Aller au contenu principal

Về thăm lăng Gia Long

6. novembre 2021

Về thăm lăng Gia Long

Đã đăng trên Tạp chí Hồn Việt số 47/2011 – Hội Nhà Văn Việt Nam – 20-06-2011

Bài viết này đã lên trang nhà MTT từ năm 2011, hôm nay đăng lại nguyên bản trích từ tác phẩm hồi ký du lịch  » Từ Lũng Cú đến Đất Mũi » để thân mến tặng anh Lê Văn Cách, anh chị Trọng Hoa, anh chị Kháng Hồng, nhớ lại những kỷ niệm cũ đẹp tuyệt vời ở Huế và thân chúc các bạn bình an, nhiều may mắn vượt qua dịch covid 2021. Mới đó đã qua 10 năm rồi !

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris, Pháp)

Năm ngoái, dù rất muốn đi thăm lăng vua Gia Long nhưng tôi không đi được, vì trời mưa. Các ông tài taxi lắc đầu quầy quậy không muốn chở tôi đi. Họ bảo, “đường đất mùa mưa rất lầy lội, dễ lún, rồi cô lại phải đi qua đò, rồi đi bộ thêm một khúc xa nữa, khổ lắm”. Tôi đành phải ấm ức hẹn năm sau. Năm nay, chưa kịp nói gì, thì các bạn Huế đã tổ chức cho tôi đi thăm lăng Gia Long! Trời lại đẹp, trong xanh, nắng ấm như chiều lòng người khi chúng tôi khăn gói lên đường.

Đúng hẹn, xe đón chúng tôi lên đường vào sáng sớm, nắng Huế đã lên cao trên nền trời xanh, ít gió, chỉ vài cụm mây trắng lững lờ trôi chầm chậm. Ra khỏi khu vực trung tâm thành phố Huế, xe rẽ xuống một con đường đất nhỏ dọc bờ sông Hương. Quả thật, đường đất này mùa mưa, nước sông dâng cao thì vừa lụt, vừa lầy lội, dễ trơn dễ lún. Con đường nhỏ hẹp, hai bên được ôm ấp bởi hai hàng cây xanh, nhiều nhất là những bụi tre, dòng nước sông Hương xanh lấp lánh khi ẩn khi hiện bên tay phải của đường đi. Trên sông Hương, ở khu vực này, có nhiều chiếc đò khai thác cát, sạn. Người Việt, từ Bắc chí Nam, còn sinh sống nhiều qua công việc tận dụng các sản phẩm thiên nhiên của trời đất tạo cho, khai thác biển, khai thác sông, khai thác rừng, khai thác khoáng sản…để bán cát, bán sỏi, bán đá, bán gỗ, bán tre. Như những làng chài, người dân chài sống hết đời này qua đời kia, ngày này qua ngày kia, chỉ bằng đánh cá, đánh tôm rồi đem ra chợ bán, nguồn của thiên nhiên như là vô hạn, vô bến bờ.

Màu xanh của cây lá, mầu xanh của nước sông Hương dịu đi ánh nắng lồng lộng giữa buổi sáng. Trời không gió, cây lá đứng im. Tôi cảm thấy cái nóng đang lên cao dần. Xe đến gần bến đò Kim Ngọc. Anh tài thả chúng tôi xuống, đến đây thì phải qua đò thôi. Bạn Huế của tôi gọi đò. Biết gọi cách nào không?

Tôi đang còn ngơ ngác vì không thấy đò nào ở đâu cả.

Ông già trong quán đò nằm sát ven đường, lưng quán là sông Hương, quay mặt ra sông, miệng gọi “Đò ơi !”, tay ngoắc ngoắc. Một chiếc đò bất chợt hiện ra trên sông, từ bờ bên kia, tiến về phía chúng tôi. Cô lái đò còn rất trẻ, cập bến. Anh Sách chạy xuống bến hỏi:

– Em cho qua bên nớ hỉ, đi thăm lăng Gia Long !

Hue_057Đáng lẽ, đò chỉ đưa ngang qua sông Hương, từ bến bên ni qua bến bên nớ, nhưng cô lái đò dễ thương, nói để đưa chúng tôi ngược dòng sông thêm một đoạn để đến bến gần nhất, ngay đầu đường dẫn vào lăng, cho đỡ đi bộ. Chúng tôi mừng quá, vì khi xuống xe, ngó lại, thấy các bạn tôi đã tay xách nách mang, nào là chai rượu vang đỏ, nước uống, bánh mì, giò chả, trái cây, khăn giấy, đĩa giấy…trong ba lô và trong túi nhựa để ăn trưa, thật rất chu đáo. Chúng tôi lần lượt xuống đò, người ngồi chồm hổm, người đứng chụp hình. Cô lái đò đẩy đò ra sông, hướng mũi đò ngược dòng nước, quay ma ni ven mở máy đò, rồi ra ngồi trước mũi đò, tay nắm một sợi dây để điều khiển tốc độ. Xem rất đơn sơ như thế, nhưng tiếng máy chạy xục xịch đều đều. Giữa dòng sông Hương, nước trôi êm ả, gió hiu hiu mát, sóng vỗ vào mạn đò nhè nhẹ, rất nên thơ, thú vị nên quên cả cái nắng trên đầu. Hue_056

Tôi tự nhủ, nếu Huế mưa, đội mưa mà đi thăm lăng Gia Long chắc cũng có cái thú vị của trời mưa. Con đò lướt nhẹ nhàng ngang qua vài cái miếu nhỏ bên bờ sông, vài cô gái giặt quần áo ven sông, vài chiếc thuyền đãi sỏi trên sông…Êm ả, thanh bình quá !

Khi cô lái đò cập bến, tôi thấy chuyến đò quá ngắn, còn muốn lênh đênh con đò cả ngày trên sông Hương. Tạm biệt cô lái đò, hẹn lần trở về. Thời ni, cô lái đò có điện thoại di động, nên chốc nữa, bạn tôi sẽ gọi đò qua làn sóng điện! Trên bờ, đã có vài người lái xe ôm chờ chúng tôi để chở vào đến tận lăng, nhưng bạn tôi bảo để đi bộ ngắm cảnh. Từ bãi cát ven sông, chúng tôi lên đường đất xuyên qua một xóm nhỏ. Tưởng ở đây là hiu quạnh, quạnh hiu nhưng tiếng nhạc trẻ thời trang vang lừng thôn xóm, xóa cái tĩnh mịch, yên lặng. Con nít trong làng thấy người lạ, đạp xe đạp chạy theo chúng tôi một đoạn. Các vườn cây ăn trái, các mảnh ruộng lúa nho nhỏ đang lên xanh chứng tỏ người dân biết sống tự túc. Ra khỏi làng, bắt đầu thấy hai hàng cây thông hiện ra, báo hiệu cho khách đến thăm biết mình đã vào khu vực lăng. Từ bến đò vào lăng chỉ khoảng một cây số đi bộ.

Toàn thể khu lăng tẩm không có tường thành bao bọc, hòa lẫn với cây lá thiên nhiên trong một không gian toàn mầu xanh, xa xa thấy có hai cây cột trụ nổi lên cao. Chúng tôi vào khu vực lăng, trước hết là vào Minh Thành Điện, nơi thờ vua Gia Long, thắp hương chiêm bái, nhà Hữu Vu trong khu vực Minh Thành Điện đang tạm dùng làm nơi ở cho các bảo vệ lăng.

Kiến trúc Thiên Thọ lăng được quy hoạch thành 3 cụm nằm theo hàng ngang, đều quay mặt về hướng nam, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc phong thủy. Chính giữa là cụm mộ địa, sân tế, bái đình. Bên trái là nhà bia và bên phải là cụm tẩm điện dùng để thờ phụng.

Điện Minh Thành nằm ở vị trí trung tâm, dùng để thờ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, xây dựng xong năm 1815. Bi đình và tấm bia Thánh đức thần công ghi lại tiểu sử và sự nghiệp của vua Gia Long do vua Minh Mạng viết được hoàn thành năm 1820.

Hue_059

Sau khi qua cổng sau của Minh Thành Điện thì thấy trước mặt là một hồ nước dài tựa như một nhánh sông nhỏ chảy vòng quanh bao bọc. Rẽ sang bên trái, là vào đến sân chầu, bên ngoài sân chầu là một đàn trâu trâu mẹ trâu con thản nhiên ăn cỏ, nhìn người đến thăm với một vẻ ngạc nhiên, bên trong sân chầu mỗi bên là một hàng năm tượng đá các quan, tượng voi, tượng ngựa đứng lẻ loi, buồn bã. Nhìn lên phía cửa lăng vua Gia Long, bao bọc bởi hai vòng thành thấp, mấy tầng bậc thang đi lên, không gian uy nghiêm vì cái rộng rãi, rất đơn giản, nằm giữa thiên nhiên với các cây cao. Cửa lăng hẹp, có hai cánh cửa bằng đồng đã bị hư hại, vênh vênh, thủng nhiều lỗ đạn. Ngay sau hai cánh cửa ấy là một bức bình phong bằng đá, phủ đầy rêu đen, còn nhiều vết đạn bắn lỗ chỗ.

Anh Sách cười:

– Này, nam tả nữ hữu nhé.

Theo tục lệ, người nam phải vòng qua bên trái để vào, còn người nữ thì vào phía bên phải. Cùng với chị Hoa và chị Hồng, hai cô Tôn Nữ nhà Nguyễn, tôi vào phía bên phải.

Hai nấm mộ bất chợt hiện ra trước mắt. Hai cái nhà nho nhỏ xây bằng đá nằm song song bên nhau, không có chậu hoa, chỉ có ánh nắng mặt trời rọi chói chang trên lăng, giản dị làm sao, gần gũi làm sao mà uy nghiêm, đức độ làm sao!

Hue_053

Trong tất cả các vua nhà Nguyễn có vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (mẹ của Hoàng tử Cảnh), vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh là song táng „Càn khôn hiệp đức“ tại Huế, và ngôi mộ chung của toàn thể gia đình vua Hàm Nghi tại Thonac (Pháp), còn các vua nhà Nguyễn khác thì yên nghỉ nghìn thu một mình. Hai nấm mộ cũng như bốn vòng tường chung quanh còn nhiều vết đạn, chứng tích của chiến tranh đã tràn lan tận nơi đây, Thiên Thọ Lăng.

Từ lăng nhìn ra, dưới chân sân chầu là hồ dài, xa xa có 42 ngọn núi lớn nhỏ chầu vào trọng địa. Theo người am hiểu địa lý thì khu vực lăng Thiên Thọ là một vị trí địa lý rất quý hiếm, sơn thủy hữu tình, lăng Thiên Thọ nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, bốn phía chung quanh đều có các dãy núi án ngữ, che chở, có sông Hương tạo thành hào nước tự nhiên vây bọc ngăn cản người lạ.

Bên phải lăng vua Gia Long là nhà bia, đã được trùng tu lại, sơn son thếp vàng rất mới, hai cái xà cột cũ bằng gỗ chạm khắc công phu nằm trong một góc dưới đất, tấm bia cũng đã được vá víu lại, bề mặt có khắc chữ thì đã mờ nhạt nhiều. Các bậc thang thường khá cao, khiến cho người lên xuống cầu thang phải cố gắng nhiều, luôn cúi đầu để nhìn chân lên chân xuống cẩn thận. Bên trái của lăng Thiên Thọ là điện Minh Thành, cửa đóng then gài, nhiều cây non đã mọc cao trên mái nhà, chân điện phủ đầy rêu đen, tường bên cạnh lủng một lỗ khá to, gạch tường cổ nằm chất đống trong sân. Tôi thấy có địa điểm xây cất ở Huế dùng các loại gạch cổ của thế kỷ 18, 19 và các xà cổ chạm trổ rất công phu, tháo gỡ từ những nhà rường cũ, để xây thành nhà mới theo đơn đặt hàng của khách. Chúng tôi được phép nghỉ chân vào buổi trưa trong một căn điện mới xây cất sau điện Minh Thành.

Ngoài trời nắng gắt, nhưng trong điện, dưới mái ngói cao, thoáng mát.

Hue_052

Trước khi đến lăng Gia Long thì đi ngang qua lăng Thiên Thọ Hữu, nơi chôn cất bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ hai của vua Gia Long và là mẹ của vua Minh Mạng. Sau lăng Thiên Thọ Hữu là điện Gia Thành.

Ngày hôm nay mấy ai còn nhớ là cái tên nước “Việt Nam“ quen thuộc thân thương là do vua Gia Long đặt cho. Theo các tác giả nghiên cứu khác thì tên gọi « Việt Nam » đã xuất hiện từ thế kỷ 14. Qua thế kỷ 15, 16 hai chữ « Việt Nam » được tìm thấy trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi (1380-1442) và của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Tôi xin nhắc lại đôi dòng lịch sử.

Vào năm 1792, Nguyễn Nhạc đóng nhiều tàu thuyền ở cửa Thị Nại để nam tiến. Nhưng lúc đó là mùa gió nồm, thuận gió cho quân nam ra, chúa Nguyễn Phúc Ánh thừa dịp cùng quân Pháp, Bồ Đào Nha đánh úp cửa Thị Nại, đốt cháy nhiều thuyền chiến của Tây Sơn, đánh tan đạo quân 50.000 ngàn lính của Nguyễn Nhạc, khiến ông phải thu quân về Quy Nhơn.

Trước sự kiện này, Nguyễn Huệ chuẩn bị huy động hơn hai mươi vạn quân thủy bộ, chia làm ba đường đánh Nguyễn Phúc Ánh. Chính các giáo sĩ Pháp giúp Nguyễn Phúc Ánh lúc đó cũng rất lo lắng và dự liệu Nguyễn Phúc Ánh khó lòng chống lại được Tây Sơn trận này.

Tuy nhiên, cái chết đột ngột của vua Quang Trung Nguyễn Huệ vào tháng 9 năm 1792 khiến kế hoạch nam tiến đánh Nguyễn Phúc Ánh không bao giờ trở thành hiện thực. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ sinh năm 1753, (sinh trước Nguyễn Phúc Ánh chín năm) mất ngày 15 tháng 9 năm 1792, thọ 39 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Võ Hoàng Đế. Thời đại hiển hách vủa vua Quang Trung chỉ kéo dài từ năm khởi nghĩa 1771 cho đến năm 1792 là được hai mươi mốt năm, làm vua được gần bốn năm.

Năm 1801, hai năm sau khi Giám mục Bá Đa Lộc qua đời trong một trận đánh nhà Tây Sơn ở cửa Thị Nại, Nguyễn Phúc Ánh, theo sử liệu Pháp năm 1819, đem 190 chiến thuyền, mỗi chiến thuyền trang bị từ 4 đến 16 khẩu thần công bằng đồng, chiếm lại được Phú Xuân, lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long ngày 2 tháng 5 năm 1802, rồi tận dụng thời cơ nhà Tây Sơn suy yếu sau cái chết của vua Quang Trung, tiến ra Bắc, đánh quân Tây Sơn tan rã, làm chủ đất nước từ nam chí bắc.

Tên nước Việt Nam được vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh ban hành là quốc hiệu chính thức. Nhà Thanh chính thức tuyên phong tên Việt Nam năm 1804. Năm 1806 (Bính Dần) thì vua Gia Long xưng đế, cho nên khi vua qua đời được phong tôn thụy là Cao Hoàng Đế. Khi lên nối ngôi cha, hoàng tử Đảm lấy niên hiệu là Minh Mạng và đổi tên nước thành Đại Nam, công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Các vua nhà Nguyễn kế vị sau đó không ai đổi tên nước nữa, cho đến đời vua nhà Nguyễn cuối cùng, vua Bảo Đại, năm 1945.

Cũng trong năm 1945 quốc hiệu Việt Nam lần lượt được hai chính phủ, một của chính phủ Trần Trọng Kim (Đế quốc Việt Nam), một của chính phủ Hồ Chí Minh (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) long trọng tuyên bố, với hai lá quốc kỳ khác nhau.

Phú Xuân, tên cũ của Huế, là nơi hai vị hoàng đế tiền nhân, Quang Trung và Gia Long đều tranh nhau muốn chiếm đóng làm kinh đô, thì nay Huế có tượng đài vua Quang Trung rất oai nghiêm và trung tâm di tích của nhà Nguyễn.

Theo sử sách ghi lại thì Thiên Thọ Lăng được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820. Khu vực Thiên Thọ Lăng gồm có thêm các lăng tẩm của chúa và vua Nguyễn, như lăng Quang Hưng của bà Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ thứ hai của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), lăng Vĩnh Mậu của bà Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu, vợ Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái (1650-1691), lăng Trường Phong của Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chú (1697-1738), lăng Thoại Thánh của bà Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu (1738-1811), vợ thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Côn và là thân mẫu của vua Gia Long, lăng Hoàng Cô của Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột vua Gia Long.

Địa điểm và kiến trúc lăng Thiên Thọ khác hẳn lăng tầm của các vua nhà Nguyễn sau này. So sánh với 7 khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn thì lăng Gia Long là tổ hợp kiến trúc và thiên nhiên hoành tráng, hùng vĩ nhất. Đứng giữa lăng nhìn ra chung quanh, ta thấy được núi đồi trùng điệp. Các nhà kiến trúc đầu thế kỷ 19 đã đưa vào thiên nhiên những công trình kiến trúc hài hòa, tuy khiêm tốn nhưng thích hợp. Các lăng của các vua Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng được chăm sóc tu bổ, tuy còn rất nhiều chỗ điêu tàn, phủ đầy cây mọc, rêu đen, rêu xanh, cần phải sửa chữa cấp tốc, trở thành điểm tham quan „bắt buộc“ của du khách xa gần. Kiến trúc của lăng Tự Đức thơ mộng, lăng Khải Định phô trương Âu Á, lăng Minh Mạng hoành tráng cổ điển như đại nội.

Các lăng Đồng Khánh, Thiệu Trị và nhất là khu vực An lăng của ba vì vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân thì ít được chăm sóc, điêu tàn, buồn thảm, rêu xanh, rêu đen phủ đầy. Quần thể lăng Thiên Thọ đời cuối cùng của các chúa Nguyễn và vua Gia Long tuy đơn giản, tĩnh mịch nhưng điểm nhấn chính là sự hùng vĩ và hài hòa với thiên nhiên, đất trời.

Ai có về Huế, dù mưa hay không mưa, nên dành trọn một ngày để đến thăm lăng vua Gia Long, để linh cảm thấy sức mạnh của việc „Càn khôn hiệp đức“ của vợ chồng vua Gia Long. Tương truyền lăng vua Gia Long rất linh thiêng, ít ai dám đem về một cục đá, một mảnh ngói vỡ mà không bị vua „quở“ !

Hue_060

Chú thích:

  • Vợ thứ nhất của vua Gia Long là bà Tống thị Lan (húy là Liên) được phong là « Thừa Thiên Cao Hoàng hậu », bà được song táng cùng với vua Gia Long.
  • Vợ thứ hai của vua Gia Long là bà Trần thị Đang (húy là Kính) được phong là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu », bà là mẹ của hoàng tử Đảm, sau này trở thành vua Minh Mạng, bà được an táng riêng ở lăng Thiên Thọ hữu.

Commentaires fermés