Aller au contenu principal

Mẹ già trong thời Covid – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

2. novembre 2020

Mẹ già trong thời Covid – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Bà nằm đó. Chỉ có hai con mắt hoạt động theo dõi những cử động của chúng tôi vào thăm bà. Trong mùa dịch Covid, ai vào thăm cha mẹ cũng phải ghi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại và ký tên trên một cuốn sổ to ngoài cổng.

Mẹ chồng tôi năm nay đã 91 tuổi, bà nằm liệt giường vì đột quỵ từ năm 2001 đến giờ tính ra đã 19 năm. Từ một người phụ nữ năng động, ở nhà quê, thăn thể vạm vỡ, khỏe mạnh sau mười chín năm liệt giường thân thể bà dần dần sọp xuống, mặt hốc hác lõm sâu, cằm nhô ra, hai con mắt viền đỏ không còn vẻ tinh anh ngày nào, hai cái chân nặng và cứng đờ như hai khúc gỗ, cả thân hình chỉ còn cánh tay phải và cái đầu cục cựa, hai gò má nhô lên cao đỏ hồng, dấu vết của một sự sống bền bỉ.

Trong hai năm đầu, một mình tôi săn sóc bà, thoạt đầu trong nhà thương, rồi về nhà phục hồi sức khỏe, xong về nhà riêng, bà ngồi xe lăn, còn nói năng được bình thường, còn phụ được tôi mỗi khi đỡ bà di chuyển. Nhưng việc săn sóc một người bị liệt nửa người là một chuyện rất cực nhọc, vất vả, bận rộn suốt ngày. Có con mọn lại còn dễ chịu hơn, vì đi đâu cũng mang trẻ nhỏ đi theo được, có người già trong nhà thì không thể rời ra một phút nào. Chồng tôi đi làm suốt ngày, sáng sớm đi tối mịt mới về, mùa đông thì đi lúc trời còn đen, về đến nhà trời cũng tối đen. Chỉ còn tôi với bà mẹ, chợ búa, cơm nước, các thứ….Cũng may là còn thằng con, nó đi học về thì tôi vội vàng chạy ra chợ ngay để cho nó trông bà.

Từ sáng sớm bà đã gọi dậy để dọn ăn sáng cho bà, xong rồi thì cơm trưa, cơm tối, trà nước…không nói chi đến việc vệ sinh, tắm rửa, thay giường thay quần áo….Mỗi ngày bảo hiểm cho một người đến phụ một lần một giờ vào buổi sáng… Bà nặng trên 80 kí lô, tôi không đỡ bà nổi, phải có chồng phụ một bên. Thế nên bà rên rỉ suốt ngày, kể cả la mắng, sốt cả ruột gan. Người ta bảo, người già khó tính, tôi thông cảm hoàn toàn khi phải nằm một chỗ, mọi việc phải trông chờ, nhờ vả, nhờ đến cái chân, cái tay của người khác, lúc này thì thấy, có chân có tay là rất có ích lợi.

Chờ đến khi có chỗ trong viện dưỡng lão chúng tôi mới đưa bà vào đấy. Ngày đưa bà vào viện tôi sắm sửa cho bà toàn đồ mới, một chồng áo ngủ, một vài bộ đồ, khăn tắm, khăn tay, giầy đi trong nhà….và các thứ cần thiết. Vào viện bà vui hơn một chút, những bữa ăn chung với người đồng cảnh tạo cơ hội chuyện trò, xem ti vi tập thể, tập thể dục trên xe lăn. Mỗi cuổi tuần vợ chồng tôi đều vào ăn trưa với bà, thỉnh thoảng đón bà ra viện, đưa về nhà riêng, hay đưa bà đi ăn nhà hàng. Bà chỉ muốn ra viện, về lại căn nhà và vườn tược thân yêu.

Nhưng sự thay đổi quản lý của viện dưỡng lão đã làm thay đổi điều kiện săn sóc bà. Trước đây, viện do những bà sơ quản lý và phục vụ săn sóc hàng ngày, sau bị một hãng bảo hiểm mua lại, trở thành kinh doanh viện dưỡng lão phải sinh lợi, từ đấy sức khỏe bà giảm sút dần dần.

Mười chín năm là tiêu hao dần dần tiền để dành của bà, xong đến tiền bán đất đai đất ruộng trong sở hữu của bà, xong bán đến nhà của bà. Chồng tôi phải vay mượn nhà băng mua lại cái nhà của mẹ mình bị bán theo quyết định của tòa án. Tiền bán nhà rồi cũng hết, anh lại phải trợ cấp thêm hàng tháng cho mẹ để trả đủ tiền cho viện dưỡng lão, cũng theo quyết định của tòa án. Lương hưu của bà, một cựu nhân viên y tế làm việc trong nhà thương công, cộng với một ít trợ cấp của nhà nước không đủ để trả tất cả phí tổn của viện dưỡng lão.

Dần dần bà chìm vào quá khứ. Trước kia bà còn khen cái sắc tay của tôi đẹp, còn hỏi thăm đến những đứa cháu, dấu hiệu bà còn nhận thức được thực tế. Đến một lúc nào đó, bà kể chuyện, toàn là những câu chuyện với những người quen, người thân lúc bà còn trẻ và đã qua đời, những ký niệm đã mấy mươi năm chợt trở về sống động trong ký ức.

Tôi đem cái đầu trọc lóc vì hóa trị ung thư vào thăm bà để động viên bà vui, nhưng bà chỉ nhìn, không nói gì cả.

Một hôm vào thăm bà, anh ngạc nhiên khi bà không nhận ra con trai, nét mặt dửng dưng lạnh lùng hỏi ông là ai và đuổi ra, lại còn dọa sẽ la lớn gọi người đến. Hai lần, ba lần, bốn lần như thế…chồng tôi buồn bã biết rằng bà đã mất hoàn toàn trí nhớ

Trong đợt hai dịch bệnh Covid, tuy bà phải được tiếp sức bằng truyền nước biển và thuốc nhưng sức khỏe vững, trái tim vững, bà vẫn vượt qua được.

Bà nằm đó. Cuộc đời đã trôi qua. Bao nhiêu buồn phiền lo âu vất vả vì chiến tranh, cơm áo gạo tiền đã qua đi.

Đời bà, lúc tuổi trẻ, bà đã trải qua trận đại chiến thể giới lần thứ hai khốc liệt khi vùng Picardie bị quân Đức chiếm đóng, quê hương của bà và là tiền tuyến cuối cùng của Paris. Làng của bà, dân số chừng 500 người, bị quân Đức thị uy bắn chết ngay ông trưởng làng, thầy giáo làng và vị cha xứ nhà thờ làng, sau khi đã bắt ba người này phải tự đào mồ cho mình. Quân Đức cũng đã hàng đêm bắt phụ nữ trong làng phải tụ tập ở sân trước nhà làng, để chúng chọn người hầu hạ mua vui trong đêm. Hitler đã đến đây để chứng kiến sự đầu hàng của quân Pháp, của chính phủ Pétain.

Nước Đức đã ngừng trả bồi thường chiến tranh hai lần vào năm 1953 và năm 1990 cho hai trận đại chiến thế giới gây ra. Vì thế trên làng mạc hiện nay ở Picardie vẫn còn nhiều vết đạn trên tường, vết bom lủng lỗ chỗ, vết cháy như một nhắc nhở không thể quên trong dân chúng, cho người còn sống. Gia đình bà đã không nhận được gì bồi thường, chỉ có một cái bằng khen của tổng thống Mỹ Eisenhower đóng khung treo ngay ngắn trên tường.

Bà rất thất vọng khi người lính không quân Mỹ đã được gia đình bà cứu sau khi máy bay bị quân Đức Quốc Xã bắn rơi, đã trở về Mỹ, hẹn trở lại đón bà rồi thất hẹn. Vết thương lòng duy nhất và ẩn giấu của bà.

Cái duyên tiền định khiến cho tôi gặp bà, tôi sẽ viết lại một câu chuyện tình dang dở…nếu cũng tôi còn được sống. MTT

Ảnh Trương Ngọc Giao, BRD

Commentaires fermés