Aller au contenu principal

Quyền và lợi của người phụ nữ – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

20. octobre 2020

Quyền và lợi của người phụ nữ – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Bài viết này được viết từ năm 2008, nay đăng lại lần đầu tiên trên mạng và rút ngắn để bạn đọc tham khảo nếu muốn.

Tất cả mọi người đều được sinh ra bình đẳng và tự do trong nhân phẩm và trong quyền lợi. Điều một – Tuyên ngôn Nhân Quyền Thế giới

Hôm nay, mồng bốn Tết xuân Mậu Tý, tức là hai ngàn lẻ tám năm sau Thiên Chúa giáng sinh, tôi khai bút đầu năm với một đề tài tưởng là khô khan, nhưng thật ra là nhiều sóng gió, nhiều đau đớn, nhiều cay đắng và thú vị. Thú vị là vì sao ? Vì sự tranh đấu đòi hỏi quyền bình đẳng của phụ nữ trên quả địa cầu này vẫn còn tiếp diễn, hạ hồi chưa phân giải. Nhưng cũng chính vì, phụ nữ còn tự chấp nhận và thi hành những chính sách trọng nam khinh nữ ngay trong cuộc đời của mình, thì làm sao đòi hỏi các vị đàn ông „giải phóng phụ nữ“ cho được ?!

Trong khi suy nghĩ và tìm hiểu về chỗ đứng của người phụ nữ trong xã hội phát triển hiện đại, tôi chợt nhận ra rằng, song song vào đó, tôi đã tìm ra phần nào câu trả lời cho một câu hỏi về lịch sử đã ám ảnh tôi từ nhiều tháng nay – Tại sao mất nước về tay Pháp thời Tự Đức ? Theo suy nghĩ chủ quan của tôi thì, chính sách trọng nam khinh nữ xuất phát từ ảnh hưởng của Nho giáo du nhập từ Trung Quốc là một trong những yếu tố xã hội cơ bản đưa đến sự việc mất chủ quyền quốc gia hoàn toàn vào năm 1884, sau khi ký hòa ước Giáp Thân với Pháp (hòa ước Patenôtre).

Mãi đến năm 1948, cách đây đúng sáu mươi năm, vào ngày 10 tháng 12, năm tám quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc mới long trọng chấp nhận bản Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới gồm có ba mươi điều khoản tại Paris, Palais de Chaillot, và hứa hẹn bảo đảm tự do, nhân quyền, bình đẳng nam nữ, bảo đảm nền tảng gia đình, và tiến bộ, hòa bình xã hội cho mọi người. Một sự kiện quá trễ so với lịch sử của nhân loại. Nhưng chẳng thà, có còn hơn không.

Quan trọng hơn thời điểm của bản Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới là quá trình thực hiện từ sáu mươi năm nay đã đi đến đâu ? đã có những đổi thay nào cho người phụ nữ thế giới và riêng tại Việt Nam ?

Nếu đối chiếu các đặc điểm của chính sách trọng nam khinh nữ của xã hội quân chủ tuyệt đối với từng điểm của bản Hiến chương Nhân quyền, đã đặt lại vị trí xã hội của phụ nữ, thì tôi e rằng, bài tản mạn này sẽ vượt quá khuôn khổ của một sự gợi ý suy nghĩ, vì đề tài thật rộng lớn, có lẽ phải nghiên cứu suốt cả một đời người. Suy nghĩ hạn hẹp của riêng tôi, viết trên vài trang giấy, dừng lại ở một vài điểm mấu chốt trong vấn đề bình đẳng nam nữ và chỉ loanh quanh trong khung cảnh Việt Nam, mà tôi chủ quan cho rằng: Ngoài những quyền lợi khác cùng bình đẳng như người nam, ít nhất người phụ nữ phải có ba quyền lợi trọng tâm:

  • Quyền được đi học và mở mang trí tuệ
  • Quyền được bảo đảm nhân phẩm và thân thể
  • Quyền được ứng cử và bầu cử

Thành phần dân số thế giới hiện nay có quá nửa là phụ nữ. Nhưng sở dĩ các phong trào thế giới đòi bình đẳng, bình quyền nam nữ, tuy có đạt một số thành quả to lớn, để lại trong lịch sử những tên tuổi bất diệt như Clara Zetkin, Rosa Luxemburg…, cũng như ngày phụ nữ quốc tế 8.3 mỗi năm, lại không đem đến một sự tiến triển nhanh và đều đặn, vì ba lý do cơ bản: phụ nữ không có tình đoàn kết với nhau như nam giới, phụ nữ luôn luôn khe khắt với phụ nữ hơn là nam giới khe khắt với phụ nữ, và sau cùng, phụ nữ đối xử với nam giới rất trọng vọng, hơn là giữa phụ nữ với nhau. Tại sao ?

Đó là điều gây bức xúc nhất khi tôi suy nghĩ về đề tài phụ nữ.

Có nhiều lý do giải thích sự kiện này: sự ghen tị lẫn nhau của phụ nữ, ngay cả giữa chị em cùng cha mẹ với nhau, sự định nghĩa nhầm lẫn giá trị của bản thân mình qua giá trị của người chồng, và sự kiêu căng về quyền lực, sắc đẹp, địa vị, tiền của, tài năng….làm cho phụ nữ chia rẽ, lạnh nhạt, dè bỉu, chê bai, thậm chí tàn hại lẫn nhau. Con én làm nên mùa xuân, chứ không phải mùa xuân tạo ra cánh én. Nếu một con én không làm nổi mùa xuân, thì…hai, ba, bốn…cánh én phải hợp sức nhau lại. Đó là một quy luật bình thường trong trời đất mà người phụ nữ phải tâm niệm: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Muốn có bình đẳng thì phụ nữ phải biết đoàn kết và thông cảm với nhau.

Giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh lưu ý tôi rằng, vị trí của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam có nhiều tiến triển và được luật pháp bảo vệ. Bộ Quốc triều hình luật đời Lê, soạn thảo đầu tiên từ năm 1468, tu bổ nhiều lần cho đến lần phát hành chính thức vào năm 1767, chứa đựng các điều khoản luật lệ 284-341 về gia đình, phụ nữ và trẻ con. Giáo sư nhận định rằng, có một sự khác biệt rõ rệt giữa sự thực hiện luật lệ, đạo đức Nho giáo và thực tế, trong các tầng lớp xã hội khác nhau. Thành phần dân dã sống ít gò bó, ép buộc trong khuôn khổ Nho giáo, khác với tầng lớp Nho sĩ. Các điều luật 388-400 ấn định về kế thừa, hai mươi phần trăm tài sản của cải do cha mẹ để lại phải được giao cho con trai trưởng, gọi là phần „hương hỏa“ thờ cúng tổ tiên. Đến năm 1472 và 1485 vua Lê Thánh Tông cho sửa đổi lại quyền thừa kế phần hương hỏa, nếu con trai trưởng không thực hiện được nghĩa vụ hương hỏa, thì người thừa kế là con trai thứ, nếu không có con trai nối dõi thì con gái trưởng là người thừa kế. Đạo luật này đem lại giá trị xã hội cho người phụ nữ được quyền có tài sản riêng và quyền kế thừa cha mẹ, khác với luật Trung Hoa không cho con gái có quyền thừa kế.

Tuy theo tập quán, người phụ nữ thường phải đi làm dâu nhà chồng, nhưng không hiếm có trường hợp người đàn ông phải đi gửi rể nơi gia đình nhà vợ. Do đó, người vợ giữ toàn quyền tự do như khi chưa có chồng, trong khi người chồng tùy thuộc hoàn toàn vào gia đình vợ. Trên thực tế, trong nếp sống gia đình, hai vợ chồng đều bình đẳng, bởi thế, trong ngôn ngữ, người ta nói „vợ chồng“ chứ không phải „chồng vợ“.

Hôn nhân không làm cho người phụ nữ bị biệt lập và hoàn toàn tùy thuộc vào gia đình nhà chồng. Bình thường người phụ nữ vẫn gìn giữ quan hệ với gia đình mình, với làng quê mình, để nếu khi bị bạc đãi thì có chỗ nương tựa. Vả lại, sự gắn bó sâu xa với gia đình chồng chỉ xảy ra khi người phụ nữ ấy có con.

Tuy nhiên, sự bình đẳng trên luật lệ không có nghĩa được thực hiện tuyệt đối trên thực tế. Xã hội quân chủ Nho giáo ràng buộc người phụ nữ bằng nhiều hình thức, không qua văn bản luật lệ, mà đánh vào cái gọi là lương tâm và tinh thần đạo đức của mỗi người.

Xã hội của chúng ta hiện tại có nhiều đạo luật tiến bộ, thể hiện bình đẳng nam giới như cho phép con cái được mang họ mẹ, cho phép chồng lấy tên vợ, cho phép cả gia đình mang họ ghép của cả chồng lẫn vợ, cho phép sống chung không cần lập hôn thú, cho phép kết hôn giữa người cùng giới tính, nhưng không phải vì thế mà người phụ nữ có bình đẳng trong xã hội. Sự kỳ thị, bạc đãi phụ nữ trở nên ý nhị hơn, nhất là khi người phụ nữ phải đi tìm công ăn việc làm để nuôi chồng, nuôi con, nuôi gia đình.

Là một phụ nữ, tất tôi có cái nhìn khác nam giới, không phải chỉ dựa vào những gì Nho giáo nói và viết, mà qua một thực tế đa dạng, đầy mâu thuẫn, và tôi xin trình bày, trên tinh thần thảo luận, qua vài điểm sau đây:

1. Quyền được học hành mở mang trí tuệ

Điều 26: (Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới)

  1. Tất cả mọi người đều có quyền được học hành. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở tầng mức giáo dục căn bản và sơ cấp. Giáo dục sơ cấp là điều bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và giáo dục nghề nghiệp phải được phổ thông hóa; quyền được học ở Đại Học phải được mở rộng trong sự bình đẳng, theo khả năng, cho tất cả mọi người.

Người Đức có câu: Wissen ist Macht! Kiến thức là Quyền lực. Đúng thế, không có kiến thức, con người sẽ đi về đâu, trong cuộc đời mình, cũng như xã hội quốc gia dân tộc sẽ đi về đâu ?

Mới hôm qua, tôi trố mắt nhìn chăm chăm vào màn hình, khi đọc tin tạp chí Der Spiegel (Tấm gương), một tạp chí chính trị văn hóa cao cấp nhất của nước Đức, mở cách cửa cho mọi người trên thế giới biết đọc và viết tiếng Đức, tham khảo kho tàng lưu trữ tài liệu của mình, gồm cả triệu tài liệu lưu trữ, một cách trực tuyến thông qua mạng tin học Internet, mà không lấy tiền.

Các thư viện và các trung tâm lưu trữ văn kiện vĩ đại trên thế giới là những kho tàng kiến thức và văn hóa của nhân loại mở cửa hàng ngày đón tiếp người đến đọc sách, tham khảo, nghiên cứu. Nhưng có bao nhiêu người, có thì giờ, có điều kiện tinh thần và vật chất, và có trình độ hiểu biết đầy đủ để làm những công việc nghiên cứu ? Những „con mọt sách“ thường hay bị gia đình thân quyến bạn bè chế diễu là „tìm mãi không ra“ (Chercher mais pas trouver!), sống khiêm tốn giản dị, thậm chí eo hẹp…để được đọc sách suốt ngày. Sự thật là thế, càng đọc càng thấy hiểu biết của mình có giới hạn, và công việc tìm hiểu gây ra nhiều phí tổn tài chánh, không được tài trợ giúp đỡ.

Tình cờ, trong một cuộc trao đổi rất ngắn với một vị nữ giáo sư người Pháp danh tiếng quốc tế, tôi rất ngạc nhiên khi bà khẳng định ngay thế đứng của bà là bà không có thì giờ cũng như không thể viết cho quảng đại quần chúng được, và công việc của bà chỉ dành cho những người có trình độ nghiên cứu, đọc và hiểu được những gì bà viết và phát biểu.

Qua đó, tôi thấy rõ ràng ý nghĩa của câu Kiến thức là Quyền lực, và cái tháp ngà lộng lẫy kiêu ngạo của Kiến thức-Giáo dục hiện ra trước mắt. Mình đứng ở đâu trong đó ? và nếu có một chỗ đứng nhỏ nhoi, thấp kém thì mình làm gì trong đó ?

Chợt nhớ đến câu thơ: „Nhất Sĩ nhì Nông, hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sĩ“, thì anh nông dân quê mùa đơn giản dốt nát nghèo hèn dễ thương hơn một kẻ Sĩ kiêu ngạo hợm hĩnh vì quyền lực hiểu biết của mình.

Trong suốt thời đại phong kiến ở Âu châu, chữ nghĩa là một quyền lực đặc biệt dành cho giới quý tộc và đại trưởng giả, đại đa số dân chúng không biết đọc và biết viết.

Còn trong suốt thời đại quân chủ phong kiến của nước ta, phụ nữ không có quyền được mở mang trí tuệ. Tất cả các cuộc thi cử trong phạm vi Nho giáo – Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình – để tuyển quan lại cho triều đình (quan văn), chỉ dành cho các đấng nam nhi, các bà không được dự thi, mà có muốn thi cũng không được vì…không được đi học.

Tác giả Nguyễn thị Chân Quỳnh, trên con đường bênh vực cái hay cái đẹp của Nho giáo trong tác phẩm „Thi Hương“, cũng đã đưa ra nhận định như sau:

„ Phụ nữ cấm tuyệt không được đi thi. Thời xưa xếp phụ nữ ngang với trẻ con, coi là trí óc non nớt không đủ để bàn đến những chuyện quốc gia đại sự. Nhà Di-luân cùng phòng của Giám sinh đều cấm đàn bà con gái không được qua lại, thậm chí, theo Phạm Ðình Hổ, có người đàn bà đến cửa nhà Giám chỉ xin vào nghe một buổi bình văn mà cũng bị đuổi ra!

Con gái thường được học đến 13, 14 tuổi thì phải chuyển sang học nữ công. Những trường hợp như Hồ Xuân Hương, Ðoàn thị Ðiểm là ngoại lệ. Tuy nhiên, thời nhà Mạc ở Cao Bằng có bà Nguyễn thị Du đã cải nam trang thi đỗ Trạng nguyên (đỗ đầu thi Ðình) trong khi thầy học của bà chỉ được lấy đỗ thứ hai. „

Quyền được học hành mở mang trí tuệ được gắn liền với chỗ đứng của người phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ bị cấm thi cử như những hạng trộm cướp, làm phản, làm giặc, xướng ca vô loài, quân sĩ, giáo dân hay có đại tang.

Quyền được học hành mở mang trí tuệ của người phụ nữ cũng gắn liền với sự phát triển về chính trị và ngôn ngữ của dân tộc Việt.

Theo một vài tác giả nghiên cứu về ngôn ngữ, họ nhận định rằng, tuy dân tộc Việt có tiếng nói riêng (tiếng Việt cổ) nhưng tiếng Hán của Trung Quốc, là ngôn ngữ viết thông dụng trong đời sống và trong giáo dục, trải suốt thời gian bị Trung Hoa đô hộ và áp dụng chính sách đồng hóa dân Việt. Tuy nhiên, việc sử dụng hai ngôn ngữ song song – tiếng Hán và tiếng Việt – trong một khoảng thời gian rất dài, đã đưa đến sự phát triển của một phần ngôn ngữ mới, từ vựng mới: Hán-Việt, tách bớt ảnh hưởng nặng nề của chữ Hán, đưa chữ viết Hán về một hướng phát triển khác tại Việt Nam.

Nhưng, sau khi các chiến thắng quân sự đã đem lại chủ quyền và độc lập dân tộc, trên bình diện văn hóa, chữ Hán vẫn được sử dụng lâu dài là văn viết, cho đến khi chữ Nôm ra đời. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chỉ có thể cho rằng chữ Nôm bắt đầu được sử dụng vào khoảng thế kỷ thứ 11-12 (thời nhà Lý). Sự truyền bá phổ thông chữ Nôm có rất nhiều giới hạn, vì cách viết này cũng là cách viết (vẽ) tượng hình như chữ Hán, bằng bút lông và mực Tàu, tuy các người cấu tạo ra chữ Nôm cố gắng diễn đạt lại âm thanh của tiếng Việt nói, lại không có quy cách chính xác mẫu mực nhất định, không được xã hội chấp nhận là chữ viết chính thức của dân Việt.

Trong lịch sử Việt Nam, chỉ có hai vị vua chú ý đến sự phát triển của chữ Nôm, đó là Hồ Quý Ly (1400 – 1407) và Quang Trung Nguyễn Huệ (1788 – 1792).

Trên văn đàn xuất hiện vài tác phẩm bất hủ viết bằng chữ Nôm như Thiền Tông bản hạnh (đời Trần), Hịch Tây Sơn (vua Quang Trung, 1789), Truyện Kiều của Nguyễn Du…

Một thiểu số phụ nữ của thượng tầng xã hội, con gái vua chúa và quan lại triều đình, được giáo huấn tại gia, biết đọc, biết viết. Các công chúa, mệnh phụ phu nhân được cha mẹ hay sư nữ dạy thơ phú, thi luật, nữ công, sử dụng kiến thức của mình để làm thơ phú tiêu khiển thanh tao, xướng họa thơ văn, đọc sách, ngâm thơ cho chồng nghe, dạy con mình học. Các vị nữ học sĩ hay nữ thi sĩ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như bà Đoàn thị Điểm ( 1705-1746), Bà Huyện Thanh Quan Nguyễn thị Hinh (đời vua Minh Mạng), Hồ Xuân Hương (Bà chúa thơ Nôm, thế kỷ mười tám/mười chín)…đúng là những trường hợp ngoại lệ, đếm trên đầu ngón tay.

Thầy đồ dạy học tiếng Hán, Hán-Việt, hay tiếng Nôm trong các làng cũng chỉ là các ông. Bà Đồ, bà Tú…. chỉ là những người phụ nữ mang danh tước vay mượn của chồng.

Một điểm đáng chú ý trong các triều Nguyễn là triều đình vua quan văn võ đều sử dụng chữ Hán làm chữ viết. Vua Gia Long lên ngôi năm Nhâm Tuất (1802), cho xây dựng kinh đô ở Phú Xuân (Huế), các quan theo ông đều là quan võ, nên Gia Long cho xây dựng chế độ thi cử Nho giáo để đào tạo và tuyển quan văn, sử dụng Hán văn, đặt Văn Miếu ở các doanh, trấn, thờ Khổng Tử, dời Quốc Tử Giám từ Thăng Long vào Thuận Hóa.

Xem như thế, người bạn chiến đấu đồng hành đằng đẵng trong mấy chục năm trời của Nguyễn Phúc Ánh – Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), bỏ lại thân xác ở cửa Thị Nại khi đang hộ tống Nguyễn Phúc Ánh tiến đánh Nguyễn Huệ ở Quy Nhơn – đã góp phần đưa đến các chiến thắng quân sự của Nguyễn Phúc Ánh, và việc lên ngôi của Nguyễn Phúc Ánh thành Hoàng đế Gia Long, nhưng Bá Đa Lộc – trong cố gắng lôi kéo Gia Long về ảnh hưởng Tây phương – đã thất bại hoàn toàn trước ảnh hưởng của Trung Quốc, một kẻ địch không có mặt trực tiếp trên chiến trường cục diện.

Thế mới thấy tầm mức sâu đậm của chính sách đồng hóa từ mấy ngàn năm của Trung Hoa đối với dân Việt.

Đây là một điểm mâu thuẫn của lịch sử mà tôi không hiểu nổi. Đọc trong các sách sử đời xưa, tôi chỉ tìm thấy vài thí dụ bảo vệ văn hóa Việt Nam điển hình như không chịu để tóc dài thắt bím, không mặc quần áo kiểu Trung Quốc, không nói tiếng Trung Quốc, không kết hôn với người Trung Quốc. Đứng về mặt quân sự, các cuộc chiến đấu mãnh liệt suốt mấy ngàn năm chống Phương Bắc nói lên ý chí quyết tâm dành lại độc lập tự chủ quốc gia dân tộc của Việt Nam, nhưng đứng trên phương diện văn hóa xã hội thì xã hội Việt Nam du nhập văn hóa Trung Hoa làm văn hóa của mình, gọi sách vở kinh điển của Nho giáo là « sách Thánh Hiền », đạo lý Nho giáo là « đạo lý Thánh Hiền », gọi những người học chữ quốc ngữ là „vong bản“ và chữ quốc ngữ là chữ „con nòng nọc“.

Cuối đời nhà Nguyễn, giai đoạn dài giao thời giữa hai nền văn hóa Hán – Nho giáo của Trung Hoa – và văn hóa Âu châu trong tám mươi năm Pháp thuộc – đã đưa đến một phản ứng chống đối cả hai bên, chống cả Tàu lẫn Tây. Tuy cay đắng, nhưng tiếc là các vị học giả tiền bối uyên thâm uyên bác không mở ra được một con đường mới cho một nền văn hóa độc lập tự chủ của dân Việt.

Vua Thành Thái, năm 1896, ý thức sự giao lưu cần thiết giữa hai dòng nước văn hóa Trung Hoa và Pháp – và Việt Nam ở giữa – giao phó cho Ngô Đình Khả mở trường Quốc Học Huế (hậu thân của Quốc Tử Giám, 1896-1975) giảng dạy bằng ba ngôn ngữ: tiếng quốc ngữ, tiếng Hán và tiếng Pháp. Quyết định này thật sáng suốt và thông minh, tuy nhà vua ngấm ngầm muốn lấy lại uy quyền, chống bảo hộ.

Song song vào đó, chính quyền bảo hộ Pháp cần có một tầng lớp cộng tác viên Pháp-Việt để cai trị, cho nên họ xúc tiến nhanh chóng công việc mở trường học đào tạo học sinh với hai ngôn ngữ chính: tiếng Pháp và tiếng quốc ngữ. Khoa thi Hán văn cuối cùng trong lịch sử Việt Nam là khoa thi năm 1919 dưới triều Khải Định, một năm sau khi Đệ nhất thế chiến chấm dứt.

Vua Bảo Đại (sinh ngày 22.10.1913 tại Huế – qua đời ngày 30.07.1997 tại Paris), vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã suy tàn, được theo vợ chồng viên Khâm sứ Trung Kỳ Charles, là cha mẹ đỡ đầu theo sự ủy thác của vua Khải Định, sang Paris du học năm 1922, lúc mới lên mười tuổi. Năm 1925 vua Khải Định qua đời, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy về nước thọ tang, đồng thời nhận lễ phong vương, đặt niên hiệu là Bảo Đại, rồi trở qua Pháp học tiếp tục, đến năm 1932 vợ chồng Khâm sứ Charles theo lệnh của chính phủ Pháp đưa Bảo Đại trở về nước chấp chánh.

Ba tôi sinh năm 1918, đồng thời với vua Bảo Đại, thế hệ của ông còn ở trong buổi giao thời, còn có thể lựa chọn học chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ hay tiếng Tây.

Tôi đọc tiếp bài „Lịch sử thi cử Việt Nam“ của Nguyễn thị Chân Quỳnh. Bà Chân Quỳnh khách quan đưa ra những ý kiến phê bình sự thoái hóa của Nho giáo, khi các bậc học giả thức thời muốn canh tân nền tảng triết lý và giáo dục của xã hội Việt Nam, trong thời Đông Kinh nghĩa thục:

Trong Việt Nam Quốc sử khảo Phan Bội Châu viết : « Trung Quốc bỏ khoa cử từ năm Canh Tý (1900), Triều Tiên bỏ từ năm Giáp Ngọ (1894), đó là một việc nhơ nhớp duy chỉ nước ta còn có mà thôi »« người ta mửa ra, mình lại nuốt vào ». Vì sao cha ông ta lại quá nặng lời như vậy ?

Phan Chu Trinh xuất thân Nho học, đỗ Tiến sĩ, mà lên án Hán học rất nặng lời : « Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam Quốc ! » (không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam). Phương Sơn sửa lại : « Bất chấn Hán học, bất túc dĩ cứu Nam Quốc » (không chấn hưng Hán học thì không cứu được nước Nam). Khoa cử hủ bại, chúng tôi đồng ý về điều ấy, còn Hán học đã đào tạo ra biết bao anh hùng, liệt sĩ thì sao ta lại phế bỏ đi?.

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1948) tuy kết tội khoa cử, nhưng công nhận phần lớn lỗi ở người học đạo không đến nơi : « Mình nhận lối học khoa cử cùng lối học Tống Nho làm lối học Khổng, Mạnh, chính là chỗ hư, chỗ hở của người Tầu mà mình bắt chước « . Rõ ràng Huỳnh Thúc Kháng chỉ phê bình lối học « tầm chương, trích cú » chứ không nói trùm lấp cả lối kén người bằng thi cử, và chính ông đã ca tụng cái học cùng Khoa cử đời Trần, nhìn nhận nó gần chánh đạo. Lại cũng chính ông nghiêm khắc lên án thái độ của một số người theo tân học : Chẳng qua ngày trước nói Khổng, Mạnh thì ngày nay thay vào Hi lạp, La mã, Mạnh đức thư cưu (Montesquieu), Lư thoa (Rousseau), đổi cái « chi, hồ, dã, giả » bước sang « a, b, c, d ».

Phan Chu Trinh còn gay gắt hơn :  » Ngày trước học chữ Hán thì làm hủ Nho, ngày nay học Tây thì làm hủ Âu ».

Chính sánh « bế quan tỏa cảng » càng khiến ta thu hẹp tầm mắt, chỉ biết có văn minh Trung Hoa, ngoài ra không coi ai ra gì, tự kiêu, tự mãn cho mình là văn minh, không thèm học hỏi thêm. Nguyễn Tường Tộ viết : « mỗi khi chê Tây nhỏ yếu, thì mọi người hân hoan, vui vẻ, còn nói sự thật thì lập tức bị thoá mạ, nghi là ăn hối lộ của Tây, vì thế ai cũng cắn răng ngậm miệng, không dám nói sự thật ». Phái đoàn Phan Thanh Giản đi sứ Pháp về kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe xứ người thì bị coi là nói chuyện hoang đường : « làm gì có thứ nước chảy từ dưới lên trên (nước phun trong công viên), và đèn gì lại chúc đầu xuống mà vẫn cháy được? ».

Cho đến thời điểm hiện nay, không ai ngạc nhiên gì khi vẫn có nhiều tác giả/học giả binh vực triết lý đạo giáo lễ nghĩa Khổng Mạnh trong xã hội Việt Nam và muốn khởi gây lên lại các giá trị đạo đức của Nho giáo Khổng Mạnh làm chuẩn mực tư tưởng đạo lý dân tộc căn bản cho hiện tại và tương lai của dân tộc Việt. Họ hãnh diện khi viết tên họ của mình bằng chữ Hán, xem như một biểu tượng của „trí thức“.

Nhưng, tại sao người Việt không xây dựng được cho chính mình một hệ thống căn bản triết lý đạo đức lễ nghĩa riêng biệt, song song với việc chọn lọc và học hỏi tinh hoa của những nền văn hóa khác ?

Trang trên mạng của Hương Kiều Loan đưa thông tin về một bài giới thiệu Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội:

Năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông, cho lập Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và bốn môn đệ xuất sắc nhất của Khổng Tử là: Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử. Vẽ hình 72 người hiền, và bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái Tử đến học. Năm 1076, đời vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám để con cháu quan lại biết chữ vào học. Việc thành lập Văn Miếu Quốc Gia Giám tôn kính các bậc Tiên Thánh, Tiên Hiền và đào tạo nhân tài cho đất nuớc đã chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của tinh thần tự lập, tự cường, xây dựng quốc gia độc lập. Các vua Trần đã cho mở mang thêm vào những năm 1236, 1243,1253 và gọi là Quốc Học Viện. Năm 1428 vua Lê Thái Tổ mở mang thêm Quốc Tử Giám, chọn con cháu các quan và thường dân tuấn tú sung làm giám sinh Quốc Tử Giám. Năm 1444 nâng lên trình độ đại học gọi là Thái Học Viện. Năm 1453, Vua Lê Thánh Tông cho trùng tu lớn: Từ cửa chánh phía nam đi vào, hai bên dựng bia tiến sĩ : Qua cửa Ðại Thành và sân Ðại Bãi vào điện Ðại Thánh thờ Khổng Tử. Hai bên tả hữu thờ 72 người hiền. Nơi đây còn có điện Canh Phục và kho giữ đồ tế khí. Phía sau điện Ðại Thành là Quốc Tử Giám có giảng đuờng , kho chứa văn gỗ đã khắc thành sách và sáu dãy nhà, có 150 phòng cho các giám sinh ở và học. Ðầu thế kỷ XIX nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế. Văn Miếu Hà Nội đuợc trùng tu lớn. Xây tường bao quanh, dựng Khuê Văn Các và điện Khải Thành thờ cha mẹ Khổng Tử trên nền Quốc Tử Giám cũ. Năm 1947, điện Khải Thành bị chiến tranh tàn phá. Nay đang có dự án tồn tạo để tôn vinh văn hóa dân tộc. Ngày 25-1-1965 Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội quyết nghị thành lập: Trung Tâm Hoạt Văn Hoá, Khoa Học Văn Miếu. Quốc Tử Giám có chức năng: Quản Lý tổ chức hoạt động văn hoá khoa học, nghệ thuật, huớng dẫn du khách tham quan, lập quy hoạch tồn tạo di tích. Từ 1991-1995 Một số công trình của Văn Miếu Quốc Tử Giám đã đuợc tu sửa. Trong đó có 8 nhà che bia. Dự định đến năm 2000 việc tồn tạo sẽ hoàn thành. Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu tượng của nền Văn Hoá Giáo Dục Việt Nam, thời phong kiến, khơi dậy tinh thần dân tộc truyền thống yêu nước, hiếu học và trọng đạo lý của dân tộc.“ ?.

Các vấn đề khác nhau về Nho giáo do nhiều triết gia, học giả, đặt ra trên các phương diện triết học, đạo đức, ngôn ngữ, giáo dục đều là những vấn đề có tầm vóc thảo luận, nghiên cứu rất lớn, đi sâu vào chuyên môn. Để tránh gây mọi hiểu lầm, tôi xin nói rõ ở đây là tầm nhìn của tôi giới hạn trong cái thực tiễn cuộc đời người phụ nữ trong xã hội Việt Nam qua ảnh hưởng Nho giáo.

Khi nêu ra các nhược điểm và khuyết điểm của chữ quốc ngữ, Cao Xuân Hạo, người được coi là bậc thầy ngôn ngữ học trong thời đại của chúng ta, viết những hàng chữ trên giấy trắng mực đen, mà khi đọc, tôi phải dụi mắt mấy lần, tưởng mình đang ngủ mơ hay mắc chứng bệnh tâm „vĩ cuồng“ (Cao Xuân Hạo, Chứng vĩ cuồng:Hiện tượng và căn nguyên. Tiếng Việt Văn Việt Người Việt, nxb Trẻ, TP HCM 2003) của ông đã tả. Trong nhiều bài viết ông giáo sư đề cao chữ Hán, cho rằng:

„ Giá hồi ấy ông cha ta không sáng tạo ra chữ Nôm, mà cứ dùng chữ Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn như người Nhật Bản đã làm (và hiện nay vẫn làm), nghĩa là mỗi chữ có hai cách đọc, Hán âm (Kan-on) và Quốc âm (Go-on), thì tình hình có lẽ đã khác.“

„Ngày nay nhiều người, trong đó có cả những nhà ngữ học phương Tây, đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng chỉ vài ba mươi năm nũa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc…“

„ Chữ viết không phải là phiên âm, vì ngôn ngữ không phải chỉ là âm thanh: nó còn có nghĩa nữa. Cho nên một hệ thống chữ viết lý tưởng phải phản ánh, ít nhất là một phần, cái nghĩa của từ ngữ. Từ cổ đại, loài người đã có một hệ thống chữ viết gần đạt đến cái lý tưởng ấy: chữ Hán. Một bằng chứng sáng rực của tính ưu việt của chữ Hán là hiệu quả tuyệt vời của việc sử dụng nó cho một ngôn ngữ thuộc một loại hình hoàn toàn khác tiếng Hán: tiếng Nhật, một thứ tiếng đa âm tiết thuộc loại hình chắp dính (agglutinating).“

Cũng trong nhiều bài viết Cao Xuân Hạo chê bai chữ quốc ngữ, không do „ông cha“ ta sáng tạo ra (các „bà mẹ“ ở đâu nhỉ !)

„ Trên bình diện ngôn ngữ học lý thuyết, chữ quốc ngữ không phải là một cách viết thích hợp với tiếng Việt.“

„ Một trong những cái tội lớn nhất của thực dân Pháp là nền giáo dục mà họ đã áp đặt cho dân ta. Nền giáo dục ấy không nhằm đào tạo một đội ngũ trí thức. Nó chỉ nhằm đào tạo ra một lớp nha lại. Ngay như môn tiếng Pháp họ cũng không thèm quan tâm sửa đổi cho kịp với sự tiến bộ của khoa học.“

„ Di hại của chủ trương ngu dân ấy cho đến ngày nay vẫn còn rõ mồn một.“

May thay, dù muốn bài trừ, thay đổi chữ quốc ngữ, Cao Xuân Hạo cũng phải công nhận rằng:

„ Và mặc dầu việc vay mượn kiểu chữ này của phương Tây, theo ý tôi, là một công việc có phần đáng tiếc, nó vẫn có một thuận lợi khá quan trọng ở chỗ nó đưa nước ta vào cái khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ Latinh trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu.“

„ Chữ ABC đối với đa số quả có một ưu điểm lớn là học rất nhanh. Muốn đọc chữ ABC chỉ cần học vài tháng, trong khi muốn viết 1.200 chữ Hán thông dụng thôi đã phải mất một năm. Ưu điểm đó khiến cho chữ « quốc ngữ » đắc dụng trong thời Pháp thuộc, khi mà người ta cần thanh toán việc học đọc học viết tiếng mẹ đẻ cho nhanh để chuyển sang học chữ Pháp và tiếng Pháp. Nó cũng đắc dụng trong thời kháng chiến, khi cần thanh toán mù chữ cho thật nhanh để còn lo đánh giặc. „

Nếu vị giáo sư này sống đời đời, ông sẽ suy nghĩ sao khi thấy lớp trẻ ngày nay gõ máy tính lách cách lóc cóc (thay vì viết tay), xem màn hình nhay nháy suốt ngày (thay vì đọc sách), sáng chế ra những cái thứ gọi là ngôn ngữ mới (viết SMS), nói viết lẫn lộn hai, ba, bốn, năm… bẩy thứ tiếng ? và họ không có thì giờ ngồi học nắn nót vẽ chữ Hán vì „time is money“….vân vân. Nhưng biết đâu chừng, chính ông sẽ có lý, như trong một phim ảo tưởng…Der Rückkehr der Jedi-Ritter (Sự hồi hương của người Kỵ sĩ Jedi) !

Một trong những bước ngoặt của tiếng Việt viết là công lao của các Giáo sĩ Bồ Đào Nha và giáo sĩ truyền đạo dòng Jesuites của Hội Thừa Sai Paris chuyển âm ngôn ngữ tiếng Việt nói theo mẫu tự Latinh, trở thành „chữ quốc ngữ“, biến hóa một số từ vựng từ tiếng Pháp sang thành tiếng Việt (nhà ga, xe buýt, ô tô, cà phê, phở, đi văng, rờ mọc, xích lô, ba tê, la ghim, xúp, xăng, ban công, xe tăng, cà nông, Latinh …).

Tiếng Việt, chuyên chở bằng các mẫu tự Latinh và bộ dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng đặc biệt cho tiếng Việt, và quy luật phối hợp dấu giản dị (một âm có hai dấu), dễ học, dễ hiểu, dễ viết, phát huy thành những hình ảnh, âm thanh, giai điệu, nhạc điệu… một cách khá chính xác và phong phú, nhất là bằng những tĩnh từ tượng thanh và tượng hình, tạo cho người xử dụng một sự tự do khá lớn. Mỗi người viết tiếng Việt, chữ quốc ngữ hay chữ ABC, có một văn phong khác nhau, nhạc điệu khác nhau, hình ảnh khác nhau, ngay cả tình cảm thổ lộ trong văn cũng khác nhau, mỗi người một vẻ, cái hay ở chỗ: đọc văn là biết người, đúng như „Tây“ nói: Le style c‘est l‘homme. Các nhà văn nổi tiếng trên bầu trời văn học chữ quốc ngữ là minh chứng cho sự phong phú của tiếng Việt.

Sự kiện này, đem lại lợi ích rất lớn cho đại đa số phụ nữ – nếu không muốn nói rằng tiếng quốc ngữ, tiếng con nòng nọc, là một viên đá vững chắc lót con đường bình đẳng nam nữ – dù không được đến trường, cũng có thể tự học chữ quốc ngữ trong gia đình hay qua chị em bạn chỉ bảo nhau.

Biết đọc và biết viết, một việc tưởng chừng như tất nhiên trong thời đại của chúng ta, nhưng có phải thế không ? Không nói đâu xa xôi, có bao nhiêu bà mẹ của chúng ta được đi học, biết đọc biết viết, có cả trình độ đại học ?

Dù tiếng Việt viết thành „chữ quốc ngữ“ mới được truyền bá từ thời giáo sĩ A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và từ thời đức Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), tức là trong thời đại của vua Gia Long, đầu thế kỷ thứ mười chín, nhưng cũng nhờ phong cách chuyên chở mới của tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh mà khả năng hấp thụ các ngoại ngữ khác, các kiến thức khoa học thế giới, khả năng trao đổi thông tin…của người Việt tăng nhanh vượt bực.

Sau hòa ước Giáp Thân 1884, còn gọi là hòa ước Patenôtre, chính quyền bảo hộ Pháp nhanh chóng mở trường đào tạo nhân viên trung và hạ tầng như thông ngôn, thư ký, thầy giáo (trường Thông ngôn Hà Nội 1886, trường Hậu bổ 1903, trường Cao đẳng Sư phạm, trường Bưởi 1908…) giảng dạy bằng ba thứ tiếng chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán và mở các kỳ thi với các cấp bậc bằng cấp theo hệ thống giáo dục của Pháp tiểu học, trung học và đại học.

Con cái các nhà trưởng giả giầu có được ăn học, ngay cả con gái, nhập học trường Tây như các Trường trung học lycée Albert Sarraut ở Hà Nội, Trường Marie Curie (Saigon, thành lập năm 1918), Trường Lasan Taberd (thành lập năm 1873 ở Saigon, hậu thân của trường Collège d’Adran, hoạt động từ 1861 đến 1887), sau đó thêm một trường nữa vào năm 1894 ở Hà Nội, đặt tên là Trường Puginier, Trường Chasseloup-Laubat (thành lập năm 1875, sau được đổi tên thành Lycée Jean-Jacques-Rousseau, rồi đổi tên một lần nữa thành Trường Trung học Lê Quý Đôn)…

Một thiểu số nam nữ thanh niên con nhà đại trưởng giả được đi du học bên Pháp như Công tử Bạc Liêu hay bà Jeanne Mariette Nguyễn Hữu thị Lan, con của đại gia Nguyễn Hữu Hào, sinh năm 1914, xuất dương du học tại Pháp năm 1927, năm bà mới được mười ba tuổi, lấy bằng Tú Tài Pháp, sau này trở thành Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Đại. Tuy thế, bà Nam Phương cũng theo „nề nếp“ ký tên là Bà Vĩnh Thụy (tên của vua Bảo Đại).

Trong buổi giao thời chuyển từ Đông sang Âu này, quyền được đi học và mở mang trí tuệ không còn là một độc quyền cho người nam. Các cụ nhà Nho cay đắng nguyền rủa: chỉ có hai hạng đàn bà lấy Tây, đó là đàn bà làm đĩ và đàn bà trí thức.

Tác giả Toan Ánh đã viết rất rõ ràng như sau:

„Trong ngôn ngữ Việt Nam ta có những thành ngữ « Thằng Ngô Con Đĩ  » để chỉ người Tàu và các bà vợ Việt, và sau này có danh từ Me để chỉ phụ nữ lấy chồng Tây phương: Me Pháp, Me Mỹ. Lớp me này rất bị chị em phụ nữ khinh bỉ, hành động lấy chồng Tây phương là một hành động mất gốc, lạc loài của hạng người đã đứt cỗi rễ. Chính các me này, thường là người trong lớp hạ lưu trụy lạc, nhưng họ vẫn tự cảm thấy sự âm thầm tủi nhục xót xa đau đớn, có khi còn hơn lớp phụ nữ đồng cảnh có trình độ học vấn và sinh trưởng trong những gia đình gọi là tử tế, lớp sau này đã bị văn hóa nước ngoài đầu độc, mất hết ý niệm quốc gia dân tộc – rất may bọn này không nhiều ! »

Xin hỏi: ai là người bị văn hóa nước ngoài đầu độc, mất hết ý niệm quốc gia dân tộc ?

„ Mặt khác, mấy chục năm sau khi bãi Khoa cử, bỏ chữ Hán, người dân quê vẫn một lòng tôn trọng chữ của thánh hiền và khinh rẻ chữ quốc ngữ. Trần Duy Nhất kể lại lời một nông dân, trong Nam Phong : »Học làm quái gì cái chữ cò quăm mách qué ấy ? Chữ thánh hiền nào lại có chữ thánh thế ? Thánh nào lại dậy những con cua, con ốc ấy ? đến đàn bà, con trẻ cũng thừa biết nữa là » và ghi thêm : » Phải cưỡng bách (học quốc ngữ), đến nỗi coi chỗ học đường là giám thất, cái học là cái tội, phải bắt bớ, phải chạy bậy mới được thả ra ».

Quá trình hình thành và phát triển có hệ thống của tiếng Việt viết (tiếng quốc ngữ) như thế là còn trẻ, so với những ngôn ngữ khác trên thế giới, chỉ mới từ năm 1886, tức là mới được có 122 năm, cho tới ngày hôm nay, nhưng nhờ vốn liếng phong phú của tiếng Việt nói vẫn được truyền khẩu trải qua mấy ngàn năm mà tiếng Việt viết và nói đã theo kịp đà tiến triển của thời đại.

„Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…“, quả thật tôi không thể tưởng tượng nổi sự sung sướng được viết và đọc ngôn ngữ của dân tộc mình một cách dễ dàng như hôm nay.

Cái tuyệt diệu nhất là sự tách rời hẳn hoi tiếng Việt khỏi tiếng Trung Hoa sau suốt mấy ngàn năm, một cách dành độc lập tự chủ cho tiếng Việt, đã thành công hoàn toàn. Ngày nay, người Trung Hoa nói và viết tiếng Trung Hoa. Người Việt viết và nói tiếng Việt, dù vẫn còn (phải) sử dụng nhiều khái niệm Hán-Việt. Có còn gì hơn ?

Nếu bây giờ tôi bắt đầu học chữ Hán, chỉ là để hiểu các văn tự lưu trữ viết bằng chữ Hán, chứ không phải để tuyên dương chữ Hán.

Từ ngàn xưa, qua con đường hấp thụ các thể loại văn chương truyền khẩu, thơ phú, tuồng tích, ca dao, tục ngữ, kinh kệ, bài thuốc nam, bài hát như hát trống quân, hát quan họ, hát ru em, hát giã gạo, hát giao duyên, đồng dao, các bài hò, các câu đố, câu đối…cũng như các kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn truyền khẩu từ đời mẹ sang đời con, phụ nữ thuộc các tầng lớp xã hội gọi là thấp, tự thân vận động tiếp thu một trình độ kiến thức căn bản, không cần qua sách vở trường học, nhưng giới hạn trong những lãnh vực của đời sống hàng ngày.

Nước ta vốn là một nước chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp và ngư nghiệp. Đại đa số phụ nữ sống ở các vùng nông thôn, vùng biển, cáng đáng các công việc đồng áng, chài lưới. Từ những công việc có tính chất sản xuất, tạo ra nguồn lợi kinh tế gia đình như nhổ mạ, cấy lúa, trồng rau, trồng các loại hoa mầu, khoai cà, nuôi tằm, dệt vải, tưới nương tưới rẫy, mò cua bắt ốc, đánh cá, nuôi heo, trâu, bò, gà, vịt…, vá lưới, hái rau, hái trà, gánh nước, kéo nước, tạt nước ruộng đồng, phục vụ cơm nước cho thợ cầy đồng, đưa đò chèo xuồng chở khách, mua bán ven sông, ở chợ…. cho đến những công việc có tính chất phục dịch gia đình (nhà chồng) như hầu hạ bố mẹ chồng, mang bầu, đẻ con, chăm sóc và dạy dỗ con cái, đi chợ làm bếp, lau nhà rửa nhà, giặt giũ khâu vá quần áo cho mọi người….đều do bàn tay người phụ nữ lao động không mệt mỏi, ngày qua ngày lại.

Người phụ nữ – người vợ – bằng lòng với sự phân chia công việc: nàng lo thu nhập kinh tế gia đình để nuôi chàng ăn học. Sự phân công này đã bị xóa bỏ trong thời đại của chúng ta, đó là một điều may mắn cho phụ nữ lớp trẻ. Thời xưa, nàng quay tơ dệt vải, đem vải vóc tơ lụa bán ngoài chợ, bảo đảm kinh tế gia đình, chàng thì đọc sách ngâm thơ, lại còn được nuông chiều đến mức khỏi phải lo dầu cạn:

Sáng trăng giải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ

Xin chàng đọc sách ngâm thơ

Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.

Bài ca dao này lại còn rõ hơn về sự thu nhập của người đàn ông Nho sĩ, lúc công chưa thành, danh chưa toại: một con số không to tướng !

…Nay anh học gần,

Mai anh học xa

Tiền gạo thì của mẹ cha

Cái nghiên cái bút thật là của em

Em thì canh cửi trong nhà

Nuôi anh đi học đặng khoa bảng vàng.

Thậm chí, chỉ bán có rau, mà cũng nuôi đấng chồng Nho sĩ ăn học, mình thì không được học:

Em là con gái Phụng Thiên

Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng

Nữa mai chồng chiếm bảng rồng

Bõ công bón tưới vun trồng cho rau.

đến nỗi, không biết chàng đi học ở đâu ? Có lẽ chàng học hết chữ của thầy này, phải đi nơi khác tìm thầy học tiếp ?

Mùa hè cho chí mùa đông

Mùa nào thức nấy cho chồng đi thi

Hết gạo thiếp lại gánh đi

Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao.

Cuối thế kỷ thứ mười chín, ông Tú Xương vừa khen bà Tú, vừa cay đắng cho chính số phần của mình, không đạt được danh vọng như ý muốn, để cho vợ phải làm lụng kiếm ăn nuôi chồng vất vả:

Quanh năm buôn bán ở ven sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng,

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông,

Một duyên hai nợ thôi đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không.

Còn ông thì tự cười mình, vừa để cho lương tâm khỏi cắn rứt:

Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành

Mặt thời lơ láo, mắt thời xanh.

Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó

Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ

Rượu chè trai gái đủ tam khoanh.

Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi

Cứ việc ăn chơi, chẳng học hành.

Mãi cho đến giữa thế kỷ hai mươi, tình trạng phụ nữ không được đi học còn phổ biến. Quan niệm sử dụng phụ nữ cho công việc sinh đẻ bảo đảm dòng giõi gia đình (chồng), làm nhân công không lương tạo dựng kinh tế gia đình, phục dịch gia đình (chồng) là quan niệm chỉ đạo thống trị hoàn toàn tư tưởng của người phụ nữ.

Nền tảng của sự thống trị này dựa trên cái gọi là đạo đức lễ giáo, xuất phát từ Nho giáo, cơ bản của đạo Khổng. Tôi không dám lạm bàn ở đây về giá trị triết lí của đạo Khổng – của Khổng Phu Tử, sinh năm 551 trước công nguyên, là người sáng lập được gọi là Đức Thánh Khổng và của các học trò đồ đệ của Khổng tử sau đó – việc này xin để cho những nhà triết học uyên bác, mà chỉ xin nêu lên phần ảnh hưởng Nho giáo đàn áp đè nén phụ nữ trên cơ sở xã hội, kể từ khi Khổng giáo (Nho giáo) từ Trung Hoa lan truyền sang Việt Nam – và được xã hội Việt Nam tiếp thụ hoàn toàn từ đấy, chấp nhận Khổng giáo là giá trị đạo đức căn bản cho dân tộc Việt.

Sau thời đại Hai Bà Trưng, các vua chúa Việt Nam dùng hệ tư tưởng Khổng giáo của Trung Hoa, xây dựng lên mẫu mực đạo đức lễ giáo căn bản làm nền tảng cai trị nước và dân.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ viết trong cuốn „Người Việt đáng yêu“ về làng xã Việt Nam, đơn vị kinh tế và xã hội căn bản của dân Việt:

„… Làng là một đơn vị tôn giáo vì mỗi làng có một cái đình, một cái chùa, một cái miếu. Đình thờ Thành Hoàng làng…Chùa là nơi thờ Phật. Đền là nơi thờ các vị Thánh. Các làng văn học còn có Văn chỉ là nơi thờ Đức thánh Khổng.“

Sau bao nhiêu thế kỷ đô hộ ta, người Tàu ra đi để lại Khổng giáo, Lão giáo và …gò Đống Đa. Nụ cười đầy rẫy của ca dao còn văng vẳng:

Chẳng thà ăn cá giếc trôi,

Còn hơn lấy Khách mọc đuôi trên đầu.

Và nụ cười rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất kẻ cả của Bà Hồ Xuân Hương khi qua đền thờ Sầm Nghi Đống ở phố Hàng Buồm:

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo

Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.“

Những người binh vực Nho giáo nói rằng, Nho giáo không có gì xấu, ngược lại, Nho giáo là những giá trị đạo đức tồn tại từ nhiều thế kỷ đáng được noi theo, chỉ có phương pháp áp dụng Nho giáo là có thể có sơ hở.

Các giáo điều chính trị trọng nam khinh nữ xuất phát từ đạo Khổng gọi là các nguyên tắc tu thân cho người nam như „Tam cương, ngũ thường“, và đặc biệt dành cho phụ nữ như „Tam tòng, tứ đức“, thực ra để bảo đảm một lề lối sinh hoạt và cai trị xã hội có giai cấp (Quân, Sư, Phụ), có đạo đức Nho giáo (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), có trật tự nam nữ ( tòng phụ, tòng phu, tòng tử), có phục dịch tôi mọi tự nguyện (công, dung, ngôn, hạnh), không xuất phát từ thời đại Hai Bà Trưng, mà nằm trong chính sách đồng hóa tư tưởng của Tầu trong suốt gần một ngàn năm đô hộ, đã để lại hậu quả tiêm nhiễm trầm trọng trong hệ tư tưởng của dân Việt mãi cho đến ngày hôm nay.

Tam cương là ba giềng mối của ba trật tự xã hội chính yếu: quân thần (vua và bầy tôi), phụ tử (cha và con), phu thê (chồng và vợ). Ba giá trị đạo đức Nho giáo „ bất trung“ , „bất hiếu“ và „bất nghĩa“ được định nghĩa từ Tam cương:

Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung.

Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu.

(Vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chịu chết là bất trung.

Cha bảo con chết, con không vâng lời là bất hiếu.)

Một bạn học cũ của tôi, người thích nghiên cứu về chữ Hán và chữ Nôm, nhắn nhủ tôi rằng: „Đó là câu mà nhiều người thường hay trích dẫn để phê phán tư tưởng Nho gia phong kiến. Có nhiều người bảo của Khổng Tử, nhưng đã có người chứng minh rằng hoàn toàn không thấy xuất hiện trong các sách vở của Khổng hoặc Nho giáo chính dòng, mà có thể của một Triết Nho Gia nào đó sau này đặt ra nhưng không rõ tác nhân.“

Hiện nay chúng ta vẫn rất cần và rất trọng những người nghiên cứu chữ Hán, chữ Nôm, phiên dịch Hán-Nôm ra chữ quốc ngữ để có thể đọc và hiểu được các văn kiện lịch sử, văn chương, thơ phú, triết học…của dân Việt. Các nhà nghiên cứu tài tử như hạng tôi thấy văn kiện viết bằng chữ Hán và chữ Nôm thì khựng lại, bỗng nhiên biết mình „mù chữ“. Người Việt hôm nay, „chỉ“ biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ, có khi còn chưa thành thạo, lỗi chính tả, lỗi văn phạm đầy rẫy, dấu hỏi dấu ngã lẫn lộn, dấu nặng chấm câu, dấu phẩy ngắt câu không thông, chưa kể đến văn phong nhạc điệu không chỉnh. Nếu tôi có phạm các lỗi văn phong tiếng Việt, nhân đây mong độc giả thứ lỗi cho dùm.

Đó không phải là một mâu thuẫn lịch sử hay sao ?

Một số câu ca dao cũng định nghĩa vị trí và công lao đặc biệt của người cha:

Còn cha gót đỏ như son

Mất cha gót mẹ gót con đen sì

Con có cha như nhà có nóc

Con mất cha như nòng nọc đứt đuôi

Khi người Pháp đặt chân lên Việt Nam vào cuối thế kỷ mười chín, bắt đầu thực hiện chính sách đô hộ…theo cách của họ, tức là theo Tây phương, và bắt đầu tìm hiểu về đất nước, con người, triều đình, xã hội Việt Nam, thì họ đứng trước một mô hình, một hệ tư tưởng gia đình gọi là Việt Nam mà trong đó người phụ nữ hoàn hoàn không có một giá trị gì cả, ngược lại họ phải lao động, đẻ con, nuôi con và phục dịch suốt đời. Còn nói chi đến quyền được đi học và mở mang trí tuệ.

Người vợ gọi chồng bằng „Thày“ và „Ông“, người chồng gọi vợ „bu nó, mụ ấy, bà nớ, cô ấy…“ như người không quen, mãi đến những thế hệ Việt Nam sinh sau Đệ nhị thế chiến, vợ chồng mới xưng „anh, em“ với nhau, gọi nhau một cách tình tứ: « mình ơi! », giới thiệu lẫn nhau: « Đây là nhà tôi ».

Alfred Schreiner nhận định trong tác phẩm Les institutions annamites (t.II) như sau:

„…l‘autorité paternelle chez les Annamites était absolue. Le père de famille avait pleins pouvoirs sur ses descendants: droit de disposer leur liberté, de leurs biens, de leur travail, comme des choses lui appartenant; droit de châtiment jusqu‘à la mort ! Il pouvait vendre ses fils, louer leurs services, les mettre comme gages entre les mains de ses créanciers“.

„ l‘autorité paternelle était sans bornes… Il s‘érigeait en juge suprême et châtiait jusqu‘à l‘extrême-limite. Bref, il avait sur les siens droit de vie et de mort“.

„…quyền lực người cha của dân An nam là tuyệt đối. Người cha trong gia đình thực thi rất nhiều quyền lực lên các người thân thuộc cùng dòng máu: quyền ấn định sự tự do, sự tư hữu, sự lao động của mỗi người, như một vật sở hữu của ông, quyền trừng trị hình phạt cho đến chết ! Người cha có thể đem con trai đi bán, cho thuê sử dụng làm sức lao động, thế chấp làm con tin cho chủ nợ. „

„…quyền lực của người cha là vô giới hạn…Ông trở thành vị quan tòa tối cao và trừng phạt cho đến mức . Tóm gọn, ông là người quyết định cuộc sống và cái chết của những người thân thuộc.“

Eliacin Luro khẳng định thêm trong tác phẩm « Le pays d‘Annam »:

„ Fast à cette accumulation de droits, presque aucune obligation n‘a été imposée au père à l‘égard de ses enfants, pas même celle de leur fournir des aliments“.

„ Đối nghịch vói sự tập trung mọi quyền lực, người cha gần như hoàn toàn không có một nghĩa vụ nào đối với những đứa con của ông, ngay cả không cần phải cung cấp thực phẩm cho chúng“.

Trong quan hệ vợ chồng thì giá trị đạo lý Nho giáo chỉ định nghĩa một chiều: Người vợ phải tuyệt đối chung thủy với chồng. Chồng không cần phải chung thủy với vợ, vì chồng có…nhiều vợ.

Thân em làm lẽ vô duyên,

Mỗi ngày một trận đòn ghen tơi bời.

Đàn ông ngoại tình được tha thứ. Nhưng đàn bà ngoại tình thì phong tục không dung, mà pháp luật Nho giáo trừng trị rất nghiệt ngã. Câu nguyền rủa „Đồ quạ mổ ! Đồ quạ rỉa !“ xuất phát từ hình phạt độc ác „bè chuối trôi sông“ của chồng đối với vợ:

„Chồng bắt được vợ ngoại tình có quyền gọt gáy bôi vôi, đóng cọc phơi nắng và nghiệt ngã hơn, lên quan, quan xử bè chuối trôi sông. Đây là một hình phạt hết sức nặng nề để xử những người đàn bà có chồng còn ngoại tình. Người ta kết một bè chuối và trói ghì người có lỗi trên bè chuối này, có khi để ngồi, có khi để nằm. Trên bè chuối có một mâm cơm, một ấm nước, một âu trầu. Tay người này có thể cử động để tự ăn uống lấy được, nhưng không tự cởi trói được.

Bè chuối mang phạm nhân được đẩy ra giữa dòng sông, muốn trôi đi đâu thì trôi, mặc trời mưa nắng. Trên bè chuối có cắm bản án kể rõ tội lỗi của phạm nhân. Bè chuối theo dòng sông trôi đi, nếu vì sóng gió giạt vào bờ một xã nào, dân làng xã ấy sẽ lấy gậy, lấy sào đẩy bè chuối ra. Người đàn bà có tội phải chịu chết trên bè chuối, rồi diều hâu, quạ, kên kên sẽ cùng nhau xâu xé thân xác người này“. (trích Toan Ánh)

Đạo đức Nho giáo cũng không kém cay nghiệt với những người góa bụa. Nếu không phải uống thuốc độc, thắt cổ tự tử chết theo chồng, hay bị chôn sống chung trong một hầm mộ, để chứng tỏ lòng yêu thương chung thủy với chồng, thì ít nhất, khi chồng chết, người vợ phải ở vậy suốt đời thờ chồng, chăm sóc mẹ chồng:

Bác mẹ chàng phơ phơ đầu bạc

Con chàng còn trứng nước thơ ngây

Có hay chàng ở đâu đây

Thiếp xin mượn cánh chắp ba theo chàng.

Nếu lấy chồng lần nữa thì trở thành bia miệng cho mọi người chê cười:

Ông chết thì thiệt thân ông,

Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai.

Dù rằng phụ nữ không có chồng đã bị xã hội nhạo biếm:

Tròng trành như nón không quai,

Như thuyền không lái như ai không chồng,

Gái có chồng như gông đeo cổ,

Gái không chồng như phản gỗ long đanh,

Phản gỗ long đanh anh còn chữa được,

Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi.

Ngũ thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, huấn dụ con người cư xử có nhân đạo, có lẽ phải, hòa nhã, tôn trọng người khác, phân biệt thiện ác đúng sai, không sai lời hứa hẹn. Các giá trị đạo đức „bất nhân“, „bất nghĩa“, „bất lễ“, „bất trí“ và „bất tín“ được định nghĩa từ đây.

Tam tòng là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Dẫu rằng, việc gì tốt, như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, thì mình học theo, các tôn giáo như đạo Phật hay đạo Thiên Chúa cũng đưa ra những chuẩn mực đạo đức tương tự.

Nhưng riêng bản thân tôi, nếu phải gìn giữ Tam tòng „tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, mà phu tử thì tòng tử“, là tôi chịu thua, không theo được.

Dân tộc Việt có chữ „Đức“, sống phải có đức với mọi người chung quanh và để lại đức cho con cháu đời sau. Cũng như cách nói rất nhân nghĩa : „vợ chồng đầu gối tay ấp“, hay câu ca dao:

„ Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con“.

nói lên rằng, núi Thái Sơn cao ngất tầng xanh còn đo được cao bao nhiêu thước…Tây, nhưng nước trong nguồn chảy ra thì…có bao giờ cạn. Trong câu thành ngữ „Của chồng, công vợ“, đạo đức Việt đưa người vợ, người mẹ (ít nhất) ngang hàng với người chồng, người cha.

Còn Tứ Đức của Nho giáo dành cho phụ nữ như công (làm việc nhà, làm lụng, lao động…), dung (có sắc đẹp, ưa nhìn…), ngôn (ăn nói nhỏ nhẻ, không to tiếng cãi cọ…), hạnh (ngoan ngoãn, vâng lời, hầu hạ gia đình…), không phải là những giá trị xấu, nhưng nếu chỉ có một chiều như thế thì bốn chữ ấy đưa phụ nữ lạc hướng vào con đường tôi mọi tự nguyện, tự hạn chế, mà không có phần tự phát triển trí tuệ và khả năng của chính bản thân mình. Quan niệm Nho giáo dành cho phụ nữ công, dung, ngôn, hạnh, so với quan niệm 3K bên Đức (Kirche, Kinder, Küche – Nhà thờ, con cái và bếp núc) hay quan niệm „femme au foyer“ (phụ nữ trong gia đình) bên Pháp, trói buộc người phụ nữ chỉ biết hầu cha hầu chồng hầu con, không khác nhau là mấy.

Phận gái tứ đức vẹn tuyền

Công, dung, ngôn, hạnh giữ gìn chẳng sai.

Ngay trong tục lệ tảo hôn, người phụ nữ phải lấy chồng quá già, hay phải một đứa con nít hai ba tuổi làm chồng, cũng phải làm trọn mọi bổn phận tam tòng tứ đức của mình.

Vô duyên vô phúc,

Vớ phải anh chồng già,

Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng?

Nói ra đau đớn trong lòng

Ấy cái nợ truyền kiếp chứ có phải chồng em đâu !

…Bống bồng cõng chồng đi chơi,

Đến ao nước lội đánh rơi mất chồng,

Chị em ơi ! cho tôi mượn cái gàu sòng,

Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên !

Tục lệ lấy tên và chức tước của chồng để làm danh xưng cho người vợ, thí dụ vợ ông Phán Thông thì gọi là bà Phán Thông, còn tên thật của người vợ thì xem như là tên húy, tên cúng cơm, không được nhắc đến nữa, làm cho người đàn bà như „lột xác“, mặc một chiếc áo khoác và thuộc quyền sở hữu của chồng, mình không còn là mình nữa, chồng có danh có chức thì mình cũng có danh có chức.

Cùng thời ấy, các ông được phép lấy chính thức bốn vợ, và đa số phụ nữ chấp nhận cảnh chồng chung, vợ lớn, vợ bé, nàng hầu…đều ở chung dưới một mái nhà. Trên tờ giấy hôn thú dưới thời Pháp thuộc có điều khoản „Thứ hạng người vợ“ (Rang de femme): hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và hạng tư.

Cộng thêm vào đó cái quan niệm chắc như đinh đóng cột của cả xã hội: „Con gái là con người ta, con dâu mới là con mình“, đã in ấn lên mỗi thai nhi gái từ khi mới lọt lòng. Lấy chồng thì phải làm dâu, xem như lấy cả gia đình họ tộc nhà chồng. Không có ai dám cãi lại.

Sông bao nhiêu nước cho vừa

Trai bao nhiêu vợ cũng chưa hài lòng

Trai tài năm thê bẩy thiếp,

Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng.

Lý do xem như chính đáng nhất cho việc các ông được lấy bốn vợ, là để cho các ông có đích tôn nối dòng dõi. Các ông lấy bốn năm bà, có mấy chục đứa con, là lẽ đương nhiên. Các bà thường hay bị tử vong khi sinh đẻ, đó là vấn đề thứ nhất, các bà lại hay đẻ con gái, đó là vấn đề thứ hai, các bà sinh con thì các bà nuôi con bận bịu, làm lụng vất vả, nhan sắc kém tươi, tèm nhem tuốc nhuốc, ít có thì giờ hầu ông, đó là vấn đề thứ ba.

Đêm năm canh năm vợ ngồi hầu

Vợ cả pha nước têm trầu chàng xơi,

Vợ hai trải chiếu, chia bài,

Vợ ba coi sóc nhà ngoài nhà trong,

Vợ tư trải chiếu quạt mùng,

Vợ năm thức dậy trong lòng xót xa,

Chè thang, cháo đậu bưng ra,

Chàng xơi một bát khẻo mà công lênh.

Chàng mà „công lênh“ thì cả nhà đều khổ sở ! Nhưng nhất định chàng phải „đẻ“ ra con trai đích tôn, rồi con trai đích tôn phải „đẻ“ ra cháu trai đích tôn… „Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô“ hay nói nôm na rằng „ một trăm đứa con gái không bằng hòn giái thằng con trai“, theo các cụ.

Một trong những „tội“ nặng nhất của vợ là tội không đẻ con trai nối dõi cho chồng. Tội này đứng hàng đầu trong bẩy tội Thất sủng „chính đáng“ khiến cho chồng và gia đình chồng trừng phạt, ruồng bỏ đuổi đi (may phúc!) hay hành hạ người phụ nữ cho đến chết.

Bẩy tội đó là:

  • Tội thứ nhất: Không đẻ con trai nối dõi cho chồng.
  • Tội thứ hai: Không thi hành bổn phận người vợ.
  • Tội thứ ba: Không hầu hạ cha mẹ chồng hay phạm lỗi

đối với cha mẹ chồng.

  • Tội thứ tư: Nói nhiều và nói xấu người khác.
  • Tội thứ năm: Ăn cắp
  • Tội thứ sáu: Ghen tuông
  • Tội thứ bẩy: Tàn tật tâm thần hay thân thể

(theo Nguyễn văn Phong – Alfred Schreiner)

Luật thì ngắn ngủi như thế, nhưng sự „diễn dãi“ các hành động thành ra tội thì rất bao la tùy tiện tùy theo từng chi tiết một. Nói thật hay than van về những sự áp bức bất công của chồng và gia đình chồng thì bị gán tội „nói xấu“, ăn nhịn để dành đem chút quà về biếu cha mẹ ngày giỗ, ngày Tết thì bị kết tội „ăn cắp“ của nhà chồng đem về nhà mình, một ánh mắt nhìn (không lời) cũng bị kết tội là „ghen tuông“, còn nói chi đến định nghĩa và diễn dãi các tội thứ hai, tội thứ ba và tội thứ bẩy. Người chồng chỉ cần kết tội vợ „mụ này điên!“ là có quyền xua đuổi vợ.

Những người phụ nữ bỏ chồng, trốn đi, hay bị chồng bỏ, ly dị, bị xã hội kết án là „vô đạo đức“, mang dấu ấn suốt cuộc đời mình. Người chồng gặt hái sự thương cảm. Người đàn ông tình nhân gặt hái sự thông cảm. Người phụ nữ chịu đựng tất cả mọi sự chê bai, nguyền rủa.

Ngay thành phần sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài trong những năm sau 1975 của thế kỷ thứ hai mươi vẫn còn phát huy truyền thống Nho giáo – biến cải thành „đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Mao chủ tịch„ – phân biệt giữa người phụ nữ „có đạo đức“ và „vô đạo đức“ trong những trường hợp vợ chồng sinh viên son trẻ trở nên cơm không lành canh không ngọt, đưa đến ly dị, lập một thứ „tòa án nhân dân“ để tuyên án người làm xấu cộng đồng, cô lập người bị lên án, cấm không cho tham dự mọi sinh hoạt của cộng đồng, cắt đứt tất cả mọi quan hệ liên lạc. Kỳ dị nhất là các nữ sinh viên đang du học tại nước ngoài, sống trong một khung cảnh xã hội Tây phương, cũng tránh người „bạn gái cũ“ bị cộng đồng lên án „vô đạo đức“ như tránh hủi, sợ lây bịnh.

Thế hệ ba tôi còn được chính thức cưới bốn vợ. Trên tờ giấy hôn thú ký năm 1953 tại Gia định, để có thể làm khai sanh cho tôi, có điều khoản: Thứ hạng vợ (Rang de femme), má tôi có hân hạnh được làm vợ chánh hạng nhất (Premier) !

Năm tôi lên sáu, ba tôi dắt tôi đến trường đi học. Nghe nói „đi học“ là tôi sợ quắn đít, vì ai cũng dọa nạt trước rồi, mày mà không ngoan, không học thì bà giáo đánh chết. Sợ bà giáo đánh chết, tôi dẫy nẩy không chịu vào trường. Ba tôi bế tôi lên dỗ dành, tôi cứ thúc đầu gối vào bụng ông. Ông giận quá đem tôi về nhà, lấy cái thước bảng đánh cho mấy cái vào đùi thâm tím cả tuần không hết.

Trong đời tôi, người đàn ông thứ nhất đánh tôi là ba tôi, người đàn ông thứ nhì đánh tôi là chồng tôi, người đàn ông thứ ba đánh tôi là em trai tôi. Má tôi cũng trừng phạt tôi bằng roi vọt nhiều lần, mỗi khi em kế tôi khóc lóc bù lu bù loa nước mắt nước mũi chảy lòng thòng mét má: « Má ơi, bà chằng lửa ăn hiếp con ». Không cần biết chuyện gì đã sẩy ra giữa hai đứa con nít, con chị và con em cách nhau bốn tuổi, tôi phải nằm sấp xuống cái đi văng kê trong phòng ăn, sát cửa sổ, thường dùng làm chỗ nghỉ trưa cho chị bếp, má tôi kề cái chổi lông gà lên mông, hỏi: Tội này nặng mấy roi ? Dạ, năm roi (tối thiểu, theo kinh nghiệm!). Bà rầy, năm roi là còn ít, nhưng ăn đòn để chừa thói chòng ghẹo em. Thế là năm cái chổi lông gà quắn đít, lại còn cấm không cho khóc, khóc thì ăn thêm đòn.

Bị đánh là đáng đời chăng ? Lại còn có người mắng thêm cho „Không có lửa thì làm sao có khói ?“, hay „Có khiêu khích người ta thì ăn đòn là phải rồi, tất nhiên!“.

Tất nhiên ?

Nhưng mà, cũng phải nói đến Đức Chúa, lời phán của Chúa về công bằng và luân lý: „Trước khi ném đá người hãy tự xét chính mình.“.

Và, nếu phụ nữ không tự thay đổi đời mình thì ai có thể thay đổi cuộc đời cho người phụ nữ ?

Chính vì xuất phát từ quan điểm „con gái là con người ta, con dâu là con mình“ mà trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, quan điểm xem con gái – một khi đã gọi là xuất giá ra khỏi nhà – như là „khách đến thăm“ còn phổ biến, là một „lễ giáo“ không thể thay đổi. Hệ thống tôn ti trật tự trong gia đình Việt Nam vẫn là « Cha – Con trai trưởng – Cháu nội trai trưởng ». Bất biến, bất di, bất dịch.

Sở dĩ tôi vạch áo cho người xem lưng, vì chính những sự kiện này phản ánh quan niệm trọng nam khinh nữ còn hiện hữu trong xã hội Việt Nam cho đến tận thế hệ của tôi, mà xã hội, tổ trưởng tổ phó, hàng xóm láng giềng, bè bạn….đa số đều làm ngơ, cho là chuyện riêng tư, ngõ nhà nấy quét, đèn nhà ai nấy sáng, chỉ biết lên án những người phụ nữ „vô đạo đức“, nhưng không có biện pháp giúp đỡ hay can thiệp những sự việc đàn áp, đánh đập, khống chế đến sinh mạng và trí tuệ của phụ nữ, chưa nói chi đến sự can thiệp của pháp lý, hay thông cảm, binh vực nạn nhân.

Đề tài phụ nữ hôm nay trên báo chí đặt trọng tâm trên những lãnh vực „lifestyle“, phong cách sống hiện đại: làm đẹp, sửa sắc đẹp, thi sắc đẹp, thi hoa hậu, từ mập thành ốm, theo thời trang, trang trí nhà cửa, chiều chồng, chiều con, nấu ăn ngon…, cũng là một cách đánh lạc hướng phát triển của phụ nữ.

Phụ nữ có thành công thì bị dè bỉu, châm biếm, nhất là nghi vấn „thành công qua cái gối đầu…“ dễ được mọi người tán thưởng.

Nhân một việc „tán gẫu“ về cô Tư Hồng thời xưa, bị mang tiếng là bênh vực phụ nữ, khi một người bạn học đồng thời (nam) của tôi, viết như sau, với một văn phong hiện đại, tân kỳ:

Cô lấy hai đời chồng một ông cắc chú, một ông tây. Cô là « me » tây (đó có phải là một tội?), cô buôn bán giàu có. Năm 1904 miền trung đói to, cô chở gạo ra cứu tế. Nhờ công đức đó (chữ công đức có cần phải để trong chữ ngoặc? « công đức »? ) vua Thành Thái sắc phong cô « Lạc quyên nghĩa phụ » và tước « Ngũ phẩm nghi nhân ». Người đời đàm tiếu. Có dư luận bảo mới đầu cô định đầu cơ gạo mang ra bán giá cao, sau sợ bị tội « đầu cơ » nên cô biến thành chuyện « phước thiện ». Thế thì chẳng biết đâu mà lần, cô là người tốt hay là con đĩ đầu cơ? Những dư luận đó là đúng hay là « độc miệng »? Cụ Nguyễn Khuyến làm thơ cho cô là « Đĩ có tàn có tán, có hương án lọng che! ». Em không biết đánh giá cô ra sao.

Em chỉ biết là qua sự cứu tế đó hàng ngàn người khỏi chết đói. Công đức của cô (nếu có) có thể .. to hơn nhà thơ Nguyễn Khuyến. Cụ cứu được bao nhiêu mạng? Nếu em là người sắp chết đói , em sẽ nhớ ơn « con đĩ » suốt đời! « Con đĩ » đó , động cơ nào không biết, đã làm việc tốt. Sao « con đĩ » Marie Madeleine có thể trở thành Thánh mà cô Tư thì không? Còn chuyện các cô Tư tân thời thì em chịu!

Chỉ có lần ngồi trong một quán lẩu ở sè gòn… Trong bàn nhậu của một lũ đàn ông.. vô tích sự (trong đó có em -:) ) .. em nghe là « nghe nói bả hồi xưa là bồ của… » . Thế đấy! Làm đờn bà hổng có dễ đâu nghen! Chúng ta, ai nấy đều thích.. ngồi lê đôi mách. Một người đàn bà thành công. Vì tài năng? Đáng ngờ! Nghe ba chớp ba nháng là « cổ là bồ của..  » thì .. ta tin liền! Nghe « con mẹ đó mà làm ăn cái gì! Toàn là nhờ lăn lóc .. trên giường » là ta .. tin sái cổ! Có lần một bác kể là người ta đồn bà bộ trưởng xx tiến thân bằng … nhan sắc! Em thấy nghi nghi. Dở hình bà ra xem thử thấy tuổi .. tròm trèm già .. như chúng ta. Nhan sắc đại khái thua người mẫu chân dài khoảng hàng trăm ký lô mét. Thế mà người ta tin! Bà này mà dùng nhan sắc thì có mà bị .. đuổi việc! Một dạng của … Machochismus!

Mới đây một nhà chính trị sử học trẻ, giáo sư Pierre Hillard (Pháp) đưa ra nhận xét về chính sách trọng nam khinh nữ tại Trung Hoa trong kế hoạch kiểm soát và hạn chế sinh đẻ. Ông cho rằng chính sách „một con“ nhưng nhất là một con „trai“ đem lại sự mất thăng bằng cho xã hội Trung Quốc trên nhiều lãnh vực, một phát triển theo chiều hướng tiêu cực rất lớn.

Sau khi nghe một số bài thuyết trình của Pierre Hillard, tôi tìm vài con số thống kê về Trung Hoa trên các mạng Internet – không bảo đảm được là chính xác – như sau:

Dân số Trung Hoa đạt con số 1.324.480.000 người vào cuối năm 2006, tức là tăng hơn 7,50 triệu dân so với năm 2005 – với một con số sinh là hơn 16 triệu và một con số tử là hơn 8,49 triệu người – trên một diện tích đất đai là 9,6 triệu cây số vuông, mật độ trung bình 136,9 người trên một cây số vuông, và chiếm 20% dân số thế giới. Tính ra cứ mỗi phút có 31 đứa trẻ, mỗi giờ có 1.827 đứa trẻ ra đời trên đất Tàu. Một sự phát triển dân số khủng khiếp. Khoảng 43,9% dân số của Tàu sống trong những vùng thành thị hóa.

Tỷ lệ đàn ông là 51,5% ( khoảng 674 triệu đàn ông), tỷ lệ đàn bà là 48,5% (khoảng 634 triệu đàn bà). Tỷ lệ trẻ sơ sinh con trai so với trẻ sơ sinh con gái là 119,25 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Chính sách kiểm soát sinh đẻ áp dụng từ những năm 1970 đưa Trung Hoa đến một hoàn cảnh có một không hai trên thế giới: theo dự đoán thống kê, khoảng năm 2020 Trung Hoa sẽ có một số lượng đàn ông trẻ dư trội – trong tuổi lấy vợ – là 30 triệu người (không vợ). Cũng theo dự đoán thống kê dân số Trung Hoa sẽ tăng thành 1,45 tỷ người vào năm 2030.

Cách đây nhiều năm, các báo chí Tây phương đã phổ biến những tấm ảnh tử thi của trẻ sơ sinh gái, bị vất ra ngoài đường, nằm bên cạnh cống rãnh. Các biện pháp khác như phá thai (thai nhi gái) trước ngày sinh hay làm tuyệt đường sinh sản của phụ nữ đưa đến trình trạng dư nam thiếu nữ. Đây là hậu quả của chính sách „một con“ và tư tưởng chế độ phong kiến bảo thủ cũ „Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô“ của dân Tàu. Tuy nhiên, từ năm 2002, một số người, nhất là những gia đình giầu có tại thành thị, chịu trả „tiền phạt“ cho chính quyền để có thêm con.

Ngoài vấn đề thiếu thốn về nguồn năng lượng, vấn đề thiếu ăn đã được đặt ra từ ngày hôm nay, vì Trung Hoa sẽ phải cần có một số lượng ngũ cốc khổng lồ. Trong năm 2005 họ sản xuất một khối lượng ngũ cốc là 484 tỷ kí lô, nhưng vẫn còn thiếu khoảng 50 tỷ kí lô. Sức thu mua thực phẩm của Trung Hoa trên thị trường thế giới làm cho giá thực phẩm ở nhiều nước tăng lên, nhất là ở Âu châu.

Theo thống kê năm 2006 Trung Hoa có 106 tỷ phú, trong khi mức thu nhập trong suốt một năm tại nông thôn tương đương với 350 euros/người, và tại thành thị là 1.170 euros/người (chưa tới một trăm euros một tháng). Trình độ biết đọc biết viết khoảng 90% đàn ông và 86,5% cho đàn bà.

Thống kê của UNESCO của năm 2000 cho biết trên thế giới có 862 triệu người mù chữ (trên 15 tuổi), trong đó, tỷ lệ xóa mù chữ (Taux d’alphabétisation des adultes ) của phụ nữ chiếm 64%.

Khoảng 113 triệu trẻ em không được đến trường học (bậc tiểu học), trong đó có 57% trẻ em gái. Tính theo lục địa thì có 23 triệu trẻ em gái tại Phi Châu phía nam sa mạc Sahara, và 21 triệu em gái trong khu vực Đông Nam châu Á, không được đi học.

Được xếp hạng mù chữ, những ai, ngoài sự kiện hoàn toàn không biết đọc, biết viết, không có khả năng để đọc và hiểu được 60% một đoạn văn bình thường hoặc viết một đoạn để diễn tả một việc thông thường trong đời sống hàng ngày.

Không nói đâu xa xôi, ai có ngờ rằng, với 4 triệu người mù chữ, nước Đức có tỷ lệ xóa mù chữ là 95%, tức là khoảng 5% dân số bị xếp hạng mù chữ.

Còn nước Pháp ? Thống kê của viện INSEE vào năm 2006 cho biết nước Pháp có trung bình 13% người mù chữ trong hạn tuổi từ 18 đến 65 (tỷ lệ xóa mù chữ 87%, tức là trong một trăm người Pháp thì có mười ba người mù chữ).

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc của năm 2005 về sự phát triển của nhân loại, trong đó các quốc gia được chia ra làm ba nhóm: nhóm phát triển mạnh, nhóm phát triển trung bình và nhóm phát triển yếu, thì Việt Nam, thuộc nhóm phát triển trung bình, đứng vào hàng thứ 105 trên tổng số 177 quốc gia, có tỷ lệ xóa mù chữ là 90%, tức là trong một trăm người thì có mười người không biết đọc biết viết.

Algérie, tuy đứng đồng hạng với Việt Nam, nhưng có tỷ lệ xóa mù chữ thấp hơn, chỉ có 69,9% dân chúng biết đọc, biết viết (tức là trong mười người thì có đến ba người mù chữ). Tỷ lệ xóa mù chữ trong nhóm phát triển trung bình thấp nhất thuộc về Bhoutan, chỉ có 47% dân số biết đọc biết viết (trong hai người thì có một người mù chữ!). Tỷ lệ xóa mù chữ thấp nhất thế giới thuộc về các nước Mali (24%), Tchad (25,7%), Guinée (29,5%).

Pierre Hillard cũng có nói lên sự quan trọng của giáo dục và vấn đề ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Tôi đồng ý với nhận định của ông rằng công việc Giáo dục và công việc bảo vệ ngôn ngữ của mỗi dân tộc phải là công việc hàng đầu của xã hội ấy.

Ngôn ngữ càng phong phú, càng phát triển, có thêm những từ ngữ mới, có nhiều cách diễn đạt mới làm cho người sử dụng ngôn ngữ càng có nhiều tự do và khả năng diễn đạt hơn trong nhiều lãnh vực khoa học nhân văn và khoa học kỹ thuật, dân trí tăng cao, cho nên khỏi cần phải bàn luận đến sự suy đồi nhân trí bởi một ngôn ngữ nghèo nàn, đơn điệu. Các nhà dịch thuật có trình độ ngoại ngữ chính xác và kinh nghiệm sống tại nước ngoài là những người góp phần tích cực làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mình, cho nên công việc và thành quả của họ chớ nên xem thường.

Thế hệ nam nữ thanh niên Việt Nam trước tôi, lớp người được sinh ra sau Đệ nhị thế chiến, giữa những năm 40, năm nay đã trên sáu mươi, là thế hệ đầu tiên có cơ may trong đời được du học tại các nước kỹ nghệ tân tiến trên thế giới, nhiều người trở thành những giáo sư đại học nổi tiếng thế giới.

Năm tôi mười bẩy, qua cái bằng Tú Tài hai, là ba má tôi cho rằng học như thế là đủ rồi, muốn gả chồng theo lời hứa hẹn với một gia đình bạn. Đến lượt thế hệ tôi, thế hệ năm mươi, đi du học từ những năm cuối 60, đầu 70, con số nữ sinh viên còn rất ít. Tôi nhớ mang máng rằng trong số một ngàn sinh viên nhập học tại Đức thì chỉ có khoảng tám mươi nữ sinh viên. Con số này ngày nay tôi không kiểm chứng được, không còn ai nhớ nguồn gốc ở đâu, nhưng đúng trên thực tế, vì nữ sinh viên quá ít, nên chị em bạn và mọi sinh viên nam đều biết lẫn nhau rõ ràng, ai học ở đâu, học gì, và học trường nào.

Thế hệ sau tôi, đúng là „hậu sinh khả úy“, cả trai lẫn gái đều ham học, có nhiều người tài giỏi, nhất là các thiếu nữ đều cho việc đi học là một việc „tất nhiên“, thật là một điều đáng mừng. Các bạn trẻ có một ưu điểm rất lớn so với lớp thế hệ tôi, đó là khả năng hấp thụ sinh ngữ. Nhiều người trẻ nói, viết thông thạo một trăm phần trăm hai, ba, bốn, năm thứ tiếng, không như trình độ tiếng Tây, tiếng Đức, tiếng Anh nửa mùa của tôi.

Khả năng sinh ngữ mở ra một sức phát triển rất lớn cho bản thân và cho xã hội. Vì thế xã hội Việt Nam cần thiết phải tổ chức sự giao lưu của lớp trẻ trong và ngoài nước, trong tinh thần học hỏi cái hay cái đẹp của văn hóa người để xây dựng văn hóa của chính dân tộc mình.

Một số không ít người lên tiếng chỉ trích lớp trẻ ngày nay là „mất gốc, vong bản“, nhất là lớp trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại khắp nơi trên thế giới. Xin hỏi ở đây: gốc nào ? gốc Nho giáo Khổng Mạnh hay gốc Việt Nam ? Thế nào là gốc Việt Nam thuần túy ?

Dân Việt đã chẳng có câu „Đi một ngày đàng học một sàng khôn“, lớp trẻ Việt Nam ngày nay, sống rải rác trên khắp thế giới, học hỏi mỗi ngày vạn điều hay có, dở có, của những xã hội khác nhau, có một tầm nhìn rộng rãi hơn, cởi mở hơn, không còn bị đồng hóa theo tư tưởng Nho giáo Khổng Mạnh, mà triết lý cuộc đời của họ tóm gọn trong năm chữ Độc Lập – Tự Do – Dân Chủ – Hòa Bình – Bình Đẳng. Đó không phải là một điều tốt hay sao ?

Sự phát triển của phụ nữ và trẻ em là thước đo mức độ phát triển kinh tế, chính trị và nhân bản của xã hội. Xã hội phải tạo điều kiện cơ sở để giúp đỡ và bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhưng nói cho cùng, nếu mỗi người phụ nữ – khi có điều kiện và cơ hội – mà không ý thức được quan niệm trọng nam khinh nữ, thể hiện qua nhiều „ngóc ngách“ tư tưởng, bàng bạc trong nhiều cử chỉ, hành động, cách đối xử gọi là „nho nhỏ“… , không muốn học hành, mở rộng kiến thức, đi tìm và tiếp thu cái mới, cái hay của nhân loại… thì cũng không thể trách một chiều xã hội được.

Có quyền được đi học và mở mang trí tuệ thì phải cố gắng học!

2. Quyền bầu cử và ứng cử

Điều 21:

1. Tất cả mọi người đều có quyền tham dự vào trách nhiệm điều hành các công việc công cộng của đất nước họ, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua sự lựa chọn tự do các người đại diện.

2. Tất cả mọi người đều có quyền tham dự, trong mọi điều kiện bình đẳng, vào các chức vị công quyền của nước họ.

3. Dân ý là nền tảng của quyền lực chính quyền, dân ý phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử trong sạch theo một định kỳ đều đặn, bầu cử phổ thông hợp pháp, bỏ phiếu kín, hay theo một thể thức tương đương bảo đảm quyền tự do bầu cử.

Một trong những thể hiện dân chủ thực sự là quyền ứng cử và bầu cử của phụ nữ trong một xã hội, một quốc gia. Trên thế giới, chỉ vào đầu thế kỷ hai mươi, cách thời đại của chúng ta khoảng 100 năm, quyền bầu cử của phụ nữ mới được thực hiện dần dà, ban đầu với nhiều giới hạn về tuổi tác, tình trạng gia đình (có chồng hay độc thân), có công ăn việc làm (đóng thuế), trình độ học vấn… trước khi phụ nữ có quyền ứng cử, bước vào chính trường, sớm nhất là ở Tân Tây Lan (Neuseeland) vào năm 1893 và mới gần đây ở nước Ả Rập Thống Nhất (Les Emirats arabe unis; EAU) vào ngày 16/12/2006.

Không ai có thể ngờ rằng, ngay tại Pháp, đất nước của Nhân quyền (droit de l‘homme) mà phụ nữ Pháp chỉ có quyền bầu cử và ứng cử nhờ quyết định của Đại tướng de Gaulle, khi ấy đứng đầu Chính phủ Lâm Thời, đóng ở hải ngoại, ký ngày 21 tháng 4 năm 1944 tại Alger, và phụ nữ Pháp đã đi bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử ngày 20 tháng 4 năm 1945. Trước đó, trong xã hội Pháp, người chồng là người có quyền „bảo hộ“ người vợ!

Tại Đức, phụ nữ được quyền bầu cử và ứng cử vào ngày 19 tháng một 1919, sau khi Đệ nhất thế chiến chấm dứt ! Kết quả của sự tranh đấu từ năm 1891 của Đảng Xã Hội Đức (SPD). Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Đức năm 1919, thành phần phụ nữ đắc cử là 8,7%, tức là có 37 dân biểu nữ được bầu (trong số này có 19 nữ dân biểu thuộc đảng Xã Hội).

Tại Việt Nam, mãi cho đến năm 1945 phụ nữ không có quyền tham dự vào „việc nước“, không có quyền công dân, không có quyền được tham gia vào lãnh vực chính trị, xã hội, dù rằng người phụ nữ Việt Nam luôn luôn gánh vác kinh tế gia đình, tức là gánh vác kinh tế xã hội. Người vợ, người mẹ nuôi chồng, nuôi con, nuôi cả gia đình chồng nhưng không có tiếng nói, địa vị trong xã hội.

Con không cha ăn cơm với cá

Con không mẹ liếm lá đầu đường

Trong 24 đạo dụ của vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) có sáu đạo dụ trực tiếp hành xử lên người phụ nữ, qua đó cha mẹ và chồng có quyền trừng trị người phụ nữ:

  • Đàn bà có lỗi mà cha mẹ và chồng đã trừng trị thì nên phải sửa mình đổi lỗi, không được tự tiện trốn đi, làm hư mất nết đàn bà.
  • Làm đàn bà thì phải theo chồng, không được cậy cha mẹ mình phú quý mà khinh nhà chồng, nếu không như thế thì bắt tội đến cha mẹ.
  • Vợ chồng cần kiệm làm ăn, ân nghĩa trọn vẹn, duy chỉ có khi nào người vợ phạm tội thất xuất thì mới được bỏ, chứ không được khiên ái, cẩu dung làm hại tới phong hóa.
  • Người đàn bà góa không được chứa những đứa trai trẻ trong nhà, nói dối là con nuôi để âm hành những việc gian dâm.
  • Người đàn bà góa chồng, đối với các con vợ lẽ, nàng hầu, nên có lòng thương xót, không được mưu mô để chiếm đoạt gia tài làm của riêng mình.
  • Đàn bà góa chồng, chưa có con cái, phải ở nhà chồng để giữ đủ tang lễ, không được chuyển vận của cải mang về nhà mình.

Xã hội phong kiến Nho giáo Việt Nam dựa trên căn bản năm hạng người: Sĩ, Nông, Công, Thương. Đứng đầu nấc thang xã hội là kẻ Sĩ, là các thầy đồ, thầy địa lý, thầy lang, thầy bói, quan lại triều đình, hương chức, hội đồng…toàn là đàn ông. Xếp hạng cuối cùng trong xã hội là các người làm nghề buôn bán mà đa số là phụ nữ.

Khôn ngoan cũng thể đàn bà,

Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông.

Nghề thì được trọng, nghề thì bị khinh rẻ. Một trong những biểu hiện thời ấy là những bậc đàn ông quý phái thượng lưu, được hầu hạ, suốt đời không cần phải lao động chân tay, để móng tay mọc không cắt, móng tay mọc dài đến cả một hai tấc, xoắn lại như vòng xoắn, thì được gọi là „móng tay lá lan“, câu tục ngữ „không làm việc gì động đến móng tay“ xuất phát từ đấy!

Trắng như bông lòng anh không chuộng,

Đen như cục than hầm làm ruộng anh thương.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh ở đây rằng, chữ « thương » thời ấy gắn liền với hai chữ « lao động » và « sản xuất »: cô bán vải vóc lụa là cũng là người chăn tằm dệt cửi, cô bán rau cũng là người trồng rau, cô bán gạo cũng là người trồng trọt cầy cấy thóc lúa, cô bán heo, gà, vịt cũng là những người chăn nuôi, cô bán bún cũng là người làm bún…. Thường thì gái quê gái làng bán các hàng hóa do chính họ sản xuất trong các phiên chợ làng, hàng tuần, hàng tháng.

Tờ mờ sáng người phụ nữ đã thức dậy, lục tục nấu cơm nước để sẵn cho chồng con ở nhà, gánh hàng đi bộ mỗi ngày, có khi đi bộ cả hai ba chục cây số lên, chợ tỉnh, chợ quận, chợ thành phố, rao bán, buổi trưa ăn vài vắt cơm nắm, rong rỏi trên chợ đến quá trưa tan chợ lại gánh gánh về, thêm một lần ba bốn tiếng đi bộ. Về đến nhà, đặt quang gánh xuống là lo nấu bữa cơm chiều và trăm công việc trong gia đình

Ở thành phố thì phụ nữ cũng gồng gánh trên đôi vai bán rong mọi thứ cần thiết cho đời sống trên khắp phố phường, từ gánh rau, gánh gạo, gánh khoai, gánh hoa, gánh hàng xén (bán kim chỉ khuy nút…), gánh phở, gánh bún, gánh giò chả….

Con ơi mẹ bảo con này,

Học buôn học bán cho tày người ta,

Con đừng học thói chua ngoa,

Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười,

Dù no dù đói cho tươi,

Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan,

Phòng khi đóng góp việc làng,

Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng,

Trước là đắt nghĩa cùng chồng,

Sau là họ mạc cũng không chê cười,

Con ơi nhớ bấy nhiêu lời !

Nhưng nếu chàng đi buôn thì chàng ra điều kiện:

Nhà anh chỉ có một gian,

Nửa thì làm bếp nửa toan làm buồng,

Anh cậy em coi sóc trăm đường,

Để anh buôn bán chẩy trương thông hành,

Chút mẹ già trông lấy cho anh,

Để anh buôn bán thông hành đường xa,

Liệu mà thờ kính mẹ già,

Đừng nặng tiếng nhẹ người ta chê cười.

Nói theo định nghĩa kinh tế hiện đại thì phụ nữ thương nhân chỉ là hạng tiểu thương có địa bàn hoạt động nhỏ hẹp (như bà Tú Xương). Các sự việc thuần túy thương mại mua đi bán lại, mua rẻ bán đắt, có tầm mức địa lý rộng lớn hơn chưa phát triển lắm, nhưng cũng đã vượt quá tầm mức của phụ nữ làng trong lãnh vực giao dịch, mở rộng thị trường…. vì phụ nữ không biết đọc, biết viết.

„Việc nhà“ đã do cha và chồng quyết định, „Việc nước“ cũng do các Ông quyết định. Trải qua bao nhiêu thời gian, bao nhiêu lần sửa đổi tên và cách tổ chức, tất cả mọi chức vị cai trị và quản lý trong làng xã: xã quan, hội đồng kỳ mục, hội đồng hương chức, hội tề, hội đồng tộc biểu, hội đồng hương chính, hội đồng kỳ hào…đều chỉ dành riêng cho các ông, phụ nữ không được tham dự, không có tiếng nói.

Toàn Ánh viết trong cuốn „Làng xóm Việt Nam – Nếp cũ„ như sau:

„ Mãi cho đến tháng 8-1945, Việt Minh nắm chính quyền, việc tổ chức làng xã mới được sửa đổi lại….Việt Minh căn cứ vào bản Hiến Pháp năm 1946 của họ…Mỗi xã bất kể Trung, Nam, Bắc có hai cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân và Ủy Ban Hành chính…Với chế độ Việt Minh bao nhiêu cơ cấu của làng xã và bao nhiêu tập tục cổ truyền đều bị sụp đổ và tiêu hủy, kéo theo bao nhiêu là thuần phong mỹ tục. Những điều kiện ứng cử và bầu cử đều nhất loạt thay đổi. Bất cứ ai, 18 tuổi trở nên đều được ứng cử và bầu cử. „

Ý chính của Toàn Ánh là tiếc nuối tập tục cổ truyền và thuần phong mỹ tục xưa cũ, nhưng câu tiếp sau của chính ông đã phản ánh một sự thay đổi cuộc đời rất lớn cho phụ nữ: mãi đến năm 1945, với quyền bầu cử và ứng cử, người phụ nữ chính thức có tiếng nói và chỗ đứng trong xã hội. Đó là bước đầu trong việc thực hiện dân chủ.

Được xã hội và chính thể công nhận cho người phụ nữ có quyền ứng cử và bầu cử là biểu hiệu của một biến chuyển về hướng bình đẳng. Thực tế ra sao, khi người phụ nữ muốn thực hiện quyền lợi của mình, có dân chủ và bình đẳng thật sự hay không, đó lại là một vấn đề khác. Riêng tôi, khi thấy phụ nữ có khả năng kiến thức, có trình độ học vấn, mà xếp đó ngồi nhà, dù là làm một công việc có ích cho xã hội là hầu chồng hầu con, tôi vẫn lấy làm tiếc.

3. Quyền được tôn trọng nhân phẩm và thân thể

Điều 3:

Tất cả mọi cá nhân có quyền sống, quyền tự do và quyền thân thể

Điều 4:

Không ai bị cưỡng bách làm nô lệ hay người hầu kẻ hạ;

Nô lệ và sự buôn bán nô lệ bị cấm đoán dưới mọi hình thức.

Điều 5:

Không ai bị tra tấn, hình phạt hay đối xử dã man, vô nhân đạo hay nhục mạ.

Tôi xin ngắn gọn ở điểm này, vì không cứ gì ngày xưa dưới thời quân chủ phong kiến Nho giáo, phụ nữ phải chịu nhiều hình phạt thân thể, cạo đầu gọt gáy bôi vôi, đánh cho chết, dìm nước, thiêu đốt, bè chuối trôi sông…mỗi khi dám phản kháng lại các bất công trong đời mình, mà ngày nay, trong các xã hội gọi là cực độ tân tiến kỹ thuật cũng còn nhiều hành động không tôn trọng nhân phẩm và thân thể của phụ nữ.

Tình yêu thương vợ chồng và sự chung thủy gắn bó đều là một sự tự nguyện tự giác trên một căn bản tình cảm đồng điệu, chia xẻ, tôn trọng lẫn nhau. Không một người phụ nữ nào còn thương người đã đánh đập mình, nhục mạ mình. Có chăng, chỉ là một sự nhẫn nhục, hy sinh, vì con, vì gia đình, hay vì gì khác, chứ không phải vì bản thân mình.

Trên hai nước Đức và Pháp đều có hệ thống thông tin không tốn tiền để cho phụ nữ và trẻ em gọi cầu cứu cấp bách trong những trường hợp khẩn thiết, và những cơ quan xã hội, tôn giáo đều có những cơ sở đón tiếp người phụ nữ bị nạn. Nhưng, một điều hoàn toàn ngạc nhiên cho chính tôi, là các cơ sở ấy đều ngập ứ các yêu cầu giúp đỡ, đến nỗi họ chỉ có thể giúp những trường hợp nào nặng nhất. Tin tức ngày càng thường xuyên hơn trên báo chí về những người mẹ giết trẻ sơ sinh, cắt ra từng khúc bỏ tủ lạnh đá, hay dấu dưới chậu cây, giết con nhỏ…cho thấy rằng những người mẹ bất hạnh ấy bị xã hội ruồng rẫy, không giúp đỡ khi khó khăn.

Cũng xin miễn nơi đây nói đến sự bất hạnh nhục nhã của những người phụ nữ cam chịu bán thân dưới mọi hình thức, để nuôi toàn thể gia đình.

Ngày nào, phụ nữ còn chịu nhiều áp bức, thì ngày đó, phụ nữ cần phải học để mở mang trí tuệ, để tự thay đổi đời mình, cần phải có „đồng minh“ trên con đường thực hiện bình đẳng, cần phải có môi trường giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi. Một xã hội không có bình đẳng, đưa đẩy phụ nữ và trẻ em vào bước đường cùng, là xã hội đó chưa có dân chủ thực sự.

L’inégalité entre hommes et femmes dans les doctrines de Confucius

De nos jours, sur notre planète, les traitements d’inégalité des femmes, brutal ou subtil raffinement existent encore et encore. La femme, souvent, réduite dans sa fonction de reproduction et de travaux de ménage, voir plus, de machine gagne-pain, n’est pas toujours reconnue comme être humain, égale de l’homme.

Dans la société vietnamienne actuelle la position de la femme a très vite évoluée, rapide comme un tourbillon depuis le début du 20ème siècle. La société vietnamienne reconnaît la valeur de la femme: les femmes occupent des postes dans tous les étages de tous les domaines, certaines deviennent célèbres dans le monde scientifique, littéraire, artistique et politique, pas seulement au Viet Nam, mais dans plusieurs pays développés du monde. Les jeunes femmes des familles dignes de leur rang reçoivent un programme d’éducation de haut de gamme: les études universitaires, même en langues étrangères, les apprentissages pratiques: la cuisine, la couture, les beaux-arts, sans oublier les soins de beauté et les vertus d’une démarche silencieuse, d’une parole douce.

Jusque dans les années 50, un homme pouvait avoir officiellement jusqu’à quatre épouses, chacune devant s’occuper seule de ses enfants, par contre les femmes devaient rester fidèles. Cette tradition n’existe plus de nos jours, mais un divorce reste encore mal vu.

La famille compte beaucoup si bien qu’une femme qui ne peut avoir d’enfant est malheureuse aussi. Dans la période confucianiste elle aurait commis une «faute grave» et dans le temps moderne elle est considérée comme « inaccomplie ». À savoir qu’une famille vietnamienne, dans les années 50, a en moyenne quatre à six enfants, huit était une famille courante.

On n’a pas encore oublié la date historique de 1946, qui a vu l’obtention du droit de vote et de participation aux élections pour la femme vietnamienne. Et avant 1946? Les doctrines confucianistes pèsent lourdement sur le sort de la femme, quoi qu’il existait de temps en temps des réformes sous les règnes des rois généreux et progressistes.

Le confucianisme en pratique impose deux règlements principaux à suivre strictement pour maintenir l’ordre de la société – les hommes doivent respecter strictement la hiérarchie «le Roi, le Maître et le Père“ – et pour établir l’ordre dans la famille – les femmes doivent respecter strictement la hiérarchie «le Père, l’Époux et le Fils».

Toute sa vie, la femme n’a qu’à obéir et se sacrifier pour le bien-être de ses «hommes» et de leurs familles, après le mariage la sienne ne compte plus.

Jusqu’au début du XXème siècle la femme vietnamienne, à l’exception des femmes issues des familles de très haute position sociale, n’a pas le droit d’avoir une éducation, elle ne savait ni lire ni écrire.

Pourtant, le trésor des chants populaires traditionnels, chantés et développés par les femmes, prouve que les femmes apprenaient quand même par transmission orale et par mémoire. Ma mère, née en 1922, ne pouvait pas aller à l’école, elle a appris à lire et à écrire toute seule avec les filles de son âge.

Les peines de mort pour les hommes, prononcées par la cour du Roi, touchaient aussi leurs femmes innocentes: les hommes de trois générations dans la famille de l’accusé sont décapités, même les enfants et les bébés, tandis que les femmes de trois générations sont données comme esclaves.

Une simple «faux pas», une «faute» suffisaient pour des punitions corporelles et mentales très brutales, même la peine de mort, exercée par la famille de l’époux dans les cas de «femmes adultères». Les hommes ont le droit d’avoir plusieurs femmes et concubines, mais la femme doit être absolument fidèle a «son» homme, quel qu’il soit. L’époux et sa famille ont le droit de bannir, donner, vendre une de ses femmes, qui est accusée de ne pas avoir accomplit ses devoirs. Pour survivre, les femmes rejetées, qui avaient la chance de rester vivante, devaient partir très loin dans le pays. Pendant l’occupation française les femmes vietnamiennes, mariées avec un étranger, étaient considérées également comme des prostituées. Elles étaient méprisées.

La convention des droits de l’homme représente aussi pour les femmes de notre temps une base d’égalité sur le plan politique, mais la lutte contre les inégalités continue. Heureusement, les femmes d’aujourd’hui ont des moyens dont les femmes d’autrefois étaient privées: une éducation scientifique, une formation pratique, des moyens de déplacement, d’information et d’expression et les aides d’un entourage renforcé.

Commentaires fermés