Aller au contenu principal

Hỏa táng ở Bình Hưng Hòa

25. décembre 2020

Hỏa táng ở Bình Hưng Hòa – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Ngày Chúa sinh ra đời, lại nói chuyện tang tóc, phải như thế, vì sinh tử là một, có sinh có tử, và Chúa sinh ra đời cũng để cứu rỗi nhân loại thoát khỏi mọi khổ đau. Ở vào tuổi của tôi, không như ngày còn trẻ, chỉ toàn là ăn sinh nhật và ăn đám cưới, mà đã có dần dà nhiều hơn những xa cách, những vĩnh biệt.

Tôi nhớ ngày ba tôi mất, cũng bị đưa đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa. Đối với tôi, đó là một vết thương lòng không đóng. Ba tôi rất sợ bị hỏa thiêu, lúc sinh thời ba má tôi đã mua đất để chôn trong chùa, làm sẵn kim tĩnh bên cạnh phần mộ má tôi. Thế mà không biết sao cả ba đứa em tôi lại quyết định hỏa thiêu ba, chúng nó ỷ lấy số đông xúm lại áp đảo tôi một mình chống lại. Đến lúc phát tang tôi cũng không được phát quần áo tang. Đành chịu vậy thôi. Rồi trời sẽ trả lại những sự ác độc đó.

Trong sự mất mát quá to lớn, tôi như một cái máy không hồn, ai biểu gì làm theo đó. Chung quanh tôi cảnh vật và người đều lu mờ. Bạn bè đến phúng viếng không nhớ một ai. Tôi không biết đã đi theo ai lên đến Bình Hưng Hòa, một địa danh hỏa táng mà tôi chưa từng nghe tới, không biết nó nằm ở đâu trong thành phố rộng lớn này. Đến nơi tôi ngơ ngác, lạc lõng không biết đi đâu, chồng tôi kéo tay tôi, chỉ hướng theo đoàn người vào theo.

Ấn tượng duy nhất của tôi ở Lò thiêu, tên người dân quen gọi, là những tấm gạch lát tường mầu trắng như tường nhà tắm, nhà vệ sinh, không có chút nào trang nghiêm, chỉ thực dụng. Tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh vang rền qua loa phát thanh của những người bên cạnh. Ai đó ấn tôi quỳ xuống, một thầy bắt đầu làm lễ, tụng kinh. Tôi không nghe gì hết, không thấy gì hết. Một lúc sau thầy làm lễ xả tang cho tôi, tôi cũng chẳng cảm thấy gì.

Chợt, quan tài của ba tôi đang nằm trên một cái bệ, bỗng sụp xuống, nắp hố đóng lại, như một thời yêu thương của tôi sụp xuống trước mắt, biến mất, tôi ứa nước mắt, kêu thầm thảng thốt bàng hoàng trong lòng „Ba !“, vừa kịp nhìn thấy mấy đứa em tôi ném theo quan tài quần áo của ba tôi.

Thế là hết. Chấm dứt một đời người, hình hài đã thành tro bụi. Tôi chỉ còn hai chữ „bàng hoàng“. Mới hôm qua còn thấy bóng người trên trần thế ! Một con người biến mất nhanh quá ! Kể từ phút giây này, chỉ còn là kỷ niệm của thương nhớ, của những tấm ảnh, những di vật.

Tôi đi theo chồng tôi như một cái máy, anh đi đâu tôi đi đó, không biết làm sao rồi chúng tôi cũng đến được chùa nằm ở Thủ Đức, nơi chôn cất ba tôi. Cái hũ tro nhỏ xíu nằm chơ vơ trong mảnh đất phần mộ đã được khơi ra. Thầy tụng kinh lần cuối. Lấp đất lại. Mong ở trên cao linh hồn ba được yên nghỉ và thứ tha cho mọi lỗi lầm của con.

Ngay vừa sau ba tôi nhắm mắt, đứa em gái của tôi đưa cho tôi một cái còi lính và một cái ví da nai của ba tôi cho tôi, hỏi, chị có muốn lấy những cái này không, coi chừng chị thổi cái còi là ba về đó, tất nhiên là có, làm sao mà tôi có thể từ chối những kỷ niệm của ba, và tôi phải cảm ơn nó, vì tôi không biết là chúng nó đã phân chia gia tài của ba để lại. Cái còi này, ba tôi đã nhận từ thời phải đi lính cho Pháp, cái ví da nai này, ba tôi đã tự tay làm ra bằng một mảnh da nai khi đi săn thú rừng với bạn ở Buôn Mê Thuộc những năm 1950, 1960.

Bỗng nhiên, tôi giận ba, không để ảnh ba trên bàn thờ, ba tôi chưa chết, vẫn còn đâu đó, chỉ để cái còi lính và cái ví da nai trên bàn thờ. Mãi mấy năm sau, „cơn giận“ của tôi mới nguôi ngoai, tôi thượng ảnh ba tôi lên bàn thờ cạnh má tôi.

Con đường Nhân Quả của Phật Pháp tin rằng, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, anh chị em dù cùng cha cùng mẹ sinh ra cũng đều là vì nhân quả mà có duyên có nợ với nhau, gặp nhau, đi chung với nhau một quãng đường, cho đến khi duyên nợ được chấm dứt.

Trên cõi đời này tất cả những mối quan hệ tốt đẹp được gọi là duyên, dù ngắn hay dài, những mối quan hệ căng thẳng, đau khổ, thậm chí đi đến giết nhau…được xem là nợ, duyên hay nợ bắt đầu bằng bất cứ lúc nào và cũng chấm dứt bất cứ lúc nào. Cổ nhân có câu „ Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.“. Nhiều khi, người này phải gặp người kia, không phải để kết duyên, mà để trả một món nợ nào đó từ kiếp trước.

Khi duyên nợ chấm dứt thì không nên kéo dài sự tiếc nuối vô vọng, hãy để cho nó ngủ yên như một giấc mơ đẹp hay một cơn ác mộng của trần thế.

Niềm tin vào Nhân Quả của nhà Phật giúp cho con người gỡ ra mọi mối boòng boong do tình cảm sinh ra, sáng suốt hơn, bớt mê muội ám chướng. Phải tâm niệm rằng, mình sinh ra đời với hai bàn tay trắng và có một mình, lúc chấm dứt cuộc đời trần thế lại cũng chỉ là trắng tay và một mình. Bao nhiêu tham, sân, si đều trở thành nhân quả. Sám hối là phương cách hay nhất để tìm sự thứ tha cho chính mình và đem lại sự thanh thản cho tâm hồn.

Hôm nay, đúng vào ngày Giáng Sinh 2020, được xem lại cảnh hỏa thiêu ở Bình Hưng Hòa qua video của một người bạn vừa mới qua đời vì đột quỵ tại Việt Nam, tôi như sống lại được những kỷ niệm cũ, vừa cảm thương cho những người thân của bạn còn ở lại tiếp tục cuộc đời. Nhìn bạn bị cuốn hút vào những nghi thức, tôi chia xẻ mọi cảm thông. Nỗi buồn khi chia xẻ thì được vơi đi, mong bạn còn ở lại xem nó như một giấc mơ đẹp của đời mình, và hãy cảm ơn những người bạn đã thương tiếc đưa tiễn mình lần cuối cùng, đó cũng là một cái duyên đẹp. MTT

Thơ Tuyết Trần 2004 – Trình bày Trần Minh Khôi, Berlin

Commentaires fermés