Aller au contenu principal

Một ngàn đồng Việt Nam

26. février 2021

Một ngàn đồng Việt Nam – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2018

Nhìn mớ giấy tiền lẻ trong tay tôi, anh tài nói, thôi cô trả tiền lẻ cho cháu đi, tiền này cô cho ăn mày còn không lấy. Đó là những tờ giấy có mệnh giá một ngàn đồng và hai ngàn đồng việt nam, có khi có cả tờ năm trăm đồng, là đơn vị tiền giấy nhỏ nhất.

Du khách thường không biết giá trị tiền việt nam nên tiêu xài phung phí. Nếu tính ra Euro thì một ngàn đồng việt nam bằng 0,035 euro, (1€ = 100 cents (xu), 1 cent = 285 đồng vn) , và tính theo $ thì một ngàn đồng việt nam bằng 0,045 usd, một đơn vị khá nhỏ để mua bán và ở châu Âu thì không mua được gì cả, nhưng ở Việt Nam thì một ngàn đồng mua được một số hàng hóa giúp ích cho đời sống thường nhật.

Người ta thường xài từ giấy năm ngàn đồng trở lên, tức mười ngàn, hai chục ngàn, năm chục ngàn cho tới giấy một trăm ngàn, hai trăm ngàn và năm trăm ngàn đồng.

Hai chục ngàn đồng đối với lương công nhân là to lắm, vì đó là giá của một bữa cơm trưa có thịt, có canh. Với số tiền hai chục ngàn người ta có thể ăn no và ăn ngon, thí dụ như một đĩa cơm tấm với một miếng thịt sườn thật to nướng thơm ing ỏi. Một người công nhân kể cho tôi nghe rằng anh cố gắng chỉ ăn mỗi ngày 50.000 đồng, 10 ngàn bữa sáng, 20 ngàn bữa trưa và chiều, phần còn lại dành cho gia đình vợ con. Tính ra tiền ăn mỗi ngày của anh chưa tới 2 euros.

Mười ngàn đồng thì mua được một cái bánh mì saigon kẹp trứng, kẹp thịt, hay một tô mì gói cải thiện thêm thịt, thêm giò chả, hay một đĩa cơm tấm , một phần xôi nóng…buổi sáng ăn cho no bụng ở những hàng quán bình dân ven đường.

Buổi sáng người ta thường thấy dọc trên nhiều đường phố những chiếc xe bán bánh mì, cơm tấm, mì, phở, bún, cháo, xôi…người ăn ngồi trên vỉa hè quây quần chung quanh, húp xì xụp. Buổi trưa, lại còn náo nhiệt đông đúc hơn. Buổi tối lại còn thêm vô số, đếm không hết, những xe bán bò bía, ốc nướng, bánh tráng nướng, mực nướng, hột vịt lộn, hột gà nướng, bánh bao, xôi cúc, cháo gà…. những món bán dưới mười ngàn đồng cho học sinh, sinh viên ăn vặt.

Ăn sáng ở nhà, nếu muốn khá hơn một chút thì một ổ bánh mì thịt giá hai chục ngàn, một đĩa bánh cuốn nóng cũng cùng giá, tô phở ba mươi lăm ngàn. Người sài gòn biết chỗ đi ăn để khỏi bị móc hầu bao, và hình như họ ăn suốt ngày, nhất là càng về tối, mát trời, cái thú đi ăn đêm, nhậu nhẹt lại còn tăng lên. Ẩm thực vỉa hè, ẩm thực đường phố đang dần chiếm chỗ của những món ăn sang trọng, cầu kỳ.

Du khách như tôi phải trả cho cùng một món ăn như thế gấp đôi, gấp ba lần tiền vì thường lai vãng trong những hàng quán “nổi tiếng” như phở Hoà Pasteur, hay quán Ngon, khu ẩm thực chợ Bến Thành chẳng hạn, giá một tô phở bẩy mươi lăm ngàn, một phần bún chả giò cua chín chục ngàn, hay trong những khách sạn bốn sao, năm sao, thực tình mà nói ngon thì chẳng ngon hơn, chỉ có cái là chém đẹp.

Tuy nhiên ngoài vấn đề ăn ngon miệng, hợp khẩu vị, đối với người du khách vấn đề vệ sinh của món ăn, bàn ăn, chỗ ngồi , người phục dịch là điều quan trọng hơn. Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi mình cho là ăn dở, giá đắt thì lại được khách nước ngoài lựa chọn. Người nước ngoài có thói quen ăn uống phải có bàn , có ghế cao bình thường, họ rất ngạc nhiên khi thấy người Việt ăn uống trên những chiếc ghế đẩu bằng gỗ, bằng nhựa thấp chủm như là ghế dành cho búp bê, họ sợ ngồi xuống là té ngửa và cũng không quen ăn uống trong tư thế cái bụng bị gập đôi lại. Các hàng quán bầy hàng với bàn ghế thấp như thế, kể cả các quán cà phê sang trọng, là tự mình đánh mất đi phần thu nhập từ khách nước ngoài.

Nếu bạn có dịp đi chợ, bạn sẽ thấy rau, củ, quả, cá, tôm, thịt ….nhiều đầy ứ, rất tươi và rất rẻ, so với mức sinh hoạt ở châu Âu. Du khách sẽ thấy một đất nước Việt Nam hiện tại có cái ăn, cái mặc dư thừa. Thực phẩm bày bán ở các chợ, các phố phường, các hẻm to, hẻm nhỏ…nhiều vô kể và giá cả rất linh hoạt.

Từ khi biết giá trị của những tờ giấy một ngàn, hai ngàn tôi không dám xem thường chúng nữa và ăn tiêu ở nhà tần tiện hơn. Bạn có biết mua được những gì với một ngàn đồng hay hai ngàn đồng việt nam vào thời điểm hiện tại không ?

Với số tiền nhỏ nhoi đó, bạn có thể mua được vài tờ giấy viết thư hay để làm đơn, bao thư, tem, giây thun, một bản photocopy, một hộp nhựa đựng thức ăn, một hộp xốp, bao ni lông, cũng như một bịch sữa gội đầu, một bịch sữa tắm, một cục sà bông, hoặc mua một số thực phẩm như một bịch cơm trắng, một miếng mì gói, một vắt hủ tíu, một ổ bánh mì không, mấy trái ớt, chanh, tắc, hành lá, rau ngò, giá sống, một bó rau, muối trắng, một chút mè, một củ khoai, một trái chuối, vài củ nghệ, vài củ gừng, riềng, củ tỏi, trái bắp, một trái cà chua, một củ hành tây, đậu hũ….Trong một nhà « toi lét » của một công viên, tôi thấy những tờ giấy một ngàn đồng, hai ngàn đồng đặt ngay ngắn trong một cái rổ, bên cạnh xấp giấy trắng vệ sinh. À, bạn đặt tiền vào rổ rồi được lấy một, hai tấm giấy vệ sinh.

Bạn đọc còn cho biết, một ngàn đồng mua được điếu thuốc lá con mèo, 200 lít nước sạch của công ty nước sạch Hà Nội…Một ngàn đồng còn mua được một viên thuốc chữa bệnh, mấy viên thuốc bổ. Vì sức tiêu thụ của cá nhân tôi có giới hạn, nên hẳn bạn đọc còn nhận thấy một ngàn đồng mua được nhiều thêm nữa, có ý thức hơn về giá trị tiền tệ của mình. Tôi vui mừng đón nhận những ý kiến bổ xung của các bạn.

Hãy đặt câu hỏi ngược lại, nếu bạn đang cần một thứ nói trên, mà bạn không có một ngàn hay hai ngàn đồng để trả ? Chính vì thế, không nên khinh thường những tờ giấy bạc một ngàn đồng hay hai ngàn đồng việt nam, cho rằng “ăn mày không thèm nhận”.

Tiếp theo hai tờ giấy bạc mệnh giá một ngàn đồng, hai ngàn đồng là tờ giấy năm ngàn đồng…đã có giá trị to lớn hơn. Hẳn các chú tài taxi thích làm tròn số tiền khách phải trả, thí dụ như cuốc xe 74.000 đồng, khách đưa tờ 100.000 đồng, thì có người chỉ thối lại bằng một tờ 20.000 đồng với lý do là không có tiền lẻ. Vậy bạn hãy thủ một mớ tiền lẻ để trả tiền taxi, hay trả bằng thẻ ngân hàng.
Như thế, xem ra tấm vé số giá bán là mười ngàn đồng một tờ đã là một món tiền lớn cho người lao động, mà tâm lý hễ càng nghèo lại càng mơ ước trúng số độc đắc càng lớn, thúc đẩy người nghèo thường xuyên mua vé số, mất tiền toi. Có người may mắn, trúng số độc đắc những hai lần, đổi lại đồng tiền trên trời rơi xuống là phải gặp tai ương trong gia đình, đúng như cái câu của người Việt hay nói : « Của đi thay người » trong trường hợp ngược lại là mất của.

Nhưng cũng có người vừa chơi vé số, vừa cầu mong sao cho con gái mình kiếm được “chồng ngoại” hầu được đổi đời. Những người tự thấy mình không thoát ra khỏi hoàn cảnh, làm ra đồng nào ăn hết đồng nấy, ngày hôm nay không biết nghĩ đến ngày mai, thường nuôi dưỡng mình trong hai cái ảo vọng cuối cùng đó.

Cách đây vài năm, một nhà xuất bản lớn tại thành phố Hồ Chí Minh đã có ý định xuất bản một cuốn sách của tôi, nhưng vì bất đồng ý kiến với người biên tập viên phụ trách, mà sự việc không thành. Nguyên nhân chính là anh bạn trẻ biên tập viên này muốn cắt bỏ hết những đoạn văn tôi viết về giá cả trên thị trường Việt Nam. Những ai có học về kinh tế đều biết rằng giá cả trên thị trường là thước đo về cung/cầu, về mức độ lạm phát, về tình hình sản xuất thực tế của thị trường đó, về “sức mua” của giá trị tiền tệ, về tình hình phân phối vật chất, sản phẩm trong xã hội…Qua sự nghiên cứu về giá bán trên thị trường, người ta rút ra được nhiều kết luận kinh tế hữu ích. Cắt bỏ vì cho là nó rườm rà, vô bổ thì hoàn toàn đối nghịch lại với chủ ý của người viết, cho nên tôi quyết định không cho xuất bản cuốn sách đó và sự việc chết trong im lặng. MTT

Étiquettes : giá trị, Tiền tệ

 

Commentaires fermés