Aller au contenu principal

Mobylettes, Eiffel và tháp canh de Vez mùa chớm thu

10. octobre 2021

Mobylettes, Eiffel và tháp canh de Vez mùa chớm thu ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Tự cách ly từ ngày đầu tiên, hạn chế tối đa tiếp xúc, chúng tôi phải nghe tiếng gọi của sự tự do, tự do đi chơi, tự do di chuyển vào một ngày chớm thu quá đẹp như hôm nay. Kể từ hôm 17.3.2020 cho đến nay, người nhà quê như chúng tôi bị đặt vào tình trạng khẩn cấp bất đắc dĩ không biết trước, trong khi dân parisien đã ồ ạt lên đường từ tối hôm trước túa ra các vùng du lịch để tránh phong tỏa Paris, họ đã biết trước và sửa soạn, các xa lộ về hướng Nam và vùng biển đều nghẹt cứng hàng trăm cây số. Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, có « chiến tranh » mà mình không hay biết, mặc dù theo dõi tin tức hàng ngày. Ba lần phong tỏa toàn quốc vì lý do dịch covid 19, lần thứ nhất 17.03-11.05.2020, rồi lần thứ hai 30.10-15.12.2020 và lần thứ ba từ 03.04.-03.05.2021, và những lệnh cấm đủ thứ, cấm nhà hàng, cấm văn hóa, cấm di chuyển (chứ đừng nói chi đến du lịch) đến con chó cũng phải ra ngoài đi ỉa một giờ trong một ngày…Cảnh sát đầy đường, phạt vạ….C´est interdit d´interdire ! Tự do trở thành một thứ tự do có điều kiện, người đủ điều kiện thì nhởn nhơ ăn chơi đi đó đi đây…. người không đủ điều kiện thì mất công ăn việc làm, chỉ nhìn thiên hạ ăn chơi mà thôi. Nhưng cái choc lớn nhất mà mọi người học được từ tình trạng này là tất cả « quyền lợi của quyền con người » thì chỉ cần cái « lệnh » từ trên ban xuống là mất hết, mất trắng..,,Người dân vô tội, nạn nhân, là người tù lỏng của xã hội. Chỉ cần nêu lên cái lý do sức khỏe toàn dân trở thành « chiến lược » quốc gia. Những thứ như tự do, dân chủ, bình đẳng, công lý chỉ còn lại là những từ ngữ sáo rỗng, rỗng tuếch…Kêu ca ai nghe, ai xử, nói ai nghe, than ai nghe…, thiên hạ biểu tình ở Paris và những thành phố lớn đã tởi tuần thứ 11, 12 gì đó, chưa hết… Ôi thôi, tất cả đều khổ não, buồn phiền. Chỉ có cái màn hình tivi là nhan nhản lếu láo nói nhăng nói cuội suốt ngày, thế mà mọi người ngồi nghe há hốc mồm, như nuốt chửng không cần phải suy nghĩ, lý luận. Nó cũng không chịu một hậu quả nhỏ nhoi nào của đời sống thực tế, nói trước quên sau, thật là đáng ghét.

Vì thế được đi chơi, nhưng chúng tôi không khỏi lo ngại, đi mấy chục cây số mới tới nơi, nhỡ nó không cho vào đuổi về thì sao ? Trời chớm thu quá đẹp, xanh, cao, trong vắt, không một gợn mây, nắng vàng ấm áp, gió nhẹ hây hây….một ngày lý tưởng, có còn gì đẹp hơn ! Vợ chồng tôi đi xem một cái triển lãm mobylettes !

Tôi cứ tưởng là xe cổ như những lần xem xe cổ con bọ WV hay các loại xe cổ của Pháp thì là ở những bãi cỏ ngoài trời, nên mạnh dạn đi, không sợ bị đuổi. Địa điểm hẹn là tháp canh làng Vez. Chồng tôi cũng tưởng là triển lãm xe mobylettes trên bãi cỏ trước tháp canh. Tháp canh bỏ hoang trong vùng Oise thì có nhiều. Làng Vez cũng không xa lắm, cách nhà khoảng 50 cây số, trời đẹp lái xe đi về cũng thích. Con đường liên tỉnh chạy xuyên qua những khu rừng mới chớm vàng, lá còn xanh nhiều, mát rượi. Tháp canh làng Vez nhìn từ dưới lên trên thì thấp thoáng, ẩn náu trong những rặng cây xanh um tùm, Tới bãi đậu xe, chúng tôi ngạc nhiên nhìn thấy chỉ có ba chiếc xe đậu với xe tôi nữa là bốn. Ít người thế này sao ?

p0 (2)Từ chân núi đi lên, ngang qua cái cổng sắt cao to đóng mở tự động, con đường vắng vẻ, không có ai, rợp bóng cây xanh um tùm và sạch sẽ. Tháp canh (Donjon de Vez) nằm trên một đỉnh của ngọn núi cao 119 mét (thấp hơn vị trí của nhà tôi cao 131 mét), nhưng đường bộ lên thì cũng dốc như thế mà ngoằn nghèo hơn. Lên được nửa đường, chúng tôi gặp hai người đi ra, như thế chỉ còn có hai xe là bốn người xem triển lãm ! Ấn tượng đầu tiên là tháp canh được bảo tồn rất đẹp, giữ nguyên vẹn vẻ hoàng tráng thời trung cổ thế kỷ thứ 14 của nó. Vào thế kỷ thứ 13, vua Philippe-Auguste biến mảnh đất làng Vez thành đất hoàng gia, năm 1214 nhà vua tặng mảnh đất cho Raoul Duchemin, một kỵ sĩ có công trong trận đánh ở Bouvines. Ông này cho xây dựng lâu đài, tường thành…Đến đời cháu của Duchemin là Jehan de Vez cho xây dựng tháp canh làng Vez hình lục giác năm 1360.

Năm 1430, trước khi bị bắt và bị thiêu sống tại Rouen, Jeanne d´Arc đã dừng chân tại Donjon de Vez để bảo vệ đất đai cho vua Pháp Charles VII trước sự hăm dọa chiếm đoạt của lãnh chúa quận công vùng Bourgogne Philippe Le Bon, là người chống lại vua Pháp Charles VII cùng thời. Bà lên tháp canh theo dõi sự tiến quân của quân Bourguignons. Làng Vez chỉ cách Compiègne có 30 cây số. Bị bắt bởi quân Bourguignons ở Compiègne năm 1430 trong một trận vây hãm thành phố Compiègne bởi hai đạo quân Bourguignons liên kết với một đạo quân Anh, Jeanne d´Arc bị bán lại cho quân Anh với giá 10 ngàn quan tiền vàng bởi kẻ chiến thắng là Jean de Luxembourg. Năm 1431 trong một phiên xử do Pierre Cauchon, giám mục địa phận Beauvais chủ trì, người đã liên kết với quân Anh, Jeanne d´Arc bị xử thiêu sống lúc mới có 19 tuổi. Vì thế ngày hôm nay Donjon de Vez, nơi cuối cùng của Jeanne d´Arc còn là một người chiến sĩ tự do, là một nơi tưởng niệm thánh Jeanne d´Arc có ý nghĩa.

Trong hình dạng hiện tại, Donjon de Vez cao 27 mét, có hình ngũ giác, năm tầng và thêm một đài quan sát trên tầng thượng, nơi lá cờ của Donjon kiêu hãnh bay phất phơ trong gió, bao quanh bởi một bức tường bằng đá tảng kiên cố dầy 2 mét, cao 13 mét và một chiến hào, có hệ thống đường hầm dẫn vào tháp canh. Điểm yếu duy nhất của nó chính là cái cầu treo bắc qua chiến hào dẫn vào cổng bằng sắt, có thêm hai cảnh cửa gỗ, cho nên hai bên cổng là hai ngọn tháp canh nhỏ. Tuy nằm lẻ loi trong rừng, nhưng nhiệm vụ của Donjon de Vez là bảo vệ cho bốn lâu đài ở hậu tuyền, đó là các lâu đài Coucy-le-Chateau, La Ferté-Milon, Pierrefonds và Montepilloy, trong thời đại con người còn đi ngựa, đi bộ, gửi thư và công văn viết tay bằng chim bồ câu, kỵ mã… và không có những phương tiện truyền thông hiện đại như bây giờ. Bên cạnh tháp canh là một nhà nguyện nhỏ, nói như vậy nhưng nhà nguyện nhỏ này to đùng như một lâu đài. Chỉ nội việc vác đá tảng, từng hòn đá, đã là một công trình vận chuyển bằng sức người, sức vật kinh khủng của con người thời ấy để xây những lâu đài, những tháp canh trên núi, trong rừng. Những lò sưởi to lớn dùng để đốt nguyên cả một thân cây để sưởi ấm chứng tỏ những mùa đông rất lạnh trong rừng. Ngoài những lỗ châu mai, khe rãnh trong tường, người xưa còn sáng tạo ra những lỗ hổng trên nền tầng cao nhất để ném đá, đổ chất lỏng cháy xuống…quân thù đang tiến vào tấn công. Thành quách vững chắc như thế, nên chiến thuật hay nhất là bao vây, hãm thành để cho người bị bao vây sức mỏi hơi mòn, cạn lương thực…

Trải qua nhiều lần đổi chủ, năm 1890 Léon Dru, một kỹ nghệ gia mua lại tháp canh và cho bảo tồn toàn bộ khung cảnh. Vì công trạng đó nên vợ chồng nhà Léon Dru được chôn cất trong lâu đài. Từ năm 1987 tháp canh được bán về tay ông Francis Briest với giá rẻ mạt, chỉ bằng giá tiền một căn phòng nàng hầu (chambre de bonne) trên nóc nhà ở Paris. Ông Briest là một chuyên gia định giá làm việc trong lãnh vực đấu giá, chủ sở hữu cơ sở bán đấu giá Artcurial, biến tháp canh thành nơi triển lãm các sản phẩm trong đời sống của thế kỷ hiện tại.

Những cái xe mobylettes cổ ở đâu ? tôi không thấy ngoài bãi cỏ.

Bước qua cái cầu treo vào cổng, thấy có 4 người khách đang dạo chơi, chúng tôi vào phòng bán vé. Cô bán vé thu tiền, niềm nở, chẳng hỏi han gì, thế là lọt ! Ra ngoài bãi cỏ, tôi hỏi nhỏ với chồng tôi: thế còn cái « pass sanitaire » ? Anh trợn mắt nhìn tôi: Có tổng cộng vẻn vẹn sáu người đến thăm viếng giờ này mà còn « pass » gì nữa ! Ở Paris trong một phòng họp có 500 người cũng không ai đòi « pass sanitaire » ! Chính phủ lại vừa đòi dân chúng phải thực thi cái gọi là « pass sanitaire » cho đến 15.11.2021, như vậy các lâu đài là những địa điểm văn hóa cũng phải tuân theo lệnh cũng đòi trình « pass » (bằng giấy hay bằng QR code trên điện thoại di động) mới cho vào tham quan, không thì « a lê hấp » mời ra, đừng vào, đừng đến làm chi cho mất công, chỉ để làm khổ dân, tước đoạt tự do và đè nén kinh tế không cho phát triển thôi sao ?! Bởi vậy nên mới có 3, 4 chiếc xe đậu trên bãi đậu xe và trong khu vực tham quan chỉ có 6 người khách ! Cô bán vé cho biết từ 20, 30 khách cho đến có khi 80, 90 khách tối đa mỗi ngày đến thăm tháp canh và mobylettes. Lúc chúng tôi đi về thì có khoảng thêm 8 khách nữa lần lượt bước vào.

Cuộc triển lãm xe mobylettes cổ nằm trong nhà nguyện nhỏ của Donjon de Vez ! Đây là một bộ sưu tập của một nhà sưu tập tư nhân được cho mượn để triển lãm. Chúng tôi bước vào nhà nguyện, đầu tiên hết là tầng hầm « crypte », ánh nắng chiều rọi trên hồ nước bên ngoài nhấp nhô sáng lung linh nhảy múa trên những chiếc xe mobylettes. Những chiếc xe cổ của thời 17 tuổi được sơn phết và trưng bày kỹ lưỡng trong một khung cảnh tương phản: cái khung của thế kỷ 14 ôm lấy sản phẩm của thế kỷ 20. Ở tầng một, nhìn hai nấm mộ của ông bà Léon Dru, và bức tranh Jeanne d´Arc làm khung cho những chiếc mobylettes, tôi phân vân không biết nhìn cái nào trước cái nào sau !

Chiếc mobylette (gọi tắt là mob) đầu tiên được sản xuất ra năm 1949 ở Paris Saint Ouen và ở thành phố Saint Quentin, bán được 14 triệu chiếc trên thế giới, đến năm 1983 thì bị Yamaha kiểm soát. Bộ sưu tập gồm có khoảng 30 cái xe trong đó có chiếc xe của Schumacher, và những chiếc xe mang nhãn hiệu Dax, Monkey, Caddy, Manhurin, Vespa, Zoomer được trình bày bởi Hubert Le Gall, rải rác trên 5 tầng của nhà nguyện, lên tới nóc. Những ai mới đến Donjon de Vez lần đầu tiên như tôi, bị phân trí, đây là bối cảnh lịch sử, đây là sản phẩm triển lãm, cái nào bắt mắt mình hơn ? Lúc đi thì tôi thích thú vì đi xem xe mobylettes cổ, đến nơi thì bối cảnh lịch sử có phần trội hơn.

Lên tới nóc nhà, tầng năm, chúng tôi lại vui hơn vì gặp « người quen ». Tầng năm vẫn còn là nơi triển lãm các xe mobylettes, ôi chao, phải vác ì ạch từng chiếc xe một lên năm tầng lầu. Cầu thang không phải là cầu thang thẳng, mà là cầu thang uốn lượn theo hình trôn ốc, bằng đá. Dưới mái bằng đá bảng đen là một hệ thống dầm nóc nhà bằng thép của…chính tay Gustave Eiffel làm ra. Về Việt Nam thấy bóng dáng ông Eiffel trên ba miền Nam Bắc Trung, ở vùng quê hẻo lánh nước Pháp có tháp canh cổ ở Vez lại cũng có bàn tay của ông góp phần xây dựng. Léon Dru đã mời Gustave Eiffel làm giàn nóc nhà hình cái nôi cho nhà nguyện bằng thép thay cho kèo cột bằng gỗ. Lúc qua đời Léon Dru để lại cho nhà nước một số tiền rất lớn, đủ để mua hai tác phẩm của Chardin và cả lâu đài Azay-le-Rideau. Đứng trên tầng năm của nhà nguyện tầm nhìn bao quát tận tới chân trời, thống trị cả một vùng rừng núi. Chung quanh tháp canh rất quang đãng, khác với tầm nhìn từ chân núi nhìn lên.

Ra về, trời chiều đang tàn còn rất đẹp, tuy còn được tham quan thêm tháp canh có hướng dẫn, nhưng chúng tôi bỏ phần này, hẹn lần sau có dịp sẽ trở lại. Lần này, no mắt rồi, nhìn nữa thì không thâu nhận được hết. Khi ấy, sẽ chấm dứt cái vấn nạn « pass » hay không « pass » ??? !!! MTT

dba8826e91218ce5-photo (2)

p2 (2)

p6 (2)

a6cba9d364f4fdc9-photo (2)

0783497155f48e94-photo (2)

numérisation0037 (2) 

Commentaires fermés