Aller au contenu principal

Nóng hơn quang tuyến X

22. mars 2020

Nóng hơn quang tuyến X – ©MathildeTuyetTran, France 2020

Thế là tôi đi xạ trị trong giới nghiêm. Giới nghiêm ở Pháp được ban hành vào ngày thứ ba 17.03 lúc 12 giờ trưa. Buổi sáng hôm đó chúng tôi vội vã chạy ra siêu thị gần nhà nhất để mua thức ăn cho cả tuần, những người đi chợ đều mua đầy nhóc chiếc xe đẩy. Tôi không hiểu tại sao các cuộn giấy vệ sinh lại được hâm mộ đến thế, các kệ trống trơn ! Kỷ niệm thời chiến trong nước tôi lại ùa về. Tích trữ, rồi đến đầu cơ thường xấy ra trong tình trạng chiến tranh, tổng thống Pháp đã chẳng tuyên bố rằng chúng ta đang ở trong chiến tranh với một kẻ thù vô hình, nhỏ bé nhưng có sức tàn sát.

Ấy vậy mà dân chúng, nhất là ở khu vực Paris chẳng xem những lời cảnh báo răn đe ra gì. Họ đã biết trước việc chính phủ áp đặt giới nghiêm từ mấy ngày trước, nên trễ nhất là tối thứ hai họ đã kéo nhau cả đoàn chạy ra khỏi Paris, như là chạy trốn thời đệ nhị thế chiến, như là đi nghỉ một vụ hè được tặng không, làm cho tối mịt mà vẫn kẹt xe trên những nẻo đường xuống phía Nam hay ra hướng Tây, phía vùng biển Bretagne . Nhờ vào dữ liệu điện thoại di động mạng Orange đã xác định được là 17% dân số Paris đã rời khỏi thủ đô trong vòng từ 13 đến 20.03.2020 (Le Parisien, 26.03.2020).

Những người trẻ, đặc biệt là dân thành phố lớn như Paris, chưa biết không khí chiến tranh là gì, không ý thức được vấn đề chung của cả xã hội, tỏ ra rất ương ngạnh, giả vờ như không nghe thấy tin tức, vẫn tiếp tục những nhu cầu, những đòi hỏi tự do cá nhân của mình. Người chạy jogging, người đi dạo, người đi xe đạp, người đi đến nhà bạn, người chơi đá banh, người thì tụ họp nhau nướng thịt ăn uống, người đi du lịch biển….., ai chết mặc ai. Chỉ thông cảm cho những gia đình có trẻ con và người già cô đơn, bị cách ly trong tình huống này thật là tội nghiệp. Nhưng không phải vì những thành phần ương ngạnh này mà nên ban bố tình trạng thiết quân luật gay gắt trên toàn lãnh thổ, trên toàn thể dân chúng. Tự do di chuyển trên toàn cầu là một đặc điểm của toàn cầu hóa kinh tế, cắt giảm sự tự do này là một « ngỡ ngàng » đối với thế hệ trẻ.

Nhất là dân chúng ở vùng quê, mật độ dân cư đã thưa thớt, sống biệt lập như là tự cách ly từ bao đời nay, chợ búa ở xa hàng chục cây số, người già ở biệt lập một mình trong nhà….thường không phải là một trở ngại cho việc cách ly. Xử phạt nghiêm khắc những người thành phố coi thường luật lệ đã ban hành, coi thường tình trạng đau khổ của những người khác, dạy cho họ biết thế nào là đoàn kết là những biện pháp cần phải tận dụng. Hinh như kỷ luật là điểm yếu của một số người trong một xã hội an bình, nhất là của những người tự nhận mình có tính chất « lãng mạn pa-ri-siêng ».

Thống kê ngày thứ sáu 20.03.2020 có 450 người chết, 12.612 ca nhiễm khuẩn, 5.226 ca được điều trị tại bệnh viện và 1.297 ca trong tình trạng nặng được hồi sức.

Báo Le Figaro có bài khá chi tiết về tình hình dịch bệnh covid-19 vào ngày thứ năm 19.03, nước Pháp có 10.995 ca nhiễm khuẩn, 372 ca tử vong, 4.461 người được điều trị tại bệnh viện, 1.122 người trong tình trạng hồi sức, thở máy, 92% số tử vong là bệnh nhân trên 65 tuổi.

Vùng Paris và phụ cận (Ile de France) có 3.384 ca nhiễm khuẩn, kế tiếp là vùng Grand-Est (phía đông) có 2.643 ca nhiễm khuẩn, vùng trung tâm Auvergne-Rhône-Alpes có 1.014 ca, phía bắc Hauts-de-France có 700 ca, vùng đông nam Bourgogne-Franche-Comte 696 ca, vùng biển đảo Paca có 693 ca nhiễm khuẩn.

Nhà cầm quyền rất tức giận vì dân chúng nhất là ở Paris coi thường các lệnh giới nghiêm, tụ họp, ăn uống, chơi thể thao, đi dạo…như không có chuyện gì xẩy ra. Chó, mèo bị bỏ rơi hàng loạt. Nhiều người chỉ trích giận dữ vì tình trạng thiếu khẩu trang trầm trọng. Bác sĩ mà không được cung cấp một khẩu trang.

Trong khi đó, một cô y tá ở nhà thương Emilie Muller thuộc vùng Mulhouse làm chứng nhân ngày 22.03.2020 trên tờ Le Figaro, cô nói :

«Tôi nghĩ rằng tình hình đã bắt buộc chúng ta phải nói để dân chúng ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc. Chúng ta không thể giấu giếm nhưng điều này được nữa. Chúng ta bị choáng ngợp, chúng ta phải nói ra những điều cụ thế. Đột nhiên chúng tôi được dẫn dắt để có những sự lựa chọn. Chúng tôi không còn có thể cung cấp tất cả mọi biện pháp điều trị cho tất cả mọi bệnh nhân. Chúng tôi phải lựa chọn người có nhiều khả năng, may mắn để phục hồi sau này. Thật khó cho chúng tôi. Thật khó để tự nói rằng sẽ không làm tất cả cho mọi người. Chúng tôi đã có khó khăn để giữ vững việc làm của chúng tôi. Chúng tôi có khó khăn khi nhìn thẳng vào mắt những bệnh nhân. Chúng tôi có những bệnh nhân rất trẻ không có vấn đề về sức khỏe mà đang nằm trong phòng hồi sức, chính vậy, nó gây bệnh cho mọi lứa tuổi, mặc dù không có vấn đề về sức khỏe. Tôi nghĩ thật sự rằng, phải thiết lập quyết liệt sự cách ly. Mọi người phải ở nhà và việc cách ly phải được tôn trọng thực hiện. Ở đây, người ta tiếp tục có thể đi ra ngoải, chơi môn thế thao của họ…thật là vô trách nhiệm, mọi người phải ở nhà. » ( http://video.lefigaro.fr/figaro/video/coronavirus-a-mulhouse-la-situation-est-grave-(…)-on-est-depasses-temoigne-une-infirmiere/6143637203001/ )

Điều « lựa chọn » của cô nói cắt nghĩa nguyên nhân tại sao có 92% tử vong là bệnh nhân trên 65 tuổi !

Ai sẽ vui vẻ khi được lựa chọn như thế ?! Gia đình nào sẽ vui vẻ khi biết cha mẹ, người thân của mình được lựa chọn để không được điều trị, săn sóc và để chết ?!

Làm việc cống hiến cho xã hội cho gia đình cả đời, rồi vừa mới được về hưu, 65 tuổi là tuổi hưu, thì đã chết vì covid-19 thì lương hưu ai ăn ?!

Tình trạng thiếu điều kiện có giường hồi sức, hạn chế, bình thường chỉ có 03 giường trong một bệnh viện tầm cỡ trung bình, trong khi con số nạn nhân cần được hồi sức, thở máy tăng nhanh. (Le Parisien, 04.04.2020Coronavirus : manque de moyens, accès aux soins… la révolte des personnes âgées. Deux associations déplorent une perte de chances pour les plus vieux patients. Elles ont engagé une action devant le Conseil d’État, comme nous le révèle en exclusivité le lanceur d’alerte Michel Parigot. – Coronavirus : «Décider de qui va vivre ou mourir, cela laisse des traces indélébiles» Charlotte Chollet, directrice médicale adjointe du Samu à l’hôpital Henri-Mondor de Créteil, évoque ce qu’on appelle «la solitude du médecin trieur» en cas d’afflux de malades dans les services de réanimation. Covid-19 : «Sur le certificat de décès, il ne faudrait pas écrire coronavirus, mais manque de lits». Guillaume Hannotin est l’avocat des deux associations qui réclament en justice que le tri des malades en réanimation ne repose pas uniquement sur les épaules de médecins.)

Một nước Pháp rất mực giàu có, xa hoa, phung phí, văn minh, văn hóa từ ngàn đời phơi bày trên cả thế giới những điểm yếu của chính xã hội mình trong y tế công cộng của dân chúng khi có biến động: thiếu khẩu trang, thiếu cồn rửa tay, thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu giường bệnh, thiếu bác sĩ, thiếu y tá…..trong khi các chính khách phụ trách không ngớt lời tốn nước bọt để cãi qua cãi lại lằng nhằng, đính chính phân bua, không hành động quyết liệt để cứu dân chúng, mà dân chúng Pháp thời buổi 2020 đại dịch mà vẫn tê liệt, ù lì, mê muội, hậu quả của việc ăn mãi tuyên truyền tiêu thụ chăng ? Những tiếng kêu đòi hỏi phải sửa đổi, bức xúc, cải cách thật sự, chống tham nhũng, ăn chận…còn quá yếu ớt, lẻ tẻ, ít người nghe, ai cũng lo phận của mình. Nỗ lực của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, sinh viên y khoa…để cứu chữa hàng ngàn nạn nhân đang được ủng hộ, bù đắp bằng những tràng pháo tay 20 giờ ở thành phố, những bản nhạc của những nghệ sĩ như Vanessa Paradis với bài hát viết riêng « Merci pour tout » (Cảm ơn vì tất cả) trên ParisMatch ngày 27.03. 2020.

Đến ngày thứ tư của việc cách ly, trên đường đi đến nhà thương để xạ trị, chúng tôi thấy xe cộ vắng hẳn nhưng vẫn còn xe hơi cá nhân chạy dập dìu, xe tải chở hàng hóa vẫn chạy rầm rập, và những kẻ buôn cần sa ma túy vẫn đợi để được giao hàng, bên lề những con đường làng, đường quốc lộ.

Điều đáng nêu gương là đơn vị xạ trị của nhà thương nơi tôi được điều trị ung thư vẫn kiên quyết làm việc để tiếp tục công việc điều trị cho những bệnh nhân đã bắt đầu. Bác sĩ tự động cấp giấy chứng nhận để tôi có thể đi và về hàng ngày trong giai đoạn giới nghiêm và vẫn có mặt mỗi thứ tư để khám bệnh. Tôi rất biết ơn họ. Nhiều bác sĩ khác, kể cả của phân khoa ung bướu, thì bị trưng dụng vì dịch bệnh phải hủy bỏ tất cả cái hẹn khám bệnh của bệnh nhân trong tháng này.MTT

Cảnh sát Bỉ phát tán một bài hát của Claude François (1939-1978) qua sự trình bày của Yann Lambiel chế lời theo tình hình hiện tại của dịch covid-19 và kêu gọi mọi người nên thực hiện cách ly, ở trong nhà và thường xuyên rửa tay:

Tính đến ngày thứ hai 23.03.2020 nước Pháp có 19 856 ca nhiễm bệnh , 8 675 đang được điều trị tại bệnh viện , trong số này có 2 082 ca nặng, con số tử vong lên đến 860 người.

Nguyên văn tiếng Pháp :

« Je pense que la situation fait qu´il faut dire les choses telles qu elles sont. Pour faire prendre conscience a la population la gravite de l´enjeux. On ne peux plus cacher ces choses là, on est dépassés, il faut dire les choses telles qu´elles sont. Du coup, on est amenés a faire des choix. On ne peut plus proposer tous les soins à  tous les patients. On doit choisir qui a le plus de chance de se rétablir par la suite. C´est difficile pour nous. C´est difficile de se dire qu´on ne fera tous pour chacun. On a du coup du mal a tenir notre poste. On a du mal a regarder dans les yeux de nos patients. On a des patients très jeunes sans problèmes de santé qui sont en réanimation, donc, ça touche tous les âges même sans problèmes de santé. Je pense vraiment qu´il faudrait un confinement drastique. Que les gens restent chez eux et que ce soit vraiment applique. Là, de pouvoir sortir, faire son sport…c´est n’importe quoi, il faut que les gens restent chez eux. »

Commentaires fermés