Aller au contenu principal

Kết hợp đông y và tây y để chống chọi với ung thư ?

11. septembre 2019

Kết hợp đông y và tây y để chống chọi với ung thư ? – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Trong việc làm hóa trị chống lại căn bệnh ung thư, trước đó là phải làm xét nghiệm máu của người bệnh để chẩn đoán và phòng ngừa cho người bệnh về những chức năng, tình trạng hoạt động của nội tạng như gan, thận, lá lách, ruột…

Thuốc chống ung thư có nhiều loại, tùy theo bệnh án cá nhân và tình trạng tiến triển của ung thư đã di căn sang máu và nội tạng, xương hay chưa, mà được áp dụng theo công thức khác nhau.

Thêm vào đó là phong cách chữa bệnh của hội đồng bác sĩ. Căn bệnh ung thư là căn bệnh hiểm nghèo, lưỡi hái tử thần đứng trước mặt, nên ở những nước đã phát triển thì quyết định điều trị một bệnh nhân phải do một hội đồng bác sĩ quyết định. Hội đồng này gồm có các bác sĩ khoa phụ sản, khoa ung bướu, khoa mổ, khoa huyết mạch, khoa tim mạch, khoa tâm lý, khoa dinh dưỡng, y tá, điều dưỡng…quyết định và chịu trách nhiệm chung về phương án điều trị.

Những quyết định của họ được thông báo cho bệnh nhân và phải được bệnh nhân chấp nhận. Hoặc hóa trị trước, rồi mổ, rồi xạ trị, hoặc xạ trị trước, rồi hóa trị rồi mổ…mỗi phương án điều trị đều tùy thuộc vào bệnh án và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Ngay cả phong cách « đánh nhanh, đánh mạnh » hay đánh từ từ…, thuốc kết hợp liều mạnh và những đợt hóa trị ngắn ngày chỉ cách nhau một tuần hay hai tuần, hay chỉ một thứ thuốc và những đợt hóa trị thưa ra ba tuần hay bốn tuần, cũng đều do hội đồng bác sĩ quyết định tùy theo tình trạng mỗi người bệnh.

Người bệnh ung thư thường đã có những căn bệnh khác trong người : huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận, tiểu đường….khiến cho việc điều trị ung thư cũng bị ảnh hưởng theo.

Những thuốc trị ung thư, mục đích của nó là tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn ung thư phát triển bằng cách « đánh thẳng » vào hệ thống gen ADN của tế bào chẳng hạn để bẻ gẫy gen của nó trong điều trị ung thư vú thường có nhiều tác dụng phụ.

Người bệnh bị mệt mỏi vì tác dụng phụ của thuốc mà « quên » đi mặt tích cực của thuốc. Những tác dụng phụ của thuốc như cảm giác buồn nôn, ói mật xanh mật vàng, rụng tóc, chân tay rã rời, nóng lạnh, mệt, nằm liệt gường…là đáng sợ nhất trong khi hóa trị.

Theo phương hướng hiện đại, thuốc hóa trị được truyền vào cơ thể với dung dịch glucose để có thể đi thẳng đến tế bào ung thư, vì tế bào ung thư cần có glucose để phát triển, coi như là cách hay nhất để « dụ » nó hấp thụ thuốc. Nhưng chất glucose này tràn lên các tuyến trong miệng, tạo một cảm giác ngọt kỳ lạ dai dẳng kéo dài cả tuần lễ khiến cho người bệnh không còn cảm giác gì khác khi ăn uống.

Đã thế, quan niệm không ăn uống bổ dưỡng khi bị ung thư, sợ sẽ « nuôi » cho tế bào ung thư phát triển thêm, lại càng làm cho sức khỏe, sức đề kháng suy sụp nhanh chóng.

Cho nên vấn đề theo dõi cân lượng của bệnh nhân được thực hiện trước mỗi đợt hóa trị, nếu bệnh nhân xuống cân nhanh thì phải được điều trị cấp tốc.

Một vấn đề phụ khác không kém phần quan trọng là hệ thống miễn dịch của cơ thể bệnh nhân bị suy sụp, bạch huyết cầu và hồng huyết cầu giảm dưới mức trung bình thấp nhất, tức là bệnh nhân lâm vào tình trạng thiếu máu và thiếu sức đề kháng của cơ thể.

Bây giờ, y khoa phát triển đã có những thuốc chống ói, những thuốc kích thích tủy xương tái tạo thêm bạch huyết cầu, hồng huyết cầu, nhưng những biện pháp này lại có tầm mức hạn chế tùy theo cơ thể của người bệnh, có người chịu thuốc và có người không chịu thuốc, và lại phát sinh ra những tác dụng phụ của nó như lở miệng, tiêu chảy, nóng lạnh… mỗi ngày.

Vì thế, truyền thêm máu hay truyền thêm chất dinh dưỡng là những biện pháp có thể phải được thực hiện song song trong giai đoạn hóa trị.

Nhiều khi, chịu nhiều hóa chất trong cùng một lúc, người bệnh lại có thêm những hiện tượng như sót bao tử, ác mộng, ngủ không thẳng giấc, đêm thức hai, ba lần, nóng nảy trong người, bức rức, khó chịu…

Ở Pháp, bác sĩ dinh dưỡng thường khuyên, hãy ăn những gì mình thích nhất và thèm ăn, trong giai đoạn hóa trị. Các bác sĩ tây y rất ngại khi người bệnh hỏi về áp dụng của đông y trong thời gian hóa trị bệnh ung thư.

Giai đoạn tuần lễ đầu tiên của một đợt hóa trị là khoảng thời gian khó khăn nhất cho người bệnh, mới truyền thuốc nên vật vã, hầu như không ăn được, chỉ uống. Người viết bài chỉ nêu lên ý kiến của một cá nhân, nên cũng rất hạn chế, và không có mục đích trong việc quảng cáo các thực phẩm chức năng tổng hợp trên thị trường mà tác dụng của nó thường không bảo đảm.

Ở nước ngoài tôi không có điều kiện được săn sóc như ở Việt Nam, các phương pháp hỗ trợ ung thư rất hiệu nghiệm như xoa bóp tay chân, châm cứu…rất ít được ứng dụng vì thời gian chờ đợi lâu, đường xá đi lại xa xôi, rất bất tiện. Ở nhà, có người thân, có bè bạn, có người săn sóc, cơm nước, giặt giũ, đó là những chỗ dựa tinh thần quý báu.

Chỉ nhắn bạn một câu : Bạn nên uống mỗi ngày ít nhất 1 lít rưỡi tùy ý lẫn lộn gồm có sữa tươi, nước trái cây tươi ép, nước vối, nước nấu từ nấm linh chi, cà phê, trà xanh Thái Nguyên, trà cung đình Huế… để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mứt gừng dẻo, ô mai mơ gừng, ô mai mận gừng, chè sen tươi… giúp bạn chặn lên cơn ói. Cháo gà, cháo tôm, cháo thịt bò bằm, nước phở với lòng đỏ trứng gà, miến gà, súp rau củ, súp khoai tây, súp xương hầm…giúp bạn có chút năng lượng cần thiết.

Buổi tối, nếu bạn có điều kiện, ăn bát yến chưng nóng trước khi đi ngủ, ba lần một tuần hay hàng ngày tùy theo khả năng kinh tế. Như thế là đủ, cho đến khi bạn ăn uống lại được bình thường, vì phải có năng lượng mới chống chỏi được căn bệnh hiểm nghèo một sống, hai chết này.

Có nhiều người khuyên ăn chay, nhưng tôi, dù rất thích ăn chay, không khuyên bạn ăn chay trong thời gian điều trị bệnh ung thư, tuy nhiên đó là sở thích và quan điểm của mỗi người. Điều quan trọng hơn là ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ để tái tạo máu, bảo vệ hệ thống tiêu hóa, bảo vệ gan, ruột, thận… của mình đã bị phá hủy phần nào bởi hóa chất chống ung thư, đó cũng là một cách tích cực để tự giúp mình và giúp cho các phương cách điều trị ung thư có kết quả tốt. MTT

Photo page facebook Beckett Strong: Aubrey et Beckett – ParisMatch 12.09.2019

Commentaires fermés