Aller au contenu principal

Luật Pháp: chiếm nhà ở bất hợp pháp !

20. septembre 2020

Luật Pháp: chiếm nhà ở bất hợp pháp ! ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Một đạo luật đang gây thêm sóng gió trên đất Pháp trong mùa dịch covid mà chưa tìm được giải pháp cụ thể và có hiệu nghiệm cứu vãn cho nạn nhân, đó là trường hợp nhà ở bị chiếm bất hợp pháp khi chủ nhà vắng mặt.

Khi nhà ở bị chiếm bất hợp pháp, muốn thâu hồi lại căn nhà, thường thì nạn nhân – chủ nhân một căn nhà – mất từ một đến ba năm hơn và phải trải qua một giai đoạn đấu tranh pháp lý với quan tòa, luật sư, thừa phát lại, cảnh sát và luật sư…cực nhọc và rất tốn kém để đòi lại quyền lợi và sở hữu của mình, chứng minh với tất cả giấy tờ cần thiết từ giấy mua bán nhà đất, giấy công tơ điện, công tơ nước, giấy thuế nhà thuế đất, các hóa đơn sửa chữa nhà cửa… .

Nếu giấy tờ này lại nằm trong căn nhà bị chiếm thì sao ? Bởi vậy chủ nhà phải lo trước, phải cất giữ giấy tờ cần thiết ở một chỗ khác phòng khi bị thiệt hại về nhà cửa như thiên tai, cháy, bị chiếm đóng bất hợp pháp, trộm cướp…..

Tại sao lại có trường hợp như thế trong một nước như nước Pháp bảo vệ quyền tư hữu của dân chúng ?

Trở lại một chút về lịch sử của sự „chiếm đóng bất hợp pháp“ nhà cửa theo Wikipedia: Kể từ năm 1972, phía cực tả „theo Mao“ – les Secours rouge – phát động chiến dịch, phong trào chiếm đóng những căn nhà bỏ trống, những phân xưởng đã ngưng sản xuất… làm nơi trú ngụ cho những gia đình nghèo, có con nhỏ, hay dùng làm nơi ở tập thể.

Từ ngữ „squats“, „squatteurs“ (danh từ chung), „squatter“ (động từ) du nhập vào ngôn ngữ Pháp từ đó.

Người ta lên án những kẻ có nhiều căn hộ, nhiều nhà cho thuê, những người bỏ nhà trống, không ở, đồng thời tội nghiệp thương cảm cho những người không có nhà ở. Họ nâng cao mầu sắc chính trị của việc chiếm đóng nhà cửa, chính trị hóa và nghệ thuật hóa một phong trào chiếm đóng.

Những người chiếm đóng là những gia đình tỵ nạn mới đến, những đứa trẻ ở „lậu“, những người thất nghiệp, những người mẹ đơn thân, họa sĩ, nhạc sĩ có thu nhập thất thường, yếu kém, thành phần nghèo bị „lọt sổ“ trong xã hội vì không đáp ứng được những tiêu chuẩn đặt ra của người có nhà cho thuê…

Squatter là chiếm nhà người khác, chiếm đóng hay sử dụng những vật dụng tài sản trong nhà đó, không trả tiền thuê nhà, tự do muốn trang trí, sửa chữa mà không cần phải hỏi ai, người chiếm đóng như là người chủ.

Squatter là một „cuộc chiến“ hàng ngày không súng đạn, đối lập với thành phần trưởng giả và hệ thống tư bản, để đạt được sự tự lập, cho không, tái thiết, đối lập với tất cả mọi thứ…. Họ chiếm đóng những tài sản quốc gia, hay của những chủ nhân lớn, của nhà thờ, của công ty xe lửa…

Một số nghệ sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ chiếm đóng những cơ sở bỏ trống tại Paris và một số thành phố lớn như Marseille, Lyon …để ở, làm nơi hoạt động nghệ thuật, tổ chức những hoạt động triển lãm, văn nghệ, sự kiện….Những nghệ sĩ chiếm đóng lâu dài đã tạo dựng được một phân khúc văn hóa nhất định gây tiếng vang và tạo sức ép đối với chính quyền để tài trợ, ủng hộ họ. Có những squats trở nên nổi tiếng. Chủ nhà, chủ cơ sở phải thương lượng với người chiếm đóng để họ trả tiền nhà.

Một căn nhà ở Normandie bị chiếm đóng bất hợp pháp. Báo l´Edition du soir, Normandie

Trong những năm 80, 90 những căn nhà vắng chủ phải xây tường bịt kín cửa sổ và lối ra vào.

Những công ty, cá nhân có nhiều nhà cho thuê thường lựa chọn người thuê một cách gắt gao để bảo đảm quyền lợi của họ, có đi thuê nhà mới thấu hiểu được hoàn cảnh của những người phải ở thuê.

Chủ nhà cho thuê đòi hỏi những điều kiện thu nhập, điều kiện phải có người bảo lãnh, giấy thuế của người bảo lãnh, cách chuyển tiền của người bảo lãnh cho người thuê nhà, soi mói đời tư, cách sống của người thuê nhà….Nhiều nhà cho thuê, nhắm vào tầng lớp có thu nhập cao, bảo đảm, loại trừ hẳn những thành phần nghèo, thất nghiệp. Người nộp đơn xin thuê nhà thường phải chờ đợi một thời gian dài. Trần ai khổ ải mới thuê được một chỗ ở, mừng còn hơn là trúng số vì mọi chuyện hành chánh khác đều phụ thuộc vào địa chỉ chỗ ở.

Thống kê của INSEE năm 2018 cho biết tại Pháp có 58% người có tài sản nhà ở, tức là họ là chính chủ căn nhà mình ở, và khoảng 40% người ở nhà thuê, trong số này có 17% thuê nhà của chính quyền và 23% thuê nhà của tư nhân.

Kể từ 2015 những cuộc chiếm nhà bất hợp pháp tái phát mạnh mẽ, người chiếm nhà chiếm hẳn những căn nhà của cá nhân, tư nhân, không bị bỏ hoang, chủ nhà đang ở, bằng cách thay ổ khóa cửa nhà, họ biết rất rõ, lợi dụng chỗ hở của luật pháp hiện hành, lúng túng kéo dài thời gian đến những hai, ba năm, cho họ có quyền chiếm đóng tài sản của người khác trong thời gian ấy.

Chủ nhà, không đòi được nhà, phải đi ở khách sạn, ngủ ngoài xe hơi…, tài sản của họ trong nhà bị lạm dụng, mất mát, nhà cửa bị phá nát, thậm chí cả cái bồn cầu, ống nước… cũng bị gỡ đi, xuống cấp, thiệt hại nặng nề. Những căn nhà của gia đình cha mẹ đã qua đời còn trong giai đoạn phân chia tài sản giữa con cái, mà không có người ở, cũng bị người đến chiếm đóng. Có người, đi nghỉ hè, thấy chỗ ở thứ hai của mình bị chiếm đóng bởi người lạ. Thậm chí, một số luật sư, thừa phát lại, chưởng khế….lập công ty để mua lại rẻ nhưng căn nhà bị chiếm đóng.

Sự kiện làm nóng lên một tình trạng chiếm đóng nhà một cách bất hợp pháp xảy ra mới đây ở Théoule-sur-Mer thuộc vùng Alpes-Maritime. Vợ chồng ông Henri Kaloustian, hưu trí ở Lyon, trước kia ông Kaloustian là thợ máy, dành dụm mua được một căn nhà thứ hai để hưởng hưu của mình ở Théoule-sur-Mer, ông bà không phải thuộc thành phần „trưởng giả“ trong xã hội.

Năm nay, khi ông bà Kaloustian về nhà của mình để nghỉ mùa hè, thì thấy ngôi nhà đã bị người lạ chiếm đóng từ giữa tháng tám 2020 bởi một cặp vợ chồng có hai con nhỏ, họ đã thay khóa cửa nhà.

Vợ chồng ông Kaloustian phải ngủ đêm trong xe hơi rồi quay trở về Lyon. Thật là may mắn cho ông bà Kaloustian, người chồng đó lại bị cảnh sát bắt tạm giam vì vợ ông ta gọi cảnh sát đến nhà, tố giác về tội bạo hành vợ chồng và nhở cảnh sát can thiệp mang đồ đạc, hành lý của mình ra khỏi ngôi nhà mình chiếm đóng, rồi người vợ đã đem hai đứa con ra khỏi nhà, lên xe hơi của mình đi mất, trong khi người chồng bị cảnh sát còng tay đem về trụ sở. Một người bạn của cặp vợ chồng này cùng chiếm đóng trong nhà, thấy tình hình căng thẳng, truyền hình, cảnh sát túc trực, cuối cùng cũng đồng ý tự ý rời khỏi ngôi nhà. Được sự ủng hộ của báo chí, truyền hình và mạng xã hội, trường hợp chiếm nhà của ông Kaloustian khơi dậy sự chú ý của cả nước Pháp. Ngày 11.09.2020 ông bà Kaloustian lấy lại sở hữu của mình và bắt đầu dọn dẹp lại ngôi nhà của mình. Đây là một trường hợp ngoại lệ, có một không hai.

Những người bênh vực cho rằng cả hai bên, người chiếm đóng và người bị chiếm nhà đều là nạn nhân của chính sách nhà ở, thiếu thốn nhà ở cho nên người ta phải chiếm đóng nhà người khác, và đổ lỗi cho cấp quận trưởng của hạt hành chánh và tòa án không làm tròn phận sự của mình. Thời gian để lấy lại căn nhà là nơi trú ngụ chính thức của mình kéo dài quá lâu, từ một năm đến ba năm hơn.

Hiện nay, tòa án ở Pháp phân biệt nhà ở chính (domicile principal) và nhà ở thứ hai (résidence secondaire), cho những trường hợp tư nhân, cá nhân bị chiếm nhà. Luật lệ được áp dụng hiện hành vẫn là luật cũ từ những năm 80, 90 tuy gần đây có thay đổi đôi chút.

Người bị chiếm đóng nhà cửa phải làm đơn thưa ra cảnh sát, và đơn thưa lên quận trưởng của hạt hành chánh cấp tốc trong vòng 48 tiếng đồng hồ, và đơn thưa lên tòa án tiếp tục nếu ở hạt không giải quyết.

Theo luật hình sự hiện hành, người chiếm đóng nhà, nếu chứng minh được họ vào nhà một cách bất hợp pháp như bẻ khóa nhà, phá cửa sổ, thay đổi khóa cửa nhà…, thì họ chỉ bị phạt tù 1 năm và 15.000 euros, trái lại, nếu chủ nhà dùng những biện pháp hăm dọa, đuổi người chiếm đóng ra khỏi nhà mình mà không thông qua luật pháp thì sẽ bị phạt nặng hơn đến 3 năm tù và 30.000 euros tiền phạt.

Sở dĩ có tình trạng luật lệ như thế, vì đứng về phía luật dân sự, tòa án vẫn coi trọng „quyền có nhà ở“ (droits de logement) hơn là „quyền sở hữu nhà đất“ (droits de propriété) ! Lại còn thêm luật lệ không được đuổi nhà trong mùa đông, cũng gây khó khăn thêm và kéo dài thời gian chiếm đóng thêm.

Những điều này, đứng về mặt nhân bản thì cũng gây tranh cãi, khi chủ nhà chỉ có mỗi một cái nhà để ở ?!

Trên nguyên tắc, quận trưởng một hạt hành chánh có nhiệm vụ giải quyết các việc chiếm đóng nhà cửa, nhưng thường ngại những việc đuổi nhà mà có trẻ nhỏ, lại đùn đẩy cho tòa án phải đưa ra quyết định rồi mới thi hành.

Luật pháp không công bằng thì người dân có khuynh hướng „tự làm luật“ và tự đưa mình vào con đường „vi phạm“ luật pháp khác nữa, như một vài trường hợp đã xẩy ra.

Ngày thứ năm 17.09.2020 tờ báo có uy tín nhất ở Pháp Le Figaro đặt câu hỏi « Có phải có luật lệ cứng rắn hơn để chống lại những người chiếm đóng nhà cửa ?  » thì 98% trả lời rằng có trong số 168.518 độc giả trả lời online.

Vấn đề đọng lại là phải bổ xung, sửa lại luật lệ cũ đã không còn hợp với tình hình hiện tại, tìm được sự công bằng cho cả đôi bên.

Nhưng vấn đề làm lại luật mới, hay sửa luật cũng cần một thời gian rất lâu. Hiện thời, các chủ nhà vẫn phải lo liệu, đề phòng những nguy biến có thể xẩy ra, và điều này tạo nên thêm một hiện tượng tâm lý bất an trong dân chúng mà trách nhiệm nằm về phía chính quyền.MTT

Commentaires fermés