Aller au contenu principal

Điểm sách « Tìm bình yên trong gia đình » của Thích Nhất Hạnh

22. janvier 2022

Điểm sách « Tìm bình yên trong gia đình » của Thích Nhất Hạnh – Mathilde Tuyết Trần, France 2022

Anh bạn nói thật đúng, việc gì cũng phải có cái duyên của nó, không duyên là không thành, gặp cản trở. Tôi vừa đọc xong cuốn sách « Tìm bình yên trong gia đình » của Thích Nhất Hạnh thì tin từ Huế bay sang sáng nay khi bật máy là Sư Ông đã viên tịch lúc 0 giờ. Mặc dù tôi ở Pháp, và đã có đến Làng Mai hai lần, nhưng không có duyên gặp ai, chỉ gặp một sư cô trẻ măng mới từ Việt Nam qua, mời uống một tách trà, vài chú tiểu canh chùa, thiền viện trống không, phong cảnh đẹp hững hờ. Nhưng cũng nhờ vào những lời khuyên bảo của Sư Ông và tập thể Làng Mai viết trong sách tôi ngẫm nghĩ lại đời mình có gì đúng có gì sai mà rút ra bài học cho mình, sửa chữa những gì còn sửa chữa được trong tấm lòng sám hối lặng thinh.

Cuốn sách do một cô em gái trẻ từ Việt Nam tặng đến tay tôi trong tuần này thì đã quá muộn, vào cuối đời tôi. Đáng nhẽ ra phải đọc cuốn sách này từ đầu đời, từ lúc bắt đầu gặp khó khăn hay vấp ngã. Trong tấm lòng tưởng nhớ Sư Ông tôi viết bài giới thiệu sách « Tìm bình yên trong gia đình« . Điều Sư Ông giảng về thuyết Luân Hồi thật là dễ hiểu, nhục thể đã hoàn thành nhiệm vụ trên trần thế, nhưng linh hồn vẫn sống mãi trong tâm của những người thân, những người trung thành, chung thủy với mình, truyền từ đời này sang đời khác. Bây giờ, nhìn mây trắng bay trên trời, cầu mong Sư Ông về nhà Phật an bình, thong dong, « Đường xưa Mây trắng« , nhớ thêm tên của một người, một vị thầy Phật giáo.

Câu hỏi làm thế nào để sống vui sống khỏe lúc tuổi già ở đây, xa quê xa người, mà đặt ra vào thời điểm ai nấy đã già thì thật là không đúng thời điểm, như một sự ngạo mạn cho những ai không thể có được niềm vui sống khỏe, vì muốn được như thế thì cái nhân gieo trồng cho tuổi già phải được thực hiện từ khi tuổi trẻ, về già mới được hưởng thành quả vật chất của suốt một đời lao động và tinh thần, tâm linh, tôn giáo…với điều kiện: trong một khung cảnh xã hội bình an yên lành.

Hiện tại, tập thể nhỏ bé của người Việt sống trên xứ người đang chao đảo trong nạn dịch Covid19 có vẻ tách rời ra hoàn cảnh chung của xã hội nước cưu mang. Bạn có biết những biến động trong lòng xã hội người ta ? Bạn có cảm thông trước những khó khăn của dân sở tại ? Bạn có sống hòa đồng cùng nhịp điệu với dân sở tại ? Hay bạn đứng trên núi này mơ về núi nọ, nếu đã chọn nơi này là quê hương thứ hai ? Nếu bạn chọn ở đây với tính cách như một người ở đậu, sống bên lề, nay đến mai đi không quyến luyến thì xin phép được miễn bàn. Đó là một quan điểm sống ích kỷ, trục lợi, thiên vị, sống như một tập thể trong lòng một tập thể khác đã cưu mang mình, và đó cũng là những điểm mấu chốt làm tiền đề cho những người dân sở tại chống nhập cư của người nước ngoài. Bạn thấy, từ việc này nó kéo sang việc khác như mắt xích. Thân phận nhập cư tôi càng thấy rõ hơn khi vào bệnh viện điều trị, từ cô y tá cho đến người bác sĩ đều muốn biết tôi đến nước họ ở từ bao giờ, năm nào. Họ làm cho tôi phải hiểu, một giường bệnh dành cho tôi là giảm đi một giường bệnh dành cho người bản xứ, nhất là trong lúc họ, trong thời đại Covid các bệnh viện đều thiếu nhân viên, thiếu bác sĩ, thiếu giường vì chính sách giảm thiểu y tế của chính phủ đã được thực hiện từ nhiều năm qua.

Chủ đề này cũng được đặt ra trong những câu hỏi cho Làng Mai, là làm thế nào để giáo dục con cháu trong một môi trường « lạ », văn hóa « lạ » của người. Riêng tôi thấy, sống trong lòng một xã hội « lạ » thì những cái mốc hội nhập đã được xã hội ấy cắm sẵn từ khi con mình chưa biết nói đã phải đi nhà trẻ cho cha mẹ đi làm, đi học. Rồi dần dần thế hệ hai của chúng ta hội nhập nhiều hơn chúng ta, những cái cây đã có gốc từ Việt Nam bứng qua trồng trong xã hội châu Âu. Cho thế hệ thứ hai, thứ ba…sự việc tiếp thu văn hóa nước người là điều tất nhiên phải đến. Trách móc con cái không biết nghe theo cha mẹ, bè bạn xấu, tình duyên cũng đôi lần gãy gánh giữa đường…cũng là những đại họa hậu quả phải xẩy ra mà không có một sự cảm thông, thấu hiểu và trao đổi giữa hai thế hệ với hai « background » khác nhau.

Hạnh phúc của tuổi già là một sự vun trồng của một đôi vợ chồng từ cả mấy chục năm trước. Cái khổ, cái bệnh, cái xui không gọi cũng đến, có ai mà muốn mình chết dần chết mòn trong túng thiếu và bệnh tật ? Cuộc đời chỉ là một đường thẳng tắp, vô tư lự, một vợ một chồng ăn sung mặc sướng, suốt một đời dài không có đau khổ, lên voi xuống chó ? Chân thành chúc mừng bạn, gia đình bạn thật có phúc.

Cuốn sách « Tìm bình yên trong gia đình » đi tìm những nguyên nhân bắt nguồn gốc rễ của những nỗi khổ của cuộc đời từ trong cái nôi của mình và nói rộng ra cái nôi của xã hội, của nhân loại, từ mổi tương quan giữa cha mẹ con cái anh em chị em. Những câu hỏi là những ray rứt rất thật của cuộc đời, những số phận lao đao, không may, là những sự tìm kiếm nguyên nhân và lời giải, được chia thành 6 chương, chương 1 là « Những khó khăn trong gia đình« , chương 2, 3 là những tâm sự của cha mẹ và con cái, chương 4 « Thiết lập niềm tin trong cuộc sống« , chương 5 « Truyền thông với người đã mất » và chương 6 « Thực tập chánh niệm trong gia đình« .

Đứng trên bình diện rộng hơn, xã hội hay chính trị, thì một xã hội có khi cần phải có một sự « giận dữ » tột độ thì mới thực hiện được một cuộc cách mạng, nói khác đi là « lòng dân đã chín mùi », nhưng đứng trên bình diện tình cảm, cá nhân, tâm linh và tôn giáo thì sự giận dữ, xuất phát từ hoàn cảnh trái ngang, đau khổ càng làm cho bản thân người đó mất thăng bằng, đau khổ chồng chất, nối tiếp.

Có những cô gái trẻ phải phá thai, cảm thấy mình bị phản bội, đau khổ, dằn vặt, mất niềm tin vào tình yêu đôi lứa. Có những người chịu bạo lực trong gia đình « vì cái mặt của con rất khó ưa, không ai muốn trông thấy con. Cả mẹ cũng thế. Mỗi lần thấy bóng con là mẹ cầm chổi, cầm roi quất vào con… » và giáo dục bằng bạo lực « thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi » nhiều hơn là giải thích, thông cảm. Có những người thấy gia đình mình « đang đứng trên bờ vực thẳm vì nghi kỵ, suy nghĩ cực đoan, giận hờn » không biết đường nào gỡ mà hàng ngày lại tiếp tục nuôi dưỡng hạt giống giận hờn. Có những bậc cha, mẹ từ bỏ, hắt hủi con cái vì chúng nó không sống và làm theo ý mình « mày sống làm gì, chết đi cho rồi »…, thật là tàn nhẫn quá. Lớn lên, trưởng thành trong những hoàn cảnh như thế thì cái « vốn liếng » của một con người chỉ là cảnh khổ, tâm và vật chất. Tham, sân, si ở đây được « dịch » ra từ những tham vọng « phải thành đạt », tham vật chất, danh vọng, phải mua nhà, phải lập cơ nghiệp, phải có lương cao, phải có chồng/vợ đẹp đôi, con khôn, ganh ghét người khác, nhục mạ, phỉ báng, vu khống….., quên đi rằng « Cờ đến tay ai người đó phất« , việc gì cũng phải có cái Duyên mới làm nên. Trong vòng thân thuộc của chúng ta, những người kém may mắn nhất là những người chưa được từng « phất cờ » một lần trong đời, nên thông cảm và thương xót cho nghiệp chướng của họ.

Những lời giải của Sư Ông và tập thể Làng Mai (ban biên tập và các sư nữ) đều toát ra tinh thần « hiểu và thương« , « có hiểu thì mới thương« , rồi xây dựng lại niềm tin vào chính mình, tha thứ cho mình, sám hối và một sự bắt đầu, đi lại từ đầu như là một sự chuyển hóa năng lượng từ tiêu cực sang từ bi, cũng như thực tập chánh niệm.

Bài học về con đường của Bụt chỉ lối ra cho vấn đề « khổ đau ở đâu cũng có, vấn đề là mình biết cách xử lý khổ đau như thế nào để những khổ đau đó trở thành hữu ích, trở thành một cơ hội cho mình học hỏi và lớn lên, giống như sử dụng bùn để trồng hoa sen vậy đó. «  Nuôi dưỡng niềm tin nơi cuộc sống, nơi tình yêu, và tìm những điều kỳ diệu ngay trong chính bản thân mình, hiều chính mình để thương chính mình, thì mới hiểu được người khác và thương họ, môi trường chung quanh mình. Đó là một sự tiếp nối trong nhiều tiếp nối của thầy Thích Nhất Hạnh. MTT

Bài hát « Bài hát Cài Áo », thơ: Thích Nhất Hạnh, nhạc: Phạm Thế Mỹ, qua tiếng hát của Bằng Kiều:

xomha7

Làng Mai – Xóm Hạ (trên) Xóm Thượng (dưới) – Photos: MTT

xomthuong1

Commentaires fermés