Aller au contenu principal

Pleiku, hoa cà phê thơm ngát

26. février 2021

Pleiku, hoa cà phê thơm ngát – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2018

Tôi đến Pleiku phố núi vào lúc mùa hoa cà phê nở thơm ngát, mùi hương cà phê tỏa ra ngây ngất từ những đóa hoa trắng tinh, trắng bóc mê hoặc lòng người. Chưa bao giờ tôi lại được thưởng thức một mùi hương lan tỏa khắp không gian và ngào ngạt đến thế. Hoa Serenga cũng trắng tinh, nổi tiếng là một loài hoa thơm, quý, được sử dụng cho những loại nước hoa đắt tiền của thế giới, vườn nhà tôi bên Pháp có một bụi hoa Serenga nhưng lại không thơm bằng hoa cà phê ở Pleiku. Đây là hoa cà phê robusta, loại cà phê được trồng nhiều ở Pleiku trên nền đất đỏ au áu của đất đỏ ban dan. Mùa Tết là mùa hoa cà phê nở cùng lúc với các loài hoa khác đón xuân, khoảng hai tháng sau thì quả cà phê được thu hoạch. Cà phê Gia Lai rất ngon, hương vị đậm đà, thơm nức, không thua kém gì các nơi khác. Tôi vào thăm đồn điền cũ của người Pháp xây dựng nên ở Pleiku trồng trà và cà phê, bên trồng trà bên trồng cà phê. Trà ở Plẹiku có nhiều nhưng không có tiếng như trà ở các vùng miền Bắc như trà Thái Nguyên, trà Yên Bái hay trà Bảo Lộc ở Lâm Đồng, và có vẻ như được gặt hái bằng máy công nghiệp để dùng làm loại trà lipton vùa có lá vừa có cả cành cắt nhỏ. Mùi hương thơm ngào ngạt của hoa cà phê quyến rũ hàng đàn ong bay lượn hút mật tạo thành mật ong hoa cà phê thơm lựng.

Gia Lai hay Pleiku không chỉ có trà, cà phê và mật ong thiên nhiên.Suốt dọc quốc lộ 19 đi từ Quy Nhơn về hướng Tây tôi thấy bao nhiêu là sản phẩm đặc trưng của Bình Định, Gia Lai. Đi ngang qua Tuy Phước là đã thấy rượu Bầu đá, bánh tráng, dừa, nem chua, tré, nón lá Tây Sơn trải dài hai bên lộ. Qua huyện Tây Sơn, nơi có các đia điểm tham quan như đền Bà Bùi Thị Xuân, Bảo tàng Quang Trung, Hầm Hô…các địa danh đều bắt đầu bằng chữ Tây như Tây Xuân, Tây An, Tây Phú…và các con đường chính đều mang tên Quang Trung, Nguyễn Huệ là đến đoạn lên đèo An Khê. Đường lên đèo An Khê khá dài, có khúc quanh mũi kim khá hiểm trở, dài 9,2 km, ở độ cao 499 mét. Điểm thú vị là ở hai đầu đèo, lên đèo và xuống đèo, có hai nhà máy làm đường từ cây mía, thế nên các xe tải chở mía đậu nối đuôi nhau hai ven đường chờ đợi tới phiên cung cấp mía, và không hiểu tai sao là các xe tải chở đầy mía chạy lên chạy xuống như đi chợ, dù là ở hai đầu đèo đều có rừng mía. Ở An Khê những rừng mía bạt ngàn chạy hút tầm nhìn. Phía xa xa, sau những khoảng đồi núi trồng tiêu là rừng cây cao su.

Chạy khoảng chừng 40 cấy số nữa là lên đèo Mang Yang. Phong cảnh ở đây đổi từ rừng mía sang thành những cánh đồng rộng mênh mông trồng tiêu, chanh dâu, cao su. Đèo Mang Yang dài 7, 5 cây số ở độ cao 788 mét, nhưng lại ít hiểm trở hơn đèo An Khê. Tiêu ở Gia Lai thơm lựng nhưng thơm nhất là loại tiêu rừng chưa xay đã thơm phưng phức, rồi đến tiêu đỏ thuộc loại tiêu quý hiếm ở châu Âu. Người dân phơi tiêu dưới ánh nằng như thiêu như đốt của vùng rừng núi Gia Lai.

Từ đèo Mang Yang đến Pleiku, qua thị trấn Đak Đoa, nhà cửa mỗi lúc một dày hơn, sầm uất, cho đến vào thành phố Pleiku lúc nào không biết. Tổng cộng cung đường Qui Nhơn – Pleiku dài 185 km, xe chạy hết 3 tiếng rưỡi. Từ Pleiku đi đến cửa khẩu Lệ Thanh qua Campuchia chỉ khoảng một tiếng đồng hồ.

Pleiku là một thành phố do Pháp thành lập từ năm 1905. Cái tên Pleiku là tên gọi đã được Mỹ hóa. Tên nguyên thủy thuộc ngôn ngữ của người Yarai là Ploi Kơdur (viết theo mẫu tự La tinh), có nghĩa là “làng thượng”, “làng trên”, cô H´wang, người hướng dẫn của tôi, giải thích với tôi như thế. Hiện nay Pleiku, thuộc tỉnh Gia Lai, là thành phố đứng thứ ba ở cao nguyên Tây Nguyên, sau Đà Lạt và Buôn Mê Thuộc, dân số gồm có 214.710 người gồm ba dân tộc chính: người Kinh, người Yarai và người Bà Nà. Thành phố Pleiku nằm trên độ cao trung bình từ 700 mét đến 800 mét, có khí hậu đặc trưng của miền núi, nhiều gió mùa, nhiều mưa.

Cô gái người dân tộc Yarai này nói tiếng Anh khá chuẩn, khác hẳn người Qui nhơn nói tiếng Anh, cô cắt nghĩa âm sắc tiếng Yarai có những cách phát âm gần giống như tiếng nước ngoài cho nên cô không gặp khó khăn khi phát âm tiếng Anh, không phải nói đớt như một số người Kinh. Cô gái sắc sảo này giải thích cho tôi nghe một vài điểm đặc sắc về dân tộc Yarai, thú vị nhất là khi cô kể về tục lệ hôn nhân.

Người Yarai theo chế độ mẫu hệ, cho nên đến tuổi lấy chồng là các cô gái Yarai phải đi “bắt” chồng. Người thanh niên Yarai ra giá để bắt, tính theo tiền bạc thời nay thì cái giá phải trả cho nhà trai là khoảng 80 triệu đồng việt nam, hoặc hơn, hoặc kém tùy theo đối tượng. Nếu cuộc hôn nhân thành tựu, nhà gái còn chịu tất cả tốn phí mổ bò, mổ lợn, mổ trâu, giết gà….để tổ chức đám cưới và rước chàng trai về nhà vợ. Nếu người chồng ngoại tình lần thứ nhất thì nhà trai bị phạt tiền gấp hai gấp ba lần tiền cưới. Ngoại tình nặng hơn, hay nhiều lần, thì người chồng bị xử làm nô lệ cho gia đình nhà gái. Tội ngoại tình nặng nhất thì bị chôn sống. Tục lệ xử phạt này ngày nay đã bị bãi bỏ, nhưng luật lệ “bắt chồng trả tiền” vẫn còn hiên hữu trong buôn làng, khiến cho các cô gái Yarai gặp khó khăn không ít khi đến tuổi lấy chồng. Có người yêu, mà không có tiền để bắt thì đành chịu. Khi chết đi, các người con phải được chôn cất cùng một chỗ với người mẹ. Và khi một gia đình muốn đi định cư tại một nơi khác để sinh sống thì phải làm lễ bỏ mả, lễ này kéo dài năm ngày với sự tham dự của cả buôn làng, tốn kém như một cái đám cưới.

Nhà lao Pleiku bây giờ chỉ còn lại một dãy nhà cổ do Pháp xây năm 1925, và được quân đội Mỹ tiếp tục sử dụng tiếp tục, quy mô tương đối nhỏ, không nói lên được hết thảm cảnh của những người tù chính trị ngày xưa, đa số là người dân tộc. Tuy thế, ngày xưa ai bị bắt bớ giam cầm ở nhà lao Pleiku coi như là một đi không về, bị tra tấn đến chết. Ngày nay được giữ lại để làm di tích lịch sử và giáo dục nhà trường. Nhà tù Phú Quốc với diện tích rộng lớn và quy mô gây án tượng mạnh hơn.

Khu vực Biển Hồ, nơi lấy nước ăn của Pleiku thì nằm im lìm dưới ánh nắng như thiêu đốt của vùng núi.

Trên đường về, lại qua đèo Mang Yang và đèo An Khê nhưng xuống đèo cảm thấy nhanh hơn là lên đèo. Trời xập xoạng tối, các xe tải nối đuôi nhau chạy lên chạy xuống rầm rập nhiều hơn ban ngày.

Kết thúc một chuyến đi, người Việt Nam thật là hạnh phúc, hơn cả nhiều dân tộc khác, vì được thiên nhiên ưu đãi. Biển cả cho cá cho tôm, rừng xanh cho cây cho trái, đồng ruộng đất đai cho lúa cho rau, con người hình như không cần phải lao động nhiều mà vẫn có ăn no đủ. Rừng vàng, biển bạc. Bán cá, bán hoa mầu, bán cát, bán đá, bán quặng mỏ, đất đai…toàn là những sản phẩm của thiên nhiên mà ra, rất ít công nghệ chế biến, công nghệ nhẹ. Có phải từ cuộc sống dễ dãi do môi trường, khí hậu, thiên nhiên ban cho mà người Việt Nam ít tiến bộ trong công nghiệp ? Tâm lý làm cho có chừng, chỉ đạt độ 8,9 là hay rồi không cần phải ráng lên tới 10, còn khá phổ biến. Xã hội Việt Nam có nhiều tiềm năng trông thấy, chỉ cần con người có cố gắng, biết tận dụng thời cơ và tận dụng khoảng thời gian đất nước đang thanh bình, vì không có gì khổ hơn là chiến tranh nổi, chiến tranh ngầm, tàn phá, mất mát, người Việt đã trải qua bao cuộc chiến kéo dài tàn khốc, hy sinh xương máu rất to lớn, ắt hẳn hiểu cái quý giá của sự thanh bình này hơn ai hết. Chúc cho Pleiku mỗi năm vào mùa Tết hoa cà phê lại nở tỏa hương ngào ngạt.MTT

Hoa cà phê trắng nuốt và thơm ngát

một bên trồng trà một bên trồng cà phê

Nhà mồ dân tộc Tây Nguyên

Trời nắng khô, các rãnh thoát nước đều khô

Commentaires fermés