chịu nộp thành trì cho khỏi sự tai hại, rồi ông uống thuốc độc mà tự tận, dặn lại con cái phải cày ruộng mà ăn, chứ không được nhận quan chức gì ở Nam Kỳ. Bấy giờ ông đã già, đã ngoài 74 tuổi, làm quan thật là thanh liêm, nhưng chẳng may gặp phải khi nước có biến, biết thế mình không làm gì được, đem tấm lòng son sắt mà báo đền ơn nước cho hết bổn phận người làm tôi. Từ đó đất Nam kỳ toàn cảnh thành ra đất thuộc địa của Pháp, thuế má, luật lệ, điều gì cũng do súy phủ ở Sài Gòn quyết định cả.“

Cuộc đời là những dòng thời gian, những thế hệ nối tiếp nhau. Nếu ngày xưa trên đất Pháp xa xôi, tôi đã nghe bài hát mà bây giờ gọi là „nhạc đỏ“ „…ở tận sông Hồng, anh có biết quê hương em cũng có dòng sông, em mãi gọi với lòng tha thiết Vàm Cỏ Đông, ở Vàm Cỏ Đông… “ thì mấy chục năm sau, hôm nay tôi đang từ thành phố xuôi xuống An Lạc, đến Bến Lức nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, rồi ngang qua Thủ Thừa, đi tiếp xuống Tân An, nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Tôi cười thầm, vì tôi cũng vừa chợt nhớ thêm một câu hát khác, vui vui, cũng nhạc đỏ: „…con kênh ta đào chưa có nước chảy qua…. Trời quê hương rất quen mà rất lạ, cứ xanh trong thăm thẳm ở trên đầu “.

Đặc điểm đất đai phong cảnh của miền Nam là sông ngòi uốn éo, kinh rạch thẳng đoong đan nhau chằng chịt như bàn cờ trên một khu vực rất rộng, tương đối bằng phẳng, nước ở đâu đổ về cũng tìm đường ra biển.

Không biết bao nhiêu tiền của và sức người đã tốn ra để đào hệ thống kinh rạch của miền Nam ! Đường đất cho xe chạy thì ít mà sông và kinh rạch thì nhiều, bởi vậy, không có ghe, xuồng làm phương tiện di chuyển thì làm sao mà sống ! Khoảng cách các thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long theo đường chim bay thì không xa, nhưng đường đất phải xây dọc theo đường kinh (hay ngược lại ?), uốn éo theo dòng chảy của sông, nên thành xa.

Sau này, anh Kha một người hướng dẫn, cũng như chồng tôi, cắt nghĩa cho tôi nghe rằng, Tây nó tính, nó quy hoạch cứ đi từ thành phố này sang thành phố khác là 60 cây, cho nên bây giờ không cần bản đồ mình cũng dễ tính chiều dài và thời gian cần phải di chuyển. Chúng tôi không dùng máy định vị (GPS), thường dùng bản đồ khi di chuyển, vì không muốn chỉ máy móc lái xe theo đường của máy định vị vạch sẵn. Còn ở bên mình, chúng tôi rất ngạc nhiên là không có tài xế nào có một cái bản đồ trong xe cả, có người cũng không biết nhìn phương hướng Nam Bắc Đông Tây theo mặt trời, theo vị trí của sao Mai, thì em Long, có lần đã là tài xế lái xe của chúng tôi, chỉ ngón tay trỏ vào miệng mình bảo, đường ở đây này cô, cứ biết hỏi thì biết đường thôi mà.

Hai nhánh sông Vàm Cỏ, cũng uốn éo, đổ nước một phần vào rạch Gò Công để thoát ra bằng cửa Tiểu, một phần nước chảy quanh co rồi cũng thoát ra bằng cửa Soài Rạp. Chúng tôi không vào Mỹ Tho, năm trước tôi đã ghé thăm Mỹ Tho và cù lao Rồng trên sông Tiền rồi, từ Tân An tiếp tục đến Tân Hiệp, ngang qua Cai Lậy, Cái Bè.

Đến Cái Bè mà không nhắc đến „gạo“ là một sự thiếu sót rất lớn. Ui chu choa, trên là trời dưới là gạo, chợ gạo Cái Bè tập trung toàn bộ gạo miền Tây, «ghẻ» (rẻ) lắm, bán lẻ chỉ có 11.000đồng/ 1 kí gạo, tính theo tỷ giá đồng Euro hôm nay thì chỉ tương đương có 0,40€. Giá bán bên Pháp 1 kí gạo hiện nay là 1,20 € nếu mua nguyên bao 25 kí, mua lẻ từng kí thì giá thay đổi từ 1,5€ đến 3€ một kí.

Tôi nhắm mỗi bao gạo phải nặng cầu 50 kí lô, vì bao gạo tôi thường mua 25 kí thì nhỏ hơn, vậy mà người vác gạo vác đi te te từ đất lên xe, từ xe xuống thuyền… công việc vác gạo chất lên các phương tiện chuyên chở đi xa bằng tàu thuyền, xe vận tải đều còn bằng sức người, không biết sau một ngày vác gạo như thế đến tối về nhà nghỉ ngơi họ có bị đau lưng, đau đầu gối không ?

Ngoài gạo, Cái Bè còn nổi tiếng với chợ nổi Cái Bè trên sông Tiền và trái cây miệt vườn ! Chợ nổi Cái Răng thì ở gần Cần Thơ trên sông Hậu, cũng là một điểm hấp dẫn du khách của miền Nam. Muốn đi chợ nổi thì phải thức sớm lắm, 5 rưỡi sáng là phải thức dậy, 6 giờ ăn sáng, vội vội vàng vàng, vì 6 rưỡi phải xuống ghe rồi. Người hướng dẫn đã thuê sẵn ghe, đúng hẹn là ghe chờ ở bến.

Sáng sớm, ngồi trên ghe máy chạy trên sông gió thổi mát rượi, có thêm hơi nước, giọt nước bắn li ti theo sóng hắt lên thì lại còn mát hơn. Du khách ngồi trên những chiếc ghe khác đi chợ nổi vui cười hớn hở vẫy tay chào nhau, thích thú xem ghe khách nào chạy nhanh hơn, luồn lách hay hơn. Tôi để ý, ghe nào cũng khẩm, nước sông mấp mé mạn thuyền, nhưng không có ai mặc áo phao cả, hình như tất cả mọi du khách đều tin tưởng vào người lái ghe thuyền và…số mạng.

Đoạn sông từ bến đến chợ nổi cũng khá xa, đến đầu chợ thì người lái ghe giảm hẳn tốc độ, để cho chúng tôi xem chợ: hàng trăm cái ghe thuyền lớn nhỏ đủ cỡ đậu gần nhau trên một khúc sông, thuyền nào muốn mua bán thứ hàng nào thì treo món đó lủng lẳng trên một, hai cây sào gọi là « cây bẹo » hoặc dựng đứng trước mũi thuyền hoặc dựng ngang theo sườn thuyền, một củ cà rốt, một trái thơm, một trái xoài, một nhánh hoa cúc vàng, một củ hành, một quả bí, một quả bầu, một củ cải trắng, một trái bưởi, một nải chuối, một trái dưa… xem rất vui mắt. Nhiều người quen sông nước, phụ nữ, đàn ông đủ cả, đứng trong ghe này một chân, gác lên ghe bên cạnh một chân.

Trong lòng thuyền thì « hàng hóa », đa số là trái cây, rau củ cỏ, hoa các loại chất thành đống khiến du khách há hốc miệng, tròn mắt, thuyền nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là các thuyền chở đầy ắp hoa. Màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu tím…và những chiếc nón lá phản chiếu những tia nắng mới lên trong ngày. Một bức tranh đẹp và rất sống động.

Nếu ai đó muốn mua chỉ một trái ăn ngay thì họ cũng bán, cắt gọt tại chỗ. Vui nữa là có những chiếc ghe chèo lái bởi một người phụ nữ mặc bà ba, đội nón lá, bán cà phê, nước ngọt, bánh kẹo, xôi… len lỏi giữa những chiếc ghe hàng hóa chào mời. Mấy năm trước, năm nào tôi cũng đặt may một bộ bà ba bằng lụa tơ tằm để mặc trong nhà theo thói quen. Bây giờ, hè đến, nóng bức, tôi mặc cả quần bà ba đi chợ bên Pháp.

Chợ nổi họp đến chừng 9 giờ sáng là tan chợ, chúng tôi đã đi một vòng từ đầu chợ đến cuối chợ, các ghe thuyền lái về, thưa dần, du khách cũng trở về bến khởi hành, chấm dứt một cuộc tham quan thích thú.

Trước năm 2000, muốn qua sông Tiền thì phải lấy Bắc Mỹ Thuận, để đi tiếp xuống phía Nam, vào địa phận của Vĩnh Long. Nhìn trên bản đồ, đoạn sông Tiền chảy ngang qua Mỹ Thuận bị eo thắt lại, bề ngang sông hẹp hơn, trước khi tỏa ra thành nhiều nhánh như những ngón chân với bốn nhánh chính là sông Tiền, sông Bà Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên.

Con rồng nước Cửu Long xuyên qua miền Nam Việt Nam để ra biển bằng hai con sông chính, sông Tiền Giang (còn gọi là sông Mekong, Mê Kông) và sông Hậu Giang (còn gọi là sông Bassac, Bát Xắc), đổ khối lượng nước khổng lồ ra biển Đông bằng nhiều cửa, theo thứ tự các cửa sông từ Bắc xuống Nam là các cửa Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Ba Lai, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Bát Xắc, cửa Trần Đề hay Thanh Đề, cửa Mỹ Thanh.

Những khi về Việt Nam, máy bay đến từ biển xanh thẫm xà xuống sửa soạn hạ cánh, thì nhiều người nhốn nháo hẳn lên khi thấy sóng biển vỗ vào đất liền trắng như những đường chỉ trắng bao bọc cái lưng cong hình chữ S, các nhánh sông Cửu Long thì như là những nét bút vẽ phác họa phóng khoáng tự do mầu nâu ngoằn ngèo, các cửa sông thì nửa đục nửa trong nửa nâu nửa xanh, tôi không hiểu sao đó lại là một hình ảnh rung động trái tim, nơi nước thượng nguồn đổ ra biển cả, có phải đó là biểu tượng của sự tuần hoàn thiên nhiên, của nhân quả, một vòng luân hồi khép kín ? Từ khi có cầu Mỹ Thuận bắc ngang qua sông Tiền thì nạn kẹt bắc không còn nữa, nhưng những người ngày xưa kiếm sống trong khu vực lên bắc xuống bắc nhộn nhịp vui tươi đã phải đổi nghề hay dọn đi nơi khác. Chữ „bắc“ là phiên âm của chữ tiếng Pháp „le bac“, ý chỉ một loại tàu thủy có đáy cạn dùng để chuyên chở người, xe cộ qua một con sông, một cái hồ, một cái vịnh hay một ven biển.

Bên Pháp, nhiều khi dân làng than phiền, biểu tình, khiếu nại…vì xe cộ chạy qua làng ồn ào quá, thỉnh thoảng lại có tai nạn, nhưng khi chính phủ làm đường cao tốc mới, đánh một vòng xa quanh làng, thì…kinh tế làng ấy chết ngủm luôn, vì mọi xe đều chạy trên đường mới, không ghé qua làng nữa, hàng quán đóng cửa không có khách ăn, chợ búa lèo tèo vì thiếu khách mua, dân làng được ngủ yên nhưng phải kéo nhau đi kiếm sống ở một nơi khác, đó là sự „công bằng“ của cuộc đời, được cái nọ thì mất cái kia.

Cầu Mỹ Thuận là một cây cầu treo, cách Sài Gòn 125 cây số, nằm trên quốc lộ 1A, chiều dài cầu là 1.535,2, đầu cầu phía Bắc thuộc huyện Cái Bè, đầu cầu phía Nam thuộc thành phố Vĩnh Long. Người miền Nam qua đây đều nhớ câu hát ngân nga vọng cổ „Chẻ tre bện sáo cho dầy, ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em…“.

Cầu Mỹ Thuận đẹp, người dân còn quen miệng kêu theo cách cũ là cầu Bắc Mỹ Thuận, hai trụ cầu treo dây cáp nổi lên trên nền trời xanh không một gợn mây, nước sông Tiền mầu nâu, mặt nước rộng mênh mông, trôi băng băng bên dưới. Xe lên cầu, nhón người qua khung kính xe, mới bấm máy chụp hình được hai lần thì xe đã xuống cầu. Nhanh quá ! Khối lượng xe cộ qua cầu còn thưa thớt thảnh thơi hôm nay, nên xe chạy ào ào qua, làm như tài xế nào cũng sợ cầu gẫy nửa chừng.

Từ cầu Mỹ Thuận chạy xuống quẹo tay phải đi hướng Sa Đéc, quẹo trái thì vào thành phố Vĩnh Long. Chúng tôi ghé Sa Đéc. Chợ Sa Đéc đông vui, khi xe chạy ngang qua, chỉ đọc các bảng quảng cáo «bún thịt xào, hủ tiếu, mì, gỏi cuốn, bì cuốn, bánh mặn, chè thập cẩm, bánh cuốn, bánh ướt nóng, chả lụa, nem chua…» là đã thấy no ứ hự. Nhà ở và cửa hàng quanh chợ khang trang, toàn là nhà lầu, nhà gạch.

Chúng tôi đến thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lệ, người tình xưa của nhà văn Marguerite Duras trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng « L’Amant » (Người tình). Đây là một ngôi nhà quy mô thì nhỏ thôi nhưng kiến trúc bên ngoài và nội thất đều trang trí cầu kỳ, nền lát gạch hoa, tường vách đều phủ bởi những tấm gỗ quý chạm trổ tinh vi, cẩn xà cừ, bàn ghế đều bằng gỗ mun, trang thờ nguy nga sơn son thếp vàng, chứng tỏ chủ nhân của nó khi xưa là người rất giầu có và sống với cái giầu của mình. Một đoàn khách nước ngoài đang nghe kể về chuyện tình cũ của bà Duras. Người hướng dẫn kể rằng thời ấy dân chúng đi ngang nhà này đều phải cúi đầu, không dám nhìn thẳng hay liếc vào nhà.

Tôi chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, nhưng cũng thấy tiếc cho khung cảnh ngôi nhà, đã bị xây bít chung quanh, mất hẳn cái vị thế quyền quý giầu sang thời xưa của nó. Bên ngoài đường, ngay trước cửa là hàng quán hai bên lề, xe ba gác, xe tải to nhỏ, xe hai bánh, người đi chợ qua lại đông vui đối nghịch lại cái quá khứ đang thầm lặng của ngôi nhà cổ.

Anh tài đưa chúng tôi đến xem trường Trưng Vương Sa Đéc, nơi cũng có liên quan đến câu chuyện tình Duras. Xe chạy ra bờ sông, nhìn người dân đang tải hoa lên thuyền đem đi bán, tôi chợt nhớ đến « làng hoa Sa Đéc » và tỏ ý muốn đi xem. Thế là tôi được chiều, được đưa đi vào những nhà vườn trồng hoa, cây kiểng, phong lan, và cây trái cây giống.

Điều gì phải xẩy ra đã xẩy ra: tôi mua một cây mít và một cây xoài cát Hòa Lộc, quên bẵng là mình phải vác nó từ đây về tận nhà bên Pháp, mà tôi lại còn muốn ra miền Trung và ra Bắc, ghé Hà Nội thăm bạn bè, rồi đáp máy bay về. Chồng tôi và anh chị Vị thấy tôi vác hai cái cây lên xe, thì chỉ cười.

Chúng tôi nghỉ ăn trưa ở Sa Đéc trong một nhà hàng khách sạn Hoa Mai, bữa ăn trong « gói » tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lệ rất thịnh soạn, nhưng bị bắt phải ăn riêng trong một phòng « séparée » (riêng) vì nhà hàng đang có tiệc cưới lớn, cho nên tôi tiếc cho bữa ăn có không khí tù túng, ngột ngạt.

Cây xoài, cây mít về tận được nhà quê bên Pháp. Tôi trồng chúng trong hai chậu đất « Tây », không to lắm, đặt sát cửa kính trong nhà bếp, cho có ánh sáng và hơi ấm. Chúng đứng im, không động đậy, như thế khoảng độ hai tuần lễ. Rồi, coi bộ đã bén rễ, bắt đầu mọc thêm lá xanh bé tí. Hàng ngày, vợ chồng tôi nhìn cây lớn. Đem về hồi tháng tư, mới tháng mười một, một hôm, cây mít, mới chỉ cao hơn một thước tây mà lá khá to, cho hai cái nụ có hình khum khum như cái bẹ lá với hai lá màu xanh nhạt, khi hai lá này nứt ra, xòe ra, bên trong xuất hiện một quả be bé, thường gọi là cái « dái mít ». Dái mít có vị chát, dân nhậu ở nhà thích ăn dái mít để uống rượu. Sáng nào thức dậy, mở màn cửa cho ánh sáng vào, vợ chồng tôi đều ngắm hai cái dái mít, nó lớn lên thấy rõ hàng ngày. Anh Vị xem hình gửi về thì vui, bảo, vậy là năm nay chị có « Lộc » đó. (Trích Từ Lũng Cú đến Đất Mũi, Mathilde Tuyết Trần, France 2013)

Đất Mũi Cà Mau

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lệ, nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm L´ Amant của Marguerite Duras, đã được quay thành phim

Bãi Nai – Hà Tiên

Nhà thờ Cha Diệp

Commentaires fermés