Aller au contenu principal

Trí nhớ ngắn

24. avril 2022

Trí nhớ ngắn – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2022

Nếu đổ thừa tại vì bởi thời tiết xấu mưa gió lạnh tuyết rơi người dân trốn nấp trong ấm áp không chịu đi bầu cử thì hôm nay ở vùng phía Bắc của Paris trời lại nắng đẹp, gió nhẹ hây hây, nhiệt độ lên cao 15°, dân chúng mải mê hóng nắng mùa xuân đi chơi cũng không chịu đi bầu cử tổng thống vòng một. Bầu làm chi, sắp đặt cả rồi, phe thắng phe thua đều biết.

Lại một lần nữa cuộc đối đầu Le Pen-Macron, và bà Le Pen lại thua. Đó là bản nhạc bi đát của những lần bầu cử tổng thống Pháp. Có phải dân chúng Pháp cầu an thân an phận, ban ngày chạy lo cơm áo gạo tiền, ban đêm ngồi trước cái ti vi lải nhải suốt ngày tuyên truyền theo lệnh của chủ, họ thiếu tha thiết đến vấn đề chính chị chính em, đến vận mệnh dân tộc, đến hòa bình và chiến tranh, chỉ lo sống qua ngày, lo cho cái nồi cơm của bản thân mình, gia đình mình mà chấp nhận mọi sự cai trị, quản lý, dẫn dắt, dù ai lên cũng thế ? Người ta trách móc nhẹ nhàng: dân Pháp có trí nhớ ngắn ! Nếu thế thì buồn quá.

Dân Pháp ? Thực ra cuộc bầu cử tùy thuộc vào tất cả công dân Pháp, có quốc tịch Pháp, được quyền bầu cử, gồm tất cả các thành phần ở các đảo của Pháp, thành phần sinh sống ở nước ngoài, thành phần lục địa với đủ mọi mầu da và tiếng nói.

Dân số nước Pháp theo thống kê năm 2021 gồm có 67,6 triệu người, kể cả luôn thành phần nhập cư tổng cộng gồm có 7 triệu người chiếm 10,3 % tổng dân số. Trong 7 triệu người nhập cư gồm có 2,5 triệu đã được nhập quốc tịch Pháp, 4,5 triệu người nhập cư có quốc tịch nước ngoài và 0,8 triệu trẻ em của người nhập cư sinh đẻ trên đất Pháp.

Tính về gốc tích thì có 47,5% đến từ châu Phi, 32,2% đến từ các nước châu Âu khác, 14,4% đến từ châu Á và 5,8% đến từ châu Mỹ và các lục địa khác. Riêng người Việt Nam, có hay không có quốc tịch Pháp, vẫn được xếp loại là người nhập cư, chiếm tỷ lệ 1,1% (thống kê Insee 2020) trong số 7 triệu người nhập cư này. Phương cách để có quốc tịch Pháp tốt nhất vẫn là hôn nhân với người Pháp hay người đã có quốc tịch Pháp, hoặc có ít nhất một đứa con sinh đẻ trên đất Pháp.

Chủ đề về nhập cư-di tản là một trong những chủ đề nóng bỏng, chính yếu, được khai thác vì những vấn đề liên quan như tôn giáo, khủng bố, bạo lực, ngôn ngũ, bình đẳng nam nữ … trong lòng xã hội Pháp.

Đến 17 giờ chiều con số cử tri đi bầu, trời vẫn nắng đẹp, nhiệt độ vẫn cao, chiếm tỷ lệ khoảng 65%, thua năm 2017 là 69,4% những 4,4%. Cử tri Pháp năm 2022 gồm có 47.311.876 người/phiếu bầu theo thống kê hiện tại của bộ Nội vụ Pháp. Trong số này có 11.892.648 không tham gia bầu cử, chiếm tỷ lệ 25,14%, tức là hơn 1/4 người được quyền bầu cử. Con số đi bầu là 35.419.228 người, tức 74,86% trên tổng số cử tri.

Đúng 20.00 giờ ngày 10.4.2022 truyền thông Pháp công bố kết quả bầu cử không nằm ngoài dự đoán, hai ứng cử viên Macron với 27,6% và Le Pen với 23 % dẫn đầu kết quả vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp và sẽ vào vòng 2 quyết định.

Cánh tả với ông Jean-Luc Melenchon được 22,2 % số phiếu, xít xao với bà Le Pen. Người mới xuất hiện trong lần bầu cử này ông Eric Zemmour thuộc phái cực hữu được 7,2 % số phiếu. Đảng Xanh với ứng cử viên Yannick Jadot chỉ được 4,7 % và đảng cánh hữu/trung lập LR của bà Valérie Pécresse cũng thất bại, không vượt nổi 4,8%. Nhưng đảng Xã hội không ghìm được con đường đi xuống dốc của mình, bà Anne Hidalgo chỉ đạt được 1,7 % số phiếu bầu. Là thị trưởng Paris bà Hidalgo bị chỉ trích nhiều với đường lối quản lý thủ đô Paris của mình.

Ngay sau kết quả được công bố, các ứng cử viên Valérie Pécresse (đảng Cộng Hòa), Yannick Jadot (đảng Xanh), Anne Hidalgo (đảng Xã Hội) và cả Fabien Roussel của đảng Cộng sản Pháp, Jean-Luc Mélenchon (cánh tả) kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron chống lại bà Le Pen.

Cuộc chạy đua tay đôi Macron-Le Pen năm 2022 theo sự thăm dò và dự đoán của truyền thông Pháp và châu Âu sẽ đem phần thắng về cho ông Macron như năm 2017. Tóm lại, bản chất của cuộc bầu cử chỉ là « tả-hữu » tranh đua, đi đường vòng rồi lại về chỗ cũ, mặc dù sau năm năm lãnh đạo chính quyền Macron đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng làm rúng động dư luận ở Pháp ( vụ Benalla, người áo vàng, khủng hoảng quản lý y tế dịch Covid19…..) và ông Macron với phong cách cá nhân của mình đã bị chỉ trích nhiều là rất kiêu căng tự phụ, khinh thường dân chúng, nhưng….cử tri Pháp thì có trí nhớ ngắn, điều này cũng giúp cho sự thành công của ông Macron rất nhiều, ngoài sự hỗ trợ của thế lực tài chính.

Còn hai tuần nữa thì dân chúng đi bầu cử vòng 2 tại Pháp. Lần này trước hậu quả của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine sẽ đem đến cho tổng thống Pháp có những quyết định chiến lược cho nước Pháp, vì hòa bình hay chiến tranh lan rộng, ngoài những vấn đề thời sự nóng bỏng trong nước như di tản/nhập cư, trật tự/an ninh, tuổi về hưu/lương hưu, năng lượng, y tế, giáo dục, tôn giáo, môi trường…. Thật không phải là một nhiệm vụ dễ dàng !

Cập nhật 24.04.2022

Đêm qua mưa gió bão bùng, sáng nay thức dậy tôi chả phải lo tưới cây, dù mệt mỏi nhưng tôi vẫn sửa soạn để đi với chồng tôi bầu cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ năm năm 2022-2027.

Hầu hết tất cả các báo chí lớn tại Pháp đều cho rằng ứng cử viên Macron sẽ thắng cử với 56% số phiếu bầu, trên đà đi lên, bà Marine Le Pen chỉ đạt được 44% số phiếu bầu, trên đà xuống dốc, và thành phần không bầu cử sẽ chiếm kỷ lục hơn những năm trước. Tờ nhật báo Le Figaro đã có những bài bình luận trước về sự thắng cử nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron trong số ra cuối tuần. Cuộc tranh luận tay đôi của hai ứng cử viên tổng thống vào tối thứ tư 20.04.2022 vừa qua bị cho là một thất bại lần thứ hai của bà Le Pen, yếu về khả năng tranh luận và thuyết phục cử tri trước một Macron trôi chảy và kiêu ngạo. Ông Macron đã chọn địa điểm Champs de Mars, trước tháp Eiffel để ăn mừng chiến thắng của mình vào tối nay, chủ nhật 24.

Trời sáng sớm còn hơi lành lạnh chúng tôi lên đường đi bầu cử. Nhà quê mùa này rất đẹp, tất cả các loài hoa xuân đều đã nở rộ khoe sắc. Những cây đào nhật, magnolia. lila, hoa tím, arcacia…xen lẫn với những cây táo, cây mận, cây lê, cây cerise….nở rộ những hoa là hoa, mầu hồng, mầu tím, mầu trắng, mầu vàng…tô điểm làng mạc thêm thơ mộng bên cạnh những thảm hoa dầu colza đang nở một mầu vàng rực rỡ.

Xuyên qua nhiều làng mạc, người đi bộ, người đi xe hơi tấp nập đến những điểm có phòng bỏ phiếu thường là nhà hành chánh làng, là một điều hiếm thấy, ngày thường thì chẳng có một con mèo con chó chạy rông ! Người nhà quê thức dậy sớm, nên mới có 8.30 sáng mà phòng bỏ phiếu đã nhộn nhịp người đến làm bổn phận công dân.

Sự chia rẽ trên báo chí bên cực tả và không cực hữu chống lại bên cực hữu và lời kêu gọi của những chính trị gia nhiều đảng phái ở Paris hãy bầu cho Macron để chặn đường cực hữu, làm cho một thành phần lớn dân chúng tức giận, bỗng nhiên thấy mình bị phân loại là « cực hữu ». Có hai nước Pháp chăng ?

Khái niệm « cực hữu/cực tả » thường được đề cập đến những hành động cực đoan và bạo động. Cực hữu là như thế nào ? yêu nước Pháp ? đòi lại tự do là « cực hữu » ? những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế còn bị « phạt », bị treo giò mất việc làm vì chính sách y tế củ cà rốt-cái roi-và con lừa, đến hôm nay vẫn chưa được trở về hành nghề….và nhiều lý lẽ chi tiết khác.

Đối với dân tộc Việt Nam việc « yêu nước » vừa là bổn phận, vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý, vừa là đạo đức, vừa là lý tưởng…tất cả gộp lại trong một khái niệm « yêu nước », không lẽ người Việt lại toàn là những người « cực hữu » ?!

Trong bối cảnh chính trị hiện nay của nước Pháp bị chia làm hai cực thì vấn đề phân biệt tả/hữu, cực tả/cực hữu cần phải được nghiên cứu lại, nhất là khi hai đảng truyền thống bên tả, đảng Xã Hội Pháp (les Socialistes), và bên hữu, đảng Những người Cộng Hòa (les Républicains), đang suy sụp rõ ràng qua cuộc bầu cử này vì dân chúng đã mất niềm tin vào những lời hứa hẹn chính trị.

Hứa hẹn với những chương trình, những dự án trước bầu cử là một việc, nhưng hành động cai trị dân chúng sau bầu cử lại là một việc khác. Dân chúng bị đẩy đổ dồn vào một cực, sự chia rẽ giữa thành thị và thôn quê, giữa thành phần « élite » rất giầu có ở Paris và thành phần nghèo cho tới thành phần trung lưu, nhiều người chỉ có khoảng 800 € để sống mỗi tháng nổi rõ gay gắt. Ở Paris những căn hộ đắt đến 2, 3 triệu euros, tiền thuê nhà có thể lên đến 30.000 euros, người sống ở Paris và những thành phố lớn như là sống ở một thế giới khác làm cho nhiều người mơ tưởng ao ước. Bác sĩ ở vùng thôn quê phải từ chối thẳng thừng không nhận bệnh nhân để điều trị, từ lời thề Hypocrate biến thành hành động hypocrite, người có bệnh phải đi xa hàng chục hàng trăm cây số để tìm bác sĩ chữa bệnh.

Nếu cứ tiếp tục cho rằng khoảng 45% dân chúng là « cực hữu » và dùng bạo lực chính quyền để chống lại họ thì không phải là điều khôn ngoan chinh trị và hàn gắn lại sự đoàn kết quốc gia. Mới thấy sức mạnh của truyền thông đại chúng là rất có hiệu quả để thông tin hay đầu độc dân chúng tùy theo sự ủng hộ một chiều của họ, các mạng xã hội không có sức mạnh bằng.

Đến 12 giờ trưa báo chí Pháp thông báo con số tham gia bầu cử đạt 26,4 %, đến 17 giờ đạt 63,23%. Đúng 20 giờ ngày 24.04.2022 truyền thông Pháp loan tin sơ khởi người thắng cử là ông Emmanuell Macron với con số 58% số phiếu bầu ( 18 .779. 809 ) và bà Marine Le Pen đạt 42% số phiếu ( 13. 297. 728 ). Con số cử tri không tham gia bầu cử chiếm 28% ( 13. 656. 109 ) trên tổng số cử tri. So với năm 2017, ông Macron đã đạt được 66,10 % và bà Marine Le Pen đã đạt được 33,8 % thì những con số năm nay cũng đã nói lên được sự thay đổi chính trị trong lòng dân chúng Pháp.

poster_medias_francais_8060-v17-3

Ai sở hữu ai ? Poster về truyền thông Pháp của tờ Le Monde Diplomatique

27227

Tương quan lực lượng cử tri trong vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp 2022

33DNDCNEYBG4PIURQ4YG5OSWUE

Tương quan lực lượng cử tri bầu cho ông Macron và bà Marine Le Pen trong vòng 2 ngày 24.04.2022

phpQH8dxn

Photo France Info

Những đoàn tàu biển toàn cầu hóa – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2018

13. avril 2022

Những đoàn tàu biển toàn cầu hóa – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2018

Toàn cầu hóa sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự phát triển đi trước của những con tàu biển khổng lồ chở hàng hóa qua lại trên khắp đại dương, nó chính là công cụ mấu chốt chiến lược của toàn cầu hóa, và cùng với sự xuất hiện của những con tàu cargo này đẻ ra một hoạt những ngành nghề dịch vụ cho việc xuất nhập hàng hóa trên khắp các cảng biển quốc tế.

Ngành hàng không cũng có dịch vụ cargo nhưng vì khả năng giới hạn của nó, giá đắt, nên chỉ dùng để chuyên chở và trao đổi những món hàng quý hiếm khi khẩn cấp hay viện trợ nhân đạo, nhiệm vụ chính của nó là chuyên chở người, đóng góp trong việc phát triển du lịch thế giới là một trong những « vũ khí lợi hại mềm » của các nền kinh tế thế giới.

Lịch sử của những con tàu biển đã có từ lâu đời, tại Pháp những khám phá về đường vận chuyển hàng hải đã đi ngược lên 4.500 năm trước Thiên chúa giáng sinh, trong thời đại của Cesar các cảng biển ở vùng Bretagne và vùng vịnh Morbihan nước Pháp đã tấp nập thuyền ra thuyền vào. Thời ấy, họ vận chuyển những bình sứ đựng dầu ăn, ngói làm nhà, những thỏi đồng thỏi chì, thủy tinh, rượu, đồ gốm sứ…Mỗi khi có chiến tranh, những con tàu biển được dùng để chở người.

Những cảng biển vì thế mà trở nên rất giần có và góp phẩn không nhỏ vào việc phát triển những thành phố trong lục địa và phát triển về mặt văn hóa, tiếp xúc vởi thế giới. Người sống ở bến cảng thường cởi mở hơn, lịch lãm hơn vì họ có nhiều giao tiếp.

Lịch sử thế giới cũng đã ghi lại các đoàn thuyền biển đi xâm chiếm thuộc địa xa xôi, chiếm hữu nô lệ, và những trận đánh oai hùng nổi tiếng trên mặt biển.

Cho đến thời đại toản cầu hóa của chúng ta thì vũ khí chiến lược ít còn là súng đạn, mà trước hơn cả súng đạn là hàng hóa và sản xuất hàng hóa, và tài chính, chiếm lĩnh thị trường. Hai thế lực này, sản xuất và tài chính, chi phối xâu xa các nền kinh tế thế giới, có thể nói kể từ khi thỏa hiệp Bretton Woods vào năm 1944 và gần nhất là các hiệp ước thương mại đa quốc gia càng làm cho tiến trình toàn cầu hóa trở nên sâu sắc hơn. Trung quốc đã chẳng được gọi là « phân xưởng sản xuất của thế giới » nếu không có người đông, nhân công rẻ, lại thêm nguyên liệu rẻ, khiến cho giá thành sản xuất rẻ.

Toàn cầu hóa là cơ hội để các nước nghèo, đang phát triển đi lên khi tài chính thế giới tìm kiếm những cơ sở sản xuất rẻ và cạnh tranh nhau để đầu tư sản xuất, làm gia công, hợp đồng hay cung cấp thành phẩm. Ở những nước này, nông dân bỏ ruộng đồng cầy cấy để vào làm công nhân nhà máy không chuyên môn, hoặc được học nghề ngắn hạn. Đặc biệt, một số ngành nghề mũi nhọn được dành cho nhân công nữ như dệt may, da giầy.

Sự gia tăng sản xuất cho thị trường tiêu thụ kéo theo sự phát triển rộng lớn của cả xã hội : các ngành nghề phụ kiện, vận chuyển đường bộ, sửa chữa máy móc, hao mòn, cung cấp nhân lực, giáo dục ngành nghề, giáo dục ngoại ngữ, giáo dục phổ thông, y tế bảo vệ sức khỏe, bảo hiểm vật tư và bảo hiểm xã hội…

Trong khi đó, ở các nước đã phát triển thì tình hình xẩy ra ngược lại vì nền kinh tế còn tổn tại đến sau đại thế chiến thứ hai đã bị thay đổi trầm trọng từ thị trường sản xuất chuyển sang thị trường tiêu thụ là chính, cơ sở sản xuất bị dời đi làm cho số công nhân giảm dần, số người thất nghiệp dài hạn tăng cao. Tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển bị phân hóa, một phần trở thành diện nghèo. Hễ có sản xuất (thế giới) thì phải có tiêu thụ, nhưng dân chúng (mảnh thị trường) lại nghèo đi vì thất nghiệp, lại thêm gánh nặng thuế má do chính phủ hiện hành đặt ra, thì lấy đâu ra mà tiêu thụ, đó là một trong những hậu quả của toàn cầu hóa. Dùng sức tiêu thụ của người nhà giầu để bù lấp khoảng trống thiếu thốn đó ?

Nhà báo Eric Zemmour viết trên tờ Le Figaro ngảy 26.01.2018 là « những con số giết người ». Số liệu của Oxfam đưa ra trước thềm hội nghị ở Davos giữa các nhà lãnh đạo các công ty tư nhân hàng đầu là 82% sự giầu có được gặt hái trong năm vừa qua đã lọt vào tay một thiểu số 1% cực kỳ giầu có trên toàn thế giới, nắm chiếm các thị trường. Chính phủ Pháp tiếp tục cứu gỡ tình cảnh nạn thất nghiệp bằng cách « tái phân phối » cho người nghèo mà số tiền để tái phân phối này lấy ra từ…nợ công. Dủ vậy, người dân sống lây lất, buồn bã, trầm cảm…

Nhiều người chống lại toàn cầu hóa vì hoàn cảnh, vì cách nhìn những vấn đề tiêu cực của nó. Đi kèm với hiện tượng toàn cầu hóa từ thập niên 1960 là trên bình diện xã hội hiện tượng phát triển chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối, chủ nghĩa hưởng thụ, tiêu thụ… có đất phát triển, kéo theo những hậu quả xã hội đáng nói. Không kể ra ở đây những cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới thực chất là vì dầu hỏa, vỉ khí đốt, vì khoáng sản…

Toàn cầu hóa đang vướng vấp nhiều khó khăn khi thực hiện. Chỉ nói riêng về mặt vận chuyển hàng hóa, công cụ quan trọng nhất, nó cũng bị vướng mắc bởi hai yếu tố, đó là thời gian giao hàng từ người bán đến tận tay người mua còn quá lâu và sự thiếu ý thức lao động nghề nghiệp của những con người làm dịch vụ này, quan liêu, máy móc, thiếu sự nhạy bén…trong các công ty vận chuyển.

Hình ảnh những người phu bến cảng, phu bến tàu khuân vác nặng nhọc, lam lũ, lùi dần vào dĩ vãng, giờ đây trên các bến cảng họ làm việc với những phương tiện tin học hiện đại để thông tin, để xếp gỡ, để tải lên tải xuống.

Cho nên, các chính phủ tìm cách gỡ gạc bằng thuế nhập khẩu và một số rào cản bằng những biện pháp hành chánh làm khó cho việc nhập cảng. Ngành quan thuế trở nên rất quan trọng, « mở ra » hay « xiết lại » thì tùy thuộc vào tình hình riêng biệt của mỗi quốc gia, và phát triển tỷ lệ thuận theo cùng với sự phát triển của những đoàn tàu biển vượt đại dương.

Khả năng chuyên chở của cargo được tính bằng TEU (Twenty-foot Equivalent Units) tức là bằng số lượng của công tơ nơ 20 foot (ft) có thể chứa được (một tàu cargo 6.000 TEU có nghĩa là có sức trọng tải an toàn 6.000 công tơ nơ 20 foot ). Một công tơ nơ 20 ft, dài 6,058 mét, rộng 2,439 mét, cao 2,591 mét, có tải trọng tối đa là 30.400 kí lô, công tơ nơ rỗng nặng 2.200 kí lô, tức là tải trọng ròng là 28.200 kí lô.

Số lượng trao đổi hàng hóa trên thế giới được vận chuyển đến 90% bằng đường hàng hải, phần lớn vận chuyển bằng công tơ nơ. Tổng số của chỉ riêng cargo công tơ nơ lên đến 5.072 chiếc có trọng tải là 17,6 triệu TEU (thống kê vào tháng 2014), để thấy con đường hàng hải đặc nghịt những tàu vận chuyển. Kích thước của các công tơ nơ có nhiều cỡ : 20 ft, 40 ft, 48 ft và 52 ft.

Có nhiều loại tàu cargo vận chuyển. Người ta có thể phân biệt loại tàu chở hàng tổng hợp và chở hành khách ; tàu chở công tơ nơ đang phát triển rất mạnh ; tàu tải hàng rời như than, ngũ cốc, hạt, khoáng sản, xi măng, phốt phát, chở dầu, khí gaz ; tàu đông lạnh để chở trái cây, nước trái cây, thịt, cá… ; loại tàu há mồm « Ro-Ro » (Roll-On, Roll-Off) chuyên chở xe hơi…mỗi loại tàu được chế tạo khác nhau.

Những cơ sở đóng tàu cargo nổi tiếng thế giới nằm ở Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc, Đan Mạch.

Hiện tại, đã có 7 thế hệ phát triển của tàu biển. Từ năm 2006 người ta đã đóng những chiếc cargo khổng lồ dài 398 mét, rộng 56 mét, sức kéo nước là 16 mét, trọng tải hơn 14.000 TEU.

Ngoài kênh đào Panama ở châu Mỹ, kênh đào Suez ở Ai Cập nối biển Đỏ (Mer Rouge) với biển Địa Trung Hải là một điểm qua quan trọng trên đường từ châu Âu sang châu Á, để tàu biển khỏi phải đi vòng tuốt xuống châu Phi, bọc mũi Cap de Bonne-Ésperance (Mũi Hy vọng), rồi lại đi ngược lên hết chiều dài châu Phi để đến được miền biển Địa Trung Hải của châu Âu, tuyến đường đó rất xa, chứa đựng nhiều nguy hiểm, mất thời gian và rất tốn kém cho việc giao thông hàng hóa.

Trước kia, người ta đóng những con tàu cargo kích thước vừa đủ để qua lọt kênh đào Suez. Kênh Suez, nguyên thủy do Ferdinant de Lesseps khởi công xây dựng và do nữ hoàng Eugenie, vợ của Napoleon III, đi trên chiếc thuyền L`Aigle (Con Ó) khánh thành vào ngày 17.11 năm 1869, đã được nới rộng ra nhiều lần, lần cuối vào năm 2015. Hiện nay đoạn kênh đào từ Port Said (phía Bắc, giáp ranh với biển Địa Trung Hải tới Suez (phía Nam, biển Đỏ) dài 162 km, tàu cargo có sức kéo nước 22,5 có thể qua được, nơi đây là những tuyến chuyển hàng và phân phối quan trọng.

Tháng 6 năm 1967 nước Do Thái chiếm đóng bán đảo Sinai và kênh đào Suez, đóng cửa kênh đào Suez trong suốt tám năm đến tháng 6 năm 1975 thì được quân đội Ai Cập và Syrie giải phóng khỏi sự phong tỏa của Do Thái. 14 chiếc cargo cùng đoàn thủy thủ của nhiều quốc gia bị kẹt lại, giam hãm trong kênh đào Suez suốt tám năm. Sau khi được hải quân của quân đội Anh, Pháp và Mỹ tháo gỡ 45.500 mìn, 686.000 vũ khí chống xe tăng và người, 209 tấn chất nổ, kênh đào Suez được mở cửa thông thương lại cho thế giới. Trong tám năm đó 1967-1975, các tàu thuyền cargo đều phải đi vòng qua châu Phi.

Thời gian đi qua kênh Suez là từ 11 tiếng đến 16 tiếng đồng hồ. Mỗi năm có khoảng 20.000 tàu cargo qua kênh đào Suez, và nó đem lại cho ngân sách Ai Cập con số thu nhập là 5 tỷ đô la (thống kê 2013).

Tàu cargo chạy bằng dầu nặng nên khí thải của một chiếc cargo có thể tương đương với 50 triệu chiếc xe hơi.

Nói đến cargo là phải nói đến những công ty vận chuyển hàng hải là phần hồn của phần xác. Những công ty vận chuyển lớn nhất thế giới theo thứ tự là APM-Maersk (Đan Mạch) có 3.193.139 TEU, MSC (Thụy sĩ) có 2.782.861 TEU, CMA CGM (Pháp) có 2.278.407 TEU, COSCOCS (Trung quốc) có 1.552.894 TEU bỏ xa những công ty vận chuyển hàng hải có dưới 1 triệu TEU. Nhưng 20 công ty hàng hải lớn nhất thế giới này đã chiếm lĩnh hết 85% thị trường vận chuyển hàng hóa.

Cần phải biết phân biệt giữa người chủ cargo và người sử dụng cargo, tức là thuê cargo của chủ khác để chạy cho mình. Một công ty vận chuyển có thể có trong sở hữu một số ít cargo, nhưng thuê một số lượng cargo khác để vận chuyển hàng hóa cho mình.

Hơn thế nữa, các công ty lại còn liên kết với nhau để chiếm lĩnh mảng thị trường vận chuyển hàng hải, ba liên kết lớn nhất thế giới là liên kết Ocean Alliance tập hợp với CMA CGM, Cosco, Evergreen, OOCL có tổng cộng 350 cargo, chiếm lĩnh 37% thị trường, liên kết The Alliance tập hợp Hapag-Lloyd, « K »Line, MOL, NYK Line và Yang Ming có 244 cargo, liên kết 2M tập hợp các công ty Maerst Line, MSC, HHM có 223 cargo.

Từ năm 2008 các công ty vận chuyển bị áp lực từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Đầu năm 2017 một thống kê của MSI cho biết là có 260 cargo với số lượng trọng tải là 297.000 TEU thất nghiệp nằm cảng, trước đó vào tháng 10 năm 2016 con số cargo thất nghiệp đạt mức kỷ lục vởi 1.591 triệu TEU. Họ hy vọng là 2018 sẽ là năm đi lên của ngành vận chuyển hàng hải.

Công việc tổ chức vận chuyển đường biển từ thuyền nhỏ đến các cảng tập trung gọi là Hubs sang thuyền lớn, rồi từ thuyền lớn lại chuyển sang thuyền nhỏ hơn để phân phối đến các cảng quốc tế ngày nay rất nhanh chóng nhờ vào kỹ thuật bốc dỡ, phân phối.

Một trải nghiệm lý thú mới đây giúp tôi tìm hiểu kỹ năng vận chuyển hàng hải. Công việc phải làm là đưa một cái thùng gỗ nặng 150 kí lô đi từ HoChiMinh-City sang đến Pháp, qua cảng Le Havre. Mọi chuyện ở thành phố Hồ Chí Minh thoạt đầu rất trôi chẩy, xe đến lấy hàng chở về cảng Cái Lái, thủ tục dễ dàng nhanh chóng, và giá lại rẻ nữa, lại đi ngay không mất thời gian chút nào. Công ty vận chuyển báo tin chuyển từ tàu con lên tàu mẹ ở Singapor, thế rồi biệt vô tin tức, không biết lên tàu nào, đi đâu. Sau những ngày hồi hộp trông ngóng cả tháng, thì được biết từ tàu mẹ đã chuyển xuống tàu chị và đang trên đường về cảng Le Havre. Tôi đỡ hồi hộp, thở ra.

Đến hồi thứ hai : làm thủ tục vào Pháp ! Tại Pháp, khâu này rất bực mình vì nhân viên làm dịch vụ theo kiểu hành chính mà hành là chính, khai báo đủ mọi thứ, chứng minh chỗ ở, chứng minh nhân dân…, rồi được ra lệnh phải đóng thuế cho nhà nước Pháp. Tiền thuế và tiền các khâu thủ tục tại Pháp tính bằng euros cho nên đắt gấp ba, gấp bốn lần các chi tiêu ở Việt Nam. Tàu đã đến mà hàng còn nằm ở cảng chờ phân phối. Thế rồi công ty phân phối lại hàng hóa báo tin ngày giao hàng. Mừng quá.

Đến ngày giao hàng, bỗng dưng bực mình thêm lần nữa, vì công ty đó, Intercargo, chỉ ra lệnh giao hàng tại mặt đường, không giao trước cửa nhà « Par contre le transporteur déposera la caisse sur la rue. En aucun cas il ne la portera jusqu’à votre porte ou votre maison . ».

Dịch vụ kiểu Pháp có khác, khách cần nó chứ nó chẳng cần khách , nó chẳng phải lo thất nghiệp, giống như là tình trạng « khách lẻ » trong các dịch vụ du lịch luôn là bị xem thường, đối đãi kém lịch sự hơn khách đoàn, dù là khách lẻ phải trả tiền đắt hơn. Thôi thì khách đến kho trung chuyển lấy về vậy dù là tiền vận chuyển và tiền thuế đã trả đủ hoàn toàn. Chi phí cho chuyến đi của cái thùng gỗ tổng cộng lại gấp hai lần tiền món hàng, còn về thời gian thì mất đúng một tháng là hàng đến cảng. Nhớ đến những người giúp nhau, xúm xít nhau đẩy cái thùng gỗ ở Việt Nam mà thấy thương họ vô cùng ! MTT

CP-Cảng-Cát-Lái-Thành phố Hồ Chí Minh

42970016_401

Vues aériennes du Terminal Port 2000

Vues aériennes du Terminal Port 2000 – Le Havre, France

Duy Tân: Duyên nghiệp của một vị vua bị lưu đày  – Nguyễn Trương Quý

11. avril 2022

Duy Tân: Duyên nghiệp của một vị vua bị lưu đày

Nguyễn Trương Quý

10/04/2022 07:20

Bài đã đăng trên tạp chí Khoa Học và Phát Triển ngày 10.04.2022

https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/duy-tan-duyen-nghiep-cua-mot-vi-vua-bi-luu-day/20220407012850503p1c879.htm

Vai trò Duy Tân, như một con tin của nhiều phía, là hệ quả của một giai đoạn biến loạn của triều đình nhà Nguyễn. Cho dù vậy, tác giả Mathilde Tuyết Trần xác quyết, sau vị đầu triều Gia Long, Duy Tân là vị vua còn lại xứng đáng được ca ngợi của nhà Nguyễn.

Đầu thế kỷ 20, ngay từ khi nhà Nguyễn vẫn còn tồn tại dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp, đời sống của các vị vua đã trở thành đề tài truyền thông gây chú ý và được sách vở, báo chí khai thác, một phần do chủ ý thế tục hóa vương triều từ phía thực dân, một phần do sự nhận thức về dân chủ đã lan rộng trong quần chúng. Ở hầu hết các chân dung này, các vị quân chủ được khắc họa như những hình nộm hơn là những nhân cách sống động, thậm chí bị bài xích công khai như Phan Chu Trinh viết về Khải Định. Một vài hình tượng khác khiến công chúng chú ý, như bức ảnh vị vua nhỏ tuổi Duy Tân có khuôn mặt lo âu trong áo mũ cân đai quá khổ giữa các quan đại triều già nua, bí hiểm.

8d5So 14_Doc sach

Hai trong số 7 tác phẩm đã được xuất bản của Mathilde Tuyết Trần. Ảnh: NTQ

Nhưng công chúng không có nhiều cơ hội để khám phá họ như những cá nhân riêng biệt cùng những “duyên nghiệp” họ đã nếm trải với tư cách quân vương lẫn con người của kiếp sống vui buồn. Gần đây, những khảo cứu về các nhân vật này được xuất bản nhiều hơn, mà phần nhiều là nhờ những nỗ lực cá nhân. Sau cuốn Dấu xưa – tản mạn lịch sử nhà Nguyễn xuất bản cách đây 9 năm, tác giả Mathilde Tuyết Trần vừa ra mắt cuốn Vua Duy Tân – Prince d’Annam Vinh San: Duyên nghiệp 29 năm lưu đày 1916-1945 trên đảo La Réunion (Edition Mathilde Tuyết Trần, Pháp 2021).

43fVua_Duy_Tân_(1907)

Ảnh chụp vua Duy Tân năm 7 tuổi (1907), lúc mới lên ngôi. Ảnh: Wikipedia

Điều đầu tiên khiến tôi để ý là tác giả dùng từ “duyên nghiệp” để gọi hành trình của vua Duy Tân hay danh xưng chính thức bằng tiếng Pháp gọi người tù nhân bị đày ở hòn đảo giữa Ấn Độ Dương – “Prince d’Annam Vinh San”. Duyên nghiệp vốn là khái niệm phổ biến trong Phật giáo, việc dùng từ này ít nhiều gợi nên một sự kết nối giữa cựu hoàng với quê hương, thành phố Phật giáo tiêu biểu của Việt Nam. Nhưng cuộc đời của ông đã bị bứng khỏi cội rễ từ khi còn quá trẻ, 16-17 tuổi, và sự cắt lìa thông tin, văn hóa với cộng đồng cố hương cho đến tận lúc qua đời vì tai nạn máy bay năm 45 tuổi, khiến người đọc dành sự cảm thông cho một số phận đã phải trải qua ba thập niên lưu đày ở nơi tận cùng thế giới. Cuộc đời Duy Tân là hành trình dịch chuyển từ thuộc địa này sang thuộc địa khác. Liệu ông có thể làm gì với cửa hiệu sửa chữa đài vô tuyến điện trên hòn đảo Réunion, chỉ rộng bằng nửa tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay?

Cuốn sách đã cung cấp nhiều thông tin từ du khảo thực địa; các tài liệu, thư từ của gia đình; phỏng vấn những người con của cựu hoàng cũng như các nguồn văn bản sách báo liên quan, để dựng nên một chân dung đời sống của “Vĩnh San, hoàng tử An Nam”, danh xưng chính thức lúc bấy giờ. Có thể tóm lược hành trình đó như sau: Vĩnh San là con trai của vua Thành Thái (tên húy Bửu Lân); được đưa lên ngôi lúc 7 tuổi với hiệu là Duy Tân, khi vua cha bị Pháp và triều thần phế truất và đưa đi an trí vì có động cơ chống đối nhà nước thực dân. Tuy nhiên, khi lớn lên, Duy Tân có ý muốn xem xét lại các điều khoản thuộc địa để giành được nhiều quyền tự chủ hơn, và năm 16 tuổi, đã được các văn thân Thái Phiên, Trần Cao Vân tiếp cận để tiến hành khởi nghĩa. Do bị chỉ điểm, phong trào đã bị dập tắt, Duy Tân bị phế truất và bị đưa đi đày cùng vua cha đến hòn đảo Réunion, một thuộc địa của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương, cách xa bờ biển châu Phi vài nghìn cây số.

Trên hòn đảo này, để thích ứng với cuộc sống thiếu thốn do ngân khoản ít ỏi được cấp, Vĩnh San cố gắng hòa nhập vào đời sống bản địa, làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, rồi gắn bó với công việc duy trì một cửa hiệu sửa chữa máy vô tuyến điện và lập một trạm vô tuyến cá nhân. Trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Pháp đầu hàng Đức, các lãnh thổ thuộc địa theo quy định của chính quyền Vichy phải hợp tác với phe phát xít. Trạm của Vĩnh San đã phát đi các tín hiệu kết nối với các trạm của Anh và phe Đồng Minh trong khu vực nhằm cung cấp tình hình trên đảo. Nỗ lực kết nối của Vĩnh San cũng đi đến kết quả khi chiến tranh kết thúc. Ông đã tới được châu Âu và được nhận vào lực lượng kháng chiến Pháp. Khi tiếp cận được tướng Charles de Gaulle, Vĩnh San thuyết phục ông ta hỗ trợ Việt Nam độc lập và muốn đảm nhiệm vị thế một lãnh đạo quốc gia hợp tác với Pháp. Dường như de Gaulle đã dự kiến dùng giải pháp Vĩnh San – Duy Tân trong các kế hoạch với Việt Nam trong bối cảnh các thuộc địa dấy lên phong trào giải phóng dân tộc. Trên chuyến bay trở về Réunion cuối năm 1945, máy bay chở Duy Tân bị rơi ở Trung Phi và cựu hoàng tử nạn. Vài tuần sau, de Gaulle từ chức. Gần bốn thập niên sau, một người bạn Pháp đã đi tìm mộ của Duy Tân ở nơi máy bay rơi, sau đó là nỗ lực đưa thi hài về quê hương đã được hoàn tất. Ngày 6/4/1987, nhà nước Việt Nam đã tổ chức nghi thức đón thi hài vua Duy Tân tại Đại Nội (Huế) và an táng tại An Lăng, nơi chôn cất các vua Dục Đức (ông nội) và Thành Thái.

Rõ ràng, cuộc đời của Duy Tân không phải là của một đế vương nhiều hiển tích, thậm chí ngược lại, là một ông vua bị giam cầm trọn kiếp. Mathilde Tuyết Trần chắp nối các ký ức và câu chuyện về con người cá nhân Vĩnh San để cho thấy, ông hoàng từ nhỏ đã phải chịu đựng một cuộc sống nhiều ràng buộc và áp chế từ những người thân, sự theo dõi dò la từ các quan đại thần khống chế quân vương kết hợp với tầng kiểm soát của người Pháp, cuối cùng là những âm mưu cung đình trong dòng họ Nguyễn Phước nhiều cạnh tranh giữa các hệ đế. Vai trò Duy Tân, như một con tin của nhiều phía, là hệ quả của một giai đoạn biến loạn của triều đình nhà Nguyễn.

Cho dù vậy, Mathilde Tuyết Trần xác quyết, sau vị đầu triều Gia Long, Duy Tân là vị vua còn lại xứng đáng được ca ngợi của nhà Nguyễn. Điều này có thể dấy lên những tranh cãi từ nhiều phía, song ít nhất cũng cho thấy sự can đảm của tác giả. Mathilde Tuyết Trần không ngại ngần nhận xét Hàm Nghi “an phận” với đời sống sung túc ở Algers trong thú vui vẽ tranh, nặn tượng và kết hôn cùng con gái nhà quyền thế Pháp ở Algeria, còn Thành Thái là một ông bố độc đoán và khó thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Duy Tân đã phải chia tay người vợ đầu và cho cô về nước, nhưng ông không được ly dị. Do đó ba cuộc hôn nhân của ông với ba người phụ nữ Pháp sau đó ở Réunion đều là ngoại hôn, dẫn tới các con đều mang họ mẹ cho đến lúc ông tử nạn. Không có quốc tịch Pháp dù đã làm đơn nhiều lần, Vĩnh San – Duy Tân đã cố gắng cả quãng đời lưu đày tìm cách kết nối với thế giới, với các nhà chức trách Pháp ở chính quốc nhằm giành một sự công nhận hoặc có phương thức trở về quê hương, nhưng như tác giả cuốn sách đã cho thấy, ông vô cùng đơn độc. Người Pháp, cụ thể là những quan chức của Bộ Thuộc địa hay các cơ quan khác, đã lờ đi tiếng nói của một cựu hoàng An Nam. Triều đình An Nam với sự thúc thủ của mình, cũngnhư ngôi báu đã thuộc về dòng hệ đế cạnh tranh, không mặn mà gì với số phận cựu hoàng.

Cuộc chiến tranh thế giới rốt cuộc là cơ hội cuối cùng để tiếng nói của ông cất lên được trên truyền thông. Như câu chuyện đã diễn ra, Duy Tân đã có thể có cơ hội quay về với tư cách tái vương như lời de Gaulle đã viết trong hồi ký: “Tôi tiếp ông để tìm kiếm với ông, một cách bình đẳng, ngang hàng, những gì ta có thể làm chung với nhau” và lời Duy Tân nói với tướng de Boissieu, con rể de Gaulle: “Nhưng tôi chẳng cần phải ai đưa lên ngai vàng. Chính tôi là Hoàng đế. Tôi không có thoái vị. Tôi trở về đất nước tôi với tướng de Gaulle. …Vả lại, tất cả những điều ấy sẽ được trưng cầu ý dân, nếu người dân Đông Dương không muốn chấp nhận nhà vua hay phải thay đổi Hiến pháp”.

Tất nhiên lịch sử không có chữ nếu, nhưng nếu Duy Tân thành công trong việc trở về cố quốc thì sao?

Sự tranh thủ phương án de Gaulle đầy vội vã cũng là một nỗ lực nhiều phần rủi ro của Duy Tân khi ông không nhận thức được thời thế đã thay đổi khi Cách mạng tháng Tám đã diễn ra ở quê nhà và chế độ quân chủ cả nghìn năm đã chấm dứt. Vào thời điểm đó, các văn bản chính thức đều mất vài tháng mới từ Pháp về đến Réunion và thông tin về tình hình Việt Nam càng ít ỏi hơn. Ra đi từ lúc còn chưa đủ tuổi trưởng thành, lại bị cắt lìa với thế giới ở một hòn đảo giữa đại dương, hiển nhiên là Duy Tân không có điều kiện nhận thức toàn diện lẫn sự chuẩn bị tài lực vật lực cho một cuộc trở về ở phương diện chính trị. Đó là chưa nói đến việc Duy Tân tham gia quân đội Pháp (dù ở mức độ hình thức) nếu xuất hiện ở diễn đàn chính trị Việt Nam sôi sục năm 1945, chưa chắc đã có một hiệu ứng tốt khi ký ức về ách đô hộ của Pháp còn đậm nét. Bản thân chính trường nước Pháp hậu chiến cũng rơi vào tranh cãi trước vấn đề thuộc địa. Như quyết định năm 1916 của mình, năm 1945 Duy Tân cũng vẫn đơn độc và đồng minh là những người không có khả năng thực sự. Duy Tân chỉ còn là một cái tên đẹp đẽ trong dòng lịch sử, giờ được đặt cho đường phố, trường đại học, khách sạn ở Việt Nam, một cây cầu và đường phố ở thủ phủ đảo Réunion. Một câu hát cũ cũng gợi lại một ký ức đẹp đẽ: “Trả lại em yêu, khung trời đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…” (Phạm Duy).

Điều chúng ta có thể nói thêm sau khi đọc những khảo cứu này là vua Duy Tân đáng trọng bởi sau nhiều thập niên bị đứt lìa vẫn cố gắng tìm cách khôi phục lại kết nối văn hóa, tập quán, chữ viết, các mối quan tâm chung đương diễn ra ở quê nhà, cho dù bằng một phương tiện mà ông chưa lường hết hệ lụy. Cuốn sách của Mathilde Tuyết Trần cùng với cuốn trước, như tác giả đã bày tỏ, “như một hạt cát trong sa mạc văn hóa của dân tộc”, là sự cần thiết cho những suy tư về những kết nối văn hóa của tất cả chúng ta.

Mathilde Tuyết Trần là bút danh từ năm 2003 của Trần Thị Tuyết. Chị sinh năm 1952 tại Sài Gòn, học tập và làm việc trong lĩnh vực thanh tra kinh tế hành chính công ở Đức, trước khi định cư và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, hội họa, và âm nhạc ở Pháp. Chị đã xuất bản 7 tác phẩm, trong đó có cuốn Dấu xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn do Nxb Trẻ ấn hành năm 2011. Đề tài lịch sử, đặc biệt những câu chuyện về triều đình Huế là mảng chủ đạo trong khảo cứu của Mathilde Tuyết Trần, trong đó chị bỏ công đi tìm dấu vết của các vị vua bị lưu đày như Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân.

Nguyễn Trương Quý

Thư gởi bạn Hoa trong mùa Xuân về sớm

3. avril 2022

Thư gởi bạn Hoa trong mùa Xuân về sớm – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2022

Năm nay mới qua giữa tháng hai sau ngày rằm tháng giêng âm lịch thì nàng Xuân đã vội vã trở về trên đất Pháp. Hôm nay vẫn còn âm hưởng của cơn bão biển mang tên Eunice mùa đông nơi đây, gió mạnh, trời âm u một màu xám đục nặng trĩu nước mưa chỉ chực rơi xuống. Giữa tuần chúng tôi còn ở bờ biển Bắc, trong một nhà thương nhỏ cách bờ biển chưa tới mười cây số, yên tĩnh, gió thổi vù vù suốt đêm suốt ngày đến nỗi cái xe nặng 1 tấn rưỡi mà còn phải rung rinh trong những cơn gió quật đến 150 cây số giờ. Ngoài biển sóng đánh dữ dội, chồng tôi thích chí lái xe chạy ra ngắm biển giận dữ, nhưng anh mau chóng lái xe chạy về, bảo gió thổi cát từ bãi biển tung lên đường thành đụn cát tứ tung, cát bắn rát vào mặt, miệng, mũi, hàng quán đóng cửa cả. Chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp, mấy chục ngàn nhà cửa bị đứt đường dây chuyển điện. Tôi ở bờ biển hai ngày điều trị, rồi chồng tôi lại lái xe chở về nhà, bỏ lại sau lưng những làng mạc, nhà thương trong cơn bão biển, nhà tôi chỉ cách bờ biển 80 cây số theo đường chim bay mà đường bộ chạy lòng vòng qua làng mạc thành phố kéo dài thành gần 200 cây số. Sáng nay đọc báo thấy đã có 16 người chết, nhà tróc nóc, gạch ngói rơi xuống, cây đổ đè người, xe tải đang chạy bị gió thổi đổ ngiêng trên đường, máy bay hạ cánh rất khó khăn….

prunus22_2Vậy mà trong cái thảm cảnh của bão, nàng Xuân đã rón rén trở về. Buổi sáng thức dậy đã nghe nhiều tiếng chim líu ríu hót, bên ngoài cửa sổ những cây hoa hồng khô khốc đã trổ những cái nụ, chiếc lá xanh bé tí, và năm sáu loài hoa báo xuân đã trỗi dậy trên mặt đất, mảnh vườn điểm màu lấm tấm. Từ mấy ngày trước những cụm hoa Perce Neige (hoa Xuyên Tuyết) trắng toát đã mọc lên vui tươi hớn hở trên đám lá mùa thu héo úa khô ẩm. Tôi khổ sở ngồi dậy, ra khỏi giường, đứng nhìn ra cửa sổ, ô kìa, cây đào đang ra hoa, từ những cành cây khô đã mọc ra những nụ hoa mầu đỏ. Sớm quá. Đáng nhẽ ra như thường lệ tháng hai là tháng lạnh nhất trong năm, sao sáng chằng chịt cả bầu trời xanh đen ban đêm. Chồng tôi bảo trời mưa bão mà lại ấm, nhiệt độ lên hơn mười độ mà em. Thảo nào, mấy chậu hoa mùa đông tôi trồng tuần trước đều mọc tươi tốt dưới hiên nhà. Mong cho đừng có những ngày băng giá trở lại như năm vừa qua, hoa mới vừa nở thì bị lạnh đã rụng hết nên không kết trái được. Thời tiết ấm như thế nhưng không có nắng, đàn ong vẫn đóng tổ kín mít như bưng, không bay ra, chúng cảm nhận được thời tiết.

Tôi thả hồn suy nghĩ miên man, chợt dừng lại ở một ý mà tôi vẫn thấy sao mà nó bạc bẽo vô duyên cực độ vừa lại mang một thực tế luôn đúng:  » không có mợ chợ vẫn đông !  » Ngày mai đây, khi tôi ngưng viết lách để làm mây trắng bay trên trời thì « chợ vẫn đông ». Nói thế chứ chợ lúc nào cũng đông, sức mình, điều kiện của mình chỉ có được đến thế, lớp hậu sinh khả úy ngày càng nhiều, càng giỏi, càng ưu việt hơn lớp đi trước, đó là điều đáng mừng cho mai sau.

Bạn Hoa gởi đến một bài đọc cho vui, tác giả viết về một câu hát nhại của con nít ngày xưa: « Bà già lý le ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông, hai người nói chuyện tâm tình, ôm nhau té lọt xuống sình…. » . Ừ thì phụ nữ sống lâu hơn đàn ông, ừ thì phụ nữ đỏm dáng hơn đàn ông, ừ thì phụ nữ có nhiều « sáng kiến » để chài mồi hơn đàn ông, cho lọt bẫy êm thắm mà không biết…Tôi bỗng nhìn lại « ông già » bên cạnh mình. Mới có ba năm thôi mà anh ấy già đi trông thấy. Con tôi nó cũng nhìn ra bảo, ông đã bệnh mà còn lo cho bà quá mà, không già đi làm sao được. Tóc râu đều bạc trắng, đến nỗi cô tiếp tân khách sạn nơi chúng tôi ở cũng phải đùa cợt gọi ông là « le loup blanc » (như một con chó sói trắng) với ông già thích ham chuyện. Cái miệng hay tán gẫu với mọi người vẫn như thế, vẫn cười vui tươi, hết mình, nhưng đôi mắt tinh anh ngày nào đã mờ dần, nét mặt thay đổi. Cái tật hay quên, lẩn thẩn của người già đã bắt đầu bằng cái chuyện quên chùm chìa khóa, hôm kia thì nhớ là hôm qua, hôm qua thì nhớ là đã lâu…cái nhớ nọ sọ cái nhớ kia, cái nhớ đã có phần lộn xộn. Thậm chí anh nhớ lại mối tình đầu tiên lỡ làng của mình, rồi thương tiếc người yêu đầu tiên, một cô gái khá xinh đẹp, đã bạc mệnh, rồi để cho những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Nhiều khi, người đàn ông quên đi mối tình cuối hạnh phúc để nhớ để thương để khóc mối tình đầu lỡ làng duyên phận ! Giờ phút cuối cùng của đời mình anh gọi tên ai ? Chẳng ghen với quá khứ, vì anh vẫn ân cần săn sóc, lúc nào cũng ở bên tôi, lại có phần trìu mến hơn với tôi, người vợ cuối cùng đang lâm trọng bịnh. Anh quả là một người chồng chung thủy.

Ấy vậy mà đi đâu cũng kể chuyện mua vui thiên hạ. Có lần trong sảnh lễ tân của một khách sạn ở Sài Gòn, một bà cỡ tuổi tôi, thấy tôi ăn mặc giản dị bình thường, tưởng tôi là « guide » du lịch (phát âm Việt là « gai ») cho ông tây, sán lại hỏi tôi liền là « em ơi, em là « gai » của ổng hả, chị là tỷ phú đó em, nhưng đang ở một mình, em có muốn « nhượng » lại ông tây này đổi lấy 50 ngàn đô la không ? ». Tôi ngạc nhiên đến phát cười, chị ơi, rẻ quá, em không ham, ông này đáng giá lắm, chị có biết lương hưu của ổng là bao nhiêu không, và tài sản của ổng nữa…chị hỏi ổng đi coi ổng có chịu không ? thì chị không biết tiếng tây làm sao mà nói chiện được. Còn ở Hà Nội thì các bà chanh chua hơn, này chị vớ được ông tây này ở đâu thế, ông ngoan thế, tha hồ mà mua sắm, ông chịu khó ngồi chờ kiên nhẫn thế ! Xuất hiện ở đâu cũng thế, các bà các cô xông tới vuốt bụng bá vai ngả đầu để chụp hình, bất chấp tôi đứng bên cạnh, ổng thì không biết phản ứng thế nào, chỉ cười. Đó  » bà già lý le ông già  » cỡ đó đó, bạn Hoa tức cười không ?  Không ai vô tư, « chịu chơi », bất chấp búa rìu dư luận như mấy bà già nhỉ.

Bước sang tuần thứ ba của tháng hai, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu ngày 22.2.2022, nước Pháp rúng động, dầu sưởi tăng cấp tốc đột biến từ 964 euros (01.12.2021) lên đến hơn 1.800 euros/một ngàn lít (07.03.2022), kéo theo giá xăng, dầu, gaz vượt mức lên hơn 2 euros/một lít. Tôi mua dầu sưởi hôm nay giá là 1,530 euros/lít, tương đương với gần 40.000 vnd/lít, 1.000 lít là 1.530 euros ! Cái bồn chứa dầu có dung tích là 1.500 lít. Đường phố vắng hẳn xe cộ như trong thời giãn cách, dân chúng lo sợ đây là màn khởi đầu của đại chiến thế giới lần thứ ba. Thực ra người dân Pháp đã bắt đầu gánh cùng gánh chung gánh nặng, chịu đựng sức ép kinh tế trực tiếp của cuộc chiến tại Ukraine từ ngày khởi đầu. Chi tiêu cho nhiệt liệu và di chuyển chiếm hết phần lớn của kinh tế gia đình thì còn lại được bao nhiêu tiền cho những thứ cần thiết khác ? Chồng tôi đi mua cấp tốc một cái lò sưởi than nặng hơn 300 kí lô hì hục khuân vác về, để đổi từ dầu sang than củi.  Chiến cuộc ở Ukraine mới được có một tuần thì khi tôi đến nhà thương điều trị đọc báo đã thấy những người di tản Ukraine sớm nhất đã đến được Pháp, một số người Ukraine chờ tại Pháp để được sang Anh. Họ ra khỏi nước họ nhanh thật, chỉ trong một tuần đã đặt chân lên vùng Pas-de-Calais nước Pháp và được dân Pháp đón tiếp tử tế, niềm nở, báo đăng. Nước Pháp lại đang bước vào giai đoạn quyết liệt của mùa tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2022-2026 với những nhiệm vụ nặng nề, chiến lược, giữ vững hòa bình hay chiến tranh lan rộng. Khổ rồi !

Ngày 15.03. Việt Nam mở cửa lại du lịch cho toàn thế giới, nhưng xu hướng năm nay là những chuyến đi gần vì sau đợt dịch covid 19 vừa qua là tình hình chiến tranh làm cho người ta lo ngại, đi xa thường phải trù tính sửa soạn từ cả sáu, bẩy tháng trước. Trường hợp có những người bị kẹt không trở vào được đất nước mình làm cho vấn đề lo lắng cho chuyến trở về địa điểm xuất phát của mình, rào cản ở cả hai đầu là một điều mới mẻ cho dân chúng đi du lịch, tự do bị hạn chế, tự do có điều kiện thấy rõ. Giá cả tăng, thuế tăng, đời sống rất đắt đỏ, giới trung lưu ở châu Âu bắt đầu thắt lại hầu bao, mọi người đều phải lo cái ở, cái ăn, cái mặc, di chuyển, công việc, con cái…hy vọng không làm giảm được sự ham muốn thư giãn, phiêu lưu, khám phá, tìm hiểu ở một chân trời xa lạ.

piti0322t0322Sang ngày « cá tháng tư » 01.04. , bão tuyết rơi trắng trời, những ngày lạnh lại xen về, đông xuân đan lẫn với nhau…, người ta đã mau quên một mùa xuân về sớm, tình hình thời sự đi nhanh hơn cả thời gian, Hoa ạ. Mong Hoa vui nhé, bọn mình chiến đấu tiếp tục….

prunus22_1

Nguyễn Ba 1938-2022

24. mars 2022

Nguyễn Ba 1938-2022

 

Tạm biệt hay vĩnh biệt ? nếu có niềm tin rằng, ở cõi tạm chợt đến chợt đi và những ai có duyên có nợ với nhau ắt gặp lại nhau dù dưới hình thức khác, thì những chuyến ra đi của những con người chỉ là một cuộc tạm biệt hẹn ngày gặp lại. Vĩnh biệt là lời chúc một linh hồn mãi mãi về cõi vĩnh hằng siêu thoát luân hồi. Anh Nguyễn Ba cũng thế, chợt đến chợt đi, tạm biệt anh hẹn ngày tái ngộ, hay vĩnh biệt anh, chúc cho hương linh anh mau siêu thoát về cõi vĩnh hằng là niềm gởi gấm của mỗi người đã từng quen biết anh khi được tin anh qua đời.

Hồi xửa hồi xưa, những cô cậu nào mới đến nước Đức, nghe những cái tên như Nguyễn Ba, Nguyễn Xuân Xanh, Bùi Văn Nam Sơn, Trần Thoại Duy Bảo, Đỗ Ngọc Quỳnh, chị Phượng, chị Thay…. là sợ thụt lưỡi. Sợ vì các anh chị là đàn anh, đàn chị, lớp đi trước dẫn đầu đàn em, vì nghe tên các anh chị trước khi được biết mặt các anh chị…Rồi dần dà được biết các anh chị qua những buổi họp mặt liên hội, những đêm văn hóa toàn hội….Hội khi ấy là mái nhà, cùng chung một mái nhà thì tình cảm ấm áp, đoàn kết với nhau, xem nhau như anh, chị, em….

Thời gian trôi qua, bao nhiêu là biến đổi, nhưng không có cái biến động nào mạnh như 1975 trong lòng người Việt. Sau 1975, một hôm tôi gặp anh Ba, tiếc là không còn nhớ là dịp nào, anh Ba nói là sắp có người về nước, muốn gởi thơ tay thì người ta mang dùm cho. Tôi hỏi lại anh Ba là muốn nhờ người ấy mang dùm một cái thơ và chút xíu đồ về cho ba má tôi được không, anh nói là chắc được vì anh nhờ dùm cho. Tôi bèn lấy một cái hộp kẹo ho cũ, bên trong tôi bỏ hết vào đó sợi dây chuyền chín hàng 1 lượng vàng cưới của tôi cùng với đôi bông tai, tấm lắc 1 lượng vàng tây và vài cái nhẫn vàng, dây chuyền vàng lỏn cỏn và một lá thư nhờ đem về cho ba má tôi. Sau đó thì bặt tin người đưa thơ. Tôi hỏi anh Ba thì anh Ba cũng không biết tin, không biết đâu mà tìm. Còn phần ba má tôi thì không nhận được gì cả của tôi gởi về. Anh Ba và cả tôi nữa đã tin người một cách mù quáng. Chuyện đi dần vào quên lãng. Thời gian trôi qua…

Đến năm 2009, tôi đã rời nước Đức từ lâu, một hôm bất ngờ nhận được thư điện tử của anh Nguyễn Ba, tôi rất ngạc nhiên, và lại còn ngạc nhiên hơn nữa là anh mời tôi về nước tham dự Hội Nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội trong phái đoàn Đức. Tuy ở Pháp đã gần chục năm, tôi không có đất dụng võ viết văn, trở thành lãng tử phiêu lưu lang bạt giang hồ một mình một cõi với trang mạng của mình thoạt đầu từ năm 2000 với TuyetTran.de, do cu Chí lập dùm cho. Tôi và Pierre nhận lời mời của anh Nguyễn Ba cùng tham dự trong phái đoàn của Đức. Đến hẹn lại lên, gặp nhau tại Hà Nội trong phái đoàn Đức ai nấy đều bỡ ngỡ vì có tôi, tính ra có đến gần 40 năm xa cách, lại có « ông Tây » đi cùng, mà lại không phải trong đoàn « Tây » mà lại là đoàn « Đức » ! Riêng anh Nguyễn Ba gặp lại tôi thì rất vui mừng, đối xử với Pierre cởi mở, thân tình, rất thật thà.

Sau lần đó, tôi và Pierre gặp anh Nguyễn Ba riêng ở Huế một lần nữa. Anh Ba mời vợ chồng tôi ăn món Huế bên bở sông Hương, và hôm sau nữa đi chơi ở biển Cửa Đại, những kỷ niệm êm đềm vui vẻ không thể quên.

Anh Ba muốn nói lên điều gì khi tìm đến tôi, muốn hàn gắn lại điều gì, tôi không đoán được, nhưng cũng cùng qua những nhận xét của Pierre, chúng tôi tin là tình cảm của anh Ba đối với chúng tôi rất thật thà và vô vụ lợi. Tôi nhận thấy tôi và anh Ba có chung một quan điểm là chỗ đứng của tôi không thuộc về chính trị, mà trên bình diện « cái tình », một chút tình yêu mến quê hương, xứ sở, cha mẹ, gia đình, người thân, bạn bè thân quý.

Nay người anh cả của phong trào yêu nước sinh viên Việt Nam những năm chiến tranh tại Tây Đức, như anh Thịnh đã nhận định, anh Nguyễn Ba, tiến sĩ toán học, đã ra đi ở Hannover, chúng tôi xin chia xẻ nỗi đau buồn mất mát của tang quyến và nguyện cầu cho hương linh anh được thanh thản nơi cõi hư vô, không ưu phiền, vĩnh hằng vĩnh cửu. Thêm một người trở thành một cụm mây trắng….bay trên trời xanh…

Tuyết và Pierre

tnp1

numérisation0014numérisation0013 (2)

MTT_NguyenBa2009

Thời trang và bước tiến của xã hội

10. février 2022

Thời trang và bước tiến của xã hội – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2022

Ngồi nhà đọc báo mạng ngày Tết Nhâm Dần, thấy hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất « vỡ trận », « quá tải », theo những cách nói hiện nay của người Việt « mới », nạn dịch covid không còn thấy đâu tuy người dân vẫn đeo khẩu trang, tôi hãi hùng may mắn thay là không thấy mình ở trong cảnh đó. Cái cảnh kẹt xe miên man chứa đựng một điều gì quen thuộc: sống lại rồi, qua rồi, bình thường rồi, sau những ngày thành phố trống vắng lạnh lùng, sau những cuộc tháo chạy về quê nhà ồ ạt và gian nan của người dân lao động bằng xe máy hai bánh ra khỏi thành phố bị phong tỏa, sau những sự chờ đợi hoảng hốt và mỏi mệt còn hơn là « mắc dịch », như một câu mắng yêu của người miền Nam :  » Quỷ nè, cái đồ mắc dịch » !.

Tưởng tượng ra mùi hơi người của đám đông chen chúc nhau chờ một chiếc taxi, hành lý cồng kềnh đẩy xe, xách tay, khiêng vác, kéo lê trên mặt đất nặng nhọc, tiếng ồn ào gọi nhau như chợ chiều tan, tiếng con nít khóc, tiếng cửa xe đóng mở bùng bùng, rồi mùi khói xăng dầu bốc lên trong không khí ở 30°C, sức khỏe đã yếu, tôi muốn té xỉu. Nhớ những lần, anh K. hay anh L. ra đón ở sân bay Tân Sơn Nhất, phải đậu xe ở xa, bắt được vợ chồng tôi rồi mới đi lấy xe chạy tới, vất vả vô cùng, vợ chồng tôi mang ơn không hết ! Còn ở sân bay Nội Bài thì khi nào cũng thoải mái, rộng rãi, khoáng đãng, êm dịu, vợ chồng tôi được pick-up một cách thong thả ung dung bằng xe của khách sạn gửi đến. Sân bay Tân Sơn Nhất vì bây giờ nằm ở giữa thành phố phình ra cho nên tình trạng kẹt xe khó tránh khỏi. Bao giờ mới được về lại nhỉ ?

Nhưng ngắm đám hành khách máy bay tôi lại khám phá ra một điều thú vị: thời trang của các cô, các cậu. Nói chung, người Việt ăn mặc lịch sự, theo đúng mốt thời thượng. Các cô, đơn giản thì là một chiếc áo đầm đúng điệu, người thì khoác thêm cái áo măng tô (manteau), áo vét (veste) đúng mốt, đúng mầu camel của mùa đông 2021/2022, không thua gì nước ngoài. Cũng có bà mặc đồ bộ theo kiểu xưa và kiểu ở nhà, quần và áo cùng mầu sắc, lên máy bay. Các ông, các cậu cũng áo khoác ngoài, áo blouson, t-shirt, áo sơ mi (chemise), quần jean, quần tây mầu sắc nhã nhặn, lịch sự, giầy thể thao …xứng với quần áo của phụ nữ. Nhưng có điều, rất nhiều người đi dép lê, dép kẹp bằng cao su, dép nhựa… làm cho người ngắm cảm thấy có một điều gì trên dưới không tương xứng, chưa trọn vẹn. Đi các loại dép này cả ngày thì mau dơ chân, gan bàn chân và gót chân đen thui, không đẹp mắt. Thông thường, ở châu Âu không ai đi dép lê, dép lười ra đường. có lẽ cái khác nhau là ở nhiệt độ thời tiết. Ở nhà, nóng quá, ai cũng khoe mấy ngón chân xấu xí của mình ra ngọ ngậy cho mát. Ở châu Âu vì lạnh, phải đi giầy mang vớ, trong mùa đông thì đủ kiểu giầy bốt cao, giầy bốt ngắn.

Mọi người đều mặc mầu sáng, trái ngược lại với châu Âu đang mùa đông, hầu hết mọi người đều một mầu tối đậm đen như quạ. Trời thì mau tối sụp, mặc toàn đồ đen băng qua đường, nhiều người không nghĩ đến an ninh khi di chuyển của chính mình, vì mầu đen được cho là sang trọng, đúng điệu, ít thấy dơ bẩn.

MTT_Maman_Hanoi1939_re

Thiếu nữ Hà Nội 16 tuổi, ảnh chụp năm 1939

Hồi xửa hồi xưa những năm 1930, 1940, lúc ba má tôi còn độc thân, ở Hà Nội, các bà mà mặc cái áo bành tô, cái áo pa-đờ-xuy (par-dessus) bên ngoài chiếc áo dài là sang trọng lắm. Các ông ra giáng công tử Hà thành ra đường chỉ diện toàn com lê mầu trắng, như tây, từ đầu đến chân. Các tiệm chụp ảnh thường có loại áo này để cho khách hàng mượn mặc chụp ảnh.

Đến lượt tôi đi du học, má cũng cho tiền sang tiệm may Phúc Lợi may một cái áo măng tô cổ điển dài đến quá đầu gối, bác Phúc Lợi tự tay đo tay cắt từ tấm vải len dạ mầu xám đậm, may cẩn thận từ đường kim mũi chỉ cho đứa con gái hàng xóm đi du học, tôi tiếc là tôi đã mất chiếc áo này qua những lần dọn nhà.

Thời tôi mới lớn 1960-1970, các bà các cô thượng lưu ra đường mặc toàn là áo dài với quần trắng hay quần đen. Quần lụa đen chỉ mặc trong những ngày phụ nữ có kinh nguyệt. Người bình dân thì mặc quần áo bà ba, đồ bộ. Quần lụa mặc với áo dài đủ mầu sắc chói chang xanh, đỏ, tím, vàng, hồng….hoặc là tông-suỵt-tông (ton sur ton) đồng mầu với áo, hay là « chơi » tông chõi đối nghịch lại với mầu sắc của áo chỉ xuất hiện sau 1975.

Trong thành phố Saigon lác đác đã thấy giới trẻ học trường tây diện áo đầm, áo thung, quần tây. Hồi đó chưa có quần jean xuất hiện. Cậu ấm cô chiêu con nhà giầu phải đặt mua ở nước ngoài, thường là từ Pháp, những bộ cánh mốt theo tây để diện lấy le, làm lé mắt thiên hạ.

MTT_GiaLong1

Nữ sinh đệ Nhất C2 trường nữ trung học Gia Long: Tuyết và Diệu

Con gái đi học cũng mặc toàn là áo dài trắng. Thời tôi, khi tôi lên trung học, có trường dạy chương trình Pháp như trường Marie Curie, trường Colette …và có trường dạy chương trình Việt như trường Trưng Vương, trường Gia Long, trường Lê Văn Duyệt là nổi tiếng và dành cho con gái. Tôi còn nhớ, hồi đó có người khuyên ba má tôi nên cho tôi nhập trường Colette, nhưng trường này nhận học sinh trai/gái lẫn lộn, má tôi sợ tôi « mau hư » nên cuối cùng tôi phải dự thi tuyển để vào trường Trưng Vương có tiếng là trường của Bắc kỳ di cư, trong khi trường Gia Long là trường của xứ Nam kỳ tự trị. Muốn nhập học trường Gia Long, cũng như trường Trưng Vương, học trò phải qua một kỳ thi tuyển rất gắt gao. Tôi thi đậu vào trường thứ hạng hai tám trong sự thất vọng của bà giáo bậc tiểu học ! Sau này, lên đệ nhị cấp thì tôi chuyển sang trường Gia Long. Trung thành với truyền thống học trò, khi đi học tôi mặc áo dài trắng, đi chơi thì mặc áo dài tím. Cái tủ áo của tôi, mấy chục cái áo dài trắng vởi huy hiệu của trường, áo dài tím, quần lụa…sau khi tôi đi du học là mất hết. Má tôi giữ được mấy năm, sau thì bà cũng cho đi…một thời thương nhớ.

MTT_GiaLong2

Nữ sinh đệ Nhất C2 trường nữ trung học Gia Long trong sân thể thao giờ ra chơi

Trường « áo tím », xuất thân từ École Primaire des Jeunes Filles Indigènes de Saigon được thành lập từ năm 1913 dưới thời Pháp thuộc theo đề nghị của ông Hội đồng Quản hạt Nam kỳ Bùi Quang Chiêu và vợ chồng Tổng đốc Đỗ Hữu Phương (cha mẹ của Đỗ Hữu Vị), chính là trường nữ trung học Gia Long sau này, mới đầu thì cho học sinh mặc áo mầu tím, mầu tượng trưng cho « tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam » . Nhưng vì có nhiều vải vóc mầu tím rất khác nhau và sau nhiều lần giặt giũ áo bị phai nhạt mầu dần dần thành ra đủ mọi mầu tím từ nhạt phếch đến đậm tùy theo áo cũ hay áo mới, không đồng nhất. Đến năm 1918-1919 trường được đổi tên là Collège des Jeunes Filles Indigènes, vẫn giữ đồng phục áo dài mầu tím, ngôn ngữ chính trong việc giảng dạy là tiếng Pháp. Cho đến năm 1940 trường bị quân Nhật chiếm đóng, và kể từ đây đổi tên lại là Collège Gia Long. Mầu áo tím được duy trì đúng 40 năm thì đến năm 1953 đồng phục của học sinh được đổi thành mầu trắng, có gắn tên trường Gia Long với phù hiệu hoa mai bằng vải trên áo, chương trình học cũng chuyển hoàn toàn sang tiếng Việt với hai sinh ngữ, Pháp (6 giờ học một tuần) và Anh (2 giờ học một tuần), nếu học sinh chọn tiếng Anh là sinh ngữ 1 thì hệ số trên được đảo ngược lại (6 giờ Anh và 2 giờ Pháp).

MTT_GiaLong3

Nữ sinh lớp đệ Nhất C2 trường nữ trung học Gia Long: Tuyết ngồi trên hai sợi dây leo trong sân thể thao

Tuổi học trò dậy thì đầy mộng mơ, trường Gia Long được gán cho trường Petrus Ký và trường Trưng Vương, mặc dù nằm ngay bên cạnh trường Võ Trường Toản, thì được gán cho trường Chu Văn An. Cô giáo dạy Pháp văn ở trường Gia Long có lẽ ghét tôi lắm, lúc tôi đến chào cô để đi du học, cô rủa tôi « học như em, không đều, ở nước ngoài không thi đậu được đâu ». Nhờ lời nói ấy, như một gáo nước lạnh dội lên bao nhiêu là hy vọng, là mơ mộng của tuổi trẻ mà tôi quyết tâm, khó bao nhiêu, khổ bao nhiêu cũng phải học cho ra trường. Quả thực, tôi học không đều, vì hoàn cảnh, nhưng tôi vẫn thi đậu ra trường đại học ở nước ngoài và trong một thứ tiếng không phải là tiếng Pháp mà là tiếng Đức ! Sau 1975 trường nữ trung học Gia Long đổi tên lại thành trường Nguyễn thị Minh Khai.

Bây giờ ngồi nhà ngắm quần áo thiên hạ, tôi thấy chiếc áo dài đã biến mất ra khỏi khung cảnh, chỉ còn có những cô tiếp viên VietNamAirlines đang làm dịch vụ là mặc áo dài xanh, áo dài vàng mà thôi.

Đọc các bài báo trong nước, thỉnh thoảng tôi được « mãn nhãn » bởi những kiểu õng ẹo khoe từng mảnh vải từng phân da phân thịt, khoe rún, khoe đùi, khoe mông, khoe….chẳng cần mặc quần áo chi cho lùng thùng tốn kém vô ích của các mỹ nhân đương độ xuân thì « sao » này « sao » kia, đến những màn khoe túi xách hàng hiệu đắt tiền cả chục cái, giầy hiệu, nước hoa chưng đầy cả một bức tường…của những có người danh tiếng như ca sĩ này ca sĩ nọ …., khoe biệt thự lộng lẫy, khoe xe xịn xe sang, khoe chồng tây chồng ấn, khoe hạnh phúc bắt được trong tầm tay với không chút khó khăn của một thành phần siêu giàu. Xã hội nào thì cũng thế, có một thành phần siêu giàu chỉ tay năm ngón, không làm cũng ăn mà ăn mạnh ăn ngán đến chán ngấy, hay họ là những người biết nắm bắt được thời cơ trục lợi, và những con người không biết làm gì để có ích lợi cho xã hội hơn là khoe của khoe giàu. Người Pháp xem vậy mà họ cẩn thận hơn, càng có của họ càng kín đáo.

Ở Pháp, quần áo bán rẻ nhất là ở trong các siêu thị, dù là chạy theo mốt từng mùa, một cái quần mới giá có 15 euros, một cái áo mới 20 euros. Trong khi đó, ở những cửa hàng bán quần áo, mode, thời trang giá cả tùy tiện khác nhau từ mấy chục đến mấy trăm, mấy ngàn euros một cái áo hay một cái quần, may ở RPC (China), Bangladesh, Indonesia, Turkey hay ở Ukraine….hay ở VietNam. Mùa nào thì mầu ấy, ai mà mặc ngược mầu đang mốt thì là mặc đồ cũ, không có tiền mua đồ mới.

Trên thực tế, người ta lo tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học con…cả trăm thứ tiền phải trả hàng tháng, mua một bó hoa tươi chưng nhà cũng là « chơi sang » rồi, ngắm được ba, bốn ngày thì hoa tàn dục vô thùng rác, dư dả thì mới nghĩ đến chuyện mua quần áo mới, mua xe, đi du lịch…Nhiều gia đình vì tiêu thụ hơn mức kiếm được thành ra mang công mắc nợ è cả cổ….

Vì thế, một xã hội có một lớp trẻ khỏe mạnh, tươi tắn đang lên, ăn mặc lịch sự, di chuyển bằng máy bay từ nơi này sang nơi khác, có điều kiện, tất là xã hội ấy đã có phát triển về kinh tế. Nhưng không biết, họ có ý thức được điều đó hay không, trong quá trình phát triển của lịch sử, của cả một dân tộc. Tổ chức những chuyến xe 0 đồng cho người đứng ở mức thấp nhất trong xã hội về quê ăn tết là một trong những biện pháp như giọt nước trên hòn đá nóng để cứu vãn tình trạng chênh lệch không thể nào hiểu nổi giữa giàu và nghèo. Một trong những lợi thế của Việt Nam ngoài thiên nhiên đẹp, giầu khoáng sản tài nguyên thiên nhiên, là mức nhân công rẻ và mức sinh hoạt thấp so với các nền kinh tế khác trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng để phát triển lâu dài, thiết nghĩ nên đầu tư vào mảng giáo dục ngành nghề, nâng cao kiến thức, dân trí và trình độ chuyên môn, khuyến khích bổ túc học vấn vừa làm kiếm tiền nuôi gia đình, vừa học thêm của phần lớn bộ phận công nhân lao động. MTT

 

Hoài niệm nhớ Tết

30. janvier 2022

Hoài niệm nhớ Tết – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Bài đã đăng trên số báo Xuân Nhâm Dần 2022 của Hội Nhà Báo thành phố Hồ Chí Minh

Hầu như hoài niệm tuổi thơ là một điều bắt buộc của ký ức con người trong tuổi già, tôi cũng nằm trong sự bắt buộc đó, như xem một cuốn phim chạy ngược. Trong cuộn phim của tôi, có những hình ảnh chiến tranh của ba, bốn thập niên nhưng xen lẫn với những khoảng khắc êm đềm hạnh phúc thời niên thiếu. Đất nước tôi để lại trong tâm khảm là một đất nước rất đẹp, có bờ biển dài, có những người dân cần cù lao động, những người mẹ rất thương con, thương chồng và những người cha chạy ngược chạy xuôi lo miếng cơm manh áo. Nhớ cảnh và nhớ người quyện lẫn vào nhau. hoinhabao (2)

Cái nhớ của tôi bắt đầu bằng nhớ những con đường ở Sài Gòn, nhớ những chuyến đò chèo ngang qua sông Sài Gòn để đến bờ bên kia là Thủ Thiêm, khu vực của người nghèo ở. Hồi đó Thủ Thiêm là một vùng có nhiều nước, nhiều ao, nhiều cầu khỉ bắc để đi từ nhà này qua nhà nọ. Gọi là nhà cho oai, đó là những nhà sàn bằng ván gỗ, mọc trên cọc, bên dưới nhà là nước, bùn sình, mái tôn, vách ván, cửa nẻo liêu xiêu. Trời mưa, tiếng mưa rơi trên mái tôn như nước đổ lên một cái trống âm thanh vang dội nghe rất to và rõ từng hạt mưa rơi xuống đùng đùng như sấm sét. Cầu khỉ ráp bằng hai, hay sang hơn, ba thanh gỗ tròn lại với nhau, trơn tuốt luốt, không biết đi là té xuống nước đen ngòm, cá bu lại. Vậy mà các bà bồng con bồng cháu đi tới đi lui như một nghệ sĩ giữ thăng bằng. Nhà chỉ có một buồng duy nhất, không có bàn ghế gì cả, một cái chõng tre, một cái tủ đựng tất cả vật quý giá của chủ nhà, tất cả mọi sinh hoạt trong gia đình đều diễn ra ở đó, lại không có nhà vệ sinh như bên kia thành phố, tất cả đều đổ xuống sông, xuống nước, mà sống trong nước đen ngòm đó là những loài cá, nhiều nhất là cá trê, cá tra…, chúng quẫy thành những vòng tròn trên mặt nước. Cái cảnh đó rất ấn tượng đối với một đứa con nít nhỏ là tôi, được bà vú dắt lên đò chèo lênh đênh ngang qua sông Sài Gòn, chuyên chở khẳm người và xe đạp, đưa về thăm nhà ở bên kia bờ sông. Khỏi phải nói, khi về tôi « mét » lại má, tôi nhớ như in, má tôi được một phen hú hồn hú vía, sợ đứa con gái cưng rớt xuống sông theo « bà Thủy » !

hoainiemnhotetTôi giã từ tuổi thơ với một hình ảnh thơ mộng của đôi bạn gái nhỏ ngày cuối cùng của lớp Nhất tiểu học. Tôi được lãnh hai phần thưởng thật to, phần thưởng học sinh giỏi toàn trường và phần thưởng hạnh kiểm toàn trường, gói trong giấy bóng kiếng mầu đỏ cột nơ, nặng chình chịch, gồm mấy cuốn tự điển, sách giáo khoa và hộp phấn màu viết bảng độn cho cao. Nhưng chỉ có hai tay thì làm sao ôm hai cái phần thưởng đó về nhà. Ba tôi lại chưa đến đón, vì chúng tôi lãnh thưởng xong là tan học sớm. Con bạn đề nghị đưa tôi về nhà, thế là hai đứa nhỏ, mỗi đứa ôm một cái phần thưởng to tướng che hết cả mặt ra về. Tôi dắt nó đi ngược đường xe để ba tôi thấy. Đến giờ tôi vẫn không quên hình ảnh hai đứa nhỏ song đôi, chầm chậm bước đi trong nắng sớm lung linh còn mát chưa nóng lắm, dưới những tán cây me cao ngất hai bên đường. Đoạn đường từ trường về nhà không dài, xuôi xuống ngang qua Dinh tổng thống, nhưng hôm đó sao nó dài lê thê, hai cánh tay mỏi rã rượi. Về đến nhà, má tôi tròn mắt, sao con không đi xích lô về, lại bắt bạn đi cùng ?!. Ngó qua ngó lại, định hỏi bạn xem bạn có khát nước không thì bạn tôi biến mất lúc nào không hay. Mấy chục năm rồi, bạn có còn nhớ tôi không ? Đó là những năm 50. Trường cũ của tôi thì đã bị phá vỡ, xây lại mới, đổi tên.

Con đường Lê Thánh Tôn, cũng là con đường từ trường về nhà và từ nhà đến trường, đi vào đời tôi như một định mệnh. Đầu thập niên 60, con đường đi học của tôi rất an bình. Từ ngã tư Catinat trở lên hướng Sở thú, đi dọc theo vườn bông củ cải, qua khỏi ngã tư Hai Bà Trưng là cửa hàng thưa thớt dần để qua đoạn chỉ có nhà ở, rợp bóng cây mát rượi. Tan học về buổi trưa thì nắng đã lên cao, tôi tung tăng nhảy lò cò theo những hoa nắng lung linh lay động xuyên qua lá cây chiếu trên mặt đường. Ngang qua Trung tâm văn hóa Pháp, nơi tôi trau dồi thêm tiếng Pháp mỗi chiều và nhà thương Grall mang nhiều kỷ niệm. Đi dọc hết Tòa Đô chánh dài ngoằng chiếm hết một khúc đường từ đường Tự do qua đến đường Pasteur, không có cây xanh bóng mát, thì tôi về đến nhà.

Bây giờ và ngồi đây, trong bầu không khí xám đục vì sương mù hay nước mưa dầm, trời chỉ sáng mờ mờ từ 9 giờ sáng đến 4 giờ trưa, lạnh ngắt, tôi thèm cái nắng của quê nhà, đói nắng. Nắng không như nắng. Nắng mùa xuân, nắng mùa Tết thì dịu mát, nắng trưa hè oi bức, nắng thu vàng êm ả, nắng mùa đông sưởi ấm áp lòng người…bao nhiêu lời tả ánh nắng trên quê hương chưa đủ, như một câu hát trữ tình xao xuyến kết hợp hai miền Nam Bắc  » Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông, anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng…« . Đến tuổi dậy thì, tôi chỉ thích mặc áo dài lụa mầu trắng khi đến trường, áo lụa mầu mỡ gà, áo lụa mầu tím khi dạo phố, đi chơi với bạn bè, ngày Tết…và muốn được « người ta » yêu tha thiết như trong câu hát. Đó là những ấn tượng an bình cuối cùng trước khi những kỷ niệm về cuộc chiến xâm chiếm tuổi niên thiếu của tôi. Kỷ niệm đời học trò trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, trong vòng tay thân thiết của bạn bè dừng lại trong quãng thời gian đó, nhưng làm hành trang tâm hồn cho suốt một đời người.

Thấy các cô gái bây giờ che người kín mít, nào là mũ, là khẩu trang, nào kính to quá khổ, là găng tay, là váy che nắng để giữ cho làn da trắng như gái Tây, vợ chồng tôi bật cười, da ngăm đen càng có duyên chứ sao, nhỉ.

Rồi những mộng mơ lãng mạn ngày xưa phải lùi bước trước thực tế của đời sống hiện tại. Năm nay, năm thứ ba của dịch covid 19, tại Pháp trong cao điểm mùa Giáng Sinh và Tết Dương lịch 2022 dân chủng sống có vẻ uể oải hơn những năm trước. Những tháng cuối năm khả năng tài chánh của mọi người oằn mình gánh đủ mọi thứ thuế phải trả cho hết, những hóa đơn chất chồng, khoản tiền dành cho tiêu thụ, quà cáp ngày càng eo hẹp hơn. Những đôi vợ chồng già, người già cô đơn, lọm cọm chậm chạp lưng còng, xuất hiện nhiều hơn trong các siêu thị, cũng như chúng tôi, con cháu người thân đều ở xa cả, không ai giúp đỡ công việc hàng ngày như chợ búa, cơm nước…Không khí buôn bán mùa Noel ở nhà quê thì ảm đạm, hàng hóa dư thừa, dù là siêu thị ở vùng quê chỉ có nhu yếu phẩm, thịt cá, trái cây giá bán lại tăng cao, chỉ có ở trong thủ đô Paris là nhộn nhịp người đi xem các cửa hàng trang trí rất đẹp, mua bán. Đợt dịch thứ năm với con vi khuẩn Omicron theo truyền thông đang có vẻ đe dọa con người.

Lại thêm một năm tôi bị bắt buộc « ăn » một cái Tết xa quê hương trong đời. Người nào mà không nhớ quê hương vào dịp Tết thì không phải là người Việt, tôi tự nghĩ…vì rằng  » Dù ai đi ngược về xuôi… », tự khắc nhớ nhà nhớ Tết.  » Tết nhất làm chi, ai bày Tết nhất làm chi, không tiền tiêu Tết, vậy thời, vậy thời… tính sao ? « , bài hát vui nhộn của ban AVT khi xưa má tôi rất thích vẫn vang lên trong tai tôi. Thời khắc chuyển đổi đêm Giao thừa là thiêng liêng thơm mùi nhang khói, Tết là đã khắc sâu vào tâm khảm. Mùi Tết, hương vị Tết, không gian Tết, thời gian Tết, âm thanh Tết, ba ngày Tết…chỉ có ở quê nhà. MTT.

Tết cuối cùng ở Đền Cuông, Nghệ An, trang thờ Mỵ Châu Công Chúa, 2019:

P1000480 (2)

Bonne Année du Tigre, MTT chante

29. janvier 2022

Chúc mừng năm mới – Bonne Année du Tigre, la fête du Tết Nhâm Dần ©Mathilde Tuyet Tran, France 2022

daotet

A l’occasion de la fête du Têt 2022, l’année du Tigre, et pour faciliter vos recherches, Mathilde Tuyet Tran vous offre quelques chansons que vous pouvez télécharger gracieusement.

box-copy-4-1642410957082378731966

Ảnh báo Tuổi Trẻ 2022

Jeune, la voix était claire, limpide en soprano. Mûri, le timbre est devenu plus chaud plus touchant. Et en vieillissant, sa voix atteint une légère gravité, devient alto. Entre le trémolo, le legato et autre technique de chants à la façon vietnamienne, elle cherche sa place dans l´équilibre, ce qui ne plaît pas à une large audience vietnamienne trop longtemps habituée aux pleurs de guerre et leurs amours brisés. Pas parfaitement au point de vue technique et artificiel, mais elle chante droit au cœur avec sa voix naturelle.  

Son expression et interprétation est composée d´une certaine légèreté, certaine douceur, à travers les sujets importants de la vie, tels que l’amour et le sacrifice d´une mère, l´amour et la tristesse de séparation entre homme et femme, la pluie, les rayons du soleil, le printemps…. même la neige et le froid en ne quittant pas une joie de vie infaillible. Grâce à la différence d´époque d´enregistrement, vous noterez que les accompagnements, les styles sont aussi différents.

Les chansons ont été enregistrées dans deux studios à Ho Chi Minh Ville (Saïgon) et un studio en Allemagne, avec une quinzaine de musiciens professionnels.  On se souvient souvent du violoniste, jeune, venu en short, chemisette et basket parce qu´il fait trop chaud en cet été mais lorsqu’il joue, il se fond dans la musique, sans répertoire en papier devant ses yeux, le son qui sort du violon est propre, d´une profonde tristesse incroyable d´un amour brisé dans Ngăn Cách, ou le pianiste, virtuose dans Ne me quitte pas de Jacques Brel.

Vocal : Mathilde Tuyet Tran 1a286211371991d1-photo-full

Synthesizer: Hữu Hậu, Yên Lâm

E-Guitar: Quốc Phúc, Phan Trat Quan

E-Basse: Hiền

Guitar solo: Hoàng Minh, Phan Trat Quan

Violon: Hy Đạt

Harmonica/Piano : Đức Thịnh

Batterie: Dũng

Background vocal: Diễm Phương, MTT

Ingenieur de son/Mixed by: Quốc Phúc, Hữu Hậu

Arrangement * : Phan Trat Quan

et les musiciens partipants du studio BR, studio MPU à HoChiMinh-Ville, studio Breuer en BRD

©Mathilde Tuyet Tran, Producteur.

Tombe la neige:

Ne me quitte pas:

Les amants de Saint Jean:

Ma solitude:

Ma jeunesse fout l´camp:

Je t´aime * :

Lòng mẹ * :

Nắng chiều:

Ngăn cách:

Anh cho em mùa xuân:

46c684ee1c39ca48-photo

Điểm sách « Tìm bình yên trong gia đình » của Thích Nhất Hạnh

22. janvier 2022

Điểm sách « Tìm bình yên trong gia đình » của Thích Nhất Hạnh – Mathilde Tuyết Trần, France 2022

Anh bạn nói thật đúng, việc gì cũng phải có cái duyên của nó, không duyên là không thành, gặp cản trở. Tôi vừa đọc xong cuốn sách « Tìm bình yên trong gia đình » của Thích Nhất Hạnh thì tin từ Huế bay sang sáng nay khi bật máy là Sư Ông đã viên tịch lúc 0 giờ. Mặc dù tôi ở Pháp, và đã có đến Làng Mai hai lần, nhưng không có duyên gặp ai, chỉ gặp một sư cô trẻ măng mới từ Việt Nam qua, mời uống một tách trà, vài chú tiểu canh chùa, thiền viện trống không, phong cảnh đẹp hững hờ. Nhưng cũng nhờ vào những lời khuyên bảo của Sư Ông và tập thể Làng Mai viết trong sách tôi ngẫm nghĩ lại đời mình có gì đúng có gì sai mà rút ra bài học cho mình, sửa chữa những gì còn sửa chữa được trong tấm lòng sám hối lặng thinh.

Cuốn sách do một cô em gái trẻ từ Việt Nam tặng đến tay tôi trong tuần này thì đã quá muộn, vào cuối đời tôi. Đáng nhẽ ra phải đọc cuốn sách này từ đầu đời, từ lúc bắt đầu gặp khó khăn hay vấp ngã. Trong tấm lòng tưởng nhớ Sư Ông tôi viết bài giới thiệu sách « Tìm bình yên trong gia đình« . Điều Sư Ông giảng về thuyết Luân Hồi thật là dễ hiểu, nhục thể đã hoàn thành nhiệm vụ trên trần thế, nhưng linh hồn vẫn sống mãi trong tâm của những người thân, những người trung thành, chung thủy với mình, truyền từ đời này sang đời khác. Bây giờ, nhìn mây trắng bay trên trời, cầu mong Sư Ông về nhà Phật an bình, thong dong, « Đường xưa Mây trắng« , nhớ thêm tên của một người, một vị thầy Phật giáo.

Câu hỏi làm thế nào để sống vui sống khỏe lúc tuổi già ở đây, xa quê xa người, mà đặt ra vào thời điểm ai nấy đã già thì thật là không đúng thời điểm, như một sự ngạo mạn cho những ai không thể có được niềm vui sống khỏe, vì muốn được như thế thì cái nhân gieo trồng cho tuổi già phải được thực hiện từ khi tuổi trẻ, về già mới được hưởng thành quả vật chất của suốt một đời lao động và tinh thần, tâm linh, tôn giáo…với điều kiện: trong một khung cảnh xã hội bình an yên lành.

Hiện tại, tập thể nhỏ bé của người Việt sống trên xứ người đang chao đảo trong nạn dịch Covid19 có vẻ tách rời ra hoàn cảnh chung của xã hội nước cưu mang. Bạn có biết những biến động trong lòng xã hội người ta ? Bạn có cảm thông trước những khó khăn của dân sở tại ? Bạn có sống hòa đồng cùng nhịp điệu với dân sở tại ? Hay bạn đứng trên núi này mơ về núi nọ, nếu đã chọn nơi này là quê hương thứ hai ? Nếu bạn chọn ở đây với tính cách như một người ở đậu, sống bên lề, nay đến mai đi không quyến luyến thì xin phép được miễn bàn. Đó là một quan điểm sống ích kỷ, trục lợi, thiên vị, sống như một tập thể trong lòng một tập thể khác đã cưu mang mình, và đó cũng là những điểm mấu chốt làm tiền đề cho những người dân sở tại chống nhập cư của người nước ngoài. Bạn thấy, từ việc này nó kéo sang việc khác như mắt xích. Thân phận nhập cư tôi càng thấy rõ hơn khi vào bệnh viện điều trị, từ cô y tá cho đến người bác sĩ đều muốn biết tôi đến nước họ ở từ bao giờ, năm nào. Họ làm cho tôi phải hiểu, một giường bệnh dành cho tôi là giảm đi một giường bệnh dành cho người bản xứ, nhất là trong lúc họ, trong thời đại Covid các bệnh viện đều thiếu nhân viên, thiếu bác sĩ, thiếu giường vì chính sách giảm thiểu y tế của chính phủ đã được thực hiện từ nhiều năm qua.

Chủ đề này cũng được đặt ra trong những câu hỏi cho Làng Mai, là làm thế nào để giáo dục con cháu trong một môi trường « lạ », văn hóa « lạ » của người. Riêng tôi thấy, sống trong lòng một xã hội « lạ » thì những cái mốc hội nhập đã được xã hội ấy cắm sẵn từ khi con mình chưa biết nói đã phải đi nhà trẻ cho cha mẹ đi làm, đi học. Rồi dần dần thế hệ hai của chúng ta hội nhập nhiều hơn chúng ta, những cái cây đã có gốc từ Việt Nam bứng qua trồng trong xã hội châu Âu. Cho thế hệ thứ hai, thứ ba…sự việc tiếp thu văn hóa nước người là điều tất nhiên phải đến. Trách móc con cái không biết nghe theo cha mẹ, bè bạn xấu, tình duyên cũng đôi lần gãy gánh giữa đường…cũng là những đại họa hậu quả phải xẩy ra mà không có một sự cảm thông, thấu hiểu và trao đổi giữa hai thế hệ với hai « background » khác nhau.

Hạnh phúc của tuổi già là một sự vun trồng của một đôi vợ chồng từ cả mấy chục năm trước. Cái khổ, cái bệnh, cái xui không gọi cũng đến, có ai mà muốn mình chết dần chết mòn trong túng thiếu và bệnh tật ? Cuộc đời chỉ là một đường thẳng tắp, vô tư lự, một vợ một chồng ăn sung mặc sướng, suốt một đời dài không có đau khổ, lên voi xuống chó ? Chân thành chúc mừng bạn, gia đình bạn thật có phúc.

Cuốn sách « Tìm bình yên trong gia đình » đi tìm những nguyên nhân bắt nguồn gốc rễ của những nỗi khổ của cuộc đời từ trong cái nôi của mình và nói rộng ra cái nôi của xã hội, của nhân loại, từ mổi tương quan giữa cha mẹ con cái anh em chị em. Những câu hỏi là những ray rứt rất thật của cuộc đời, những số phận lao đao, không may, là những sự tìm kiếm nguyên nhân và lời giải, được chia thành 6 chương, chương 1 là « Những khó khăn trong gia đình« , chương 2, 3 là những tâm sự của cha mẹ và con cái, chương 4 « Thiết lập niềm tin trong cuộc sống« , chương 5 « Truyền thông với người đã mất » và chương 6 « Thực tập chánh niệm trong gia đình« .

Đứng trên bình diện rộng hơn, xã hội hay chính trị, thì một xã hội có khi cần phải có một sự « giận dữ » tột độ thì mới thực hiện được một cuộc cách mạng, nói khác đi là « lòng dân đã chín mùi », nhưng đứng trên bình diện tình cảm, cá nhân, tâm linh và tôn giáo thì sự giận dữ, xuất phát từ hoàn cảnh trái ngang, đau khổ càng làm cho bản thân người đó mất thăng bằng, đau khổ chồng chất, nối tiếp.

Có những cô gái trẻ phải phá thai, cảm thấy mình bị phản bội, đau khổ, dằn vặt, mất niềm tin vào tình yêu đôi lứa. Có những người chịu bạo lực trong gia đình « vì cái mặt của con rất khó ưa, không ai muốn trông thấy con. Cả mẹ cũng thế. Mỗi lần thấy bóng con là mẹ cầm chổi, cầm roi quất vào con… » và giáo dục bằng bạo lực « thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi » nhiều hơn là giải thích, thông cảm. Có những người thấy gia đình mình « đang đứng trên bờ vực thẳm vì nghi kỵ, suy nghĩ cực đoan, giận hờn » không biết đường nào gỡ mà hàng ngày lại tiếp tục nuôi dưỡng hạt giống giận hờn. Có những bậc cha, mẹ từ bỏ, hắt hủi con cái vì chúng nó không sống và làm theo ý mình « mày sống làm gì, chết đi cho rồi »…, thật là tàn nhẫn quá. Lớn lên, trưởng thành trong những hoàn cảnh như thế thì cái « vốn liếng » của một con người chỉ là cảnh khổ, tâm và vật chất. Tham, sân, si ở đây được « dịch » ra từ những tham vọng « phải thành đạt », tham vật chất, danh vọng, phải mua nhà, phải lập cơ nghiệp, phải có lương cao, phải có chồng/vợ đẹp đôi, con khôn, ganh ghét người khác, nhục mạ, phỉ báng, vu khống….., quên đi rằng « Cờ đến tay ai người đó phất« , việc gì cũng phải có cái Duyên mới làm nên. Trong vòng thân thuộc của chúng ta, những người kém may mắn nhất là những người chưa được từng « phất cờ » một lần trong đời, nên thông cảm và thương xót cho nghiệp chướng của họ.

Những lời giải của Sư Ông và tập thể Làng Mai (ban biên tập và các sư nữ) đều toát ra tinh thần « hiểu và thương« , « có hiểu thì mới thương« , rồi xây dựng lại niềm tin vào chính mình, tha thứ cho mình, sám hối và một sự bắt đầu, đi lại từ đầu như là một sự chuyển hóa năng lượng từ tiêu cực sang từ bi, cũng như thực tập chánh niệm.

Bài học về con đường của Bụt chỉ lối ra cho vấn đề « khổ đau ở đâu cũng có, vấn đề là mình biết cách xử lý khổ đau như thế nào để những khổ đau đó trở thành hữu ích, trở thành một cơ hội cho mình học hỏi và lớn lên, giống như sử dụng bùn để trồng hoa sen vậy đó. «  Nuôi dưỡng niềm tin nơi cuộc sống, nơi tình yêu, và tìm những điều kỳ diệu ngay trong chính bản thân mình, hiều chính mình để thương chính mình, thì mới hiểu được người khác và thương họ, môi trường chung quanh mình. Đó là một sự tiếp nối trong nhiều tiếp nối của thầy Thích Nhất Hạnh. MTT

Bài hát « Bài hát Cài Áo », thơ: Thích Nhất Hạnh, nhạc: Phạm Thế Mỹ, qua tiếng hát của Bằng Kiều:

xomha7

Làng Mai – Xóm Hạ (trên) Xóm Thượng (dưới) – Photos: MTT

xomthuong1

Une rose sur mon revers – Bông hồng cài áo, Thích Nhất Hạnh, bản dịch của MathildeTuyetTran (MTT)

22. janvier 2022

Une rose sur mon revers – Bông hồng cài áo

Préface : Un matin, mon beau-frère m´a appelé au bureau, pour me dire que ma mère venait de décéder à Saigon quelques heures auparavant. Ce fut comme une bombe explosant dans mon cœur, car j’avais déjà le billet d´avion dans mon sac. J’ai déjà écrit à ma mère pour lui dire, que dans deux semaines j´allais la  revoir  après onze ans d´absence. Mais elle m´a quitté soudainement avant mon retour. J’ ai pris l´avion aussitôt pour rentrer,  pour voir son cercueil déjà fermé, au milieu des fleurs et des encens. J’ai compris ce que ma mère a fait pour chacun de nous dans la famille: je la voie comme elle était, avec des remords immenses, jusqu’à ce jour.

Aujourd’hui, en lisant le texte « Bông hồng cài áo »  du Maître Thích Nhất Hạnh, écrit en 1962, déjà traduit en anglais et allemand, j’ai pris le temps de le traduire en français et vous l´envoie comme un petit cadeau pour vos Fêtes des Mères et la fête VU LAN.

Mathilde Tuyet Tran, En Picardie – France 2004,

republié en 23 Mai 2013 et 22 Janvier 2022

Cette année 2013 la fête Vu Lan, le 15e jour du septième mois lunaire, tombe le 21.08. Vu Lan est une fête bouddhiste pour manifester le regret des péchés commis, célébrer la résipiscence en faisant des offrandes et des prières au bénéfice des défunts de la famille et des âmes errantes.

Le Tableau "La Liberté" (la rose blanche), peinture à l'huile sur toile de MathildeTuyetTran, 120 cm x 140 cm

Le tableau « La Liberté » (la rose blanche), peinture à l’huile sur toile de MathildeTuyetTran, 120 cm x 140 cm

La notion  » Maman » ne peut être séparée de la notion « Amour ». Et l´amour est une matière sucrée, douce et délicate. Sans avoir connu l´amour un enfant ne peut pas évoluer, un adulte ne peut pas complètement se développer. Sans amour nous sommes faibles et assoiffés.

Le jour, òu ma mère est morte, j’ai écris dans mon journal: le plus grand malheur de ma vie est arrivé. Même une personne âgée ne se sent pas prête pour cet événement. Elle sent, qu´il est encore trop tôt pour être  seule, tout d´un coup. Elle se sent abandonnée, comme un orphelin.

Tous les chants – écrits pour célébrer les Mamans – sont jolis, naturellement jolis. Chaque poète et compositeur – même peu talentueux – s´engage de tout cœur dans ce travail. Et tous ceux qui chantent ou récitent ces œuvres ressentent une émotion profonde, s’ils n’ont pas déjà perdu tôt leur Maman, pour pouvoir reconnaître cet amour maternel. Les chants et les poèmes existent depuis que le monde est monde et il y a encore et toujours de nouvelles œuvres.

Quand j’étais petite, j´écoutais un poème simple sur la perte de la Maman. Ce poème sonne aujourd’hui encore dans mon cœur. Si vos Mamans sont encore vivantes, au moment vous lisez ce poème en ressentant un doux sentiment, vous allez – même si le moment n’est pas encore arrivé – avoir peur de cet instant inévitable.

Dans l’année ou ma mère m´a quitté,

j’étais si jeune et je ressentais

d´être un orphelin abandonné.

On pleurait autour de moi,

seul, je souffrais en silence.

Tant que je laissais mes larmes couler,

ma douleur s’ affaiblissait.

Le crépuscule enveloppait le cercueil de ma mère

Les cloches de l´église sonnaient doucement dessus du cimetière

Je ressentais la perte de ma Maman

Comme la perte de tout mon univers.

Pendant plusieurs années Maman nous imprègne de sa tendresse et de son amour. On s´y se sent bien mais on ne s´en rend pas compte. C’est seulement, quand tout est déjà trop tard, que l’on s´en aperçoit. Les gens de la campagne ne sont pas habitués a s´exprimer comme les citadins. Ces derniers, décrivant une mère comme une « richesse d´amour », s´expriment de manière trop sophistiqué pour les gens de la campagne.

Les paysans du Vietnam, comparent la Maman avec les bananes qui sentent bon, avec le miel le plus fin, avec le riz sucré de la nouvelle récolte ou avec le meilleur sucre d´orge. Ils expriment leur amour d’une façon très simple et directe. Pour moi,

Maman est une bonne banane,

un bon riz gluant

ou une délicieuse canne à sucre !

C’est si délicieux !

Parfois, quand tu as la fièvre, tu as un mauvais goût dans la bouche et tu discerne plus les bons goûts.

Seulement quand ta Maman vient, te couvre jusqu’au cou avec une couverture, met sa main sur ton front brûlant (c’est sa main ou la soie du ciel ?) et murmure très doucement « mon pauvre chéri « , tu sens l´aide et le soin, tu te sens entouré de l´amour sucré maternel. Son amour sent bon comme une banane, comme le nouveau riz, comme le meilleur miel et la canne à sucre. Son amour est immortel et inépuisable.

Le travail du père est énorme, grand comme un montagne. L´amour de la mère est l’eau de la source. L´amour de la mère est le premier goût d´amour, l’origine des sentiments amoureux. La Maman est le premier professeur, qui nous enseigne l´amour – l´essentiel dans la vie. Sans la Maman, nous ne savons pas aimer. Grâce à elle on peut aimer ses proches. Grâce à elle on peut aimer les êtres vivants. Grâce à elle on a appris d’avoir la compréhension et la compassion  pour les autres. Maman est l’origine de l´amour, et c’est pourquoi la notion « Mère » domine la notion d´amour dans les religions qui enseignent le devoir « aimer « .

La plus part des religions portent connaissance et béatifient la mère, comme Marie ou Kuan Yin. Aucun bébé ne pleure, sans que la maman – courant au berceau – le console. Maman apparaît comme un ange qui fait oublier tous les malheurs et les problèmes. Seul le mot « Maman » remplit le cœur d´amour. Et la distance entre l’esprit aimer de façon religieuse à acte de compassion n’est pas si loin. En occident on n’a pas la fête Vu Lan comme chez nous, mais on célèbre au mois de mai «la Fête des Mères« . Je suis de la campagne et je n’ai jamais entendu parler de cette fête. Un jour, alors que j’étais avec le moine Thien An pour une visite dans le quartier Ginza de Tokio, nous avons rencontré un groupe d´étudiant japonais devant une librairie, qui était de ses amis. L’une d’eux lui posa une question discrètement et ensuite elle a sorti de son sac une fleur blanche et l´accrocha à ma robe de moine. J’étais étonné et j´avais honte en même temps. Je n’avais aucune idée du sens de ce geste mais je n´osais pas poser de question. J´essayais de me comporter normalement en me disant que cela devait être une coutume de ce pays.

Quand ils eurent terminé leur conversation, nous rentrâmes dans la librairie et Maître Thien An me confia qu´aujourd’hui c’était la Fête des Mères. Si la mère est vivante – d’après la coutume japonaise – on se mets une fleur rouge sur le revers et on est fier d’avoir encore sa Maman. Si la Maman est décédée, on se mets une fleur blanche. Je regardais ma fleur blanche et je me sentais soudain très malheureux.

Je suis donc un orphelin abandonné et malheureux comme tous les autres orphelins abandonnés et malheureux. On ne peux plus avoir la fierté de porter une fleur rouge. Ceux qui portent une fleur blanche portent la douleur et ne peuvent pas s´ empêcher de penser à leurs Mamans. Ils ne peuvent pas oublier qu’elle existait. Ceux qui portent une fleur rouge sont heureux, car ils savent que leur Maman est encore là. Ils ont donc encore la possibilité de lui faire plaisir, avant qu’il ne soit trop tard.

Je trouve cette coutume est très jolie et souhaite qu’on introduise les fleurs rouges et blanches pour notre fête de piété Vu Lan.

La Maman est une source intarissable d´amour, un trésor inépuisable. Malheureusement on oublie cela trop facilement. Elle est le plus grand cadeau de la vie pour nous,  pour ceux qui l’ont eu et ceux qui l’ont encore.

Si vos mères vivent encore, n´attendez pas jusqu´après leur mort pour vous dire « Mon Dieu ! j’ai vécu pendant des années à coté d´elle, sans vraiment la voir. Sauf parfois, un regard furtif et quelques mots pour lui demander mon argent de poches ou quelques choses d´autres «.

Tu t´ est collé à son corps pour te réchauffer, tu pleure tous tes malheurs avec elle et tu te fâche contre elle, tu lui cause des soucis, pourtant elle s´occupe de toi en oubliant même sa santé. A cause de toi elle se lève tôt et se couche tard.

Il y a des mamans qui meurent tôt pour leurs enfants. On attend pendant toute la vie, qu’elle nous fasse la cuisine, lave notre linge, fasse le ménage proprement, pendant que nous sommes occupés à nous faire des soucis sur les notes et les carrières. Notre Maman n’a pas suffisamment de temps pour regarder au fond de nous et nous sommes très occupés pour la voir précisément.

C’est seulement quand elle n’est plus là, que l´on se rend compte, d’avoir eu une Maman.

Ce soir, quand tu rentres de l’école ou du travail, ou quand tu habites loin d´elle – la prochaine fois quand tu lui rends visite – rentre dans sa chambre et assieds toi  en souriant doucement à coté d´elle. Elle va arrêter son travail sans un mot. Regard dans ses yeux, longtemps et profondément.

Fais cela, pour voir ta Maman et pour voir qu’elle est là, vivante à côté de toi. Prend sa main et pose lui une petite question « Maman, tu sais.. « pour attirer son attention. Elle s´ étonnera et sourira et te répondra « quoi, mon chéri ? «. Continue à regarder doucement dans ses yeux en lui disant  » Tu sais, Maman, que je t´aime ? » Pose lui cette question sans attendant sa réponse. Même si tu as trente ans, quarante ans ou beaucoup plus vieux, pose lui cette question étant son enfant.

Ta maman et toi éprouverez un sentiment de bonheur, prenant conscience que vous vous aimez. Et demain, si elle te quitte, tu ne dois pas te reprocher, que tu ne lui a pas dit ces mots. Au Vietnam nous avons la tradition d´écouter à la fête Vu Lan (Ullambana – l´histoire et légende de Mandagalyayama ) l´amour de l’enfant, le travail du père, la sacrifice de la Maman et la piété des enfants envers les enfants. Chaque enfant prie pour la longue vie des parents – s’ils sont décédés – pour une heureuse incarnation sur un haut niveau.

Nous croyons, qu’un enfant qui n’aime pas ses parents, n’a lui-même aucune valeur. De la piété de l’enfant pour ses parents nait l´amour. Mais sans l´amour, la piété jouée vis à vis des parents, n’est qu’une hypocrisie, pauvre, maladroite et fatigante. Quand l´amour existe, il ne faut pas ajouter quoique se soit – cela suffit comme ça.

Aimer sa Maman, c’est suffisant. Cela n’est pas un devoir, c’est une chose naturelle comme boire de l’eau quand on a soif. Chaque enfant a sa Maman et aime naturellement sa Maman. La mère aime l’enfant et l’enfant aime sa mère. L’enfant a besoin de sa mère et sa mère a besoin de lui. Si la mère n’a pas besoin de son enfant et l’enfant n’a pas besoin de sa mère, elle n’est pas mère et l’enfant n’est pas l’enfant. C’est dont une violation des mots « Mère » et « Enfant ».

Quand j’étais jeune, me demanda mon professeur « que dois tu faire, si tu aimes ta Maman ? ». Je lui répondais « je dois lui obéir, l´aider, m´occuper d´elle quand elle sera vieille et prier pour elle. Je vais m´occuper de son autel, quand elle disparaîtra derrière les montagnes. « . Aujourd’hui je sais, que cette question était mal posée.

Quand tu aimes ta mère, tu ne devrais rien faire. Tu l´aimes, et cela suffit. Aimer sa mère n’est pas une question de moral ni de bon caractère. S´il te plaît, ne pense pas que je suis en train de te donner une leçon de moral. Aimer sa mère est pour toi une question de profit. Ta Maman est la sources des eaux les plus claires, le miel le plus fin, la canne à sucre le plus délicat, le meilleur riz. Si tu ne sais pas profiter de ta Maman, c’est dommage pour toi.

Je voudrais seulement te donner un conseil pour t´aider à éviter, qu’un jour tu te plaignes, qu’il ne te reste plus rien de ta vie. Si tu n’es pas content de la présence de ta Maman, tu ne serais pas même content si tu étais Président d’une grande nation ou Seigneur de l´Univers.

Je voudrais te raconter une histoire. S´il te plaît, ne pense pas que je me disperse. Je n’aurais pas du être Moine et ma sœur ne serais pas mariée : Dans les deux cas, nous avons quitté notre Maman, ma sœur, pour vivre avec son mari, et moi, pour suivre mon idéal.

Dans la nuit précédent le mariage de ma sœur, Maman s´ occupait de mille choses, elle n’avait pas l’air triste. Lorsque nous étions à table pour manger un peu, en attendant l´ arrivée de la famille du marié, j´avais remarqué que Maman ne mangeait rien. Elle disait « dix-huit ans elle a mangé avec nous à table – aujourd’hui c’est la dernière fois. Demain elle sera dans une autre famille et elle mangera avec eux «. Ma sœur pleurait. Penchée sur son assiette, disait ma sœur « Maman, je ne me marierai pas «. Mais elle s’est mariée. J’ai quitté Maman pour être Moine.

Je félicite tous ceux qui quittent leurs familles pour être Moine. Ils suivent leur chemin d’esprit, mais je ne suis pas fier de cela. J’aime ma mère – mais j’ai mon idéal de vie – et pour suivre mon idéal j’ai quitté ma mère, même si cela me faisait mal au cœur.

Parfois il est nécessaire de prendre une telle décision. C’est difficile, mais si on veut se développer, on doit accepter de souffrir. Tu ne peux pas tout avoir dans la vie.

Je ne regrette pas d’avoir quitté ma mère pour être Moine, mais il me coûte d’avoir pris cette décision. Il ne m’est plus possible de profiter de ce trésor inépuisable.

Chaque nuit je prie pour ma Maman mais il m’est plus possible de profiter de la banane délicieuse, du riz gluant excellent et la canne à sucre délicat.

Ne pense pas que je te conseille, d´abandonner ta carrière pour rester à la maison à côté de ta Maman. Je te l´ai déjà dit, je ne veux pas te donner une leçon de moral. Je veux juste te rappeler que ta Maman est comme la banane délicieuse, le riz gluant excellent et la canne à sucre délicat, elle est l´amour.

Elle est AMOUR et DOUCEUR – alors mes frères et sœurs bien-aimés – n´oubliez pas cela, s´il vous plaît ! Si vous oubliez cela, vous aurez des douleurs immenses inévitables. Je vous souhaite, de ne pas être malheureux à cause de votre Inattention et de votre Ignorance.

Je suis heureux, quand je peux vous mettre une fleur rouge, cette rose, et que vous en êtes heureux, c’est tout.

Si je pouvais vous faire la proposition suivante:

Ce soir, quand tu rentres de l’école ou du travail, ou quand tu habites loin d´elle – la prochaine fois quand tu lui rends visite – rentre dans sa chambre et assieds toi en souriant doucement à côté d´elle. Elle va arrêter son travail sans un mot. Regard dans ses yeux, longtemps et profondément.

Fais cela, pour voir ta Maman et pour voir qu’elle est là, vivante à côté de toi. Prend sa main et pose lui une petite question « Maman, tu sais.. « pour attirer son attention. Elle s´ étonnera et sourira et te répondra « quoi, mon chéri ? «. Continue à regarder doucement dans ses yeux en lui disant « Tu sais, Maman, que je t´aime ? Pose lui cette question sans attendant sa réponse. Même si tu as trente ans, quarante ans ou beaucoup plus vieux, pose lui cette question étant son enfant.

Ta maman et toi éprouveront un sentiment de bonheur, prenant conscience que vous vous aimez. Et demain, si elle te quitte, tu ne dois pas te reprocher, que tu ne lui a pas dit ces mots.

C’est le refrain, que je vous donne pour chanter ce soir, mes frères et sœurs bien-aimées, s’ils vous plaisent, chantez le, pour que vous ne viviez pas dans l´ignorance et l´inattention.

Je vous mets cette rose rouge et soyez heureux.

(traduit par MTT)

Eine Rose für Dich

Der Begriff « Mutter » kann von dem « Liebe » nicht getrennt werden. Liebe ist süß, zart und delikat. Ohne Liebe kann ein Kind nicht blühen, ein Erwachsener sich nicht voll entwickeln. Ohne Liebe sind wir schwach und verwittern. An dem Tag, als meine Mutter starb, machte ich folgende Eintragung in mein Tagebuch: Das größte Unglück in meinem Leben ist geschehen. Selbst ein älterer Mensch fühlt sich darauf völlig unvorbereitet. Er fühlt, daß die Zeit noch nicht reif ist und er plötzlich alleine ist. Er fühlt sich verlassen wie ein Waisenkind.

Alle Lieder, die die Mutter preisen sind schön, ungezwungen schön. Selbst jene Poeten und Liederschreiber, die wenig Talent besitzen, gehen mit ganzem Herzen an diese Arbeit. Jene, die diese Lieder und Stücke vorführen, empfinden dabei tiefe Rührung, wenn sie nicht die Mutter schon zu früh verloren haben, um zu wissen was Mutterliebe ist. Lieder und Gedichte, die die Mutter lobpreisen, gibt es schon seit Anfang aller Zeiten und wird es wohl immer geben.

Als ich noch ein Kind war, hörte ich ein einfaches Gedicht, über den Verlust der Mutter. Es ist noch heute tief in meinem Herzen. Wenn eure Mutter noch lebt werdet ihr, wann immer ihr es lest, ihr gegenüber ein zärtliches Gefühl empfinden, und ihr werdet den, wenn auch noch nicht gekommenen, so doch unvermeidlichen Zeitpunkt fürchten.

In jenem Jahr, als meine Mutter mich verließ,

war ich noch so jung und fühlte,

daß ich ein verlassener Weise war.

Alle um mich haben geweint,

nur ich habe in Stille gelitten.

Als ich den Tränen ihren Lauf ließ,

da linderte sich mein Schmerz.

Die Dämmerung umhüllte Mutter’s Sarg,

leise klangen die Glöckchen vom Friedhof.

Mir wurde bewußt, daß die Mutter zu verlieren,

den Verlust des ganzen Universums bedeutet.

Für so viele Jahre taucht sie uns in eine Welt voll Zärtlichkeit und Liebe. Wir fühlen uns wohl darin und bemerken es gar nicht. Erst wenn es zu spät ist, wird es uns bewußt.

Die Leute vom Lande verstehen sich nicht so sehr darin, sich gewählt auszudrücken, wie die Leute aus der Stadt. Bezeichnen die Stadtmenschen eine Mutter als einen unermeßlichen Reichtum an Liebe, so ist das schon zu kompliziert für sie.

Die Leute vom Lande in Vietnam, vergleichen die Mutter mit den duftendsten Bananen, mit feinstem Bienenhonig, mit leckerem süßen Reis von bester Qualität oder mit bestem Rohrzucker. Sie drücken ihre Liebe auf diese einfache, direkte Weise aus. Für mich ist die Mutter wie eine BA HUONG Banane von bester Qualität, wie bester NEP MOT süßer Reis, wie der allerleckerste MIA LAU Rohrzucker!

Manchmal, wenn du Fieber hast, hast du einen bitteren, flauen Geschmack im Mund und nichts schmeckt dir. Nur wenn die Mutter kommt, dir sanft die Decke übers Kinn zieht, ihre Hand auf deine brennende Stirn legt (ist es wirklich eine Hand oder ist es himmlische Seide?) und sanft flüstert « mein armer Liebling », fühlst du Hilfe und Pflege, umgeben von der Süße mütterlicher Liebe. Ihre Liebe ist so duftend wie eine Banane, wie süßer Reis, bester Honig und Rohrzucker.

Vater’s Arbeit ist enorm, so groß wie ein Berg. Mutter’s Respekt ist überflutend wie eine Quelle. Mutterliebe ist der erste Geschmack von Liebe, der Ursprung aller Liebesgefühle. Die Mutter ist der erste Lehrer, der uns Liebe lehrt – das wichtigste im Leben. Ohne die Mutter, wüßten wir nicht – wie zu lieben. Dank ihrer können wir unseren Nächsten lieben. Dank ihrer können wir alle Wesen lieben. Durch sie haben wir gelernt Verständnis und Mitgefühl zu entwickeln. Mutter ist das Fundament aller Liebe. Die meisten Religionen anerkennen dies und verehren Mutterfiguren, wie Mutter Maria oder Mutter Kuan Yin.

Kaum ein Baby beginnt zu weinen ohne eine Mutter, die auf die Wiege zuläuft, um es zu trösten. Mutter ist sanfter, süßer Geist, der alles unglücklich sein und sorgen vergessen läßt. Nur das Wort Mutter zu hören, läßt das Herz mit Liebe erfüllen.

Im Westen wird im Mai der Muttertag gefeiert. Ich komme vom Lande, in Vietnam und habe noch nie von dieser Tradition gehört. Eines Tages als ich mit dem Mönch Thein An zu Besuch im Ginza Bezirk in Tokyo war, trafen wir vor einem Buchladen einige japanische Studenten, die seine Freunde waren. Einer von ihnen fragte ihn diskret eine Frage. Daraufhin zog er eine weiße Blüte aus der Tasche und heftete sie mir an die Robe. Ich war überrascht und etwas beschämt. Ich hatte keine Ahnung was diese Geste zu bedeuten hatte, traute mich aber auch nicht danach zu fragen. Ich versuchte mich so natürlich wie möglich zu verhalten und dachte bei mir, daß es wohl ein einheimischer Brauch sei. Als sie ihr Gespräch beendet hatten, gingen wir in den Buchladen und Thien An verriet mir, daß heute Muttertag ist. Ist die Mutter noch am Leben, so ist es in Japan der Brauch, daß man sich eine rote Blume ansteckt, stolz darauf, noch eine Mutter zu haben. Ist die Mutter schon verstorben, so steckt man sich eine weiße Blüte an.

Ich sah auf die weiße Blüte an meiner Robe und fühlte mich plötzlich sehr unglücklich. Ich war ein genauso unglückliches, verlassenes Waisenkind wie jedes andere unglückliche Waisenkind. Wir konnten nicht mehr stolz eine rote Blume tragen. Diejenigen die weiße Blüten tragen leiden und sie können nicht vermeiden, daß ihre Gedanken zurück zu ihrer Mutter schweifen. Sie können nicht vergessen, daß sie nicht mehr da ist. Diejenigen, die rote Blüten tragen, sind so glücklich, denn sie wissen, daß ihre Mutter noch lebt. Sie haben noch die Möglichkeit, ihr eine Freude zu bereiten, bevor es zu spät ist. Ich wollte wir könnten auch in Vietnam und im Westen, einen solchen Brauch einführen.

Mutter ist ein nicht enden wollender Quell von Liebe, ein unerschöpflicher Schatz. Unglücklicherweise vergessen wir das nur zu leicht. Ist eure Mutter noch am Leben, so wartet nicht bis nach ihrem Tode, um zu sagen: « Oh Gott! Ich habe jahrelang neben ihr gelebt, ohne sie je richtig anzusehen. Manchmal ein kurzer Blick und ein paar Worte, um etwas Taschengeld oder sonst was von ihr zu erbitten. »

Du hast dich an sie gekuschelt, um dich zu wärmen, hast dich bei ihr ausgeweint und warst ärgerlich auf sie. Sie hat sich um dich gesorgt und dabei ihre eigene Gesundheit vernachlässigt. Deinetwegen ist sie früh aufgestanden und spät zu Bett gegangen.

Viele Mütter sterben ihrer Kinder wegen. Ihr ganzes Leben erwarten wir von ihr, daß sie für uns kocht, wäscht und hinter uns sauber macht, während wir damit beschäftigt sind, an unsere guten Noten und unsere Karriere zu denken. Unsere Mütter haben keine Zeit mehr tief in uns hineinzuschauen und wir sind viel zu beschäftigt um sie genau anzusehen. Erst wenn sie nicht mehr ist, werden wir uns dessen bewußt, eine Mutter gehabt zu haben.

Heute abend, wenn du von der Schule oder von der Arbeit nach Hause kommst, oder wenn du weit von ihr entfernt wohnst – das nächste mal wenn du sie besuchst, geh in ihr Zimmer und mit ruhigem, sanftem Lächeln setze dich zu ihr. Ohne zu sprechen, laß sie selbst ihre Arbeit niederlegen. Dann sieh ihr lange und tief in die Augen. Mach das, um sie zu sehen, um zu sehen, daß sie da ist, sie lebt neben dir. Nimm ihre Hand und frage sie diese eine kurze Frage, um ihre Aufmerksamkeit zu erwecken: « Mutter, weißt du was? » Sie wird etwas überrascht sein und vielleicht lächeln, wenn sie dich fragt: « Was, mein Liebes? »

Schau ihr weiterhin sanft in die Augen und sag ihr: « Weißt Du, daß ich dich liebe? »

Frag sie diese Frage ohne auf eine Antwort zu warten. Selbst wenn du schon dreißig, vierzig oder mehr Jahre alt bist, frag sie diese Frage als ihr Kind. Deine Mutter und auch du wirst glücklich sein, in der Bewußtheit daß ihr einander liebt. Und morgen – wenn sie dich verläßt – wirst du dir nicht vorwerfen dies versäumt zu haben.

In Vietnam haben wir die Tradition am Ullambana Festtag den Geschichten und Legenden über Mandagalyayama, über kindliche Liebe, die Arbeit des Vaters, die Ergebenheit der Mutter und die Pflichten der Kinder zu hören. Jeder betet für ein langes Leben der Eltern – oder wenn diese schon verstorben sind – für deren glückliche Wiedergeburt in höheren Daseinsebenen.

Wir glauben, daß ein Kind, daß seine Eltern nicht liebt, nichts wert ist. Auch die Zuneigung des Kindes zu seinen Eltern entspringt der Liebe. Ohne Liebe ist Respekt gegenüber den Eltern nur gekünstelt. Ist Liebe vorhanden, so muß nichts mehr zugetan werden – es ist dann recht so.

Die Mutter zu lieben ist genug. Dies ist keine Pflicht, sondern so natürlich wie trinken wenn man durstig ist. Jedes Kind muß eine Mutter haben und es scheint nur natürlich sie zu lieben. Die Mutter liebt ihr Kind und das Kind liebt seine Mutter. Das Kind braucht seine Mutter und die Mutter braucht ihr Kind. Braucht die Mutter ihr Kind nicht, so ist dies keine Mutter und es ist kein Kind. Es wäre ein Mißbrauch der Wörter Mutter und Kind.

Als ich noch jung war fragte mich einer meiner Lehrer: »Was sollst du tun, wenn du deine Mutter liebst? » Ich antwortete ihm: »Ich muß ihr gehorchen, ihr helfen, mich um sie kümmern wenn sie alt ist und für sie beten. Ich muß mich um den Ahnenaltar kümmern, wenn sie für immer hinter dem Berg verschwunden ist. » Heute weiß ich, daß die Frage « was » unangebracht war. Wenn du deine Mutter liebst, so mußt du überhaupt nichts tun. Du liebst sie – das ist genug. Die Mutter zu lieben, ist keine Frage von Moral und Tugend.

Bitte denke nicht, ich hätte dies geschrieben um dich moralisch zu belehren. Deine Mutter zu lieben ist eine Frage von Profit. Die Mutter ist wie eine Quelle reinsten Wassers, wie feinster Honig, wie delikater Rohrzucker, wie süßer Reis von bester Qualität. Wenn du es nicht verstehst von ihr zu profitieren, so ist dies schade für dich.

Ich möchte dich bloß darauf aufmerksam machen, dir helfen es zu vermeiden, daß du dich eines Tages beschwerst, daß dir nichts im Leben geblieben ist. Stellt dich ein Geschenk wie die Anwesenheit der Mutter nicht zufrieden, so würdest du selbst als Präsident einer großen Gesellschaft oder als Herrscher des ganzen Universums, nicht zufrieden sein.

Ich möchte dir eine Geschichte erzählen. Bitte glaube nicht ich wäre gedankenlos. Es wäre auch möglich gewesen, daß meine Schwester nicht geheiratet hätte, und ich nicht Mönch geworden wäre. In beiden Fällen haben wir unsere Mutter verlassen – sie um ein neues Leben an der Seite des Mannes zu führen, den sie liebt und ich, um meinem Ideal von einem Leben zu folgen.

In der Nacht bevor meine Schwester geheiratet hat, sorgte sich Mutter um tausend und ein Ding, sie schien überhaupt nicht traurig. Als wir uns aber zusammen an den Tisch setzten, um einen kleinen Imbiß zu nehmen, während wir auf die Familie ihres zukünftigen Mannes warteten, bemerkte ich, daß sie keinen Bissen zu sich genommen hatte. Sie sagte: « Achtzehn Jahre lang hat sie mit uns gegessen – heute ist es das letzte Mal. Morgen geht sie zu einer anderen Familie, um deren Mahlzeiten zu nehmen. » Meine Schwester hat geweint. Über ihren Teller gebeugt sagte sie: « Mama, ich werde nicht heiraten ». Sie hat dann aber doch geheiratet.

Ich verließ meine Mutter um Mönch zu werden. Ich gratuliere jenen, die ihre Familie völlig losgelöst verlassen, um Mönch zu werden. Man sagt sie folgen dem geistigen Weg – aber ich bin nicht stolz darauf. Ich liebe meine Mutter – aber ich habe auch eine Idealvorstellung, was mein Leben betrifft – um dieser zu folgen, habe ich meine Mutter verlassen müssen, so schlimm das auch für mich war. Manchmal ist es nötig, solch schwierige Entscheidungen zu treffen. Es ist schwierig, aber wenn wir akzeptieren aufzuwachsen, so müssen wir auch akzeptieren zu leiden. Ich bereue nicht, meine Mutter verlassen zu haben, um Mönch zu werden aber es tat mir leid, eine solche Entscheidung treffen zu müssen. Es war mir nicht möglich voll von diesem Schatz zu profitieren. Jede Nacht bete ich für meine Mutter aber es ist mir nicht mehr möglich, diese duftende BA HUONG Banane, diesen exzellenten NEP MOT süßen Reis und den delikaten Rohrzucker zu genießen.

Denke nicht, daß ich dir empfehle, deine Karriere aufzugeben, um zu Hause an der Seite deiner Mutter zu leben. Ich habe bereits erwähnt, daß ich dir keinen Moralvortrag halten will. Ich möchte dich nur daran erinnern, daß Mutter einer dieser schmackhaften Bananen, dem süßen Reis, Honig und bestem Rohrzucker gleicht.

Sie ist Liebe und Zärtlichkeit – drum liebe Brüder und Schwestern – VERGEßT SIE BITTE NICHT!

Vergessen führt dazu, daß ihr einen imensen Verlust erleiden werdet. Ich hoffe, ihr werdet nicht aus Unwissenheit oder Unachtsamkeit, einen solchen Verlust erleiden müssen.

Ich freue mich, daß ich euch diese rote Blume, diese Rose, anstecken kann – auf daß ihr glücklich sein könnt – das ist alles.

Wenn ich euch einen Vorschlag machen darf, so ist das jener: Heute Abend, wenn ihr von der Schule oder von der Arbeit nach Hause kommt oder nächstes Mal, wenn ihr eure Mutter besucht, falls ihr weit von ihr entfernt wohnt, geht still in ihr Zimmer und mit einem sanften Lächeln, setzt euch an ihre Seite. Ohne etwas zu sagen, laßt sie ihre Arbeit beenden. Seht sie euch lange und gut an. Seht sie an, um zu realisieren, daß sie wirklich da ist, daß sie leibhaftig neben euch sitzt. Dann nehmt ihre Hand und fragt sie diese eine kurze Frage: « Mutter weißt du was? » Wahrscheinlich wird sie ein wenig überrascht sein und vielleicht lächeln, wenn sie euch fragt: « Was, mein Liebes? ». Betrachtet sie weiter mit einem reinen Lächeln und sagt zu ihr: « Weißt Du daß ich dich liebe? »

Fragt sie diese Frage ohne auf eine Antwort zu warten. Selbst wenn ihr schon dreißig, vierzig oder mehr Jahre alt seit, fragt sie diese Frage als ihr Kind. Eure Mutter und ihr, werdet glücklich sein, in der Bewußheit dieser gegenseitigen Liebe. Und morgen – wenn sie euch verläßt – werdet ihr nicht bereuen, dies versäumt zu haben.

Das ist der Refrain, den ich euch heute zum singen gebe.

Brüder und Schwestern, bitte singt ihn – singt ihn auf daß ihr nicht in Unwissenheit und Vergeßlichkeit lebt.

Diese rote Rose hab ich euch angesteckt – BITTE SEID GLÜCKLICH!

A Rose for Your Pocket

The thought « mother » cannot be separated from that of « love ». Love is sweet, tender, and delicious. Without love, a child cannot flower, an adult cannot mature. Without love, we weaken, wither.

The day my mother died, I made this entry in my journal: « the greatest misfortune of my life has come ! ». Even an old person, when he loses his mother, doesn’t feel ready. He too has the impression that he is not yet ripe, that he is suddenly alone. He feels as abandoned and unhappy as a young orphan.

All songs and poems praising motherhood are beautiful, effortlessly beautiful. Even songwriters and poets without much talent seem to pour their hearts into these works, and when they are recited or sung, the performers also seem deeply moved, unless they have lost their mothers too early even to know what love for mother is. Writings extolling the virtues of motherhood have existed since the beginning of time throughout the world.

When I was a child I heard a simple poem about losing your mother, and it is still very important for me. If your mother is still alive, you may feel tenderness for her each time you read this, fearing this distant yet inevitable event.

That year, although I was still very young
my mother left me,
and I realised that I was an orphan,

everyone around me was crying,
I suffered in silence…
Allowing the tears to flows,
I felt my pain soften.
Evening enveloped
Mother’s tomb,
the pagoda bell rang sweetly.
I realised that to lose your mother
is to lose the whole universe.

We swim in a world of tender love for many years, and, without even knowing it, we are quite happy there. Only after it is too late do we become aware of it.

People in the countryside do not understand the complicated language of city people. When people from the city say that mother is « a treasure of love », that is already too complex for them. Country people in Vietnam compare their mothers to the finest varieties of bananas or to honey, sweet rice, or sugar cane. They express their love in these simple and direct ways. For me, a mother is like a « ba hương » banana of the highest quality, like the best « nếp một » sweet rice, the most delicious « mía lau » sugar cane!

There are moments after a fever when you have a bitter, flat taste in your mouth, and nothing tastes good. Only when your mother comes and tucks you in, gently pulls the covers over your chin, puts her hand on your burning forehead (Is it really a hand, or is it the silk of heaven?), and gently whispers, « My poor darling! » do you feel restored, surrounded with the sweetness of maternal love. Her love is so fragrant, like a banana, like sweet rice, like sugar cane.

Father’s work is enormous, as huge as a mountain. Mother’s devotion is overflowing, like water from a mountain spring . Maternal love is our first taste of love, the origin of all feelings of love. Our mother is the teacher who first teaches us love, the most important subject in life. Without my mother I could never have known how to love. Thanks to her I can love my neighbours. Thanks to her I can love all living beings. Through her I acquired my first notions of understanding and compassion.

Mother is the foundation of all love, and many religious traditions recognise this and pay deep honour to a maternal figure, the Virgin Mary, the goddess Kwan Yin. Hardly an infant has opened her mouth to cry without her mother already running to the cradle. Mother is a gentle and sweet spirit who makes unhappiness and worries disappear. When the word « mother » is uttered, already we feel our hearts overflowing with love. From love, the distance to belief and action is very short.

In the West, we celebrate Mother’s Day in May. I am from the countryside of Vietnam, and I had never heard of this tradition. One day, I was visiting the Ginza district of Tokyo with the monk Thien An, and we were met outside a bookstore by several Japanese students who were friends of his. One discretely asked him a question, and then took a white carnation from her bag and pinned it on my robe. I was surprised and a little embarrassed. I had no idea what this gesture meant, and I didn’t dare ask. I tried to act natural, thinking this must be some local custom.

When they were finished talking (I don’t speak Japanese), Thien An and I went into the bookstore, and he told me that today was what is called Mother’s Day. In Japan, if your mother is still alive, you wear a red flower on your pocket or your lapel, proud that you still have your mother. If she is no longer alive, you wear a white flower. I looked at the white flower on my robe and suddenly I felt so unhappy.

I was as much an orphan as any other unhappy orphan; we could no longer proudly wear red flowers in our buttonholes. Those who wear white flowers suffer, and their thoughts cannot avoid returning to their mothers. They cannot forget that she is no longer there. Those who wear red flowers are so happy, knowing their mothers are still alive. They can try to please her before she is gone and it is too late. I find this a beautiful custom. I propose that we do the same thing in Vietnam, and in the West as well.

Mother is a boundless source of love, an inexhaustible treasure. But unfortunately, we sometimes forget. A mother is the most beautiful gift life offers us. Those of you who still have your mother near, please don’t wait for her death to say, « My God, I have lived beside my mother all these years without ever looking closely at her. »

Just brief glances, a few words exchanged-asking for a little pocket money or one thing or another. You cuddle up to her to get warm, you sulk, you get angry with her. You only complicate her life, causing her to worry, undermining her health, making her go to sleep late and get up early. Many mothers die young because of their children. Throughout her life we expect her to cook, wash, and clean up after us, while we think only about our grades and our careers. Our mothers no longer have time to look deeply at us, and we are too busy to look closely at her. Only when she is no longer there do we realise that we have never been conscious of having a mother.

This evening, when you return from school or work or, if you live far away, the next time you visit your mother, you may wish to go into her room and, with a calm and silent smile, sit down beside her. Without saying anything, make her stop working. Then, look at her for a long time, look at her deeply. Do this in order to see her, to realise that she is there, she is alive, beside you. Take her hand and ask her one short question to capture her attention, « Mother, do you know something? » She will be a little surprised and will probably smile when she asks you, « What, dear? » Keep looking into her eyes, smiling serenely, and say, « Do you know that I love you? » Ask this question without waiting for an answer. Even if you are thirty or forty years old, or older, ask her as the child of your mother. Your mother and you will be happy, conscious of living in eternal love. Then tomorrow, when she leaves you, you will have no regrets.

In Vietnam, on the holiday of Ullambana, we listen to stories and legends about the bodhisattva Maudgalyayana, and about filial love, the work of the father, the devotion of the mother, and the duty of the child. Everyone prays for the longevity of his or her parents, or if they are dead, for their rebirth in the heavenly Pure Land. We believe that a child without filial devotion is just artificial. But filial devotion also arises from love itself. Without love, filial devotion is just artificial. When love is present, that is enough, and there is no need to talk of obligation. To love your mother is enough. It is not a duty, it is completely natural, like drinking when you are thirsty. Every child must have a mother and it is totally natural to love her. The mother loves her child, and the child loves his mother. The child needs his mother, and the mother needs her child. If the mother doesn’t need her child, nor the child his mother, then this is not a mother, and this is not a child. It is a misuse of the words « mother » and « child ».

When I was young, one of my teachers asked me, « What do you have to do when you love your mother? » I told him, « I must obey her, help her, take care of her when she is old, and pray for her, keeping the ancestral altar when she has disappeared forever behind the mountain. » Now I know that the word « What » in his question was superfluous. If you love your mother, you don’t have to do anything. You love her; that is enough. To love your mother is not a question of morality or virtue.

Please do not think I have written this to give a lesson in morality. Loving your mother is a question of profit. A mother is like a spring of pure water, like the very finest sugar cane or honey, the best quality sweet rice. If you do not know how to profit from this, it is unfortunate for you. I simply want to bring this to your attention, to help you avoid one day complaining that there is nothing left in life for you. If a gift such as the presence of your own mother doesn’t satisfy you, even if you are president of a large corporation or king of the universe, you probably will not be satisfied. I know that the Creator is not happy, for the Creator arises spontaneously and does not have the good fortune to have a mother.

I would like to tell a story. Please don’t think that I am thoughtless. It could have been that my sister didn’t marry, and I didn’t become a monk. In any case, we both left our mother — one to lead a new life beside the man she loved, and the other to follow an ideal of life that he adored. The night my sister married, my mother worried about a thousand and one things, and didn’t even seem sad. But when we sat down at the table for some light refreshments, while waiting for our in-laws to come for my sister, I saw that my mother hadn’t eaten a bite. She said, « For eighteen years she has eaten with us and today is her last meal here before going to another family’s home to take her meals. » My sister cried, her head bowing barely above her plate, and she said, « Mama, I won’t get married. » But she married nonetheless. As for me, I left my mother to become a monk. To congratulate those who are firmly resolved to leave their families to become monks, one says that they are following the way of understanding, but I am not proud of it. I love my mother, but I also have an ideal, and to serve it I had to leave her — so much the worse for me.

In life, it is often necessary to make difficult choices. We cannot catch two fish at the same time: one in each hand. It is difficult, because if we accept growing up, we must accept suffering. I don’t regret leaving my mother to become a monk, but I am sorry I had to make such a choice. I didn’t have the chance to profit fully from this precious treasure. Each night I pray for my mother, but it is no longer possible for me to savour the excellent « ba hương » banana, the best quality « nếp một » sweet rice, and the delicious « mía lau » sugar cane. Please don’t think that I am suggesting that you not follow your career and remain home at your mother’s side. I have already said I do not want to give advice or lessons in continuing to look into her eyes with a serene smile, tell her, « Do you know that I love you? » Ask her this question without waiting for an answer. Even if you are thirty, forty years old, or older, ask her simply, because you are the child of your mother. Your mother and you will both be happy, conscious of living in eternal love. And tomorrow when she leaves you, you will not have any regrets.

This is the refrain I give you to sing today. Brothers and sisters, please chant it, please sing it, so that you won’t live in indifference or forgetfulness.

This red rose, I have already placed it on your lapel. Please be happy.

Bông Hồng Cài Áo

Nhất Hạnh – để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ. Medford, Hoa Kỳ, tháng tám, 1962

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không « lớn » lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay.

Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu…. sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời !

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Ðể dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi…

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở « khổ chưa, con tôi « , ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.

Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra . Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.

Ðạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Ðạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother’s Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Ðừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: « trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ! ». Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Ðòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Ðể mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Ðể khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: « Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ! »

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi:  » Mẹ ơi, mẹ có biết không ? » Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười « Biết gì? » Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: « Mẹ có biết là con thương mẹ không ? » Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi người cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Ðó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: « Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào? » Tôi trả lời: « Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi ». Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải « làm thế nào » gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi  » làm thế nào  » nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Ðể mai này anh chị đừng có than thở rằng: Ðời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Ðáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: « Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác ». Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: « Thôi con không lấy chồng nữa ». Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. « Cắt ái từ sở thân » là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: « Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ! ». Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết — tôi không giảng luân lý đạo đức — rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: « Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương ». Ðể chị đừng quên, để em đừng quên.

Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: « Mẹ ơi, mẹ có biết không? » Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: « Biết gì? » Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: « Mẹ có biết là con thương mẹ không? » Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

Nhất Hạnh (1962)

Tôi mơ chắp cánh bay về….© Mathilde Tuyết Trần, Pháp 2021

23. décembre 2021

Tôi mơ chắp cánh bay về….© Mathilde Tuyết Trần, Pháp 2021

Bài của MTT dự thi viết của báo Tuổi Trẻ tổ chức « Đoàn viên sau đại dịch » trong số hơn 500 bài vào vòng sơ khởi. Kết quả cuộc thi viết được công bố ngày 22.12.2021 trên báo Tuổi Trẻ. MTT đoạt giải thưởng đặc biệt 10 triệu đồng + Bộ quà tặng Vespa kỷ niệm 75 năm + Mũ bảo hiểm Vespa 75 năm. Toàn bộ số tiền giải thưởng và tiền nhuận bút MTT xin tặng lại cho báo Tuổi Trẻ để làm việc từ thiện. Xin vinh danh báo Tuổi Trẻ trong công việc biên tập bài gởi đến, xuất sắc ! https://tuoitre.vn/cong-bo-tac-gia-doat-giai-doan-vien-sau-dai-dich-20211223070754425.htm

Lễ trao giải thưởng của báo Tuổi Trẻ được tổ chức hôm nay, 08.01.2022, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM: https://tuoitre.vn/sang-nay-trao-giai-cuoc-thi-ra-mat-sach-doan-vien-sau-dai-dich-cong-bo-giai-pham-tuoi-tre-xuan-20220108021526371.htm

MTT_ba_tuyet« Ếch bà, ếch bà…ba ba…đi đi… » đứa con gái ba tuổi chỉ chiếc xe mầu trắng ngà lộng lẫy đòi được đi chơi với ba, và không chờ đợi sự ưng thuận của ba, nó đã leo tót lên chiếc xe, ngồi lọt thỏm vào cái ghế mây đã được cột chặt trên xe, dành riêng cho nó. Má thì vừa ý lắm, ông đi đâu mà có kèm theo đứa con gái rượu thì chẳng thể có « mèo » theo đuổi được. Hai cha con trên chiếc ếch bà lượn một vòng theo « đường xưa lối cũ », từ đường Pasteur theo chiều rẽ tay trái sang Lê Thánh Tôn, chạy chầm chậm qua đường Hàm Nghi thẳng hướng cột cờ Thủ Ngữ, rồi chạy dọc đường bở sông Sài Gòn, ngắm những chiến thuyền đậu ở phân xưởng Ba Son, rẽ tay trái ngang qua khu nhà Nguyện, rồi bọc xuống thằng hướng dinh, đảo vòng quanh hồ con rùa, rồi lại thẳng hướng Nhà thờ Đức bà về lại đường Catina, lại rẽ vào đường Lê Thánh Tôn về nhà…Nhiều khi trời nóng quá thì ba lái xe đánh vòng xa hơn, đi tuốt lên Sở thú, thậm chí đi qua cả cầu Calmette hướng Tân Thuận…để hóng gió sông mát rượi sau những giờ làm việc mệt mỏi. Đứa con gái ba, bốn tuổi ấy là tôi. Giờ nhìn ảnh cha tôi trên bàn thờ, tôi rưng rưng nhớ lại kỷ niệm xưa đầu đời trong vòng tay bảo bọc ấm êm của cha mẹ và tự trách mình bất hiếu. Đúng y như câu người ta nói; cha mẹ nuôi mười con nhưng mười con không nuôi nổi cha mẹ. Nhưng, nước mắt bao giờ cũng chảy xuống, bao nhiêu năm lo cho chồng, cho con, vì đời sống phải cạnh tranh vất vả tôi đã không thể về thăm cha mẹ ở quê nhà trong một thời gian rất dài, lúc cha mẹ cần đến tôi. Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng, mà đứa con gái ấy bỏ cha bỏ mẹ đi xa khi còn chưa đến tuổi trưởng thành, khi ấy là 21 tuổi. Ngày tôi đi, mặc chiếc áo dài mầu tím vẽ chim phượng với quần lụa trắng, tóc thề buông thẳng dài quá vai, thời ấy phi trưởng Tân Sơn Nhất còn rất nhỏ, máy bay đậu ngang trước nhà hành khách, đàn gà cục tác bươi móc kiếm ăn ngoài nắng, mọi người lục tục tay xách nách mang đi bộ ra sân, leo cầu thang lên máy bay. Lúc cánh cửa máy bay đóng lại, trước mặt là không khí mát rượi trên máy bay, sau lưng là cái nóng hầm hập của Sài Gòn buổi trưa, tôi không biết là ba tôi đã té xỉu vì ông mất đứa con gái. Má tôi không khóc, nhưng cũng buồn và lo lắm. Bây giờ làm mẹ, tôi mới hiểu được sự mất mát đó của cha mẹ. Không gì bằng được một gia đình quây quần với nhau, có mắm ăn mắm có muối ăn muối, không chia rẽ, không chia cắt.

Nạn dịch covid từ năm 2019 đến giờ làm cho tôi sống lại không khí « chiến tranh » chia cắt. Đời sống kinh tế sống lại dần dần, chậm chạp vì dân chúng thiếu thu nhập, thất nghiệp. Mùa Noel đã bắt đầu từ giữa tháng mười một trong các siêu thị, chocolat chất đống, đồ chơi trẻ con chất đống, quần áo chất đống….người mua thì ít, những tháng cuối năm cũng là những tháng đóng cho đủ tất cả các loại thuế, cái gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng đè lên con người ở đây chẳng còn sức để tiêu thụ. Những chợ phiên đặc biệt Noel ở những thành phố lớn, nổi tiếng, thì thu hút người đông đảo đến chơi, xem chợ xem người. Giờ nếu mà thêm một đợt cách ly toàn diện xã hội nữa thì nước Pháp cũng phải oằn mình, kêu ca thêm. Ba đợt cách ly toàn diện xã hội đã qua ở Pháp kéo dài cả tháng và những biện pháp cứng rắn vì dịch covid còn kéo dài đến tháng bảy năm 2022 làm cho con người bị tổn thương tâm lý mạnh, một điều mà chưa thấy ai nói đến.

Mùa đông ở đây đã về từ lâu, năm nay lạnh và ẩm ướt hơn những năm trước, trời chỉ sáng đục vì sương và mưa từ chín giờ sáng đến bốn, năm giờ chiều, càng làm cho tâm hồn con người âm u hơn, thèm có được cái nắng nóng chói chang buổi trưa ở quê nhà để tắm trong nắng. Người ở nhà thì sợ nắng muốn chết. Ngang qua những cánh rừng thưa đầu mùa đông không có nắng chỉ là một mầu đỏ úa trong sương xám, những cây có lá vàng thì đã rụng hết lá. Người già, người bệnh…đều sợ xe cứu thương đến tận cửa, vì biết rằng một đi không về. Những người già bị cô lập trong nhà, hay trong viện dưỡng lão không ai đến thăm. Những cái chết cô đơn, những đám tang vội vã không bạn bè, hoặc đông đủ cả người thân đưa tiễn…những điều ấy đánh mạnh vào trái tim đau đớn của người còn ở lại.

Tin tức trên truyền thông về bệnh dịch covid đọc không hết, cả chiều thuận lẫn chiều không thuận, chia rẽ thêm sâu sắc trong từng gia đình. Tôi cảm nhận cái khái niệm chiến tranh trên một quốc gia châu Âu đã có hòa bình từ năm 1945 được thể hiện trước nhất là sự chia cắt với thế giới và chia rẽ trong dân chúng. Ở đây, nhà ai biết nhà nấy, tình hàng xóm láng giềng nếu có thì cũng chỉ hạn chế, chừng mực trong giao tiếp xã giao, không có cái lộc xộc xông tơ tới vào nhà, ồn ào chuyện làng trên xóm dưới, hay chia miếng cơm miếng canh bầu bí thương nhau, giúp đỡ nhau cho qua nạn dịch như ở Việt Nam. Người châu Âu giữ thể diện cho mình bằng cách đóng cửa nhà, bên mình thì cửa nhà không bao giờ đóng.

Cùng với Noel ở đây là mùa Tết ở nhà cũng đã gần kề, nhưng hy vọng được về ăn Tết Nhâm Dần 2022 của vợ chồng tôi thì chưa tới. Tết ở đây chỉ là hai cái bánh chưng và hai ba quả xoài mua vội trong một siêu thị ở Paris, năm nào cũng như năm ấy, nếu tôi không về thăm nhà. Và nỗi nhớ nhà của tôi thì hiện lên bằng hình ảnh của những con đường, góc phố, làng xóm, những cây me, cây bưởi, cây dừa…những khuôn mặt người quen, bè bạn, người thân…, những kỷ niệm thời thơ ấu, những chuyến du lịch thăm đất nước. Quê hương chỉ là chừng ấy cụ thể, tưởng chừng như chỉ là những hình ảnh cưỡi ngựa xem hoa, mà sao tình cảm ấy lại bàng bạc da diết thấm sâu tận đáy tâm hồn. Nhìn những cánh máy bay đang lên ở phi trường Charles-De-Gaulle gần nhà, tôi như muốn mọc cánh bay theo, ước ao được về thăm lại quê hương một lần nữa ….khẻo trễ!

PS: Gởi bạn đọc thêm một tấm ảnh với chiếc « ếch bà » của ba, lúc này ba đã đổi xe vespa khác, MTT đã ra dáng dậy thì, chụp vào một sáng mồng một tết sau khi đi lễ ở Lăng Ông về, ngang qua Tòa Đô Chánh. Thời ấy còn có những bác thợ chụp ảnh dạo, đứng trên đường chờ khách. Ba tôi « mở hàng » cho ông thợ chụp ảnh bằng một tấm ảnh kỷ niệm, ba diện com lê, đeo cà vát, đẹp trai ra phết, thảo nào má chẳng sợ ba có những « con mèo » theo đuổi, vì thời ấy, đàn ông được cưới chính thức bốn bà vợ (để « sản xuất », một hậu quả của chiến tranh và phong kiến).

MTT_ba_tuyet_photo6

Chúc mừng Giáng Sinh 2021

18. décembre 2021

Chúc Mừng Giáng Sinh 2021

Chúc các bạn bình an, sức khỏe và hạnh phúc dài lâu,

Chúc Mừng Năm Mới 2022

nhiều may mắn, thành công, thịnh vượng và hòa bình

trong cuộc sống

Meilleurs Voeux de

Bonnes Fêtes et Bonne Année 2022

Fröhliches Weihnachtsfest und Guten Rutsch ins Neue Jahr

Mathilde Tuyết Trần

Bản nhạc  » Anh cho em mùa xuân » qua tiếng hát của Mathilde Tuyết Trần

tại phòng thu BR, thành phố Hồ Chí Minh:

IMG_0448[28449]2

Vĩnh biệt anh Phan Văn Hoàng

6. décembre 2021

Vĩnh biệt anh Phan Văn Hoàng, tiến sĩ sử học. ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Được tin quá trễ là anh tiến sĩ sử học Phan Văn Hoàng đã ra đi nơi cõi vĩnh hằng trong tháng 11 năm 2021, thật là một cái sốc của ngày hôm nay, thời gian thật chẳng chờ đợi ai cả.

Tôi hân hạnh được làm quen với anh Hoàng qua chị Khánh, biên tập viên của nhà xuất bản Trẻ. Chị Khánh giới thiệu anh Hoàng là nhà sử học, giỏi tiếng Pháp, sẽ biên tập cuốn Dấu Xưa-Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn của tôi và kết nối hai bên với nhau. Không bao lâu, được thư anh Hoàng để trao đổi những vấn đề lịch sử của nhà Nguyễn. Công việc biên tập cho cuốn sách dày 335 trang kéo dài nhiều tháng, đến khi hoàn tất anh Hoàng lại viết thêm một lời giới thiệu cho cuốn sách ký tên Nhà xuất bản Trẻ, không ký tên anh vì anh giận tôi một điều gì đó, không nói. Phải nói thêm, tôi và anh Hoàng chỉ qua lại bằng thư từ, chưa biết mặt nhau. Chị Trần Hữu Khánh là một người rất có hiểu biết về lịch sử và văn chương, chị tôn trọng phong cách hành văn của tôi, một người Việt ở nước ngoài đã lâu, văn phong cổ lỗ sĩ và mang dấu ấn nửa bắc nửa nam, chỉ sửa cho tôi những lỗi gõ, những lỗi sơ ý mà tôi không thấy vì làm việc một mình ở nước ngoài, không ai hỗ trợ. Tôi rất cảm kích về công việc biên tập của anh Hoàng và chị Khánh, vui mừng vì cuốn sách của tôi được hoàn thiện trước mắt cho độc giả tại Việt Nam. Sự tìm kiếm nhà xuất bản của tôi không phải là không có khó khăn. Trước đó, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, sau khi biểu quyết nội bộ đã từ chối xuất bản vì lý do là nội dung của cuốn sách không phù hợp. Dấu Xưa, với 7 chương, đã được xuất bản tại Pháp năm 2010.

Cuốn Dấu Xưa-Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn được ra đời tại Việt Nam bởi nhà xuất bản Trẻ vào tháng 09.2011, rồi tái bản một lần nữa vào tháng 12.2011, được giới thiệu trên VTV 1 truyền hình Việt Nam.

Trong một lần về nước, vợ chồng tôi được anh Mai Quốc Liên, chủ biên và tổng biên tập của tạp chí Hồn Việt của trung tâm Nghiên cứu quốc học và Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh mời ăn tất niên với tòa soạn. Đó là lần đầu tiên tôi và anh Hoàng gặp nhau. Ấn tượng của tôi là anh Hoàng, người giỏi tiếng Pháp, biết cả tiếng Anh và tiếng Hán, là một người khiêm tốn, nhã nhặn và lịch sự, có một nụ cười hiền lành. Tôi tự nghĩ chắc tôi đã vô tình viết một điều gì đó khiến cho anh giận. Đó là cái lỗi thông thường nhất của loại thư điện tử viết nhanh vô ý làm cho mọi người hiểu lầm ý của nhau rồi giận nhau qua mạng ! Nói chuyện trực tiếp thì khác. Anh không phô sự hiểu biết về lịch sử của mình ra trước, mà người đối diện phải nhận ra khi trò chuyện với anh. Thật ra, anh đáng là thầy tôi, một hậu sinh « tay ngang », không thuộc ngành sử học. Sau đó, tôi còn gặp anh Hoàng nhiều lần trong những buổi hội tụ của tạp chí Hồn Việt, anh đã quên giận, gặp tôi với những nụ cười hiền lành, khiêm tốn. Lần cuối cùng tôi gặp anh trong một buổi họp mặt chung quanh anh Mai Quốc Liên vào dịp Tết Kỷ Hợi 2019, trước sự bùng phát của dịch covid 19, chúng tôi trở về Pháp trong mùa xuân 2019 rồi không về được nữa, đã ba năm rồi.

Tôi thắp nén hương, chân thành cầu mong vong linh anh Hoàng được phiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng. Tôi ghi tên anh trên những làn mây trắng và mỗi khi nhìn thấy cầu vồng trên bầu trời còn ướt nước tôi thường cầu nguyện cho những người tôi mến thương được lên trời, siêu thoát.

Nhân dịp này cũng xin chân thành cảm ơn anh Cao Tiến Vị, đã giúp sức đưa cuốn Dấu Xưa-Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn về nhà xuất bản Trẻ. MTT.

Anh Phan Vãn Hoàng ngồi ở đầu bàn

Chị Trần Hữu Khánh và MTT

Và nếu hoa biết, những đóa hoa bé bỏng

1. décembre 2021

Für Chi, 01.12, dein Gedicht übersetzt von Phan Kim Hổ

Und wüßten’s die Blumen, die kleinen

Heinrich Heine

Und wüssten’s die Blumen, die kleinen,hongtrang
Wie tief verwundet mein Herz,
Sie würden mit mir weinen,
Zu heilen meinen Schmerz.

Und wüssten’s die Nachtigallen,
Wie ich so traurig und krank,
Sie liessen fröhlich erschallen
Erquickenden Gesang.

Und wüssten sie mein Wehe,
Die goldenen Sternelein,
Sie kämen aus ihrer Höhe,
Und sprächen Trost mir ein.

Sie alle können’s nicht wissen,
Nur eine kennt meinen Schmerz:
Sie hat ja selbst zerrissen,
Zerrissen mir das Herz.

Scannen0023 (2)Và nếu hoa biết, những đóa hoa bé bỏng

Heinrich Heine

Và nếu hoa biết, những đóa hoa bé bỏng,

Tim tôi thương tổn nặng dường nào,

Hoa sẽ cùng tôi khóc,

Để chữa lành nỗi đau.

Và nếu lũ chim sơn ca biết,

Tôi thật buồn và bệnh biết bao,

Chim sẽ vang lên ríu rit

Giọng ca hót vui tươi.

Và nếu những ngôi sao vàng lấp lánh,

Biết rằng tôi phải chịu đau buồn

Từ trên cao sao sẽ giáng hạ,

Và an ủi tôi luôn.

Tất cả đều không thể nào biết lý lẽ,

Chỉ một người rõ nỗi đau thôi:

Nàng đã tự mình xé,

Xé nát trái tim tôi.

Phan Kim Hổ dịch

Herzogenrath, ngày 01.12.2021

P1120716

Bài hát « Từng giọt yêu thương »

28. novembre 2021

Bài hát « Từng giọt yêu thương » –© Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Bài hát « Từng giọt yêu thương » của Phạm Trọng Cầu đến tay tôi vào khoảng cuối thập niên những năm 1970, tôi đã hát nhiều lần trong những lần hát hò của ban văn nghệ khi xưa và lần cuối cùng là ở đám cưới của hai bạn Du và Ni ở Göttingen năm nào tôi quên mất. Khi về Sài Gòn thâu thanh bản nhạc, ai cũng kêu là bản nhạc nghe rất lạ tai, chuyển nhịp điệu giữa bài. Tuy nhiên ban nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Đức Thịnh triệu tập trong phòng thu gồm 6 nhạc sĩ đã thể hiện được một hòa âm tương xứng, người hát và nhạc sĩ không biết có làm vừa lòng người sáng tác hay không, chỉ biết bản nhạc này duy nhất đến nay chỉ có MTT thể hiện. Nay, anh Nguyễn Xuân Xanh, người anh của lớp chúng tôi, tìm lại một bài do tôi hát, không nhớ tựa đề, có phải là bản nhạc này chăng ?

Thân mến tặng anh Nguyễn Xuân Xanh, các bạn Tâm Liêm, Hương Hổ, Giao Trang, Phò mã Minh Khôi, anh Nguyễn Tường Bách và chị Vinh, Thịnh Hoàng, Cường Hiền, Tiến Hoa, Hằng Nhung, anh Hồ Văn Tiến, anh Trương Như Tùng, anh Dương Minh Trí, anh Phạm Như Phúc, anh Phạm Nam Hương và các bạn ở Đức cùng có nhiều kỷ niệm với tôi, bài hát  » Từng giọt yêu thương  » của Phạm Trọng Cầu, thu thanh ở MPU-Studio năm 2006. (Riêng anh Nguyễn Lê Tiến đã có chị Ái Vân hát thủ thỉ bên tai rồi nhé). Thời gian đi nhanh quá nhỉ ! MTT

PS: Các bạn viết thư gửi tôi mới nhớ thêm, hồi đó còn cả gan dám hát tiếng Tây Ban Nha với Ngọc Hằng những bản nhạc của những năm 60-70 như Guatanamera, El condor pasa và đặc biệt là Petito mi corazon điệu chachacha vui nhộn với ban nhạc của anh em Aachen: anh Hổ (mandolin), anh Bách (trống), anh Thành (guitar), anh Vinh (Bass-guitar). Những buổi tập dượt ở Ché-Haus là những kỷ niệm khó quên ! Các bạn còn nhớ không ?

Một bản nhạc cũng không thấy ai hát ngoài tôi ra là bài « Tình ca của chúng ta« , mà không biết tên tác giả, tôi cũng hát lần cuối cùng trong đám cưới của Du-Ni trước khi rời tập thể ở Đức vĩnh viễn năm 1981. Bây giờ tìm lại thì thấy có một thu âm, Pierre chuyển ra file mp3, tôi đưa lên mạng để sau này những bản nhạc đó không chìm vào quên lãng hay mất đi uổng phí, bạn nào có thích thì vào nghe. File dài 11 phút, với hai MC là Mệ Dũng và Phạm Nam Hương, tôi hát hai bài « Từng giọt yêu thương » và « Tình ca của chúng ta »:

Bản nhạc nổi tiếng Pepito mi corazon của ban Los Machucambos (nguyên tác):

Bình minh trên Thành phố

27. novembre 2021

Bình minh trên Thành phố – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Bài viết này tôi viết trong khoảng thời gian 2009-2012, những con số tuy đã mất tình thời sự nhưng nó nói lên được sự thay đổi so với hiện tại của xã hội, của ngày hôm qua so với ngày hôm nay. Đó là sự cố tình ghi chép của người viết. Sự phát triển và sự giầu có tột cùng, bên cạnh đó cái nghèo, cái thiếu thốn, cái cực khổ của người dân đều đập vào mắt. Nhưng ở mình, có một sự đoàn kết, một sự gắn bó của con người với con người, lá lành đùm lá rách, ít thấy ở nơi khác. Một ngày nào đó, tôi hy vọng được trở về một lần nữa trên thành phố thân yêu.

Thương mến tặng các bạn đã đi du học cùng thời với tôi, đặc biệt là các bạn ở Đức, những người bạn rất quý, rất thân tình, trong suốt nửa thế kỷ đã chung thủy, giúp đỡ, chia xẻ với tôi những nỗi buồn, nỗi vui của cuộc đời và tuy xa mặt nhưng không cách lòng, tôi không bao giờ quên các bạn. MTT (kỷ niệm 50 năm 1971-2021)

Trích « Từ Lũng Cú đến Đất Mũi », hồi ký du lịch, xuất bản năm 2013

Tôi trở về thành phố thân yêu của tôi lần này thì thấy mình đã già hẳn đi rồi. Cái thành phố còn nhỏ bé, còn yên tĩnh, êm đềm, còn đảo một vòng xe hai bánh vừa vặn khi xưa, cách đây hơn 40 năm, trên thực tế nay đã lùi vào quá khứ, chỉ còn lại trong hoài niệm tuổi thơ thôi. Thành phố ngày hôm nay là một cái nồi nước sôi ban ngày tháng ba nóng đã lên đến 36°, 37°, không gió, oi bức như đang chuyển giông, làm tôi còn nhớ cái lạnh mát mùa xuân của Hà Nội đang còn 11°, hay cơn gió trong lành hiu hiu của biển Quy Nhơn ở 26° trong cùng thời điểm.

Cơn mưa đầu mùa rơi xuống còn chưa đủ nước, chưa đủ lâu, chỉ làm mát một chút buổi chiều, hay vừa mới là những hạt bụi nước lấm tấm rồi ngưng. Người thành phố, không biết chạy đâu mà ngược xuôi, hối hả, đèn chưa xanh đã phóng, đèn đỏ rồi còn ráng quẹo, ráng lấn lên lề đường để phóng trước, đi tiếp, đầu tắt mặt tối. Thấy tôi đi một mình len lỏi trong các bóng râm, mùa này hoa me đang nở, đã lâu lắm rồi tôi quên bẵng đi rằng hoa me mầu vàng rực, đẹp không thua gì hoa phượng đỏ, anh tài xe ôm ngoắc ngoắc, cô ơi đi đâu tui chở đi, sáng giờ xui quá chưa có cuốc nào.

Cái thú phóng xe honda ngày xưa tôi vẫn còn nhớ, nhưng bây giờ thì xe cộ chen chúc đông quá, bao nhiêu là xe máy, xe buýt kềnh càng, xe taxi hối hả rượt bắt khách, xe nhà loại xịn rất sang trọng…bụi bặm quá, ngột ngạt quá.

Nhiều công nhân quét dọn công viên, đường phố, họ ngồi đong đưa trên miệng cống, nhìn cái hố cống đã được hút sạch, hơi cống bay lên nồng nặc, nhưng họ thỏa mãn về kết quả sạch sẽ của mình. Thành phố sạch thật, thảm cỏ xanh được cắt, xén, quét dọn, rác rưởi trên đường phố cũng được gom thành đụn nhỏ, chờ hốt đi. Thành phố sạch sẽ như hồi tôi đi.

Thương xá Tam Đa cũ đã gần bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại vài nhà sẽ bị phá sập, những đống gạch vụn nằm ngổn ngang. Nghe nói, trên nền đất này, người ta sẽ xây lên một trung tâm bán vàng bạc đá quý rất lớn, rất nguy nga, rất lộng lẫy. Một người quen ở thương xá Tam Đa than thở, anh đang sắp xếp va li, đồ đạc, chưa biết đi đâu để „làm lại cuộc đời“ từ con số không, nhưng chắc chắn là phải đi sau Tết.

Mỗi lần đi ngang đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) tôi ngậm ngùi nhớ vườn bông củ cải. Cái khoảng trời xanh cỏ xanh cây xanh nho nhỏ với các bình bông quét vôi trắng tinh thật to đặt ở các góc, trên lú lên vài bụi hoa nho nhỏ, mà bọn con nít chúng tôi kêu là những cái „củ cải“, đã bị hoàn toàn phá vỡ. Những cái cần trục vĩ đại, giàn sắt thép, đống gạch đá ngổn ngang, nhân công xây dựng chạy tứ tung, những người gác công trường xua tay cấm chụp hình…họ đang hối hả xây trên nền vườn bông củ cải một trung tâm thương mại đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy.

Bây giờ công trình xây dựng tòa nhà cao tầng đó đã xong, hai cái nóc song song có hình dáng cong cong như hai cái mũ vua thời xưa, vườn bông củ cải đã trở thành một góc vườn hoa, nhiều lá xanh, nhiều hoa dưới chân một tòa nhà rất hiện đại sang trọng.

Tôi cũng ngậm ngùi nhớ rạp chớp bóng Casino ở góc Lê Lợi-Pasteur, năm trước còn treo bảng quảng cáo vẽ Alain Delon, Jean Paul Belmondo, Catherine Deneuve…, năm nay đã bị san thành bình địa. Họ cũng lại đang xây cất một trung tâm gì đó, phải mới hơn, phải sang trọng hơn. Thành phố Sài Gòn nhiều thay đổi lắm, càng ngày càng xa hoa tột bực, hơn cả những khu phố cổ kính sang trọng của Paris. Sài Gòn năm 2009 trở thành trung tâm của người giầu mới, mới giầu, của tỷ tỷ đại gia, tiền vô ra như nước.

Người từ phương xa về thăm như tôi tất phải ngạc nhiên trước sự đổi thay đó. Về Sài Gòn bây giờ, tôi không biết làm gì để kiếm ăn, thấy mình sao kém cỏi, bất tài vô dụng, học kinh tế mà không biết làm giàu như người ta.

Thời bao cấp, khi „Việt kiều“ về thăm nhà, gia đình, bạn bè, hàng xóm mừng rơn khi được tặng một chai dầu xanh Thái Lan, một khúc vải may áo, một khúc lụa đen may quần. Thời này, hàng hóa đầy ắp, không thiếu một thứ gì, rẻ hơn Âu châu khá nhiều. Bây giờ, người Sài Gòn lại giầu có hơn mình cả trăm cả ngàn lần, lại còn trẻ. Muốn tặng ai món quà cũng ngại quà mình đem về không đáng là bao. Người giàu thành phố bây giờ thì cũng như người giàu ngày xưa, thích khoe cái sang trọng, cái giầu có của mình, ồn ào, hợm hĩnh. Khoe nhà, khoe xe, khoe người, khoe của. Một ống kem bôi mặt, gọi là hàng „xách tay“ đem về, bán 150 đô la Mỹ mà cũng có người mua. Những con đường biệt thự kín cổng cao tường bây giờ thì cũng kín cổng cao tường như xưa, nhưng cổng và tường rào đẹp hơn, bằng đá cẩm thạch hay đồng thau, sắt thép uốn nắn rất mỹ thuật.

Một cô em kể tôi nghe, chị biết hông, lương em tính ra là tám chục ngàn (đồng) một ngày, lương tháng là hai triệu tư, hơn 100 đô, vậy là cao rồi đó chị, em chỉ dám ăn hết khoảng ba chục ngàn một ngày, cơm phần thì mười ngàn một phần, hay một tô hủ tíu, một đĩa cơm tấm, nước trà miễn phí, năm chục còn lại là tiền xăng dầu đi làm, thuê nhà, điện thoại, điện nước, quần áo, thuốc men…

Cô em nói, kiếm ra một triệu một tháng cũng sống được chị à. Các công việc hầu bàn, đầu bếp, lễ tân, gác cửa, công nhân…kiếm từ một triệu đến hai triệu rưỡi một tháng. Nếu giả dụ như hai vợ chồng cùng làm việc kiếm sống, mỗi tháng có chung khoảng năm triệu thì sống đầy đủ cho một gia đình nhỏ, vợ chồng và một đứa con. Lái xe Taxi, lái xe du lịch kiếm nhiều tiền lắm chị ạ, một anh tài kiếm từ năm triệu đến mười triệu, có khi nhiều hơn nữa, một tháng. Giá chợ quê, chợ hẻm, chợ ven đô, chợ ven đường…rẻ hơn giá bán ở chợ Bến Thành nhiều.

Ôi, cái chợ Bến Thành, cái chợ tôi đi (xem) mỗi ngày, vì tôi rất thích đi chợ, dù hễ ra vô chợ thường phải coi chừng móc túi, cướp giật, len lỏi qua các hàng chật khít hai bên, nhìn hàng nhìn người không chán mắt, ngửi mùi cà phê, mùi dưa chua, tôm khô, củ kiệu, mùi thịt, mùi cá, mùi gạo, mùi hoa…So với giá của những nhà hàng trong thành phố đòi từ một trăm đến ba trăm ngàn đồng cho một món ăn thì quả thật là họ đã căng cái cung quá mức chịu đựng của du khách.

Người thành phố có nhiều phong cách sống, kiếm một triệu xài theo kiểu một triệu, kiếm một trăm triệu xài theo kiểu một trăm triệu.

Mà thành phố bây giờ giầu có thật, rất nhiều đổi thay, nhà cửa kiến trúc mới mọc lên tứ tung, cái mới cao hơn cái mơi mới, cái mơi mới cao hơn cái cũ, lổn nhổn, cái này sang trọng hơn cái kia. Nhiều đường xá mới, cầu mới, hầm đường mới. Đứng trên một tầng lầu cao nhìn xuống các nóc nhà thành phố tôi lại càng thấy rõ hơn sự đổi thay của thời gian. Những nóc nhà ngói đỏ khi xưa mất dần, thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, vuông vắn như một cái hộp. Cây xanh thì như lùn đi, khuất dưới bóng những dãy nhà cao. Nhiều nơi đang xây cất, các xuất thợ thay nhau làm ngày làm đêm không ngơi nghỉ, họ chỉ cần vài tháng, chưa đến một năm là đã xây xong một nhà cao tầng. Trời nắng, nóng, bê tông xi măng mau khô.

Tôi thẫn thờ khi thấy lại mất thêm đi một chỗ ngồi mát mẻ ấm cúng khi xưa. Chồng tôi thích vào đây uống một ly cà phê đá mỗi buổi chiều, nghe ca sĩ hát êm êm nhè nhẹ, đệm bởi vài ba nhạc sĩ, không khí thân quen như về „nhà“. Cái quán cà phê cũ ấy, một góc của khách sạn Rex, đã biến mất, thay vào đó là một dãy các cửa hàng cực kỳ xa hoa mang các nhãn hiệu Âu châu, mà chỉ có dân thượng tầng xã hội ở Âu châu mới „rờ“ đến. Khách sạn Rex mất hẳn cái duyên xưa, trở thành một thứ đền đài ngủ trọ rất „de luxe“ lạnh lùng khinh khỉnh. Nhưng chẳng sao, khách có tiền thì vào cũng cứ vào.

Ban đêm mới thấy hết cái giầu có, cái lộng lẫy của thành phố khi thành phố lên đèn. Cúp điện ở đâu thì cứ cúp, nhưng các ngôi nhà đẹp, nhà cao tầng đều rất đẹp ánh đèn màu, như một sân khấu, nhìn không chán mắt. Thành phố là một biển đèn xanh đỏ vàng trắng, cộng thêm với đèn vàng đèn đỏ của các luồng xe đang chạy nhấp nháy di động, rất sáng, rất lộng lẫy, tôi đứng say mê ngắm nhìn luồng đèn xe như ngắm dòng thời gian đang trôi qua.

Dòng xe chạy suốt đêm, không có đêm cũng không có ngày. Đêm không tối nên ngày mới lên từ lúc nào cũng không cảm thấy, chợt bừng ánh nắng bình minh thật sớm. Nắng ấm ban mai thường đem lại cho con người một cảm giác yên bình, gây niềm tin tưởng, hy vọng.

Người thành phố bàn tán rất nhiều về thảm họa đang xảy ra ở Nhật, đa số đều có tình cảm với những mất mát, những chia cắt vĩnh viễn đau thương, những hậu quả nặng nề lâu dài mà người Nhật đang gánh chịu, và thán phục tinh thần chịu đựng, tự trọng, kỷ luật, chia xẻ của người Nhật, họ tự nguyện quyên góp tiền bạc để giúp cho dân Nhật, làm cho người Nhật cũng phải ngạc nhiên, vì xưa nay họ nghĩ, chỉ có người Nhật mới giúp người Việt.

Cơn sóng thần ở Nhật „quét“ thêm một đợt sóng thần trong suy nghĩ của những người không trực tiếp bị thảm họa thiên tai: suy nghĩ về niềm tin và hy vọng, suy nghĩ về cái bất lực của con người trước sức mạnh của thiên nhiên, cái bất lực của một cơ sở kinh tế tư nhân, cái bất lực của một chính quyền, cái phù du của vật chất, cái quý của mạng sống, cái quý của tình người và cái quý của nhân phẩm, sau cùng hết, cái quý của sức dân.

Chịu đựng, đó là một tính cách chung của các dân tộc châu Á. Chịu đựng đi đôi với hy vọng. Chịu đựng ngày hôm nay, đồng thời hy vọng ngày mai sẽ khá hơn, tươi đẹp hơn. Người Việt Nam mình cũng biết chịu đựng, một sự nhịn là chín sự lành, chịu đựng để có hòa bình, để có một cuộc sống tương đối yên bình, dành thì giờ sức lực lo cho một chút hạnh phúc của mình, lo nhà, lo chồng, lo con, lo cha mẹ…dành thì giờ tâm sức để xây dựng một công việc có ích lợi chung, dù nhỏ nhoi, dù âm thầm trầm lặng… Tùy từng hoàn cảnh, không phải ai sinh ra cũng trở thành anh hùng, „sĩ phu“, chịu đựng vì thế không chỉ có một nghĩa là ích kỷ và hèn nhát, vì nhà yên thì nước yên, nước yên thì nhà yên.

Như dân Nhật, đã bắt đầu thu dọn, xây dựng lại tổ ấm còn sót lại của họ trên mọi tình huống đổ nát, với chính sức lực của mình trước hết, đó cũng là bắt đầu xây dựng lại quê hương của họ, đem lại yên bình, ổn định cho xã hội.

Ngồi trên xe Taxi, anh tài hỏi, quê cô ở đâu ? Mèn ui, tui là dân Sè Goòng đó anh, quê tui đây nè.

Đi đâu, ai cũng hỏi tôi, quê cô ở đâu, ở đâu cũng là quê tôi hết đó. Cảm giác „quê tôi“ hiện rõ khi tôi đứng giữa dòng sông Quây Sơn của thác Bản Giốc, khi tôi đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú ngắm nhìn vùng núi rừng cực Bắc với các ruộng nương bản làng nghèo nàn chân chất mộc mạc, khi tôi cũng các bạn Huế ngồi gặm nhấm bánh mì với rượu vang đỏ trong nhà nghỉ chân ở lăng vua Gia Long, khi chân tôi chạm lên làn cát mịn của bãi biển Sa Huỳnh còn thiên nhiên chưa bị dấu chân du khách đi ngang đi dọc, khi tôi về thành phố, đứng giữa lòng thành phố thấy mình lạc lõng, phân vân, bâng khuâng, đây cũng là quê tôi ư.

Chợt một lúc nào đó tôi nhìn thành phố của tôi, nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi tôi xách hai cái va li đi học, như một người thất tình ê chề. Phi trường Tân Sơn Nhất khi xưa còn khá nhà quê, còn cả đàn gà cục tác trên hai mảnh cỏ khô hai bên phi đạo, hành khách đi bộ lục tục lên máy bay, người đi đưa tiễn đứng trong nhà hành khách nhìn theo, nhướng gót chân lên cao, vẫy vẫy rối rít. Tôi đi rồi, má tôi viết thư kể, khi cánh cửa máy bay đóng lại, cầu thang được rút đi, thì…ba tôi té xỉu. Má tôi lại không khóc vì coi như là đã mất đứa con gái. Người ta nói, ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng, mà con gái như tôi thì bỏ cha bỏ mẹ ra đi. Nhưng cũng phải nhắc lại, lúc ấy nào có nghĩ đi là đi luôn đâu ? sinh viên đi học cũng nghĩ là mình chỉ đi học vài năm rồi lại về làm việc ở quê hương xứ sở, cuộc đời có ai học được chữ ngờ, người tính không bằng trời tính. (Hay ngược lại, trời tính không bằng người tính ?)

Chưa khi nào tôi thấy Sài Gòn sôi sục như năm nay, như một anh/chị nhà giàu mới, rất xa hoa lộng lẫy, rất hiện đại. Sài Gòn xài sang, sang hơn cả thủ đô Paris, khách „Tây“ lé mắt. Đại lộ Champs Élysées của kinh đô ánh sáng Paris mùa Giáng sinh còn thua xa các con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (Tự Do cũ) của thành phố Sài Gòn, không nói chi đến các khách sạn lớn trong trung tâm cũng treo đèn kết hoa rất xôm, rất đẹp mắt.

Khi máy bay uốn lượn trên nền trời, đảo một vòng cho đúng vị trí để cất cánh, hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất vào ban đêm thì khu vực thành phố Sài Gòn là một đảo ánh sáng rất lung linh lộng lẫy. Những trục đường chính to, rộng hơn hẳn những con đường khác sáng lóa trong đêm đen như những con rắn ngoằn nghèo. Hà Nội không sáng bằng. Paris cũng không sáng bằng Sài Gòn.

Bắt đầu từ hôm 20.12. tôi đã thấy nhiều nhân công thầm lặng, nhanh nhẹn, cặm cụi, leo thang, leo lên cây, bắt điện, giăng đèn, kết hoa. Xe cộ cứ chạy, người cứ qua, ít ai để ý đến công việc của họ, cũng không thấy những giây điện với hàng triệu bóng đèn đủ màu nhỏ li ti, vì nắng Sài Gòn cuối năm vẫn quá sáng và quá nóng. Họ đem những cuộn vải sa teng bóng dày xụ, mầu đỏ thẫm và màu xanh lục thẫm, màu của thành phố Sài Gòn, quấn chung quanh các thân cây, làm cho đường phố trở nên ấm cúng hơn, sang trọng hơn.

Buổi sáng đông xe người đi làm, buổi trưa thì nắng gắt và thưa vắng, chỉ có vài du khách lầm lì như tôi mới rảo quanh chụp hình quang cảnh. Chiều xuống, cũng chưa thấy gì. Người Sài Gòn ăn cơm sớm, buổi trưa mới 11 rưỡi đã ăn, buổi chiều mới 5 rưỡi đã ăn (vì thế người Sài Gòn mới có thói quen đi „ăn đêm“, vừa đói bụng vừa đói tình!). Nhưng khi mặt trời vừa tắt nắng, màn đêm vừa xuống, thì hàng triệu ánh đèn sáng lên. Ai nấy đều „Ồ ! Đẹp quá!“, và lao vào đường phố ngắm đèn như những con thiêu thân.

Sài Gòn 2009 là một Sài Gòn Superlativ, một cái nồi nước sôi sục sục! Người, xe, đèn, hoa, cờ, nhanh, rầm rập, bụi bặm, chóng mặt, xô bồ, ồn ào, xa hoa cực độ, kiếm tiền rất dễ (người ta nói thế), rất phô trương cái giàu mới, mạnh ai nấy sống.

Kẻ an phận thì chấp nhận có nhà giàu nhà nghèo, người không an phận thì trách móc một xã hội có phân biệt. Dân lao động nói rằng từ hai ba tháng nay kiếm ăn dễ thở hơn, nhưng nghèo thì vẫn nghèo. Mới đây, những người lao động dùng xe ba gác bằng tay chân hay có động cơ đang lúng túng vì xe ba gác sẽ bị cấm, họ phải đổi nghề, nhưng đổi bằng cách nào, làm gì, tiền đâu ra ? Nói thì dễ, làm thì khó.

Phần tôi thì thắc mắc, bởi lẽ bản thân mình – overdated – (quá đát) không còn có thể bon chen kiếm cơm nơi đây được, đi đâu cũng thấy người ăn uống, hàng quán đông đúc, mọi người kiếm tiền đâu ra mà ăn tiêu ? ai cũng có điện thoại di động, ai cũng có xe hai bánh, ai cũng ăn mặc thời trang sạch sẽ lịch sự, phụ nữ rất ăn diện, đeo nhiều trang sức, đi giày cao gót nhọn cả tấc, ngoại hình, cách ăn mặc hơn hẳn Hà Nội.

Du khách nước ngoài dụi mắt nhìn người Sài Gòn ăn Noël. Cả Sài Gòn đón ngày Chúa giáng sinh như thể cả Sài Gòn là con chiên của Chúa. Noël ở Âu châu lặng lẽ, chỉ có bữa ăn trong gia đình và thánh lễ nửa đêm, người ngoại đạo cũng lặng lẽ bình thường. Theo thông lệ, chỉ có vua, chúa, nữ hoàng trị vì, mới chúc mừng Giáng sinh cho dân chúng. Còn các vị nguyên thủ quốc gia chờ đến ngày cuối năm mới đọc một bài «đít cua» (diễn văn) chúc mừng năm mới cho dân mình.

Cao điểm kẹt xe kéo dài từ năm, sáu giờ cho đến quá nửa đêm. Xe hơi xịn, BMW, Mercedes…và các nhãn hiệu khác, chen lấn với người đi bộ, xe hai bánh và xe Taxi. Chật cứng. Cả trên mặt đường lẫn trên vỉa hè. Chung quanh chợ Bến Thành, phần thì có chợ đêm, phía bùng binh thì có sân khấu ca diễn âm nhạc miễn phí ngoài trời cực kì rộng lớn, nên người và xe đứng, đi chen chúc lộn xộn vòng trong vòng ngoài, húp còi điếc tai, không thể nào tả nổi.

Tôi đi bộ sát lề đường, vì không có chỗ trên lề đường để đi, mà bánh xe honda của người ta cứ thúc từng bước vào bắp chân. Mùi bụi và mùi khói xe thốc vào mũi, làm mũi rát bỏng, tôi bị chảy máu mũi liên tục từ cả tuần nay, thậm chí buổi tối khạc cả ra cục máu đỏ từ trong cổ họng. Độ ô nhiễm không khí lên cao không thể tưởng.

Các trận đá banh bán kết và chung kết của giải Seagames 25 làm cho Sài Gòn còn sôi sục hơn. Những người trẻ, trên hàng vạn xe hai bánh, vác cờ, vác trống, vác còi, vác máy phát nhạc, chạy rầm rập ầm ĩ trên mọi đường phố, họ la hét như không hề biết mệt. Cứ đến mỗi ngã tư thì họ dừng lại, túm tụm la hò ở đó, làm cho mọi tuyến đường đều tắc nghẽn. Người đi bộ sợ xanh mặt, mau mau về nhà, Taxi không có, tài xế Taxi sợ bị đập phá xe, cướp xe, ngừng hoạt động. Cũng „may“ mà Việt Nam thua Mã Lai trận đá banh chung kết, chứ không thì Sài Gòn…tan hoang. Công an giao thông, bình thường và hàng ngày bắn tốc độ thì đã về nhà nghỉ khỏe, trước một cơn lốc vũ bão của tuổi trẻ như thế, họ có muốn bắn tốc độ cũng không xong. Từ Cà Mau về, chưa tới Khánh Hội đã kẹt xe rồi, người ở chung quanh thành phố ùa vào trung tâm ăn Noël. Nhưng Seagames, Giáng sinh, Tết Tây sẽ còn thua Tết Ta. Khi các chợ hoa bắt đầu hoạt động thì sự kẹt xe ở Sài Gòn sẽ vượt xa mọi sức tưởng tượng.

Cái khác biệt giữa Hà Nội, Huế và Sài Gòn rất rõ rệt, không ai là không nhận thấy. Hà Nội cũng đông người, đông xe, phình bự, bụi bặm, rác rưởi, rất nhiều gánh hàng rong rảo trên khắp đường phố, nhưng cũng còn nhiều nét cổ kính, thanh lịch, lễ phép của „Kẻ chợ“ thời xưa, còn hơi hướng „nhà quê“, thân thiện làm sao ấy, qua cách ăn mặc, cách nói chuyện và giọng Hà Lội ngọng ngọng dễ thương. Huế vẫn giữ vẻ trầm mặc cố hữu, cái gì cũng chầm chậm, nhe nhẹ, thời gian như đọng lại ở Huế, còn không gian cũng không có nhiều đổi thay. Huế dễ chịu vì ít người, ít xe, người dân cố đô Huế nhẹ nhàng thầm kín.

Sài Gòn năm 2012 còn sang hơn, đẹp hơn những năm trước. Đập vào mắt mọi người là một kiến trúc theo kiểu belle époque của Pháp, quét vôi mầu trắng ngà, rất sang trọng, rất đẹp, mặt tiền làm toàn bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch, đồng, kính màu…mọc lên trong một thời gian kỷ lục trên nền của khu thương xá Eden/nhà hàng Givral cũ. Tòa nhà này, một món nữ trang mới của thành phố, đứng hòa hợp với nhà hát, với tòa thị chánh cũ, với khách sạn Continental tạo thành một góc đẹp, sang trọng. Tòa nhà Vincom cao xây trên nền của vườn bông củ cải ở góc Tự Do (cũ)/Lê Thánh Tôn ló lên với tầng cuối cùng kiến trúc như hai cái mũ vua. Khách sạn Rex xây lại theo hơi hướng tân kỳ kiểu Mỹ, nửa cũ nửa mới, đã mất hẳn đi sự hấp dẫn của kiến trúc cũ.

Cái góc của Rex, trước kia là một quán ăn buổi sáng bán điểm tâm, chiều tối có ca nhạc, nhộn nhịp vui tươi, thì nay bị xây bít bùng thành những cửa tiệm mà suốt ngày không có ai vào, chỉ có những người gác cửa mặc com lê có gi lê toàn đen, còn sang trọng hơn là khách hàng, đứng bên trong dán mũi vào cửa kính nhìn ra ngoài đường phố, như một người tù đứng nhìn cuộc đời trôi qua.

Chúng tôi có lấy can đảm vào xem thử những gian hàng trong những lâu đài mua sắm mới này và thực tình, không mua được gì cả, toàn là những loại hàng quá xa xỉ, quá « de luxe » (ở nhà dân chúng đọc là « đì lắc »), quá đắt tiền mà lại không cần thiết, có cũng được, không có cũng không sao.

Cái góc Sài Gòn của tuổi thơ tôi cho đến cuối những năm 1960 đã thay đổi rất nhiều. Kỷ niệm xưa bấu víu vào vài căn nhà cũ còn lại của thời ấy. Tình cảm yêu mến gắn bó với quê hương nhiều khi đơn giản lắm. Nó chỉ là cái cảm giác, cái nhận thức, có một nơi chốn để về và có ít nhất một người nào đó vui khi thấy mình về.

Thành phố Hồ Chí Minh năm nay có 7.521,100 dân, trên một diện tích là 2.095,6 km², tức là 3.589 người chen chúc nhau trên một cây số vuông. Hà Nội có 6.699.600 dân cư, diện tích 3.328,9 km², mật độ dân số trung bình là 2.013 người/km². Thừa Thiên-Huế có chung 1.103.100 dân, diện tích là 5.033,2 km², mật độ dân số trung bình là 219 người/km².

Cả nước có 87.840.000 dân, diện tích là 330.957,6 km², mật độ trung bình là 265 người/km². Nhìn chung, dân số dân cư rải đều trên các khu vực lớn tính theo đồng bằng sông Hồng có gần 20 triệu dân (19.999.300), miền Trung du và cực Bắc có 11.290.500 dân, miền Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 19.046,5 dân, Tây Nguyên có 5.282.000 dân, Đông Nam Bộ có 14.890.800 dân và đồng bằng sông Cửu Long có 17.330.00 dân. (Thống kê 2011 của Tổng cục thống kê Hà Nội)

So với Paris, thủ đô của nước Pháp, dân số của 20 quận nội thành là 2.257.981 dân, diện tích nội thành là 105,4 km², nên mật độ dân cư rất cao 21.196,4 người/km². Khu vực gọi là vùng Ile-de-France, bao gồm 17 đơn vị hành chánh trong đó thành phố Paris, có dân số là 11.786.234 dân, diện tích là 12.012 km², mật độ trung bình là 988 người/km². (Thống kê INSEE, ngày 01.01.2010)

So với Berlin, thủ đô của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức, dân số là 3.501.872 người, diện tích là 892 km², mật độ 3.945 người/km². (Thống kê của Amt für Statistik Berlin, 2011)

Về kinh tế quốc dân thì Việt Nam có tổng sản phẩm trong nước sơ khởi năm 2011 là 2.535.008 tỷ đồng, tương đương khoảng 125 tỷ đô la Mỹ (1$=20.000 vnd) hay khoảng 94 tỷ euro (1€=27.000 vnd). Tính trên đầu người thì tương đương với 1.375 $/người, tức là khoảng 28.860.000 đồng/người. Mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm theo đà khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2005 (8,44%) đến cuối năm 2011 là còn đạt được 5,89%. (Thống kê 2011 của Tổng cục thống kê Hà Nội)

Dân số nước Pháp hiện nay có 65,35 triệu người (thống kê INSEE 01.01.2012), dân số nước Đức có 81.843.743 (thống kê Statistisches Bundesamt 01.01.2011).

So với tổng sản lượng quốc dân của Pháp (2.033,7 tỷ euros) và Đức (2.652,2 tỷ euros), và tính theo đầu người tại Pháp là 27,550€/người, tại Đức là 31.320€/người (Thống kê Eurostat 2012), thì phải thấy đất nước và người dân Việt Nam còn nhiều khả năng phát triển kinh tế, nếu khắc phục được những khó khăn đặc biệt của xã hội mình.

Mức lương trung bình của đàn ông Pháp là 20.345€/năm, của phụ nữ Pháp là 17.156€/năm. Thống kê của Đức thì cho biết mức lương trung bình trong năm 2009 là 27.648€/người, nhưng lương của phụ nữ thì thấp hơn lương của nam giới trung bình là 23%. Các con số này là lương chưa đóng thuế thu nhập và các bảo hiểm xã hội, tỷ lệ thu nhập chỉ còn lại khoảng 50%-55% con số lương trung bình sau khi đã trừ thuế và bảo hiểm.

Trong vòng thân quen của tôi, có những người chỉ kiếm được trên dưới 10.000€/năm chưa trừ thuế và bảo hiểm, trong khi phải trả tiền thuê nhà 600€/tháng, nên sống rất chật vật, túng thiếu.

Con số là con số, và trên thống kê thì người nghèo cũng giầu bằng người giầu, chỉ nói lên một mức độ chung của cả xã hội.

Không có con số nào đo được cái tâm, cái phúc của con người, mà chúng tôi thấy, chưa chắc người dân Pháp, người dân Đức cảm thấy hạnh phúc hơn người Việt, họ cũng có những nỗi lo, nỗi khổ, nỗi bức xúc của họ với xã hội đang chia rẽ, phân hóa thành những đơn vị cá nhân. MTT

Bản nhạc « Khi người yêu tôi khóc » của Trần Thiện Thanh qua tiếng hát của Sĩ Phú:

COUV_TLCDDM_FINAL_IMPR_WEB

Phật tính trong một dòng nhạc

22. novembre 2021

Phật tính trong một dòng nhạc – © Mathilde Tuyet Tran, France 2010

Mến tặng anh Phạm Mỹ Lộc, và chúc cho tác phẩm Mưa, Trăng và Nước được hoàn thiện hoàn mỹ và thành công.

Tôi sẽ không viết về một người nhạc sĩ trên phương diện phê bình nghệ thuật âm nhạc, một điều, nếu có cố tình muốn cũng chỉ là múa rìu qua mắt thợ. Công việc phê bình đã có người khác đảm trách.

Tôi sẽ viết về anh trên bình diện „cảm tính“. Cảm tính không có gì xấu xa và tiêu cực như nhiều người lầm tưởng. Người Đức có câu thành ngữ „Con cá thúi từ cái đầu thúi ra“ (Der Fisch stinkt vom Kopf) mang nhiều nghĩa bóng. Cái đầu là nơi tính toán, cân nhắc, suy nghĩ…nơi mà nhiều tĩnh từ thâm hiểm, độc đoán, ích kỷ, lầm lẫn, sai lạc, tàn nhẫn….được gán cho. Cảm tính xuất phát từ trái tim, và rộng hơn, từ cái bụng. Cái bụng không biết nói dối. Thương để bụng, chứ không ai thương để đầu.

Văn xuôi có chuyên chở được âm thanh hay không ? tôi sẽ cố gắng.

Kỹ thuật của một nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, văn thơ…trong trường hợp này là nhạc, của một người nhạc sĩ, chỉ là một công cụ, một khí giới để chuyên chở tình cảm và mong ước, giống như ngón tay chỉ trăng của Phật, ngón tay chỉ ta nhìn lên mặt trăng, rồi mỗi người, từ vị trí của đời mình, từ cách nhìn đời của riêng mình, nhìn lên mặt trăng từ nhiều góc khác nhau, thấy hình ảnh „trăng“ một cách khác nhau, dù đó chỉ là một „ông“ trăng. Trăng và ánh trăng, là hai việc khác biệt, nhưng cùng mang một triết lý Phật giáo, trăng chỉ có một, nhưng có muôn vàn vô cực ánh trăng.

Ánh trăng của Phạm Mỹ Lộc là một ánh trăng mang nhiều luồng cảm tính, nhiều dòng nước trôi trong đời anh, nhiều tâm sự, nhiều đa mang và nhiều duyên nợ. Một ánh trăng nghệ sĩ. Thật đó, người nghệ sĩ không thể là một người vô tư, không lo lắng, không ưu sầu, không ham muốn, chỉ loanh quanh trong nhu cầu của thân xác, ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn. Cái tham sân si của người nghệ sĩ thôi thúc người ấy luôn phải đi tìm nhiều cảm tính của hôm qua, hôm nay và ngày mai, nối duyên với nợ, biến nợ chỉ thành duyên.

Không trọn vẹn. Đó cũng là ánh trăng của Phạm Mỹ Lộc. Những dòng nhạc tình của anh toát ra một sự không trọn vẹn, bởi ngăn cách và xa cách, bởi cản trở và ý muốn.

„…người đâu hỡi người ơi, ngày vui trôi qua mau, chiều đi nắng tắt sương rơi rơi buồn…“.(Nhị Hồ)

Ở Phạm Mỹ Lộc tôi thấy hai con người, một người rất thực tế và một người rất lãng mạn, như hai cánh tay, tay phải, tay trái. Anh có một đời sống êm đềm thong thả hạnh phúc, nhưng anh cũng có một đời sống khát khao, hối hả, đầy nuối tiếc. Trong nhạc có hai phần chuyên chở, dòng nhạc và dòng thơ (lời), vì người nhạc sĩ luôn luôn là một thi sĩ. „Nhạc và lời của…“, người nghe, trước khi nhớ nhạc, đã phải thuộc lời mới hát lên được bản nhạc. Dòng nhạc của Phạm Mỹ Lộc đem đến người nghe một liên tưởng giữa Âu và Á. Người nghe dòng nhạc như đi du ngoạn từ Á sang Âu, từ Âu sang Á, lời nhạc là một sự nối kết. Anh để cho người nghe bắt được một tâm sự buồn buồn, nhưng không pathologique thảm thiết, một cảm giác mang mang, mênh mông, nhưng không bị bắt cóc trong một khung trời eo hẹp. Có điều gì đó lưng lửng, chơi vơi.

Trong âm điệu của anh tôi bắt gặp phong cách như của Francis Lai, Love Story, nhẹ nhàng, thanh thoát, rất Âu châu. Đồng thời những chỗ luyến láy rất Việt Nam „Đêm giã từ Hà Nội lòng còn vương vấn nhiều đắm say… „ (Đêm giã từ Hà Nội).

Theo ý riêng của tôi, bản nhạc „Quê Hương Tuổi Nhỏ“ là một tiêu biểu sáng tác của Phạm Mỹ Lộc, phổ thơ Nhất Hạnh, qua giọng hát của Trần Thu Hà. Giọng hát người ca sĩ ấy điêu luyện với một chất giọng dễ thương, cộng thêm một cách phát âm rất đặc biệt, nghe là nhận ra ngay người hát. Không đúng. Phải nói là „biểu diễn“ thì đúng hơn, vì Trần Thu Hà đã lột tả được tâm sự của người viết, nghe rất chơi vơi, lung linh…“Chiều cô thôn nổi gió, cánh áo lụa bay…Lửa đỏ môi cơm thơm gọi mãi em ở đâu ? mà chỉ thấy hư vô giăng mắc bốn bề, hư vô…“   Dòng nhạc này chợt bật lên, khi anh Lộc sau nhiều năm xa cách, trở lại quê hương để ôm trong hai cánh tay hai bình tro, của mẹ anh và người em gái.

Không biết những người sống gần anh dài lâu, có dịp gặp gỡ anh nhiều, hiện nay nhìn anh ra sao. Qua vài kỷ niệm rất xa xưa với anh, tôi thấy anh thời ấy là một người tế nhị, ân cần, lưu loát nhưng biết dừng lại ở một ranh giới nào đó.

Cái ân cần ấy, cái tế nhị ấy cũng tỏa lên bởi những câu nhạc, một câu chuyện tình, mà qua đó, anh thể hiện một bố cục kết thúc thật bất ngờ „….Người yêu hỡi, dù tình ta không hẹn trước, muôn đời chờ nhau….em đến từ đâu hỡi em, thôi thế thì ta với em về đây, Trăng, Ta, Em: là người thương.“ (Trăng Hạ Long)

Yêu và thương khác nhau ở chỗ nào ? Một người bạn nhạc sĩ khác của tôi, đồng lứa, đã một lần nhấn mạnh, thưở ấy chưa ai biết yêu, chỉ biết mến, nhiều lắm là thương.

À ra thế. Đầu thế kỷ thứ hai mươi, những người „yêu“ nhau, còn không dám nói lên một chữ „thương nhau“, „mến nhau“. Cái thưở cha mẹ chúng ta đặt đâu ngồi đấy, cưới xin thì phải môn đăng hộ đối, thì chỉ dám nói „ phải lòng nhau“ hay „mến nhau“ mà thôi, còn hơn là đứng nhìn nhau sững sờ, không thốt lên được một tiếng nào. Dịu dàng nhìn anh em nói mến anh (Nắng chiều, Lê Trọng Nguyễn).  Ánh mắt nhìn thay cho lời nói. „Yêu“ mang tính chất xác thịt, yêu chứa đựng dục tính của hai người yêu nhau, da chạm da, môi chạm môi. Thương thì bao la hơn, mênh mông hơn, trong sáng hơn…Yêu một người nhưng thương nhiều người. Tại sao không ? đó cũng là một Phật tính.

Thời anh Lộc hai mươi, là thời ảnh hưởng của phong trào văn thơ lãng mạn tiền chiến (Tự Lực Văn Đoàn), của Bướm Trắng, của Đôi Bạn…của Hồ Dzếnh, một trạng thái giữa thương và yêu, dù rằng khi ấy cái gọi là tình yêu vẫn còn là một tình yêu „platonique“, yêu vì tinh thần, chưa yêu bằng xác thịt, chưa dám và không dám vượt qua ngưỡng cửa đạo đức « nề nếp » do gia đình ấn định, chưa dám làm xấu hổ cha mẹ. Vả lại thời ấy, „con nhà nề nếp tiểu tư sản“, chưa có hỏi cưới, chỉ mới hẹn nhau đi ăn kem, đi nghe nhạc… , đã bị lên án lăng loàn, lảng lơ, vô đạo đức, „Nó đi với trai!“. Có lẽ „vô đạo đức“ thật, vì lén cha lén mẹ nói dối đi ăn kem với bạn, thật ra là đi ăn kem với „trai“. Phạm Mỹ Lộc lại không mời cô „em gái“ đi ăn kem, mà đi ăn xôi chè. Thật đấy, chè hạt sen và xôi vò. Đó là cái gốc Bắc của anh.

Nhớ.

Một chữ rất diệu kỳ. Nhớ ai, tim đập thổn thức. Người được nhớ không biết không hay, nhưng người nhớ thì như có ngàn bướm bay trong bụng. Chữ « nhớ » không đứng một mình, mà còn được rải rộng hơn bằng những tĩnh từ mông lung, man mác, quay quắt, tha thiết, âm ỉ, dài lâu….

Trong dòng nhạc tình của Phạm Mỹ Lộc, kèm chữ thương còn có chữ nhớ, bởi thế nên không trọn vẹn, có duyên không nợ, có nợ không duyên…Nếu có duyên có nợ thì khi trả xong hết nợ cũng là hết duyên. Không còn nhân quả với nhau nữa. Lại cũng là một Phật tính. Điểm này, Phạm Mỹ Lộc đi chung một thuyền với nhiều nghệ sĩ khác, và tôi hiểu anh, khi anh luôn trên đường tìm kiếm ý nhạc mới. Không có thêm ý nhạc, không có thêm ý thơ, người nghệ sĩ sẽ chết. Cái thêm ấy ở đâu mà có ?

Đó là những món quà của đời tặng cho, bỗng nhiên, bất chợt, gặp nó, thấy nó, vói lấy nó, giữ lấy nó…Cuộc đời không cho không ai gì cả, có qua có lại mới toại lòng nhau. Không ai có một cuộc đời là một quà tặng tuyệt đỉnh. Được cái này, mất cái kia, có cái này, không có cái kia, như âm và dương, như yin và yang, như một sự cân bằng của tạo hóa, như cụ Nguyễn Du đã viết „chữ tài liền với chữ tai một vần“. Chữ „tai“ đó là cái giá người nghệ sĩ phải trả cho những món quà tặng của đời. Tham sân si bị dừng bởi tai ương. Cũng là nhân quả nhà Phật.

Trong nhạc của anh, những cái băn khoăn về những mối tình đứt đoạn, được tô điểm bằng hình ảnh của nắng và chiều. Bài hát „Hoa Nắng“ là một bài hát dễ thương, nhẹ nhàng, subtile (tinh tế), có tính chất chanson của Pháp kèm theo cái luyến láy Việt Nam „…chờ em mặt trời khép mi ngủ yên…“, Hà Bích Hợp hát Hoa Nắng rất nũng nịu, quyến rũ. Hai bài viết cho piano Ảo Mơ và Di Chúc Họa Mi có giai điệu trữ tình, trìu mến, dễ thấm, tiếc là chưa có lời nhạc để trở thành những bản nhạc hay, nổi tiếng.

Phạm Mỹ Lộc có nhiều thành công nghề nghiệp và âm nhạc phía bên kia bờ Đại Tây Dương, nhưng bên bờ ni thì có lẽ còn ít người biết. Sinh năm 1947, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 lúc lên bẩy, anh hiện nay vừa là luật sư vừa là nhạc sĩ, vừa ngao du bốn biển, vừa đang nghĩ rằng, màn cuối của cuộc đời còn phải đi cho trọn vẹn.

MTT hân hạnh được mời các bạn thưởng thức bản nhạc Quê Hương Tuổi Nhỏ, Phạm Mỹ Lộc phổ thơ của Nhất Hạnh, biểu diễn bởi giọng hát của « diva » Trần Thu Hà với tiếng đàn Tây Ban Cầm xuất thần của nhạc sĩ Phạm Mỹ Lộc, thu ở Hà Nội. 

 

Bài hát « Quê hương tuổi nhỏ » biểu diễn bới Trần Thu Hà/Phạm Mỹ Lộc, thơ Nhất Hạnh:

Bản nhạc « Áo mơ » của Phạm Mỹ Lộc, độc tấu dương cầm (cô bé áo tím vẫn nhớ đến người nhạc sĩ năm xưa dù nửa thế kỷ đã trôi qua) :

Bản nhạc « Di chúc họa mi » của Phạm Mỹ Lộc, độc tấu dương cầm:

PS: Mến gửi anh Lộc và các bạn bài hát « Nắng Chiều » của Lê Trọng Nguyễn qua tiếng hát của Mathilde Tuyết Trần, thu năm 2006 ở phòng thu MPU của nhạc sĩ Nguyễn Đức Thịnh. Hát mộc và hòa âm sôi động, không dám so sánh với danh ca và danh cầm đâu nhé !

Bài hát « Nắng chiều »:

Ánh sáng trên Đất Mũi Cà Mau

16. novembre 2021

Ánh sáng trên Đất Mũi Cà Mau – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2012

Thương mến tặng anh chị Cao Tiến Vị đã đưa chúng tôi đi thăm miền Nam với nhiều chuyến đi thật thú vị, không bao giờ quên. Chúng ta đã có chút duyên với nhau, người ở góc biển người ở chân trời, nhưng tôi vẫn nhớ những kỷ niệm những năm ấy và những lần gặp nhau ở Việt Nam và ở Pháp. T.

Bài đã đăng trên tạp chí Hồn Việt số 58, 12-04-2012

Trích « Từ Lũng Cú Đến Đất Mũi », hồi ký du lịch Mathilde Tuyết Trần, France 2013

Có lẽ đối với nhiều người, việc về thăm Đất Mũi chẳng có gì là “ghê gớm”, từng đoàn xe buýt thường xuyên chở khách các miền đổ về thăm mũi đất tận cùng phía Nam của quê hương. Nhưng với tôi khi đặt chân lên Đất Mũi, tôi đã mãn nguyện một mơ ước lớn trong đời, là đã được ngắm nhìn biên cương phía Bắc ở “nóc nhà của Tổ quốc” trên cột cờ Lũng Cú, và giờ đây, được đứng ở cột mốc số 0 trên Đất Mũi ở phương Nam, nhìn ra biển bạc trắng dưới ánh nắng chan hòa.

MTT_Datmui_14Chuyến đi từ Cà Mau bằng ca nô ra đến Đất Mũi là một cuộc hành trình phiêu lưu đầy thú vị trên sông rạch, khác hẳn con đường núi ngoằn ngoèo, hai bên vực sâu thăm thẳm đầy sương nặng hạt và lạnh rét cắt da đưa đến Lũng Cú. Mới thấy, cực Bắc và cực Nam của nước mình là hai điều kiện sống khác hẳn nhau một trời một vực, mỗi miền được thiên nhiên ưu đãi một cách khác nhau.

Từ Cà Mau, để đi đến Đất Mũi thì có hai cách, hoặc là đi xe hơi xuống Năm Căn, rồi từ Năm Căn lấy ca nô đi ra Đất Mũi, hoặc đi thẳng từ Cà Mau xuống tận Đất Mũi bằng ca nô. Khi đi, không ai mường tượng được “đoạn đường” sẽ trải qua. Anh Vị chọn phương án đi thẳng từ Cà Mau xuống Đất Mũi bằng ca nô, có nghĩa là sẽ vượt 120 km sông nước trên một chiếc ca nô nhỏ chỉ chở tối đa là tám người.

Du khách đi theo từng đoàn thì dùng một loại thuyền gọi là thuyền cao tốc, có nhiều chỗ ngồi, để di chuyển từ Năm Căn đến Đất Mũi.

Cái bến xuống ca nô, từ đường phố xuống sông, cũng là một địa điểm “đáng nhớ”, nó nằm giữa hai vách nhà, ngay miệng ống cống, có đi ngang qua ngàn lần cũng không biết chỗ ấy là chỗ xuống thuyền! Chúng tôi đi bộ từ khách sạn sang bến, chiếc ca nô và người lái – anh Minh – đã chờ khách sẵn. Anh Minh phóng rất nhanh giữa sông, máy quay thường trực 4.000 vòng/giây, hai bên bờ lướt nhanh đến nỗi không kịp bấm một cái ảnh.

Trời Cà Mau hôm nay nắng lên cao, trong xanh, không một gợn mây, nhiệt độ khoảng 31oC, 32oC vào lúc khởi hành 8 giờ sáng. Ánh nắng trên Cà Mau là một ánh nắng trắng bạc, rất sáng, sáng hơn nắng Sài Gòn, nắng đốt da đỏ bỏng mà không hay biết dù đang ở trong bóng râm. Cái ánh sáng đặc biệt của cực Nam làm cho tôi nhớ lại bầu trời sương đục mờ mờ nặng trĩu nước nhìn không rõ mặt người ở cực Bắc.

Từ cái bến nhỏ không có tên, không có bảng hiệu ở Cà Mau, chúng tôi lướt trên sông Gành Hào trực chỉ hướng ngã ba Hòa Trung. Đoạn này sông hẹp, nhà cửa san sát hai bên bờ thấy gần gũi hơn. Đến ngã ba Hòa Trung thì ca nô quẹo qua sông Bảy Háp (Hạp), lòng sông đã rộng hơn gấp hai sông Gành Hào.

Ngồi một lúc đã quen với tốc độ của ca nô, 65km/giờ trên nước, tôi bắt đầu chụp hình phong cảnh “đường“ đi. Ngang qua cảng cá, các vựa tôm, các bến than đước, cát sỏi… Cà Mau có những hoạt động kinh tế tích cực của vùng sông nước. Nhà cửa dần dần thưa thớt, từng mảng rừng mắm hiện ra, dọc hai bên sông, có khi ngang ra đến giữa sông là những bãi nuôi tôm cá của dân chài. Những bãi này được nhận ra chỉ bởi những cây sào dài cắm trong lòng sông, lồi lên trên không khoảng 1,2m. Ca nô lướt nhanh qua chợ Chà Là, cái tên xuất phát của một nơi có nhiều cây chà là, chợ Bà Hính, chợ Cái Keo (Tà Keo).

Từ Chà Là xuôi xuống 2km thì đến phà Giá Ngự để về Đầm Dơi. Giá Ngự nhắc nhở sự tích chúa Nguyễn Phúc Ánh đã nghỉ quân nơi đây. Cũng trong vùng này, còn có hồ Long Ẩn ở gần Cái Rắn, là nơi chúa Nguyễn Phúc Ánh cho trú quân, đào ao lấy nước ngọt cho quân lính uống, sinh hoạt, và Hòn Đá Bạc với sự tích Cá Ông hiện ra đội long thuyền chúa Nguyễn vào bờ khi chúa bị lâm nạn, rồi được lập đền thờ và được chúa phong làm “Nam Hải Đại tướng quân” (thuộc xã Khánh Bình Tây của huyện Trần Văn Thời).

Hình thức họp chợ, cứ ở đâu có chợ là có dân kéo về sinh sống, buôn bán, làm ăn… tạo nên một nơi định cư lâu dài, vững chắc. Trời còn sớm nhưng đã có nhiều ghe thuyền lớn nhỏ di chuyển trên sông. Chiếc ca nô nhỏ của anh Minh phóng như bay trên mặt nước, mỗi khi bị sóng vập của những thuyền đi trước, anh Minh lướt sóng ngang, tách sang bên, làm thuyền nhồi trên sóng cà rập cà rập, ai cũng bị nhồi lên nhồi xuống muốn tụt ra khỏi cái băng ghế hẹp.

Datmui15Qua khỏi chợ Cái Keo là đến Đầm Cùng, “đi” thêm một đoạn nữa là đến Năm Căn. Năm Căn bây giờ không còn như Năm Căn ngày mới khai khẩn chỉ có năm căn nhà đầu tiên của người Hoa đến lập nghiệp. Một dãy dài nhà cửa san sát chứng tỏ Năm Căn có đông dân cư, thống kê năm 2003 cho biết Năm Căn đã có 70.745 người dân sinh sống trong 7 xã (*).

Đi dọc hết Năm Căn là chúng tôi hồi hộp thêm vì ca nô lướt ra sông Cái Lớn (Cửa Lớn). Sông rộng mênh mông, sóng gờn gợn chảy mạnh. Lúc này, tôi mới sực nhớ là không ai có mặc áo phao cả, nước sông chảy mạnh như thế này,  nếu té xuống thì chắc phải đi theo “Bà Thủy”.

Ca nô lướt sóng sông Cái Lớn, ngang qua các địa danh Nhưng Miên, Ông Chang. Anh Minh chỉ ra phía tay phải nước ơi là nước mênh mông: “Đó, ra biển đó!”, rồi anh băng ngang suốt mặt sông, đưa chúng tôi vào một hệ thống kênh rạch của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, được công nhận là khu dự trữ sinh thái thế giới. Vào đến đây thì “êm” hơn. Kênh không rộng lắm, có những khúc cua ngặt, và cây đước xòe nhánh, rễ trên kênh.

Gần tới Đất Mũi thì anh Kha, người hướng dẫn, vui mừng chỉ cho tôi những bãi đất phù sa bồi, có nơi đã “đứng” lại, “cứng” lại, vài cây mắm mọc lên, lưa thưa, sau những bãi đất đó là biển Đông. Người dân Cà Mau có câu “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát” để chỉ quá trình hình thành tự nhiên theo thứ tự của những rừng mắm, rừng đước và rừng tràm, các loài cây giữ đất bồi phù sa cho con người sinh sống. Anh Minh, nãy giờ, “chạy đua” với những chuyến tàu cao tốc chở khách khác trên sông Cái Lớn, uyển chuyển luồn lách rất thiện nghệ trên kênh rạch, đưa chúng tôi đến bến Đất Mũi an toàn.

Datmui_15

Đang ngồi trên ca nô, gió sông gió biển thổi thốc vào mặt, khô cứng cả da, tóc rối bù, nhưng rất mát, bây giờ lên bờ mới thấy không khí nóng hẳn, hơn 38°C, mồ hôi rịn ra hòa với chất muối biển trong không khí dính rin rít, nhớp nháp.

Ba đoàn du khách đến trước chúng tôi hấp tấp đi trước để giành chỗ chụp hình ở các điểm tham quan như cột mốc số 0 của cực Nam nước Việt Nam, con tàu Đất Mũi và lầu Vọng Hải.

Đứng trên lầu Vọng Hải nhìn đường cong chân trời, nước non mênh mông, nắng trưa sáng lung linh trắng bạc, tôi ngỡ ngàng cảm thấy mình rất hạnh phúc trên quê hương đường cong chữ S, vừa thầm nghĩ, ở đây thiếu một cái cột cờ hoành tráng như cột cờ Lũng Cú. Nhưng đất nước này, đẹp như thế này, đẹp từ cực Bắc đến cực Nam, cho con người một môi trường sinh sống nhiều khác biệt để bổ sung cho nhau, thì phải giữ lấy nước, phải không nhỉ…

Các nhà hàng sát ven biển của Đất Mũi đều chật ních du khách vào ăn trưa, không còn một chỗ. Chúng tôi theo chân anh chị Vị rút lui vào quán của Công đoàn nằm ở phía sau, xây như một cái nhà sàn bằng tre, gỗ, rất rộng lớn, chỉ có nóc lợp lá tranh, bốn bề không có vách như thường thấy ở miền Nam, trên những rễ của một khoảng rừng đước đã bị đốn cụt. Thực phẩm thì nơi nào cũng như nhau canh chua cá lóc, cá kho, cá chiên, tôm lăn bột…cơm trắng. Nhiều người về đây phải ăn cho bằng được món lẩu mắm Cà Mau đặc sắc, nhưng vợ chồng tôi không biết ăn mắm cá.

Một ngạc nhiên nho nhỏ là có thực khách nào đó yêu cầu đờn ca vọng cổ, nhà hàng bèn làm xảo thuật, không biết từ đâu ra có một anh ôm cây đàn điện rảo mấy nhịp đờn vọng cổ nghe thấy lên tinh thần, thoải mái, còn cô bé nho nhỏ xinh xinh viết thực đơn, bưng đồ ăn cho khách, mới có 17 tuổi xuân, chợt lên sân khấu cầm mi crô hát một bài vọng cổ tình tứ, giọng trẻ thánh thót trong trẻo, xuống câu cũng khá mùi, thực khách vỗ tay rầm rầm. Rồi cũng có khách ăn lên cầm mi cô xuống sáu câu vọng cổ đáp lại.

Chồng tôi cười, một không khí vui vẻ, cởi mở, hào phóng, cộng đồng như thế này thì không hề thấy ở miền Trung cũng như miền Bắc, làm cho tôi lại còn thắc mắc hơn về phong cách tiếp đãi khách du lịch ở thành phố Cà Mau.

Cơm trưa xong, trên đường ra lại ca nô có anh Minh đang chờ, chúng tôi rảo qua cửa hàng bán đồ kỷ niệm, anh Vị mua tặng chồng tôi cái mũ tai bèo mầu xanh lá cây, tôi mua một bộ đũa ăn làm bằng gỗ cây đước, một đôi đũa cả làm bằng gỗ cây mắm, và một tấm thủy tinh vẽ hình Đất Mũi. Còn anh tài, không biết đi mua sắm từ bao giờ, khệ nệ bưng nguyên một thùng giấy cứng nặng cầu hơn mười kí lô, đựng đầy khô mắm Đất Mũi ra đến tận ca nô chở về. Mắm cá ở đây chắc phải ngon và an toàn, trời nắng hanh suốt ngày thì cá phơi mau khô, lại không có ô nhiễm không khí, ở đây chỉ có nắng và gió biển, bụi cát.

Leo trở lại ca nô, đã biết đường về, tôi hết còn sợ, ngồi thưởng thức những cú lướt sóng, đạp sóng của anh Minh, bề ngang của con sông Cửa Lớn khúc gần ra tới biển thì thật là rộng, nước chảy xiết mênh mông vậy mà nhìn trên bản đồ chỉ là một sợi chỉ mầu xanh, bề ngang sông Bảy Hạp hẹp hơn một chút, chớ coi vậy mà chưa chắc có ai dám bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia đâu, mỗi lần ca nô tưng lên rồi rớt xuống là đập một cái « rầm » trên mặt nước, đập trên nước mà như là đập trên bê tông, cái bẹ sườn bên phải của tôi mỗi lần « rầm » là bị đập vô cạnh sườn ca nô, tối nay về ê ẩm phải biết. Nhưng, vui! Giống như lượt đi, anh Minh dừng lại giữa đường hai lần, một lần vì rác hay rong bám vào chân vịt ca nô, phải cho quay ngược chân vịt thải rác ra, một lần hết xăng, anh Minh phải ngưng tay lái, lom khom đi ra phía sau ca nô, đổ xăng dự trữ vào bình, hai lượt đi về tốn hết 4 bình xăng. Cái hay là chiếc ca nô với bảy người ngồi, anh Minh đi tới đi lui, nổi trên sóng nước mà không lật.

Đường về bao giờ cũng thấy nhanh hơn là đường đi. Mới đó mà chúng tôi đã về tới cái « bến cũ » nằm trên miệng cống ở Cà Mau. Lên đến bờ, hết gió, hết thấy mát, nhưng tôi còn cảm thấy say say sông nước bập bình dưới chân. Về nhà, tôi ngồi nhìn mê mải cái mũi đất cực Nam nước Việt có một cái chấm nhỏ xíu đề « Xóm Mũi » Mũi Cà Mau trên tấm bản đồ mà sung sướng nghĩ rằng, chúng tôi đã đi đến tận nơi ấy. Một chuyến đi cực kỳ thú vị với vợ chồng anh Vị! Đi chơi có bạn vui hơn. MTT.

MTT_DatMui_1

MTT_DatMui_2MTT_Vi_1

Vó lưới Thái Bình

11. novembre 2021

Vó lưới Thái Bình * – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015 – https://mttuyet.fr

Bài viết này tôi thương mến gửi về Thái Bình tặng cậu mợ Hắc và cháu Huê. Tôi vẫn thường nhớ về Thái Bình quê ngoại có mộ của bà ngoại tôi thương, chôn phẳng đất, chỉ có cỏ xanh mọc. Cái giản dị, mộc mạc của một góc làng quê miền Bắc, nhưng để nhiều thương nhớ trong tâm hồn.

Hôm nay, 11.11. 2021 nước Pháp kỷ niệm ngày chiến thắng Đệ nhất thể chiến 1918. * Trích « Từ Lũng Cú đến Đất Mũi »

Chồng tôi đã lái xe ra ngoài đường, chờ đưa tôi đi mua bánh mì trong làng bên cạnh, mỗi lần đi thì mua cho cả hai ba ngày, tôi lười lên xe xuống xe, lười đi chợ, cứ thích ở trong nhà, ngồi viết. Chợ bên này đi mãi cũng chán, không như đi chợ ở bên nhà. Ra chợ bên nhà là gặp người này người kia bán hàng, đon đả chào mời có, chanh chua như dấm có, lạnh nhạt có, vồn vã vui vẻ có…chợ nào cũng có cái mùi của nó, có nhạc điệu của nó, vỉa hè là chợ, góc phố cũng là chợ.

Ở Hà Nội, chồng tôi thấy tôi đi chăm chăm về hướng bà bán bánh bao trên một con đường ở gần Hồ Gươm, ông ấy hỏi, mới ăn mà đói rồi sao ? , tôi cười, ăn nhiều cho mập thêm ! Nhưng, đằng sau bà bánh bao với hai cái nồi hấp bốc khói trắng trong không khí lành lạnh mùa đông Hà Nội, là ông thợ may trong một cửa hàng bán quần áo đang chờ tôi đến lấy áo. Mấy hôm trước, chồng tôi cứ tưởng tôi nhìn bánh bao chăm chăm, không biết là tôi nhìn một cái áo nhung đen mặc trên người mẫu bằng gỗ, thấp thoáng sau làn khói bánh bao. Tôi thích cái áo nhung đen Hà Nội, đặt một chiếc áo, dù biết là về châu Âu thì chẳng có ai mặc áo nhung đen ra đường, rất lạ lẫm đối với khung cảnh bên Pháp, nhưng hình ảnh các cụ bà Hà Nội mặc áo nhung đen, vấn khăn đen mùa đông làm cho tôi cảm động, thấy sao mà thân thiết, như nhớ về bà ngoại của tôi. Hôm đo áo, bà bán hàng mắng chồng trước mặt tôi, anh nói giá thế thì lỗ, không làm được đâu, phải thêm hai trăm nữa. Cái áo nhung đen từ một triệu hai thành ra một triệu tư, tôi cũng đặt cho ông bán hàng vui. Cái áo nhung Hà Nội đem về cất vào tủ.

Hôm trước, cũng thế, thấy tôi dắt tay qua đường một cách rất quả quyết, chồng tôi hỏi, có gì thế ? Tôi cũng cười, rồi anh xem. Đứng trước một cái rổ thật to, phủ mấy lớp khăn dạ, ông ấy không biết là cái gì, đến lúc bà bán hàng, ngồi trên một chiếc ghế đẩu đằng sau cái rổ hỏi, mấy cái ? Chị cho em một cái thôi, em mới ăn trưa, còn no. Cái bánh khúc Hà Nội ! No quá mà tôi cũng ráng thưởng thức hương vị quen thuộc ngày xưa. Chồng tôi trố mắt nhìn, dưới những lớp khăn len dạ, rổ bánh khúc nóng nổi, bốc khói nghi ngút, một cái bánh khúc xanh nóng, bao bọc bởi những hạt nếp trắng đặt trên một mảnh lá chuối, gói trong một miếng giấy báo cũ. Đó là quà Hà Nội mà tôi yêu mến. Hàng ngày, về khuya, thường có tiếng rao đàn ông ngang qua khách sạn tôi trọ, ai bánh khúc đây, bánh khúc nóng đây…Đó là một sự gợi nhớ Hà Nội rất da diết khi tôi trở về Pháp. Trong Sài Gòn, hồi tôi còn bé, cũng có những người bán bánh khúc trên xe đạp ngang qua nhà tôi mỗi chiều, ba tôi thường mua mấy cái phân phát trong nhà, no cũng phải ăn, ăn để giúp người bán.

Chợ bên này chán chết. Chẳng có ai, chỉ toàn là những kệ hàng, tự tìm, tự lấy, tự trả tiền, không có giao tiếp, không có trao đổi. Họ tiết kiệm nhân sự cho cửa hàng đến mức tối đa, các bà ngồi thâu tiền chẳng ai vui vẻ hay lịch sự gì với khách hàng vì họ cũng chán công việc của họ, mỗi ngày đẩy qua két hàng tấn thực phẩm, hàng hóa, thâu không biết bao nhiêu tiền cho chủ. Tôi mới đọc một cái thống kê trong năm 2015, cứ một người vào chợ chỉ mua cho nhu cầu của mình thì để lại cho chủ chợ một số tiền trung bình là 70 euros mỗi lần. Nếu tính theo thống kê đó thì hai vợ chồng tôi, mỗi tháng đi chợ bốn lần, ắt phải nộp cho chủ chợ 560 euros, kể ra cũng khá đúng đấy.

Bà bán bánh mì trong làng, hỏi tôi có cần một cái bao ni lông không, tôi lắc đầu, moi ra trong túi áo một cái túi lưới…Thái Bình. Bà ấy cười, hỏi tôi, ồ hay quá, bà vẫn còn loại túi lưới này à ? Vâng, mới tinh đấy ! Bà bánh mì kể, ngày xưa tôi cũng có cái túi lưới này, tiện lắm, đựng trứng gà, cam, táo, bánh mì, nó nhẹ, gọn, tiện để nhét vào túi áo. Tôi khoe, em tôi đan túi lưới cho tôi đấy. Bà nói, bây giờ bên mình (Pháp) chẳng có ai ngồi đan túi lưới đâu. Em tôi, ở Thái Bình, chỉ ngoáy một lúc là đan xong cái túi lưới. Mợ Hắc, lúc tặng tôi cái túi lưới, hỏi, chị lấy thêm không ? mợ còn một đống túi lưới trắng của mợ làm ra. Trong nhà cậu mợ Hắc chất đống những bó lưới, vì bên ngoài cửa có treo một cái bảng “Hắc làm vó lưới”. Nghề của cậu mợ, nghề tay trái thôi, là nghề làm vó, lưới, võng…trong nhà, rồi đem bán ở chợ. Vó của cậu Hắc trông giống như trên bưu thiếp ảnh của Việt Nam. Cháu Huê, con dâu mợ Hắc, vừa đẹp người vừa đẹp nết, có đôi mắt đen nhánh như hạt na, sáng lấp lánh rất tình cảm, thân thiện và nhỏ nhẻ, đem sản phẩm của gia đình đi bán hàng ngày ở chợ, đứng gió đứng mưa. Mỗi lần nghe cháu Huê gọi tôi dịu dàng nhỏ nhẻ “Bá à…” tôi cứ ngỡ như mình sinh ra ở Thái Bình và chưa bao giờ đi đâu xa.

Mợ Hắc được cậu Hắc giới thiệu khi tôi mới về quê ngoại lần đầu, nhà em xấu người nhưng đẹp nết, chị ạ. Câu nói của cậu làm tôi ngượng, muốn khóc. Tôi, tôi chẳng đẹp người, chẳng bằng ai, cũng chẳng đẹp nết ! Theo tiêu chuẩn ấy thì tôi không được cái gì cả, vô tích sự. Mợ Hắc, tôi thấy mợ như con thoi, là cái chân, cái tay, chạy chỗ này, chạy chỗ kia, việc gì cũng xông vào làm, không ngơi nghỉ. Mợ Hắc đẹp vì cái nét khắc khổ của mợ và đôi mắt nhìn rất chân tình. Mợ Hắc nhỏ người, gầy gò. Nhìn mợ Hắc mà tôi ngượng vì tôi lạnh, ở bên Pháp đã mấy chục năm rồi mà về Thái Bình thì tôi lạnh cóng chân, lạnh cóng tay, trong khi mợ Hắc, áo của mợ có lẽ không ấm bằng áo của tôi, không biết lạnh là gì. Nhà cậu mợ không có cửa sổ đóng kín, chỉ có khung sắt, các cánh cửa mở toang hoang, gió luồng từ đầu này sang đầu kia. Cái giường của cậu mợ đặt trong một góc của cái nhà một gian chắc là lạnh và ẩm lắm. Tôi nhìn quanh, tìm một chậu than nóng, như ở Hà Nội, nhưng không có. Lạnh quá, tôi ngồi một chỗ, không dám đứng lên đi đâu nữa. Ở nhà quê Thái Bình, mùa đông giá rét đến đâu, trên giường gỗ cũng chỉ có chiếc chiếu hoa, cũng không sưởi ấm bằng một ít than ? Mợ Hắc thấy vợ chồng tôi đến là lẳng lặng đi bắt một con gà trong chuồng, giết gà làm cỗ. Bữa cơm nhà quê rất thịnh soạn có gà luộc, miến gà, su hào xào, lòng gà, mề gà xào mặn, giò chả và cơm trắng nấu bằng gạo của nhà trồng, cấy…ngon hơn tất cả mọi bữa cơm ở Hà Nội, vì vừa ăn vừa run, đôi đũa run lập cập, ăn nhanh cho thức ăn còn ấm, và ăn xong thì ấm người. Về Pháp, chổng tôi cũng nhớ hình ảnh mợ Hắc, ngồi bốc kem sữa bôi mặt tôi đem làm quà từ Pháp về, rất vui bôi lên mặt. Mợ thích vì mùi thơm và chất kem làm êm dịu làn da khô cằn, nhăn nheo vì gió, lạnh, nắng…ở nhà quê. Chồng tôi nhắc, lần sau nếu có về, phải nhớ mang theo mấy hũ kem dưỡng da cho Thái Bình. Mấy hôm nay, theo dõi tin bão kéo vào Việt Nam từ Phi Luật Tân, tôi lại lo cho vùng biển của Thái Bình. Nhà của cậu mợ Hắc đã bị xập lần trước, cậu mợ đã xây nhà mới, sát vách với nhà của con trai, nhà cửa vững chãi hơn, khang trang hơn xưa rất nhiều, nhưng tôi vẫn tiếc cái nhà cổ lợp ngói của ông bà ngoại, nơi cậu mợ Hắc ở cũ, nay không còn nữa. Ở hội nghị về biến đổi khí hâu COP21 tại Paris, người ta huênh hoang vì môi trường lắm, bắt buộc dân chúng phải giảm tiêu thụ xăng, dầu, than củi, điện và đánh nhiều loại thuế lên sự tiêu thụ năng lượng, nhưng bao nhiêu người Việt Nam vẫn đang bảo vệ môi trường sinh sống một cách rất bình thản, tự nhiên, không cần chiêng trống ! Cuối năm, ngồi bên này, tôi nhớ bên nhà, nhớ cái lạnh cóng người, không có được một chút sưởi ấm và những bàn tay gầy gò, lạnh ngắt đan vó lưới Thái Bình. MTT12-2015

MTT_NhacuTB2012

Vinh – Hà Tĩnh – Vĩ tuyến 17 ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

7. novembre 2021

Vinh – Hà Tĩnh – Vĩ tuyến 17 ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Bài viết này được viết trong khoảng thời gian du lịch cưỡi ngựa xem hoa năm 2009-2012 tất nhiên không còn tính cách thời sự, đã xuất bản trong cuốn hồi ký du lịch « Từ Lũng Cú đến Đất Mũi » năm 2013. Mười năm là một thời gian dài để cho cuộc đời vật chất có thể thay đổi nhiều. Nếu có dịp, tôi lại đi lại con đường cũ đã đi qua từ Bắc chí Nam để thấy sự thay đổi đó. Về Vinh, hay Nghệ An, làng Sen, về vĩ tuyến 17…đối với tôi là một sự bắt buộc, vì đó là những địa danh lưu truyền sử sách. Tôi luôn ao ước thấy tận mắt sức sống của đất nước qua thời gian. Đối với chồng tôi, người Pháp, những chuyến đi « hộ tống » vợ đã giúp cho anh thêm hiểu biết rất nhiều về « cái nôi » của tôi. Tôi dắt anh đi từ kỷ niệm này sang kỷ niệm khác trong đời. Bài viết này tôi tưởng nhớ đến hai anh của tôi, hạ sĩ Trúc (26 tuổi) và hạ sĩ Điểm (24 tuổi) đã hy sinh trong trận hành quân Lam Sơn liên kết 36 năm 1966 ở Quảng Trị.

Tôi về thăm thành phố Vinh cũng vì muốn chụp cho bác Minh vài tấm ảnh của quê hương bác. Có ngờ đâu, về Vinh cũng như Từ Thức về quê, Vinh ngày nay thuộc về tỉnh Nghệ An, là một thành phố lớn, kiến trúc xây dựng hiện đại, với những quảng trường thật rộng lớn, những đại lộ thênh thang, những khách sạn du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế, dân số toàn tỉnh xứ Nghệ lên đến hơn 3 triệu người (thống kê 2009) có còn đâu quá khứ ngày xưa. Một dãy nhà chung cư cũ, xây thời bao cấp, đang bị đập phá để xây lại mới. Các cửa hàng trên đại lộ chính ở Vinh đầy ắp hàng hóa, xe hai bánh mới tinh, quần áo bằng da, giầy da… Tôi về Vinh đúng vào mùa cưới, các khách sạn ba sao, các nhà hàng lớn của Vinh tất cả đều có tiệc cưới. Cô dâu đều mặc áo đầm trắng như ở châu Âu, chú rể thì diện com lê đen hay toàn trắng. Tìm mãi không có chỗ ăn, chúng tôi phải lánh ra một quán cơm bình dân ăn cơm phần, cơm xe tải, nằm ở đầu đường vào thành phố Vinh. Trời lạnh, lại có gió, nên chúng tôi tiếc là không ra thưởng thức biển ở Cửa Lò được, mà xuôi về Hà Tĩnh.

Đoạn quốc lộ 1 ngang qua Hà Tĩnh còn là một đường hai chiều với hai lằn xe, xe hơi nhỏ, xe tải, xe hai bánh, xe đạp luồn lách tránh nhau. Chúng tôi không có dự tính dừng ở Hà Tĩnh nên xe lướt nhanh qua. Tuy thế, khi nhìn thấy có hai tháp chuông nhà thờ nổi lên giữa ruộng xanh, từ đường cái, chồng tôi vội vã xin anh tài lùi xe lại, để vào tham quan nhà thờ ấy.

Xe rẽ vào một con đường đất còn nhỏ, cứ nhắm hướng nhà thờ ấy mà đi. Như nhiều nơi khác, mặt đường cứ hẹp dần lại, đường đất nối tiếp đường được trải nhựa. Hai bên đường, nhà nhà đều có làm hang đá Chúa Hài Đồng trước cửa, Giáng Sinh vừa mới qua, đúng là xóm đạo. Hang đá làm bằng bao ny lông cũ, loại đựng gạo hay phân bón, lộn ngược lại bên trong, vò nhăn nheo giả đá, phun mầu nâu, mầu xám mầu đen lên, và trang trí bằng nhiều dây đèn xanh đỏ vàng trắng. Khi đến nơi, chồng tôi rất ngạc nhiên nhìn « cái » nhà thờ, thật cao, thật to, xây theo kiểu vương cung thánh đường ở Sài Gòn với hai tháp chuông, mọc lên giữa đồng không mông quạnh, chung quanh toàn là ruộng lúa. Trước nhà thờ là một vườn hoa rất rộng, có lối đi ở giữa tiến thẳng vào nhà thờ, hai bên là 13 tượng rất to sơn trắng, thể hiện đường đi lên thập tự giá của Chúa, đã hoàn tất. Trước cửa nhà thờ cũng là một hang đá rất to, có tượng Đức Mẹ, Đức Chúa, Thánh Joseph, ba vua, lừa, bò….Trong nhà thờ thì một đàn gà đang đi chơi thong thả vì nội thất chưa làm xong, một đống cát để trộn xi măng còn nằm ở giữa. Sự hoành tráng ấy, cái gì cũng to, cao, rộng làm chúng tôi ngạc nhiên. May sao, gặp được một người trong họ đạo, chúng tôi được vào thăm nhà thờ cũ của giáo xứ nằm ngay bên cạnh. Nhà thờ cũ nhỏ nhắn, ấm cúng, còn mộ phần của những người chăn chiên thưở trước. Thánh đường mới được xây bằng công đức của giáo dân đóng góp.

Nóng ruột muốn đến khu vực vĩ tuyến 17 sớm, nên chúng tôi tiếp tục đi ngay về hướng Đồng Hới, Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình trên quốc lộ 1. Anh tài cho biết là chiều ý chúng tôi muốn đi dọc quốc lộ 1, nhưng hiện nay đường Hồ Chí Minh, con đường « mòn » nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, song song với quốc lộ 1, nhưng nằm sâu hơn vào trong đất liền, sát rặng Trường Sơn, đã được xây dựng cho xe các loại giao thông, khi đưa chúng tôi đến Huế, xong nhiệm vụ, anh sẽ quay về Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh, chạy nhanh hơn. Sau nhiều ngày đưa chúng tôi đi đó đi đây, anh nhớ vợ nhớ con quá rồi, đếm từng ngày từng đêm.

Anh tài đề nghị nghỉ ăn trưa sau khi đã qua đèo Ngang, cách Hà Tĩnh 75 cây số xuôi về Nam. Tôi mừng quá, được qua đèo Ngang trên rặng Hoành Sơn của Bà Huyện Thanh Quan:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,

Cỏ cây chen lá lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

nhưng hôm nay thì mưa như trút nước dai dẳng, đúng là qua đèo Ngang với một mảnh tình riêng mình với mình, không thể xuống xe ngắm cảnh, chụp hình được, tiếc ơi là tiếc.

MTT_V22

Đèo Ngang nổi tiếng trong sách sử vì nó đã từng là biên giới thiên nhiên của hai nước Đại Việt và Chiêm Thành thời rất xa xưa. Sau này người Pháp còn đặt một cái tên cho đèo Ngang: «Porte d’Annam». Tấm bảng chỉ đường cho biết nơi này còn cách thành phố Hồ Chí Minh 1.350 cây số, tiến xuống phía Nam thật là đường xa vạn dặm. Đèo Ngang bây giờ nằm giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, không còn là biên giới phân chia, mà là một thắng cảnh nguyên thủy của miền Trung.

Đi mãi đến Quảng Trạch, trời đã bớt mưa, mới tìm được một hàng cơm còn phục vụ khách, bọn tôi ba người mừng quá, sắp hết đói rồi. Cái xe cũng được nghỉ xả hơi, máy đã nóng bốc khói. Bữa cơm bình dân có tôm rim, bò xào giá, cơm, canh, và bia Huda của Huế. Khách chưa ăn, con chó của chủ nhà đã đứng chầu mõm cạnh chân bàn.

Vừa lên xe đi, trời lại đổ thêm một cơn mưa to dai dẳng nữa, đường xá đã lầy lội còn lầy lội thêm. Nhưng bọn tôi no bụng vẫn thấy sướng hơn là lúc còn đói. Đoạn từ Hà Tĩnh xuống Đồng Hới, quốc lộ 1A ôm khá sát ven biển. Xe chạy ngang qua khu vực du lịch Phong Nha, Kẻ Bàng của vùng Bố Trạch.

MTT_V27Đến Đồng Hới thì không thể không đến thăm Lũy Thầy của Đào Duy Từ xây từ năm 1630 theo lệnh của chúa Nguyễn Phúc Nguyên để bảo vệ Đằng Trong, chống lại Đằng Ngoài. Một tấm bảng kể ngắn ngủi sự tích Quảng Bình Quan đã được Đào Duy Từ xây từ năm 1631, năm 1825 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch đá, nhưng trong ba năm 1965-1968 bom Mỹ, trong chiến tranh đánh phá miền Bắc, đã phá sập toàn bộ di tích cũ, chỉ còn lại phần móng, rồi mãi đến năm 1994 mới được xây cất lại theo mẫu cũ.

Chúng tôi đi từ phía Bắc xuống, nhưng du khách có thể đi ngược từ Huế lên khu vực vĩ tuyến 17, mà các dịch vụ du lịch đặt tên là chương trình tham quan DMZ (Demilitarized Zone, vùng phi quân sự): từ Huế đi Đông Hà, cầu treo Đakrông, Khe Sanh, Tà Cơn, thành cổ Quảng Trị, nhà thờ La Vang, địa đạo Vĩnh Mốc, dốc Miếu, hàng rào điện tử Mac Namara rồi về lại Huế trong một ngày.

Con sông Bến Hải, dài gần 100 cây số, con sông không may đã đi vào lịch sử Việt Nam là biểu tượng của sự chia cắt phân ly, bắt nguồn từ rặng Trường Sơn trong khu vực tỉnh Quảng Trị, chảy xeo xéo từ Nam lên Bắc, qua Bản Mít, Bản Mới, cắt ngang đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1 ở vĩ tuyến 17 để đổ ra biển Đông ở cửa Tùng, nên theo hiệp định Genève 1954 là con sông biên giới của hai miền Nam Bắc, thuộc khu vực phi quân sự tạm thời. Bờ Bắc của sông Bến Hải là huyện Vĩnh Linh, bờ Nam của sông Bến Hải là huyện Gio Linh. Những trận đánh ở Quảng Trị, nhất là ở Khe Sanh, nằm gần biên giới Lào, là những trận đẫm máu ác liệt. Hai người anh tôi, anh Điểm và anh Trúc trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời ấy, cũng đã hy sinh nơi đây. Anh Điểm (thuộc sư đoàn Thủy quân lục chiến) được 24 tuổi, anh Trúc (thuộc sư đoàn Bộ binh) được 26 tuổi, còn rất trẻ.

MTT_V28

Sông Bến Hải có nhiều tên, còn gọi là sông Minh Lương vì chảy qua làng Minh Lương, nhưng đến đời vua Minh Mạng vì kỵ húy phải đổi tên làng, tên sông thành Hiền Lương. Vì thế cây cầu bắc ngang qua sông Bến Hải tại cây số 735 trên quốc lộ 1A có tên là cầu Hiền Lương, dài khoảng 100 mét. Lịch sử cầu Hiền Lương được ghi lại từ năm 1928 mới đầu chỉ là bằng gỗ, đi bộ qua cầu. Năm 1950 Pháp xây lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162 mét, rộng 3,6 mét, đến năm 1967 thì bị bom Mỹ đánh xập. Một chiếc cầu phao được bắc tạm từ năm 1972 cho đến 1974. Cầu cũ, từ cầu chia cắt trở thành cầu thống nhất hai miền Nam Bắc được xây dựng lại với chiều dài 186 mét, 9 mét bề ngang, có hành lang đi bộ rộng 1,2 mét. Năm 1996 thêm một cây cầu mới dài 230 mét, rộng 11,5 được xây song song với cầu cũ, về phía Tây, được sử dụng cho việc di chuyển, cầu cũ đứng đó với nhiệm vụ là di tích lịch sử độc đáo.

MTT_V29Hiện nay bờ Bắc còn cột cờ cao 38,6 mét xây mới từ 1962 với lá cờ rộng 134 mét vuông, nặng 15 kí lô. * Ngày hôm ấy mưa gió lạnh, ảm đạm, tôi đứng ở đầu cầu Hiền Lương cũ, ngắm hai chiếc cầu song song, nước sông Bến Hải chảy xiết, hai bờ hai bên vẫn còn hệ thống loa phóng thanh ngày xưa. Trên bờ Nam có một kiến trúc hình những cái lá nhọn, sắc cạnh, như những mũi dao to bản chĩa thẳng đứng lên trời, làm cho tôi có cảm giác rờn rợn. Ai lại đi xây một khu vực tưởng niệm như thế nhỉ.

Đứng tần ngần hồi lâu trên cầu Hiền Lương, mà tôi không dám đi qua suốt cầu, có một cảm giác gì đó khó tả, chúng tôi đi về cột cờ chụp vài tấm hình, rồi lên xe đi cửa Tùng.

Đến tận cửa Tùng, nằm giữa hai huyện Vĩnh Linh (bờ Bắc) và huyện Gio Linh (bờ Nam) thuộc tỉnh Quảng Trị, đối với tôi là một điều bắt buộc, không thể bỏ qua. Trong thời gian vua Duy Tân còn trên ngai vàng ở Huế, thỉnh thoảng nhà vua được đi nghỉ hè ở cửa Tùng, tạm trú trong biệt thự của khâm sứ Huế. * Từ Huế ngược ra hướng Bắc để đi cửa Tùng đường dài khoảng 180 cây số, nhưng từ cầu Hiền Lương ra đến cửa Tùng thì khá gần, chỉ khoảng 10 cây số về hướng Đông Bắc, cửa Tùng là nơi con sông Bến Hải đổ nước ra biển. Có đường đi đến tận cửa Tùng là tôi mừng rồi. Nhằm hôm mưa gió khá mạnh, sóng biển ào ào đập vào xem rất hung dữ, chúng tôi không xuống bãi, chỉ đứng co ro trên cái nền nhà của biệt thự khâm sứ Huế khi xưa nay đã bị triệt hạ hoàn toàn, ngắm cảnh sông hòa với biển từ trên cao. Cửa Tùng khá rộng, nước một màu xanh xám, mây đen mây xám mây trắng xà xuống thấp sát từng con sóng cuồn cuộn đổ về. Tưởng tượng tâm trạng vua Duy Tân khi ngắm nhìn cùng một khung cảnh mưa gió như hôm nay, thì có lẽ đã buồn lo lại còn buồn lo hơn.

MTT_V32Khi trời đẹp thì cửa Tùng cũng đổi mầu từ xám sang xanh, và là một nơi tắm biển, nghỉ dưỡng được mệnh danh là « nữ hoàng của bãi biển » miền Trung.

Về trở lại thành phố Đông Hà, chúng tôi muốn từ đây theo đường 9 đi thăm Khe Sanh và cứ điểm sân bay Tà Cơn cách Khe Sanh 2 cây số, nghe nói ở đấy có một khu lưu niệm chiến tranh, để xem tận mắt nơi hai anh tôi đã ngã xuống trong trận hành quân Lam Sơn liên kết 719 năm 1966, chỉ có khoảng 60 cây số về phía Tây (hướng Lào) thôi. Nhưng không biết tại sao anh tài cản quá chừng, cô ơi mùa mưa đường lầy lội rất trơn, khó đi, lại là đường núi, vắng vẻ, xe có bị gì không có ai cứu hộ, mà cô lên đến đó lại quay về ngay trong ngày, trời chiều mau sụp tối, thì cực khổ lắm, cô chờ mùa khô rồi hẵng đi. Gần Khe Sanh, đi tiếp khoảng 20 cây số thì đến cửa khẩu Lao Bảo qua Lào, và di tích nhà tù Lao Bảo, cách cửa khẩu Lao Bảo chỉ có 3 cây số, do chính quyền thực dân Pháp lập nên từ năm 1908 và trở thành một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương, bao nhiêu người đã bỏ xác ở đó. Chúng tôi nghe lời anh tài đi về Huế trong một cơn mưa phùn, cảm thấy buồn buồn theo trời và đất. Chưa có duyên thì đi chưa tới.

Năm 2012, đọc tin khu vực Khe Sanh – Lao Bảo đã trở thành « khu đất vàng » do đầu tư để đón khách du lịch, đường xá tốt hơn trước, nên lần sau, thể nào chúng tôi cũng về thăm Khe Sanh.

MTT_V30

Đứng giữa cầu nhìn về bờ Nam và….bờ Bắc trong một ngày mưa gió lạnh buốt trên cầu Hiền Lương sông Bến Hải

MTT_V31

MTT_V24

MTT_V23

MTT_V20

MTT_V25

MTT_V26

Ghi chú:

1) Theo Sài Gòn giải phóng, ngày 23.05.2012.

2) Dấu xưa,Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, MathildeTuyetTran, nxb Trẻ, 2011

Về thăm lăng Gia Long

6. novembre 2021

Về thăm lăng Gia Long

Đã đăng trên Tạp chí Hồn Việt số 47/2011 – Hội Nhà Văn Việt Nam – 20-06-2011

Bài viết này đã lên trang nhà MTT từ năm 2011, hôm nay đăng lại nguyên bản trích từ tác phẩm hồi ký du lịch  » Từ Lũng Cú đến Đất Mũi » để thân mến tặng anh Lê Văn Cách, anh chị Trọng Hoa, anh chị Kháng Hồng, nhớ lại những kỷ niệm cũ đẹp tuyệt vời ở Huế và thân chúc các bạn bình an, nhiều may mắn vượt qua dịch covid 2021. Mới đó đã qua 10 năm rồi !

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris, Pháp)

Năm ngoái, dù rất muốn đi thăm lăng vua Gia Long nhưng tôi không đi được, vì trời mưa. Các ông tài taxi lắc đầu quầy quậy không muốn chở tôi đi. Họ bảo, “đường đất mùa mưa rất lầy lội, dễ lún, rồi cô lại phải đi qua đò, rồi đi bộ thêm một khúc xa nữa, khổ lắm”. Tôi đành phải ấm ức hẹn năm sau. Năm nay, chưa kịp nói gì, thì các bạn Huế đã tổ chức cho tôi đi thăm lăng Gia Long! Trời lại đẹp, trong xanh, nắng ấm như chiều lòng người khi chúng tôi khăn gói lên đường.

Đúng hẹn, xe đón chúng tôi lên đường vào sáng sớm, nắng Huế đã lên cao trên nền trời xanh, ít gió, chỉ vài cụm mây trắng lững lờ trôi chầm chậm. Ra khỏi khu vực trung tâm thành phố Huế, xe rẽ xuống một con đường đất nhỏ dọc bờ sông Hương. Quả thật, đường đất này mùa mưa, nước sông dâng cao thì vừa lụt, vừa lầy lội, dễ trơn dễ lún. Con đường nhỏ hẹp, hai bên được ôm ấp bởi hai hàng cây xanh, nhiều nhất là những bụi tre, dòng nước sông Hương xanh lấp lánh khi ẩn khi hiện bên tay phải của đường đi. Trên sông Hương, ở khu vực này, có nhiều chiếc đò khai thác cát, sạn. Người Việt, từ Bắc chí Nam, còn sinh sống nhiều qua công việc tận dụng các sản phẩm thiên nhiên của trời đất tạo cho, khai thác biển, khai thác sông, khai thác rừng, khai thác khoáng sản…để bán cát, bán sỏi, bán đá, bán gỗ, bán tre. Như những làng chài, người dân chài sống hết đời này qua đời kia, ngày này qua ngày kia, chỉ bằng đánh cá, đánh tôm rồi đem ra chợ bán, nguồn của thiên nhiên như là vô hạn, vô bến bờ.

Màu xanh của cây lá, mầu xanh của nước sông Hương dịu đi ánh nắng lồng lộng giữa buổi sáng. Trời không gió, cây lá đứng im. Tôi cảm thấy cái nóng đang lên cao dần. Xe đến gần bến đò Kim Ngọc. Anh tài thả chúng tôi xuống, đến đây thì phải qua đò thôi. Bạn Huế của tôi gọi đò. Biết gọi cách nào không?

Tôi đang còn ngơ ngác vì không thấy đò nào ở đâu cả.

Ông già trong quán đò nằm sát ven đường, lưng quán là sông Hương, quay mặt ra sông, miệng gọi “Đò ơi !”, tay ngoắc ngoắc. Một chiếc đò bất chợt hiện ra trên sông, từ bờ bên kia, tiến về phía chúng tôi. Cô lái đò còn rất trẻ, cập bến. Anh Sách chạy xuống bến hỏi:

– Em cho qua bên nớ hỉ, đi thăm lăng Gia Long !

Hue_057Đáng lẽ, đò chỉ đưa ngang qua sông Hương, từ bến bên ni qua bến bên nớ, nhưng cô lái đò dễ thương, nói để đưa chúng tôi ngược dòng sông thêm một đoạn để đến bến gần nhất, ngay đầu đường dẫn vào lăng, cho đỡ đi bộ. Chúng tôi mừng quá, vì khi xuống xe, ngó lại, thấy các bạn tôi đã tay xách nách mang, nào là chai rượu vang đỏ, nước uống, bánh mì, giò chả, trái cây, khăn giấy, đĩa giấy…trong ba lô và trong túi nhựa để ăn trưa, thật rất chu đáo. Chúng tôi lần lượt xuống đò, người ngồi chồm hổm, người đứng chụp hình. Cô lái đò đẩy đò ra sông, hướng mũi đò ngược dòng nước, quay ma ni ven mở máy đò, rồi ra ngồi trước mũi đò, tay nắm một sợi dây để điều khiển tốc độ. Xem rất đơn sơ như thế, nhưng tiếng máy chạy xục xịch đều đều. Giữa dòng sông Hương, nước trôi êm ả, gió hiu hiu mát, sóng vỗ vào mạn đò nhè nhẹ, rất nên thơ, thú vị nên quên cả cái nắng trên đầu. Hue_056

Tôi tự nhủ, nếu Huế mưa, đội mưa mà đi thăm lăng Gia Long chắc cũng có cái thú vị của trời mưa. Con đò lướt nhẹ nhàng ngang qua vài cái miếu nhỏ bên bờ sông, vài cô gái giặt quần áo ven sông, vài chiếc thuyền đãi sỏi trên sông…Êm ả, thanh bình quá !

Khi cô lái đò cập bến, tôi thấy chuyến đò quá ngắn, còn muốn lênh đênh con đò cả ngày trên sông Hương. Tạm biệt cô lái đò, hẹn lần trở về. Thời ni, cô lái đò có điện thoại di động, nên chốc nữa, bạn tôi sẽ gọi đò qua làn sóng điện! Trên bờ, đã có vài người lái xe ôm chờ chúng tôi để chở vào đến tận lăng, nhưng bạn tôi bảo để đi bộ ngắm cảnh. Từ bãi cát ven sông, chúng tôi lên đường đất xuyên qua một xóm nhỏ. Tưởng ở đây là hiu quạnh, quạnh hiu nhưng tiếng nhạc trẻ thời trang vang lừng thôn xóm, xóa cái tĩnh mịch, yên lặng. Con nít trong làng thấy người lạ, đạp xe đạp chạy theo chúng tôi một đoạn. Các vườn cây ăn trái, các mảnh ruộng lúa nho nhỏ đang lên xanh chứng tỏ người dân biết sống tự túc. Ra khỏi làng, bắt đầu thấy hai hàng cây thông hiện ra, báo hiệu cho khách đến thăm biết mình đã vào khu vực lăng. Từ bến đò vào lăng chỉ khoảng một cây số đi bộ.

Toàn thể khu lăng tẩm không có tường thành bao bọc, hòa lẫn với cây lá thiên nhiên trong một không gian toàn mầu xanh, xa xa thấy có hai cây cột trụ nổi lên cao. Chúng tôi vào khu vực lăng, trước hết là vào Minh Thành Điện, nơi thờ vua Gia Long, thắp hương chiêm bái, nhà Hữu Vu trong khu vực Minh Thành Điện đang tạm dùng làm nơi ở cho các bảo vệ lăng.

Kiến trúc Thiên Thọ lăng được quy hoạch thành 3 cụm nằm theo hàng ngang, đều quay mặt về hướng nam, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc phong thủy. Chính giữa là cụm mộ địa, sân tế, bái đình. Bên trái là nhà bia và bên phải là cụm tẩm điện dùng để thờ phụng.

Điện Minh Thành nằm ở vị trí trung tâm, dùng để thờ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, xây dựng xong năm 1815. Bi đình và tấm bia Thánh đức thần công ghi lại tiểu sử và sự nghiệp của vua Gia Long do vua Minh Mạng viết được hoàn thành năm 1820.

Hue_059

Sau khi qua cổng sau của Minh Thành Điện thì thấy trước mặt là một hồ nước dài tựa như một nhánh sông nhỏ chảy vòng quanh bao bọc. Rẽ sang bên trái, là vào đến sân chầu, bên ngoài sân chầu là một đàn trâu trâu mẹ trâu con thản nhiên ăn cỏ, nhìn người đến thăm với một vẻ ngạc nhiên, bên trong sân chầu mỗi bên là một hàng năm tượng đá các quan, tượng voi, tượng ngựa đứng lẻ loi, buồn bã. Nhìn lên phía cửa lăng vua Gia Long, bao bọc bởi hai vòng thành thấp, mấy tầng bậc thang đi lên, không gian uy nghiêm vì cái rộng rãi, rất đơn giản, nằm giữa thiên nhiên với các cây cao. Cửa lăng hẹp, có hai cánh cửa bằng đồng đã bị hư hại, vênh vênh, thủng nhiều lỗ đạn. Ngay sau hai cánh cửa ấy là một bức bình phong bằng đá, phủ đầy rêu đen, còn nhiều vết đạn bắn lỗ chỗ.

Anh Sách cười:

– Này, nam tả nữ hữu nhé.

Theo tục lệ, người nam phải vòng qua bên trái để vào, còn người nữ thì vào phía bên phải. Cùng với chị Hoa và chị Hồng, hai cô Tôn Nữ nhà Nguyễn, tôi vào phía bên phải.

Hai nấm mộ bất chợt hiện ra trước mắt. Hai cái nhà nho nhỏ xây bằng đá nằm song song bên nhau, không có chậu hoa, chỉ có ánh nắng mặt trời rọi chói chang trên lăng, giản dị làm sao, gần gũi làm sao mà uy nghiêm, đức độ làm sao!

Hue_053

Trong tất cả các vua nhà Nguyễn có vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (mẹ của Hoàng tử Cảnh), vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh là song táng „Càn khôn hiệp đức“ tại Huế, và ngôi mộ chung của toàn thể gia đình vua Hàm Nghi tại Thonac (Pháp), còn các vua nhà Nguyễn khác thì yên nghỉ nghìn thu một mình. Hai nấm mộ cũng như bốn vòng tường chung quanh còn nhiều vết đạn, chứng tích của chiến tranh đã tràn lan tận nơi đây, Thiên Thọ Lăng.

Từ lăng nhìn ra, dưới chân sân chầu là hồ dài, xa xa có 42 ngọn núi lớn nhỏ chầu vào trọng địa. Theo người am hiểu địa lý thì khu vực lăng Thiên Thọ là một vị trí địa lý rất quý hiếm, sơn thủy hữu tình, lăng Thiên Thọ nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, bốn phía chung quanh đều có các dãy núi án ngữ, che chở, có sông Hương tạo thành hào nước tự nhiên vây bọc ngăn cản người lạ.

Bên phải lăng vua Gia Long là nhà bia, đã được trùng tu lại, sơn son thếp vàng rất mới, hai cái xà cột cũ bằng gỗ chạm khắc công phu nằm trong một góc dưới đất, tấm bia cũng đã được vá víu lại, bề mặt có khắc chữ thì đã mờ nhạt nhiều. Các bậc thang thường khá cao, khiến cho người lên xuống cầu thang phải cố gắng nhiều, luôn cúi đầu để nhìn chân lên chân xuống cẩn thận. Bên trái của lăng Thiên Thọ là điện Minh Thành, cửa đóng then gài, nhiều cây non đã mọc cao trên mái nhà, chân điện phủ đầy rêu đen, tường bên cạnh lủng một lỗ khá to, gạch tường cổ nằm chất đống trong sân. Tôi thấy có địa điểm xây cất ở Huế dùng các loại gạch cổ của thế kỷ 18, 19 và các xà cổ chạm trổ rất công phu, tháo gỡ từ những nhà rường cũ, để xây thành nhà mới theo đơn đặt hàng của khách. Chúng tôi được phép nghỉ chân vào buổi trưa trong một căn điện mới xây cất sau điện Minh Thành.

Ngoài trời nắng gắt, nhưng trong điện, dưới mái ngói cao, thoáng mát.

Hue_052

Trước khi đến lăng Gia Long thì đi ngang qua lăng Thiên Thọ Hữu, nơi chôn cất bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ hai của vua Gia Long và là mẹ của vua Minh Mạng. Sau lăng Thiên Thọ Hữu là điện Gia Thành.

Ngày hôm nay mấy ai còn nhớ là cái tên nước “Việt Nam“ quen thuộc thân thương là do vua Gia Long đặt cho. Theo các tác giả nghiên cứu khác thì tên gọi « Việt Nam » đã xuất hiện từ thế kỷ 14. Qua thế kỷ 15, 16 hai chữ « Việt Nam » được tìm thấy trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi (1380-1442) và của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Tôi xin nhắc lại đôi dòng lịch sử.

Vào năm 1792, Nguyễn Nhạc đóng nhiều tàu thuyền ở cửa Thị Nại để nam tiến. Nhưng lúc đó là mùa gió nồm, thuận gió cho quân nam ra, chúa Nguyễn Phúc Ánh thừa dịp cùng quân Pháp, Bồ Đào Nha đánh úp cửa Thị Nại, đốt cháy nhiều thuyền chiến của Tây Sơn, đánh tan đạo quân 50.000 ngàn lính của Nguyễn Nhạc, khiến ông phải thu quân về Quy Nhơn.

Trước sự kiện này, Nguyễn Huệ chuẩn bị huy động hơn hai mươi vạn quân thủy bộ, chia làm ba đường đánh Nguyễn Phúc Ánh. Chính các giáo sĩ Pháp giúp Nguyễn Phúc Ánh lúc đó cũng rất lo lắng và dự liệu Nguyễn Phúc Ánh khó lòng chống lại được Tây Sơn trận này.

Tuy nhiên, cái chết đột ngột của vua Quang Trung Nguyễn Huệ vào tháng 9 năm 1792 khiến kế hoạch nam tiến đánh Nguyễn Phúc Ánh không bao giờ trở thành hiện thực. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ sinh năm 1753, (sinh trước Nguyễn Phúc Ánh chín năm) mất ngày 15 tháng 9 năm 1792, thọ 39 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Võ Hoàng Đế. Thời đại hiển hách vủa vua Quang Trung chỉ kéo dài từ năm khởi nghĩa 1771 cho đến năm 1792 là được hai mươi mốt năm, làm vua được gần bốn năm.

Năm 1801, hai năm sau khi Giám mục Bá Đa Lộc qua đời trong một trận đánh nhà Tây Sơn ở cửa Thị Nại, Nguyễn Phúc Ánh, theo sử liệu Pháp năm 1819, đem 190 chiến thuyền, mỗi chiến thuyền trang bị từ 4 đến 16 khẩu thần công bằng đồng, chiếm lại được Phú Xuân, lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long ngày 2 tháng 5 năm 1802, rồi tận dụng thời cơ nhà Tây Sơn suy yếu sau cái chết của vua Quang Trung, tiến ra Bắc, đánh quân Tây Sơn tan rã, làm chủ đất nước từ nam chí bắc.

Tên nước Việt Nam được vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh ban hành là quốc hiệu chính thức. Nhà Thanh chính thức tuyên phong tên Việt Nam năm 1804. Năm 1806 (Bính Dần) thì vua Gia Long xưng đế, cho nên khi vua qua đời được phong tôn thụy là Cao Hoàng Đế. Khi lên nối ngôi cha, hoàng tử Đảm lấy niên hiệu là Minh Mạng và đổi tên nước thành Đại Nam, công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Các vua nhà Nguyễn kế vị sau đó không ai đổi tên nước nữa, cho đến đời vua nhà Nguyễn cuối cùng, vua Bảo Đại, năm 1945.

Cũng trong năm 1945 quốc hiệu Việt Nam lần lượt được hai chính phủ, một của chính phủ Trần Trọng Kim (Đế quốc Việt Nam), một của chính phủ Hồ Chí Minh (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) long trọng tuyên bố, với hai lá quốc kỳ khác nhau.

Phú Xuân, tên cũ của Huế, là nơi hai vị hoàng đế tiền nhân, Quang Trung và Gia Long đều tranh nhau muốn chiếm đóng làm kinh đô, thì nay Huế có tượng đài vua Quang Trung rất oai nghiêm và trung tâm di tích của nhà Nguyễn.

Theo sử sách ghi lại thì Thiên Thọ Lăng được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820. Khu vực Thiên Thọ Lăng gồm có thêm các lăng tẩm của chúa và vua Nguyễn, như lăng Quang Hưng của bà Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ thứ hai của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), lăng Vĩnh Mậu của bà Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu, vợ Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái (1650-1691), lăng Trường Phong của Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chú (1697-1738), lăng Thoại Thánh của bà Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu (1738-1811), vợ thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Côn và là thân mẫu của vua Gia Long, lăng Hoàng Cô của Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột vua Gia Long.

Địa điểm và kiến trúc lăng Thiên Thọ khác hẳn lăng tầm của các vua nhà Nguyễn sau này. So sánh với 7 khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn thì lăng Gia Long là tổ hợp kiến trúc và thiên nhiên hoành tráng, hùng vĩ nhất. Đứng giữa lăng nhìn ra chung quanh, ta thấy được núi đồi trùng điệp. Các nhà kiến trúc đầu thế kỷ 19 đã đưa vào thiên nhiên những công trình kiến trúc hài hòa, tuy khiêm tốn nhưng thích hợp. Các lăng của các vua Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng được chăm sóc tu bổ, tuy còn rất nhiều chỗ điêu tàn, phủ đầy cây mọc, rêu đen, rêu xanh, cần phải sửa chữa cấp tốc, trở thành điểm tham quan „bắt buộc“ của du khách xa gần. Kiến trúc của lăng Tự Đức thơ mộng, lăng Khải Định phô trương Âu Á, lăng Minh Mạng hoành tráng cổ điển như đại nội.

Các lăng Đồng Khánh, Thiệu Trị và nhất là khu vực An lăng của ba vì vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân thì ít được chăm sóc, điêu tàn, buồn thảm, rêu xanh, rêu đen phủ đầy. Quần thể lăng Thiên Thọ đời cuối cùng của các chúa Nguyễn và vua Gia Long tuy đơn giản, tĩnh mịch nhưng điểm nhấn chính là sự hùng vĩ và hài hòa với thiên nhiên, đất trời.

Ai có về Huế, dù mưa hay không mưa, nên dành trọn một ngày để đến thăm lăng vua Gia Long, để linh cảm thấy sức mạnh của việc „Càn khôn hiệp đức“ của vợ chồng vua Gia Long. Tương truyền lăng vua Gia Long rất linh thiêng, ít ai dám đem về một cục đá, một mảnh ngói vỡ mà không bị vua „quở“ !

Hue_060

Chú thích:

  • Vợ thứ nhất của vua Gia Long là bà Tống thị Lan (húy là Liên) được phong là « Thừa Thiên Cao Hoàng hậu », bà được song táng cùng với vua Gia Long.
  • Vợ thứ hai của vua Gia Long là bà Trần thị Đang (húy là Kính) được phong là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu », bà là mẹ của hoàng tử Đảm, sau này trở thành vua Minh Mạng, bà được an táng riêng ở lăng Thiên Thọ hữu.

Tảo mộ ngày lễ Các Thánh (Toussaint)

30. octobre 2021

Tảo mộ ngày lễ Các Thánh (Toussaint) – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Hằng năm, cứ đến cuối tháng 10 là các tiệm bán hoa, chợ hoa, siêu thị… chạy hết năng suất với chỉ một loài hoa duy nhất, hoa cúc. Hoa cúc mùa thu có đủ mầu sắc trắng, vàng, cam, hồng, tím… là loài hoa thường được mua để mang ra nghĩa địa trong khoảng thời gian một tuần trước Lễ Các Thánh vào ngày 01.11, không mua tặng nhau và cũng không mua về chưng trong nhà. Ý nghĩa của hoa cúc mùa thu ở Pháp là tưởng niệm người thân đã qua đời, một cách bầy tỏ tình cảm, gắn bó, thương nhớ với người quá cố. Ở Việt Nam tục lệ tảo mộ thường xảy vào dịp trước Tết Nguyên Đán và tiết Thanh Minh, mồng 3 tháng 3 âm lịch. Có cái khác là người Pháp chỉ đem hoa tươi đi tảo mộ. Hầu như gia đình nào cũng mua ít nhất cả mười chậu hoa để mang đi thăm các mộ, có khi ở rải rác trong nhiều thành phố, đó là một cử chỉ không thể thiếu đối với người Pháp có đạo Thiên Chúa. Mỗi năm một lần, người ta có dịp trở về nơi quê cũ, làng cũ, nhà cũ, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có phần mộ cha mẹ… Ở thành phố thì nghĩa địa nằm riêng rẽ, ở nhà quê thì nghĩa địa nằm chung quanh các nhà thờ làng, trừ vài trường hợp đặc biệt. Paris có nhiều nghĩa địa rất nổi tiếng như nghĩa địa Père Lachaise hay nghĩa địa Montparnasse, nghĩa địa Passy nơi có mộ phần vua Bảo Đại bằng đá hoa cương đen, nơi mà những người có chức, có danh, có tiền an nghỉ.

Tất cả các chậu hoa cúc đểu chạy vào những nghĩa địa, trở thành một rừng hoa cúc, tô điểm sự tươi vui của sự sống, sự ấm áp của tình nghĩa lên nghĩa trang thầm lặng u hoài. Mùa thu đã tràn đầy lá rụng, tiết trời u ám, mưa nhiều, thật là hợp tình hợp cảnh cho những người đi thăm mộ. Người ta gọi đó là « văn hóa nghĩa địa », một tính cách văn hóa mà chỉ khi đối đầu với cái chết con người mới nhận thức ra nó. Ở Việt Nam nếu mua kim tĩnh xây sẵn để đó, thì ở bên Pháp cũng thế, có những gia đình đã tính trước mua sẵn phần mộ, nếu họ chưa có phần mộ của gia đình. Những mộ cổ thời xưa được xây bằng đá tảng, hay bằng phẳng với mặt đất, mộ của thời hiện đại được xây bằng đá cẩm thạch, hay các loại đá quý…Hình như chẳng ai tiếc tiền đối với người đã qua đời, nên những ngôi mộ phần lớn xây từa tựa giống nhau, cái thấp hơn chút, cái cao hơn chút, ít có phân biệt giầu nghèo, phí tổn vào khoảng mười ngàn euros. Trước kia, quan tài được chôn ngay xuống đất, trong chiến tranh thì chẳng có áo quan, có khi cũng không có lấy một tấm vải liệm, bây giờ người ta gọi nhà thầu đến xây hẳn hầm mộ hai chỗ, bốn chỗ bằng bê tông. Thời gian cuối tháng 10, câu chuyện trong gia đình thường xoay quanh những kỷ niệm về quá khứ, chứng tỏ người đã qua đời vẫn hiện hữu, vẫn « sống » trong hoài niệm ký ức của người sống. Đi thăm nghĩa trang, cũng là dịp để nhận biết những gia đình không có hậu duệ, đơn côi, chẳng ai đến viếng mộ, mộ không có hoa. Những ngôi mộ phủ đầy hoa là người mới qua đời, nhiều hoa là nhiều con cháu. Mộ phần giúp cho người ở lại có nơi chốn để thăm viếng, để tưởng niệm, đỡ bơ vơ. Trong gia đình chồng tôi có một ông chú, theo ý nguyện là rải tro của ông ra biển, tôi có cảm tưởng khi sống ông không tìm được hạnh phúc trong gia đình, nên khi chết ông muốn trôi theo sóng gió của biển cả để được tự do tìm về với người ông yêu trong chiến tranh Đông Dương, một cô gái Việt, đã gặp rồi không bao giờ gặp lại. Chồng tôi cũng thế, anh rất đau khổ khi tình cờ được biết là cô bạn gái đầu tiên, lúc anh mới 17 tuổi và muốn cưới làm vợ, đã qua đời một cách đột ngột từ nhiều năm nay rồi, tro của bà rải chỗ nào không biết. Chuyện tình đầu ? chuyện tình cuối ? Những câu chuyện tình của một đời người thường hiện về khi đi tảo mộ trong cái ẩm ướt giá lạnh của giữa mùa thu làm cho những câu hỏi về tình yêu và sự sống càng mang nặng tính chất của định mệnh sắp đặt sẵn. MTT

Gửi tặng các bạn một bài hát để sau này nhớ đến tôi, bản nhạc  » Tombe la neige  » (Tuyết rơi) của Adamo qua tiếng hát của Mathilde Tuyết Trần, với sự phụ họa của nữ ca sĩ Diễm Phương, guitar solo: Hoàng Minh, Phòng thu MPU thành phố Hồ Chí Minh năm 2012:

Nghe bản nhạc Tombe la neige:

L3 (2)

L4 (2)

L6 (2)

Hoa Gai: Câu chuyện cái lò bánh mì của lãnh chúa

18. octobre 2021

Hoa Gai: Câu chuyện cái lò bánh mì của lãnh chúa ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Đúng là loại chuyện bây giờ mới kể, hơn hai mươi năm sau, khi ấy vợ chồng Mai còn trẻ còn sức. Chỉ có vài bạn đến thăm Mai ở nhà quê mới biết nhà Mai có một cái lò bánh mì của lãnh chúa khi xưa cổ hơn 300 năm tuổi. Nói ra chỉ sợ người ta hiểu lầm mình khoe của.

Lúc Mai mua miếng đất có một ông già trong làng đến bảo cho Mai biết trên mảnh đất đó có một cái lò bánh mì cổ, nhưng ông không biết nó nằm ở đâu. Mai không nhận thức được là Mai gan tày trời nên dám mua một miếng đất bỏ hoang rộng khoảng ba sào, cây cối rậm rạp và các loài cây cỏ dại mọc lên cao quá đầu người, không biết còn có gì trong ấy. Miếng đất này nằm ở góc con đường đi dạo của làng, phía sau là ruộng, phía trước là con đường duy nhất trong làng chạy qua. Vùng Picardie là vùng diễn ra những trận đánh trong hai trận đại chiến thế giới, bom đạn đổ xuống tơi bời, có nhiều hầm hố, đường hầm ngang dọc, chiến hào. Chồng Mai cũng là người quê quán ở làng khác đến làng này, không biết rành rẽ, anh ấy lại có ác cảm với người giầu nhất làng. Hồi đại chiến thứ hai, các con ngựa của nông dân các làng đều bị quân Đức Quốc Xã trưng dụng để họ dùng cho kỵ binh hay cho việc chuyên chở, phải dắt ngựa đến nộp, Ông ngoại của anh ấy dắt con ngựa của nhà đến nộp tại địa điểm trong làng của Mai, họ hẹn sau này sẽ trả lại. Chiến tranh chấm dứt, nhà thì bị đổ nát, ngựa thì mất, tiền bồi thường có thấy đâu ! Vì thế mà hận. Khi đó, Mai không được kể cho biết những chuyện ấy, nên vô tư phấn khởi hồ hởi vì mua được miếng đất hiếm. Làng của « Mai », Mai cũng là dân nhập cư bây giờ trở thành dân làng, dân cư thì nhỏ, ít người, chung quanh toàn là đồng ruộng, rải rác những đám rừng thưa, tất cả đất đai đều thuộc về ba, bốn gia đình đại điền chủ, nên họ dư thừa đất để hoang, không cần bán, miếng đất ba sào nằm lẻ loi đối với họ chẳng bõ công bõ sức. Mai ở trong làng đã hơn hai mươi năm, có ít nhất 5 mảnh đất vẫn để trống từ đó cho đến giờ.

Công việc đẩu tiên đội đá vá trời là phải dọn cho sạch miếng đất hoang đó. Từ một người là dân bàn giấy, ẻo lả xanh mướt như Mai mà ngày một ngày hai phải cầm đến cái cuốc, cái xẻng, cào đất chặt cây, quần áo lấm đất chân lầm bùn, móng tay đen thui, tay chân bị gai nhọn cào cấu, đầu không chải tóc không uốn, ôi cha mẹ ôi…nhờ thế mà Mai khỏe hẳn ra, lao động chân tay như là tập thể tháo ! Chồng Mai hăng say không kém, đi làm về, cuối tuần là anh cũng hì hục cuốc xẻng, sức anh bằng hai, bằng ba sức của Mai. Dọn là mới dọn trên mặt đất, vợ chồng Mai chỉ mới phát quang, chưa thấm thía vào đâu. Vợ chồng Mai khám phá ra là mảnh đất nằm trên một góc sườn núi thoải xuống, phía sau cao hơn phía trước có đường làng chạy qua, và đã từng có nhà ở trên nó, đã bị phá vỡ. Dưới lớp cây cỏ xanh phủ kín là một lớp đất đá gồm gạch đỏ vụn, mảnh đạn, mảnh bom, mảnh chai, đá tảng, đá lửa, dây kẽm gai, đinh…không thiếu thứ gì. Sức người không làm nổi, vợ chồng Mai phải nhờ người quen của anh ấy trong các làng lân cận đến giúp. Mai quyết định cho nhổ một chục cây cao để lấy đất làm nhà, vì mảnh đất dài và hẹp, theo kiểu phân phối đất đai ngày trước. Ngày xe cần cẩu đến nhổ cây bứng rễ rồi chở đi, Mai mừng như mở hội, cây nào cây nấy đều có một bộ rễ rất lớn. Đất đá thì chở cả ba lần xe ben đỉ đổ vẫn còn dư chất thành núi…Mai không ngờ rằng vợ chồng Mai đã dấn thân vào một cuộc phiêu lưu tốn kém sức lực đến ba, bốn năm trời. Trong lúc dọn đất, vợ chồng Mai không quên cái chuyện lò bánh mì cổ. Trên một đoạn dài ba mươi thước đã được khai quang, chỗ để làm nền nhà, vợ chồng Mai không thấy nó đâu. Hôm nhà thầu tới lấy mẫu đất để thử cho đúng qui trình, Mai bảo họ là cái nhà xây theo chiều dọc của mảnh đất, bên cạnh con đường đi dạo của làng và thụt vào 20 thước từ đầu phía đường chính, mà không biết là mình đã vô tình cứu cái lò bánh mì cổ, suýt tí nữa là cần cẩu xây nhà đã phá nát cái lò bánh mì nếu Mai không nói « 20 thước » vì nó nằm chính xác ở vị trí đó dưới mặt đất. Ý Mai thì chỉ là Mai không thích nhà nằm sát đường, đồng hàng với nhà bên cạnh vì tiếng xe cộ ồn ào. Tuy là nhà quê, ít xe nhưng các mùa trồng trọt, mùa gặt đều có những chiếc xe làm đồng to đùng chạy qua lại không kể giờ giấc, xe tải đến mua bán chở nông sản phẩm đi và những làng bên hay dùng con đường làng của Mai để ra xa lộ cho gần.

cave6_web

Xách từng xô đất, hòn đá, gạch vụn lên trên mặt đất

cave8_web

Đá tảng, đất, gạch vụn được phân loại để riêng

Chồng Mai cứ cầm một cây gậy sắt dài, đi chọc chọc xuống đất để tìm cái lò bánh mì trên mảnh đất dài 20 mét làm thành vườn trước cho nhà mới xây. Anh bỏ cả ăn, đêm nằm ngủ cũng mơ tưởng đến cái lò bánh mì cổ, ước gì được tìm thấy nó. Một hôm anh ấy la lên: Thấy rồi ! Eureka ! Cây gậy sắt của anh đâm vào đá cứng sâu khoảng nửa thước dưới mặt đất, vị trí đó nằm cách vách nhà khoảng chưa tới mười mét và bên cạnh con đường đi dạo… Thế là anh vác cuốc xẻng ra đào ở chỗ ấy. Một xô đất, hai xô đất…rồi năm xô đất đổ thành đống bên cạnh…để lộ ra một….bậc như bậc thang bằng đá tảng và một góc của vách tường gạch đỏ, Anh hớn hở, đúng nó rồi, nó nằm dưới đất ! Ngày hôm sau, anh đào tiếp, nhiều đất hơn, sức anh rất khỏe nên chỉ đào, xắn bằng tay…và anh tìm được bậc thang thứ hai dẫn đi xuống, chứng tỏ là anh nghĩ đúng. Nhưng còn bao nhiêu bậc thang ? khối đất đã rắn lại sừng sững trước mắt như một thử thách. Anh kiên nhẫn đào tới đâu đổ xô đất tới đó. Những xô đất đá gạch vụn rất nặng, Mai xách một xô không nổi. Ba bậc rồi bốn bậc thang hiện ra…anh nói, hy vọng cái lò bánh mì còn nguyên vẹn vì các bậc thang bằng đá bị lấp chắc phải là từ sớm nên còn nguyên vẹn, không vỡ, cầu thang không bị đổ. Làm tới đâu anh dùng những thanh gỗ để chống bức tưởng bằng gạch đến đó phòng hờ tường sập vùi anh xuống trong đống gạch. Hai thằng con trai đến giúp đổ đất, vác từng hòn đá, cục gạch lên bằng tay. Khối đất tính ra đã lên tới mấy mét khối và còn thêm hơn nữa vì anh ấy đã chạm tới bậc cuối cùng. Khỏi phải nói, Mai phục dịch cơm nước ăn uống đầy đủ cho những người lao động khổ sai này. Cuối cùng chỉ hoàn toàn bằng sức, anh đã giải phóng cái cầu thang dẫn xuống dưới mặt đất gồm có 8 bậc toàn vẹn ra ánh sáng. Trong khối đất đã đào ra anh cẩn thận lọc lựa từng hòn đá nhặt được, những hòn đá trắng đã được đẽo, gọt, có thể là của cái lò bánh mì rớt ra.

Sau bao nhiêu công khó anh đã đào ra dưới mấy thước đất chạm tới cái lò bánh mì ! Mỗi ngày nó ló ra một chút làm anh càng nóng lòng biết tình trạng của nó. Cửa lò bị hư hại một chút. Trong lòng lò lại một mớ rác: xác những chai lọ, gạch đá…. Lò có dạng nửa hình tròn (180°), rộng khoảng 2 mét, được xây trên một cái bục vững chắc, vừa tầm người đứng, lớp bên trong lò còn nguyên vẹn: vòm lò bằng ngói, xếp đứng hình trái tim, nền lò bằng đá tảng trắng. Bên ngoài, vòm ngoài, ống khói và nóc lò bị hư hại nhiều, chồng Mai tìm được nhiều viên đá xây lò trong đống đất. Hóa ra, cái lò bảnh mì cổ nằm sâu dưới đất, sát vách nhà, thiếu chút nữa thôi là cái lò đã bị ai đó hủy hoại. Bởi vậy, chồng Mai muốn làm bằng tay việc đào xới tìm kiếm, không nhờ tới máy móc.

cave3_web

Miệng lò khi mới tìm thấy, chìm lẫn trong khối gạch, đá vụn

Dọn đất sạch sẽ xong, chồng Mai bắt tay vào việc tạo khung gỗ để xây lại vỏ ngoài của lò. Anh rửa từng viên đá của vòm ngoài một cho trắng lại, xây lại nóc, đổ bê tông lên nóc lò, bấy nhiều đó công việc nặng nhưng lại là niềm vui thích của anh. Anh tìm thấy con số 1861 trên một viên đá của vách. Anh nói, có thể năm 1861 là năm tân trang lại lò lần cuối cùng và kiến tạo ra cầu thang theo chiều dọc tìm thấy hiện nay, kết quả của cuộc cách mạng Pháp năm 1848, không phải là năm xây lò, cái lò này phải trên 300 năm tuổi, xây từ trước cách mạng 1789 thế kỷ thứ 18. Thuở xưa trước cách mạng, thời gian ấy đúng là một cái mốc để cắt nghĩa nhiều thay đổi, mỗi làng có một cái lò to và rộng như thế, dân làng không được quyền có lò, chỉ có một cái làm bếp làng hay cái bếp của lãnh chúa, dân làng có thể đem đến những nồi đựng thức ăn chưa nấu chín để gửi nhờ vào trong lò. Muốn lò nóng, phải đốt lửa và giữ lửa ba ngày ba đêm mới đẩy nhiệt độ lên đủ để nướng bánh mì (250° C). Trước cửa lò, người ta lợi dụng nhiệt độ ấm để ủ cho bột lên men. Chồng Mai cắt nghĩa, hồi xưa người ta không có vật dụng để đo nhiệt độ trong lò, khi nào thấy lò trắng ra, thì búng một chút bột mì vào, bột mì bốc cháy phừng phừng là lò đủ nóng. Anh đứng gần lò nóng là lông tay bật cháy thiêu ! Lò to để có thể nướng một con heo, con cừu, con bê hay nửa con bò… một lúc.

cave4_web

Phải đào khối đất phủ kín bên trên mới giải phóng được 8 bậc cầu thang !

Từ lúc anh tìm ra bậc thang đầu tiên đến lúc tái tạo lại hoàn toàn cái lò bánh mì và xây lại ống khói cả gia đình Mai mất khoảng sáu tháng làm việc liên tục, ngày nào cũng nghĩ đến cái lò bánh mì. Anh tìm củi để đốt lò ba ngày cho Mai làm mẻ bánh mì truyền thống đầu tiên như thời xưa, một lượng củi không nhỏ và phải canh lửa liên tục. Không thể ngờ được ! Mùi bánh mì nướng trong lò thơm phức mấy ngày khắp nhà, một mùi thơm rất đặc biệt. Khói từ ống khói tỏa ra trắng toát, thơm thơm con đường đi dạo của làng, làm người ta ngạc nhiên, sao lại có khói bốc ra ở đây ! Họ không trông thấy cái lò bánh mì nằm dưới đất, bên cạnh con đường nhỏ họ đang đi. Nhìn làn khói trắng nhẹ nhàng bốc lên lan tỏa sự ấm cúng vợ chồng Mai cảm thấy hạnh phúc chen lẫn với một niềm hãnh diện, mấy ai có được một cái lò bánh mì như thế. Mai đem bánh mì biếu khắp làng……. MTT

(trích tiểu thuyết Hoa Gai của Mathilde Tuyết Trần)

Mobylettes, Eiffel và tháp canh de Vez mùa chớm thu

10. octobre 2021

Mobylettes, Eiffel và tháp canh de Vez mùa chớm thu ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Tự cách ly từ ngày đầu tiên, hạn chế tối đa tiếp xúc, chúng tôi phải nghe tiếng gọi của sự tự do, tự do đi chơi, tự do di chuyển vào một ngày chớm thu quá đẹp như hôm nay. Kể từ hôm 17.3.2020 cho đến nay, người nhà quê như chúng tôi bị đặt vào tình trạng khẩn cấp bất đắc dĩ không biết trước, trong khi dân parisien đã ồ ạt lên đường từ tối hôm trước túa ra các vùng du lịch để tránh phong tỏa Paris, họ đã biết trước và sửa soạn, các xa lộ về hướng Nam và vùng biển đều nghẹt cứng hàng trăm cây số. Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, có « chiến tranh » mà mình không hay biết, mặc dù theo dõi tin tức hàng ngày. Ba lần phong tỏa toàn quốc vì lý do dịch covid 19, lần thứ nhất 17.03-11.05.2020, rồi lần thứ hai 30.10-15.12.2020 và lần thứ ba từ 03.04.-03.05.2021, và những lệnh cấm đủ thứ, cấm nhà hàng, cấm văn hóa, cấm di chuyển (chứ đừng nói chi đến du lịch) đến con chó cũng phải ra ngoài đi ỉa một giờ trong một ngày…Cảnh sát đầy đường, phạt vạ….C´est interdit d´interdire ! Tự do trở thành một thứ tự do có điều kiện, người đủ điều kiện thì nhởn nhơ ăn chơi đi đó đi đây…. người không đủ điều kiện thì mất công ăn việc làm, chỉ nhìn thiên hạ ăn chơi mà thôi. Nhưng cái choc lớn nhất mà mọi người học được từ tình trạng này là tất cả « quyền lợi của quyền con người » thì chỉ cần cái « lệnh » từ trên ban xuống là mất hết, mất trắng..,,Người dân vô tội, nạn nhân, là người tù lỏng của xã hội. Chỉ cần nêu lên cái lý do sức khỏe toàn dân trở thành « chiến lược » quốc gia. Những thứ như tự do, dân chủ, bình đẳng, công lý chỉ còn lại là những từ ngữ sáo rỗng, rỗng tuếch…Kêu ca ai nghe, ai xử, nói ai nghe, than ai nghe…, thiên hạ biểu tình ở Paris và những thành phố lớn đã tởi tuần thứ 11, 12 gì đó, chưa hết… Ôi thôi, tất cả đều khổ não, buồn phiền. Chỉ có cái màn hình tivi là nhan nhản lếu láo nói nhăng nói cuội suốt ngày, thế mà mọi người ngồi nghe há hốc mồm, như nuốt chửng không cần phải suy nghĩ, lý luận. Nó cũng không chịu một hậu quả nhỏ nhoi nào của đời sống thực tế, nói trước quên sau, thật là đáng ghét.

Vì thế được đi chơi, nhưng chúng tôi không khỏi lo ngại, đi mấy chục cây số mới tới nơi, nhỡ nó không cho vào đuổi về thì sao ? Trời chớm thu quá đẹp, xanh, cao, trong vắt, không một gợn mây, nắng vàng ấm áp, gió nhẹ hây hây….một ngày lý tưởng, có còn gì đẹp hơn ! Vợ chồng tôi đi xem một cái triển lãm mobylettes !

Tôi cứ tưởng là xe cổ như những lần xem xe cổ con bọ WV hay các loại xe cổ của Pháp thì là ở những bãi cỏ ngoài trời, nên mạnh dạn đi, không sợ bị đuổi. Địa điểm hẹn là tháp canh làng Vez. Chồng tôi cũng tưởng là triển lãm xe mobylettes trên bãi cỏ trước tháp canh. Tháp canh bỏ hoang trong vùng Oise thì có nhiều. Làng Vez cũng không xa lắm, cách nhà khoảng 50 cây số, trời đẹp lái xe đi về cũng thích. Con đường liên tỉnh chạy xuyên qua những khu rừng mới chớm vàng, lá còn xanh nhiều, mát rượi. Tháp canh làng Vez nhìn từ dưới lên trên thì thấp thoáng, ẩn náu trong những rặng cây xanh um tùm, Tới bãi đậu xe, chúng tôi ngạc nhiên nhìn thấy chỉ có ba chiếc xe đậu với xe tôi nữa là bốn. Ít người thế này sao ?

p0 (2)Từ chân núi đi lên, ngang qua cái cổng sắt cao to đóng mở tự động, con đường vắng vẻ, không có ai, rợp bóng cây xanh um tùm và sạch sẽ. Tháp canh (Donjon de Vez) nằm trên một đỉnh của ngọn núi cao 119 mét (thấp hơn vị trí của nhà tôi cao 131 mét), nhưng đường bộ lên thì cũng dốc như thế mà ngoằn nghèo hơn. Lên được nửa đường, chúng tôi gặp hai người đi ra, như thế chỉ còn có hai xe là bốn người xem triển lãm ! Ấn tượng đầu tiên là tháp canh được bảo tồn rất đẹp, giữ nguyên vẹn vẻ hoàng tráng thời trung cổ thế kỷ thứ 14 của nó. Vào thế kỷ thứ 13, vua Philippe-Auguste biến mảnh đất làng Vez thành đất hoàng gia, năm 1214 nhà vua tặng mảnh đất cho Raoul Duchemin, một kỵ sĩ có công trong trận đánh ở Bouvines. Ông này cho xây dựng lâu đài, tường thành…Đến đời cháu của Duchemin là Jehan de Vez cho xây dựng tháp canh làng Vez hình lục giác năm 1360.

Năm 1430, trước khi bị bắt và bị thiêu sống tại Rouen, Jeanne d´Arc đã dừng chân tại Donjon de Vez để bảo vệ đất đai cho vua Pháp Charles VII trước sự hăm dọa chiếm đoạt của lãnh chúa quận công vùng Bourgogne Philippe Le Bon, là người chống lại vua Pháp Charles VII cùng thời. Bà lên tháp canh theo dõi sự tiến quân của quân Bourguignons. Làng Vez chỉ cách Compiègne có 30 cây số. Bị bắt bởi quân Bourguignons ở Compiègne năm 1430 trong một trận vây hãm thành phố Compiègne bởi hai đạo quân Bourguignons liên kết với một đạo quân Anh, Jeanne d´Arc bị bán lại cho quân Anh với giá 10 ngàn quan tiền vàng bởi kẻ chiến thắng là Jean de Luxembourg. Năm 1431 trong một phiên xử do Pierre Cauchon, giám mục địa phận Beauvais chủ trì, người đã liên kết với quân Anh, Jeanne d´Arc bị xử thiêu sống lúc mới có 19 tuổi. Vì thế ngày hôm nay Donjon de Vez, nơi cuối cùng của Jeanne d´Arc còn là một người chiến sĩ tự do, là một nơi tưởng niệm thánh Jeanne d´Arc có ý nghĩa.

Trong hình dạng hiện tại, Donjon de Vez cao 27 mét, có hình ngũ giác, năm tầng và thêm một đài quan sát trên tầng thượng, nơi lá cờ của Donjon kiêu hãnh bay phất phơ trong gió, bao quanh bởi một bức tường bằng đá tảng kiên cố dầy 2 mét, cao 13 mét và một chiến hào, có hệ thống đường hầm dẫn vào tháp canh. Điểm yếu duy nhất của nó chính là cái cầu treo bắc qua chiến hào dẫn vào cổng bằng sắt, có thêm hai cảnh cửa gỗ, cho nên hai bên cổng là hai ngọn tháp canh nhỏ. Tuy nằm lẻ loi trong rừng, nhưng nhiệm vụ của Donjon de Vez là bảo vệ cho bốn lâu đài ở hậu tuyền, đó là các lâu đài Coucy-le-Chateau, La Ferté-Milon, Pierrefonds và Montepilloy, trong thời đại con người còn đi ngựa, đi bộ, gửi thư và công văn viết tay bằng chim bồ câu, kỵ mã… và không có những phương tiện truyền thông hiện đại như bây giờ. Bên cạnh tháp canh là một nhà nguyện nhỏ, nói như vậy nhưng nhà nguyện nhỏ này to đùng như một lâu đài. Chỉ nội việc vác đá tảng, từng hòn đá, đã là một công trình vận chuyển bằng sức người, sức vật kinh khủng của con người thời ấy để xây những lâu đài, những tháp canh trên núi, trong rừng. Những lò sưởi to lớn dùng để đốt nguyên cả một thân cây để sưởi ấm chứng tỏ những mùa đông rất lạnh trong rừng. Ngoài những lỗ châu mai, khe rãnh trong tường, người xưa còn sáng tạo ra những lỗ hổng trên nền tầng cao nhất để ném đá, đổ chất lỏng cháy xuống…quân thù đang tiến vào tấn công. Thành quách vững chắc như thế, nên chiến thuật hay nhất là bao vây, hãm thành để cho người bị bao vây sức mỏi hơi mòn, cạn lương thực…

Trải qua nhiều lần đổi chủ, năm 1890 Léon Dru, một kỹ nghệ gia mua lại tháp canh và cho bảo tồn toàn bộ khung cảnh. Vì công trạng đó nên vợ chồng nhà Léon Dru được chôn cất trong lâu đài. Từ năm 1987 tháp canh được bán về tay ông Francis Briest với giá rẻ mạt, chỉ bằng giá tiền một căn phòng nàng hầu (chambre de bonne) trên nóc nhà ở Paris. Ông Briest là một chuyên gia định giá làm việc trong lãnh vực đấu giá, chủ sở hữu cơ sở bán đấu giá Artcurial, biến tháp canh thành nơi triển lãm các sản phẩm trong đời sống của thế kỷ hiện tại.

Những cái xe mobylettes cổ ở đâu ? tôi không thấy ngoài bãi cỏ.

Bước qua cái cầu treo vào cổng, thấy có 4 người khách đang dạo chơi, chúng tôi vào phòng bán vé. Cô bán vé thu tiền, niềm nở, chẳng hỏi han gì, thế là lọt ! Ra ngoài bãi cỏ, tôi hỏi nhỏ với chồng tôi: thế còn cái « pass sanitaire » ? Anh trợn mắt nhìn tôi: Có tổng cộng vẻn vẹn sáu người đến thăm viếng giờ này mà còn « pass » gì nữa ! Ở Paris trong một phòng họp có 500 người cũng không ai đòi « pass sanitaire » ! Chính phủ lại vừa đòi dân chúng phải thực thi cái gọi là « pass sanitaire » cho đến 15.11.2021, như vậy các lâu đài là những địa điểm văn hóa cũng phải tuân theo lệnh cũng đòi trình « pass » (bằng giấy hay bằng QR code trên điện thoại di động) mới cho vào tham quan, không thì « a lê hấp » mời ra, đừng vào, đừng đến làm chi cho mất công, chỉ để làm khổ dân, tước đoạt tự do và đè nén kinh tế không cho phát triển thôi sao ?! Bởi vậy nên mới có 3, 4 chiếc xe đậu trên bãi đậu xe và trong khu vực tham quan chỉ có 6 người khách ! Cô bán vé cho biết từ 20, 30 khách cho đến có khi 80, 90 khách tối đa mỗi ngày đến thăm tháp canh và mobylettes. Lúc chúng tôi đi về thì có khoảng thêm 8 khách nữa lần lượt bước vào.

Cuộc triển lãm xe mobylettes cổ nằm trong nhà nguyện nhỏ của Donjon de Vez ! Đây là một bộ sưu tập của một nhà sưu tập tư nhân được cho mượn để triển lãm. Chúng tôi bước vào nhà nguyện, đầu tiên hết là tầng hầm « crypte », ánh nắng chiều rọi trên hồ nước bên ngoài nhấp nhô sáng lung linh nhảy múa trên những chiếc xe mobylettes. Những chiếc xe cổ của thời 17 tuổi được sơn phết và trưng bày kỹ lưỡng trong một khung cảnh tương phản: cái khung của thế kỷ 14 ôm lấy sản phẩm của thế kỷ 20. Ở tầng một, nhìn hai nấm mộ của ông bà Léon Dru, và bức tranh Jeanne d´Arc làm khung cho những chiếc mobylettes, tôi phân vân không biết nhìn cái nào trước cái nào sau !

Chiếc mobylette (gọi tắt là mob) đầu tiên được sản xuất ra năm 1949 ở Paris Saint Ouen và ở thành phố Saint Quentin, bán được 14 triệu chiếc trên thế giới, đến năm 1983 thì bị Yamaha kiểm soát. Bộ sưu tập gồm có khoảng 30 cái xe trong đó có chiếc xe của Schumacher, và những chiếc xe mang nhãn hiệu Dax, Monkey, Caddy, Manhurin, Vespa, Zoomer được trình bày bởi Hubert Le Gall, rải rác trên 5 tầng của nhà nguyện, lên tới nóc. Những ai mới đến Donjon de Vez lần đầu tiên như tôi, bị phân trí, đây là bối cảnh lịch sử, đây là sản phẩm triển lãm, cái nào bắt mắt mình hơn ? Lúc đi thì tôi thích thú vì đi xem xe mobylettes cổ, đến nơi thì bối cảnh lịch sử có phần trội hơn.

Lên tới nóc nhà, tầng năm, chúng tôi lại vui hơn vì gặp « người quen ». Tầng năm vẫn còn là nơi triển lãm các xe mobylettes, ôi chao, phải vác ì ạch từng chiếc xe một lên năm tầng lầu. Cầu thang không phải là cầu thang thẳng, mà là cầu thang uốn lượn theo hình trôn ốc, bằng đá. Dưới mái bằng đá bảng đen là một hệ thống dầm nóc nhà bằng thép của…chính tay Gustave Eiffel làm ra. Về Việt Nam thấy bóng dáng ông Eiffel trên ba miền Nam Bắc Trung, ở vùng quê hẻo lánh nước Pháp có tháp canh cổ ở Vez lại cũng có bàn tay của ông góp phần xây dựng. Léon Dru đã mời Gustave Eiffel làm giàn nóc nhà hình cái nôi cho nhà nguyện bằng thép thay cho kèo cột bằng gỗ. Lúc qua đời Léon Dru để lại cho nhà nước một số tiền rất lớn, đủ để mua hai tác phẩm của Chardin và cả lâu đài Azay-le-Rideau. Đứng trên tầng năm của nhà nguyện tầm nhìn bao quát tận tới chân trời, thống trị cả một vùng rừng núi. Chung quanh tháp canh rất quang đãng, khác với tầm nhìn từ chân núi nhìn lên.

Ra về, trời chiều đang tàn còn rất đẹp, tuy còn được tham quan thêm tháp canh có hướng dẫn, nhưng chúng tôi bỏ phần này, hẹn lần sau có dịp sẽ trở lại. Lần này, no mắt rồi, nhìn nữa thì không thâu nhận được hết. Khi ấy, sẽ chấm dứt cái vấn nạn « pass » hay không « pass » ??? !!! MTT

dba8826e91218ce5-photo (2)

p2 (2)

p6 (2)

a6cba9d364f4fdc9-photo (2)

0783497155f48e94-photo (2)

numérisation0037 (2) 

Tranh của họa sĩ VINK lên sàn đấu giá

4. octobre 2021

Tranh của họa sĩ VINK lên sàn đấu giá ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Lâu rồi, bẵng đi bao nhiêu năm không có dịp liên lạc với anh, tình cờ tôi được nhìn thấy bức tranh « Chuyện bên sông » trong một cuộc bán đấu giá tại Paris với tựa đề Indochine của nhà bán đấu giá nổi tiếng Drouot. Bức tranh làm tôi mỉm cười, như nhận ra người quen. Năm nay anh đã hơn tôi hai tuổi. « Chuyện bên sông » là một tuyệt tác sơn dầu, ánh sáng lung linh, mầu sắc nhẹ nhàng tươi mát, hài hòa, hai chị em rủ nhau giặt áo, vừa trò chuyện tươi vui bên bờ sông Hương, thuyền mẹ thuyền con về bến đậu, cây cối ven sông đứng lại, trời không gió, nắng oi bức, lá cây rũ xuống che mát cho người, một cảnh rất thanh bình và bình dị, tưởng như không có gì đáng nói, đáng vẽ. Nhưng họa sĩ VINK đã « bắt » được cái hồn của cảnh ấy, vừa tôn vinh sự cần cù của phụ nữ, giặt áo mà lên tranh, có còn gì đơn giản hơn. Giống như lần bán đấu giá bức tranh tại Drouot của vua Hàm Nghi, tôi không có đủ tiền để tham dự mua bức tranh của họa sĩ VINK, nhưng tôi rất mừng cho anh được các nhà thẩm định giá chuyên nghiệp đánh giá cao tài năng và kết quả của anh. Bức « Chuyện bên sông » , khổ 80 x 60 cm, được định mức khởi đầu là 12.000 euros, chiếm hẳn một trang trong cuốn catalogue, cuộc bán đấu giá sẽ diễn ra ngày 16.10.2021.

Cùng được bán đấu giá cũng là bức tranh tạm dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt là « Nắng chiều trên sông Hương », khổ 30 x 40 cm, mầu nước trên giấy (aquarelle sur papier encadré), giá thẩm định đầu tiên là 3.700 euros. Bức tranh này có bố cục rất độc đáo, nhân vật người đàn ông trong tranh chỉ được vẽ một phần rất nhỏ, một cánh tay và lưng, nhưng người ngắm như thấy được khuôn mặt anh ta đang nhìn chiếc ghe trôi trên dòng nước phẳng lặng của sông Hương dưới ánh chiều đang lặn. Kỹ thuật vẽ đẹp tuyệt vời, siêu đẳng, mang âm hưởng hiện thực.

Họa sĩ VINK tốt nghiệp trường Académie royale des Beaux-Arts de Liège năm 1975. Bây giờ anh có cái hãnh diện được đứng chung một sàn với những danh họa Việt Nam trên đất Pháp: Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Nguyễn Mai Thứ…

003 (2)

Giới thiệu thành quả của họa sĩ VINK với bạn đọc của MTT, rất chân thành tôi chúc anh được thành công lớn. Nhân đây, tôi đưa lại một tin đã cũ từ 2010, một bài phỏng vấn họa sĩ VINK mà tôi đã thực hiện cách đây 11 năm rồi (bài viết đã đăng trên trang mạng mttuyet.fr

Họa sĩ VINK, tên thật là Vĩnh Khoa, (thuộc dòng hoàng tộc nhà Nguyễn, cùng thế hệ với hoàng tử Vĩnh San tức Vua Duy Tân), quê quán ở Đà Nẵng, đi du học và định cư ở Bỉ từ năm 1969. Đã có khá nhiều bài viết về tác phẩm cũng như sự thành công của VINK trên mạng. Ngoài tài năng thực thụ của một người xứng đáng mang danh họa sĩ, anh VINK còn có hai may mắn mà ít người có, anh có người bạn đường, cùng là họa sĩ, cùng làm chung một việc với anh hàng ngày, và anh là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi, đương thời, có thể sinh sống bằng nghề vẽ của mình.

MTT có hân hạnh được tò mò, hỏi anh VINK vài câu hỏi, anh đã vui vẻ trả lời. Xin được giới thiệu thêm với các bạn vài nét tâm tình của VINK:

Tôi là người chưa có thành công, nên tò mò muốn biết sự thành công đột phá lần thứ nhất, đưa mình, người nghệ sĩ, ra ánh sáng đã để lại trong anh những kỷ niệm gì, những tâm tình gì ?

VINK cho biết:

Sau 5 năm vào nghề, tôi được một giải thưởng lớn về chuyện tranh ở Bỉ vào năm 1985. Phản ứng đầu tiên của tôi là suýt nữa không đi nhận giải thưởng. Suốt một buổi chiều, một buổi lễ long trọng có trực tiếp truyền hình và có sự tham dự của nhiều ca sĩ nổi tiếng, tôi thì không quen… Nhưng sau đó, mới ý thức đó là một vinh dự, nhất là Ba tôi ở quê nhà rất hãnh diện, và đây là niềm vui lớn tôi còn giữ lại của giải thưởng ấy.

Cũng tập tành vẽ vời từ nhiều năm nay, tôi hỏi anh VINK, anh sử dụng nhiều chất liệu vẽ, anh có thích một chất liệu nào nhất, tác phẩm nào nhất ?

Tôi sử dụng bút chì, màu nước, acrylique và sơn dầu. Hiện tại tôi thích vẽ tranh sơn dầu nhất. Trừ những bức vẽ nhanh sur le motif (thấy sao vẽ vậy) coi như là một hình vẽ lưu niệm hoặc là ghi chép, thì đường nét và mầu sắc của những bức tranh vẽ theo tưởng tượng chưa được coi là hoàn tất. Nếu tôi thấy các bức tranh này trước mắt, là tôi cứ kiếm cách thêm, bớt và sửa đổi.

Tôi liên tưởng đến vợ chồng anh chị họa sĩ Bé Ký, cả hai cùng là họa sĩ, nhưng mỗi người có một sắc thái hoàn toàn riêng biệt, nên cũng muốn biết, hai vợ chồng họa sĩ VINK và CINE (tên tắt của Claudine, người Bỉ) cùng nghề thì như thế nào, chị cũng là họa sĩ, kỷ niệm nghề nghiệp với chị chắc có nhiều, điều gì làm anh hài lòng nhất ?

Đó là hai đứa chúng tôi vẫn thích vẽ, làm việc chung. Ngoài ra chúng tôi còn thích đi bộ, đi du ngoạn, nhìn trời nhìn đất, đi xem triển lãm, nghe nhạc vân vân, tất cả chuyện ấy nuôi dưỡng được lòng yêu thích vẽ của chúng tôi. Nói tóm lại chúng tôi vẫn đồng hành với nhau.

Công việc khẩn trương nhất của anh bây giờ là việc gì ? hay dự tính kế tiếp ?

Là thanh toán cho xong cuốn chuyện tranh „Sur la route de Banlung“, đúng là để có thể tính chuyện kế tiếp là…vẽ tranh sơn dầu.

Chuyện tranh đang thực hiện được dựng trên nền tảng của một chuyện có thật, xảy ra năm 1993 ở biên giới Cam Bốt và Việt Nam.

Tôi luôn nghĩ rằng tôi là người thực ra cô đơn, thích chui vào một góc đọc sách, viết lách lăng quăng, lặng lẽ, nên cũng muốn biết một người nghệ sĩ có thực tài như anh VINK cần phải có những điều kiện nào để sáng tác. Anh VINK trả lời:

Yên tĩnh, không lo toan chuyện gì khác!

Có một số tranh phải ngồi trong atelier mới làm được, vì quen cái không khí của atelier và vì cần một số dụng cụ, tài liệu chỉ có trong atelier của mình. Ngoài ra vẽ loại tranh đi đường thì ngồi đâu vẽ cũng được. Khi vẽ thì tôi có thể nghe nhạc, nhưng khi viết kịch bản thì không.

Anh VINK vửa mới tham dự tuần lễ chuyện tranh đầu tiên của Việt Nam ở Hà Nội và năm ngày sau đó tham dự festival ở Huế năm 2010 với một cuộc triển lãm, tôi hỏi anh các sự tham dự ở Việt Nam đã để lại anh những ấn tượng nào ?

Ấn tượng nhất là tuần lễ chuyện tranh đầu tiên tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng sáu vừa qua. Lần đầu tiên được làm việc trên quê hương mình, trong cái nóng của vùng nhiệt đới, với người đồng hương, mà mình cùng chia xẻ tình cảm của những người đồng hương với nhau. Chuyện ấy đã qua, chỉ còn là những kỷ niệm của những gặp gỡ vui giữa muôn nghìn kỷ niệm vui trong nghề và trong đời sống.

Tôi biết là làm phiền anh vì anh cần sự yên tĩnh, nhưng tôi cũng vui vì „moi“ ra ở anh những câu trả lời rất chân tình. Anh đã bắt đầu theo học ngành kinh tế, bị „chỉ định“ theo anh nói vui, sau đó chuyển sang học về giáo dục (Pédagogie, Sciences de l’éducation) tại đại học Liège, nhưng can đảm bỏ con đường này, đi vào một con đường nghệ thuật, quyết định đó của anh thật là đúng lúc và đúng thời. Thân mến chúc anh chị tiếp tục dài lâu con đường đời hạnh phúc. MTT

002 (2)

Sự tích cái bánh croissant của Pháp

30. septembre 2021

Sự tích cái bánh croissant của Pháp ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Trong mùa dịch covid rất nhiều người trở về với công việc gia chánh nội trợ và không ít bạn, kể cả tôi, đều than là lên kí hơi nhiều, phải xuống kí, phải giảm ăn…Có người thử nấu các món mình chưa làm bao giờ, có người trổ tài những món ăn quen thuộc, đã nấu nhiều lần công thức thuộc lòng như cháo. Có bạn trổ tài làm bánh mì, men tự làm lấy, có bạn làm cỗ hoa quả…cho con đi thi ở trường ! Có bạn trổ tài làm bánh croissant đúng công thức của Pháp, có bạn làm bánh pâté chaud (friand) một thời lừng danh của Pháp, ở Việt Nam vẫn có các loại bánh này để ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối…Chưa khi nào tôi được bạn cho ăn « bánh…vẽ » nhiều như thế, theo hình chụp thì món nào cũng đẹp cả.

255px-SiegeOfViennaByOttomanForces

Tranh về sự kiện đế chế Ottoman vây hãm thành phố Vienne của Áo thời Trung cổ

Nhân đây tôi kể cho các bạn nghe sự tích cái bánh croissant của Pháp. Ngày xửa ngày xưa, người ta kể rằng, năm 1683 thủ đô Vienne của nước Áo thuộc dòng Habsbourg bị đế chế Thổ Ottoman bao vây, nhờ sự hợp lực với quân nước Hung đến giải cứu, nước Áo thoát khỏi sự vây hãm của đế chế Ottoman. Những người thợ người Áo làm bánh thường thức rất sớm để kịp làm bánh mì buổi sáng báo động cuộc tấn công của nước Thổ. Sau khi chiến thắng, để kỷ niệm và nhắc nhở lâu dài những đời sau, những người thợ làm bánh sáng chế ra một cái bánh mì ngọt có dạng trăng lưỡi liềm giống như trên cờ của đế chế Ottoman để….ăn hàng ngày, và gọi tên bánh là Kipferl. Nước Đức, cũng một thời là đồng minh có quan hệ gia đình hoàng gia mật thiết với Áo, cũng truyền bá ý tưởng, làm bánh, gọi tên là Hörnchen. Rồi đến Pháp cũng bắt chước, nhưng thay đổi cách làm bánh, thay vì làm như bánh mì ngọt (có thêm sữa, đường và trứng) thì người Pháp làm bằng pâte feuilletée (bột mì cán nhiều lần với nhiều lớp bơ), cầu kỳ hơn, ngon hơn, gọi tên là croissant ( ý chỉ trăng lưỡi liềm đang lên). Truyền thống ăn sáng của người Pháp đến bây giờ vẫn là ăn ngọt: cà phê sữa, sữa chua, trái cây, bánh mì baguette, bơ, mứt các loại, bánh croissant, bánh pain au chocolat…Người Đức có khuynh hướng ăn mặn buổi sáng, ăn nhiều thịt nguội, trứng, rau củ như cà chua, sà lách…Một bữa sáng trong khách sạn tại Pháp giả rẻ nhất là 9 € và lên tới 25€, tùy theo con số sao của họ, trung bình là 15€.

v (2)

Bánh croissant của Pháp hiện tại

Kể chuyện xửa xưa tiếp: người Áo bị vây hãm thì thất kinh thất hồn, muốn nhắc nhở con cháu đời sau không quên lịch sử, dùng ẩm thực để giáo dục về lịch sử và chính trị , tôn giáo nên lại sáng chế ra một món bánh làm đặc biệt trong dịp lễ Giáng Sinh đó là bánh Vanille-Kipferl. Loại bánh này được ưa chuộng ngay tức khắc vì nó rất dễ làm, trẻ con rất thích phụ cha mẹ làm bánh, nặn bột thành hình cong cong của croissant. Vì là bánh làm trong mùa đông nên nguyên vật liệu của nó cũng mang tính chất đó: hạt dẻ, bột mì, bơ, đường, vanille, ăn rất bùi, thơm và béo ngậy, tan chảy ra ngay trong miệng. Bánh Vanille-Kipferl là một thành công lớn của nước Áo. Loại bánh làm trong kỹ nghệ thì tiện dụng nhưng không thể nào ngon bằng bánh nhà tự làm lấy. Hiện nay, không biết có phải vì tình hình chính trị hay chỉ đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật của kỹ nghệ làm bánh mà các bánh croissant không còn cong cong như trước mà lại thẳng đoong, và người ta cũng (cố tình) quên đi ý nghĩa « croissant » của nó.

Kipfler-à-la-vanille-1Tôi tặng bạn đọc xa gần công thức của gia đình tôi để làm bánh Vanille-Kipferl, loại bánh này làm xong để nguội, cho vào kẹo, lọ thủy tinh hay hộp thiếc để tặng, giữ được lâu đến một tháng. Bí quyết làm bánh là tìm sao ra cân lượng của các nguyên liệu để chúng hài hòa với nhau cho ra cái bánh ngon, kết quả của nhiều lần thử nghiệm.

Nguyên liệu bánh Vanille-Kipferl theo MTT:

60 gram bột hạt dẻ (hay bột hạnh nhân)

140 gram bột mì

1/4 thìa cà phê bột nổi

140 gram bơ để mềm, cắt nhỏ

30 gram đường

1 thanh vanille

Đường để bọc áo bánh: trộn đều trong một cái tô 50 gram đường nhuyễn (sucre glace) và 1 bao đường vanille

Cách làm:

Xẻ thanh vanille nạo lấy hạt, xay thân thanh vanille cho nhuyễn, rồi trộn với đường.

Trộn đường và vanille với bơ, xong trộn bột mì, bột nổi, bột hạt dẻ vào bằng tay các thứ nguyên liệu lại với nhau cho đều, nặn thành một viên to tròn xong để cho bột nghỉ trong tủ lạnh nửa tiếng.

Cán nhẹ cục bột cho hơi dẹp ra nhưng nặn ngay thành một thỏi tròn dài, đường kính độ 4 cm.

Lấy dao nhọn, sắc, cắt thỏi bột dần dần thành khoanh dầy khoảng 1 cm, dùng tay nặn nhanh thành hinh croissant.

Cho bánh vào lò đã nóng 180°, nướng 15 phút, đừng để cháy.

Lấy bánh ra, bánh còn nóng, cho bánh vào trộn với hỗn hợp đường nhuyễn và vanille trộn đều các mặt rồi để trên vĩ cho nguội.

Quan trọng là nguyên liệu bơ: lúc trộn bột thì bơ phải hơi mềm thì mới cắt bơ nhỏ để trộn được. Khi bột nở thì bơ phải cứng lại, vì thế nên mới cho vào tủ lạnh. Khi nặn bánh thì phải nhanh tay, đừng để cho hơi ấm của tay làm cho bơ chảy ra. Nếu bạn không có thanh vanille thiên nhiên thì thay bằng đường vanille bằng gói bán sẵn. Bạn có thể dùng bơ mặn (có muối) hay bơ lạt. Bạn có thể dùng bột hạt dẻ (noix hay noisette), hay bột hạnh nhân (amande), mỗi loại cho một hương vị khác nhau, bột hạt dẻ thì đậm đà hơn hơn bột hạnh nhân. Đừng cho nhiều bột nổi bánh sẽ nở to, nếu bạn dùng bột đã có trộn sẵn bột nổi thì khỏi cho thêm.

Thân mến chúc các bạn thành công, và tiếp tục gởi hình về cho tôi ăn bánh vẽ nhé…MTT

file0001983257909

les-fruits-coques-bonnes-pour-coeur

licensed-image

Senlis, thành phố trung cổ của điện ảnh Pháp

26. septembre 2021

Senlis, thành phố trung cổ của điện ảnh Pháp ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Có thể bạn đã lái xe chạy ngang qua Senlis cả ngàn lần mà vẫn không biết về thành phố đó. Điều này, không lấy gì làm lạ. Tất cả các xe cộ từ phía Bắc đổ xuống Paris trên xa lộ A1 đều phải qua cửa nạp tiền mãi lộ, cho nên xe cộ dồn ứ lại ở trạm thu tiền rất rộng lớn đến hơn cả chục cửa cho một chiều nối đuôi nhau chờ đến lượt trả tiền để đi qua. Vì thế nên khi đã đi đến đây rồi thì mau mau đi qua luôn, không dừng lại và không ra khỏi xa lộ. Đó là trạm Chamant của thành phố Senlis. Chamant là tên của một làng ngoại ô nằm trên lối vào Senlis từ phía xa lộ, chỉ cách Senlis có 1 cây số. Tại đây thỉnh thoảng xẩy ra một vài tai nạn ngoạn mục, vì các xe nhỏ và xe tải phải giảm tốc độ gấp và tranh nhau xếp hàng. Đúng vào một buổi sáng tháng 11 năm 2019, khi chúng tôi phải vào Paris vì có hẹn ở trung tâm điều trị ung thư Gustave Roussy thì vừa đi được đến nửa đường đã bị kẹt cứng, không nhúc nhích được nữa, radio loan báo sẽ kẹt xe ít nhất là ba tiếng đồng hồ, một chiếc xe tải đang bốc cháy dữ dội tại trạm thu tiền Chamant. Vợ chồng tôi đã lên đường trước giờ hẹn ba tiếng đồng hồ, đành phải tìm cách quay về, bỏ cuộc hẹn « lịch sử » trong cuộc chiến đấu chống ung thư của tôi. Mấy hôm sau đọc báo mới biết người lái xe tải đã bất chấp tất cả rào cản, đâm thẳng vào trạm, chiếc xe cháy bùng lên ngay tại chỗ, vì anh ta bị lên cơn bịnh không kiểm soát được hành động của mình nữa. Định mệnh !

Muốn đến Senlis, cách Paris chỉ còn 42 cây số (khoảng 30 phút xe hơi) và phi trường quốc tế Charles-de-Gaulle chỉ 25 cây số, tuy gần mà xa vì không có phương tiện nào khác là xe hơi, hoặc xe bus rất mất thì giờ và nhiêu khê. Senlis có một nhà ga xe lửa rất đẹp, nhưng tuyến đường xe lửa đã bị dẹp bỏ, thay thế bằng nhà ga xe bus. Tại sao phải đến hay nghe kể về Senlis ? Tôi cảm nhận là thành phố này có nhiều nét đặc biệt.

Trước nhất nói về thiên nhiên, cảnh đẹp thì Senlis nằm ở giao điểm của ba cánh rừng mang tên rừng Chantilly, rừng Ermenonville và rừng Halatte mà tổng diện tích lên đến 120 km vuông và hai con sông nhỏ mang tên Aunette và Nonette, phụ lưu của sông Oise. Điểm cao nhất của Senlis 78 m trên mặt biển nằm ở quảng trường thánh đường Senlis. Bây giờ đang vào thu, rừng bắt đầu thay lá, những ai yêu mùa thu với vẻ lãng mạn của nó thì tìm đến những cánh rừng thưa cạnh những con sông, mầu sắc của thiên nhiên, trời xanh trong vắt không một gợn mây, tiết mát rười rượi, nước sông nhẹ nhàng lững lờ trôi và lá cây từ vàng tươi chuyển dần qua muôn sắc mầu sang nâu là một bữa tiệc cho con mắt no nê của người ngắm cảnh. Tại khu rừng d´Halatte tôi đã vẽ một bức tranh. Senlis có 3 con đường đi dạo đường dài (Grande Randonnée) xuyên qua những khu rừng của các thành phố chung quanh, đó là GR 11, GR 12 và GR 655. Cùng hợp nhất với thành phố Chantilly nơi có lâu đài Chantilly và chuồng ngựa, với Ermenonville nơi an nghỉ của Jean-Jacques Rousseau, với thành phổ Compiègne nơi có nhiều điểm hẹn của lịch sử, đối với những ai thích lịch sử là một khám phá thú vị….và tốn kém, vì du lịch ở những nơi này hơi đắt (trú ngụ, ăn uống, di chuyển). Có những nhà hàng sang trọng quá mà chúng tôi chỉ đứng ngoài không dám vào.

Nói về thành phố thì tâm điểm của Senlis vẫn còn là một thành phố trung cổ tạo nên vẻ duyên dáng của nó. Lịch sử của thành phố bắt đầu từ thế kỷ thứ II. Nếu bạn ở Đức, đã biết Heidenberg, Würzburg hoặc Rothenburg…cũng là những thành phố trung cổ nổi tiếng nhưng đẹp hơn, hoàng tráng hơn trong thời hiện đại. Senlis nhỏ nhắn, xinh xắn hơn, diện tích thành phố chỉ có 24 km vuông với những con đường lát đá, những con phố nhỏ hẹp, góc ngách, những ngôi nhà nhỏ xíu mọc theo triền dốc hai bên đường…, những thánh đường, nhà thờ, tu viện, tàn dư của cung điện nguy nga thời trung cổ. Ở thành phố này phụ nữ thời hiện đại đều mang giầy thấp, không ai dại gì mà đi giầy cao gót trên đá tảng lót đường, trẹo chân. Senlis được người đời nay biết đến từ cái mốc lịch sử của thành phố từ năm 981 là thời điểm vàng son của Huges Capet, người được các bá tước bầu nên làm vua nước Pháp tại Senlis, rồi lên ngôi ở Noyon sáng lập ra dòng Capétien, các vua Louis cho đến vua Louis XVI đều thuộc dòng dõi Capétien. Khi vua Louis XVI bị hạ bệ và bị cách mạng chém đầu cũng chỉ được gọi đích danh là Louis Capet, và hoàng hậu Marie-Antoinette cũng chỉ được gọi là « bà vợ góa Capet ». Ngày nay một cây cột bằng đá đứng trơ trọi xấu xí ở một ngã ba đường để kỷ niệm vương triều nước Pháp. Cho nên Senlis là thành phố vương triều Huges Capet của lịch sử, cái nôi và là nơi trú ngụ của những vì vua nước Pháp từ đời Huges Capet cho đến Charles X, người dân Senlis cũng vì thế tự cho mình hơn những người dân khác.

Dân số của Senlis tăng vọt từ những năm 1920 sau Đệ nhị thế chiến với khoảng 6.472 dân lên thành 14.891 dân năm 2018. Nhà đất ở Senlis rất đắt, khó mua, vì thành phần dân chúng ở Senlis giầu có trên trung bình, có của ăn của để, trên 80% dân số là những người có nghề nghiệp cấp nhân viên trở lên tới thượng tầng, dưới 20% còn lại là thợ thuyền và nông dân giầu có (thống kê 2007). Những người giầu nhất Senlis thì lại không ở trong thành phố mà ở những làng nhỏ ngoại ô thành phố, trong những biệt thự nguy nga ẩn náu cô đơn giữa rừng.

Đối với một số người, cái tên Senlis là một nơi đem lại cho họ những kỷ niệm xấu xa, ly dị, thất nghiệp, phá sản, tội tù…vì các bản án của những ba tòa án tại Senlis. Những luật sư hành nghề tại Senlis không khi nào thất nghiệp và lương bổng của họ cao ngất ngưởng.

Mức sống kinh tế khá cao của Senlis khiến cho thành phố là nơi hành nghề của 53 bác sĩ chuyên khoa, 18 bác sĩ phẫu thuật răng miệng và 20 bác sĩ tổng quát, không kể đến những bác sĩ chỉ làm việc và khám bệnh trong các nhà thương tư và công. So sánh điều kiện săn sóc y tế với nhà quê thì quả là một trời một vực, cả một vùng rộng lớn chi có vẻn vẹn hai bác sĩ tổng quát !

Ở nhà thương công của Senlis có chuyên khoa phụ sản mà bác sĩ trưởng khoa là một người rất tốt bụng, ông đã cứu tôi thoát khỏi ung thư và vị bác sĩ này luôn giúp đỡ, thâu nhận dưới trướng của mình những sinh viên y khoa bác sĩ tập sự đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trải qua hai cuộc Đại chiến thế giới thành phố Senlis cũng bị bom đạn của Đức làm thiệt hại nặng nề, nhưng cũng từ đó dần dà được xây dựng lại, bảo tồn được tôn trọng gìn giữ, không phá hẳn đi để xây cái mới, rất nhiều địa chỉ được ghi trong danh sách bảo tồn. Với vẻ đẹp tự nhiên thời trung cổ của Senlis và vẻ đẹp của những khu rừng chung quanh, thành phố đã trở thành phim trường cho nền điện ảnh của Pháp. Gần 40 bộ phim đã lấy Senlis làm khung cảnh. Những phim lịch sử nổi tiếng đã được quay ở đây, có thể kể ra Angélique et le Roy (1966), Peau d´âne (1970), La Reine Margot (1994), Versailles (2014)…MTT

MTT_foret_1

Tranh sơn dầu trên vải  » Cánh rừng d´Halatte » của Mathilde Tuyết Trần, khổ 170 cm x 120 cm

Senlis_(Oise),_carrefour_de_l'Obélisque

Đài kỷ niệm Huges Capet, người sáng lập vương triều Pháp của dòng họ Capétiens

MTT_s1

 Một nhà cổ ở Senlis

MTT_s3

Đường lót đá, nhỏ hẹp, rất sạch sẽ, không rác rưởi, không bụi bặm

MTT_s11

MTT_s7

MTT_s8

MTT_s10

MTT_s9

Cửa vào nhà kín cổng cao tường

MTT_s6

MTT_s2

MTT_s5

Nhớ nhà nhớ bánh Trung Thu

19. septembre 2021
tags:

Nhớ nhà nhớ bánh Trung Thu – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Bị cuốn hút theo với đời sống ở châu Âu nhiều năm trời tôi quên bẵng ngày Tết Trung Thu. Thấm thoát, trăng đã bắt đầu tròn và sáng trong đêm, đến ngày 21.9.2021 là vành trăng lại tròn thêm một lần nữa. Một lần về Hà Nội, ngang qua phố Hàng Mã đầy đèn lồng Trung Thu tôi mới sực nhớ lại, tại sao mình có thể quên đi Tết Trung Thu ? Lục lọi trong trí nhớ xa xăm, tôi cười một mình nhớ lại hình bóng con nít của mình mỗi khi rằm tháng tám trở về. Thuở ấy, ba tôi thường hay đầu têu cho con nít chơi Trung Thu, trong khi má tôi chỉ lo việc cúng rằm. Ba tôi mua cho chúng tôi những cái đèn lồng, rẻ thì đèn xếp, đắt tiền hơn là những chiếc đèn bằng tre và giấy bóng kiếng hình ngôi sao, con cá chép….lồng đèn càng lộng lẫy, càng công phu như hình con thiên nga, con bướm thì càng đắt tiền. Không ít « thảm cảnh » đã xẩy ra khi chiếc đèn của mình bốc cháy vì cây nến cắm không chặt, lung lay, ngã làm cháy chiếc đèn lồng bằng giấy, thế là chưa đi rước đèn, thì con nít đã mếu máo khóc òa….Được xếp hàng trong đám con nít của xóm, đi một vòng trong xóm, từ đầu ngõ này sang đầu ngõ kia với ánh sáng lung linh chập chờn của nến đỏ trong màn đêm xanh, ôi, thật là hãnh diện, hạnh phúc biết bao cho đứa con nít nhỏ là tôi. Những đứa lớn, biết hát, thuộc vài câu, bắt đầu sau cái đếm 1,2,3 của người lớn là ngoạc mồm ra hát rõ to:  » Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường..Lòng vui sướng với đèn trong tay, Em múa ca trong ánh trăng rằm, Đèn ông sao với đèn cá chép, Đèn thiên nga với đèn bướm bướm, Em rước đèn này đến cung trăng …. »

Ngoài lồng đèn xanh đỏ lộng lẫy, đám trẻ con còn được cha mẹ mua cho những con tò he làm bằng bột gạo, nặn bằng tay rất khéo léo và những cái mặt nạ. Con tò he, thực ra là khi thổi nó kêu « Tò Te », riết rồi nói trại ra thành « tò he », là một sản phảm thủ công rất độc đáo của miền Bắc. Người lớn thì chơi hẳn loại đèn kéo quân, công phu hơn.

Khi đi ngủ lại được nghe ba kể chuyện « Chú Cuội Hằng Nga », mơ màng thấy Chú Cuội ngồi trên cung trăng nhìn xuống trần gian luyến tiếc….Người lớn thì tất bật tặng quà nhau, những cái bánh Trung Thu, gói trà sen…Hồi đó, người ta đồn đại, nhà giầu tặng bánh Trung Thu có nhét những thỏi vàng nén ở trong bánh, nên cắt bánh Trung Thu phải cẩn thận, xem có thỏi vàng trong bánh hay không, con nít nghe há hốc mồm tin ra phết. Tặng quà qua, quà tặng lại…bánh Trung Thu, nào là bánh nướng, bánh dẻo, bánh mặn, bánh ngọt, mỗi nhà nhiều quá ăn không hết. Rồi lại cỗ Trung Thu cúng trong gia đình cũng không kém phần xôm tụ và thiên về món ngọt nhiều hơn như xôi ngọt, chè và hoa quả. Những đám múa lân tùng xình, tùng xình, tùng tùng xình « quậy » thêm lên làm cho tết của trẻ con thêm háo hức, nhộn nhịp, vui tươi….

Bây giờ ở nơi xa xôi, nghĩ lại thấy tục lệ Tết Trung Thu cho trẻ em thật là một nét văn hóa đẹp đẽ, lãng mạn, vừa là một dịp để người lớn giao lưu, bầy tỏ tình cảm gắn kết gia đình, hàng xóm, láng giềng, bạn bè….Người châu Âu chỉ có mỗi một dịp để gửi thiệp và tặng quà cho nhau trong một năm đó là vào dịp Noel. Mùa Trung Thu cũng thúc đẩy kinh tế thị trường, ngành nghề thủ công được phát triển, xã hội thư giãn, vui vẻ. Các ngành nghề làm bánh Trung Thu, lồng đèn, mặt nạ, tò he, quần áo, giầy dép…..có cơ hội phát triển. Thêm vào đó, không khí trong gia đình cũng trở nên ấm cúng hơn, các bà mẹ, các bà vợ quý, các cô con gái rượu…tha hồ trổ tài khéo léo làm bánh Trung Thu nhà để ăn, để tặng…Bỗng dưng, tôi thèm có một cái bánh Trung Thu lạ lùng, muốn làm lấy mà ăn cũng không có nguyên liệu, muốn đặt mua bánh ở Paris thì đã « cháy hàng », lại không có ai ở bên nhà mà nhớ đến người phương xa gửi cho cái bánh…Mùa dịch covid 19 năm nay lại thêm một cái buồn. Buồn quá ! MTT

PHOTO-2021-09-23-15-48-51

Mâm trái cây Trung thu năm nay của một bạn gái ở Hà Nội, rất khéo tay

PHOTO-2021-09-23-15-48-59

Con chó đáng yêu được hình thành bằng 3 quả bưởi, một trái đu đủ (thân) và một củ hành (đầu)

PHOTO-2021-09-23-15-52-43

Tháng chín cũng là mùa cốm ở Hà Nội. Cốm làng Vòng nổi tiếng nhất, dẻo, thơm, ăn với chuối chín thì rất tuyệt. Bạn tôi thường tặng một gói cốm gói trong lá sen để đem về Pháp, quý lắm.

Bài hát tặng những người cô đơn của mùa dịch covid19

13. septembre 2021

Bài hát tặng những người cô đơn của mùa dịch covid19 – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Trong mùa dịch covid19 đã từ hơn hai năm nay, người dân khổ sở trăm đường vì các biện pháp chống dịch trên khắp thế giới, những người cô đơn lại còn cô đơn hơn vì biệt lập, cách ly, liên hệ xã hội, tình cảm, gia đình bị cắt đứt, gián đoạn. Mấy ai thông hiểu và chia xẻ được tình cảnh của họ, sống cũng cô đơn, chết cũng cô đơn. MTT xin gửi tặng những tâm hồn cô đơn một bài hát của Goerges Moustaki, Ma solitude, bài hát này đã được MTT thâu từ năm 2012 tại thành phố Hồ Chí Minh, với các nhạc sĩ Hữu Hậu (synthesizer), Quốc Phúc (E-guitare), Hiển (E-Bass), Dũng (Batterie) của MPU Studio Nguyễn Đức Thịnh.

Pentdant la saison covid 19, qui existe depuis plus de deux ans maintenant. les gens ont souffert de cent manières à cause des mesures antiépidémiques dans le monde entier, les personnes seules sont encore plus seules à cause de l´isolement personnel et du confinement général. Apparemment on oublie, ignore leur situation, vivent seuls, meurent seuls. Dédiée aux âmes solitaires, voici une chanson de Georges Moustaki, Ma solitude, cette chanson est enregistrée par la voie de MTT et les musiciens Huu Hau (synthétiseur), Quoc Phuc (E-guitare), Hien (E-bass), Dung (Batterie) de MPU Studio Nguyen Duc Thinh en 2012 à Ho Chi Minh Ville.

Bản dịch Pháp-Việt của TS Phan Kim Hổ (Đức):

Ma solitude , Georges Moustaki

Pour avoir si souvent dormi

Avec ma solitude

Je m’en suis fait presque une amie

Une douce habitude

Elle ne me quitte pas d’un pas

Fidèle comme une ombre

Elle m’a suivi çà et là

Aux quatres coins du monde

Non, je ne suis jamais seul

Avec ma solitude

Quand elle est au creux de mon lit

Elle prend toute la place

Et nous passons de longues nuit

Tous les deux face à face

Je ne sais vraiment pas jusqu’où

Ira cette complice

Faudra-t-il que j’y prenne goût

Ou que je réagisse

Non, je ne suis jamais seul

Avec ma solitude

Par elle, j’ai autant appris

Que j’ai versé de larmes

Si parfois je la répudie

Jamais elle ne désarme

Et si je préfère l’amour

D’une autre courtisane

Elle sera à mon dernier jour

Ma dernière compagne

Non, je ne suis jamais seul

Avec ma solitude

Non, je ne suis jamais seul

Avec ma solitude 

Niềm cô đơn của tôi, Georges Moustaki

Vì đã ngủ quá thường xuyên

Với nàng cô đơn của tôi

Tôi gần như đã kết bạn cùng nàng

Một thói quen ngọt ngào

Nàng không rời tôi nửa bước

Thủy chung như hình với bóng

Nàng theo tôi khắp đó đây

Đến tận bốn phương trời

Không, tôi không bao giờ lẻ bóng

Với nàng cô đơn của tôi

Khi nằm cùng giường với tôi

Nàng choán đầy hết chỗ

Và chúng tôi trải qua những đêm dài

Cả hai đối mặt nhau

Tôi thực sự không biết

Sự đồng tình này sẽ đến đâu

Tôi có phải cảm nhận vị ngọt ngào

Hay phản ứng lại

Không, tôi không bao giờ lẻ bóng

Với nàng cô đơn của tôi

Tôi đã học được nhiều điều từ nàng

Tôi đã rơi nước mắt ra sao

Nếu đôi khi tôi ruồng rẫy nàng

Không bao giờ nàng chịu thua cuộc

Và nếu tôi thích tình yêu hơn

Từ một kỷ nữ khác

Vào ngày cuối đời mình

Nàng vẫn sẽ là bạn đường cuối cùng của tôi

Không, tôi không bao giờ lẻ bóng

Với niềm cô đơn của tôi

Không, tôi không bao giờ lẻ bóng

Với niềm cô đơn của tôi

Quê hương anh, quê hương tôi, Làng Sông Quy Nhơn

5. septembre 2021

Quê hương anh, quê hương tôi, Làng Sông Quy Nhơn- ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Mùa dịch Covid 19 bị giam hãm trong nhà, con người bày đủ trò để giết thì giờ, quay về lại với chính mình, người thì làm bánh, nấu ăn, người thì sửa máy móc, đọc sách…phần tôi lục lọi những hình ảnh đã chụp mà chưa có dịp xem từ hai chục năm nay. Chúng tôi năm nào cũng trở đi trở lại đất Bình Định, Quy Nhơn, Phú Yên…Một chị bạn tôi người gốc Quy Nhơn ngạc nhiên hỏi, bộ tôi có gia đình ở đó hay sao mà năm nào cũng về vậy. Từ chỗ không có dây rưa dễ má gì với mảnh đất này, dần dà tôi cũng có được một sợi dây tình cảm với Bình Định, để nhớ để thương một nơi trên quê hương tôi. Giờ đây mỗi lần về Quy Nhơn, tôi lại nhớ anh, người con của xứ sở, rặc Bình Định, từ giọng nói cho tới dáng người thâm thấp, chắc nịch.

Một hôm, anh hẹn đón vợ chồng tôi đi chơi, anh không nói đi đâu, nhưng dặn là đi suốt ngày. Hóa ra anh chở thẳng vợ chồng tôi tới Làng Sông. Nơi này, nhiều năm về trước, chúng tôi đã có ghé qua trong một lần đi du lịch tham khảo, nhưng cửa đóng then gài, không xem được gì. Lần này đi với anh, chắc tôi được xem nhiều hơn. Đang đi ngoài nắng, bước vào Làng Sông, dưới hai hàng cây sao cao ngất cho bóng mát tôi có cảm tưởng như mình bước vào một ốc đảo trên sa mạc, mát rượi ! Làng Sông là tên của một tiểu chủng viện Thiên chúa giáo, là nơi đặt nhà in Làng Sông đầu tiên trong việc hình thành và phát triển chữ quốc ngữ, được xây dựng khoảng năm 1872, hiện nay do các nữ tu phụ trách. Địa danh Làng Sông hiện nay thuộc huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn 20 cây số về hướng Đông Bắc. Tiểu chủng viện Làng Sông đã được tu bổ lại, rất khang trang, sạch sẽ. Quả thật, lần này được các nữ tu mở cửa cho vào xem thư viện, nhà thờ, anh có vẻ quen thuộc như về thăm lại ngôi nhà của anh.

Đã quá trưa, anh chở chúng tôi lắc lư gập ghềnh trong xe vì là trên những con đường đất đầy ổ gà, ổ voi nhỏ hẹp của những cái đầm nuôi cá, nuôi tôm. Ngồi trong xe chạy mà nhìn ra bên ngoài tôi có cảm tưởng xe đang chạy trên mặt nước nóng bỏng giữa trưa. Thỉnh thoảng xe luồn ngang qua xóm nhỏ, ba bốn nóc nhà của ngư dân, cửa nẻo mở toang hoang như không hề sợ trộm cắp.

Đi mãi, lắc lư mãi mới đến cái quán anh chọn để ăn trưa. Quán lá, mái tranh, nằm giữa đồng không mông quạnh, có gì ăn nấy, vậy mà khách vừa ngồi xuống bàn, bà chủ quán đã dọn đầy một bàn cơm canh, món mặn món xào rau luộc rau tươi nước uống bia bọt đủ cả. Chồng tôi đã quen mắt với những cái bàn thấp, những chiếc ghể đẩu bằng nhựa cũng thấp chủn, tuy rằng có khó khăn để ngồi, nhưng một khi đã ngồi thì ông ấy chẳng dám cục cựa gì cả, chỉ sợ mình mất thăng bằng té ngửa. Lần nào về nhà ông ấy cũng đặt câu hỏi, tại sao người Việt Nam từ Bắc chí Nam hay ngồi thấp thế để ăn. Nhưng ông chồng tôi cũng đã biết câu trả lời vì đã đi cùng tôi qua biết bao nhiêu là địa điểm, dân chúng ngồi xếp bằng ăn trên giường trên phản, trải chiếu ngồi ăn dưới đất, trên nền gạch hoa, ngồi chồm hổm quanh bếp lửa giữa nhà hay trong bếp để ăn cơm, các hàng quán vỉa hè hay trong nhà che nắng che mưa đều sử dụng bàn thấp, ghế đẩu thấp bằng nhựa nhẹ tưng cho dễ dọn dẹp, di chuyển, khuân vác, cái mốt ngồi ghế cao ăn trên bàn là cao cấp, trưởng giả, nhà giầu…hay dành cho người nước ngoài. Thức ăn dọn ra âm ấm, nêm nếm vừa miệng, quán cơm nhà quê ở Bình Định không khác gì những quán cơm xe tải dọc hai bên đường ngoài Bắc, rất đầy đủ và rất rẻ.

Ăn trưa xong, chạy về trung tâm Quy Nhơn vào một quán cà phê trên bãi biển…để nghỉ trưa. Rồi đi tiếp. Lúc ấy tôi còn khỏe re, có sức đi chơi đó đây. Đợi ánh nắng trong thành phố bắt đầu tàn, anh mới chở chúng tôi đi săn hình trên mỏm núi cao nhất ở Quy Nhơn. Không có anh là thổ địa, lại  » đi chỗ nào cũng lọt » vì anh là nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở Quy Nhơn thì chúng tôi chẳng bao giờ được đặt chân đến đấy. Anh lái xe chạy vòng vèo lên núi, nghe anh nói cao khoảng 6-700 trăm mét. Lên đến đỉnh, ngồi trong xe có máy lạnh mà lại cảm thấy ấm, bước ra khỏi xe là tôi run lập cập vì gió núi ban chiều thổi quần quật. Trên đỉnh núi là các cột vô tuyến truyền tin phủ sóng cho khắp cả vùng. Ánh nắng vàng ấm âp của một ngày tàn rọi xuống vịnh Quy Nhơn thật là đẹp, phong cảnh núi và biển mờ ảo như một bức tranh thủy mạc. Chúng tôi được chứng kiến các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp hoạt động: chọn góc và kiên nhẫn chờ lúc ánh sáng đẹp nhất trong khoảng khắc để chụp những tấm ảnh đẹp. Có hôm các anh thức suốt đêm để chờ đón buổi bình mình vào trong hộp hình.

Lần cuối cùng tôi gặp anh là hôm anh nhất định mời tôi đến nhà để anh nấu cho tôi ăn những món ăn dân dã đặc sản ở Quy Nhơn. Anh vừa khoe những món vừa đi chợ về xong, cá tươi, rau tươi….món gì cũng tươi rói, vửa nấu ăn thoăn thoắt, vừa kể chuyện nuôi chim yến. Anh không cho tôi phụ làm bếp, anh nói, dơ hết quần áo đẹp của tôi. Nhà tôi ở cũng thiết kế gian bếp theo kiểu Việt Nam là « ăn trong bếp », nấu đó ăn đó chứ không có phòng ăn riêng kịch hỡm. Anh đã cho xây nóc nhà thành chỗ nuôi chim yến, hoàn toàn bằng xi măng xám, có lỗ nhỏ cho chim yến bay vào và bay ra, đặt một máy phát thanh ngày đêm liên tục tiếng chim yến gọi nhau làm tổ…nhưng anh nói, phải kiên nhẫn chờ vì mùi xi măng còn mới quá, hôi quá, yến không bay vào làm tổ. Anh nói, nếu có thu nhập thêm bằng việc bán tổ yến thì gia đình anh đỡ khổ. Anh chép tặng tôi những video, những tấm hình anh chụp. Nhìn thấy những công trình kiến trúc to, đẹp, hiện đại thì anh vừa vui vừa có một chút buồn vì cái mới đó, cái giầu sang đó không có chỗ đứng cho anh. Trong lòng anh vẫn còn cái cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, vẫn còn cái thằng cu ở chuồng chân đất, con cá con ốc tự tay bắt ở suối, cái guồng tre quay nước… Gặp anh cuối tháng một, thâng ba tôi bay về, tôi không nghĩ đó là lần cuối cùng. Thêm một người của thế hệ kiên cường trong chiến tranh đã ra đi mãi mãi. MTT

Hàng cây sao già cỗi rợp bóng mát đón khách ở Làng Sông
Chính diện tiểu chủng viện Làng Sông
Ngai thờ trong tiểu chủng viện Làng Sông
Toàn cảnh thành phố Quy Nhơn
Nhiếp ảnh gia săn hình ban đêm
Trương Văn Hắng – Cầu Tre
Trương Văn Hắng – Cha và con
Trương Văn Hắng – Cô gái tắm suối
Trương Văn hắng – Cụ già
Trương Văn Hắng – Cái guồng nước bằng tre

Bà Tám tám: Chích hay không ? mèo trắng hay mèo đen ?

1. septembre 2021

Bà Tám tám: Chích hay không ? mèo trắng hay mèo đen ? – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Bà Tám giựt mình vì hai câu nói. Câu thứ nhất: « Lịch sử sẽ phán quyết chính trị » (Dr. Raoult), và câu thứ hai:  » Người ta sẽ không bị kiểm soát « passe sanitaire  » (thông hành y tế) khi đi bầu cử tổng thống năm 2022  » của người phát ngôn viên chính phủ trẻ măng, mặt còn búng ra sữa bằng tuổi thằng con út mình và chính thức kết hôn đồng tính luyến ái với một dân biểu quốc hội. À ra thế, người ta sẽ gọi « nền dân chủ », « nền tự do », « nền độc lập » của một quốc gia là cái thớ gì, nếu chỉ có cái « passe sanitaire » là yếu tố duy nhất quyết định hết mọi việc sống còn ở trên đời ?!

Bà Tám nhớ lại, hồi đầu những năm 1970, khi di chuyển từ châu Á sang châu Âu, người ta cũng phải mang theo một cái sổ màu vàng chứng nhận người di chuyển đã chích ngừa các bệnh lao phổi, bệnh sài uốn ván, bệnh đậu mùa…., là những bệnh đã thành phổ thông và có thuốc chữa. Thuốc chích ngừa, nói cho đúng nghĩa là thuốc ngăn ngừa dịch bệnh, tạo ra kháng thể cho người được chích để khỏi mắc bệnh, không lây nhiễm cho người khác, không phải là thuốc chữa dịch bệnh. Ở châu Âu, bà Tám đã được nhiều lần chích ngừa, hàng năm bà Tám vẫn nhận được giấy gọi đi chính ngừa bệnh cúm, bệnh sưng phổi…khi đang yên ổn vì bà đã già, và chưa lần nào bà Tám mắc bệnh cúm cả. Chích ngừa, bà Tám đâu có sợ, vì nó là một biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Vậy mà, từ hồi đầu mùa dịch covid19 đến giờ đã hai ba năm nay bà Tám im re, dựa cột mà nghe đủ mọi loại tin tức. Không cần phải coi ti vi, nghe radio, chỉ cần mở cái mạng Internet ra là ôi thôi chỉ toàn là tin tức covid đủ chiều đọc mệt nghỉ nghe nhức cả cái đầu, đá bóng và chiến tranh nơi này nơi kia. Oải !

Thuốc chích ngừa mới được sản xuất ngay theo phương pháp mới biến đổi gen và được cấp giấy phép tạm thời trong khi đang có dịch và đem sử dụng ngay một cách đại trà trong dân chúng, hàng triệu người chen chúc nhau đến cơ sở đặc biệt được tạo dựng cấp tốc để chích, người được phép chích cho dân chúng được nới rộng ra là cả y tá, dược sĩ tại những nhà bán thuốc tây, đến nỗi người được chích như được coi là ban ơn sống sót, được hưởng trở lại mọi quyền tự do. Người đã được chích bỗng dưng cảm thấy mình có toàn quyền muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, chẳng sợ ai nữa. Ấy vậy mà hóa ra, người được chích rồi vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác, và vẫn có thể mắc bệnh covid như thường. Bác sĩ chích một mũi thì có lương một mũi, bác sĩ giới thiệu bệnh nhân đi chích cũng được thưởng tiền tính theo mỗi người bệnh của mình giới thiệu. người dân được chích không tốn tiền, hoàn toàn miễn phí, chính phủ trả hết mọi tốn phí lấy trên tiền đóng thuế của dân. Sướng quá mà !

Nội trong gia đình bà Tám đã xảy ra căng thẳng, một phe chích và một phe không chích. Phe chich thì biểu « ba má chích ngay đi, chờ đợi gì nữa !  » Phe chưa chịu chích thì biểu  » chờ thuốc ngừa truyền thống, sợ bị thromboses lần nữa là tử ngay, không chích thuốc có gen biến đổi  » …Bên này không chịu chấp nhận lý luận của bên kia, cũng may là chưa chia rẽ đến nỗi không còn nhìn thấy mặt nhau như trong một số gia đình đã xẩy ra.

Bà Tám không chấp nhận những mỹ từ không đẹp, nào là « antivac », nào là « complottis », nào là « ich kỷ, không nghĩ đến người khác » gắn cho những người « chưa chích ngừa », vì « chưa chích ngừa » không phải là « không chích ngừa ». Bà Tám chờ sốt cả ruột thuốc chích ngừa của viện Pasteur Pháp đã tuyên bố nghiên cứu lâu rồi mà chưa thấy ra.

Rồi những câu hỏi đang chia rẽ xã hội Pháp được đặt lên hàng đầu mỗi ngày, hệ thống truyền thông Pháp ra rả tuyên truyền cho bốn loại thuốc gọi là thuốc tiêm chủng ngừa bắt buộc dân chúng phải chích. Hỏi bác sĩ , thì cũng có hai loại bác sĩ, bác sĩ theo chính phủ và bác sĩ « đặt câu hỏi ».

Bác sĩ theo chính phủ thì nói và làm theo đúng y như chính phủ dạy bảo, bảo sao nghe vậy. Cứ chích đi, không sao đâu chỉ có vài phần trăm có vấn đề mà thôi. Nhỡ bà Tám lọt vào trong số vài phần trăm đó thì sao ? Cái Số nó đã xui rồi ông trời đã gọi tên thì ráng chịu ! Bác sĩ « đặt câu hỏi » thì e dè hơn. Bác sĩ nào mà bản thân chưa chích ngừa thì bị rút giấy phép hành nghề, và hăm dọa bắt bỏ tù bằng lá thư hăm dọa nặc danh của ngài giám đốc tổ chức ARS ( Agence régional de santé, cơ quan y tế vùng) gởi tới tận phòng mạch, có bác sĩ đã ngồi tù, có bác sĩ đang đứng trước sự đe dọa đóng cửa phòng mạch trong hai tuần lễ mà 1.500 bệnh nhân của bác sĩ đó trở thành bơ vơ không nơi nào nhận săn sóc sức khỏe vì các phòng mạch khác đã quá tải vì tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là ở vùng quê. Theo tin ngày hôm nay, 15.09.2021, cơ quan quản lý bác sĩ đoàn (Conseil de l´ordre) thông báo có 7% trên tổng số bác sĩ ở vùng Oise không chích ngừa và phải đóng cửa phòng mạch. Những nhân viên y tế cho đến hôm nay ngày hạn chót không chích ngừa đều bị sa thải hàng loạt. Sáng ngày 16.09.2021 bộ trưởng bộ Y tế Olivier Veran thông báo trên truyền thông đại chúng là có « vài 3.000 nhân viên y tế » bị sa thải. Số phận của « vài 3.000 » gia đình đi về đâu ? Ai quan tâm đến họ ? Trong khi đó, bà bác sĩ Christine Hochard của L’ile-aux-Moines thuộc vùng Bretagne nói đến con số 300.000 nhân viên y tế từ chối không chịu áp lực chích ngừa của chính quyền, bà là một trong những người phải đóng cửa phòng mạch ngay ngày 15.09. (Le Figaro, 19.9.2021)

Toàn là những vấn đề dao to búa lớn cả, làm bà Tám sợ thụt lưỡi. Hãi ! Im ! Vì đâu mà cái lưới trời lồng lộng « chích ngừa » bỗng dưng úp chụp lên đầu ? Vì đâu mà sức khỏe của mình, cái cánh tay của mình lại biến thành một chủ đề chiến trận an ninh quốc gia ? Vì đâu mà bà Tám bị ngăn chặn từ ngoài cổng nhà thương, lực lượng « an ninh » của bệnh viện xuất hiện không cho vào nhà thương dù có hẹn với bác sĩ trong nhà thương để chữa những bệnh « nền » của mình ?

Tại sao những thông tin khoa học, y học, không được phổ biến rộng rãi ? Tại sao vấn để tiêm chúng trở thành một vấn đề chính trị tối cao và trở thành chia rẽ dân chúng thành mèo trắng được hưởng tự do và mèo đen thì bị phạt không được hưởng tự do: không được đi ăn nhà hàng, vào quán bar, không được đi xem cinéma, không được đi thăm viện bảo tàng, không được đi nhảy đầm, không được ở khách sạn, không được đi du lịch….? Tại sao chỉ có loại thuốc tiêm chủng biến đổi gen được cho phép ? Thế nào thì được gọi là « thuốc tiêm chủng ngừa » ? và có phải bị tiêm chủng bắt buộc hay không ? Tự do cá nhân có xâm hại nguy hiểm đến an ninh quốc gia ?….

Bà Tám có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ….dù hàng ngày vẫn đọc đủ mọi thứ tin tức của nhiều ngôn ngữ, của nhiều nước trên thế giới. Tại lãnh thổ quốc gia Pháp, người ta tịch thâu hêt những thứ thuốc được coi là để chữa bệnh covid như chloroquine, ivermectine…, vì những thuốc này bị cho là nguy hiểm đến tính mạng, cấm bán, cấm cho toa, mặc dù quân đội Pháp hàng năm đặt đến cả 3 tấn thuốc chloroquine.

Toa thuốc chữa bệnh covid19, nhiều người đã khỏi bệnh và có kháng thể, phải dấu tên thuốc để đừng cho thuốc bị cấm, không mua được nữa. Thuốc kháng đông máu như Plavix 75mg hiện tại bị hết lâu dài trên toàn quốc Pháp. Mới đây, một bác sĩ của bà Tám xác nhận là thuốc gọi là thuốc tiêm chủng covid hiện đang được sử dụng thực ra là thuốc chữa bệnh covid (curatif) theo phương cách biến đổi gen, đã gây ra hiện tượng tạo ra thêm những Variants, là những loại vi khuẩn Covid mới (con), tương tự như con vi khuẩn Covid trước (mẹ), bây giờ đã có tên là variant Delta (chữ D tiếng Hy Lạp). Những người đã chích ngừa thì có người bị bệnh lại, có trường hợp tử vong, và hậu quả của gen biến đổi sẽ ra sao thì không ai nói trước được.

Biết rằng, lịch sử sẽ phán quyết chính trị, biết như thế là chỉ để an ủi mà thôi vì lịch sử luôn luôn đi sau thời cuộc rất lâu, có khi cả mấy đời người chính trị vẫn chưa được phán quyết. Vì thế, người lạm dụng chính trị vẫn cứ đứng thẳng lưng, chẳng sợ lịch sử phán quyết, người Pháp lại có câu nói: « dân Pháp có trí nhớ ngắn », thì có ai mà dám đụng vô một cái lông tơ của ông nào, bà nào đang nắm quyền lực sinh sát trong tay đâu. Ngẫm lại cái bước đường cùng của vua Duy Tân: « Chúng ta không có một tấc sắt trong tay, một xu trong túi… », thì bà Tám tủi thân ngồi khóc, mình cũng đang ở bước đường cùng lúc nào không hay, chưa chích, không có tự do ! Ôi chao ! Cuối đời, dù đã biết nhiều bao nhiêu là kinh nghiệm xương máu của chiến tranh Việt Nam, nay ở xứ sở của Tuyên ngôn nhân quyền mới học được thêm bài học « tự do có điều kiện » y hệt như tù nhân chiến tranh khi xưa bị ở tù lỏng…hu hu hu….MTT

Trịnh Thị Việt Hà

27. juillet 2021
tags:

numérisation0009 (2)

Trịnh Thị Việt Hà

Em đã về trời, chị buồn lắm. Chị rất thương em, một cô em dâu nhỏ nhẻ thật thà dễ thương. Em không giống như người khác, chạy theo đồng tiền của chồng, nếu nói rằng « của chồng công vợ ». Em có cái hãnh diện của em là em tự lập, tự mình làm ra tiền để nuôi bản thân, và nuôi cả chồng con khi khó khăn. Chị chỉ là chị chồng, lại ở xa nhà, thỉnh thoảng mới gặp, lúc còn túng thiếu chị chẳng có quà gì cho em cả, chỉ có nụ cười. Chị em mình đồng cảm, thích gần gũi nhau. Ngày má qua đời, chị em mình khóc sưng mắt. Chị còn nhớ ngày chị lánh sang nhà em ngủ nhờ, chị mệt quá nên ngủ sớm, nửa đêm thức giấc giật mình vì sáu con chó Nhật của em cùng nằm trên giường vây quanh chị. Chó biết giữ cho chủ như vậy là nó khôn lắm.

 » Thôi về đi, đường trần đâu có gì…, tóc xanh mấy mùa….đời người như gió qua... » câu hát trong bài Phôi Pha của anh TCS bây giờ lại càng thấm thía hơn. Chị hát thầm tặng em bài hát để tiễn em về trời. Thôi hết những cơn đau của cơn bệnh ung thư hành hạ em mỗi ngày. Thôi hết những viên thuốc đắng làm quằn quại thân thế. Em đã chịu đựng can đảm chống cự đến phút cuối cùng. Em mang đi, có còn lại chăng trong linh hồn em là cái lo cho đứa con gái duy nhất của em, cháu của chị. Em đừng lo nữa, hãy phù hộ cho con, trời sinh voi sinh cỏ. Mơ ước của em, được khỏe lại, sang châu Âu chơi một chuyến, thăm bạn bè, thăm chị đã không được thực hiện. Em làm con bướm bay về đây nhé, thăm chị. Mấy ngày nay, chị có linh cảm có ai về thăm chị. Tự dưng những câu hát ám ảnh chị  » Có những ai xa đời quay về lại, Về lại nơi cuối trời, làm mây trôi… »… Chị sẽ nhìn những đám mây bay trên trời để nhớ đến em. Em sống một đời hiền lành, không hại ai, không làm điều gì xấu cho ai. Em về trời trước rồi, chị sẽ về sau. Chúng ta, những người có duyên nợ với nhau, sẽ gặp lại nhau nơi cõi trời hay nơi cõi tạm, kiếp này và những đời sau nữa, chị tin là như vậy, để trả nợ đời cho nhau, đày ải nhau, ganh ghét nhau, đấm đá lẫn nhau, trả thù nhau hay thương yêu nhau. C´est la vie !!! Hay hương linh của chúng ta sẽ thanh thản tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng, không còn trở về lại nơi cõi tạm nữa, điều mà chị chúc cho em chân thành. Ở nơi xa xôi, chị thắp nén hương vĩnh biệt em, hình hài của kiếp này, Việt Hà nhé. Thương em trong lòng. MTT

Nhạc phẩm Phôi Pha của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của ca sĩ Bằng Kiều:

Một trang trại đầy hoa ở vùng Aisne

16. juillet 2021

Một trang trại đầy hoa ở vùng Aisne – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Hết tháng hai năm 2021 tôi mừng thầm vì nghĩ rằng xuân về sẽ xóa sổ covid, vì đầu tháng ba đúng hẹn các cây đào nở rộ, tiếp đến là các loại cây ăn quả như cây táo, cây mận, cây lê….Nhưng trời chẳng chiều người, bất chợt băng giá mưa gió kéo đến làm cho hoa lá rụng tả tơi, thế là năm nay mất mùa không có trái ăn. Rồi tháng tư qua đi trong mưa gió lạnh lẽo. Tháng năm đến, tháng của mùa cưới thế mà năm nay ỉm ìm im, không thấy cưới xin đâu cả, từ đầu tháng đến cuối tháng tôi chờ đợi nắng ấm chưa trở về. Thở dài. Qua tháng sáu, tháng của hoa hồng, cây đã lên lá ra nụ chờ hoa nở. Thế mà ! Hoa vừa mới nở, mưa đã rơi xuống dầm dề, hoa úng nước trên cành, chết ngủm, rồi gió quật, tội nghiệp đời hoa mau tàn phai hương sắc. Tháng bẩy về, cũng mưa, đến giữa tháng cũng còn mưa gió, các loại hoa mùa hè lạnh quá không nở được, bụi hoa nào nở là may mắn lắm bởi chỗ trồng cho hơi ấm và khô ráo. Bên Pháp đã thế, chính quyền xiết chặt thêm các biện pháp hành chánh quản lý người dân vì covid, bên Bỉ và Đức lụt lội nặng, nhà cửa, xe cộ, người trôi trong nước lũ….Bên nhà báo tin dịch covid hoành hành….Tưởng như không có gì vui….

Bất chợt một lời mời đến thăm nhà của một người chị em họ khiến chúng tôi nhận lời ngay, được lúc cho di chuyển từ vùng này sang vùng kia, tội vạ gì mà chẳng đi, ra khỏi nhà cho đã…Ở tù trong nhà từ tháng ba 2019 đến giờ quẫn chân quẫn cằng, dù nhà mình có êm đềm cách mấy, có đẹp cách mấy đi nữa. Nói là đi từ vùng này sang vùng kia nhưng thực sự chẳng xa là mấy, chỉ khoảng trên 100 cây số, lái xe đi cái vèo là tới.

Vùng Aisne có lối kiến trúc nhà rất đặc biệt, hai nóc nhà như bậc thang, nguyên thủy là để lợp mái nhà bằng rơm rạ, về sau người dân thay bằng lợp ngói như vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Khác với thành kiến của một số người, nhà cổ, thường xây bằng đá tảng, kèo cột nóc làm bằng cây tự nhiên, không cứ hôi mùi ẩm mốc, đó là còn tùy việc sưởi ấm nhà, thông khí và sạch sẽ nhà. Nhà của người Pháp thông thường rất sạch sẽ, ngăn nắp, bày biện có mỹ thuật dù nghèo hay giầu tùy từng hoàn cảnh, chứng tỏ người ta rất yêu quý tổ ấm của mình.

Nơi chúng tôi đến thăm hóa ra là một trang trại cổ, chung quanh nhà chính có nhiều kiến trúc như nhà kho, nhà chứa rơm, nhà chứa thóc gạo, nhà chứa xe, hầm, chuồng nuôi bò, ngựa, heo, gà vịt, thỏ…., vườn hoa, vườn cây ăn trái, đồng ruộng…bây giờ chỉ còn là nhà ở và những chứng vật thay đổi theo với thời gian năm tháng. Một sự thăm viếng rất dịu dàng, nên thơ, làm quên đi chuyện thời sự covid. Mời các bạn thăm trang trại cùng chúng tôi, một chút thư giãn trong mùa dịch với nhiều tin trái chiều làm nhức đầu mệt tim, vào một ngày không mưa tuy có mây xám vần vũ. MTT

MTT_1B

Bên cạnh chiếc cổng to, chỗ để xe đã được những bông hoa chào đón

MTT_11B

Ngôi nhà chính của trang trại với mái có bậc thang đặc biệt của vùng Aisne. Bên cạnh lối vào nhà là một chiếc bàn nhỏ với chiếc ghế ngồi nghỉ chân

MTT_13B

Chủ nhà có lẽ có nhiều bạn đến thăm, có bàn nhỏ ngồi chơi ngắm cảnh thơ mộng

MTT_9B

MTT_4B

Một chiếc bàn mời khách bên cạnh tường hoa kim ngân (chèvrefeuille) đang nở rộ thơm ngát

MTT_5B

Một chiếc ghế giữa đám hoa và thảm cỏ mượt mà

MTT_12B

Một bộ xa lông trong căn nhà nhỏ

MTT_3B

Lối vào vườn hoa

MTT_2B

MTT_8B

MTT_6B

Một góc của nhà chứa rơm rạ, bị thủng mái vì cơn mưa đá vừa qua

MTT_7B

Chiếc xe thồ cổ cả trăm năm tuổi

MTT_10B

Khung mái bằng gỗ và thân cây thiên nhiên trải qua bao thời gian vẫn đứng vững….

Ưu việt trong mùa dịch Covid 19

4. juillet 2021

Ưu việt trong mùa dịch Covid 19 – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Có lâm vào cảnh nguy khốn mới biết được tính chất con người và cả xã hội. Xã hội người Việt lóe sáng được tính ưu việt tiềm ẩn của mình những khi bị chao đao. Ưu việt ở chỗ đoàn kết xã hội, tình người chứa chan và được bộc lộ, một người vì mọi người, mọi người vì một người trong mùa dịch Covid. Ai chỉ ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình không có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam. Những bếp ăn 0 đồng, những xe quần áo 0 đồng, những chuyến xe về quê 0 đồng, bánh mì 0 đồng…., những bữa ăn treo trên cây, ngoài lề đường….ai thiếu đến lấy….Sự tự phát, tự động của người giúp đỡ và lòng tự trọng, biết nghĩ đến người cùng cảnh thiếu thốn như mình khiến cho việc tổ chức cứu trợ thêm dễ dàng và có ý nghĩa.

Tôi ngồi đây mà thật là cảm động khi đọc những hàng chữ điện thoại trực tiếp từ trong nước gởi sang báo tin dịch bệnh, cách ly, rồi nghĩ lại thân phận mình ở Pháp không một ai giúp đỡ trong suốt hai năm dịch bệnh đồng thời lại bị chữa trị ung thư, không có thông tin…sống ở làng mà như là sống biệt lập ở một hành tinh xa lạ.

Tôi giật mình sợ hãi cái « máu lạnh » của xã hội Pháp, mặc ai nấy sống, khôn sống dại chết, chỉ có tiền là mua, mua, mua ….và mua, mua vật chất và mua cả « services » (phục dịch), không có gì mà người châu Âu lại không biến thành một nguồn lợi thâu tiền. Nếu có yêu cầu được giúp đỡ, thì phải gọi điện thoại, xin hẹn, lập hồ sơ, trả đầy đủ tiền dịch vụ….từ bữa ăn mang tới nhà, chở đi chợ, chở đi bệnh viện….Xã hội Pháp trong tình trạng hiện nay hoạt động dựa trên sự tổ chức, kiểm soát, tiền và chia rẽ, biệt lập trong nhiều tầng lớp theo phe phái chính trị. Ngay cả trong một gia đình, cha mẹ con cái khác chính kiến với nhau là đã chia rẽ, có vấn đề đụng chạm trên thực tế chung sống.

Trong suốt hai năm dịch bệnh vửa qua, phong tỏa xã hội và giới nghiêm cả ba đợt, mỗi đợt kéo dài mấy tháng tại Pháp, vợ chồng tôi không hề có sự giúp đỡ của một ai, đang trị bệnh ung thư mà tôi vẫn ráng lết đi chợ, nấu ăn, ngó qua ngó lại chỉ có hai vợ chồng. Hàng xóm láng giềng, nhà hành chánh làng….tất cả đều im lặng, im thin thít, mỗi ngày. Hỏi thăm tin tức của tôi, chỉ có một đôi vợ chồng già ở đầu làng. Trải qua hai ba năm như thế, đến bây giờ nhờ biết tin tức những gì xẩy ra bên nhà, tôi mới giật mình thấy sự im lặng đó ở đây bên Pháp quả thật là đáng sợ. Những người làm thuê đến nhà tôi vài lần để ủi đồ, quét nhà lau nhà…., khi tôi trong thời gian hóa trị không có một chút sức lực nào cả, đều diễn tả một sự lạnh lùng vô cảm như rô bốt, không có một chút tình cảm nào, họ làm việc chỉ vì được trả tiền, lại còn than van là lương ít, việc cực nhọc…đến trễ, đi về thì đúng giờ. Khi khỏe, tôi vẫn làm việc nhà không than van là việc cực nhọc cơ mà !

Thành phố của tôi ở bên nhà đang cơn dịch bệnh, đến tâm điểm. Sáng nay vừa mới thức dậy, điện thoại đã báo tin. Cô em bán rau củ quả báo tin chợ đóng cửa sáng qua lúc 7 giờ sáng. Phần bán ngày hôm đó thì có người mua bớt dùm, cho đi một phần và mang về lại nhà một phần những thứ rau củ để được vài ngày ăn dần. Đồ ăn dự trữ trong nhà của cô em thì có mì gói, trứng và gạo cho gia đình bẩy, tám người. Hôm qua, cô em được đi xét nghiệm cả khu phố, không tốn tiền. Cô em thuộc vào thành phần bán lẻ nhỏ nhất ở chợ, không có vốn, không có phương tiện để rao bán qua mạng, rồi thuê xe ôm đem tới cho từng khách hàng. Hình thức như thế, bán lẻ qua mạng, giúp đỡ tiêu thụ, lại làm phát triển công việc cho người nghèo cần tiền sinh sống như chạy xe ôm giao hàng. Bên Pháp không có xe ôm, ở Paris và vài thành phố lớn chỉ có người nghèo phải chạy xe đạp trong mưa gió tuyết rơi để giao hàng. Cô em được xét nghiệm rồi được cho về nhà tự cách ly 14 ngày.

Nỗ lực xét nghiệm từng người dân trong từng khu phố không kể giàu nghèo, có tiền hay không có tiền thật đáng nêu gương. Bên Pháp, thì dân sợ bị xét nghiệm, lại chỉ làm xét nghiệm khi có việc gì bắt buộc như phải vào nhà thương mổ chẳng hạn. Bên Pháp, dân sợ bị đưa vào nhà thương, người già thì bị lọc lựa, coi như là một đi không về, mắc bệnh ở nhà thì chi được chính quyền khuyên uống Doliprane (Paracetamol) để hạ sốt, các thứ thuốc khác có thể giúp thí dụ như ký ninh thì bị cấm triệt để, cấm bán, cấm bác sĩ viết toa theo kế hoạch đã được dự tính của các lobbies dược phẩm kỹ nghệ. 

Một người Pháp đang ở trong nước báo tin về Pháp, ở Việt Nam, hễ quân đội đến nhà đưa đi cách ly là đi, người ấy ngạc nhiên nói thêm, ở bên Pháp thì không thể nào có chuyện như thế. Nhìn những trẻ em sáu bẩy tuổi ngoan ngoãn trước khi bước lên xe còn ngoái lại tạm biệt gia đình để đi cách ly tôi không khỏi xót xa cảm động.

Ngạc nhiên là phải, một quân đội của dân, từ dân mà ra, người dân có tin tưởng được bảo vệ, phải khác một quân đội chuyên nghiệp, được thu nhận và chỉ vì tiền và danh vọng. Người dân Pháp chưa thể quên những người dân Pháp khoác áo vàng bị cảnh sát bắn mù một mắt, đánh bị thương, xịt hơi cay.

Những người chống lại cách ly, sợ bị cách ly, không khai báo có tiếp xúc với F0, bỏ trốn…là những mầm bệnh ẩn giấu làm cho công việc trị dịch bị dai dẳng, kéo dài. Hy vọng là thành phần này không nhiều, nhờ tính tự giác của mỗi người và trước sau gì khi phát bịnh thì cũng lộ ra.

Tôi đọc báo bên nhà hàng ngày, tin tức về bệnh dịch covid trong nhiều tỉnh thành. Nhưng tin tức trên báo có khi thấy đâu xa lạ, có người viết lại phát huy không đúng chỗ, đúng đối tượng, có lẽ vì không có so sánh với tình hình các nước, hình ảnh không có chú thích rõ ràng với chủ đề khiến cho chỉ có người trong cuộc mới thông cảm. Có những thông tin có tính cách « nêu gương » cá nhân điển hình, như những bài báo nói về cô hoa hậu này, cô ca sĩ kia….đi làm việc covid, làm việc từ thiện,,,khiến cho người đọc ở nước ngoài thấy như kể ơn kể công xa lạ, quảng cáo, không muốn bắt chước. Hay những thông tin lập tượng đài kỷ niệm vô cùng hoành tráng, tặng thưởng cầu thủ bóng đá bạc tỷ trong lúc này chỉ gây thêm bối rối hoặc bất mãn.

Bạn bè trong nước kêu gọi quyên giúp thì mới thấy được sự khẩn cấp của tình hình, chung tay cứu đói và những thông tin đến từ người thân cận, bạn bè, người đã từng gặp nhau thì làm nổi da gà, có tác động mạnh.

Cô bạn tôi ở một chung cư trong trung tâm thành phố Hồ Chí Minh kể:  » Ngày thử nhất 3.7 lock thang máy, 11 trưa nghe phường thông báo là ở tầng 12 block B có F0 là nữ. Thế ra vội đi xuống siêu thị gom một số rau củ, thịt cá trước khi bị lock nhưng quên mất nhà chỉ còn 2 kí gạo. Hơn 12 giờ, con trai mới đi làm về, dặn mua thêm gạo, mì và bún…trước khi lên nhà (vì lên nhà là khỏi xuống). Làm như mọi người biết hôm nay nhà mình bị giăng dây hay sao í, mà sáng nay bà chị gọi nói sẽ mua cho mình bò rèm thăn, chị sếp của con dâu gửi đến cho gà vịt, măng dưa cải, nhân viên cũ gửi biếu mấy trái thanh long nhà trồng, cậu em cùng block nói khi nào nhà hết gạo kêu em, em để sẵn dưới xe. Khi thông tin cho các anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, sui gia, ai cũng nói cần gì cứ gọi. Lâu nay gia đình mình cùng cả xã hội đều chung tay giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, nhất là thời Covid, không nghĩ có một ngày mình được đề nghị giúp đỡ nếu cần. Đúng là Covid còn hơn cả giặc. »

Mạng lưới xã hội của một người Việt là gia đình, là anh chị em, là bạn bè, là hàng xóm láng giềng, là đồng nghiệp, là sui gia…những sợi dây tình cảm tưởng là mong manh nhưng thật ra là được kết rất chặt khi có nguy biến. Đó chính là nguồn gốc của một mối đoàn kết không gì phá nổi.

Trong xã hội Pháp, tất cả những sợi dây tình cảm đó đã và đang bị phá vỡ bởi truyền thông đại chúng, cứ đọc báo, nghe đài, xem truyền hình là nhan nhản « anti-…. » , chồng chống vợ, vợ chống chồng, đàn bà chống đàn ông, phe tả chống phe hữu và ngược lại, kẻ « xanh lè » chống nông dân và chống người lái xe cũ, cứ nhân danh mầu xanh là chống đủ thứ có quan hệ mật thiết đến đời sống của người dân từ việc sưởi nhà mùa đông, di chuyển bằng xe hơi cũ, cho đến năng lượng, cho đến nhà nông, người chăn nuôi bò, heo, gà vịt….chống, chống và chống. Vai trò của nhà thờ thiên chúa giáo, tôn giáo chính của người dân Pháp, là một trong những sợi dây liên kết bị làm mờ nhạt.

Những câu châm ngôn như « lá lành đùm lá rách », « một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ », « một miếng khi đói bằng một gói khi no » ….không phải là những từ ngữ sáo rỗng, nó là bài học thuộc lòng, là kim chỉ nam cho lòng biết đoàn kết, bác ái, tương trợ của người Việt. MTT

Một kỷ niệm đẹp, Ngăn cách

19. juin 2021

Một kỷ niệm đẹp, Ngăn cách – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Trời buổi trưa tháng tư nóng muốn chảy mỡ, không ai ra đường hay di chuyển, phố xá vắng tanh, chiếc taxi chở vợ chồng tôi chạy chầm chậm hết đường Điện Biên Phủ ra Ngã Ba Hàng Xanh trong nắng ngắt. Mùi nhựa đường bốc lên đầy mũi. Hồi xưa, má tôi cấm không cho đi đâu buổi trưa, trúng nắng là bịnh nặng, bây giờ tôi cũng không biết nghe lời má dạy. Trong một căn nhà ba tầng trong hẻm là studio thâu thanh, ở tầng thượng. Người ở đây không nói là tầng mà là tấm, nhà mấy tấm, ba tấm, bốn tấm…hỏi ra mới biết đó là cách nói của thợ xây nhà, đúc mấy tấm xi măng ? Vào trong nhà tầng dưới mát rượi, lên đến tầng thượng thì nóng hầm hập, tầng này một nửa xây kín có mái, một nửa làm sân để trống trời, nên cái nắng gắt trưa hè hắt vào trong nhà vô tội vạ. Hôm nay các nhạc sĩ đã thâu nhạc nền sẵn nên mới đầu giờ trưa chỉ có anh Thịnh và anh Hậu ở đó. Anh Thịnh cũng không ở lại lâu, chút rồi đi. Anh Hậu đóng cửa ngoài lại, bật máy lạnh lên, Pierre thở ra, ông ấy đẫm mồ hôi, còn tôi thì nói không ra tiếng vì nóng quá. Bởi vậy, studio dành buổi tối để thâu cho ca sĩ chuyên nghiệp còn buổi trưa cho đến chiều là những người ham hát mà chẳng có nghề hát như hạng tôi. Rõ ràng là phân biệt đối xử nhưng phải chịu thua luật chơi thôi, không thì người ta chê là « vịt kiều chảnh ».

Anh Hậu bật máy, tôi bước vào phòng kín để thu, cái phòng lót thảm, tường, vách và cửa dán mút mầu đen, bên trong chỉ có cái micro và một cái giá nhạc, tai nghe. Sau vài giây thử nhạc trong tai nghe, anh Hậu ra dấu bắt đầu thâu. Anh Hậu là người khó tính, rất tiết kiệm lời nói, chỉ yên lặng làm việc của mình. Pierre kiếm chỗ ngồi một góc, không cục cựa. Tôi định thần, thở ra, nhạc dạo đầu nổi lên, rồi cất tiếng hát, nhắm mắt, thả hồn vào một bài hát tình giữa trưa hè oi bức…Anh Hậu đề nghị thâu lại lần thứ hai. Thông thường, lần hát đầu là những cảm xúc tự nhiên, bộc phát, thâu thêm lần thứ hai, mắt mở, là những cảm xúc đã được người hát tự động sửa lại, bớt thật. Tôi ra nghỉ lấy hơi, bỗng thấy một anh bước vào studio, tay xách một cái hộp dài, hóa ra đó là cây đàn violon, anh đến để thâu cho tôi tiếng đàn của anh. Tôi chỉ hát trên nhạc nền, không có phần phụ họa của những nhạc cụ chính. Đến phiên anh thu thanh, nhìn cái dáng dấp như người đi chơi tennis, quần cụt, áo thung polo, đi dép, không ai có thể đoán được anh là một nghệ sĩ đàn violon. Chẳng cần phải vào phòng thu, tiếng đàn được truyền thẳng vào máy, nên anh thảnh thơi đứng giữa phòng thu chơi đàn…dễ và nhẹ như trò chơi. Đến giờ Pierre vẫn thích thú nhớ đến anh. Tiếng đàn day dứt, buồn bã…tô điểm cho bài hát của tôi thêm đậm đà. Anh Hậu bỗng buông ra một câu khen:  » Bài này chị hát hay  » và không muốn thâu thêm thâu lại gì nữa. Chết rồi, mấy bài khác mình hát không hay ?! Mời các bạn nghe bản nhạc « Ngăn cách » của Y Vân qua tiếng hát của Mathilde Tuyết Trần tháng tư năm 2006 với sự phụ họa của các nhạc sĩ Hy Đạt (Violon), Hữu Hậu, Quốc Phúc, Hiền và Dũng, thâu thanh bởi Hữu Hậu.

s5

Mùa hoa Serenga nở

Tháng sáu mùa hoa – Mathilde Tuyết Trần, France 2021

13. juin 2021

Tháng sáu mùa hoa – Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Bạn thường hỏi tôi tháng nào đẹp nhất ở Pháp để lên lịch đi du lịch ở Pháp. Mùa xuân thì mưa dầm dề, gió bấc lạnh lẽo, tuy tháng 3 các loài hoa xuân nở rộ nhưng người đến từ xứ nóng e ngại tiết trời ẩm ướt, lạnh lẽo của mùa xuân xứ ôn đới, lại đi du lịch có ít ngày thì uổng phí đi. Hoa đào nở tháng ba, hoa tu líp nở tháng tư, là những tháng còn lạnh, thời tiết thay đổi ngày nắng ngày mưa rất bất chợt.

Những ai chỉ thích Paris thơ mộng, lãng mạn, vĩ đại với những cung điện, đền đài nguy nga, viện bảo tàng…thì đến Paris lúc nào chẳng được. Dưới một góc nhìn cá nhân, Paris với dòng sông Seine lững lờ thì ngày nào cũng là đẹp, con phố, ngõ ngách nào cũng có duyên, nhiều điểm phải đến của một thành phố rộng lớn. Ở Paris cả hai tuần đi chơi không hết, mệt nghỉ. Thời trẻ, khỏi phải nói, tôi rất mê Paris qua khía cạnh văn hóa, kiến trúc của nó. Càng lởn tuổi, càng hiểu biết tôi lại càng thấy Paris xa tôi dần. Đắt đỏ, dơ bẩn, hợm hĩnh, uy quyền, đè nén, chia rẽ, phân biệt đối xử, người giầu kẻ nghèo….những tĩnh từ không mấy đẹp của người ở nhà quê tỉnh nhỏ nhìn vào Paris. Tôi chẳng thích đem tiền vào Paris phung phí nữa. Người Pháp nhà quê có câu diễu:  » Em biết trời mưa mình làm gì không ? Không ! Cứ để cho nó mưa như ở Paris !  » Nói theo kiểu mấy ông bạn già của tôi thì ai hiểu được chết liền !

Đi xuống miền Nam có biển Địa Trung Hải thì ấm hơn vài độ, nhưng biển mùa xuân còn lạnh lắm, không ai dám xuống nước cả hay phơi mình trong nắng. Gió lạnh quất vào người thì bịnh ngay. Biển miền Bắc hay biển Đại Tây dương của Pháp lại càng không muốn đi, vắng lặng, phí tiền vô ích, mỗi năm chỉ được ba tháng hè vui chơi.

Mãi đến tháng sáu thì bạn nên đến Pháp là tháng đẹp nhất trong năm. Tiết trời mát lạnh, sáng sớm khoảng từ 13° trở lên, trưa chiều có thể lên đến trên 25°, ít mưa. Tháng sáu có thể xem là cuối mùa xuân đầu mùa hè, vì bước qua tháng bẩy, tám là hai tháng hè nóng nhất trong năm. Tháng sáu lại là tháng của hoa hồng bên Pháp, tất cả các loại hoa hồng đều nở rộ, nhìn đâu cũng thấy hoa hồng, mùi thơm ngào ngạt. Đồng ruộng ở nhà quê đã thay đổi mầu sắc, từ mầu đất nâu chuyển sang thành thảm xanh đậm của lúa mì, thảm vàng rực của hoa dầu (cây colza), thảm tím đậm của cây gai dầu (cây chanvre), thảm tím nhạt của hoa gai, thảm xanh non của lúa mạch….. Nhìn tới chân trời, những sự thay đổi mầu sắc diễn ra hàng ngày tùy theo độ trồng của ruộng, rất mát mắt. Dọc theo bờ ruộng nổi lên, tô điểm cho mầu sắc của ruộng là những loài hoa dại đỏ, vàng, trắng, tím…lay động theo chiều gió thổi.

Ruộng hoa gai có lẽ là đẹp nhất. cọng gai dài, cao, ẻo lả, mảnh mai uốn mình theo những làn gió thổi qua tạo thành những gợn sóng tím nhạt rất đẹp. Hoa gai lại kén nắng. Nắng gắt thì hoa không nở, nắng ít bóng râm nhiều thì hoa cũng khép. Mà đời hoa gai chỉ kéo dài ba, bốn ngày là tàn. Hoa gai đang nở từ ba hôm nay, vào giữa tháng sáu. Rình được lúc nắng vửa, thường là trưa đến chiều, ra ruộng xem hoa gai nở là một hạnh phúc. Nhưng cứ mỗi lần thăm ruộng hoa gai thì trong một góc nào đó của ký ức tôi lại nhớ về nạn đói ở miền Bắc năm Ất Dậu 1945, Nhật ra lệnh trồng gai thay lúa để phục vụ cho chiến tranh làm cho dân chúng thiếu gạo ăn, chết đói gần 2 triệu người. Thảm cảnh đó những ai đã trải qua thì làm sao mà quên được. Người Pháp gặt hái gai, cuộn thành bó tròn nặng cả tấn, rồi chuyên chở sang Mã Lai để dệt thành sợi rồi lại nhập về châu Âu. Thời đại toàn cầu hóa rất cần nhân công rẻ để cho lợi nhuận đạt mức tối đa !

Bài hát « Nắng chiều » của Lê Trọng Nguyễn tôi hát từ năm 2008 đến nay đã được 13 năm tuổi, có vẻ hợp với khung cảnh làng quê, bài này tôi thâu thanh hai lần cho nên có hai phiên bản khác nhau, xin mời các bạn nghe phiên bản thứ nhất, tôi hát « cứng » với nhịp điệu vui tươi sôi động của ban nhạc với các nhạc sĩ Hữu Hậu (Synthesizer), Quốc Phúc (E-Guitar), Hiền (E-Bass), Dũng (Batterie) để thính giả rủ ra sàn nhẩy…Chúc các bạn vừa xem ảnh hoa chụp trong làng tôi ở, vừa nghe nhạc, tươi vui ra khỏi cơn dịch covid một cách nhẹ nhàng lả lướt. MTT

hoagai1

Ruộng hoa gai, trồng bên hàng cây đoạn ( cây tilleul, Linden tiếng Đức) và hoa mỹ nhân (coquelicots) dại mọc ven ruộng

hoagai2

orges1

Bên lúa mì xanh đậm bên lúa mạch xanh non…

hong2

Đường trong làng rất sạch, hoa hồng trước nhà nở rộ, trời xanh mây trắng….

hong3

Góc nào cũng có hoa và hoa hồng đủ mầu sắc…..

hong5

Vườn nhà quê…

Ngày mẹ sinh ra con – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

31. Mai 2021

Ngày mẹ sinh ra con – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Nhà quê bên Pháp vào tháng năm, bên trồng lúa mì thì lên xanh, bên trồng hoa colza thì vàng rực hút mắt…

Ngày mẹ sinh ra con là một ngày đáng nhớ trong đời cho đứa con và cho người mẹ, lẫn người cha trong vai trò phụ. Sợi dây liên kết, cái dây rốn hình như không bao giờ đứt đoạn, nó vẫn hiện hữu dù đã bị cắt đứt và trở nên vô hình. Và dù cho tình cảnh nào bất chợt, con bỏ rơi hay con đem cho, ao ước muốn tìm lại người đã sinh ra mình, hình hài và tính chất, vẫn là một điều thiêng liêng trong suốt cả cuộc đời.

Hồi đó, những năm 40, 50, người ta chỉ vào nhà thương khi….bệnh nặng, tai nạn gần chết. Sanh đẻ không được coi là bệnh tật, do những cô mụ đảm đương. Cô mụ hay bà đỡ đẻ là một nghề nghiệp phổ thông cho những phụ nữ « mát tay » có kinh nghiệm đỡ đẻ trong quá khứ, trong chiến tranh, trong « bất đắc dĩ »…, Đẻ ở nhà bà đẻ, hay đẻ ở nhà mình, đẻ ở ngoài đồng ruộng, đẻ trong cánh rừng, đẻ bên bờ sông…, người mẹ chấp nhận tất cả tình huống, chấp nhận luôn cả cái chết để cho con mình được sống. Mẹ tròn con vuông là nhà có phúc đức bầy mươi đời. Bây giờ, phụ nữ có điều kiện chỉ muốn mổ lôi con ra vì sợ đau đẻ, vì sợ hết đẹp mà không cho con bú sữa mẹ.

Nghĩ đến những đức tính của người mẹ, nổi bật nhất là sự hy sinh của mẹ, rồi đến lòng vị tha, sự cần mẫn suốt đời, những thứ ấy hợp lại là tình yêu của mẹ, là lòng của mẹ…Không có gì đau khổ hơn là người mẹ phải khóc con, không có gì đau khổ hơn là người mẹ đành đoạn phải bỏ con để đi đánh giặc. Chú tôi ra trận tuyến đánh Pháp, vợ chú, giao đứa con mới đẻ cho mẹ tôi, chị nuôi cháu hộ em mai mốt em về, để đi vào bưng biền với chú. Hai vợ chồng ra đi không trở lại, chiến tranh đã nuốt chửng cả hai người. em tôi lớn lên như cái bóng của chúng tôi, lặng lẽ, gọi ba má tôi bằng ba má, chưa bao giờ trông thấy hai người sinh thành ra mình, cũng không biết ngày sinh tháng đẻ của mình, chỉ biết cái tên: Hòa Bình.

Tôi có may mắn nhiều hơn em, được sinh ra trong hoàn cảnh ổn định của gia đình, được cha mẹ yêu thương, nuông chiều, dậy dỗ, cho ăn học. Thói tiểu thư, thói trưởng giả, thói tạch tạch xè (tiểu tư sản)…đó là những điều mà các ông bạn mao ít mao nhiều mắng tôi khi tôi đã ra ngoại quốc du học. Thời ấy, con gái được đi du học không nhiều, đặc biệt lắm, chỗ du học chỉ cho cánh con trai nhà giầu, có thần có thế ra nước ngoài học tập để mà trốn lính, con gái thường chỉ là tiểu thư thượng hạng dân ma ri cu ri mới tụ nhau lại cả đám bên Pháp và Thụy Sĩ. Bọn họ khinh thường tôi, dân trường Việt, nghèo mà ham.

Cuộc đời mới lớn, tự do có rất nhiều hấp dẫn, quên mẹ quên cha. Đến khi tôi có bầu đứa con thứ nhất, lãnh thiên chức làm mẹ, mới hiểu được…một phần của mẹ mình. Năm tháng trôi qua, ngày càng thấm thía cái cảnh khổ « Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư », ngọt bùi cay đắng, nếu cha mẹ tôi biết được từng chi tiết những cảnh đời đau khổ của tôi ?! thì chỉ làm khổ tâm thêm cha mẹ. Tôi có một chị bạn, sống theo những gì cha mẹ muốn, không ở nước ngoài, phải học bác sĩ, lập gia đình với người đàng hoàng có tương lai, bây giờ chị tâm sự là chán nghề và không hạnh phúc, nhưng chị có sức mạnh để đi tiếp. Đằng nào thì cũng khổ nhiều khổ ít, nhưng cũng có những đôi lứa không bị bão táp của cuộc đời làm tổn hại, may mắn hạnh phúc bên nhau suốt đời.

Tình yêu đôi lứa có cái ánh hào quang hấp dẫn của nó, để sinh con cái, để tiếp nối giống nòi. Con gái của mẹ đi tiếp con đường mẹ đã đi qua, hết đời này sang đời khác…Nếu không có vài người phụ nữ bị bắt phải làm nô lệ trên những hòn đảo hẻo lánh, cô đơn giữa biển khơi xa xôi…thì ngày nay không có con người ở đấy, không có một xã hội sinh sống, khai thác và giữ đảo cho một quốc gia. Tre già măng mọc, nỗi vui của đứa con gái ngày xưa là được ngắm nhìn mấy đứa cháu của mình, biết là mình đã trồng người ở đâu đó. Ngoài việc trồng người về hình hài, trồng người về tinh thần, kiến thức cũng là một cách trồng người cho các thế hệ sau.

Lúc nhỏ, ngày sinh nhật là ngày của mình, mình là tâm điểm của mọi sự chiều chuộng, quà cáp, « ăn » sinh nhật. Về già thì ngày sinh nhật là ngày của mẹ mình, ngày mẹ sinh ra mình. Kết thúc một bài tản mạn về ngày mẹ sinh ra con bằng một bài hát với tựa đề « Anh yêu em » tôi thấy thật ra không có gì là lạ, là lô gich, vì tình yêu đôi lứa là thứ tình cảm, thứ hào quang thông thường nhất để cho người con gái lãnh nhiệm vụ làm mẹ một cách tự nhiên nhất của mình, nối tiếp truyền thống cho mình, rộng hơn nữa là cho giống nòi, xã hội.

Có bao giờ bạn ngắm nhìn một đôi chim bồ câu bay vờn cánh, tỏ tình, âu yếm với nhau vào tháng Năm, tháng đẹp nhất trong năm, tháng của cưới hỏi và bắt đầu « sản xuất » ? Để kỷ niệm ngày mẹ sinh ra con tặng bạn bài hát « Anh yêu em », viết lời và tiếng hát Tuyết Trần, nhạc và hòa âm: Phan Trat Quan,  jazzig, thu thanh năm 1986. MTT

senhoTay

Sen hồ Tây Hà Nội nở vào tháng năm 2021 của một bạn gái Hà Nội gửi tặng

Về một bài hát của kỷ niệm: Làng tôi

26. Mai 2021

Về một bài hát của kỷ niệm: Làng tôi – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Trong hành trang khi tôi ra đi du học cách đây đã hơn nửa thế kỷ, tôi nhớ thuộc lòng vài bài hát hay hát ở nhà nghêu ngao, Lòng mẹ, Làng tôi, Bèo dạt mây trôi….Những bài nhạc tình bolero tôi không để ý mấy, thời ấy cho là « nhạc sến », nghe thoáng ngoài tai rồi thôi, vậy mà nó cũng ăn sâu vào tiềm thức của tôi, té ra tôi cũng thuộc nằm lòng nhiều bản nhạc sến vì bị nghe mãi qua đài phát thanh.

Ba bản nhạc ấy tôi thu thanh lần đầu tiên vào đầu năm 1984 với nghệ danh Mai Thi, cùng sự hợp tác của nhạc sĩ Phan Trat Quan, người soạn hòa âm và đệm đàn ghi ta theo phong cách châu Âu cho tôi hát. Bài hát Làng tôi đặc biệt được hòa âm vào năm 1983 với một sự thôi thúc của tiếng kèn tiến quân, nhắc nhở lại khung cảnh chiến tranh của cuộc chiến chống thực dân Pháp và tiếng bass thật trầm làm nền cho khung cảnh súng đạn của chiến trường. Tuy về phần kỹ thuật thâu thanh không được hoàn thiện cho lắm, nhưng mời các bạn nghe lại bản nhạc Làng tôi (©Mathilde Tuyết Trần/Phan Trat Quan) qua tiếng hát nghiệp dư của tôi của kỷ niệm xa xưa.

Sau đó, chỉ được vài năm thì con đường ca hát của tôi tắt ngủm vì nhạc của tôi quá chọn lọc, quá Jazz, quá kén người nghe, không đi vào thị hiếu của người Việt ở Pháp và hải ngoại khi ấy, thính giả cho là lạ tai, không chuộng. Tôi bỏ hát, tập trung vào việc học cho ra trường…. bằng tiếng Đức. Mặc dù hoàn toàn không nói tiếng Việt trong gia đình mà nói tiếng Pháp với chồng con, khi đi làm lại sử dụng hoàn toàn tiếng Đức, cũng như ít tiếp xúc với bạn bè người Việt, nhờ vào việc hát và đọc tiếng Việt, trải qua bao thời gian năm tháng tôi vẫn giữ được tiếng Việt một cách lưu loát.

Thời gian qua đi….Bây giờ nhờ có mạng Internet, tôi mới biết được là bài hát lòng của tôi ngày xưa, bản nhạc Làng tôi của nhạc sĩ Chung Quân, được sáng tác năm 1952, năm sinh của tôi. Bản nhạc này đã chiến thắng cuộc thi sáng tác với đề tài nói về quê hương và con người Việt Nam của một….gánh hát cải lương xuất thân từ miền Bắc: Kim Chung, của ông bầu Long (Trần Viết Long, nghệ danh Trần Lang).

Chung Quân khi ấy mới 16 tuổi, còn là vô danh, tên thật là Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Bài hát được dùng làm một trong những bản nhạc nền của phim Kiếp Hoa, phim điện ảnh tiếng Việt đầu tiên có lồng tiếng. Những bản nhạc khác trong phim đều trở thành những nhạc phẩm nổi tiếng trong nền âm nhạc Việt Nam mang phong cách lãng mạn cổ điển trước chiến tranh chống Pháp : Dư âm cùa Nguyễn văn Tý, Nhạc đường xa của Phạm Duy Nhượng, Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong và Cây đàn bỏ quên của Phạm Duy. Đạo diễn của phim là ông Doãn Hải Thanh, vai chính do các nghệ sĩ cải lương Kim Chung, Kim Xuân, Trần Quang Tứ, Ngọc Toàn, Tuấn Sửu đảm nhiệm, ngoại cảnh được quay tại Hà Nội đầu thập niên 1950. Phim Kiếp Hoa được trình chiếu lần đẩu tiên tại rạp Đại Nam Hà Nội từ năm 1954.

Báo Tuổi Trẻ ngày 25.05.2018 viết lại:

 » Ngày phim ra rạp Đại Nam và Bắc Đô, khán giả Hà Nội ùn ùn kéo đến. Đến khi vào Sài Gòn chiếu tại hai rạp Nam Quang, Nam Việt, trẻ con đi « phe vé » nườm nượp. Bộ phim này đã mở đầu cho « nghề » phe vé ở Việt Nam.

Nhưng trận đánh tại Điện Biên Phủ nổ ra năm 1954 khiến ông bầu Kim Chung không thể mạo hiểm làm phim kế tiếp. Sau khi Việt Nam ký hiệp định Genève, vợ chồng ông đã quyết định chuyển một nửa đoàn cải lương Kim Chung vào Sài Gòn. Một nửa đoàn Kim Chung ở lại Hà Nội, do vợ chồng người em là Tiêu Lang và Kim Xuân quán xuyến.

Tất cả đều hi vọng hai năm sau hai đoàn Kim Chung sẽ tái hợp. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Vợ chồng ông bầu Trần Viết Long – Kim Chung quyết định di cư sang Pháp.

Ông bà để lại cho vợ chồng người em Tiêu Lang – Kim Xuân và đoàn Kim Chung một nửa gia sản. Ngay cả bộ phim Kiếp hoa cũng được chia đôi, vợ chồng Trần Viết Long – Kim Chung giữ một bản, vợ chồng Tiêu Lang – Kim Xuân giữ một bản. Ngày lên đường sang Pháp, ông bà Trần Viết Long – Kim Chung đã không thể mang theo bộ phim Kiếp hoa (với 11 hộp phim tất cả).

Vợ chồng Tiêu Lang – Kim Xuân ở lại Hà Nội được anh chị giao cho một bản Kiếp hoa. Sau này ông Tiêu Lang đã quyết định tiếp tục khai thác Kiếp Hoa bằng cách đưa cho một người chuyên buôn bán phim đưa đi các rạp chiếu. Nhưng vì dính đến chính trị, người đàn ông này bị khám nhà và bị tịch thu bộ sưu tập phim, trong đó có Kiếp hoa.

Ông Tiêu Lang cho biết: « Đó vừa là rủi ro với cá nhân tôi, nhưng lại là điều may cho bộ phim. Vì thời đó không có điều kiện, tôi có giữ bộ phim cũng sẽ hỏng. Sau khi tịch thu phim, công an đã gửi phim về Viện tư liệu phim, ở đây người ta đã lưu giữ rất cẩn thận.

Năm 1981, anh chị tôi ở Pháp về chơi, Viện tư liệu phim đã mời anh chị tôi và vợ chồng tôi lên xem cuốn phim đó », ông Tiêu Lang bồi hồi nhớ lại. « 

Phim Kiếp Hoa (1954) trên Youtube.

Diễn viên điện ảnh Như Quỳnh trong phim « Đến hẹn lại lên » là con gái của cặp Kim Xuân-Tiêu Lang. Nhạc sĩ Chung Quân sau đó sáng tác thêm nữa, nhưng chỉ có bản nhạc Làng tôi của ông là sống mãi với thời gian. MTT

Đi buôn cái chữ…nghĩa

24. Mai 2021

Đi buôn cái chữ…nghĩa ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Chồng tôi thường hay « mắng yêu » tôi rằng là đã học về kinh tế học như tôi mà tôi đi buôn chữ nghĩa thì coi như là thất bại, đại thất bại, xôi hỏng bỏng không ! Quả thực là như thế, từ hai mươi năm nay tôi sống bằng nghề viết lách theo « kinh tế thị trường » nhưng tiền vô thì ít tiền ra thì nhiều, hết cả vốn lại còn lỗ nặng. Tôi chống chế, em cho đời đấy, thế mới là bác ái là yêu người. Anh cười, thế ai yêu em ?!

Khi tôi liệt kê danh sách những khoản tiền chi tiêu cho việc hình thành một cuốn sách thì chồng tôi cũng cười, biết thế mà cũng làm ? rồi ai nuôi ăn nuôi ở cho ? ăn cơm nhà vác tù và hàng xóm à ?

Nói như vậy nhưng anh ấy biết là tôi đam mê lắm, cứ ngồi suốt ngày suốt đêm ở bàn với cái máy tính, gõ phím lóc lóc. Hễ tôi mà buông bút đứng dậy, rủ rê anh ấy chở đi chỗ này chỗ kia, đi tham khảo thì ông chồng tôi như bắt được vàng, mừng lắm vì được cùng vợ đi ra khỏi nhà, hay nhiều khi anh ấy rủ ngược lại tôi, đi chỗ ấy đi, có chuyện này chuyện kia hay lắm…để có dịp chở vợ đi chơi, đi du lịch.

Tôi còn nhớ, cách đây gần hai mươi năm, nhân dịp anh được nghỉ làm hai tuần, tôi rủ anh đi chơi…về Việt Nam. Leo lên máy bay đi, leo lên máy bay về chỉ trong vòng có hai tuần lễ, phí quá, nhưng phải chịu vậy thôi vì công ăn việc làm là trên hết.

Tôi còn tự hào là trung tâm Sài Gòn là như cái túi áo của tôi, nhắm mắt tôi đi đâu cũng trúng. (Bây giờ thì khác lắm rồi, thay đổi lắm rồi). Tôi dắt anh đánh một vòng quanh chợ Bến Thành, về trở lại đường Lê Lợi, xuống đến ngã tư Lê Lợi/Pasteur, chỉ cho anh ấy xem cái góc nước mía/khô bò Viễn Đông người ăn uống đông nghẹt, gần sát Chùa Chà có một chuồng nuôi chim bồ câu rất lớn mà má tôi cấm tôi không cho ra đó, (Chùa Chà phát xôi nếp nước dừa cho mọi người khi họ cúng, tôi và mấy đứa con nít trong xóm Pasteur rủ nhau ra đó xin ăn!), đi ngang rạp Casino, hồi đó còn vẽ hình các tài tử minh tinh màn bạc có cả Jean-Paul Belmondo trên bảng quảng cáo giăng trên cột ngang của rạp, vào hẻm Pasteur ăn tô phở Minh, vòng cửa sau căn nhà cũ thông với hẻm Pasteur của ba má tôi ra phía trước, tới góc Tòa Đô Chánh, bọc một khúc ngắn Lê Thánh Tôn, ra đường Nguyễn Huệ, ngang qua rạp Rex cũ, chỉ cho anh xem thương xá Eden, Nhà hát lớn, ra cột cờ Thủ Ngữ, bến nhà Rồng, dọc bờ sông Sài Gòn xuống xưởng Ba Son, ngang qua Sở Thú, trường Trưng Vương, chỗ hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi thẳng nhắm dinh Độc Lập mà đi, qua Nhà thờ Đức Bà, trường Taberd, Buu điện, công trường Công Xã Paris (nhìn bệ tượng Đức Mẹ, anh ấy bảo đây là bệ tượng Đức giám mục Pigneau de Behaine và hoàng tử Cảnh mà), rồi xuôi đường Công Lý, ngang qua Tòa án và dinh Gia Long, về lại Lê Thánh Tôn…tôi chỉ cho anh xem tận mắt tất cả kỷ niệm của tuổi thơ tôi nằm trong khu vực này…

Chỉ thăm Việt Nam lần đầu tiên được có hai tuần ngắn ngủi nhưng chồng tôi vô cùng hạnh phúc và rất là ấn tượng. Tôi hẹn năm sau hễ có về thì tôi dắt anh đi thăm Điện Biên Phủ, anh ấy nói « về chứ ! ».

Về lại Pháp, bỗng một cuối tuần rảnh rỗi, anh hỏi tôi « Nhà của Bá Đa Lộc ở gần đây. Em muốn đi thì anh chở đi ? ». Tôi tròn xoe mắt nhìn anh không hiểu « Bá Đa Lộc của thế kỷ trước ? », « Ừ, ông giám mục mà em kể đó ! « . Người Pháp có cách nói « à côté », « près d´ici » để chỉ khoảng cách ngắn, như cái địa danh mà anh nói « gần đây » hóa ra là hơn 200 cây số (!) nhưng đối với anh ấy là « gần ».

Thế là chúng tôi lên đường đi đến quê hương của Đức Giám mục Bá Đa Lộc, người đã có mặt trong lịch sử Việt Nam từ thời chúa Nguyễn Phúc Ánh chưa thống nhất giang sơn làm một mối. Kể lể dông dài để cắt nghĩa thời gian bắt đầu tôi đam mê viết về những sự kiện lịch sử mà tôi khám phá ra sự nguyên vẹn trinh trắng của nó, chưa ai viết về nó, những đề tài để tìm tòi, tham khảo và sáng tác.

Và cũng từ đó vợ chồng tôi bắt đầu có tốn kém cho việc viết lách của tôi. Trước hết là tiền di chuyển, tiền đường, tiền khách sạn ở lại một ngày, hai ba ngày…để đi đến những địa điểm tham quan, học hỏi, văn khố…. Chồng tôi hãnh diện khoe với mọi người rằng: « Tôi đã phục dịch vợ tôi qua gần 500.000 cây số đến nay trên đường bộ ! ». Đúng thế, hơn hai mươi năm chúng tôi đã cùng nhau vượt bấy nhiêu đó cây số đường trên đất Pháp, đốt hết một máy xe, phải mua máy khác (cũ) gắn vào.

Song song với tiền di chuyển, là tiền mua tư liệu từ những tờ giấy copy, tạp chí, sách báo….nói chung là ấn phẩm. Mỗi lần tôi tìm ra được một tiệm bán sách cũ, là bảo đảm chồng tôi bước ra với hai túi nặng đầy sách. Giá sách cũ cứ là 5, 10 đến 15 € một quyển, nhưng sách cũ, hiếm thì giá lại khác, trên trời dưới đất. Tôi mua bao nhiêu sách anh ấy cũng không rầy vì anh cũng thích sách.

Rồi máy tính và phụ tùng ! Tôi đã làm việc với máy tính từ năm 1986/87, nên với sự tiến triển, phát minh, chế tạo của thời gian đến nay thì lại càng nhiều hơn lên, nào là máy tính văn phòng, màn hình, hệ thống âm thanh, laptop, ipad, điện thoại di động, máy in, máy scan, ổ cứng….thay đổi máy móc nhiều lần, hai ba cái tủ đựng toàn là những vật liệu cũ còn dùng được, nhưng bị thải ra. Đến bây giờ thì toàn bộ hệ thống của tôi bị coi như là đã cũ, hết hợp thời, nhưng vẫn còn dùng được. Cái bàn phím tôi đang gõ lách cách cũng đã hơn hai mươi năm tuổi. Đó chỉ là nói về phần « cứng », còn về « phần mềm » thì nhiều thay đổi quá, tôi chạy theo cũng không kịp, phải đi xin xỏ, năn nỉ ỉ ôi.

Lại còn phải tính thêm phí tổn cho nhà mạng. Từ khoảng đầu tháng năm năm nay, các quảng cáo dữ tợn, hung hăng xâm chiếm tự động trang mạng của tôi, mà muốn gạt bỏ quảng cáo đi tôi phải tốn thêm tiền ! Nếu không trả tiền, thì họ liệt trang mạng của tôi vào loại « nguy hiểm », người xem trên mạng không nên vào ! Bây giờ vào mạng, trang nào cũng đầy rẫy quảng cáo gạt ra không kịp, nhỡ lướt qua nó một cái là mình đã nhảy vào….

Sau cả năm viết lách sáng tác một mạch một cuốn sách tạm ổn, tôi dần dần làm dàn trang với hình ảnh. Dàn trang cũng mình, sửa bản in cũng mình…tôi làm việc ngày nọ qua ngày kia đến mờ cả mắt vì nhìn màn hình lâu, không nhìn thấy lỗi gõ nữa.

Qua đến giai đoạn đưa đi in ở Pháp, thì hẳn là giá tính bằng euros chắc chắn là cao hơn in ở trong nước. Giá in phụ thuộc vào rất nhiều thứ: chất lượng giấy bìa, chất lượng giấy bên trong, mầu giấy, in trắng/đen hay in mầu, khổ sách, độ dày, cách đóng sách, cắt sách…. Nhà in nhận từ người đặt hàng một phiên bản đã hoàn toàn hoàn thiện, mỗi một yêu cầu thay đổi cần người chuyên nghiệp in ấn « can thiệp » phải được tình thêm tiền bằng giờ phụ trội, 75 euros HT (chưa thuế) cho một giờ. Vì thế tôi phải nhắm mắt cho qua để tiết kiệm tiền vốn khi phát hiện ra trong bản đưa in còn sót vài lỗi sơ ý không nhận ra trong khi đọc sửa bản in. Cộng thêm với giá in là giá giao hàng tận nhà.

Cầm cuốn sách mới tinh khôi, mới ráo mực, còn thơm mùi giấy, mùi mực, lại còn những phí tổn khác để gửi sách đến tay người đọc: bao bì, băng keo, bút viết, phí bưu điện, tiền di chuyển vác sách ra bưu điện. Bạn có thấy thiếu một chi tiết đáng kể không ? Nhân công ! Vì tất cả tôi làm hết, từ A đến Z, nên không có phí tổn nhân công, tôi chỉ bóc lột chính tôi.

Cái công thức của châu Âu, chuỗi dây chuyền về sách « chaine de livre », thì tác giả của tác phẩm hưởng bản quyền từ 8/10/12 %, phí tổn sản xuất in ấn 15-19%, nhà xuất bản 11-20 %, phân phối phát hành 6-10 %, phí kho, vận chuyển, hóa đơn 11-14 %, tiệm bán sách 25-38 % định nghĩa trên giá bán thực sự của cuốn sách (giá euros), áp dụng cho những tác phẩm mà số lượng nó phải là 5.000 cuốn thì mọi người tham gia chuỗi dây chuyền về sách đều có thể sống được, nhất là tác giả với tác phẩm của mình.

Tháng 4 năm 2020 bộ Văn Hóa của Pháp cho biết những con số thống kê mới nhất của năm 2018-2019:

Số tác phẩm mới xuất hiện trong năm 2019 : 68.171 tựa sách

Số lượng sách trung bình được in cho mỗi tác phẩm năm 2018: 4.732 cuốn

Số sách bán được trong năm 2019: 435 triệu cuốn

Số doanh thu trong việc bán sách 2019: 2.670 triệu euros

Số tiền các nhà xuất bản trả cho tác giả trong năm 2018: 467 triệu euros

Số lượng tác giả (đủ mọi ngành nghề) : 101.600 người

Số lượng người đọc trên 15 tuổi ít nhất một cuốn sách in: 91%

Số người lao động trong ngành in ấn, sán xuất trong năm 2015: 13.310 người

Số người lao động trong lãnh vực thương mại, tiệm sách (2015): 10.240 người

Trong số doanh thu thì tiểu thuyết chiếm 22%, kế đến khoa học xã hội nhân văn 15% và du lịch, đời sống chiếm 13%. Thống kê cũng cho biết 30 tác giả hàng đầu và tác phẩm đã bán được từ ít nhất 171.400 cuốn cho đến 1.573.700 cuốn trong năm 2019. Tác giả nghèo nhất bán được khoảng từ 300 đến 400 cuốn sách trong năm.

Con tằm tôi rút ruột nhả tơ xong rồi, làm được một hạt cát phù sa cho đời rồi, thì kiệt sức và….kiệt quệ. Một người anh lớn đi trước rất thân ái viết cho tôi những lời đậm đà chữ nghĩa làm nguồn an ủi và động viên cho tôi:  » Chờ cho đến lúc những người viết lách như chúng ta sống được bằng ngòi bút chắc phải trăm năm nữa. Mình phải sống bằng kinh tế thị trường, còn viết lách thì giống như …, vì có lãi xu nào đâu?  Đối với những người có cái nghiệp thì viết là để trả, để làm công quả, và tồn tại, j’écris donc je suis, nói triết lý cho vui. Viết còn là một sự giải trình, không viết thì không biết đi về đâu. Nếu có ai đọc và chia sẻ thì đó là một “món lợi tinh thần“ và một niềm vui. Nhưng cũng có lúc buồn khi người ta đi trên đường “thấy chân lý mà hững hờ”, nói như nhà thơ Thụy Điển Stromer. Nhưng kệ, phải tiếp tục viết nhé. Nói vui thôi. Em nhớ, viết cuối cùng cũng là hạnh phúc. Tiền em không thể mang theo khi ra đi, nhưng chữ nghĩa thì có, vì đó là tài sản của em. Đó là phần lãi vô hình của em, và cũng là phần an ủi. Có thể cũng là vài hạt phù sa cho đất nước này. » .

Chồng tôi xuống hầm, moi mấy chai rượu cũ mèm, 40 năm cũng có, đem lên ăn mừng thêm một chiến bại kinh tế với tôi khi cuốn sách mới đã ra lò, lại thêm một lần lỗ vốn, thất bại là mẹ thành công mà lị. Nếu không có chồng tôi chống lưng từ hai mươi năm nay thì tôi đã ngủm củ tỉ từ lâu, và lại còn được bạn bè chung thủy cho là hào phóng, vinh dự thay. Phần xác thì anh đã lo chu toàn đầy đủ. Chồng tôi là nhất đời ! MTT

Lòng Mẹ và Ngày của Mẹ

9. Mai 2021

Lòng Mẹ và Ngày của Mẹ – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Một trong những bản nhạc tôi mang theo trong ký ức lúc rời xa quê hương là bài hát Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân, cùng với bài hát Làng Tôi và bài dân ca Bèo dạt mây trôi….Bản nhạc Lòng Mẹ này tôi có dịp thâu thanh năm 1984, lúc tôi mang thai đứa con gái sau cùng, với hòa âm theo phong cách Pháp và tay đàn ghi ta của nhạc sĩ Phan Trat Quan (cha Việt mẹ Pháp), vì thế tôi hát « thẳng » không luyến láy.

Những bà mẹ Gio Linh, những bà mẹ Bàn Cờ, những bà mẹ đội bom đạn, những bà mẹ súng thù dí vào thái dương, những bà mẹ chất độc da cam, những bà mẹ gánh gồng buôn thúng bán bưng….đằng sau một một người đàn ông hay một người đàn bà hy sinh xương máu là có một người mẹ khóc con trong âm thầm lặng lẽ, thậm chí mẹ khóc nhiều lần cạn cả nước mắt…Đó là hình ảnh những bà mẹ tôi đem theo trong hành trang khi tôi ra đi, đất nước còn chìm đắm trong chiến tranh…

Năm tháng qua đi, tuổi già chồng chất. Ngày xưa mẹ hay nói, khi nào con có con thì con sẽ hiểu….Đúng như thế, khi đứa con gái trở thành một người mẹ, thời gian mang bầu chín tháng mười ngày rồi sinh nở trong đau đớn cùng với niềm vui chào đón đứa con mới ra đời, gái hay trai gì cũng quý, miễn là nó khỏe mạnh, bình thường là mừng lắm rồi, đi vào con đường đầy chông gai của mẹ mình đã đi qua…, đó chỉ là mới bắt đầu…Cứ thế, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia…những hy sinh, những thiệt thòi từng giờ từng ngày từng tháng từng năm của những người mẹ trên khắp thể giới vẫn chỉ là thầm lặng của bản thân để cho sự sống lên mầm ra hoa kết trái. Nói sao cho đủ, viết sao cho hết. Tôi không giận những người đàn ông chỉ biết vinh danh giới mình, chỉ nói về anh em mình, dẫm đạp lên một nửa thế giới, một nửa loài người, vì may mắn thay còn có những người đàn ông biết nghĩ khác. Sáng nay, chồng tôi nói, ngày nào mà trái đất chỉ còn có một người đàn ông và một người đàn bà là còn sự sống, y hệt như Adam và Eve trong Kinh Thánh xa xưa…

Hôm nay, một ngày xuân nắng ấm rất đẹp trên đất Pháp, sau giờ trưa, chồng tôi hái ngoài vườn cho tôi vài nhánh hoa Flieder mầu tím thẫm vừa mới nở,…tôi mở máy nghe lại bài hát Lòng Mẹ, bài hát để tạ ơn mẹ của tôi, sau gần 40 năm với bụi thời gian. Đứa con gái ngày xưa nay đã lên lão, tháng năm này đã bước vào tuổi 70, mẹ ơi. Tôi vẫn nhớ về mẹ, về ba với tất cả tình yêu thương trong sáng của tuổi 18 ngày nào. Không phải chỉ riêng trong Ngày của Mẹ ở Đức hay ở Pháp. MTT

Sách mới: Vua Duy Tân, Prince d’Annam Vinh San. Duyên nghiệp 29 năm lưu đày, 1916-1945, trên đảo La Réunion. ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

9. avril 2021

Ngày phát hành chính thức: 20.04.2021

Đặt sách : info@mttuyet.com

Sách mới: Vua Duy Tân, Prince d’ Annam Vinh San. Duyên nghiệp 29 năm lưu đày, 1916-1945, trên đảo La Réunion. ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Về vua Duy Tân, các tác giả tiền bối đã viết nhiều, nhất là giai đoạn trước năm 1916, trước khi vua Duy Tân lên đường đi đày. Các cụ có nhiều lợi thế, vì biết chữ Hán và gửi người ở Pháp, sang Pháp lục lọi trong văn khố, tìm tư liệu rồi dịch ra tiếng Việt, công ấy nhiều lắm. Tôi chỉ có cái lợi thế là tôi thuộc lớp đàn em, lại sống ở Pháp, biết cảnh biết người, đặt những điều mình viết vào hoàn cảnh sống thực tế. Con tôi cũng hỏi, tại sao tôi lại quan tâm đến một ông vua trong quá khứ. Có điều gì đó thôi thúc tôi viết về vua Duy Tân, ngoài những yêu cầu của một vài báo chí trong nước. Sức không đóng góp được kiến thức về khoa học kỹ thuật cho đời, tôi mạo muội viết một cuốn sách theo tinh thần Nguyễn Du « Mua vui cũng được một vài trống canh » để truyền đạt đến độc giả những gì tôi biết về vua Duy Tân, hầu lấp một vài chỗ trống trong cuộc đời ngoại lệ một vị vua triều Nguyễn. Người ta hay nói, phụ nữ hay thiên về tình cảm, tay viết của tôi cũng không thoát khỏi định kiến ấy, sự phán xét cuối cùng tất nhiên là quyền của độc giả.

Kẻ thù và bè bạn

Đặt vua Duy Tân vào vị trí của nhà vua khi đi đày ở vào năm 1916, đầu thế kỷ thứ 20, vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, tiếp xúc với người dân bản xứ ! Triều đình nhà Nguyễn đã giáng vua Duy Tân xuống trở lại làm hoàng tử Vĩnh San khi truất phế vua, và nhà vua lên đường đi đày với cái tên: Prince d´Annam Vinh San. Có cơm có canh mà ăn không ? Mối duyên nợ với bà vợ trẻ, tiểu thư con quan, không yêu mà mới cưới có mấy tháng tan vỡ nhanh chóng như bọt xà bông. Rồi bà công chúa Vinh San ấy về Huế, cô gái 17 tuổi đó lên tàu một mình trở về. Duy Tân, 16 tuổi, ở lại một mình, không bao giờ gặp lại. Đang yên ấm trong tháp ngà với kẻ hầu người hạ, chàng thiếu niên 17 tuổi ấy bỗng dưng tất cả phải làm một mình, để sống trong một xã hội thu nhỏ hoàn toàn xa lạ với mình, với tiếng thổ ngữ của người nô lệ créole. Trải nghiệm đó cũng là một nhức nhối, cay đắng trong đời nhà vua, đồng thời có những hậu quả sau này. Các con của vua Duy Tân đều phải mang họ mẹ, vua Duy Tân không được lập hôn thú chính thức với một người phụ nữ nào khác vì bà Mai Thị Vàng chống đối lại yêu cầu ly dị của nhà vua. Mãi đến khi vua Duy Tân tử nạn thì các con mới được phép đổi tên mang họ cha. Nhưng vì không thông hiểu cách đặt tên cầu kỳ của nhà Nguyễn, vua Duy Tân có 4 tên, nên các con vua Duy Tân mang tên húy của vua làm họ: Vinh San, gây ra không ít rắc rối.

Điều làm cho nhà vua, sau một thời gian ở đảo ý thức ra là sự đi đày của mình vô hạn định, tới chết mới kết thúc. Bản án đày ải của triều đình nhà Nguyễn và chính quyền thực dân thuộc địa dành cho hai vua Thành Thái-Duy Tân dần dần bộc lộ sự dã man thâm trần của nó: không một người thân được đi từ Huế sang đảo, không một người thân được từ đảo trở về Huế. Ý thức này làm cho nhà vua vùng lên, xông tả xông hữu, tìm mọi cách để chấm dứt cảnh đi đày cho mình và cho gia đình mình. Xin lấy vợ bản xứ người Pháp, xin nhập quốc tịch Pháp, xin về ở Paris…tất cả những cái „xin“ ấy đều bị bác bỏ, Đời sống nhà vua trên đảo tiếp tục bị theo dõi, lập hồ sơ.

Kẻ thù của vua Duy Tân là ai ?

Cái triều đình An Nam xênh xang áo mũ là một. Những ông quan đại thần chỉ lo cho vinh quang phú quý của chính mình. Cái hội đồng hoàng tộc ở Huế là hai. Tị nạnh, ghen ghét, không ưa gì hai cha con Thành Thái-Duy Tân, sợ vua làm quá thì liên lụy đến cả nhà. Cái chính phủ bảo hộ thuộc địa Pháp là ba, muốn giữ uy quyền và quyền lợi của giới tư bản đang khai thác các mỏ khoáng sản, các đồn điền cao su, trà, cà phê…, các vận chuyển hàng hóa xuất nhập như tơ lụa, gia vị, gỗ quý, trầm hương…tấp nập. Cái bộ Thuộc địa ở Paris nhiều uy quyền là bốn. Cái „phòng nhì“, cơ quan an ninh và tình báo Pháp, nguy hiểm là năm.

Năm kẻ thù nặng kí đè lên số phận đơn thân độc mã của Duy Tân, một „ông vua nhõng nhẽo“ theo lời quan toàn quyền Pháp.

Bộ máy hành chánh đô hộ thuộc địa chỉ hoạt động được khi nó đàn áp, kiểm soát, đè nén các dân tộc bị đô hộ. Các quan thuộc địa, toàn quyền, khâm sứ…đúng là có toàn quyền để đặt những ông vua bù nhìn và một hệ thống cai trị bản xứ làm tấm bình phong để mà cai trị cho dễ dàng. Trong mắt thần dân, những ông vua bị đi đày biệt xứ là những ông vua yêu nước.“

Rồi đến Phan Bội Châu, Trần Cao Vân và Thái Phiên, những chí sĩ anh hùng chống Pháp của lịch sử Việt Nam cũng đẩy vua Duy Tân vào thế kẹt. Không phải là nhà vua không yêu nước. Nhưng chính vì điểm này mà nhà vua tự trói mình nộp mạng, một thiếu niên đang lớn, bị kích động bởi tự ái và danh dự, mặc dù nhà vua đã lượng trước được là mình đang đối mặt với cái chết và thất bại vì lưới của „phòng nhì“ giăng mắc khắp nơi. Tôn Quang Phiệt đã nhận định về cụ Phan Bội Châu:

… Con đường cụ đi là con đường cách mạng, chứ không phải là con đường cải lương, mà đã làm cách mạng thì phải dùng gươm súng diệt kẻ địch, nên người nào còn cầm gươm súng đánh giặc thì cụ còn coi là đồng minh của mình 1, …lập đảng bảo hoàng không đi đến kết quả, cụ chuyển sang chủ nghĩa dân chủ….»2

Và tác giả nhận định:

….Như thế, chẳng qua Phan Bội Châu sử dụng về mặt chính trị vua Duy Tân cũng như một lá bài đồng minh trong một giai đoạn nhất thời. Vua Duy Tân đã thiếu sáng suốt ở điểm này, cuộc khởi nghĩa Thái Phiên và Trần Cao Vân chỉ mời và đưa vua Duy Tân ra làm tấm bình phong, thực sự các ông không còn bảo hoàng nữa, không còn tôn vua, hy sinh vì vua và muốn cứu nền quân chủ nữa, mà đã chuyển hướng tư duy sang một chế độ dân chủ mới mẻ hơn, xa lạ hơn. Mà vua Duy Tân niên thiếu lại thấy mình có bổn phận, trách nhiệm với tiền nhân, muốn đòi uy quyền thực sự làm vua của một nước, không làm bù nhìn, thương yêu đồng bào của mình và không muốn mang tiếng là hèn nhát. Hai bên, vào thời điểm ấy, đồng thuyền nhưng thật ra không đồng mục đích, hiểu lầm tình thế và thời thế, để cùng đi đến thất bại…..“

Vua Duy Tân đã thực lòng hy sinh hạnh phúc riêng, mối tình giữa nhà vua và tiểu thư Hồ Thị Chỉ vì công việc. Lại còn cay đắng hơn, khi biết người mình yêu phải làm vợ vua Khải Định.

Còn những người bạn của vua Duy Tân là ai ? Khi ra đi và đến đảo, nhà vua không có lấy một người bạn. Thủ thế, ít nói và e ngại tất cả. Đó là tâm trạng đầu tiên của vua Duy Tân, nhìn đâu cũng sợ người ta hại mình. Duy Tân sống đơn độc khá lâu. Dần dà Duy Tân có những người bạn cùng trang lứa, làm quen và yêu những cô gái ở đảo. Hãy nghe một người bạn thân trên đảo La Réunion tả tính cách của Duy Tân:

….Với một người đối diện mà ông không quen biết, ông rất kín đáo trong lời nói, nhưng khi ông gặp gỡ bè bạn, thì ông lại là người bạn đồng hành dễ chịu hơn hết cả, ông trở nên vui vẻ hồn nhiên, dễ chịu, hóm hỉnh, vui vẻ cười một câu chuyện cười hay, một cách chơi chữ hài hước hay một trò đùa, ông đã rời khỏi mọi sự ràng buộc, và nếu trong một cuộc trao đổi nghiêm trang, ngôn ngữ của ông vẫn trau chuốt, ngược lại, trong vòng thân mật, ông trút bầu tâm sự một cách tự do, nói chuyện với một sự sỗ sàng nhất định, sử dụng từ ngữ lóng hay tiếng bản xứ, đôi khi tống ra những từ ngữ phẩm chất chính xác và rất rõ ràng, hay đôi khi ông có những phản ảnh rất hài hước (vì ông rất thông minh và rất dí dỏm), nhưng không bao giờ rơi vào sự thô lỗ hay thậm chí dung tục và càng ít hơn nữa là một sự độc ác, luôn luôn tránh làm phật ý hay xúc phạm ai, chạy trốn lời vu khống hay ác khẩu, nhưng luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ và làm vui lòng….”

Và một mái ấm gia đình với bà Fernande Antier, nơi vua Duy Tân tìm sự an ủi và tình yêu thương của các con. Những mất mát vì đói kém, bệnh tật, bão biển, thiếu thuốc men vua Duy Tân cũng đã trải qua bằng sự qua đời quá sớm của bốn người con lần lượt. Vua Duy Tân không hề than van về nỗi đau khổ ấy của một bậc cha mẹ. Người con gái lớn nhất là Suzy và cũng là duy nhất trong lúc vua Duy Tân còn sinh thời được vua đặc biệt yêu thương. Có thể nói, vua Duy Tân là một người cha lý tưởng, nghiêm nghị nhưng giầu tình thương, lo lắng, săn sóc con cái, để ý cả đến những cái “mốt” ăn mặc cho phụ nữ, thậm chí lấy làm tiếc là lương tháng trong quân đội của ông không đủ để mua một cái sắc đầm làm quà cho con gái. Những chi tiết rất thực với đời thường này, làm cho người đọc gần gũi với một vì vua nhà Nguyễn hơn hết cả. Hãy nghe Claude Vĩnh San, con thứ của vua Duy Tân tả khung cảnh sống thường ngày trong gia đình:

… Mẹ tôi cũng như tất cả phụ nữ khác trên đảo, rất yêu mến những khoảng không gian có hoa. Phía trái, gần nhà để xe, mẹ tôi trồng cây thành bục những cây dương xỉ, cây đuôi chồn. Ngay cả dưới mái hiên rộng mở phía trước nhà, là một kiến trúc điển hình của nhà ở đảo, bên cạnh những cái ghế dựa bằng mây, ngự trị trên những cái bàn nhỏ cao là những cây xanh, cây khoai môn và cây đuôi chồn. Tất cả những thứ ấy tạo ra không gian tươi tắn và làm cho căn nhà dễ chịu hơn lên. Trong khoản sân sau, cha tôi cho dựng nên một cái chuồng chim lớn, cũng là nơi nuôi gà, vịt. Còn nhỏ chúng tôi vào cả bên trong chuồng để chơi đùa. Tôi còn nhớ những con rùa đất, chúng dạo chơi trong sân, và các anh em tôi nghịch bắt chúng bỏ vào một cái bồn đựng đầy nước, mà chúng tôi thường tắm trong đó. Ngôi nhà nhỏ thường bị đánh thức dậy từ sáng sớm bởi những tiếng sủa không đúng lúc của Friquette, một con chó bẹc giê đức, giống chó mà cha tôi rất yêu thích… „

Bạn của ông cũng là người cùng chiến đấu trong kháng chiến chống Đức quốc xã với ông. Ông là người đến với quân đội kháng chiến Pháp một cách vô tư, và họ làm chứng cho sự dấn thân của ông:

Trên đảo La Réunion, ngày 18.06.1940, khi hoàng tử Vinh San nghe từ đài BBC giọng nói của một vị tướng đọc lời kêu gọi qua làn sóng điện, câu nói : « Ngọn lửa kháng chiến Pháp không thế dập tắt và sẽ không bao giờ tắt… » đã chạm vào trái tim ông, và ông kêu lên : De Gaulle ? ? Tôi đã nghe cái tên này ở đâu đó…Nhưng bất kể ! Dù cho người ấy có què một chân, phải đi theo ông ấy ! »

Georges Vĩnh San, con trai trưởng của vua Duy Tân, đã bình luận cái quyết định theo kháng chiến Pháp chống lại Đức-Nhật-Ý trong Đại chiến thế giới lần thứ hai như sau:

…Tôi nghĩ rằng, trong suy luận của cha tôi, tướng De Gaulle phải đi vào kháng chiến chống quân Đức quốc xã đang chiếm đóng nước Pháp, cũng như Ngài phải đi vào kháng chiến chống chính quyền thực dân Pháp bảo hộ tại Việt Nam, thì cả hai đều cùng có một chí hướng yêu nước như nhau….“

Hoàng tử Vinh San không ngại sức khỏe, thức đêm ngủ ngày, để „vào trận“ mà không ai bắt buộc ông phải làm. Một người bạn chiến đấu ghi lại:

….Chúng tôi cảm thấy sự theo dõi của cảnh sát trở nên thực sự chặt chẽ, nhất là đối với tôi, với người mật thám gần nhà để xe. Vậy thì đi đâu ? Cả hai chúng tôi đều không muốn đầu hàng bằng cách khóa miệng máy truyền tin của chúng tôi.

Vinh San nghĩ đến cái nghĩa địa ở phía Đông, hướng ra biển. Chúng tôi có thể truyền tin từ một cái huyệt trống. Ý tưởng này tốt. Ban đêm, quả thật, người ta tránh đi thăm nghĩa địa vì mê tín dị đoan hay niềm tin. Chúng tôi suy nghĩ một thời gian về khả năng này. Nhưng chúng tôi phải từ bỏ nó, vì cách nghĩa địa des Volontaires, Salaune đã đặt một gác canh. Và ba cái cổng của nghĩa địa phía Đông đều đóng cổng từ lúc 6 giờ tối bởi người gác nghĩa địa ở ngay phía trước. Nếu muốn xâm nhập, thì phải leo tường cao hơn 2 thước tây. Vào nghĩa địa bằng hướng biển ? Chúng tôi không thể vì gác canh, và hơn nữa, bãi đá thì quá dài từ nhà ga cho đến nghĩa địa. Chúng tôi tìm một giải pháp khác…..“

(Salaune là tên một nhân vật của chính quyền đảo theo Pétain)

Và hoàng tử Vinh San đã đem khả năng truyền tin vô tuyến điện của mình để giúp con tàu Le Léopard đến tiếp thu đảo La Réunion. Sự kiện này khiến hoàng tử Vinh San bị bắt giam ngay lập tức bởi chính quyền theo phe Pétain của đảo, lệnh được ký bởi thống đốc Pierre Aubert, người sau này còn có khả năng và điều kiện để hại hoàng tử. Lòng yêu khoa học kỹ thuật, mơ ước những nhà máy mọc lên trên quê hương, mơ ước sự phát triển của một thành phần nông dân tay cầy tay cuốc trở thành những công nhân xây dựng tổ quốc….và khả năng nhìn thằng vào thực tế làm cho vua Duy Tân có một tầm nhìn khác hằn những vị vua khác của nhà Nguyễn.

„….Nếu hoàng tử Vinh San không nản chí phấn đấu tìm kiếm một lối ra cho mình, nếu hoàng tử chìm đắm trong tuyệt vọng như đã thổ lộ với em là Vĩnh Chương trong một lá thư gửi từ Rottweil bên Đức vào tháng 9 năm 1945, hoàng tử Vinh San còn nêu lên hoàn cảnh sống khó khăn của mình : « Em biết không, trong những năm sau cùng gần đây, anh không thể làm được việc gì cho em, tại vì những ý nghĩ về cái chết của anh mà anh bắt buộc phải làm việc cho những đứa con anh…. » ?

Sự bền bỉ và tấm lòng trong sạch của vua Duy Tân

Viết về vua Duy Tân tôi thấy nổi bật lên hai đức tính: bền bỉ, nhẫn nại, chịu đựng và dù nghèo nhưng không tham vật chất, tiền bạc. Điều rất đáng ngạc nhiên, vì đã là „vua“ thật sự, đã sống trong một khung cảnh hoàng tráng, kẻ hầu người hạ, không hề lo nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền cho bản thân, „sướng như vua“ chẳng đã là một câu nói thông dụng trong tiếng Việt. Thế mà, trong điều kiện sống với con người, với những đe dọa của thiên nhiên như bệnh tật, bảo biển, thiếu ăn thiếu mặc và những đe dọa từ chính quyền thực dân cai trị đảo, hoàng tử Vinh San đã làm tất cả để kiếm tiền nuôi con: làm nài ngựa ở trường đua, biểu diễn nhạc, sửa chữa máy radio, máy chiếu phim…, làm đồ chơi bằng gỗ, đi câu cá để cải thiện bữa ăn….và dạy con, phải sống bằng chính năng lực của mình.

Không tham tiền, hoàng tử Vinh San đã đánh bật sự chào đón của đám tình báo Anh quốc với 30 triệu quan Pháp để vua Duy Tân từ bỏ ý định trở về quê hương, mà đó lại là hoài bão duy nhất của nhà vua. Vua Duy Tân có phải là lá bài của De Gaulle hay không ? Gia nhập kháng chiến Pháp, theo De Gaulle, hoàng tử Vinh San, một người, là vua của một nước, đã từng đeo Bắc đẩu bội tinh hạng 4 của Pháp, mà chấp nhận nhập ngũ với hạng „binh nhì“ truyền tin. Tướng Lelong vì thăng chức cho hoàng tử lên „chuẩn úy dự bị“ mà bị bộ Thuộc địa Paris khiển trách nặng nề vì tội „lạm dụng chức vụ“ và hăm họa lột lon tướng của ông. Hãy đọc một đoạn mà người đọc cảm thấy xót xa cho thể trạng sức khỏe của nhà vua:

Đến khi xảy ra vụ 1.500 lính Đông Dương ở Cap de Moramanga, cách Tananarive khoảng 100 cây số, nổi loạn, từ chối không chịu phục vụ ai hết dù Anh, dù Pháp, dù theo Pétain hay theo De Gaulle, tướng Lelong nảy ra ý đem hoàng tử Vinh San đi thuyết phục đám lính nổi loạn. Nhưng các sĩ quan đều phá ra cười khi trông thấy một anh hạ sĩ, mảnh khảnh, đầu đội một cái kê pi to quá khổ mà chỉ có hai cái tai nhô ra để giữ lấy nó không rớt xuống vai, mặc bộ quần áo kaki cũng to quá khổ, đôi giầy nhà binh cũng to quá khổ, lại đeo một cái túi dết chéo ngang qua, thật là một người lính quèn, không thể trình diện hoàng tử, cựu hoàng của những người lính già, những hạ sĩ quan Đông Dương như thế được. Tướng Lelong phải phong cho hoàng tử lên chức « aspirant », chuẩn úy tập sự, ngay lập tức, nhưng sau đó ông bị khiển trách nặng nề bởi bộ Thuộc địa vì « lạm dụng » chức vụ và hăm dọa sẽ lột lon ông ! Chuẩn úy Vinh San được một bộ quân phục vừa vặn hơn, đàng hoàng hơn, và ông thuyết phục với tài ăn nói rất điêu luyện được mọi người cảm mến tuân theo lệnh và cầm lại vũ khí vào hàng ngũ.“

Tướng De Gaulle sau đó ký sắc lệnh liên tiếp để thăng trật cho hoàng tử Vinh San, bậc sau cùng trước khi hoàng tử Vinh San tử nạn là cấp bậc thiếu tá chỉ huy.

Một cựu thượng sĩ tên là Lê Duy Lương, thông ngôn cho tiểu đoàn lính thợ O.N.S (không chuyên môn) ở Madagascar, kể lại:

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với Cựu hoàng, tôi có hỏi Ngài như sau: Tại sao Ngài không lập một chính phủ lâm thời để hoạt động cho danh nghĩa Việt Nam ? Ngài đáp: „ Chúng ta không có một tấc sắt trong tay, một đồng tiền trong túi. Trong hoàn cảnh này, chúng ta phải nhờ cậy nước Pháp trước đã. Về phần tôi, tôi không muốn trở lại ngôi báu mà chỉ muốn làm một chiến sĩ mà thôi. Sau này, khi nước nhà đã được giải phóng, đã được độc lập, ai muốn làm vua làm chúa gì, sẽ do quốc dân quyết định bằng bầu cử. “ 3

Người ta thấy lấp lánh thái độ đối xử của một bậc đế vương trong mọi tình huống và dần dần tiến về con đường dân chủ cho đất nước dân tộc. Cuối cùng nhà vua đã đạt được một mục đích của đời mình, với sự trợ giúp của tướng De Gaulle, dù nước Việt vẫn còn trong chế độ bảo hộ thuộc địa Indochine: Pháp phải chấm dứt bản án đi đày biệt xứ vô thời hạn của triều đình An Nam và chính quyền cai trị thuộc địa Đông Dương áp đặt lên cả hai gia đình vua Duy Tân và vua Thành Thái. Và từ năm 1945, cái tên nước Việt Nam được sống lại, không còn bị cấm đoán và chỉ được xử dụng cái tên « Indochine française » nữa.

Và cuộc hội kiến nhiều mong đợi với tướng De Gaulle ngày 14.12.1945 đã đem lại cho vua Duy Tân những gì ? Tất cả mọi kẻ thù của cả hai người đều vểnh tai nghe ngóng. Với một cái quyết định cuối cùng như thế là chuyện tình cờ tai nạn của một chiếc máy bay rơi trên bầu trời Trung Phi ngày 26.12.1945, chỉ mười hai ngày sau cuộc hội kiến. Rồi tướng De Gaulle cũng rời chính quyền ngày 20.01.1946, chưa đầy một tháng sau đó. Cuộc chiến chống Pháp đã bắt đầu và kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ năm 1954 và Pháp phải từ bỏ mộng chiếm lại Việt Nam bằng vũ lực, rút hết quân năm 1956, chấm dứt công cuộc viễn chinh đô hộ gần 100 năm.

Là một tản mạn lịch sử, những dòng chữ theo gót chân hoàng tử Vĩnh San đi đày đến đảo 29 năm, sống một cuộc đời „nó làm cho ta đau khổ nhưng không làm cho ta xấu hổ“ rất đúng nghĩa như lời vua Duy Tân nói, nhà vua có niềm vui khi đi vào kháng chiến Pháp chống lại Đức-Nhật-Ý, một cách chống lại sự tiếp quản của quân Nhật trên quê hương, qua đảo Madagascar, đến Paris, đi sang Đức, rồi rớt máy bay ở Cộng hòa Trung Phi, nằm trong lòng đất châu Phi 42 năm sau mới được một mình trở về cố đô Huế an nghỉ ngàn thu…Cái nghiệp của nhà vua quá nặng, nhưng sau vua Tự Đức, vua Duy Tân là vị vua xứng đáng nhất của triều đại nhà Nguyễn. MTT

1Tự phê phán, trang 25

2Tự phê phán, trang 23

3Hồ sơ Duy Tân, Hoàng Trọng Thược

Sách mới: Vua Duy Tân – Prince d´Annam Vinh San, Duyên nghiệp 29 năm lưu đày 1916-1945 trên đảo La Réunion

16. mars 2021

Vua Duy Tân, Prince d´Annam Vinh San – Duyên nghiệp 29 năm lưu đày, 1916-1945, trên đảo La Réunion

Khổ sách A5, 319 trang, tiếng Việt, với 111 hình ảnh

Ngày phát hành: tháng tư năm 2021

ISBN: 978-2-9536096-3-9

Giá 25€

Đặt sách:  info@mttuyet.com

Sách nộp lưu chiểu ở Thư viện Quốc gia Pháp BNF và xuất bản ở Pháp

Từ dạo có mạng Internet dần dà xuất hiện trên truyền thông quốc tế hình ảnh của một vì vua bé con ngập lụt trong bộ mũ áo triều phục lộng lẫy ngày lễ đăng quang của Ngài ở một đất nước xa xôi, ở một thời khắc xa xôi của quá khứ dưới thời Pháp đô hộ để trở về trong trí nhớ và ý thức của nhiều người. Đó là vua Duy Tân trong thời Việt Nam bị Pháp đô hộ.

Vua Duy Tân đăng quang lên ngôi vua lúc 7 tuổi năm 1907, bị truất phế rồi bị Pháp và triều đình An Nam bắt rời khỏi đất nước của Ngài để đi đày ở một hòn đảo chơ vơ giữa biển khơi của Ấn Độ Dương cách Paris 10.000 cây số mang tên La Réunion từ lúc nhà vua mới 16 tuổi, năm 1916.

Hai mươi chín năm sau vào đúng ngày Giáng Sinh 1945 vua Duy Tân, trong bộ quân phục của France-Libre, tử nạn máy bay trên bầu trời Trung Phi trên đường từ Paris về đảo La Réunion thăm gia đình, dự tính trước khi cùng tướng De Gaulle trở về cố hương trễ nhất vào tháng 3 năm 1946.

Để rồi, sau bốn mươi hai năm an nghỉ trên một đất nước Phi châu còn xa lạ hơn nữa, hài cốt vua Duy Tân được bốc lên hồi hương về lại Huế năm 1987. Một mình. Vợ, con lưu lạc ở Pháp và ở đảo La Réunion. Một số phận, một cuộc đời của một vị vua nhà Nguyễn thời cận đại kêu gọi sự tò mò của độc giả và những thế hệ sau.

L´empereur Duy Tan – Prince Vinh San

Le tragique destin de 29 ans d’exil, 1916-1945, sur l´ile de la Réunion

Format A5, 319 pages, texte en Vietnamien, 111 images

ISBN: 978-2-9536096-3-9

Prix 25€

Date de parution : en Avril 2021

Commande : info@mttuyet.com

Depuis longtemps l´image d´un roi-enfant, submergé dans sa robe d’apparat et sa couronne, d´un pays lointain et son passé glorieux, court dans le monde, rappelle les gens curieux de son nom et pose des questions sur la vie et le décès de ce roi: Duy Tan.

Né en 1900 à Hue, fils de l´empereur Thành Thái, couronné empereur à 7 ans, déporté par la France coloniale et par la Cour d´Annam après une révolte avortée, en exil à 16 ans, loin et isolé de son pays, à perpétuité, sur l´île de la Réunion, mourrait dans un accident d´avion à 45 ans. Oublié ensuite 42 ans dans sa tombe à M´Baiki en Afrique Centrale, cet empereur d´Annam, connu depuis sa déportation aussi sous son nom propre de prince : Vinh San, est finalement revenu, seul, sur sa terre natale à Hue en 1987.

Tant de compassion pour la vie d´une personne historique et d´un héros national. Ce livre essaie de tracer sa vie d’exilé sur l´île, sa vie privée, femmes et enfants, son engagement comme résistant, puis soldat de deuxième classe, radio-télégraphiste pour la France-Libre durant la deuxième guerre mondiale, sa sortie d’exil avec l´aide du général De Gaulle, son entretien historique avec le général De Gaulle et sa mort tragique, 14 jours après l´entretien, le 26.12.1945 dans un accident d’avion òu plane un soupçon d’assassinat qui aurait entravé une issue pacifique du conflit indochinois, car gardé longtemps en secret.

Vẽ tranh

3. mars 2021

Triển lãm ở Villers-Cotterêts, cái nôi của ngôn ngữ Pháp hiện đại

Vẽ tranh – Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Nhân cuộc triển lãm ảo, bạn quý thì quan tâm thăm hỏi, gợi cho tôi viết một bài về công việc vẽ tranh. Đó là một „thú tiêu khiển“ khá tốn kém, nếu bạn không sống bằng nghề vẽ tranh.

Cũng còn tùy theo hình thái nghệ thuật: sơn dầu, acrylique, mầu nước, phấn mầu, hay aquarelle, mực tàu, mực dành cho gốm sứ…., và tùy theo vẽ trên gì: giấy bằng coton, bản gỗ, khung căng vải, giấy bản thưởng, gốm sứ ….mà mức độ tốn kém khác nhau. Những nguyên liệu làm bằng thiên nhiên tất nhiên đắt tiền hơn những thứ người ta sản xuất đại trà bằng chất hóa học.

Trước khi vẽ, có người thường thử các hình thái nghệ thuật rồi mới chọn một thứ, có người thì xăm xăm từ đầu biết mình chỉ sử dụng được một, hai loại mà thôi. Tôi là cái đứa tò mò, cái gì cũng thử, má tôi la rầy hoài, cái gì cũng „xía“ vào thì chẳng nên cơm nên cháo gì đâu, một nghề cho giỏi thì mới làm nên sự nghiệp được, cứ coi như cô Bé Ký, chỉ có mực tàu và giấy bản. Má tôi nói thật là đúng, tôi không làm việc gì đến nơi đến chốn, tự trách mình như thế. Trời ơi, có ai có được cái tài thiên phú như Bé Ký, đặt bút xuống là xong ngay một hình vẽ rất đẹp. Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, cô Bé Ký có khi bán tranh ở đường Lê Lợi, tôi chạy chơi loắng quắng ở phố nhà, ngã tư đầu này là Pasteur/Lê Lợi, đầu kia là Pasteur/Lê Thánh Tôn, một khúc ngắn ngủn là cả một tuổi thơ của tôi, rồi ngồi lê la chồm hổm dưới đường xem tranh của cô không muốn về nhà. Năm 1987 tôi về nhà tìm lại họa sĩ Bé Ký thì bà đã chuyển sang vẽ tranh sơn mài, nhiều bức đẹp bán cả ngàn đô, tôi không có tiền mua, chỉ mua một chục bức mực tàu trên lụa và đặt một tấm tranh mực tàu trên lụa khổ lớn.

Tôi có bà bạn người Pháp, bà cũng chỉ „đụng vô“ aquarelle và bút vẽ, nhưng bà tận dụng nó, biến nó thành nghề nghiệp kiểm tiền. Bà dùng bản vẽ của mình để chụp ảnh vi tính, rồi từ đó bắt ông chồng, một chuyên viên vi tính, sản xuất ra cho bà những sản phẩm như in trên giấy, in trên sành sứ. Bà xây hẳn cái hàng hiên thành xưởng sản xuất: tách, đĩa, thiệp, giấy viết thư…và cái nhà để xe thành chỗ chứa vật dụng. Sau này bà thử nghiệm nhiều lần rồi chuyển sang vẽ tranh acrylique theo yêu cầu của khách hàng. Tôi và cái đấng ông chồng không có can đảm làm như thế chỉ vì mỗi người có ….nhiều sở thích riêng ! Chồng tôi chỉ ham làm những việc nặng như xây nhà, sửa máy xe, lắp ráp xe…cũng toàn là những „thú vui“ tốn kém cả. Anh ấy hì hục suốt mấy năm trời để lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe jeep của quân đội Pháp, từng con ốc, từng cái bù lon đều mua nguyên bản chính ! Bây giờ, lại thêm một cái máy khác đang chờ đợi được hoàn chỉnh tiếp.

Trở lại chuyện của tôi, thử hết các thứ rồi, tôi mới quyết định chọn cho mình vẽ bằng sơn dầu trên vải. Trước khi vẽ bức tranh đầu tiên, tôi đi mua các thứ. Mua cọ vẽ, vì tôi không thích vẽ bằng „dao vẽ“, thì phải mua nhiều cỡ cọ từ nhỏ tí cho đến to bản, 10 cái không đủ, 20 cái cũng chưa đủ, 30 cái thì vừa đủ…cho đến cả 50 cái cọ ! Mà cọ bằng gì ? Thường là lông heo, cứng…hoặc là lông những con thú khác mềm mại hơn, nhuyễn hơn. Mua mầu, cũng thế. Ở nước ngoài thì kiểu cách pha chế như hồi tôi học ở Việt Nam, pha bột mầu nguyên chất với dầu lin, mất nhiều công sức, chai lọ lỉnh kỉnh, dầu đủ loại, cho nên một thời gian sau, khi đã vẽ hăng, tôi đổi sang mầu ống, đắt tiền hơn nhưng được cái tiện lợi, dễ dàng cho việc sáng tác. Một ống màu nhỏ, tùy theo mầu mà giá cả khác nhau, mầu đỏ làm bằng máu của thú vật là đắt nhất, giá cách đây mấy mươi năm là đã 250 DM một tuýp, các màu xanh là mầu làm từ khoáng sản cũng đắt, mầu tương đối rẻ là mầu làm từ đất, từ nâu đậm đến vàng đất. Nhiều nuances (sắc mầu) được pha sẵn, người vẽ pha, trộn thêm nữa thì đạt được độ tình nhuyễn của mầu sắc cao hơn. Trình độ bảo quản mầu sắc cũng tốt hơn, có hiệu bảo đảm đến hàng trăm năm không đổi mầu, không rạn nứt.

Đến mua khung. Việc này mới khó, vì phải biết cách đóng khung, biết cách căng vải. Khung, căng không đúng cách thì ôi thôi, mỗi góc một cường độ căng khác nhau, cái khung bằng gỗ cứ „vênh“ lên, tháo ra tháo vào mãi mà nó cứ vênh ra, hay chùng lùng bùng ! Tôi tìm ra một ông họa sĩ khó tính, kiêu ngạo nhưng thất thời, lối vẽ tranh của ông không được ưa chuộng, ông bán tranh không được, bèn xoay sang bán vật liệu vẽ tranh kiếm sống. Khung tranh của ông thì tuyệt hảo, các cây gỗ thẳng, không cong, đóng thành khung, vải bố căng lên, vì ông có sức mạnh để kéo vải, đều và phẳng căng. Tôi mê cái cửa hàng nho nhỏ của ông, nhưng đầy ắp vật liệu vẽ tranh lên đến nóc, cứ hai ba ngày tôi lại mò đến đem tiền để dành đến nộp cho ông để đổi lấy mầu, lấy cọ, lấy khung vải….Một cái khung vải theo khổ tôi muốn vẽ, khoảng 50×70 cm giá tròm trèm 100 DM, to hơn thì đắt hơn…

Có khung vải thì phải đặt nó lên cái….giá vẽ. Tôi đi vác về một cái giá vẽ bằng xe Straßenbahn, khỏi phải nói là sức ẻo lả như tôi là phải cố gắng lắm mới vác được nó về nhà, Cái giá bằng gỗ tốn của tôi hết 250 DM, bây giờ là 250 oi rô ! Tôi phải mua hai cái giá để vẽ tranh và để chờ tranh khô. Tôi phải nhịn không lái xe nữa, đi bộ đi làm, để tiền dành cho xăng dầu, sửa chữa, thay bánh xe…làm tiền mua cọ, mua mầu….

Còn về nội dung của tranh ? Mình vẽ đại, muốn ra cái gì thì ra, hay là theo trường phái hội họa đã có: cổ điển, lãng mạn, trừu tượng, hiện thực, siêu hiện thực, ngây thơ…? Thực ra, trong mỗi họa sĩ đều có tiềm ẩn một tài năng, một bản tính nhất định, cây cọ cũng như cây bút có đặc tính riêng tư duy nhất, không thể có người thứ hai (trừ những kẻ giả mạo). Bức tranh cũng như văn vần, le style c’est moi, không ai bắt chước được ai hết. Xem tranh biết người. Những nhà tâm lý học, những nhà nghiên cứu nghệ thuật, lịch sử nghệ thuật…đều có thể viết tràng giang đại hải về một Dali, Magritte, Picasso, Modigliani, Tamara Lempicka, Edward Hopper …..Họa sĩ thì có nhiều như cỏ mùa thu, nhưng họa sĩ nổi tiếng có một trường phái riêng biệt như Van Gogh thì rất hiếm. Nhưng rất thương cảm ông, cả đời ông không bán được bức tranh nào, chết trong nghèo túng và tuyệt vọng. Theo bạn, hãy bình tranh của tôi xem nào nhé, tôi cũng chẳng bán được một bức nào cả ?! Dạo tôi làm ở cơ quan trung ương bảo tàng viện của một thành phố, thấy những cuốn sách to bản, nặng chình chịch hàng mấy kí lô, viết về những bức tranh, đọc không hết chữ.

Tranh vẽ thì phải có chỗ chứa, chỗ treo, dần dà cái phòng tôi chật cứng lại, tôi lại thích vẽ tranh quá khổ, cái nào cũng to cồng kềnh, khó kiếm chỗ cất, chỗ treo. Mỗi lần phải chuyên chở tranh đi đâu là tôi phải thuê xe tải nhỏ để chở. Đã có người hỏi mua, nhưng khi ấy tôi lại không muốn bán tranh của mình, thấy như là đứt từng khúc ruột. Tranh vẽ để bán là loại tranh mà người vẽ hoàn hoàn không có cảm xúc vào trong tranh, chỉ có cái thỏa mãn là mình đã hoàn thành xong một bức tranh và có người mua. Ở trong nước, những người thợ vẽ chuyên nghiệp tại những cửa hàng bán tranh thường hay cho in một tấm hình chụp trên vải rồi vẽ (hoặc tô mầu) chồng lên trên, hoặc chép theo y bản chính lại, khách đặt mua kiểu gì cũng có. Tranh chợ thì lại bán chạy như tôm tươi.

Có một dạo tôi mê mải vẽ trên gốm sứ, nhà lại đầy gạch, bát, đĩa, tách…Xong giai đoạn gốm sứ, tôi lại đam mê thêu tranh….đến nỗi ngón tay cầm kim bị cong queo, thì tôi phải dừng lại. Hễ ngoài trời nắng ấm trong xanh, thì tôi ru rú ở trong nhà vẽ vời đủ cách đủ kiểu vì ánh sáng tự nhiên là ánh sáng cần thiết và tốt nhất cho việc vẽ, các họa sĩ chuyên nghiệp thường có những xưởng vẽ cao, rộng với ánh sáng ban ngày.

Trong một bữa ăn thân mật nhưng khá hoành tráng ở nhà một anh chị bạn quý, tôi được xếp ngồi cạnh nữ nghệ sĩ điện ảnh Trà Giang, lúc đó đầu óc còn lơ mơ màng màng vì vửa mới qua cơn đột quỵ, tôi không biết là mình được cận kề với một nữ họa sĩ tăm tiếng, đến nỗi mấy năm sau mới hiểu ra là mình đã lỡ duyên tương ngộ, tiếc ơi là tiếc. MTT

Dạy trẻ con lớp mẫu giáo làm quen với mầu sắc và vẽ ở Pháp

Học trò Pháp ngoan kinh khủng ! Các em học cách phân biệt khung tranh.

Dạy vẽ trên gốm sứ ở lễ hội làng ở Pháp

Triển lãm ảo: Tranh sơn dầu – Kỳ 4

28. février 2021
Triển lãm ảo: Tranh sơn dầu – Kỳ 4

 

Alte Ansicht von St Alban im Frühling – Cảnh cũ nhà thờ St Alban khi xuân về tranh sơn dâù trên vải, huile sur toile, Öl auf Leinwand, 140 x 110 cm

Dr. Richard Kreidler, Museumsdienst Köln (Tiến sĩ Richard Kreidler, Cơ quan phục vụ Bảo Tàng Viện Köln):

Những lâu đài hoa nở rộ lộng lẫy, lưng lửng trên không, chân dung, cảnh vật „ một căn phòng trong một giấc mơ „ – bên cạnh đó là một bức tranh rất chi tiết vẽ cảnh điêu tàn đổ nát của nhà thờ Saint Alban trong khu vực Gürzernich với công trường khảo cổ và cũng là khu vực xây cất một bảo tàng viện mới để chứa đựng trường phái tranh cổ điển của thành phố Köln trong tương lai: Nội  dung của tranh Tuyết Trần có mục đích gì trong một hình thức vừa thôi thúc vừa có tính chất xa cách ?

Không phải một cách vẽ phóng túng cực độ và bất chợt mà hiện nay đang được xử dụng đến độ dư thừa, mà là một sự làm việc cống hiến đến nỗi quá độ các đề tài vẽ đã tạo ra sự hiện hữu của hai thái cực trong các bức tranh.

Diễn dải qua sự hình thành các tranh, hai thái cực hiện hữu này đã kích thích sự tăng trưởng sống động qua phong cách nghệ thuật hóa đối tượng, con người và hoa như là sành sứ, như đã sửa soạn sẵn sàng để lên sân khấu, hay là được tạo bằng tơ lụa trước mắt chúng ta, được bảo quản, hấp dẫn nhưng xa cách.

Với những kỹ thuật vẽ theo lối Á Châu, được toàn hảo bởi sức hấp dẫn của thế giới hiện đại trong tranh, Tuyết Trần đã khêu gợi cho người xem một tầm nhìn gần như hiện thực ảnh các đối tượng vẽ.

Cùng một lúc, cách nhìn riêng tư và những kinh nghiệm tâm trí đã in dấu ấn quan trọng trong sự thành hình tác phẩm, cho dù đó là một sự hiện hữu đơn giản của một đề tài trong khung cảnh sống cá nhân hay là trên đường đi: một cảnh vật, hoa bán trong tiệm hoa, hay là bông dâm bụt trên sân nhà. Qua tranh, những hồi tưởng đầy mâu thuẫn và những đánh giá các hiện vật tiểu sử cá nhân được thể hiện. Vì thế một loạt quang phổ về hoa hồng đã được mở ra qua sự thể hiện bằng mầu sắc và đường nét trên những khung cảnh và hậu trường lạ lẫm.

Theo dõi sự chuyển động của những cánh hoa người xem chìm đắm trong một biểu tượng tối cao của cây cỏ „ bởi vì trong không gian đóa hoa hồng không tên của nàng đã làm tan biết khẩu vị cay đắng của hoa cà „ ( trích R.M. Rilke ). Những đóa hoa vĩ đại, gần như làm nghẹt thở, vừa trang điểm không gian vừa nuốt chửng người xem: Mất Mát và Chiếm Đoạt trong tính chất „ hoa đã được hái „.

Cũng cùng trạng thái hư ảo này Tuyết Trần đã diễn đạt những cảnh vườn hoa và nhìn ra biển, mà trong đó con mắt người xem bấu víu vào mọi chi tiết, để giữ cái Gần, trong khi chiều sâu và tầm xa của tranh làm cho bối rối.

Các cấu trúc căn bản một sự không tưởng cuối cùng, được diễn tả qua những mảnh vải hay một nền hoa văn náo động, cũng đã hiện rõ nét qua những phần chân dung rọi sáng lóa. Ngay cả trong chân dung Mẹ và Con cũng rõ nét một tình cảm nối kết mâu thuẫn. Trẻ con trở thành một dấu hỏi, khi chúng không còn đẹp đẽ-hài lòng như bức chân dung hai đứa trẻ con ngồi yên lặng song đôi trên một bực thang.

Với phong thái vẽ rất chi tiết và toàn mỹ hóa sự hiện hữu Tuyết Trần không hề làm giảm cái giá trị quen thuộc của Hiện Thực trong phương hướng về nhãn quan cũng như về tâm hồn của người xem tranh.  Những tấm bảng đường méo mó vẹo vọ, những hố đào khảo cổ đầy cỏ dại, những tấm bảng gỗ bị gió bão vặn vẹo của một hệ thống chỉ đường, lẽ ra là chỉ đúng hướng – một tình trạng quen thuộc trong nhiều năm giữa lòng thành phố– minh chứng,  qua sự bảo toàn những dấu vết bằng một phong thái vẽ rất tỉ mỉ, sức đấu tranh với một Thực Tế luôn luôn thay đổi theo thời gian, đáng lý ra là không níu kéo lại được, và thực tế này vừa bảo vệ sự hiện hữu của nó lại vừa luôn luôn thoát chạy.

La forêt d’Halatte – Cánh rừng ở Halatte tranh sơn dâù trên vải, huile sur toile, Öl auf Leinwand, 170 x 120 cm

 

Mandala 1 tranh sơn dâù trên vải, huile sur toile, Öl auf Leinwand, 60 x 60 cm

Mandala

Trong một buổi thăm viếng thánh giáo đường Chartres tôi rất chú ý dến nền đá hoa bằng gạch đen trắng trước bàn thờ Chúa.  Pierre mới cắt nghĩa rằng đấy là một cái labyrinthe sám hối, người tín đồ quỳ gối trên nền đá hoa lạnh lẽo và tìm đường đi trên labyrinthe này bằng cách lê lết trên hai đầu gối cho đến khi tìm được lối ra. Trên đường về tôi liên tưởng đến bánh xe luân hồi và từ đó tôi vẽ trong đầu những bức tranh với ba chủ đề chính: labyrinthe của thánh giáo đường Chartres, bánh xe luân hồi và hoa sen. Bó hoa sen này tôi đã ôm theo lên máy bay trên đường trở về sau khi đã an táng mẹ tôi, vào một cuối năm ta. Tôi còn nhớ người nhân viên khám hành lý xách tay ở phi trường,  thấy tôi ôm bó hoa sen, và lỉnh kỉnh đem theo nào là bát hương, chân đèn đồng, lư đá, mỗi khi qua kiểm soát thì máy báo động kêu inh ỏi, anh ta hỏi  » Cô có chuyện gì … ?  »  » Dạ, má tui mới chết, tui đem đồ bàn thờ theo, qua bển.. . ». Anh ta thông cảm ngay  » Thôi, cô qua đi ! « . Đó là người nhân viên phi trường dễ thương duy nhất mà tôi được gặp. Về đến nhà, tôi lập ngay bàn thờ má tôi trên bàn học, khói hương nghi ngút, và tôi vẽ phác thảo ba bức mandala liên tục khi bó hoa sen còn tươi, chưa tàn. Bức Mandala 1 diễn tả hoa sen trong hài hòa với labyrinthe de Chartres, bức Mandala 2 diễn tả bánh xe luân hồi ẩn mình trong cánh hoa sen, bức Mandala 3 diễn tả hoa sen và bánh xe luân hồi. Khi tôi nhìn lâu và chăm chú vào tranh thì tôi có cảm tưởng là bánh xe luân hồi quay tròn, còn labyrinthe de Chartres thì cuốn hút tôi vào đấy, để tìm đường ra. Có lẽ đây là một trạng thái tự kỷ ám thị khi đầu óc tôi đang bận rộn với những suy nghĩ về cái chết và sự sống.

 

Adieu Corsica, Vĩnh biệt Corsica tranh sơn dâù trên vải, huile sur toile, Öl auf Leinwand, 100 x 80 cm

Les fleurs en dimension surréelle, portraits, paysages, une chambre dans le rêve, la ruine d‘une église avec le site archéologique… en détails minuscules… Pourquoi la distance, entre cette apparence extérieure des choses et sa façon de voir la vie, de son intérieur ?

Son style, un excès de détail consacré, produit l‘existence de la contradiction existentielle. La vie est représentée d‘une façon exagérée par son art des pinceaux, les êtres-humains et les fleurs comme en porcelaine, prêts pour la scène, conservés, attirés mais intouchables en même temps.

La pratique des techniques asiatiques, perfectionnée par les compositions modernes, donne une vue photographique réelle, pourtant son traitement des couleurs et de la lumière crée un sentiment d‘étouffement, d‘attraction, noyé par ses motifs. Perte et possession, loin et près, calme et agité… le temps dans ses tableaux est aussi contradictoire, il se manifeste mais aussitôt disparaît … ( Dr. Richard Kreidler, Historien de l‘art )

Triển lãm ảo: Tranh sơn dầu – Kỳ 3

27. février 2021
Triển lãm ảo: Tranh sơn dầu – Kỳ 3

Năm bức tranh hoa hồng với năm mầu sắc khác nhau là biểu tượng của năm hoàn cảnh trong đời người. Có những người sinh ra đời đã mang theo vận mạng mình nhiều may mắn, mọi chuyện đều trôi chẩy theo ý muốn. Nhưng có những người kém may mắn hơn, đụng chạm vào thực tế không như ý nguyện. Mầu hồng là mầu của hạnh phúc bỗng chốc biến thành mầu của đau khổ. Mầu đỏ mầu của tình yêu bỗng chốc biến thành một sự lãnh đạm. Mầu xanh, hy vọng biến thành tuyệt vọng. Mầu trắng tinh khôi là mầu của thanh thoát trở thành kìm hãm. Mầu vàng mầu của niềm tin biến thành sự phản bội. Mỗi người tự cho mỗi mầu một ý nghĩa, nó thay đổi theo thời gian và theo cảm nhận. Mới bạn xem tranh và tìm thấy ý nghĩa của bạn trong tranh, tranh sơn dầu trên vải của Mathilde Tuyết Trần, 140 cm x 120 cm.

 

 

Triển lãm ảo: Tranh sơn dầu – Kỳ 2

27. février 2021

Triển lãm ảo: Tranh sơn dầu – Kỳ 2 Les images du passé – Bilder einer Vergangenheit

Adieu Cavalière, je t´aimais bien – Vĩnh biệt Cavalière, tôi đã yêu nơi đây, tranh sơn dâù trên vải, huile sur toile, Öl auf Leinwand, 105 x 75 cm

Volker Wienecke (Cơ quan bảo trợ Nghệ thuật và Văn hóa của tiểu bang Nordrhein-Westfalen (Stiftung Kunst und Kultur des Landes Nordrhein-Westfalen)

Không phải bức tranh „Mönch am Meer » mà là một người mẹ trẻ với hai đứa con. Cái bị đeo lưng đã sửa soạn xong, sự tạm biệt đang diễn ra. Sau lưng họ, người xem tranh, tham dự vào khung cảnh nhưng thật ra không phải đứng trong tranh.

Một buổi sáng mùa xuân rất trong và lạnh ở miền Nam nước Pháp, cây cối còn trụi lá và, như tựa đề của tranh đã nói với chúng ta, một ngày chia tay.  „ Vĩnh biệt Cavalière , tôi rất yêu nơi đây….“  Bàn tay vẫy chào của đứa trẻ đứng bên tay phải, không phải để vẫy một con tầu đang chạy qua, mà vẫy chào nguyên cả một sự kiện: Đây là một cuộc chia ly của ba người với một nơi chốn thương mến và hơn thế nữa, là chia ly với một quãng thời gian đã qua, rất đẹp, mà một khi nhớ lại, lại sẽ buồn.

Người nghệ sĩ Tuyết Trần với một ngôn ngữ tạo hình đơn giản, mềm mại và mài dũa nhưng rất chi tiết đã đạt đến mức độ đưa người xem tranh vào một khung cảnh sống đẹp, gần như hư ảo. Với mầu sắc sáng và mãnh liệt, mà cô cũng đã dùng để diễn tả một cách gây ấn tượng cái ánh nắng sáng lóa của buổi trưa, cô đã truyền đạt được không khí của một sự hoài cảm đang đứng ngay chính giữa của Quá Khứ và Hiện Tại.

Cô tạo hình tượng những cái mà đáng lẽ ra người ta chỉ cảm nhận được.

Cô níu lại cái mà trên Thực Tế không thể níu lại được.

Người nữ nghệ sĩ việt nam Tuyết Trần đã sống hơn 35 năm tại Âu Châu. Sau khi tốt nghiệp ngành học Kinh Tế Quản Trị tại trường Đại Học Kỹ thuật Aachen,  cô đã làm việc tại vài cơ sở tư nhân trước khi nhận nhiệm vụ Khoa học gia Kinh tế và Quan Hệ Âu Châu trong một cơ quan hành chánh Đức. Bắt đầu từ giai đoạn này cô đã vẽ – song song với những công việc hàng ngày tuy đòi hỏi nhiều trọng trách nhưng không một chút nghệ thuật nào cả – như là kết quả của một sự phát triển cuộc đời, có thể so sánh với sự phát triển cuộc đời của nhà họa sĩ „ quan thuế“ Henri Rousseau.

Cũng giống như Rousseau, Tuyết Trần đã tự tìm ra hướng đi riêng biệt của mình mà không cần phải trải qua một học trình nghệ thuật, mà trong hướng đi đó, nội dung cũng như hình thức càng ngày càng rõ nét nghệ thuật tạo hình mà các trường phái Hiện thực ảnh, Siêu hiện thực và Ngây thơ đã chiếm chỗ trong tranh của cô.

Cho đến nay trong số 35 bức tranh của Tuyết Trần có thể được chia làm ba chủ đề chính: khung cảnh, con người và hoa lá. Tất cả mọi bức tranh, dù là đề tài nào đi nữa, đều toát ra một không khí đa sầu, hoài cổ. Những tựa tranh, nối kết với một kỷ niệm rất riêng của cô, cũng nói lên điều này. Mặc dù mầu sắc của người nghệ sĩ sử dụng thường hay là những mầu sắc trong sáng và sống động, nhưng mà cái thế giới rất đẹp trong tranh mà cô diễn đạt lại thường toát ra một ấn tượng về sự mong manh và phai tàn.

Tuyết Trần thuộc vào một thành phần nghệ sĩ hiếm hoi của thời đại hôm nay, những người với rất nhiều kiên nhẫn và nhiều xúc cảm để tạo ra những tác phẩm của họ, phải sau nhiều tháng làm việc cô mới thỏa mãn với kết quả của mình. Các bức tranh của cô đều có một cách cấu tạo rất phẳng và đều đặn đáng ngạc nhiên, làm người xem nhớ lại kỹ thuật vẽ láng của Dali, và không thể nhìn thấy nét cọ vẽ. Các họa sĩ yêu thích của Tuyết Trần là Dali, Renoir, Magritte, Georgia O´Keefe, Edward Hopper và Tamara Lempicka.

Les demoiselles Mai-Phi et Ti-Fanny – Hai cô bé Mai-Phi và Ti-Fanny tranh sơn dâù trên vải, huile sur toile, Öl auf Leinwand, 120 x 100 cm

Chi et Mai-Phi – Hai anh em Chí và Mai-Phi, tranh phấn dầu trên giấy vải nhật bản, 50 x 70 cm craie à l’huile sur papier en coton japonais, Ölkreide auf Japanischem Baumwollpapier

Komm zurück – Trở lại, tranh phấn dầu trên giấy vải nhật bản, 50 x 70 cm, craie à l’huile sur papier en coton japonais, Ölkreide auf Japanischem Baumwollpapier

Boudha ma joie – Phật vui tranh sơn dâù trên vải, huile sur toile, Öl auf Leinwand, 50 x 70 cm

Avec son langage de création artistique et sa technique, simple, souple, lisse, mais très détaillée, Tuyet Tran a réussi à créer une atmosphère presque surréelle dans ses tableaux. Ses couleurs claires, transparentes mais intenses, qu‘elle a pris pour reproduire la lumière phosphorescente du soleil de l‘après-midi par exemple, donnent l‘impression d‘une nostalgie, qui domine exactement la frontière fragile entre le passé et le présent. 

La vie pendant très longtemps dans les grandes villes, incontournable à cause de son gagne-pain, a donné à Tuyet Tran le besoin d‘être dans la nature. Elle aime peindre les paysages, les fleurs, les arbres mais aussi les portraits. Ses tableaux dans l‘ensemble, peu importe le motif, lié avec un événement de sa vie, réveillent un sentiment nostalgique et mélancolique, ce qui est accentué aussi par leurs titres. Ses couleurs sont toujours éblouissantes, claires, transparentes et vivantes, mais ce monde bien beau, qu‘elle dépeint, semble très fragile et éphémère. Elle montre, en fait, ce que l‘on peut seulement sentir. Et elle retient, en fait, ce que l‘on ne peut pas retenir, en réalité.

Après avoir fait beaucoup d‘expériences dans sa vie, elle a commencé à peindre, à tel point qu‘on peut la comparer avec le peintre H.Rousseau – un ancien douanier. Comme lui, elle a trouvé son style, sans avoir besoin une formation académique, elle peint avec son intuition et ses émotions, tandis que la forme et la contenance de son art figuratif se balancent entre le réalisme photographique, le surréalisme et le style naïf. Tuyet Tran appartient à un petit cercle d‘artistes de notre temps, qui prennent plusieurs mois, avec beaucoup de patience et de sensibilité, pour créer ses oeuvres, jusqu’au moment elle est satisfaite du résultat. Ses oeuvres possèdent une structure étonnement lisse et homogène, qui fait penser à la technique à lasure de DALI òu l‘on ne voit pas la traces des pinceaux. Elle aime Dali, Renoir, Magritte, Georgia O´Keefe, Edward Hopper et Tamara Lempicka.  (Volker Wienecker, Historien de l‘art)

Die vietnamesische Künstlerin Tuyet Tran lebt seit fast 35 Jahren in Europa. Nach ihrem Studium der Betriebswirtschaft an der RWTH Aachen arbeitete sie in verschiedenen Privatunternehmen, bevor sie als Wissenschaftlerin für Betriebswirtschaft und Europaangelegenheiten im öffentlichen Dienst tätig war.

Erst hier begann sie – parallel zu ihrer ebenso anspruchsvollen wie unmusischen Tätigkeit – mit der Malerei, als Ergebnis einer Lebensentwicklung, die vielleicht mit der des „Zöllners“ Henri Rousseau verglichen werden kann. Wie jener hat auch Tuyet Tran ohne jede kunstakademische Ausbildung einen eigenen Stil für sich gefunden, bei dem Intuition und Emotion im Vordergrund stehen, während Form und Inhalt ihrer immer gegenständlichen Bildkunst zwischen Fotorealismus, Surrealismus und Naiver Malerei angesiedelt sind. Dabei lassen sich bei den mittlerweile rund 35 Werken drei verschiedene thematische Schwerpunkte unterscheiden: Landschaften, Personenbildnisse und florale Motive. Gemeinsam ist allen Bildern, unabhängig vom gewählten Motiv, eine schwermütige, nostalgische Grundstimmung, die auch in den sehr persönlichen, an konkrete Erinnerungen anknüpfenden Bildtiteln anklingt. Zwar sind es fast immer strahlend klare und lebendige Farben, die die Künstlerin benutzt, doch die schöne Welt, die sie zeigt, wirkt oft sehr zerbrechlich und vergänglich.

Tuyet Tran gehört zu den wenigen Künstlern unserer Zeit, die mit sehr viel Geduld und Sensibilität ihre Werke schafft; oft braucht sie mehrere Monate, bis sie mit einem Ergebnis zufrieden ist. Ihre Bilder haben eine erstaunlich glatte und gleichmäßige Struktur, die an die Lasurtechnik von Dali erinnert und bei der die Pinselführung nicht mehr zu erkennen ist. Zu ihren künstlerischen Vorbildern gehören neben Dali auch Renoir, Magritte, Georgia O´Keefe, David Hopper und Tamara Lempicka.

Triển lãm ảo: Tranh sơn dầu của Mathilde Tuyết Trần – Kỳ 1

27. février 2021

Triển lãm ảo: Tranh sơn dầu của Mathilde Tuyết Trần – Kỳ 1

Nhân các bạn gợi ý làm một cuộc triển lãm ảo, một ý kiến rất hay, vì đã lâu rồi tôi bỏ quên mất những mầu sắc, giá vẽ và những cây cọ. Loạt tranh « Lataule mùa xuân » gồm có 6 bức khổ 60 x 60 cm, sơn dầu trên vải, vẽ cảnh làng tôi ở trong mùa xuân về tiếp nối đông tàn. Sáu bức tranh này có thể triển lãm rời ra hay gộp chung lại thành một mảng tường tranh. Bức thứ sáu còn đang vẽ dở dang….Họa sĩ nào cũng có thể còn một hay vài bức tranh dở dang, không vẽ tiếp vì…cụt hứng, hoàn cảnh thay đổi hay nhiều lý do khác. Mời các bạn thưởng thức năm bức đã xong….

Mầu sơn dầu tôi dùng là mầu của Đức, rất bền, sau 100 năm vẫn không đổi màu nguyên thủy của nó, không rạn nứt, không vỡ. Cách pha mầu đó là bí mật về kỹ thuật của những họa sĩ, làm thế nào để lớp sơn dầu lót mầu trắng ngà, những lớp sơn vẽ tranh và lớp sơn tráng bóng hay mờ cuối cùng không bị thời gian, ánh sáng và bụi bặm, ẩm ướt là những tác động chính của môi trường làm thay đổi. Bức tranh vẽ Montmartre xuất hiện gần đây của Van Gogh là một bằng chứng đó cho kỹ thuật vẽ bậc thầy xuất sắc của ông. Năm 12 tuổi tôi tình cờ được ba tôi cho đi học vẽ ở một lớp vẽ của một ông bác sĩ tổ chức trong khuôn viên của Viện Pasteur Saigon. Trong lúc tôi làm quen với cây cọ, giấy bản và mầu sắc thì ba tôi đi uống bia, ngồi chờ chở tôi về trên xe ếch bà. Thời đó tôi học cách pha mầu của thầy họa sĩ bằng bột mầu và dầu lin thiên nhiên. Trong nhà bỗng nhiên xuất hiện những lọ thủy tinh, những túi bột mầu thiên nhiên, những chai dầu lin, cọ đủ cỡ, giấy bản to….Bột mầu thiên nhiên bán theo cân lượng, nhiều khi mua chỉ 50 gram là nhiều, làm từ đá mầu mài ra, hay từ đất…thiên nhiên. Bây giờ thì người ta sản xuất bằng mầu nhân tạo nhiều hơn. Học gì tôi cũng đều rất mê mải, học vẽ, học đàn, học hát….Cứ như thế, buổi sáng tôi học ở trường và những buổi chiều đi học thêm, mỗi ngày đều bay biến nhanh chóng…Tôi bắt đầu vẽ tranh lại từ cuối những năm 1980 ở bên Đức vì buồn, khám phá ra là chồng tôi…có mèo, nhiều mèo tóc vàng nữa là khác…, hết con này tới con kia, tôi đi làm cả ngày, từ sáng sớm cho đến trưa chiều mỗi ngày, xong thì về, ở nhà một mình với đám con và…vẽ tiêu khiển….

L´église de Lataule

Rue du village Lataule

La ferme du moulin Lataule

Ruelle des Pinsons

Le clocher de Belloy

Một ngàn đồng Việt Nam

26. février 2021

Một ngàn đồng Việt Nam – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2018

Nhìn mớ giấy tiền lẻ trong tay tôi, anh tài nói, thôi cô trả tiền lẻ cho cháu đi, tiền này cô cho ăn mày còn không lấy. Đó là những tờ giấy có mệnh giá một ngàn đồng và hai ngàn đồng việt nam, có khi có cả tờ năm trăm đồng, là đơn vị tiền giấy nhỏ nhất.

Du khách thường không biết giá trị tiền việt nam nên tiêu xài phung phí. Nếu tính ra Euro thì một ngàn đồng việt nam bằng 0,035 euro, (1€ = 100 cents (xu), 1 cent = 285 đồng vn) , và tính theo $ thì một ngàn đồng việt nam bằng 0,045 usd, một đơn vị khá nhỏ để mua bán và ở châu Âu thì không mua được gì cả, nhưng ở Việt Nam thì một ngàn đồng mua được một số hàng hóa giúp ích cho đời sống thường nhật.

Người ta thường xài từ giấy năm ngàn đồng trở lên, tức mười ngàn, hai chục ngàn, năm chục ngàn cho tới giấy một trăm ngàn, hai trăm ngàn và năm trăm ngàn đồng.

Hai chục ngàn đồng đối với lương công nhân là to lắm, vì đó là giá của một bữa cơm trưa có thịt, có canh. Với số tiền hai chục ngàn người ta có thể ăn no và ăn ngon, thí dụ như một đĩa cơm tấm với một miếng thịt sườn thật to nướng thơm ing ỏi. Một người công nhân kể cho tôi nghe rằng anh cố gắng chỉ ăn mỗi ngày 50.000 đồng, 10 ngàn bữa sáng, 20 ngàn bữa trưa và chiều, phần còn lại dành cho gia đình vợ con. Tính ra tiền ăn mỗi ngày của anh chưa tới 2 euros.

Mười ngàn đồng thì mua được một cái bánh mì saigon kẹp trứng, kẹp thịt, hay một tô mì gói cải thiện thêm thịt, thêm giò chả, hay một đĩa cơm tấm , một phần xôi nóng…buổi sáng ăn cho no bụng ở những hàng quán bình dân ven đường.

Buổi sáng người ta thường thấy dọc trên nhiều đường phố những chiếc xe bán bánh mì, cơm tấm, mì, phở, bún, cháo, xôi…người ăn ngồi trên vỉa hè quây quần chung quanh, húp xì xụp. Buổi trưa, lại còn náo nhiệt đông đúc hơn. Buổi tối lại còn thêm vô số, đếm không hết, những xe bán bò bía, ốc nướng, bánh tráng nướng, mực nướng, hột vịt lộn, hột gà nướng, bánh bao, xôi cúc, cháo gà…. những món bán dưới mười ngàn đồng cho học sinh, sinh viên ăn vặt.

Ăn sáng ở nhà, nếu muốn khá hơn một chút thì một ổ bánh mì thịt giá hai chục ngàn, một đĩa bánh cuốn nóng cũng cùng giá, tô phở ba mươi lăm ngàn. Người sài gòn biết chỗ đi ăn để khỏi bị móc hầu bao, và hình như họ ăn suốt ngày, nhất là càng về tối, mát trời, cái thú đi ăn đêm, nhậu nhẹt lại còn tăng lên. Ẩm thực vỉa hè, ẩm thực đường phố đang dần chiếm chỗ của những món ăn sang trọng, cầu kỳ.

Du khách như tôi phải trả cho cùng một món ăn như thế gấp đôi, gấp ba lần tiền vì thường lai vãng trong những hàng quán “nổi tiếng” như phở Hoà Pasteur, hay quán Ngon, khu ẩm thực chợ Bến Thành chẳng hạn, giá một tô phở bẩy mươi lăm ngàn, một phần bún chả giò cua chín chục ngàn, hay trong những khách sạn bốn sao, năm sao, thực tình mà nói ngon thì chẳng ngon hơn, chỉ có cái là chém đẹp.

Tuy nhiên ngoài vấn đề ăn ngon miệng, hợp khẩu vị, đối với người du khách vấn đề vệ sinh của món ăn, bàn ăn, chỗ ngồi , người phục dịch là điều quan trọng hơn. Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi mình cho là ăn dở, giá đắt thì lại được khách nước ngoài lựa chọn. Người nước ngoài có thói quen ăn uống phải có bàn , có ghế cao bình thường, họ rất ngạc nhiên khi thấy người Việt ăn uống trên những chiếc ghế đẩu bằng gỗ, bằng nhựa thấp chủm như là ghế dành cho búp bê, họ sợ ngồi xuống là té ngửa và cũng không quen ăn uống trong tư thế cái bụng bị gập đôi lại. Các hàng quán bầy hàng với bàn ghế thấp như thế, kể cả các quán cà phê sang trọng, là tự mình đánh mất đi phần thu nhập từ khách nước ngoài.

Nếu bạn có dịp đi chợ, bạn sẽ thấy rau, củ, quả, cá, tôm, thịt ….nhiều đầy ứ, rất tươi và rất rẻ, so với mức sinh hoạt ở châu Âu. Du khách sẽ thấy một đất nước Việt Nam hiện tại có cái ăn, cái mặc dư thừa. Thực phẩm bày bán ở các chợ, các phố phường, các hẻm to, hẻm nhỏ…nhiều vô kể và giá cả rất linh hoạt.

Từ khi biết giá trị của những tờ giấy một ngàn, hai ngàn tôi không dám xem thường chúng nữa và ăn tiêu ở nhà tần tiện hơn. Bạn có biết mua được những gì với một ngàn đồng hay hai ngàn đồng việt nam vào thời điểm hiện tại không ?

Với số tiền nhỏ nhoi đó, bạn có thể mua được vài tờ giấy viết thư hay để làm đơn, bao thư, tem, giây thun, một bản photocopy, một hộp nhựa đựng thức ăn, một hộp xốp, bao ni lông, cũng như một bịch sữa gội đầu, một bịch sữa tắm, một cục sà bông, hoặc mua một số thực phẩm như một bịch cơm trắng, một miếng mì gói, một vắt hủ tíu, một ổ bánh mì không, mấy trái ớt, chanh, tắc, hành lá, rau ngò, giá sống, một bó rau, muối trắng, một chút mè, một củ khoai, một trái chuối, vài củ nghệ, vài củ gừng, riềng, củ tỏi, trái bắp, một trái cà chua, một củ hành tây, đậu hũ….Trong một nhà « toi lét » của một công viên, tôi thấy những tờ giấy một ngàn đồng, hai ngàn đồng đặt ngay ngắn trong một cái rổ, bên cạnh xấp giấy trắng vệ sinh. À, bạn đặt tiền vào rổ rồi được lấy một, hai tấm giấy vệ sinh.

Bạn đọc còn cho biết, một ngàn đồng mua được điếu thuốc lá con mèo, 200 lít nước sạch của công ty nước sạch Hà Nội…Một ngàn đồng còn mua được một viên thuốc chữa bệnh, mấy viên thuốc bổ. Vì sức tiêu thụ của cá nhân tôi có giới hạn, nên hẳn bạn đọc còn nhận thấy một ngàn đồng mua được nhiều thêm nữa, có ý thức hơn về giá trị tiền tệ của mình. Tôi vui mừng đón nhận những ý kiến bổ xung của các bạn.

Hãy đặt câu hỏi ngược lại, nếu bạn đang cần một thứ nói trên, mà bạn không có một ngàn hay hai ngàn đồng để trả ? Chính vì thế, không nên khinh thường những tờ giấy bạc một ngàn đồng hay hai ngàn đồng việt nam, cho rằng “ăn mày không thèm nhận”.

Tiếp theo hai tờ giấy bạc mệnh giá một ngàn đồng, hai ngàn đồng là tờ giấy năm ngàn đồng…đã có giá trị to lớn hơn. Hẳn các chú tài taxi thích làm tròn số tiền khách phải trả, thí dụ như cuốc xe 74.000 đồng, khách đưa tờ 100.000 đồng, thì có người chỉ thối lại bằng một tờ 20.000 đồng với lý do là không có tiền lẻ. Vậy bạn hãy thủ một mớ tiền lẻ để trả tiền taxi, hay trả bằng thẻ ngân hàng.
Như thế, xem ra tấm vé số giá bán là mười ngàn đồng một tờ đã là một món tiền lớn cho người lao động, mà tâm lý hễ càng nghèo lại càng mơ ước trúng số độc đắc càng lớn, thúc đẩy người nghèo thường xuyên mua vé số, mất tiền toi. Có người may mắn, trúng số độc đắc những hai lần, đổi lại đồng tiền trên trời rơi xuống là phải gặp tai ương trong gia đình, đúng như cái câu của người Việt hay nói : « Của đi thay người » trong trường hợp ngược lại là mất của.

Nhưng cũng có người vừa chơi vé số, vừa cầu mong sao cho con gái mình kiếm được “chồng ngoại” hầu được đổi đời. Những người tự thấy mình không thoát ra khỏi hoàn cảnh, làm ra đồng nào ăn hết đồng nấy, ngày hôm nay không biết nghĩ đến ngày mai, thường nuôi dưỡng mình trong hai cái ảo vọng cuối cùng đó.

Cách đây vài năm, một nhà xuất bản lớn tại thành phố Hồ Chí Minh đã có ý định xuất bản một cuốn sách của tôi, nhưng vì bất đồng ý kiến với người biên tập viên phụ trách, mà sự việc không thành. Nguyên nhân chính là anh bạn trẻ biên tập viên này muốn cắt bỏ hết những đoạn văn tôi viết về giá cả trên thị trường Việt Nam. Những ai có học về kinh tế đều biết rằng giá cả trên thị trường là thước đo về cung/cầu, về mức độ lạm phát, về tình hình sản xuất thực tế của thị trường đó, về “sức mua” của giá trị tiền tệ, về tình hình phân phối vật chất, sản phẩm trong xã hội…Qua sự nghiên cứu về giá bán trên thị trường, người ta rút ra được nhiều kết luận kinh tế hữu ích. Cắt bỏ vì cho là nó rườm rà, vô bổ thì hoàn toàn đối nghịch lại với chủ ý của người viết, cho nên tôi quyết định không cho xuất bản cuốn sách đó và sự việc chết trong im lặng. MTT

Étiquettes : giá trị, Tiền tệ

 

Nam Định, thành phố những nhà thờ

26. février 2021

Nam Định, thành phố những nhà thờ – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2018

Tôi về Nam Định thăm quê nội xa xôi rất ngỡ ngàng. Như thường lệ tôi lên đường hoàn toàn không có người hướng dẫn, cứ nhắm mắt mà đi, nó có cái thú vị của nó, nhưng có một điểm đến là cái nhà thờ đổ Hải Lý ở bãi biển Nam Định.

Xem trên mạng chỉ biết nhà thờ ở làng Hải Hậu, Hải Lý. Cái hay ở chỗ, anh lái xe, theo anh ấy nói, cũng chẳng biết đường đến nơi ấy, đi đến đâu hỏi đường đến nấy. Người Việt Nam không quen dùng bản đồ, GPS cũng quá mới mẻ, không được cập nhật thông tin đều đặn thường xuyên, vì thế nên cách hay nhất vẫn là « con đường ở cửa miệng mình » như các anh tài vẫn thường nói.

Nam Định là thành phố lớn ở miền Bắc, tuy không phải là một địa điểm tham quan du lịch, thế nên bây giờ có đường cao tốc đi nhanh từ Hà Nội, vậy mà cũng phải mất hai tiếng cho một khoảng cách bản đồ 90 cây số Hà Nội-Nam Định.

Nam Định hiện tại có 1.826.900 dân trên một diện tích rộng 1.652,6 cây số vuông và lợi thế tiếp giáp với biển, bờ biển Nam Định dài 72 km gồm có các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, là nơi tôi muốn đến.

Lần trước, tôi đã ghé thăm đền Trần, quê hương các vua Trần, mà tôi mang họ, theo cha.

Nam Định chính là quê hương của các vua nhà Trần thế kỷ thứ 13-15 (1225-1400). Sau hơn 6 thế kỷ lịch sử đã qua, ngày nay chỉ còn lại các di tích đã được xây mới trên nền cung điện cũ ở làng Tức Mặc (1239) đó là các đền Thiên Trường, đền Cổ Trạch và đền Trùng Hoa.

Trong lịch sử Việt Nam thì bà Lý Chiêu Hoàng chính ra là nữ vương thứ tư có toàn quyền cai trị nước, sau Hai Bà Trưng, bà Triệu, thái hậu Dương Vân Nga (hai triều Đinh-Lê 968-1.000), bẩy tuổi, nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), tám tuổi, năm 1225 lên ngôi vua, tức là triều đại nhà Lý chuyển sang triều đại nhà Trần, thực chất dưới quyền cai trị trong tay thái sư Trần Thủ Độ và cha là Trần Thừa (Thái Thượng Hoàng). Nhà Trần giữ ngôi được tới năm 1400 thì bị Hồ Quí Ly soán đoạt.

Tại đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, đền Cổ Trạch thờ Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, và đền Trùng Hoa có tượng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần, và bài vị các quan lại triều Trần. Tôi đến không đúng vào dịp lễ khai ấn đầu xuân nhằm vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm nên thong thả tham quan trong cảnh đền vắng lặng. Ngày hội khai ấn thì rất đông, chen chân không lọt, người nào xin được cái ấn đền Trần về treo ở bàn thờ tổ tiên thì rất là hãnh diện.

Các vua nhà Trần được thờ ở thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà Thái Bình, (lãng mộ), Nam Định, Ninh Bình (hai vua Trần cuối cùng sau Hồ Quý Ly), Đông Triều và Quảng Ninh.

Lần về lịch sử trong quá khứ, tôi luôn luôn muốn nhìn thấy tận mắt những địa bàn sinh sống, xuất phát của những nhân vật lịch sử, dù cho thời gian đã xóa mờ nhiều dấu vết, nhưng khung cảnh sống hiện tại nói lên được phần nào, tại sao đất này sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc.

Nam Định là đất lịch sử, có nhiều di tích, đền, chùa. Nhưng chuyến đi này, tôi khám phá ra một điều mới đối với tôi, như một người thân bên chồng, người Pháp, đã qua đời, mà lần cuối cùng gặp ông, chào ông trước khi chúng tôi lại về thăm Việt Nam. Khi nhắc đến Nam Định miền Bắc thì mắt ông ấy ướt lệ, làm cho tôi ngạc nhiên trước tình cảm ấy dành cho quê hương tôi. Ông là lính trong quân đội Pháp, đã đóng ở vùng biển Nam Định ba năm thời miền Bắc còn là đất thuộc địa của Pháp và quân Pháp đã phải rút về nước năm 1956. Một cô gái Nam Định đã niu kéo trái tim ông ? Đến nay, câu trả lời chỉ có ông biết và đã tan biến theo tro của ông rải trong làn nước biển xanh nước Pháp.

Trên đường đi, xe lướt ngang những cánh đồng lúa xanh rì mênh mông, lúa đang lên xanh, trĩu hạt, và những đàn vịt to lớn, trắng tinh, nhởn nhơ trong những ao hồ bên cạnh ruộng lúa. Thỉnh thoảng chạy ngang qua những cánh đồng muối trắng.

Một nhánh của sông Hồng chảy qua Nam Định, tức là con sông Đáy, mà nơi đầu nguồn gọi là sông Hát, gần Hà Nội, nơi Hai Bà Trưng tự vẫn.

Miền Bắc, phải nói là đất anh hùng, nhìn chỗ nào vào lịch sử cũng thấy anh hùng dân tộc cả nam lẫn nữ xuất thân.

Nam Định được ôm ấp bởi hai con sông Hồng và sông Đáy, nối liền với hai con sông này là sông Nam Định, được phù sa của hai sông bồi đắp, nhưng vì nạn hút cát ở cửa Ba Lạt nên hiện nay lại trái ngược gây ra tình trạng sạt lở.

Sông Hồng đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa Ba Lạt, nằm ngay chính giữa hai bên bờ nam là Nam Định và bờ bắc ở Thái Bình. Người Pháp đã nhận ra tầm quan trọng của vị trí chiến lược quân sự-thương mại của Nam Định – Thái Bình, nên trong cái gọi là Hòa ước Nhâm Tuất 1862 ở điều khoản thứ năm Pháp đã đòi hỏi triều đình nhà Nguyễn ở Huế phải cho phép công dân Pháp được tự do thông thương và đặc quyền buôn bán ở ba cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt và Quảng Yên.

Anh tài không biết đường, anh bảo thế, tôi không biết sao, nên cứ nhắm mắt mà lái, đến đâu hay đến đó. Một đỗi, qua khỏi khu « Bích Xê » (siêu thị Big C nằm ở ngay ngã vào thành phố Nam Định) lác đác đã thấy những tháp chuông nhà thờ nổi cao hẳn lên trên những cánh đồng. Tôi không biết là mình đã « thâm nhập » vào địa phận giáo xứ Bùi Chu ở Nam Định.

Giáo phận Bùi Chu hiện nay nằm gọn trong tỉnh Nam Ðịnh, là một trong những thành phố đầu tiên xưa kia do Pháp tạo nên, bao gồm sáu huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực và khu vực xứ Khoái Ðồng cùng khu vực phía nam sông Đào (các xã Nam Phong, Nam Vân và phường Cửa Nam) của thành phố Nam Ðịnh.

Người dân ở Nam Định đa số làm nghề nông, số ít làm muối, đi biển, buôn bán…vậy mà từ thời Pháp thuộc ngành dệt may Nam Định đã nổi tiếng và trở thành quan trọng trong quá khứ. Cùng với sự kiện quan trọng ấy, nhà thờ mọc lên rất nhiều, rất to, rất hoàng tráng, giữa thành phố Nam Định là nhà thở lớn Nam Định, thiết kế đơn giản so với những nhà thờ khác trong giáo phận.

Nhà thở Cổ Lễ – Nam Định

Đi mãi mà không cho khách tham quan được gì, bỗng anh tài ngoặc vào một nhà thờ trông thấy bên đường đi. Nhà thờ khá to, mầu xám. Chúng tôi xuống xe, ê ẩm cả người.

Nhà thờ đang được sửa chữa lại, tuy khá khang trang, mọi thứ đểu ngăn nắp, sạch sẽ. Vội vội vàng vàng, tôi chợt nhìn thấy một băng quảng cáo của một nhà băng trong vùng có địa chỉ thì mới biết mình đang ở đâu, đó là làng Cổ Lễ thuộc huyện Trực Ninh, gần quốc lộ 21A, là nơi tôi rẽ vào lúc nãy.

Ở làng này có chùa Cổ Lễ được dựng nên từ đời nhà Lý thờ quốc sư Nguyễn Minh Không cũng nổi tiếng vì là chùa nhưng mang dáng dấp của một thánh đường công giáo hòa hợp với kiến trúc cổ truyền.

Nắng đã lên cao chói chang trên đỉnh, chúng tôi được anh tài cho nghỉ ăn trưa trong một nhà hàng tiệc cưới, thuộc loại sang trong vùng, không có thực đơn, muốn ăn gì thì gọi món, nhà bếp làm tất. Tuy vậy mà lúc trả tiền tôi ngỡ ngàng vì rất rẻ, tôm, cá tươi, canh cua, cơm trắng đầy đủ, thịnh soạn, hai người ăn no và uống chưa đến 10 euros (250.000 đồng).

Nội thất nhà thờ Cổ Lễ

No bụng rồi chúng tôi lại lên xe chạy tiếp tục trên quốc lộ 21a thẳng đến nhà thờ Kiên Lao, cũng nằm cạnh quốc lộ 21a. Tôi biết đến tên Kiên Lao là một trong những nhà thờ đẹp nhất Nam Định. Tử quốc lộ rẽ vào, đường làng nhỏ hẹp hơn, lại càng không xứng đáng vởi ngôi thánh đường nguy nga to lớn đang hiện ra trước mắt tôi. Anh tài bảo tôi, trong vùng này cô cứ đi năm trăm thước là có một cái nhà thờ.

Nhà thờ to quá. Bên Pháp, mỗi làng đều có nhà thờ nhưng nhỏ bé, cũ kỹ với năm tháng. Kiên Lao nằm ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Hùng, tỉnh Nam Định, hiện nay giáo xứ có 9.215 tín hữu, gồm có 12 giáo họ, là đông nhất giáo phận Bùi Chu, được giáo sĩ truyền đạo Pierre Lambert de la Motte chọn làm tâm điểm truyền giáo năm 1670.

Tôi đã về thăm ngôi nhà thờ độc đáo Phát Diệm, nhà thờ Kẻ Sở nhưng về đây nhìn quanh tôi choáng ngợp bởi nhiều nhà thờ nhỏ hơn, nhưng không kém phần lộng lẫy nguy nga, đó là nhà thờ riêng của từng giáo họ, giáo họ nhỏ nhất chỉ có 93 tín hữu và giáo họ lớn nhất có 2.400 tín hữu.

Một ngôi nhà thờ họ ở Kiên Lao – Nam Định

Trong nhà thờ chính đang có nhiều người sửa soạn thánh lễ, chùng tôi xin vào chụp hình. Một người vui vẻ chỉ cho chúng tôi đường đi đến ngôi nhà thờ nguyên thủy của giáo sĩ Pierre Lambert de la Motte vào thế kỷ thứ 17, nếu không biết chúng tôi sẽ đi ngang qua mà không thấy. Quả thật, ngôi nhà thờ nguyên thủy được xây ụp lên trên bằng một cái nhà chắc chắn hơn để giữ gìn, nó chỉ nhỏ bằng một cái nhà ba gian thông thường ở miền Bắc, đang được các nữ tu dòng Mến Thánh Giá chăm sóc. Tình cờ, chúng tôi được một sơ mời nước, trời nắng quá, được uống ly nước chanh tươi mát rượi tỉnh cả người, rồi sơ còn cho chuối ngự và cả một bao đầy mảnh vụn bánh thánh lễ để chúng tôi ăn dọc đường sợ chúng tôi đói. Chồng tôi to mắt nhìn quả chuối ngự Nam Định, quả chuối to ú nú, thịt chuối trắng ngần rất thơm, chưa bao giờ ông ấy được ăn chuối ngon như thế.

Nhưng tôi sốt ruột muốn ra thăm nhà thờ đổ

Một ngôi nhà thờ họ ở Kiên Lao _ Nam Định

Hải Lý nên dục đi ngay khẻo trễ, khẻo màn đêm buông xuống rất nhanh. Nhà thờ Hải Lý bị đổ vỡ vì những đợt sóng biến đánh vào. Anh tài băng băng lái xe về hướng nhà thờ đổ Hải Lý. Nhà thờ kia rồi, từ xa đã trông thấy tháp chuông. Đến nơi. Tôi thất vọng quá.

Ngay sát bên cạnh nhà thờ Hải Lý mọc lên những hàng quán ăn uống, ồn ào náo nhiệt, tiếng nhạc phát ra ầm ĩ, lấn chiếm cả nền móng của nhà thờ, rác rưởi vất đầy. Sóng biển đánh vào ngay bên cạnh nhà thờ, nơi người ta đã xây bờ kè bằng bê tông để trấn giữ phần tàn rụi còn lại là thắng cảnh du lịch. Nhìn nước biển đỏ au, chồng tôi bảo vùng này biển mặn lắm. Tôi rời Hải Lý buồn rời rợi.

Trên đường về, chúng tôi còn cố gắng ghé thăm vương cung thánh đường Phú Nhai vài phút. Thánh đường Phú Nhai rất đẹp, được chăm sóc tỉ mỉ, sạch sẽ, chứng tỏ một đời sống đạo rất chăm chỉ của giáo dân giầu có, sung túc, và đời sống hai bên lương-giáo an bình, đơn giản, những ấn tượng mà chúng tôi có được trong một ngày cưỡi ngựa xem hoa ở Nam Định. MTT

Thánh đường Kiên Lao – Nam Định

Nước biển Nam Định đỏ au

Nhà thờ nguyên thủy của giáo sĩ truyền đạo Pierre Lambert de la Motte (1624-1679)

Nhả thờ cổ của thế kỷ 17 còn lại được lồng trong mái trùng tu (2018)

Vương cung thánh đường Phú Nhai – Nam Định 2018

Bên trong vương cung thánh đường Phú Nhai – Nam Định 2018

Pleiku, hoa cà phê thơm ngát

26. février 2021

Pleiku, hoa cà phê thơm ngát – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2018

Tôi đến Pleiku phố núi vào lúc mùa hoa cà phê nở thơm ngát, mùi hương cà phê tỏa ra ngây ngất từ những đóa hoa trắng tinh, trắng bóc mê hoặc lòng người. Chưa bao giờ tôi lại được thưởng thức một mùi hương lan tỏa khắp không gian và ngào ngạt đến thế. Hoa Serenga cũng trắng tinh, nổi tiếng là một loài hoa thơm, quý, được sử dụng cho những loại nước hoa đắt tiền của thế giới, vườn nhà tôi bên Pháp có một bụi hoa Serenga nhưng lại không thơm bằng hoa cà phê ở Pleiku. Đây là hoa cà phê robusta, loại cà phê được trồng nhiều ở Pleiku trên nền đất đỏ au áu của đất đỏ ban dan. Mùa Tết là mùa hoa cà phê nở cùng lúc với các loài hoa khác đón xuân, khoảng hai tháng sau thì quả cà phê được thu hoạch. Cà phê Gia Lai rất ngon, hương vị đậm đà, thơm nức, không thua kém gì các nơi khác. Tôi vào thăm đồn điền cũ của người Pháp xây dựng nên ở Pleiku trồng trà và cà phê, bên trồng trà bên trồng cà phê. Trà ở Plẹiku có nhiều nhưng không có tiếng như trà ở các vùng miền Bắc như trà Thái Nguyên, trà Yên Bái hay trà Bảo Lộc ở Lâm Đồng, và có vẻ như được gặt hái bằng máy công nghiệp để dùng làm loại trà lipton vùa có lá vừa có cả cành cắt nhỏ. Mùi hương thơm ngào ngạt của hoa cà phê quyến rũ hàng đàn ong bay lượn hút mật tạo thành mật ong hoa cà phê thơm lựng.

Gia Lai hay Pleiku không chỉ có trà, cà phê và mật ong thiên nhiên.Suốt dọc quốc lộ 19 đi từ Quy Nhơn về hướng Tây tôi thấy bao nhiêu là sản phẩm đặc trưng của Bình Định, Gia Lai. Đi ngang qua Tuy Phước là đã thấy rượu Bầu đá, bánh tráng, dừa, nem chua, tré, nón lá Tây Sơn trải dài hai bên lộ. Qua huyện Tây Sơn, nơi có các đia điểm tham quan như đền Bà Bùi Thị Xuân, Bảo tàng Quang Trung, Hầm Hô…các địa danh đều bắt đầu bằng chữ Tây như Tây Xuân, Tây An, Tây Phú…và các con đường chính đều mang tên Quang Trung, Nguyễn Huệ là đến đoạn lên đèo An Khê. Đường lên đèo An Khê khá dài, có khúc quanh mũi kim khá hiểm trở, dài 9,2 km, ở độ cao 499 mét. Điểm thú vị là ở hai đầu đèo, lên đèo và xuống đèo, có hai nhà máy làm đường từ cây mía, thế nên các xe tải chở mía đậu nối đuôi nhau hai ven đường chờ đợi tới phiên cung cấp mía, và không hiểu tai sao là các xe tải chở đầy mía chạy lên chạy xuống như đi chợ, dù là ở hai đầu đèo đều có rừng mía. Ở An Khê những rừng mía bạt ngàn chạy hút tầm nhìn. Phía xa xa, sau những khoảng đồi núi trồng tiêu là rừng cây cao su.

Chạy khoảng chừng 40 cấy số nữa là lên đèo Mang Yang. Phong cảnh ở đây đổi từ rừng mía sang thành những cánh đồng rộng mênh mông trồng tiêu, chanh dâu, cao su. Đèo Mang Yang dài 7, 5 cây số ở độ cao 788 mét, nhưng lại ít hiểm trở hơn đèo An Khê. Tiêu ở Gia Lai thơm lựng nhưng thơm nhất là loại tiêu rừng chưa xay đã thơm phưng phức, rồi đến tiêu đỏ thuộc loại tiêu quý hiếm ở châu Âu. Người dân phơi tiêu dưới ánh nằng như thiêu như đốt của vùng rừng núi Gia Lai.

Từ đèo Mang Yang đến Pleiku, qua thị trấn Đak Đoa, nhà cửa mỗi lúc một dày hơn, sầm uất, cho đến vào thành phố Pleiku lúc nào không biết. Tổng cộng cung đường Qui Nhơn – Pleiku dài 185 km, xe chạy hết 3 tiếng rưỡi. Từ Pleiku đi đến cửa khẩu Lệ Thanh qua Campuchia chỉ khoảng một tiếng đồng hồ.

Pleiku là một thành phố do Pháp thành lập từ năm 1905. Cái tên Pleiku là tên gọi đã được Mỹ hóa. Tên nguyên thủy thuộc ngôn ngữ của người Yarai là Ploi Kơdur (viết theo mẫu tự La tinh), có nghĩa là “làng thượng”, “làng trên”, cô H´wang, người hướng dẫn của tôi, giải thích với tôi như thế. Hiện nay Pleiku, thuộc tỉnh Gia Lai, là thành phố đứng thứ ba ở cao nguyên Tây Nguyên, sau Đà Lạt và Buôn Mê Thuộc, dân số gồm có 214.710 người gồm ba dân tộc chính: người Kinh, người Yarai và người Bà Nà. Thành phố Pleiku nằm trên độ cao trung bình từ 700 mét đến 800 mét, có khí hậu đặc trưng của miền núi, nhiều gió mùa, nhiều mưa.

Cô gái người dân tộc Yarai này nói tiếng Anh khá chuẩn, khác hẳn người Qui nhơn nói tiếng Anh, cô cắt nghĩa âm sắc tiếng Yarai có những cách phát âm gần giống như tiếng nước ngoài cho nên cô không gặp khó khăn khi phát âm tiếng Anh, không phải nói đớt như một số người Kinh. Cô gái sắc sảo này giải thích cho tôi nghe một vài điểm đặc sắc về dân tộc Yarai, thú vị nhất là khi cô kể về tục lệ hôn nhân.

Người Yarai theo chế độ mẫu hệ, cho nên đến tuổi lấy chồng là các cô gái Yarai phải đi “bắt” chồng. Người thanh niên Yarai ra giá để bắt, tính theo tiền bạc thời nay thì cái giá phải trả cho nhà trai là khoảng 80 triệu đồng việt nam, hoặc hơn, hoặc kém tùy theo đối tượng. Nếu cuộc hôn nhân thành tựu, nhà gái còn chịu tất cả tốn phí mổ bò, mổ lợn, mổ trâu, giết gà….để tổ chức đám cưới và rước chàng trai về nhà vợ. Nếu người chồng ngoại tình lần thứ nhất thì nhà trai bị phạt tiền gấp hai gấp ba lần tiền cưới. Ngoại tình nặng hơn, hay nhiều lần, thì người chồng bị xử làm nô lệ cho gia đình nhà gái. Tội ngoại tình nặng nhất thì bị chôn sống. Tục lệ xử phạt này ngày nay đã bị bãi bỏ, nhưng luật lệ “bắt chồng trả tiền” vẫn còn hiên hữu trong buôn làng, khiến cho các cô gái Yarai gặp khó khăn không ít khi đến tuổi lấy chồng. Có người yêu, mà không có tiền để bắt thì đành chịu. Khi chết đi, các người con phải được chôn cất cùng một chỗ với người mẹ. Và khi một gia đình muốn đi định cư tại một nơi khác để sinh sống thì phải làm lễ bỏ mả, lễ này kéo dài năm ngày với sự tham dự của cả buôn làng, tốn kém như một cái đám cưới.

Nhà lao Pleiku bây giờ chỉ còn lại một dãy nhà cổ do Pháp xây năm 1925, và được quân đội Mỹ tiếp tục sử dụng tiếp tục, quy mô tương đối nhỏ, không nói lên được hết thảm cảnh của những người tù chính trị ngày xưa, đa số là người dân tộc. Tuy thế, ngày xưa ai bị bắt bớ giam cầm ở nhà lao Pleiku coi như là một đi không về, bị tra tấn đến chết. Ngày nay được giữ lại để làm di tích lịch sử và giáo dục nhà trường. Nhà tù Phú Quốc với diện tích rộng lớn và quy mô gây án tượng mạnh hơn.

Khu vực Biển Hồ, nơi lấy nước ăn của Pleiku thì nằm im lìm dưới ánh nắng như thiêu đốt của vùng núi.

Trên đường về, lại qua đèo Mang Yang và đèo An Khê nhưng xuống đèo cảm thấy nhanh hơn là lên đèo. Trời xập xoạng tối, các xe tải nối đuôi nhau chạy lên chạy xuống rầm rập nhiều hơn ban ngày.

Kết thúc một chuyến đi, người Việt Nam thật là hạnh phúc, hơn cả nhiều dân tộc khác, vì được thiên nhiên ưu đãi. Biển cả cho cá cho tôm, rừng xanh cho cây cho trái, đồng ruộng đất đai cho lúa cho rau, con người hình như không cần phải lao động nhiều mà vẫn có ăn no đủ. Rừng vàng, biển bạc. Bán cá, bán hoa mầu, bán cát, bán đá, bán quặng mỏ, đất đai…toàn là những sản phẩm của thiên nhiên mà ra, rất ít công nghệ chế biến, công nghệ nhẹ. Có phải từ cuộc sống dễ dãi do môi trường, khí hậu, thiên nhiên ban cho mà người Việt Nam ít tiến bộ trong công nghiệp ? Tâm lý làm cho có chừng, chỉ đạt độ 8,9 là hay rồi không cần phải ráng lên tới 10, còn khá phổ biến. Xã hội Việt Nam có nhiều tiềm năng trông thấy, chỉ cần con người có cố gắng, biết tận dụng thời cơ và tận dụng khoảng thời gian đất nước đang thanh bình, vì không có gì khổ hơn là chiến tranh nổi, chiến tranh ngầm, tàn phá, mất mát, người Việt đã trải qua bao cuộc chiến kéo dài tàn khốc, hy sinh xương máu rất to lớn, ắt hẳn hiểu cái quý giá của sự thanh bình này hơn ai hết. Chúc cho Pleiku mỗi năm vào mùa Tết hoa cà phê lại nở tỏa hương ngào ngạt.MTT

Hoa cà phê trắng nuốt và thơm ngát

một bên trồng trà một bên trồng cà phê

Nhà mồ dân tộc Tây Nguyên

Trời nắng khô, các rãnh thoát nước đều khô

Chúc cho đời một mùa xuân mới, một ngày mới

3. février 2021

Hôm nay 03.02.2021 là tiết Lập xuân theo âm lịch…, thêm một mùa xuân mới nữa đã đến…, hạnh phúc sao khi mở mắt ra là thấy ánh sáng chan hòa, một ngày mới, ngày xuân mới của vạn vật bừng lên sức sống, mãnh liệt của những cánh hoa bé tí teo chồi lên mặt đất, chim chóc lại bay về hót tưng bừng sớm mai….Trong ý nghĩa đó, mời bạn nghe một bài hát « Ngày mới » qua tiếng hát của Tuyết Trần cách đây đã mấy mươi năm, (lời nhạc: Tuyết Trần, nhạc và hòa âm: PTQ) và chúc bạn những gì tươi đẹp nhất của cuộc đời, bỏ quên đi những gì đã làm cho mình bận rộn tâm trí, ưu phiền, nhìn cái tốt cái đẹp dù là rất nhỏ nhoi…

Tết Tân Sửu, 12.02.2021

Vụ án Sophie Le Tan chấn động dư luận Pháp

20. janvier 2021

Vụ án Sophie Le Tan chấn động dư luận Pháp – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Theo sự công bố của công tố viên Philippe Vannier, ngày thứ sáu 25.10.2019 báo chí Pháp thông tin một thi thể được tìm thấy trong cánh rừng thuộc địa phận Rosheim/Grendelbruch vùng hạ lưu sông Rhin.

Thi thể này bị cắt rời ra thành nhiều mảnh, một người cảnh sát trong ngày nghỉ của ông, khi dạo chơi trong khu rừng cùng với gia đình để hái nấm, đã phát hiện ra hôm thứ tư 23.10.2019.

Thoạt tiên, ông tìm ra một cái đầu đặt ngay trên đất, cách đó chừng mươi thước là một phần thân thể bộ phận ngực, tóc đen, đã bị hư hại nhiều, có thể thú rừng (chó sói, heo rừng, cáo…) đã đào xới và ăn ngậm.

Ngày chủ nhật 27.10.2019, bà Yolande Renzi, công tổ viên của tòa án tại thành phố Strassbourg, đã công bố thông tin chính thức những mảnh thi thể đó là của Sophie LE TAN, một cô gái gốc Việt mất tích từ tháng 10 năm 2018.

Cơ quan giám định pháp y của cảnh sát pháp tại Paris (INPS) đã chứng nhận kết quả theo cuộc điều tra gen ADN là phủ hợp với gen ADN của Sophie Le Tan. Mọi kết quả giám định pháp y sẽ được công bố trong tuần sau, vào thứ hai 28.10 sẽ có một cuộc họp báo của tòa án.

AFP / PATRICK HERTZOG

Gia đình của Sophie Le Tan luôn đòi hỏi để tìm được xác con mình, để biết chắc chắn rằng con mình đã bị sát hại. Cùng với những người tình nguyện gia đình Sophie Le Tan lùng xục tìm kiếm khắp nơi nghi vấn.

Sophie Le Tan đã mất tích ngày 07,09.2018, ngay ngày sinh nhật của cô, sau khi cô đến coi một căn hộ cho thuê ở Schiltigheim, vùng hạ lưu sông Rhin. Người rao cho thuê là Jean-Marc Reiser, 58 tuổi, đã từng bị kết án về tội hiếp dâm và được tha bổng trong vụ mất tích của một người phụ nữ khác trong những năm 1980 vì thiếu bằng chứng.

Dấu máu của Sophie Le Tan trong căn hộ, trên hai tấm bạt, trên nắp của máy giặt, trong nhà tắm đã được lau chùi cẩn thận và những tang vật tìm thấy, không làm cho Jean-Marc Reiser sợ hãi, ông ta tiếp tục chổi bỏ và chỉ khai rằng, ông ta đã săn sóc một vết thương của Sophie Le Tan, khi cô này rời khỏi căn hộ.

Những dấu máu tìm thấy trên một cái cưa trong hầm số 65 của tòa nhà gồm 6 tầng ở vùng ngoại ô phía Bắc thành phố Strasbourg đã được cơ quan INPS giám định và chứng nhận là của Sophie Le Tan.

Vấn đề là khi đó vẫn chưa tìm ra được thi thế của Sophie Le Tan.

Khu vực cánh rừng này, Grendelbruch, đã được cảnh sát ghi nhận qua cuộc giám định một trong những cái điện thoại di động của Jean-Marc Reiser trong đêm tiếp theo ngày cô Sophie Le Tan biến mất.

Jean-Marc Reiser biết rất rõ cánh rừng này, thưở nhỏ hắn ta đã từng theo cha là người gác rừng vào những ngôi nhà của kiểm lâm trong rừng và hắn ta thường trỏ lại những nơi này. Cảnh sát đã lùng sục khu rừng này bằng trực thăng và chó săn, nhưng phải bỏ cuộc vì khu rừng quá rậm.

Trong tuần tới sẽ diễn ra một cuộc thẩm vấn mới Jean-Marc Reiser, hiện đang bị tạm giữ kể từ ngày 17.09.2018. Trong các báo cáo về tâm lý học của các chuyên gia tòa án, ông này được chứng nhận là một người cao ngạo, lạnh lùng, khinh miệt, tàn bạo, che dấu mọi quan hệ tình dục đối với phụ nữ của mình, tìm kiếm trên Internet về phụ nữ Á châu. Trong vụ án về bà Françoise Hohmann, mất tích năm 1987, ông này đã hoàn toàn chối bỏ trước tòa án, dẫn đến kết quả là ông được tha bổng năm 2001.

Jean-Marc Reiser

Hôm qua, báo chí Pháp công bố vào sáng nay, 20.01.2021, rằng trong phiên tòa thẩm vấn Jean-Marc Reiser là thú nhận, rất bất ngờ, là đã giết Sophie Le Tan rồi chặt nhỏ thi thể để thủ tiêu cho dễ, điều mà cho đến nay hắn vẫn kiên quyết phủ nhận.

Sự việc đã dần dần được sáng tỏ. Điều còn lại là gia đình Le Tan phải sống tiếp tục trong đau đớn, khôn nguôi thương xót đứa con. Trong bất cứ tình huống nào, những người qua đời khi còn trẻ tuổi đều để lại cho cha mẹ và gia đình những vết thương đau nhức không hàn gắn lại được, cha mẹ khóc con, đó là điều bất hạnh lớn nhất. Nhưng cũng xin được an ủi một điều, số phần ngắn ngủi nợ trần gian chỉ có thế thôi, ra đi để có một số phần khác chắc chắn là tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Và dặn dò những cô gái, không nên đi tìm nhà ở thuê một mình. MTT

Bạn họ Nguyễn hay N´guyen ? ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

14. janvier 2021

Bạn họ Nguyễn hay N´guyen ? ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Tôi khá bực mình khi nghe người ta gọi tên mình sai, nhưng thật tôi không có lý để bực mình, vì người ta có hiểu tên và họ của mình đâu, mình cũng không hiểu tên và họ của những dân tộc khác. Tôi viết bài này cho cả hai bên Pháp – Việt có thể thông cảm được nhau trong cách đặt tên và gọi tên.

Dân Pháp, theo những người nghiên cứu gia phả thì họ bắt đầu có họ, thêm vào với tên, vào khoảng thế kỷ thứ 15.

Cả làng mang tên Jean, tên được chọn hàng đầu cho con trai, con gái thì là Marie.  Vậy muốn tìm kiếm ai thì phải biết thêm chi tiết Jean, mà ở đâu ? Có điểm gì đặc biệt ? Đầu làng, cuối làng, bên cạnh giếng nước, cạnh bìa rừng…cao, thấp, to, bé…? ở vùng nào ? Từ đó mà xuất hiện Jean Lelong, Jean Lepetit, Jean Dubois, Jean Dupont, Jean Dechamp, Jean Lafontaine, Jean Defrance….

Người Pháp viết tên trước, họ sau.

Bình thường mỗi người Pháp có ba tên và họ, nhưng chỉ sử dụng một tên đầu, thí dụ: Jean Michel Marie Lelong, thì chỉ sử dụng Jean Lelong.

Phụ nữ Pháp khi lấy chồng, trên hộ tịch vẫn giữ tên như trước khi lấy chồng, nhưng được quyền sử dụng tên chồng một cách chính thức, được ghi tên chồng trong các giấy tờ hộ tịch.

Người Pháp có một truyền thống rất hay là dùng tên cha, mẹ, ông bà ngoại nội, chú, bác, cô, dì để đặt làm tên, tên chính hay tên thứ, cho con để có tiếp nối gia đình. Nhờ có điều này mà các nhà nghiên cứu gia tộc, gia phả tìm lại được những mối liên hệ từ cả mấy trăm năm, những sự chuyển vùng sinh sống của tổ tiên, gốc tích…Nhiều khi, đặc biệt là cái họ bị chép đi chép lại, nét chữ, tuồng chữ viết không rõ ràng nên bị truyền lại sai lạc đi.

Tên người châu Âu nói chung dễ phân biệt nam nữ. Người Pháp lấy tên các thánh nam như Jean, Pierre, Michel, Thierry, Daniel…hay các thánh nữ như Marie, Madeleine, Christine, Brigitte, Helene, Rose, Sylvie…

Trong thời đại mới, tùy theo gốc tích và theo „mốt“ dân chúng du nhập thêm các tên nước ngoài vào cách đặt tên cho con trai như Kevin, Liam, Tiago, Kais, Kenzo, Ali…cho con gái như Lina, Zoe, Romy, Nour, Zelie, Lila, Noemie….

Người Việt khi nhập đạo Công giáo lấy „tên thánh“ thí dụ như Jean Bùi văn Bê, thực ra cũng như phong cách đặt tên của người Pháp vậy, tên nào thì cũng là tên của các thánh.

Và cũng có những người mang họ kép phối hợp họ cha và mẹ: Dubois-Dechant.

Trong phạm vi của một bài viết ngắn gọn tôi xin miễn bàn về tên của các dòng họ hoàng gia châu Âu với những chức tước dài lòng thòng khó hiểu.

Từ lâu, tên và họ cần thiết cho công việc hành chánh hộ tịch các loại, bán nhà, bán đất, kết hôn, khai tử, thừa kế….

Bây giờ, việc quản lý người dân được hệ thống hóa bằng vi tính, điện tử, ngày càng tinh vi, tối tân hơn. Kiểm soát bằng thẻ nhà băng, điện thoại, địa chỉ và một cái tên cũng không đủ, con người phải được nhận diện rõ ràng bằng dấu tay, khuôn mặt, những con số…để một con kiến cũng không lọt được mạng lưới quản lý hành chánh.

Người Việt có nhiều họ, nhưng đa số thuộc khoảng mười dòng họ chính theo họ của các các triều đại vua và chúa trị vì trong lịch sử Việt: Triệu, Lý, Ngô, Đinh, Lê, Trần, Trịnh, Nguyễn và các công thần đại quan Phạm, Huỳnh, Vũ, Bùi, Đỗ, Hồ, Dương…

Triều đại càng xa thì số người mang họ của triều đại đó càng ít đi như Triệu, Đinh, Ngô, Lý, Lê, Trần….

Bởi vậy, ngày nay con số người mang họ Nguyễn, là triều đại nhà Nguyễn từ vua Gia Long cho đến vua Bảo Đại trải qua 143 năm trị vì (1802-1945), chiếm gần 40% dân số cả nước Việt Nam gần 100 triệu người. Kế đó là họ Trần 13% và họ Lê 11%.

Nếu bạn họ Nguyễn ? Thì bạn thuộc vào 40 triệu người cùng họ Nguyễn, dòng họ cuối cùng của Việt Nam. Bạn bực mình khi bị gọi tên là N´guyen ? N´guyen là sai tuyệt đối, không phải là cách viết tên hay đọc tên của người Việt hay gốc Việt.

Họ và tên của người Việt gồm có ba phần: Họ + tên đệm + tên chính. Chữ đầu là họ chữ cuối là tên.

Để phân biệt trai và gái, đàn ông và đàn bà, cách đặt tên theo lối cổ xưa thì thêm vào chữ Văn cho phái nam và chữ Thị cho phái nữ. Ở đây tôi không đi sâu vào việc giải nghĩa tại sao lại như thế, e bài quá dài.

Thí dụ như: Nguyễn văn Anh, Trần thị Hoa

Tuy nhiên, cách đặt tên cho con của cha mẹ thì rất tự do, cho nên có nhiều phong cách khác nhau.

Họ đôi: Nguyễn Trần văn Anh (ghép họ cha và họ mẹ lại với nhau)

Tên đôi: Trần thị Hoa Mai

Hoặc bỏ hẳn chữ lót Thị hay Văn theo lối cổ xưa:

Nguyễn Hùng Anh

Trần Hoa Mai

Hoặc cả tên cha thêm tên con:

Nguyễn Cao Kỳ Duyên

Hoặc chi có họ và tên, không có tên đệm hay tên lót, thường chỉ dùng cho giới nam: Nguyễn Bá, Trần Cảnh…

Có những họ, mà vừa là họ vừa có thể đặt là tên, dễ gây nhầm lẫn,

thí dụ như Phan, Hoàng, Lê, Ngô, Trương, Chu, Châu, Phùng, Quân, Tống, Trác, Mai…

Có những tên đặt cả cho nam cũng như nữ:

thí dụ như Anh, An, Bình, Hà, Khánh, Linh, Lương, Nguyên, Tâm, Thanh, Tú, ….dễ gây nhầm lẫn không biết là nam hay nữ, nếu không có một tên đệm kèm theo làm rõ nghĩa.

Có những tên làm đau đầu nhân viên hộ tịch nước ngoài, thí dụ như Nguyễn Nguyên, viết không có dấu thì tên họ giống nhau

Nhiều gia đình có văn hóa cao lại còn điệu hơn khi đặt tên cho con, họ chọn một chữ ghép với họ để làm họ đôi cho các đời sau, như thế họ sáng tạo ra một dòng họ mới, thí dụ như dòng họ „Nguyễn Hùng“ cho đến khi nào con cháu tự ý không sử dụng tên đệm là „Hùng“ thì mới dứt.

Cha là Nguyễn Hùng Anh

Con là Nguyễn Hùng Kiệt

Cháu là Nguyễn Hùng Cường

Chắt là Nguyễn Hùng Dũng

Chít là Nguyễn Hùng Mạnh

Vấn đề khó khăn trong cách đặt tên của người Việt là nằm ở tên đệm.

Tên đệm đứng độc lập: thí dụ như Nguyễn Trương Hà, Trần văn Anh, Lê thị Hoa….

không phối hợp được với họ hay tên.

Tên đệm phối hợp với tên chính: để cho có tên đẹp, văn vẻ, có những tên phối hợp rất „kêu“ cho nữ giới như Ngọc Dung (mặt đẹp như ngọc), Thanh Hà (dòng nước xanh)…và cho nam giới như: Thanh Liêm, Chính Trực, Phú Quý, Vinh Quang, Tuấn Tú….

Đáng lẽ những tên kép phải được viết bằng gạch nối, nhưng ít có người sử dụng gạch nối, điều này dễ gây ra những sự nhầm lẫn trong hộ tịch hành chánh, nhất là ở nước ngoài.

Ngoài tên trong giấy khai sinh, thói quen và tập tục tạo ra thêm một loạt tên nữa gắn bó với con người, thí dụ như tên trong nhà: cu Tí, con Ti, cái Hĩm, bé Na, cu Mít, cô Hai, cậu Tư, Út thôi, Út nữa, Út hết.., tên bí danh, tên mật danh, biệt hiệu, tên gọi ngoài đường thí dụ như người tên Bông có vẻ quê mùa, trong nhà gọi là Bông, nhưng ra đường đổi lại thành Hoa cho văn vẻ hơn.

Sử sách chép lại là vào thế kỷ thứ 19 chúa Nguyễn Phúc Ánh cho  những đoàn thuyền vượt biển với hơn 3.000 người Trung Hoa định cư ở miền đất miền Nam, nên có nhiều hậu duệ gốc Hoa ở vùng này mang họ có gốc tích người Tầu, thí dụ như họ Trát, họ Cao…

Trong lịch sử nước mình có nhiều chuyện « thay tên đổi họ » vì hoàn cảnh loạn lạc, chiến tranh, bị tù đày, ép buộc …, phải đổi họ sang họ khác, hay không dám lấy họ cha phải lấy họ mẹ ….

Riêng đối với tên vua chúa nhà Nguyễn thì lại còn đặc biệt hơn nữa. Triều đại nhà Nguyễn chấm dứt năm 1945, nên còn hiện đại, những người thuộc dòng dõi hoàng tộc còn rất nhiều, phần lớn họ gặp khó khăn với chính quyền hành chánh nước ngoài về hộ tịch, trong nước cũng không kém khó khăn vì cách đặt tên của hoàng tộc. Lấy thí dụ như trường hợp của vua Duy Tân ở Pháp.

Hành chánh Pháp chỉ ghi tên của vua Duy Tân vẻn vẹn là Prince Vĩnh San trong hồ sơ lý lịch, bỏ mất họ là Nguyễn Phúc có từ đời vua Gia Long là chúa Nguyễn Phúc Ánh. (Người miền Nam nói trại chữ Phúc là chữ Phước: Nguyễn Phước Ánh.)

Chính ra vua Duy Tân có nhiều tên:

tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San

tên sau khi lên ngôi là Nguyễn Phúc Hoảng (ghi trong kim sách nhà Nguyễn)

niên hiệu (đời vua) là Duy Tân

Các con của vua Duy Tân, khi được làm lại giấy khai sinh để mang họ cha, vì không biết tục lệ, cha tên là Prince Vinh San thì cứ thế lấy luôn cái tên làm họ, rồi tới đời cháu, đời chắt cũng mang luôn tên Vinh-San, vô tình mà họ „sáng tạo“ ra dòng Vinh-San trên đất Pháp, cũng là một điều hay, sau này có ai mang họ Vinh-San thì người đó là hậu duệ của vua Duy Tân. MTT

Kim sách nhà Nguyễn, khắc bài Đế hệ thi của vua Minh Mạng, để đặt tên cho các hoàng tử dòng chính thống của vua Minh Mạng – vua Gia Long, họ là Nguyễn Phúc :

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quý Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thụy Quốc Gia Xương

Vua Duy Tân là Nguyễn Phúc Vĩnh San (đời thứ 5 sau vua Minh Mạng), tên thứ hai San được chọn trong bộ Ngọc. Nhà Nguyễn làm vua đến đời Bảo Đại thì chấm dứt. Nếu các dòng con cháu kế tiếp không giữ cách đặt tên như trên thì thất lạc.

Nắng Tây Nguyên, trăng Tây Nguyên – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2015

12. janvier 2021

Nắng Tây Nguyên, trăng Tây Nguyên – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2015

Cháu Hương, cô gái Buôn Mê Thuột duyên dáng, rất thông hiểu về vùng đất của mình – Photo: MTT 2015

Tôi về thăm quê đã từ nhiều năm, nhưng chưa có năm nào như năm nay cái cảm giác „Từ Thức về quê“ lại mạnh rõ ràng hơn hết. Một sự „cựa mình“ từ Bắc chí Nam, chỗ nào cũng có đường mới, cầu mới: Cựa mình vì cầu mới đường mới đếm không hết. Không có cầu đường giao thông thì làm sao có phát triển kinh tế ?

Từ cây cầu Nhật Tân và đại lộ Võ Nguyên Giáp rất mới, hiện đại, to, rộng, cho đến những gầm cầu đầy cỏ xanh và hoa lá ở Hà Nội, cho đến cây cầu Sài Gòn mà bề rộng đã được nhân lên gấp hai, mỗi chiều bốn lằn xe hơi và một lằn xe hai bánh, cho đến cầu Ông Lãnh, cầu chữ Y đều được làm lại mới, cầu Đồng Nai, cầu Kênh Tẻ, cầu Nguyễn Văn Cừ, đại lộ Đông Tây chạy dài theo bờ kênh Bến Nghé, bến Chương Dương (nay là đường Võ Văn Kiệt) để về miền Tây hướng Tân An, Long An…nước xanh cá lội, khác hẳn những đẫy nhà sàn mọc trên cọc bên bờ kênh nước đặc quánh đen thui bốc mùi xú uế xưa kia…trong Nam, cho đến cảng T1 mới của phi trường Nội Bài mà hành lang từ cửa máy bay vào chỗ khám hộ chiếu thông hành dài lê thê thẳng tắp cả cây số, khiến du khách đang mệt mỏi vì những chuyến bay dài, thay đổi giờ giấc, chân thấp chân cao, vác, kéo, bưng, đeo khệ nệ hành lý xách tay đi muốn lả cả người. Không có một cái xe đẩy hành lý nào được đem ra khi khách xuống máy bay. Mà nếu có xe đẩy thì lại không sử dụng được thảm di dộng, thế mới là bất tiện đủ điều. Công bằng mà nói, cảng 2E của phi trường Paris-CDG còn “khủng” hơn, mệt hơn, toát mồ hôi hơn, hành khách phải đi bộ rất xa để lên máy bay, cũng như xuống máy bay phải đi bộ rất xa để vào đến nơi kiểm soát thông hành và lấy hành lý.

Sàigòn là một thành phố đêm không ngủ. Dòng triệu triệu người, triệu triệu xe thao thức suốt đêm ngày. Họ đi đâu mà cứ đi mãi, không ngưng nghỉ. Nếu có sống ở những thành phố rất đông dân cư và mùa nắng kéo dài như ở Sàigòn thì mới hiểu nỗi khổ, nỗi nhọc nhằn của những người phải di chuyển để kiếm sống, nhất là những người lái xe hai bánh. Bụi đường, khói xe tải, khói xe bus bốc mùi ngột ngạt hôi hám khó thở phủ đầy mặt mũi, tóc tai quần áo, còi xe nhà xịn, còi xe tải, còi xe bus thúc nhức nhối lỗ tai, mỗi khi chen chúc nhau, nhúc nhích từng phân, từng mét một , tay lái kề sát tay lái, khi phải nối đuôi nhau, chen lấn nhau trên đường, hay đan chéo nhau chằng chịt trên các ngã tư, các vòng xoay năm, sáu ngã đường…cả thành phố chìm trong những sự ô nhiễm môi trường nặng nề, gây ra nhiều bệnh tật trầm trọng. Vì thế, những công việc làm giảm mọi sự ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước sinh hoạt, nước uống, nước thải, ô nhiễm tiếng động, rác rưởi, giảm stress, giảm mầm bệnh tật, giảm thời gian dành cho di chuyển vì công ăn việc làm hàng ngày…là có ích lợi cho sự sống của con người.

Ngày xưa, ba tôi thỉnh thoảng theo bạn bè đi săn ở Buôn Ma Thuột hai ba ngày. Ba tôi biết bắn súng săn, cưỡi voi, cưỡi ngựa…Mỗi khi ba tôi về là có thịt nai, thịt heo rừng, mật gấu, mật ong rừng, ngà voi như vòng đeo tay, bông tai, răng heo…Có lần ba tôi đem về cả một tấm da nai, ông làm cho mình một cái ví đàn ông để đựng giấy tờ và tiền. Khi ba tôi chết, cái ví ấy đáng lẽ ra bị vất vào thùng rác nhưng may mắn cho tôi, là tôi xin được cái ví ấy để đem về làm kỷ niệm đặt lên bàn thờ. Nên, Buôn Ma Thuột đối với tôi trong trí nhớ vẫn là một bản làng có nhiều voi, thú rừng và những tiếng trống, tiếng chiêng trong rừng rậm núi đồi hoang sơ.

Khi anh tài bảo là khoảng cách từ Sài Gòn đi Buôn Ma Thuột chỉ có khoảng 380 cây số thôi, người ta đi 9 tiếng, nhưng anh chỉ cần lái 6 tiếng là tới, tôi đã thấy hãi hùng. Chúng tôi lên đường sau bữa cơm trưa. Có thể nói từ đầu con đường cho đến cuối con đường Sài Gòn – Ban Mê Thuột là một công trường dài suốt. Có khúc vừa mới làm xong, bánh xe lướt êm, có khúc gạch đá lổn nhổn, đầy ổ voi, gầm xe cứ đập mạnh xuống đường còn chúng tôi thì cụng đầu vào nóc xe, và tay lái anh tài thì cứ vòng vèo lách phải lách trái….may mà vợ chồng tôi không hề bị say xe. Những đoạn còn đang làm lại rùng rợn thêm khi nó nằm ở sống núi, hai bên là vực, thế mà các xe to, xe nhỏ, xe tải kiểu Mỹ, xe hai bánh cứ nối đuôi nhau tung bụi mà chạy. Vượt được khoảng nửa đoạn đường anh tài cho vào ăn trong một quán „xe tải“, cứ quán nào có nhiều xe đậu trước cửa là „ngon“, mình cũng tấp vào. Ngồi xuống bàn là chủ quán chỉ cần đếm đầu người để dọn cơm, không cần phải xem thực đơn, vì mâm nào cũng chỉ có bấy nhiêu món, 60.000 đồng một đầu người có tô canh, rau xào, thịt heo kho, thịt heo luộc, cơm trắng và nước trà miễn phí ! Tô phở bò to, bánh phở tươi chỉ có chẵn 30.000 đồng.

Hoa cà phê mầu trắng ngà nở trong nắng cháy. Photo: MTT 2015

Đoạn đường gần đến cửa ngõ Buôn Mê Thuột, nay đã lên cấp thành phố, đã làm xong mặt đường nhựa, xe lướt vào êm ru. Trước mắt tôi là một đại lộ, ánh đèn đường sáng trưng, rồi đèn nhà, đèn quảng cáo sáng khắp nơi, tôi ngạc nhiên nhìn một „thành phố“ mới, hiện đại, đã lột xác từ một buôn làng. Vâng trăng rằm Nguyên Tiêu sáng tròn vằng vặc trên bầu trời xanh đen, chung quanh là mọi vì sao sáng nhấp nháy trong gió núi thổi mát rượi.Ở Hà Nội chúng tôi chẳng thấy trăng mà cũng chẳng thấy sao đâu cả, chỉ thấy màn mây dày che phủ cả bầu trời. Ở miền Trung lác đác vài ngôi sao sáng hiện ra, đặc biệt có ngôi sao chỉ hướng Nam là hiện sáng nhất. Còn ỏ Tây Nguyên thì sáng trăng, sáng tất cả các vì sao sáng cả trời đêm.

Một GRU Tây Nguyên, dũng mãnh, oai hùng. Photo: Trần Tấn Vịnh, Heritage Fashion, Vietnam Airlines, số 3-4.2015.

Sáng sớm hôm sau, mới 5 giờ sáng, loa phóng thanh đọc các bản tin thời sự đánh thức tôi dậy ăn sáng. Mới bảy giờ đã thấy nóng chảy mồ hôi, đến trưa thì nhiệt độ lên đến 38°, ánh nắng như thiêu đốt cháy da cháy thịt, nhức đầu, hoa mắt. Trăng Tây Nguyên đẹp chừng nào thì nắng Tây Nguyên nóng chừng ấy. Đồng ruộng khô cháy, nứt nẻ nhiều nơi. Vào vườn cà phê, nhìn những cây cà phê lá dài bản hẹp mầu xanh lá cây đậm rũ xuống, ngọn lá chĩa xuống đất, mới thấy lá cà phê thông minh tránh nắng, để cho hoa cà phê trắng ngà nở trong nắng, đất dưới chân cà phê đỏ như mầu máu, đỏ như mầu nắng cháy. Tây Nguyên đang trong mùa hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, nước cho đồng ruộng vườn tược, tình hình căng thẳng luôn cho các ruộng trồng hoa màu như ruộng lúa, ruộng mía, nguy cơ thất thu khá lớn, người dân Tây Nguyên lo lắng bối rối không biết tìm nước ở đâu. 1). Hiện nay tỉnh Đắk Lắk có gần 1.8 triệu dân định cư (thống kê 2009) của 40 dân tộc chung sống, đông nhất là người Kinh, rồi đến người Ê Đê.

Chúng tôi vào Buôn Đôn xem cho biết cách làm du lịch của người Tây Nguyên. Bản Đôn cũng ngập chìm trong nắng nóng. Dòng sông SêRêPok chảy dọc Buôn Đôn gần như hết nước, mực nước giảm cả đên 4, 5 thước, lòng sông lộ ra trỏng chơ dưới nắng. Đàn cò trắng tụ tập hết vào giữa lòng sông, nơi còn có ít nước, phía bên Vườn Quốc gia bên kia sông. Người Buôn Đôn, nhất là người gốc Lào có tài thuần voi, khiến cho voi chăm chỉ làm việc, kéo gỗ, khuân gỗ, chuyên chở người và hàng nặng… Người Mnông gọi những người thợ săn bắt voi rừng và thuần dưỡng voi là gru, như gru Ama Kông, một trong những “vua voi” nổi tiếng nhất. Gru ngồi trên đầu voi, cầm cái dùi móc (kreo), vật bất ly thân của gru, để điều khiển voi, người thợ phụ (gọi là rmắc) ngồi phía sau, cầm cái kuk để thúc con voi. Các gru luôn mặc trang phục truyền thống rất đẹp, áo “đại bàng dang cánh” dệt bằng thổ cẩm mầu đen trang trí hoa văn Kteh Mnga, có một mảng sợi dày mầu đỏ rực trước ngực, quấn khăn trên đầu, cầm kreo và tù và trên tay, dây buộc voi quấn ngang trên cổ, xem rất dũng mãnh và quắc thước, đúng là người hùng của rừng xanh ! 2)

Một “ông” voi phục vụ du lịch ở Buôn Đôn. Photo: MTT 2015

Nhìn hai con voi đi loanh quanh chầm chậm trong Buôn Đôn chồng tôi lắc đầu không chịu cưỡi voi, bảo, nặng kí quá, leo lên ngồi thì tội nghiệp voi, nên chúng tôi không cưỡi, chỉ đứng chụp ảnh và nhìn voi ăn bó mía của du khách thưởng cho voi sau chuyến phục vụ. Hôm sau đọc báo được tin con voi già 40 tuổi chết khi đang phục vụ du lịch, chúng tôi bảo nhau, may sao là không phải mình quá nặng kí làm chết voi ! Chủ voi và buôn làng làm lễ cúng voi theo phong tục truyền thống. 3)

Đi qua các cầu treo đong đưa như đi trên võng, đến các nơi dừng chân, thì chúng tôi thất vọng vì hoàn toàn không có sinh hoạt văn nghệ gì cả, không có giao lưu văn hóa cồng chiêng, cũng không có nhà hàng đặc sản, cũng không có hướng dẫn trekking rừng đại ngàn…như trong quảng cáo du lịch. Chụp vài cái ảnh rồi đi về, chấm dứt cuộc viếng thăm Buôn Đôn ngắn ngủi. Nắng quá.

Cầu treo ở Buôn Đôn. Photo: MTT 2015

Một cô cháu phê chúng tôi rằng, các bác chỉ đi cưỡi ngựa xem hoa, chứ không hiểu gì về văn hóa Ê Đê của người đồng bào trên Buôn Mê. Dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ chủ nhà có chỗ ngồi danh dự trong nhà mình, bên bếp lửa. Nhiều gia đình Ê Đê đã giầu có lên, buôn làng trở thành những khu phố khang trang, hiện đại, họ xây nhà mới bằng bê tông, gạch ngói phía sau hay bên cạnh, và giữ ngôi nhà truyền thống cũ có hình dáng như một cái thuyền gỗ dài làm kỷ niệm phía trước.

Dọc đường về, đi ngang qua các vườn cà phê to nhỏ đủ cỡ, hoa cà phê đang nở trắng, nhưng có cây đã ra hạt xanh, mùa thu hoạch cà phê là từ tháng mười hàng năm cho đến hết tháng một tây… Trung tâm thành phố rất khang trang, nhiều nhà đẹp, viện bảo tàng xây ngay bên cạnh Biệt Điện của vua Bảo Đại khá đồ sộ và khá đẹp, theo kiến trúc văn hóa sở tại. Nơi đây, mọi người đang tấp nập dựng sân khấu và những gian hàng trưng bày cho lễ hội cà phê sắp diễn ra. Tiếc là chúng tôi lại đi trước ngày lễ hội. Có điều, tôi lại không mua một gói cà phê nào cả vì giá bán cà phê trực tiếp ở Buôn Ma Thuột quá đắt, so với mức giá bán cà phê tiêu thụ bình thường ở châu Âu, phần thì trọng lượng hành lý du lịch cũng bị hạn chế.

Đêm ở Buôn Ma Thuột rất mát khi gió núi nổi lên, dễ chịu nên thành phố nhấp nháy đèn đủ mầu sắc, nhộn nhịp người đi ăn uống, đi chơi, tiếng nhạc karaoke, nhạc sống vang lên ở nhiều nơi. Một số tiệm ăn ngon, sạch sẽ, giá cả phải chăng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và khách nước ngoài. Tiếc là chúng tôi tạm trú trong một khách sạn trong trung tâm thành phố mà nội thất đã cũ kỹ, chăn, nệm gối khăn đều rất cũ, giá lại khá đắt, dịch vụ kém, nên lần sau sẽ không trở lại địa chỉ này.

Chúng tôi rời Buôn Mê Thuột bằng máy bay, tại phi trường mới xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại mới tinh, sạch sẽ, chúng tôi chứng kiến một việc đáng buồn. Một đôi „vợ chồng“ trẻ đem một đứa con gái 15 tháng về Bắc, đi chuyến bay Buôn Ma Thuột-Hà Nội, không được cho lên máy bay vì lý do cháu bé chưa có khai sinh, mẹ cháu chỉ có giấy chứng sinh, và cha mẹ cháu chưa cưới nhau, chưa làm hôn thú, và vì người cha nghe lời bố, ông nội của cháu, chờ chuyến này đem cháu về quê ngoài Bắc thì mới làm khai sinh cho cháu. Cháu bé rất xinh xắn, dễ ghét, đã được cha và mẹ đặt tên là Trần Lê Bảo Ngọc. Hai người trẻ thay phiên nhau năn nỉ hết nhân viên này đến nhân viên khác, nhưng họ vẫn lạnh lùng từ chối. Cô gái khóc, chúng cháu ở cách Buôn Mê 80 cây số, Ở Gia Nghĩa, đi xe bus hơn ba tiếng mới đến được tận phi trường, hai vé mua của Vietjet Air không đổi ngày đi được, cũng không được hoàn trả, thế là mất 2 triệu tiền vé cô ạ.
Cuối cùng, cái gia đình nhỏ ba người ấy, với cháu bé xinh xắn, đành phải thuê taxi trở về thành phố để sáng sớm mai đón xe bus từ Buôn Ma Thuột ra tận Hà Nội. Chúng tôi hỏi nhau, tại sao những nhân viên Vietjet Air và nhân viên check-in của phi trường Buôn Ma Thuột lại vô cảm đến thế, hành hạ một gia đình trẻ với đứa con còn rất nhỏ ?! Nắng Tây Nguyên và trăng Tây Nguyên bỗng hết đẹp. MTT

MTT_BMT_107

Cháu bé Trần Lê Bảo Ngọc, 15 tháng, không được lên máy bay của Vietjet Air tại phi trường Buôn Ma Thuột, phải đi xe khách từ Buôn Ma Thuột ra tận Hà Nội, một đoạn đường rất dài, khoảng 1.600 cây số, ngồi xe nhọc nhằn hai đêm ba ngày mới đến. Photo Mathilde Tuyết Trần, Buôn Ma Thuột 2015

Trăng rằm Nguyên Tiêu của mùa Tết Ất Mùi 2015 đang lên trên bầu trời Buôn Ma Thuột, ở một độ cao là 536 mét so với mặt nước biển, giờ đã là một thành phố lớn cấp 1, hiện đại, sống động với gần 350.000 dân định cư trong thành phố, thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột cách Hà Nội khoảng 1.500 km đường bộ, cách thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) 380 km đường bộ. Photo: Mathilde Tuyet Tran, BMT 2015, nhìn từ một khách sạn trong trung tâm thành phố

Dưới bóng cây Kơnia ở Buôn Đôn. Photo: MTT 2015

Chú thích:
1) Bài Cà phê, hoa màu Tây Nguyên gặp hạn nặng“, báo Tuổi Trẻ ngày 08.03.2015.
2) Bài Trang phục của GRU, Trần Tấn Vịnh, Heritage Fashion, Vietnam Airlines,

    số 3-4.2015.
3) Bài „Voi chết khi đang phục vụ du lịch“, báo Tuổi Trẻ ngày 09.03.2015

Giới thiệu sách « Vũ trụ huyền diệu »

7. janvier 2021

Giới thiệu sách (cập nhật lần cuối ngày 24.10.2011)- ©Mathilde Tuyết Trần

VŨ TRỤ HUYỀN DIỆU của Giáo sư Nguyễn Quang Riệu, Đài thiên văn Paris

Nhà xuất bản Thanh Niên, 2008

Tôi thích ngắm sao trời ban đêm, mỗi khi có dịp. Cũng như nhiều người, trời chập choạng tối là chui rúc vào nhà ấm cúng, mặc áo len, đi vớ, cửa đóng then gài, có thấy đâu trăng sao trên trời. Thỉnh thoảng đi đâu về khuya, mới ngẩng đầu nhìn trời nhìn sao. Ở nhà quê, những đêm lạnh giá tháng hai là những đêm sáng sao nhất. Ngàn vì sao giăng mắc chằng chịt sáng lấp lánh xa xa. Nhiều lắm, đếm không hết.

Ngắm sao, mới tri thức rằng mình đang đứng trên trái đất thân yêu. Nhà ở hướng nam nên tôi chỉ nhận ra được ngôi sao Nam (l´étoile du Sud), thường sáng hơn những vì sao khác, và hai chùm sao quen thuộc: der große Bär (Gấu to) và der kleine Bär (Gấu nhỏ), ngoài ra thì mù tịt, một ông sao sáng, hai ông sáng sao…, xít xoa, đêm nay sao sáng quá! Đó là đôi mắt „trần“ và „ngoại đạo“ của tôi.

Còn đôi mắt của Giáo Sư Nguyễn Quang Riệu thì thật là đặc biệt. Vì thế khi thấy cuốn sách với tựa đề rất hấp dẫn „VŨ TRỤ HUYỀN DIỆU„ như đề tựa của một quyển tiểu thuyết, của Giáo sư Riệu là tôi không ngăn được sự tò mò trỗi dậy, thỉnh về nhà đọc ngay.

Thú thật, đọc được mấy chục trang đầu, tôi phải đọc ngược, tức là đọc những trang cuối trước, phần „Chú giải thuật ngữ“ về các khái niệm kỹ thuật trong khoa học thiên văn và vật lý. Chủ đề nghe thì thơ mộng, nhưng bản chất của đề tài là khoa học, với những giải thích gần gũi với đời sống hàng ngày của chúng ta, nhưng những người như tôi, phải học trước những khái niệm chuyên môn thì mới hiểu phần nào về thiên văn học.

Đây là một điểm mạnh của cuốn sách, vì một nhà nghiên cứu khoa học như Giáo Sư Nguyễn Quang Riệu, làm việc hầu như suốt một đời người bằng tiếng Pháp, công việc truyền lại kinh nghiệm khoa học bằng tiếng Việt, một cách trôi chẩy nhẹ nhàng, không phải là chuyện dễ làm và tất nhiên.

Đôi khi tôi phải vật lộn với mấy cuốn tự điển để tìm ra một khái niệm tiếng Việt tương ứng với tiếng Pháp, tiếng Đức hay tiếng Anh, nhất là các khái niệm chuyên môn trong khoa học kỹ thuật hay khoa học nhân văn. Cho nên, trong cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Quang Riệu người đọc sẽ tìm thấy những khái niệm mới làm giầu thêm, phong phú thêm cho tiếng Việt.

Cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Quang Riệu, ngoài ưu điểm về khía cạnh ngôn ngữ, cung cấp cho người đọc một số lượng kiến thức cơ bản về khoa thiên văn học và vật lý, để mỗi khi ngắm sao thì nhớ lại những điều….kỹ thuật, những bí ẩn thiên nhiên của các vì sao.

Trong một lá thơ viết với nhiều thông cảm, Giáo sư tâm sự:  » Cuốn sách này được viết vừa để phổ biến ngành khoa học nghiên cứu bầu trời cho nhiều độc giả, vừa để trình bầy tâm tư của một người khoa học nghiên cứu như tôi. Tôi đã cố gắng phối hợp hai mục tiêu, nhưng có những phần, tuy đã được đơn giản hóa, nhưng có thể vẫn còn phức tạp đối với những độc giả không chuyên ngành. Những chương trong sách thường độc lập với nhau và những giai thoại xen kẽ với những vấn đề khoa học. Độc giả có thể „nhảy cóc“ những đoạn nào quá chuyên môn và thưởng thức những giai thoại miêu tả tâm tình và đời sống của những nhà thiên văn khi phiêu lưu thiên hạ. »

Nhưng. Vừa đọc vừa ghen tị với Giáo sư vì những chuyến đi nhiều nơi trên thế giới của Giáo sư, qua những đoạn hồi ký, tôi ham đi lắm nhưng không có dịp, vì những phương tiện kỹ thuật hiện đại, tối tân để khảo sát, quan sát bầu trời, mà chính Giáo sư viết rằng, như trẻ con được món đồ chơi mới.

Trong phong cách diễn tả, truyền đạt lại những hiểu biết và kinh nghiệm về khoa vật lý thiên văn học, một công việc chuyên môn với những khái niệm khoa học chuyên môn, những dòng chữ của Giáo sư Nguyễn Quang Riệu sáng lấp lánh một chút thơ, một chút ý nhị, hóm hỉnh, một sự vui thích trẻ trung của người viết, chứng tỏ Giáo sư rất yêu thích vũ trụ và công việc của mình. Đây cũng là một điểm đặc biệt của cuốn sách, mà tôi xin trân trọng giới thiệu với các bạn.

Du Big Bang à la naissance des étoiles et à la recherche de la vie dans l’Univers
Nguyễn Quang Riệu, Directeur de Recherche émérite au CNRS (Observatoire de Paris)

L’observation du Cosmos a fait partie intégrante de la civilisation des peuples depuis la plus haute antiquité. L’avènement des grands télescopes et radiotélescopes et le développement de la physique moderne ont permis à l’astronomie de faire un grand bond en avant dans l’étude de l’Univers. C’est ainsi que la théorie du Big Bang, après des ajustements successifs, a servi de base à la cosmologie qui est la branche de l’astrophysique étudiant l’origine et l’évolution de l’Univers. Il s’avère que l’Univers est presque totalement invisible ! Ce n’est qu’un océan d’énergie et de matière que l’on ne peut pas « voir ». La matière visible constituée d’atomes et de molécules et détectée par les télescopes sous forme de galaxies et d’étoiles, ne représente que ~ 5% du contenu énergétique de tout l’Univers.

Les étoiles naissent et meurent comme les hommes sur la Terre. Leur longévité dépend de la façon dont elles consomment leur énergie, les plus grosses ont une durée de vie plus courte et finissent brutalement leur vie en explosant. Les étoiles et les galaxies nous envoient non seulement la lumière mais aussi les signaux radio. Elles sont si lointaines que leur lumière est aussi faible que la flamme d’une bougie placée sur la Lune et observée depuis la Terre. Quant à leur émission radio, elle est au moins quelque dix mille fois plus faible que les signaux radio que nous captons dans nos postes radio.

Des éléments chimiques très variés, de l’atome le plus simple, l’hydrogène, aux molécules organiques complexes comme l’alcool et le sucre etc…, voire le diamant incrusté dans des grains de poussière, ont été détectés dans La Voie Lactée. Des astronomes y recherchent activement des acides aminés qui sont les constituants fondamentaux des protéines. Il est possible que les processus biologiques qui ont engendré les premières formes de vie sur la Terre, aient pu aussi se réaliser sur d’autres planètes du système solaire. La vie telle que l’on conçoit sur terre ne peut exister sur le Soleil et sur les étoiles, car ces astres sont brûlants. Elle ne pourrait subsister que sur les planètes où la température est plus modérée. Des engins spatiaux ont déjà déposé des robots sur la planète Mars et sur Titan (un des satellites de la planète Saturne) pour tenter d’y détecter des traces de vie. Notre système solaire ne possède que huit planètes. Des méthodes récentes d’observation très élaborées ont été utilisées pour découvrir des planètes dans d’autres systèmes stellaires. Dans l’espace d’une dizaine d’années, près de trois cents planètes « extrasolaires » (planètes en dehors du système solaire) ont été détectées, certaines d’entre elles pourraient ressembler à notre planète Terre et possèderaient un environnement susceptible d’abriter des formes de vie. La détection de planètes extrasolaires constitue une condition préalable à la recherche de la vie extraterrestre.

Les distances qui séparent les systèmes stellaires sont tellement immenses que l’exploration de la Voie Lactée par des engins spatiaux en vue de détecter la vie extraterrestre s’avère quasiment impossible. Même les signaux radio qui se propagent à la vitesse de la lumière et qui sont émis par des civilisations extraterrestres les plus proches – s’il en existe – devraient mettre des centaines, voire des milliers d’années, pour parvenir jusqu’à nous. Des campagnes d’observation d’envergure pour détecter de tels signaux à l’aide de l’un des plus grands radiotélescopes du monde, restent jusqu’à présent infructueuses. Sommes nous ainsi la seule civilisation dans l’Univers ?

Tin buồn Nguyễn Quang Riệu

7. janvier 2021

Sáng nay tôi đọc báo Tuổi Trẻ đập vào mắt là tin anh Nguyễn Quang Riệu vừa qua đời vì Covid 19. Giật mình. Thời gian trôi đi quá nhanh, tưởng như mới hôm nào được anh tặng cho cuốn sách Vũ Trụ Huyền Diệu, người đi rồi mới thấy tiếc là không còn được gặp lại. Cảm giác đầu tiên mới tiếp xúc với anh là anh rất cởi mở, vui vẻ, khiêm tốn và chân thành với đàn em, không câu nệ mình đã là một bậc thầy, một khoa học gia tăm tiếng khắp thế giới.

Xin thành kính chia buồn cùng gia đình, tang quyến và cầu chúc anh linh của anh Nguyễn Quang Riệu nhanh chóng thanh thoát tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng, bước vào một Vũ Trụ Huyền Diệu vĩnh cửu của anh.

Mathilde Tuyết Trần

Giáo sư Nguyễn Quang Riệu, sinh năm 1932, từ trần ngày 05 tháng 01 năm 2021 tại Paris, thọ 89 tuổi

(ảnh của Diễn Đàn)

Khác nhau và giống nhau

5. janvier 2021

Khác nhau và giống nhau – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Trong bài viết này tôi viết về cái nhìn chủ quan của tôi về việc khác nhau và giống nhau giữa người trẻ sinh đẻ ở nước ngoài và người trẻ sinh đẻ trong nước, lấy thí dụ trường hợp sinh sống ở Đức.

Những người trẻ trong nước bây giờ sang nước ngoài du học có một điểm nổi bật giông giống như thế hệ sinh viên ra đi ngày xưa của những năm 1950, 1960 và 1970. Thời đó phải là con ông cháu cha mới được đi du học tự túc sang Mỹ, sang Pháp, sang Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Canada, Nhật, Ý…và phải có bằng Tú Tài II ít nhất là hạng Bình trở lên, thêm một chứng chỉ ngoại ngữ của quốc gia mình muốn đến.

Tự túc có nghĩa là gia đình cấp tiền cho con đi ra nước ngoài ăn học, tiền ăn ở và tiền học phí. Nộp đơn lên bộ Giáo dục, chờ xét đơn, thấy tên mình trong danh sách được đi thì mừng hết lớn, đi mua vé máy bay „aller simple“ không có ngày về, rồi sửa soạn vali, thế là bay, đi. Một số ít được cấp học bổng đi du học. Thế hệ này sinh ra ở trong nước, lớn lên dưới sự chăm lo dạy bảo của bố mẹ đến năm 18, 19, 20 tuổi.

Sinh viên Việt Nam bây giờ đi từ Việt Nam cũng thế, về kinh tế có gia đình ở Việt Nam chăm lo, hay thuộc diện học bổng, ít có khó khăn, chỉ phải học. Đó là lợi điểm đầu tiên.

Trong khi đó thế hệ 2 của thế hệ 1 sàn xuất trực tiếp tại các nước đi du học, phải nói là có những trường hợp đa dạng hơn, Các cháu sinh ra, lớn lên trong một môi trường hoàn toàn „lạ“, bắt đầu một đời sống mới khác hẳn cha mẹ, nếu ở Đức, từ lúc đi Kindergarten, Vorklassen cho đến sáu tuổi vào trường tiểu học Grundschule, rồi 11, 12 tuổi lên học Gymnasien, Gesamtschulen hay Hauptschulen, Realschulen.

Các cháu nói tiếng Đức như trẻ con Đức, nhiều khi cha mẹ không nói tiếng Đức được như các cháu, giọng nói cũng khác, cách đặt câu cũng khác, không theo kịp con. Nếu ở nhà cha mẹ chỉ nói tiếng Việt với con, thường khi đến một lúc nào đó thì „buông“, vì con chỉ nói tiếng Đức.

Cùng với sự phát triển ngôn ngữ là sự phát triển tư duy. Mười tám năm lớn lên trong gia đình ở Việt Nam, hấp thụ văn hóa và truyền thống đã cho chúng ta một nền tảng không thay đổi, chúng ta là người Việt Nam dù sống ở nước ngoài năm, sáu chục năm cho đến chết.

Mình có đặt mình vào hoàn cảnh những đứa con của mình không ? Những đứa trẻ bị giằng co bởi sự khác biệt về thể chất, về xã hội, về gia đình. Gia đình người Việt, cha mẹ sinh hoạt, bạn bè, đi chơi giải trí…theo kiểu thuần Việt như có thể, rất ít bạn bè nước sở tại, quan hệ hời hợt, không hay thiếu hội nhập.

Chúng ta tự làm cho mình thành những thành phần lạ trong xã hội sở tại, vì không cần hội nhập chúng ta vẫn sống được, sống tốt nữa là khác…Nhiều người ra trường, có công ăn việc làm địa vị, nào là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, chủ nhà hàng…. hơn hẳn người Đức sở tại, về hưu cũng có một đời sống khá hơn, sung túc hơn, viên mãn.

Nhưng con cháu chúng ta, từ khi đi học, chúng đã tiếp xúc với xã hội Đức, chúng đã phải đối phó với những vấn đề bạo lực học đường, kỳ thị, ma túy bạn bè dụ dỗ…. Tôi nhớ dạo con tôi 13 tuổi, một viên LSD chỉ có 6 DM, bán ngay tại trường học.

Có trẻ may mắn hơn, không hề bị những vấn đề trên cản trở đường học vấn. Có trẻ, nhất là trẻ châu Á, thường bị bạn bè trêu ghẹo, châm chọc, ghét bỏ vì bị cho là „Streber“…  Cha mẹ người Việt thường chú trọng một cách thái quá đến sự học của con, không ít người đặt những hoài bão mà mình không làm được tiếp tục lên con mình, phải ra trường thành luật sư, kỹ sư, bác sĩ …có địa vị trong xã hội sở tại, phải là „công dân hạng A“ mới đáng là con mình. Sức ép của cha mẹ nếu phát huy được tác dụng thì tốt, không được thì thất vọng cho cả hai bên cha mẹ lẫn con cái.

Trong thời đại toàn cầu hóa, các nước tân tiến lại thực hiện kinh tế di dời, chuyển đổi cơ sở sản xuất qua những nước khác để phát sinh ra thực trạng thất nghiệp ở nước mình, đồng thời chiến tranh ở khu vực Trung Đông khiến cho cả triệu người đi di tản đổ ập đến châu Âu, gây ra một loạt các hiệu ứng khác, trong đó có việc chống đối di tản, cụ thể là người di tản. Vấn đề Immigration (di tản) nổi lên, chúng ta không nên quên rằng định cư, sinh sống lập nghiệp ở một nước khác không cũng một ngôn ngữ với mình là thuộc về Immigration, mà chúng ta là những người nhập cư (les immigrés) theo định nghĩa hành chánh, dù có quốc tịch (nhập tịch).

Nếu có mảnh bằng tú tài rồi, các cháu đi tiếp, một vấn đề mới đặt ra cho các cháu, cho cha mẹ là „tự lập“.

Nếu khi trước, người cha đi làm một mình, đủ sức để nuôi vợ ở nhà nội trợ và con cái, thì nay chuyện con phải đi học xa, chọn trường, chọn ngành lại gây ra tốn kém, các cháu phải tính tới bước kiếm thêm tiền để ăn học, đỡ đần cho kinh tế gia đình. Dần dà, những hoàn cảnh, những cá tính, những sở thích, sở trường và sở đoản rất riêng tư được hình thành, những suy nghĩ khác đã được đặt ra, không theo đuổi bậc đại học nữa, mà theo con đường học nghề, âu cũng là một điều hay.

Những cháu đã tốt nghiệp đại học, nếu ai tìm được việc làm ngay thì người đó có „duyên“ được Trời cho, được đời ưu đãi, may mắn, còn không thì…thất nghiệp.

Thêm vào đó, chuyện tình yêu đôi lứa của các cháu là những chuyện mà thế hệ cha mẹ „khó bàn“, miễn bàn. Các quan niệm về hạnh phúc, tình dục, về giới tính, về hôn nhân, về gia đình rất khác với chúng ta, nhất là khi các cháu bị ảnh hưởng của đời sống của cha mẹ, ly dị, tái kết hôn…

Tựu chung, các cháu sinh đẻ ở nước ngoài, thế hệ 2 năm nay đã trên 40 tuổi, phần lớn từ 30 đến 40 tuổi, lại đã sản sinh ra thế hệ thứ ba từ 1 đến 20 tuổi, có một đời sống khác hẳn cha mẹ, vốn sinh ra ở Việt Nam, các cháu phải sống với những may rủi, với hoàn cảnh hiện tại của xã hội sở tại.

Về tinh thần, không thể trách các cháu là „như Đức“ được, cách suy nghĩ, cách lý luận, tư duy tự do hơn, khác chúng ta nhiều lắm. Chỉ nội cách xưng hô „Mama, du….und…ich...“ đã thể hiện một sự bình đẳng, không như cách xưng „con“ đối với cha mẹ của người Việt. Đối với các cháu đã trưởng thành, cha mẹ lại càng không thể áp đặt một điều gì, không có ảnh hưởng, cha mẹ chỉ có thể trợ giúp trong mọi trường hợp, mọi tình huống, mọi thay đổi của cuộc đời mà thôi. Bình đẳng trong quan hệ cũng có nghĩa là cha mẹ nên tôn trọng con cái, không xem con cái từ bé đến già là „dưới quyền“ của mình.

Xuyên suốt chương trình học từ nhỏ, các cháu học lịch sử, địa lý, văn học của châu Âu, của nước sở tại, đọc sách và hấp thụ văn hóa Anh, Pháp, Đức …không biết một chút nào về quê hương của cha mẹ. Tôi có một đứa con gái sinh đẻ và lớn lên ở Đức, theo mẹ về Việt Nam, ở lại ba năm, tốt nghiệp hạng ưu trường múa Thành phố Hồ Chí Minh, ra trường, cháu không muốn múa may quay cuồng làm phông cho ca sĩ hát, lại thêm một mối tình dang dở với chàng thanh niên đất Việt mà lại theo Mỹ, không muốn sang châu Âu sinh sống, thế nên nó trở về Pháp, đi lòng vòng quanh thế giới, rồi lại trở về….Đức. Đó chỉ là một thí dụ của một cá nhân, nhưng nói lên tầm quan trọng nơi chốn mình sinh ra và lớn lên thời niên thiếu. Cái gì cũng vậy, có người nọ người kia, nếu có ai hòa nhập, thích hợp được với môi trường xã hội ở Việt Nam, về nước làm việc đóng góp sinh sống thì xin hoan hô cả hai tay.

Vấn đề „Identität“ (nguồn gốc) chỉ có người ngoài nhìn vào cho là lớn, đối với các cháu thì không. Lo vật lộn với xã hội Đức để kiếm ăn cho gia đình, con cái, vợ chồng, ít người có thì giờ rảnh rỗi để nghĩ đến „Problemen“ đó mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng, các cháu có ý thức mình có gốc Việt Nam, thích ăn bánh chưng, chả giò, gỏi cuốn mẹ làm, biết về Tết, phong tục lì xì, chưng hoa, cúng giỗ trong gia đình…, thậm chí thấy cha hay mẹ gần chết, cũng lo xin một tấm ảnh đẹp của cha mẹ và ông bà, học…lập bàn thờ, và truyền lại những điểm ấy cho con của mình. Các cháu biết ông biết bà là người Việt Nam, mình cũng có …chút xíu gốc Việt Nam. Đó là điểm giống nhau với những người trẻ ra đi từ Việt Nam đến Đức ăn học. MTT

Chuyện cái bánh của ba vua „galette des Rois“

3. janvier 2021

Chuyện cái bánh của ba vua „galette des Rois“ – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2021

Cứ theo truyền thuyết đã được thi vị hóa và tiểu thuyết hóa thì ba vua Balthasar vua Ấn Độ, Melchior vua Ba Tư và Gaspar vua Ả Rập đã theo một ngôi sao dẫn đường đến hang đá ở Bethlehem có lừa và ngựa, có Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, có Marie và Joseph để dâng lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược….

Từ trong truyền thuyết tôi bước ra để trở lại trong tâm tưởng với thành phố Köln, có dòng sông Rhein, có thánh đường Dom, có cầu xe lửa, có những bảo tàng viện, có hai con đường và quảng trường Barbarossa khắc ghi mãi mãi trong tâm khảm tôi…Làm sao tôi quên được …

Đứng dựa vào lan can bên bờ sông Rhein, màn đêm dần xuống, nắng chiều một ngày đầu tháng bẩy đã tắt, cái nắng nóng ngày hè trở nên dịu mát, người đàn ông quàng tay vói người đàn bà xoay lại, ôm gọn vào lòng, thầm thì bên tai „Anh yêu em“……dòng nước đục vẫn chảy nhanh, trên cầu Hohenzollern một chuyến xe lửa xình xịch từ từ chạy qua, người đi dạo bờ sông hóng mát, người chạy bộ thể thao…quang cảnh chung quanh không còn hiện hữu khi hai người hôn nhau, cái hôn đầu tiên đánh dấu một quãng đời mới…

Có lẽ, tôi sẽ trở lại thành phố Köln khi nạn dịch Covid tạm qua để dạo chơi những nỗi niềm kỷ niệm, nhưng cũng để thăm thánh đường Dom, nơi cất giữ hài cốt của ba vua từ thế kỷ thứ XII. Đã nhiều lần con người ngoại đạo là tôi tìm nơi trú ẩn, an ủi trong sự im lặng trang nghiêm của thánh đường Dom.

Hoàng đế Friedrich I. Barbarossa

Vua Friedrich I. Barbarossa (vua Friedrich râu đỏ) đã giao cho đức tổng giám mục Köln ngày 09.06.1164 gìn giữ hài cốt của ba vua, vào thời điểm đó hài cốt ba vua đang trên đường từ Vercelli gần Mailand về Köln, với lý do tìm một chỗ gởi gấm chắc chắn. Ngày 24.07.1164 thì hài cốt đến Köln, một thánh lễ trọng thể được cử hành để đón nhận món quà vô giá này.

Trải qua bao nhiêu biến cố theo thời gian, chiến tranh, thay đổi nhiều lần chỗ đặt, cất giữ, Kölner Dom vẫn là nơi lưu giữ hài cốt của ba vua đặt trong một cái linh cửu do ông thợ vàng Nikolaus von Verdun sáng chế vào khoảng năm 1190 – 1225.

Hai tư liệu lịch sử của thế kỷ thứ XIII chứng nhận đức tổng giám mục giáo phận Köln tên Philipp von Heinsberg đã đặt hài cốt ba vua vào linh cữu. Vào dịp kỷ niệm 700 năm, vào ngày 21.07.1864, linh cữu được mở ra trước 35 nhân chứng, các hài cốt còn các mảnh vải liệm quấn chặt được xác định là loại vải của vùng Syrie ở vào khoảng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ VI.

Linh cữu bọc vàng thờ ba vua trong thánh đường Dom thành phố Köln

Linh cữu này cao hai tầng như một thánh đường, bên trong bằng gỗ sồi, bên ngoài bọc vàng ròng, bề ngang 110 cm, bề cao 153 cm, bề dài 220 cm và nặng 500 kí lô. Từ năm 1961 đến năm 1973 được tân trang lại với bàn tay tinh xảo của ba người thợ vàng, riêng năm 1964 họ phải cần đến 9 kí vàng ròng, 15 kí bạc. Ngoài ra trước đó vào những năm 50 họ đã phải mua thêm 2,5 kí vàng ròng, 4,4 kí bạc, hơn 700 hột perles, 230 viên đá quý, 100 đá quý điêu khắc.

Dân Pháp mừng lễ ba vua với một cái bánh gọi là galette des Rois, bán ngay sau Noel vì ngày lễ là ngày 06.01. hàng năm. Có một cô gái được mẹ sinh ra đúng ngày lễ ba vua, nên bánh sinh nhật của cô cũng là một cái galette des Rois.

Bánh này rất được dân chúng ưa chuộng, làm niềm vui cho những tiệm bánh có thu nhập thêm trong mùa dịch Covid, người ta xếp hàng dài trên đường phố lạnh lẽo, dưới mưa vì theo quy luật dịch Covid, chỉ hai hay ba khách hàng được bước vào bên trong của tiệm, để chờ tới phiên mình mua bánh. Mỗi năm các cửa tiệm bán được 30 triệu cái bánh galette des Rois, điều khiến cho con số doanh thâu của tháng một tăng vượt lên 30 – 40% so với tháng bình thường.

Theo phong tục của Pháp, trong bánh có dấu một vật trang trí nhỏ bằng sứ, khi cắt bánh chia bánh, ai khám phá được vật dấu đó thì được làm vua, được gắn cái vương niệm lên đầu, cho nên cả con nít cũng thích ăn bánh để được làm vua. Nhưng coi chừng cắn phải đồ sứ gẫy răng!

Đây là công thức làm bánh galette des Rois truyền thống với nhân bánh là frangipane (hạnh nhân), rất dễ làm:

Nguyên liệu:

  • hai cái vỏ bánh pâte feuilletée hình tròn đường kính khoảng từ 26 – 28 cm

  • 2 trứng

  • 80 gram đường

  • 140 gram hạt hạnh nhân (amandes) xay nhuyễn

  • 100 bơ mặn để mềm

  • rượu Rhum, 2 muỗng canh

  • 1 trứng và một nửa thia cà phê nước để riêng

  1. Đánh hai trứng + đường + bơ + hạnh nhân cho đều với nhau, rồi cho rượu Rhum vào trộn đều, xong để hỗn hợp này (crème frangipane) nghỉ vài phút.

  2. Đặt một vỏ bánh thứ nhất trực tiếp trên giấy nướng lên vỉ sắt, dùng nĩa chọc nhiều lỗ vào vỏ bánh.

  3. Trét nhẹ tay nhân lên bánh cho đều.

  4. Đậy vỏ bánh thứ hai lên nhân, ấn nhẹ tay ngoài rìa cho dính vào nhau.

  5. Quậy cái trứng còn lại với nước cho nhuyễn rồi dùng cọ bôi đều lên mặt bánh.

  6. Lấy một con dao đầu nhọn sắc để khứa lên bánh những hình trang trí mà mình thích

  7. Đặt bánh vào lò đã làm nóng 200 độ, nướng bánh trong khoảng 30 phút.

  8. Nếu không muốn cho bánh nổi phồng thì khi nướng bánh đặt úp một cái khuôn lên bánh.

Bánh ăn còn ấm rất ngon.

Phí tổn mua nguyên liệu như trên tốn kém chi độ khoảng 7, 8 đồng một cái bánh cho 8 phần. Ở tiệm bán đến những 28 euros. Có tiệm bánh, siêu thị chỉ cần mua bánh làm trong kỹ nghệ đông lạnh sẵn giá mua chỉ có 5 euros, bán lại gấp hai, gấp ba lần cho người tiêu thụ. MTT

Tình và tiền

27. décembre 2020

Tình và tiền – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Có phải là khi yêu nhau mà trái đắng cũng tròn mà bồ hòn cũng ngọt như đường phèn ? Tình yêu là tất cả, tình yêu là trên hết ? Những đôi vợ chồng ít cãi nhau là những đôi vợ chồng hạnh phúc nhất. Cãi nhau vì gì ? Đã có những thống kê của các nhà xã hội học rằng người Pháp cãi nhau trong đời sống lứa đôi thứ nhất là vấn đề tiền bạc, thứ hai là vì con cái, thứ ba là vì vấn đề tình dục, ngoại tình của chồng hay vợ, thứ tư là quan hệ bạn bè cả đôi bên, thứ năm là nhà cửa có ngăn nắp, sạch sẽ hay không….nhưng vấn đề tiền đều bàng bạc trong các vấn đề kia nên nói đến tình thì không thể không nói đến tiền, tiền là trên hết !

Khi xưa, gia đình người Pháp cũng giống như gia đình Việt Nam, hôn nhân là một sự sắp đặt vì kinh tế, của cải thừa kế. Các nhà nghiên cứu về gia phả biết rõ điều này. Trong các sổ hộ tịch còn lưu trữ từ những thế kỷ xa xưa, họ ghi chép tỉ mỉ những của cải của đôi bên đem đến khi chung sống, một cái muỗng, một con bò, một cái áo, một thửa đất, một cái bàn….tất cả đều được tỉ mỉ ghi chép lại. Để chi ? Để khi hôn nhân đứt đoạn thì người nào lấy lại phần người nấy, chia phần có thêm chung trong hôn nhân theo hợp đồng, và thừa kế cho con cháu của mình.

Thời đó, phụ nữ thường hay chết yểu khi còn trẻ, có khi rất trẻ, mới 14, 15, 18, 17 tuổi vì sinh đẻ rất thương tâm, nên các ông thường có mấy đời vợ, mấy đời con, gia đình nào cũng mong muốn có con trai vì đó sẽ là sức lao động chính của gia đình hay là động lực tiến thân trên nấc thang xã hội. Trường hợp chồng già vợ trẻ vì thế thường xảy ra. Có trường hợp ông già 80 chết vì đứng tim trên người cô vợ trẻ mới hai mươi…cũng được ghi chép lại lý do qua đời.

Khi kết hôn là họ đã dự tính trước đời sống chung sẽ ra sao, việc quản lý tiền bạc của gia đình. Nếu người phụ nữ theo mô hình cổ điển và truyền thống đẻ con, nuôi con, dạy con, chợ búa, cơm nước, giặt giũ… thì người chồng chuyển hết cho vợ quyền quản lý kinh tế và tài sản của gia đình, hay ít ra đưa một phần lớn tiền cho vợ quản lý. Việc thực hiện nam nữ bình đẳng vì kinh tế như thế đã được thực hiện bởi hai người trong xã hội qua hôn nhân, tiền là quyền.

Phần lớn những cuộc hôn nhân sắp đặt này lâu bền, các bà vợ nhắm mắt làm ngơ khi các ông có vợ bé, quan trọng nhất là các ông biết giữ thể diện cho người vợ cưới trước và không quá ưu ái về tiền bạc với người trẻ hơn. Hay hai bên thỏa thuận, ai có phần riêng của người nấy, nhưng điều gì chung vẫn giữ.

Song song với trào lưu văn hóa lãng mạn thì vấn đề tình yêu được đề cao, con người trở nên tiêm nhiễm với ý tưởng không thể sống nếu thiếu thốn tình yêu đôi lứa. Thơ, nhạc, kịch nghệ sân khấu rồi đến điện ảnh…không thiếu gì những chuyện tình đôi lứa dở dang, thảm thiết, chia lìa vì thế lực, vì quyền lợi của gia đình đôi bên, Romeo và Juliette là một thí dụ.

Thế hệ ông bà cha mẹ chúng ta vẫn còn những cuộc hôn nhân sắp đặt, môn đăng hộ đối, cha mẹ hứa hẹn gả con cho nhau, con cái phải theo, không được cãi lại. Nhưng kết hôn vì yêu nhau trở nên một vấn đề đương nhiên, tự nhiên của thế hệ chúng ta, là thế hệ chỉ đi theo tiếng gọi của tình yêu bất chấp tất cả ? Các cô gái trẻ mới lớn đến tuổi lấy chồng 17, 18 tuổi ở miền Nam sợ nhất là cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, phải lấy người chồng mình không yêu, dù chưa biết thế nào là yêu, và cảnh phải làm dâu nhà chồng.

Thế hệ con chúng ta lại khác đi nữa theo hoàn cảnh xã hội, nhiều người trẻ sống chung không cưới nhau, thanh niên không lấy vợ, các cô gái không lấy chồng, vấn đề giới tính, đồng tính luyến ái được giới chính trị gia thổi phồng để kiếm phiếu. Chưa bao giờ các vấn đề về tình dục không tình yêu lại nổi lên mạnh mẽ trong xã hội như từ đầu thế kỷ thứ 21, con người biến thể thành những bộ máy tình dục các loại, sa đọa.

Thực trạng cho thấy khi nạn thất nghiệp tăng cao, đời sống trở nên bấp bênh không biết ngày mai sẽ ra sao, kiếm ra được tiền hay bỗng dưng mất công ăn việc làm…kiến cho giới trẻ chùn chân, ngại trách nhiệm, bổn phận phải nuôi một gia đình nhỏ quá nặng nề, nên chẳng thà sống độc thân. Một phần cũng vì cái tự do cá nhân của đời sống độc thân quá lớn, không ai kề cận chỉ trích, phê bình những thói quen, cá tính của mình, không phải chấp nhận thực hiện những giải pháp dung hòa và chia xẻ tiền bạc, vốn đã eo hẹp.

Những vụ án mẹ trẻ đơn thân giết con nhỏ, hay cha dượng bạc đãi, đánh đập còn hơn là tra tấn kẻ thù đối với con riêng của vợ gây chùn chân, chán nản.

Nhiều nhà xã hội học lo lắng cho vấn đề dân số, vấn đề lão hóa và vấn đề cân bằng nam nữ trong một xã hội tương lai. Có những xã hội cấp không cho trợ cấp sinh đẻ, trợ cấp con cái để khuyến khích sinh đẻ của người bản xứ hay của cả những người nhập cư.

Người Pháp hiện tại rất thực tế. Khi quyết định chung sống với nhau rồi, họ quyết định ở đâu, ở thuê hay mua nhà, ai mua, một người hay cả hai, chế độ hôn nhân tài sản riêng hay tài sản chung bắt đầu từ lúc sống với nhau (dù chưa ký hôn thú chính thức cũng có thế dàn xếp chế độ sống chung), tài khoản nhà băng (của anh, của em, của cả hai ?), ai quản lý tiền bạc chi tiêu hàng tháng, công việc của mỗi người đóng góp cho kinh tế gia đình và để dành cho đứa con đầu lòng…Những chuyện này đều được bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất giữa hai người yêu nhau và thẳng thắn với nhau.

Trước kia tôi hiểu lầm là người Pháp phong lưu lắm, tiếng tăm khắp thế giới là dân Tây ga lăng, phong lưu số một. Nhưng hóa ra các bà đầm trong gia đình giữ chặt hầu bao, để dành cho những khi nguy khốn nhiều hơn là tiêu xài hoang phí. Người Đức cũng thế, họ thường để dành ít nhất theo chỉ tiêu của nhà băng là ba tháng tiền lương để phòng thân. Trong thời đại Covid 19, từ đầu năm đến hết tháng 11 số tiền để dành trong tài khoản ngân hàng đã lên đến 35 tỷ euros, cộng thêm với tiền có sẵn trong các ngân hàng, số tiền không được tiêu thụ này lên đến 100 tỷ euros, đến cuối năm 2020 sẽ lên đến 130 tỷ euros và tổng số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong năm 2021, tiên đoán sẽ chạm mức 200 tỷ euros. Những gia đình để dành được tiền nhiều nhất (50% trên tổng số) là 10 % thành phần giầu có thượng thặng trở lên, đóng đủ mọi loại thuế rồi mà vẫn còn dư một đống tiền, tiêu xài không sao hết được. Theo định nghĩa hiện tại thì gia đình nào có 4.000 euros thu nhập một tháng là được xếp hạng « aisés », từ sung túc đến giầu. Những người nghèo thì càng nghèo thêm vì thất nghiệp, vì đời sống ngày càng đắt đỏ.

Một con số phỏng đoán do một nhà xã hội học dựa trên thăm dò ý kiến trên cơ sở của 3.000 mẫu là 40% các đôi sống chung hiện tại không bao giờ cãi nhau về quản lý tiền bạc trong gia đình, có thể nói đó là những cặp đôi hạnh phúc. Nói cách khác, có 60% các cặp có cãi nhau vì tiền. Nguyên nhân thì nhiều lắm, đa dạng, nặng hay nhẹ, chi phối đến tình yêu, có thể làm đổ vỡ tình yêu, hôn nhân.

Những sự lựa chọn nhầm lẫn về người bạn tình/bạn đời là những vấp ngã với hậu quả rất nặng nề trong một đời người, mèo mỡ gà đồng, bạo lực, ác độc với con cái, tiêu tiền như nước, nợ nần ngập cổ, mà muốn thoát ra phải tốn kém biết bao nhiêu là nghị lực, can đảm. Nhiều cuộc hôn nhân kết thúc bằng giết nhau, tự tử. Nhưng „ Dò sông dò biển dễ dò, Có ai lấy thước mà đo lòng người “, những con người nham hiểm thâm trầm chỉ lộ ra chân tướng khi ván đã đóng thuyền. Âu cũng là một món nợ tiền kiếp phải trả, có những con người sinh ra chỉ để đòi nợ người khác !

Những cuộc ly dị theo luật pháp của Pháp kéo dài ít nhất là hai năm, trung bình là bốn năm, thời gian mà người trong cuộc đều hao tâm, tổn trí, mệt mỏi và phí tổn ít nhất được tính là 4.000 euros tùy tình trạng tranh cãi, các sự hòa giải pháp lý và phân chia của cải. Cho nên, ly dị chỉ là giải pháp sau cùng khi không thể sống chung với nhau được nữa, phải hát bài chia ly: Anh đi đường anh, tôi đường tôi, Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi…

Tôi nhớ có một lần ở Hà Nội, bà bán quần áo lụa là ở Hàng Gai chanh chua đúng theo kiểu Bắc kỳ rốn, nhìn vợ chồng tôi đi mua hàng, chồng tôi kiên nhẫn ngồi chờ tôi thử áo, bà ta bèn buộc miệng nói: „ Chị vớ được cái ông tây này ở đâu đấy, ông ta đẹp trai mà lại hiền…“ . Nghe bà bán hàng khen chồng tôi, lại như là hạ bệ tôi, tôi cười, Trương Phi đấy, đừng có chọc tôi…Ắt hẳn bà ta không biết một tí gì về quan hệ „ván đã đóng thuyền“ của người Pháp, nên tôi không chấp. MTT

Hỏa táng ở Bình Hưng Hòa

25. décembre 2020

Hỏa táng ở Bình Hưng Hòa – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Ngày Chúa sinh ra đời, lại nói chuyện tang tóc, phải như thế, vì sinh tử là một, có sinh có tử, và Chúa sinh ra đời cũng để cứu rỗi nhân loại thoát khỏi mọi khổ đau. Ở vào tuổi của tôi, không như ngày còn trẻ, chỉ toàn là ăn sinh nhật và ăn đám cưới, mà đã có dần dà nhiều hơn những xa cách, những vĩnh biệt.

Tôi nhớ ngày ba tôi mất, cũng bị đưa đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa. Đối với tôi, đó là một vết thương lòng không đóng. Ba tôi rất sợ bị hỏa thiêu, lúc sinh thời ba má tôi đã mua đất để chôn trong chùa, làm sẵn kim tĩnh bên cạnh phần mộ má tôi. Thế mà không biết sao cả ba đứa em tôi lại quyết định hỏa thiêu ba, chúng nó ỷ lấy số đông xúm lại áp đảo tôi một mình chống lại. Đến lúc phát tang tôi cũng không được phát quần áo tang. Đành chịu vậy thôi. Rồi trời sẽ trả lại những sự ác độc đó.

Trong sự mất mát quá to lớn, tôi như một cái máy không hồn, ai biểu gì làm theo đó. Chung quanh tôi cảnh vật và người đều lu mờ. Bạn bè đến phúng viếng không nhớ một ai. Tôi không biết đã đi theo ai lên đến Bình Hưng Hòa, một địa danh hỏa táng mà tôi chưa từng nghe tới, không biết nó nằm ở đâu trong thành phố rộng lớn này. Đến nơi tôi ngơ ngác, lạc lõng không biết đi đâu, chồng tôi kéo tay tôi, chỉ hướng theo đoàn người vào theo.

Ấn tượng duy nhất của tôi ở Lò thiêu, tên người dân quen gọi, là những tấm gạch lát tường mầu trắng như tường nhà tắm, nhà vệ sinh, không có chút nào trang nghiêm, chỉ thực dụng. Tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh vang rền qua loa phát thanh của những người bên cạnh. Ai đó ấn tôi quỳ xuống, một thầy bắt đầu làm lễ, tụng kinh. Tôi không nghe gì hết, không thấy gì hết. Một lúc sau thầy làm lễ xả tang cho tôi, tôi cũng chẳng cảm thấy gì.

Chợt, quan tài của ba tôi đang nằm trên một cái bệ, bỗng sụp xuống, nắp hố đóng lại, như một thời yêu thương của tôi sụp xuống trước mắt, biến mất, tôi ứa nước mắt, kêu thầm thảng thốt bàng hoàng trong lòng „Ba !“, vừa kịp nhìn thấy mấy đứa em tôi ném theo quan tài quần áo của ba tôi.

Thế là hết. Chấm dứt một đời người, hình hài đã thành tro bụi. Tôi chỉ còn hai chữ „bàng hoàng“. Mới hôm qua còn thấy bóng người trên trần thế ! Một con người biến mất nhanh quá ! Kể từ phút giây này, chỉ còn là kỷ niệm của thương nhớ, của những tấm ảnh, những di vật.

Tôi đi theo chồng tôi như một cái máy, anh đi đâu tôi đi đó, không biết làm sao rồi chúng tôi cũng đến được chùa nằm ở Thủ Đức, nơi chôn cất ba tôi. Cái hũ tro nhỏ xíu nằm chơ vơ trong mảnh đất phần mộ đã được khơi ra. Thầy tụng kinh lần cuối. Lấp đất lại. Mong ở trên cao linh hồn ba được yên nghỉ và thứ tha cho mọi lỗi lầm của con.

Ngay vừa sau ba tôi nhắm mắt, đứa em gái của tôi đưa cho tôi một cái còi lính và một cái ví da nai của ba tôi cho tôi, hỏi, chị có muốn lấy những cái này không, coi chừng chị thổi cái còi là ba về đó, tất nhiên là có, làm sao mà tôi có thể từ chối những kỷ niệm của ba, và tôi phải cảm ơn nó, vì tôi không biết là chúng nó đã phân chia gia tài của ba để lại. Cái còi này, ba tôi đã nhận từ thời phải đi lính cho Pháp, cái ví da nai này, ba tôi đã tự tay làm ra bằng một mảnh da nai khi đi săn thú rừng với bạn ở Buôn Mê Thuộc những năm 1950, 1960.

Bỗng nhiên, tôi giận ba, không để ảnh ba trên bàn thờ, ba tôi chưa chết, vẫn còn đâu đó, chỉ để cái còi lính và cái ví da nai trên bàn thờ. Mãi mấy năm sau, „cơn giận“ của tôi mới nguôi ngoai, tôi thượng ảnh ba tôi lên bàn thờ cạnh má tôi.

Con đường Nhân Quả của Phật Pháp tin rằng, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, anh chị em dù cùng cha cùng mẹ sinh ra cũng đều là vì nhân quả mà có duyên có nợ với nhau, gặp nhau, đi chung với nhau một quãng đường, cho đến khi duyên nợ được chấm dứt.

Trên cõi đời này tất cả những mối quan hệ tốt đẹp được gọi là duyên, dù ngắn hay dài, những mối quan hệ căng thẳng, đau khổ, thậm chí đi đến giết nhau…được xem là nợ, duyên hay nợ bắt đầu bằng bất cứ lúc nào và cũng chấm dứt bất cứ lúc nào. Cổ nhân có câu „ Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.“. Nhiều khi, người này phải gặp người kia, không phải để kết duyên, mà để trả một món nợ nào đó từ kiếp trước.

Khi duyên nợ chấm dứt thì không nên kéo dài sự tiếc nuối vô vọng, hãy để cho nó ngủ yên như một giấc mơ đẹp hay một cơn ác mộng của trần thế.

Niềm tin vào Nhân Quả của nhà Phật giúp cho con người gỡ ra mọi mối boòng boong do tình cảm sinh ra, sáng suốt hơn, bớt mê muội ám chướng. Phải tâm niệm rằng, mình sinh ra đời với hai bàn tay trắng và có một mình, lúc chấm dứt cuộc đời trần thế lại cũng chỉ là trắng tay và một mình. Bao nhiêu tham, sân, si đều trở thành nhân quả. Sám hối là phương cách hay nhất để tìm sự thứ tha cho chính mình và đem lại sự thanh thản cho tâm hồn.

Hôm nay, đúng vào ngày Giáng Sinh 2020, được xem lại cảnh hỏa thiêu ở Bình Hưng Hòa qua video của một người bạn vừa mới qua đời vì đột quỵ tại Việt Nam, tôi như sống lại được những kỷ niệm cũ, vừa cảm thương cho những người thân của bạn còn ở lại tiếp tục cuộc đời. Nhìn bạn bị cuốn hút vào những nghi thức, tôi chia xẻ mọi cảm thông. Nỗi buồn khi chia xẻ thì được vơi đi, mong bạn còn ở lại xem nó như một giấc mơ đẹp của đời mình, và hãy cảm ơn những người bạn đã thương tiếc đưa tiễn mình lần cuối cùng, đó cũng là một cái duyên đẹp. MTT

Thơ Tuyết Trần 2004 – Trình bày Trần Minh Khôi, Berlin

Một tấm ảnh một trời thương nhớ

21. décembre 2020

Một tấm ảnh một trời thương nhớ – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Tặng bạn Mỹ Hà, Hà Nội

Chị bạn gởi cho một video trên mạng để giới thiệu một ban hợp ca người Việt ở Paris với hòa âm của ban nhạc thính phòng học viện âm nhạc Rouen vào năm 2016, đấy là một sự tình cờ mở ra trong tôi kỷ niệm của một trời thương nhớ của tuổi trẻ tôi và của nhiều người bạn cũ.

Hợp ca này, chúng tôi đã hát năm 1974 vài tháng sau khi ký kết hiệp định Paris năm 1973, bài hát Tổ quốc ta trong chương trình văn nghệ liên bang ở Berlin, rất hoàng tráng, rất khoan thai, cách đây đã 46 năm trời.

Vào thời điểm ấy, chúng tôi dốc toàn lực, không ngại thì giờ, không ngại tốn kém để giới thiệu với quần chúng Đức văn hóa của Việt Nam, một văn hóa yêu nước hào hùng của một giai đoạn chiến tranh khốc liệt,

Chúng tôi tập hát mỗi tuần, cầu cả hai ba tháng trước khi tổ chức đêm văn hóa tại Berlin. Trong lòng ai cũng háo hức được góp mặt. Tất nhiên có một sự lựa chọn. Hồi ấy, tiếng hát là tiếng lòng, đúng như chị bạn tôi nói, anh nào cũng hát, chị nào cũng hát, lạc cả giọng, sai cả nốt. Bởi vậy, chỉ tiêu là hát đúng nốt, mới được chia bè. Anh trưởng ban văn nghệ chi hội đã nhận được bản phối từ „trung ương“, kết hợp nhiều ban hợp ca trên khắp nước Đức, người điều khiển dàn hợp ca chúng tôi là anh Đồng ở Berlin. Về phần tôi, thời trẻ, còn có giọng hát trong sáng và cao, tôi lên được đến nốt sol, tất nhiên được phân loại bè soprano.

Chúng tôi đến từ Aachen, Bonn, Köln, Ruhr, Damstadt, München, Stuttgart, Hannover, Göttingen, Frankfurt…những nơi tụ họp nhiều sinh viên Việt Nam nhất. Để di chuyển tới tận Berlin, nhiều anh đã phải đi autostop nhiều chặng. Tôi là nữ, được các anh chiều chuộng hơn, cho đi xe ké của anh Th.

Thời ấy anh Th. đã có biệt danh là Th. 140, vì anh có xe hơi lại thích chạy tốc độ nhanh, sinh viên nghèo lại bị cúp chuyển ngân làm gì có xe hơi. Tình trạng kinh tế của chúng tôi có thể nói là giống nhau, bị chính quyền Sài Gòn cúp chuyển ngân, chúng tôi không nhận được tiền của gia đình chuyển cho ăn học nữa, ai cũng phải tứ tán tìm việc làm và xin trợ cấp của nhà thờ để sống, tiếp tục học hành. Người nào may mắn hơn thì tìm được chân trợ việc Hiwi (Hilfe wissenschafliche) trong trường đại học.

Tôi chưa vào học đại học, còn đi học tiếng Đức, nên phải đi làm việc nhà, làm công nhân hãng nước hoa 4711, làm công nhân may mặc, lương chỉ có 5 DM một giờ, không có bảo hiểm. May một đường quần từ gấu lên đến lưng được tính là năm xu, còn dây chuyền xà bông thì một ngày phải gói được 10.000 cục xà bông thơm. Vì thế, tôi chuyển hướng từ muốn học ngành y khoa sang học về kinh tế, hấp dẫn hơn. Các anh thì tìm việc trong hãng làm vỏ xe, hãng bột giặt.

Hai nhà thờ, thiên chúa giáo và tin lành, đã cứu vớt chúng tôi, cấp cho học bổng 400 DM một tháng. Thuê nhà điện nước đã tốn khoảng 200 DM, một bữa ăn Mensa 1,4 DM. Tôi được học bổng của nhà thờ tin lành, lây lất sống như thế, tài chánh rất eo hẹp khoảng 5 năm, đến khi tôi thi đậu bằng Vordiplom và được học bổng sinh viên giỏi, đời mới lên hương.

Còn chỗ ăn ngủ tại Berlin ? Không biết ai đi mượn cơ sở, mà chỗ ngủ là sân vận động cũ của Berlin. Cái phòng hoàn toàn xây bằng bê tông xám, không lát gạch, không có sưởi ấm, nữ một bên, nam một bên, lạnh quá, chúng tôi trải túi ngủ nằm xấp lớp sát cạnh nhau cho ấm trên nền tráng xi măng, tôi nằm giữa hai bạn Hằng và Tâm. Đến giờ tôi vẫn còn rùng mình vì cái khung cánh nhắc nhở lại thời kỳ Hitler ấy. Ấy vậy, mà lúc lên sân khấu, chúng tôi diện áo dài đủ mầu sắc, đẹp như tiên nữ, năm đó tôi mới qua tuổi trưởng thành là 21 tuổi.

Bài hát Xuân chiến khu do MTT đơn ca với tiếng đàn của anh Phạm Đắc Luân.

Tôi kể cho chị bạn tôi nghe câu chuyện, mãi đến bây giờ mới biết từ các „cụ già“ 70 tuổi bạn cũ „khai“ ra, đúng là loại chuyện bây giờ mới kể, thời xa xưa ấy, các anh liệt tôi vào loại „hót gơ“, đi họp hành liên bang chỉ vì có tôi, gây náo động xâm xi nhiều quá, đó là lý do vì sao ban chấp hành trung ương và ban chấp hành chi hội thống nhất bèn đuổi tôi ra khỏi hội, cấm không cho sinh hoạt nữa và cấm luôn mọi liên lạc với bạn cũ, nhiều bạn thấy tôi đi bên này đường thì tránh qua bên kia như tránh hủi, phải trong sạch hóa hàng ngũ vì cách mạng đến rồi, chị ấy thích quá, chuyện hay quá, phải viết ra để đời cho con cho cháu…(rõ là dân làm báo có khác).

Tôi gửi cho chị bạn tôi xem tấm ảnh duy nhất của tôi còn lại trong đêm văn hóa tại Berlin. Tấm ảnh này hình mầu, do một người si tình tôi tặng cho, người không được hát, chụp với máy Polaroid, cứ mỗi pose là một tấm ảnh duy nhất, không có hai, sang lắm lận. Cách đây 46 năm thì có máy ảnh chụp phim negative đen trắng với ống kính 50 là đã sang rồi. Chị khen, các chị đẹp quá. Mình còn trẻ mà.

Tiết mục Múa Nón của đoàn văn nghệ sinh viên Việt Nam trên sân khấu rộng thênh thang của Philippe Hall Düsseldorf Tây Đức

Trong những chuyện đáng nên kể lại cho con cháu, thời „oanh liệt“ nhất của tôi có vài ba bốn kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm nhớ đời là lần biểu diễn ở Philippe Hall ở Düsseldorf trước hơn 5.000 khán giả chật phòng. Đội văn nghệ chúng tôi đại diện Việt Nam trình diễn ba tiết mục múa nón, đơn ca và hợp ca, tôi hát đơn ca bài Xuân Chiến Khu với tay đàn guitar của anh Phạm Đắc Luân. Sau bài hợp ca thì cả thính phòng vỡ òa vì tiếng vỗ tay vang dội và khán giả người Chile, những người bạn thân thiết với Việt Nam thời ấy đứng dậy hô vang dội „Hoch hoch die Internationale Solidarität“ und „Venceremos“….Tình cảm ấy, không khí ấy, làm cho tôi run cả chân tay…

Photo MTT2020

 

Tôi vẫn còn giữ một đĩa hát 45 tours master của năm 1974 đã thâu trong cơ sở thâu băng chuyên nghiệp của Verlag Pläne. Chúng tôi tự xưng là Nhóm sinh hoạt văn nghệ Cửu Long – Tây Đức, thâu thanh ba bài hát Quảng Bình quê ta ơi, Hát cho dân tôi nghe và Thuyền em đi trong đêm… cũng là đĩa nhạc duy nhất của những tiếng hát như tiếng lòng của thời tuổi trẻ. Pierre, chồng tôi đã chuyển âm sang format mp3, anh là người biết về đời tôi nhiều nhất.

Để thâu đĩa hát này bọn chúng tôi, thật tình là ban văn nghệ trung ương, chủ lực của hội lúc đó, gồm đâu đó cả hai ba chục người hẹn nhau tụ họp ở nhà anh Quỳnh Quế (dòng dõi hoàng tộc) ở Köln để tập dượt. Anh Quỳnh Quế rất hiền, hết lòng vì anh em. Ái chà, lo ăn lo uống cho hai ba chục người đâu phải là dễ, lại bầy hầy ở nhà anh Quế ! Lại đàn hát suốt ngày, chị Helga vợ anh Quế chịu sao thấu. Anh Quế đàn mandolin, anh H. mandolin và ba bốn anh đệm guitar. Đến lúc xong việc ra về tôi áy náy vô cùng. Anh LCC, bây giờ là một dịch giả nổi tiếng, khi ấy là giọng hát nam hay nhất trong ban, hát giọng chính. Phía nữ thì có chị Th. hát chính, trưởng ban phụ nữ của hội, bây giờ chị là bác sĩ, nhưng đến hôm thâu thì chị lên cơn sốt giọng yếu hẳn hát lên không nổi, âu cũng là số trời, chịu vậy. Chỉ có bài hát do tốp ca nữ 8,9 chị trình bày là bảo đảm chất lượng.

Đây là món quà của tôi tặng các bạn sau 46 năm trong mùa Giáng Sinh năm 2020, mời các bạn thưởng thức tiếng hát của ban văn nghệ Cửu Long – Tây Đức thu thanh vào tháng 10 năm 1974 qua hai bản nhạc Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập và Thuyền em đi trong đêm của Nguyễn Phú Yên:

Thời gian đã qua, 46 năm một đời người, nhưng mỗi khi nhớ những kỷ niệm tôi lại thấy tình cảm yêu thương quê hương, đất nước lại dâng lên theo từng lời hát từng dòng nhạc không thế quên…và mỉm cười một mình nhớ lại những dại dột của tuổi trẻ…..Mea culpa ! MTT

Hệ thống phân phối lẻ quyết định tầm mức thành công

17. décembre 2020

Hệ thống phân phối lẻ quyết định tầm mức thành công – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Hôm nay, hai ngày sau khi lệnh phong tỏa toàn xã hội tại Pháp đã chấm dứt, chỉ còn giới nghiêm từ 20.00 giờ đến 06.00 giờ sáng, phố xá đã nhộn nhịp trở lại. Những con đường chính ở phố đã đông đúc người đi mua sắm trong mười ngày trước Noël. Các siêu thị lớn cũng mở suốt tuần, luôn cả ngày chủ nhật cho người mua sắm. Trước các tiệm uốn tóc trong những khu thương mại ấm áp, người đứng chờ nối đuôi nhau, tha hồ mà làm đẹp. Nhiều cơ sở không bắt kịp tình hình, người mua phải xếp hàng lâu đợi trả tiền. Mùa Noël là mùa mua sắm mạnh nhất trong một năm. Hy vọng những ngày bị tù lỏng đã chấm dứt…cho đến khi nao…

Tôi cũng vội vàng ào ra tiệm quần áo con nít của thành phố gần nhà, mua quần và các thứ đồ mặc ấm cho mấy đửa cháu, chúng nó mau lớn như thổi…hết rồi suốt ngày xem trên mạng, ít có dám mua.

Trong chuỗi dây chuyền từ khâu mua nguyên vật liệu cho đến khâu bán lẻ đến tận tay người tiêu thụ thì khâu nào cũng quan trọng cả nhưng quyết định vận mạng một sản phẩm thành công nhiều, thành công ít hay thất bại là nằm ở khâu cuối cùng: vận chuyển, giao hàng đến tận tay người tiêu thụ. Sản phẩm dù có thượng hạng đến đâu mà không đến được tận tay người tiêu dùng, cũng như chi phí vận chuyển quá sức đắt đỏ, thậm chí gấp mười lần, hai mươi lần giá sản phẩm thì cũng là một thất bại lớn trong dây chuyền kinh tế.

Đại dịch Covid từ năm 2019 qua 2020 đã chỉ ra điểm yếu điểm này. Những ông lớn bán hàng qua mạng kiếm về khối lời kếch xù. Người tiêu thụ bị cản trở, không tự di chuyển để mua hàng hóa được, lại bị giam hãm tù túng trong bốn vách tường của mình, làm gì để tiêu thụ, để cho bớt nhàm chán ? Họ lên mạng, tìm kiếm và đặt mua trên mạng. Thời của e-commerce đã đến. Thế mà, tiền thì phải trả ngay mà hàng thì chưa có, đó chỉ mới là một lời hứa giao hàng.

Rồi bao nhiêu rắc rối xảy ra: hàng đã hết, không có, quảng cáo sạo, hoặc hứa hẹn sẽ giao hàng trong 2 tháng nữa, hoặc hứa hẹn sẽ trả lại tiền, hoặc hàng giao bị lỗi…vân vân và vân vân.

Mua bán kiểu này thì không phải là tiền trao cháo múc nữa, mà một khi tiền đã trả qua thẻ tín dụng ngân hàng hay qua ngân phiếu trước khi có hàng và nhận hàng thì người mua chỉ còn có nước cầu trời khấn phật cho mình đừng bị lừa.

Có những trang mạng, quảng cáo những món hàng đánh vào thị hiếu của người mua, thâu tiền của khách ngay, trên thực chất họ không có hàng, hứa hẹn trả lại tiền, họ trả lại thật đấy nhưng…người mua phải chờ đợi mấy tuần, cả tháng. Đó là khoảng thời gian họ „mượn“ tiền của người đặt hàng để lấy lợi nhuận mà không tốn xu nào. Bạn nghĩ xem, mượn kiểu ấy của cà trăm ngàn người như thế thì tổng số là bao nhiêu ? Lợi nhuận một ngày, một tuần, một tháng của họ là bao nhiêu ?

Có những trang mạng, ở trang bán hàng thì họ hứa hẹn sẽ giao hàng ngay thời điểm X, bạn trả tiền rồi thì bạn nhận được meo báo tin thời gian chuyển hàng kéo dài ra thêm 10 ngày nữa, chờ 10 ngày rồi hàng vẫn chưa đến…., chờ một tháng…, sốt ruột ăn ngủ không yên, nếu bạn nhận được hàng đặt nguyên vẹn thì hãy mừng đi nhé.

Để giảm thêm giá vận chuyển những trang mạng tận dụng lỗ hổng của mạng lưới thị trường bưu điện quốc gia. Thay vì giao tận nhà qua bưu điện, thì họ „đề nghị“ giao hàng ở một địa điểm, rồi bạn tự di chuyển đến địa điểm đó lấy hàng. Điều này có vẻ có lý, thí dụ bạn bận vắng nhà, nhà không có người chờ suốt buổi sáng để nhận hàng chẳng hạn. Địa điểm này có thể là một cái siêu thị, một cửa hàng bán sách báo, một tiệm bán hoa, một tiệm tạp hóa, một tiệm chuyên bán một thứ gì đó…, mà người chủ muốn kiếm thêm vài phần trăm hoa hồng qua việc chấp nhận là điểm vận chuyển trung gian và cuối cùng.

Nhưng….bạn không hề được báo là hàng đã đến, đến một lần, hàng chưa tới nơi, đến lần thứ hai mới có. Ở thành phố mất công bạn mất công đi tới đi lui tốn sức tốn công, nhưng ở nhà quê thì bạn còn phải lái xe đi lái xe về cả chục cây số, thì lúc đó bạn mới thấm thía rằng bạn tốn tiền thêm và tốn thì giờ thêm cho món hàng mình mua.

Gởi một cuốn sách qua bưu điện rất tốn kém ở Pháp, trong khi các nước khác có giá riêng cho ấn phẩm, thì ở Pháp bị xóa bỏ, ấn phẩm phải được gửi theo giá thư từ, một cuốn sách nặng khoảng 500 gram (nửa kí thư) thì bạn tính xem, nó đắt đến mức độ nào ? Tiền gửi sách đắt hơn tiền in ấn ! Bưu điện Pháp đạt được tiếng tăm là rất đắt.

Nhiều nhà vận chuyển quốc tế muốn gỡ gạc thêm ở người tiêu thụ họ bèn vẽ vời chuyện ra, tống đạt thư đòi tiền thuế hải quan, trên thực tế là hải quan không đòi, và cộng thêm tiền hành chánh nữa, tính ra là khi không phải trả thêm họ mấy chục đến cả mấy trăm euros. Bởi vậy khi người tiêu thụ nhận hàng quốc tế thì phải giữ lại giấy tờ chứng minh thêm vài tháng nữa để làm bằng chứng, nhất là trong trường hợp không phải là hàng hóa mua bán (mình gửi cho mình, quà tặng…) nếu họ đã giao hàng rồi. Cần nhất là người gởi (đầu gốc) phải làm giấy tờ và kiểm soát lý do gửi hàng cho kỹ trước khi trả tiền oder đơn vận chuyển hàng hóa, để người nhận không bị yêu sách một cách trắng trợn thêm bởi công ty vận chuyển hàng hóa.

Người phải lái xe giao hàng, là một nghề cực nhọc, chạy lấy chạy để, rất hung hăng trên tuyến đường lái xe, để đến một địa điểm nào đó cho kịp giờ ấn định, cuối ngày là đi xong một tua, vì thế họ không có nhiều thì giờ đối với khách hàng, thiếu điều muốn quẳng cái gói cho người nhận rồi chạy ngay.

Ở Việt Nam, những người giao hàng thường lái xe hai bánh, phải đi suốt ngày ngoài nắng hay trong mưa gió, đen thui, ốm nhách, lại dễ bị tai nạn với xe tải. Còn ở Pháp thì những người giao hàng lái xe bán tải cỡ nhỏ, chạy ào ào bất kể mưa rơi, tuyết rơi.

Đứng về mặt người bán, họ không có kho trữ hàng, chỉ oder lại khi có khách đặt, cứ như thế dây chuyền mà chạy cho tới người bán cuối cùng thì hàng của họ… nó đang nằm trên một chiếc xe tải chạy lông nhông.

Trong ngành học về Logistic thì vấn đề giảm thiểu chi phí „kho hàng“ là vấn đề hàng đầu. Kho hàng càng chứa nhiều hàng hóa càng đọng vốn, chi phí quản lý, chi phí bảo hiểm, tiền đầu tư cho mặt bằng …cho nên nguyên tắc của kho hàng phái là giảm thiểu tối đa hàng tồn kho. Cho nên, trữ hàng, trứ danh nhất là giấy vệ sinh trong thời covid, chỉ là nhà dân mua cả đống giấy về trữ, xài dần trong niềm vui của nhà sản xuất.

Có những nhà chính khứa màu xanh lè xanh lét luôn miệng than van về ô nhiễm môi trường, họ cấm điện hạt nhân, trong khi khai thác than nâu bụi than bay xa, bay tứ tung đọng vào phổi của người dân, điện gió thì ô nhiễm môi trường vì siêu âm do quạt gió phát ra, cấm xe hơi nhà chạy bằng dầu diesel, trong khi tàu công tơ nơ chở hàng triệu tấn trên biển có sức ô nhiễm bằng trăm ngàn chiếc xe hơi, còn trên đường thì xe tải chạy bằng dầu di chuyển trên khắp nẻo đường từ nhà quê ra tỉnh, vào thành phố rầm rập dọc ngang ?

Họ cho phép xử dụng chất hóa học, chất bảo quản…trong thực phẩm thì họ có nghĩ đến phí tổn sức khỏe của dân trong bệnh ung thư và của cả xã hội…? Đó chỉ là một vài thí dụ đập vào mắt.

Họ nói gì ? Cái lý hay cái vô lý của người có quyền do dân bầu mầu xanh ? Mầu xanh là mầu của thiên nhiên, tượng trưng cho hy vọng, ta phải thấy ra những con người xấu đen đúa ẩn nấp sau mầu xanh, đưa nó ra làm tấm bình phong, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, miệng rao bán xanh mà sống không xanh. MTT

Những cây thuốc thiên nhiên ở Pháp -©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

11. décembre 2020

Những cây thuốc thiên nhiên ở Pháp –©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Mỗi loại thuốc tây y đều có những phản ứng phụ nặng hay nhẹ không có lợi cho nội tạng như gan, thận, dạ dày và đường ruột. Biết vậy nhưng những bệnh nan y đều cần đến khoa học tây y để chữa trị, phẫu thuật khi mà đông y không có hiệu lực nữa. Theo thiển ý, đông y có hiệu lực đường dài, êm dịu, chăm sóc sức khỏe, đem lại sự thăng bằng cho cơ thể, tây y có hiệu lực cấp tốc với một tác dụng mãnh liệt để trị bệnh bộc phát, tai nạn, chấn thương…. cả hai có thể bổ xung cho nhau tùy thời gian và trường hợp.

Những tủ thuốc gia đình thời xưa của Pháp

Tại nước Pháp, trước khi ngành kỹ nghệ về thuốc tây phát triển với những hợp chất hóa học thì người dân Pháp cũng sử dụng thảo dược để bảo vệ sức khỏe lâu dài từ ngàn xưa đến nay. Người dân Pháp ở vùng nông thôn đều biết giá trị của những cây cỏ thiên nhiên, cây này chữa bệnh mất ngủ, cây kia trị mụn cóc…, đến cả súc vật cũng biết chọn cây để ăn, như con chó ăn cỏ tranh để mửa ra khi nó ăn không tiêu, cây cỏ nào mà thú vật tránh, không ăn là loại cây có chất độc. Họ truyền miệng cho nhau những cây thuốc và phương pháp chữa trị của grand’-mère (bà nội hay bà ngoại). Tôi học được ở chồng tôi các cách dùng cây cỏ « dại » để nấu ăn, người ta gọi nó là thế vì nó tự nhiên mọc lên, như món xúp ortie (cây tầm ma), món sà lách pissenlit (cây bồ công anh), uống trà với lá ronce (cây ngấy)…hoặc dùng hoa bourrache (hoa lưu ly) trang điểm cho các món ăn, và dùng những thứ thảo dược khác làm gia vị như rose (hoa hồng), laurier (lá nguyệt quế ), romarin (cây hương thảo), sauge (lá xô thơm) , thym (cây xạ hương) …là những thứ cây có tự nhiên trong vườn nhà…Anh cũng nuôi một tổ ong để ong làm đậu hoa kết trái.

Từ thế kỷ thứ 18 sang suốt thế kỷ thứ 19 khi ngành khoa học tây y bắt đầu phát triển, các sinh viên đều phải thực tập trên các xác chết của tù nhân, binh lính tử trận…hoặc ăn cắp các xác chết trong nghĩa địa rồi mua đi bán lại ở khắp các nước châu Âu, các mộ chôn từ đó đều phải có biện pháp chống ăn trộm xác chết, thậm chí xây mộ kiên cố như nhà tù.

Sự kiện này đã làm phát triển các ngành nghề bác sĩ giải phẫu, bác sĩ răng, bác sĩ bách bệnh kê đơn viết toa thuốc và ngành dược phẩm khi ấy có tên là les apothicaires bào chế thuốc theo toa bác sĩ và sáng chế ra những thứ thuốc trị liệu.

Tại thành phố Rochefort phía biển Đại Tây Dương còn có một viện bảo tàng về y khoa thế kỷ thứ 18 duy nhất ở nước Pháp mang tên l´Ancienne Ecole de médecine navale thuộc hệ thống Musée national de la Marine (Bảo tàng hải quân quốc gia) được thành lập từ năm 1722, hiện nằm trong khuôn viên của Hôpital de la Marine de Rochefort là trường học y khoa đầu tiên trên thế giới. Trong suốt trên 240 năm lịch sử của trường, trường đã đào tạo nhiều bác sĩ giải phẫu để làm việc trên những chiến thuyền của Pháp đi thám hiểm khắp thế giới.

Bây giờ tất cả những hiện vật được trưng bày trong viện bảo tàng như sọ người, bộ xương, da người, hệ thống thần kinh, hệ thống mạch máu, các thứ thuốc đựng trong các chai lọ thủy tinh…. đều là chứng tích của một thời đại khai phá thuộc địa của Pháp và sự tiến bộ của ngành y khoa hải quân. Chúng tôi đã đến thăm viện bảo tàng này hai lần, những ai yếu bóng vía nên cẩn thận khi vào xem.

Kỹ nghệ thuốc tây là một trong bốn trụ cột chính của nền kinh tế Pháp. Trong thời đại hiện tại vì vấn đề tài chính lợi nhuận lên đến hàng tỷ euros cho người đầu tư mà các giới „vận động hành lang“ của kỹ nghệ thuốc tây áp đảo thị trường. Để nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo đại trà, quảng bá khắp thế giới và thúc đẩy thị trường của một dược phẩm hóa học các công ty dược phẩm đã tốn tính ra trung bình khoảng 1 tỷ đô la trong một thời gian tương đối dài.

Những loại thuốc được xem là thần dược như pénicilinne, insuline, valium (diazepam)…xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ 20 chiếm lĩnh thị trường khiến cho những loại thuốc thảo dược trở nên cảm thấy yếu ớt và không chắc chắn, cũng không được chính thức công nhận, do đó mà phát triển chậm.

Hoa aubépine nở sớm vào mùa xuân ở Pháp, có gai rất nhọn, nên thường được trồng làm hàng dậu.

Nhưng một thành phần dân chúng vì nhiều lý do, thói quen dùng thuốc và kinh nghiệm truyền thống gia đình một phần, phần vì những tác dụng phụ mà nặng nề, kéo dài lâu của thuốc tây kỹ nghệ làm cho ngần ngại, vẫn sử dụng thảo dược, không có bác sĩ cho toa, trong nhiều trường hợp như cảm cúm, ho, viêm họng, viêm xoang, mệt mỏi, stress, đau nhức xương cốt, mất ngủ, béo phì, hỗ trợ sức đề kháng cá nhân hay bệnh về hệ thống tuần hoàn máu…Thường là người dân Pháp tự mua thuốc, các dược sĩ ở nhà thuốc tây có nhiệm vụ tư vấn cho người dân nên dùng thuốc thảo dược gì, bao nhiêu lượng thuốc và trong bao lâu, và tự uống.

Hoa passiflore là loại cây rất thích leo tường nhà, nở hoa sớm vào đầu hè.

Thuốc thảo dược Pháp, cũng do những hãng dược phẩm chế tạo nên chất lượng được đảm bảo, có nhiều dưới dạng rễ, cành, quả, lá cây và hoa phơi khô làm trà, hay dạng bột đóng thành viên thuốc (gelules), hay chất lỏng (thuốc ống) hay kem bôi lên da…gộp chung lại, hệ thống hóa được gọi là Phytotherapie, bán trong những tiệm thuốc tây tự do cho dân chúng, tức là không được thanh toán bằng bảo hiểm, 100% người tiêu dùng phải trả, giá mua tại Pháp của một thành phẩm thảo dược từ khoảng 8 đến 10 euros trở lên.

Mỗi loại thảo dược được phân loại theo tính chất đặc biệt chữa trị từng bệnh. Hiện nay thuốc thảo dược Pháp được sản xuất theo phương thức hiện đại, chiết xuất đậm đặc hơn, thường là không có mùi vị, trừ thuốc ống.

Ruộng hoa lavande ở Pháp, cần nhiều nắng ấm

Những cái tên quen thuộc như tỏi (chữa cao huyết áp, xơ cứng động mạch…), bạc hà (đau bụng, dạ dày, phình ruột) cho đến những loài hoa như oải hương (lavande) chữa trị các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp, bệnh tâm thần như lo âu, sợ hãi, nóng nẩy…, hay loại thuốc ống tổng hợp nhiều thảo dược trị về gan, thận, mất ngủ, tiêu hóa, làm gầy…

Các loài hoa thuốc có khi rất gần gũi với người dân, những loài hoa be bé xinh xinh mọc trong vườn nhà, hàng dậu, ven đường, ven ruộng, ngoài đồng, trên núi như hoa angélique (cây bạch chỉ) , alfalfa (cỏ linh lăng), aubépine (táo gai), bourrache (cây lưu ly), bruyère (cây thạch nam), chardon marie (cây kế sữa), chrysanthellum (hoa cúc), coquelicot (hoa anh túc), lavande (hoa oải hương), mauve (hoa tím), millepertuis (cây cỏ ban), onagre (hoa anh thảo), passiflore (cây lạc tiên), pensée sauvage (hoa tâm tư dại), pervenche (cây dừa cạn), reine des Prés (nữ hoàng của đồng cỏ), sauge (cây xô thơm), séné (cây ô môi) , sureau noir (cây cơm cháy) …

Quả cassis được dùng để làm mứt, làm rượu ngọt (Crème de cassis) pha với Champagne gọi là Kir royal, một món rượu khai vị truyền thống Pháp

Cây và hoa quinquina

Lá cây dùng làm thuốc thì có lá armoise (ngải cứu), artichaut, boldo (cây bon đô), bouleau (cây bạch dương), busserole (cây nho gấu), cassis (cây lý đen), eucalyptus (cây khuynh diệp), frêne (cây tần bì), ginkgo (cây bạch quả), hamamelis (cây kim mai), maté (cây nhựa ruồi), mélisse (cây hương phong), menthe (cây bạc hà), myrtille (cây việt quất đen), olivier (cây ô liu), orthosiphon (cây râu mèo), ortie (cây tầm ma) , papaye (cây đu đủ), plantain (cây mã đề), romarin (cây hương thảo), the vierge (trà xanh), vigne rouge (lá nho đỏ)…

Vỏ cây làm thuốc thì có cây bourdaine (cây táo đen), marronnier d´Inde (cây dẻ Ấn Độ), pamplemousse (cây bưởi), quinquina (cây ký ninh), saule blanc (cây liễu trắng) …

Hoa pissenlit, lá là sà lách của người nghèo….

Quả, thân, cành, củ và hạt dùng làm thuốc thì có avoine (lúa mạch), bambou (tre), bardane (cây ngưu bàng), blé (lúa mì), café vert (cây cà phê), carotte (củ cà rốt), queue de cerise (cuống trái cerise), chélidoine (cây thổ hoàng liên), chiendent (cỏ tranh), pépin de courge (hạt bí), cumin (cây thì là Ai cập), curcuma (nghệ), cyprès (cây bách), pissenlit (cây bồ công anh) ….và còn nhiều loại thảo dược của Pháp nữa.

Cô bé ba tuổi rưỡi thổi hoa bồ công anh hái trong vườn. Photo MTT

Trong nhà tôi có hai ba ngăn tủ trà thảo dược đủ loại, thuốc thảo dược viên, thuốc thảo dược ống…, và nhờ có dầu khuynh diệp mà tôi thở được thông suốt trong mùa dịch Covid mỗi khi phải đeo khẩu trang, thị trường thảo dược Pháp cũng nhờ tôi mà khấm khá lên, các bạn có thấy không ? MTT

Romarin đang nở hoa mầu tím, chiendent và ortie mọc tự nhiên trong vườn. Photo MTT

Bê rô ti truyền thống Pháp trong mùa Giáng sinh

9. décembre 2020

Bê rô ti truyền thống Pháp trong mùa Giáng sinh- ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Bài đã được đăng bằng tiếng Anh trên Vietnam News của Thông tấn xã Việt Nam Hà Nội, ngày 9.12.2020

https://vietnamnews.vn/life-style/824640/oven-roasted-veal-traditional-french-comfort-food.html

Mùa đông là mùa của những món nóng, nhiều nhiệt lượng để chống cái lạnh, nên thực đơn mùa đông khác mùa hè, những món như ra-gu, rô ti, gratins… được ưa chuộng nhiều. Lò nóng cũng sưởi ấm thêm cho căn bếp, căn nhà, mùi thơm của thức ăn tỏa ra ngào ngạt, chứa đựng không gian hạnh phúc của một gia đình. Hạnh phúc ấy đơn giản là có cái ăn, có mái ấm và có người thân chung quanh sinh sống hàng ngày, quây quần quanh ta. Chỉ có khi nào người ta mất đi những thứ ấy, mới thấy có được chúng trong bình yên là cả một hạnh phúc vô cùng tận.

Chợ ở Pháp có hai loại chợ, siêu thị và chợ ngoài trời. Siêu thị là những cửa hàng nhiều kích cỡ của một chuỗi bán lẻ lớn từ hypermarché rộng cả mấy ngàn mét vuông cho đến cái supérette chỉ nhỏ bằng hai gian nhà chỉ có nhu yếu phẩm. Carrefour, Leclerc, Auchan, Intermarché, Super U ….là những cái tên quen thuộc của những ông lớn bán lẻ. Chợ ngoài trời thường là chợ phiên hàng tuần của tất cả các nhà nông bán các sản phẩm của mình, hoa trái rau củ quả, thịt, trứng, gà vịt ngỗng ngan…đủ cả, các nông sản phẩm của họ nhiều khi không đẹp mắt, tròn trịa, bóng loáng như trong siêu thị, nhưng gần gũi với thiên nhiên hơn và ít chất hóa học hơn, mặc dù họ cũng sử dụng các chất diệt cỏ dại và phân bón. Đôi khi gặp những quầy bán nem, tôm bao bột chiên…của người Việt ở chợ phiên thì mừng húm như bắt được vàng, ngại ngùng đứng lại hỏi thăm đôi câu.

Giá hàng ở chợ phiên thường đắt hơn giá chợ siêu thị, nhưng nhiều người thích đi chợ phiên ngoài trời để tán gẫu với người bán hàng hay với ông đi qua bà đi lại. Nói nhiều, nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện nọ xọ chuyện kia, nói cho vui cửa vui nhà….là một đặc tính của người Pháp.

Trong mùa dịch Covid chính phủ Pháp ấn định hai đợt giãn cách toàn xã hội kéo dài hơn một tháng, hai tháng, hạn chế việc đi lại đến mức tối đa, chỉ cho đi một cây số quanh nhà, hay chỉ cho di chuyển trong vòng 20 cây số, trong 1 tiếng, 3 tiếng đồng hồ, gây khó khăn rất lớn cho vùng quê, làng này đến làng kia ít nhất 5 cây số mà có làng không còn một cơ sở thương mại hay công cộng nào, không có một tiệm bánh mì, không có một tiệm tạp hóa, phải lái xe hơi đi mua thức ăn ở những thị trấn hay thành phố kế cận cách xa nhau đến 25 cây số. Dân Pháp ở vùng quê đã sống quen như thế, chạy ngược chạy xuôi tốn xăng tốn dầu họ không thấy cực khổ, thiếu thốn nhưng đến khi bị khoanh vùng hạn chế đi lại thì cảm giác mất tự do của họ là rất lớn. Họ nguyền rủa, luật lệ là chỉ có người ở Paris làm cho Paris, ở một thủ đô tầm mức thế giới cái gì cũng có sẵn để phục vụ cho một đời sống cao cấp giầu sang, đi một bước là một cửa hàng, mà lại áp dụng trên toàn lãnh thổ, từ tỉnh nhỏ, thị trấn cho đến nhà quê làm khổ người dân, làm kiệt quệ kinh tế.

Thống kê của INSEE 2019 về mật độ dân cư cho thấy có khoảng 50 triệu người chen chúc sống ở thành thị, vùng Ile de France (kể cả Paris) có khoảng 1.022 dân/cây số vuông, có khoảng 3.000 thị trấn với 410 dân/cây số vuông và có đến 33.000 làng với dưới 64 dân/cây số vuông.

Mùa Giáng sinh năm nay hứa hẹn có nhiều trở ngại do mức độ thất nghiệp tăng cao làm giảm thu nhập của tầng lớp trung lưu bị phá sản và lao động. Tuy thế các bà mẹ gia đình đều cố gắng để dọn một bữa ăn tươm tất với những món quà nho nhỏ cho mọi người, tạo niềm vui hạnh phúc gia đình bù đắp cho những xáo trộn tiêu cực của xã hội.

Bữa ăn đêm Giáng sinh là đoàn tụ gia đình trong ý nghĩa tích cực của nó, hàn gắn, chăm sóc cho tình yêu thương lẫn nhau, bồi dưỡng cho truyền thống gia đình, những người lạc loài trong đêm Giáng sinh hẳn là buồn lắm. Ánh sáng đèn ấm cúng, bên cây thông Noel, trẻ con chơi đùa ầm ĩ, căn nhà rộn ràng tiếng nói tiếng cười của nhiều người, kể chuyện huyên thiên của suốt một năm…, những tiếng reo vui mừng mở gói quà…, tiếng nhạc êm dịu thánh thót…bảo sao các bà mẹ gia đình quên hẳn đi những nhọc nhằn.

Những bữa ăn mùa Giáng sinh vì thế mang tính cách lễ tết, cầu kỳ, đắt tiền, để làm vui lòng mọi người.

Thời tiết mùa đông ở Pháp thường có gió lạnh từ miền bắc thổi về, những ngày mưa ảm đạm, ướt chèm nhẹp lá úa, hay bầu trời xám xịt một mầu õng nước ở 3 hay 4 độ C khiến cho tuyết chỉ chực rơi. Ai nấy cũng đều thích thú khi bước vào một gian bếp ấm, thơm nức, nhất là khi tuyết rơi ngoài trời. Một Noel trắng tinh, tuyết rơi lặng lẽ là mong đợi của mọi người.

Món rô ti bê trong lò rất dễ làm, tuy hơi đắt tiền nên là món ăn thượng thặng dành cho khi có khách, lễ tết, Noel, chủ nhật hay ăn mừng một việc gì đó, giá một kí lô ở Pháp hiện tại xê xích khoảng 25-30 euros. Bạn có thể rô ti trong nồi gang, trong xoong kim loại, hay trong lò…Với mỗi một vật dụng để nấu, bạn có thể được nhiều kết quả khác nhau, thịt mềm, ướt hay khô…

Photo Mathilde Tuyet Tran

Cho 5 người ăn bạn cần 1 kí thịt bê nạc phần mông (noix de veau), mềm, cột với mỡ bê chung quanh, 300 g nấm tươi, 300 g cà rốt, 2 tép tỏi, 2 củ hành tím, gia vị thì có 1 thìa cà phê muối, tiêu, 1 thìa súp bột mì, bơ, dầu olive, herbes de provence hay 1 bó bouquet de provence gồm có thymian, laurier, estragon và 1 ly rượu vang đỏ hay vang trắng tùy sở thích, hay rượu ngọt như porto.

Rượu nấu với thức ăn đều bay hơi hết độ cồn, chỉ còn hương vị (aroma) của nó, nên chọn rượu để nâú là ấn định luôn hương vị của nước xốt.

Thông thường, để nấu món rô ti bê, tôi pha nửa rượu vang đỏ và nửa rượu ngọt với nhau, vì thịt bê nấu với vang trắng thì đó là hương vị đặc biệt của một món ăn khác như Veau marengo chẳng hạn.

Trong một cái nồi to, hay chảo, cho vào một ít dầu, rồi rán thịt bê cho vàng đều các mặt, tắt bếp. Trong một cái khuôn vừa vặn, trét bơ cho đều, rồi trải một lớp cà rốt cắt lát, một lớp nấm cắt lát lên, hành tím và tỏi cắt lát để chung quanh, rắc nhẹ tay một lớp muối và tiêu, rồi đặt thịt bê lên, rắc muối và tiêu lên thịt bê, cho 1 ly rượu, một thìa súp dầu olive và 1 ly nước vào, cho vào lò đã bật trước 250 độ.

Khi nướng, thỉnh thoảng rưới nước thịt lên và canh chừng khẻo cạn nước, bị cháy, trung bình 20 phút cho nửa cân thịt sống. Thịt bê có thể ăn hơi tái hoặc vừa chín tới, lấy dao nhọn thử, nếu thịt không chảy ra nước mầu đỏ hồng là vừa ăn, thịt cắt ra dọn ăn phải còn mầu hồng.

Photo Mathilde Tuyet Tran

Lấy thịt ra khỏi lò, lấy thịt và cà rốt, nấm ra, đặt trên một cái đĩa, không nên vội vàng cắt thịt ngay, mà để thịt nghỉ 10-15 phút.

Trong khi đó thì làm nước xốt, trong một cái xong nhỏ, lấy một thìa súp bột mì và 100 g bơ, rán bột mì trong bơ khi bột có mầu vàng thì đổ nước thịt, đã lọc qua, vào quấy đều, sanh sánh là được, nêm nếm lại nếu cần. Tôi không sử dụng bột nêm hoặc mì chính, không có lợi cho sức khỏe. Rau củ, sữa tươi, kem tươi, rượu ngọt…đã cho độ ngọt vừa phải.

Photo Mathilde Tuyet Tran

Khi dọn ăn, bầy một lát thịt cắt dầy, cà rốt, nấm bên cạnh và xốt riêng bên cạnh. Người châu Âu cần 200 g thịt tươi nấu cho mỗi bữa ăn chính, mỗi người ăn phần trên đĩa riêng của mình. Họ rất ngại phải ăn chung, tất cả đều gắp trong một đĩa thức ăn. Phần ăn của người Việt có lẽ ít hơn, có thể nhiều hơn, vô chừng.

Món bê rô ti có thể dọn ăn với khoai tây luộc, khoai tây luộc rồi tán bằng nĩa hay khoai tây nghiền, bạn nhớ nêm thêm một ít kem sữa, bơ và muối vào hai món khoai tán nay nghiền. Ít khi dọn ăn với khoai tây chiên, vì nhiều dầu mỡ cho bữa ăn.

Chúc các bạn một bữa ăn ngon trong vòng tay thân ái của người thân thương. MTT

Đền vùi xác hoàng hậu Marie-Antoinette – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

29. novembre 2020

Đền vùi xác hoàng hậu Marie-Antoinette – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Kỷ niệm 1.Advent 2020

Ảnh vẽ thời xưa

Xương người của nghĩa trang Madeleine còn lại trong hầm Catacombes của Paris

Square Louis XVI ngày nay bị bao bọc bốn phía bởi bốn con đường sầm uất, boulevard Haussman, rue Pasquier, rue des Mathurins và rue d´Anjou. Đây là địa danh duy nhất mang tên vua Louis XVI trên đất Pháp. Địa chỉ của đền vùi xác là 29 rue Pasquier, quận 8 Paris. Nơi đây là nguyên thủy nghĩa địa Madeleine, chỗ vứt xác của nhiều người bị cách mạng dân chủ Pháp chém đầu, kế cả những người nổi tiếng như Charlotte Corday, Madame Roland…., xác thường được vứt thẳng vào hố đất, lấp bằng vôi.

Năm 1796 người chủ đất cho trồng những hàng rào bằng cây, hai cây liễu và những cây tùng bách chung quanh, bây giờ thời đại mới, nhà đất ở Paris đắt hơn vàng, khu vườn chung quanh bị thu nhỏ lại đến mức tối thiểu.

Bị coi là tài sản quốc gia và bị đóng cửa, nghĩa trang Madeleine đã bị chuyển nhượng nhiều lần, đến năm 1802 bị bán một phần lớn vào tay ông Pierre-Louis Ollivier Descloseaux, người ở trong một căn nhà sát cạnh nghĩa trang kể từ năm 1789, năm mà Cách mạng dân chủ Pháp bùng nổ.

Quân cách mạng Pháp 1789 mang đầu đi bêu riếu

Ông Descloseaux vốn là bếp trưởng của hầu tước de Marivaux, nhưng có học vị cử nhân luật, cho nên ông trở thành luật sư trong quốc hội Paris vào năm 1778. Tuy ông ủng hộ những tư tưởng của cách mạng trong thời gian đầu, nhờ đó ông được nhận trách nhiệm chủ quản những hồ sơ than vãn của dân chúng trong hạt Saint-Philippe-du-Roule, ông trở thành một nhân vật quan trọng trong khu phố, nhưng thực ra ông vẫn trung thành với chế độ quân chủ, và thoát khỏi giai đoạn khủng bố của những người jacobins ….Cũng từ thời đại này khái niệm chính trị cánh hữu, cánh tả được hình thành và trở nên thông dụng, phía cánh tả của vua Louis XVI là phe chống đối, phía cánh hữu của vua Louis XVI là phe thuận.

Sổ ghi nhận hồ sơ những than van chỉ trích của dân chúng thời Cách mạng dân chủ Pháp 1789 của từng khu vực hành chánh và đạo.

Từ khi vua Louis XVIII trở về từ nơi lánh nạn, vua cho tìm kiếm ngay thi thể của anh mình và chị dâu, Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette. Ông Descloseaux ưng thuận bán lại thửa đất nghĩa địa Madeleine cho hoàng gia. Một lệnh hoàng gia ngày 19.01.1815 được ban hành, ra lệnh xây dựng trên đất nghĩa địa một ngôi đền để tưởng niệm vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette. Đồng thời ngày 21.01.1815, 22 năm sau khi thân xác bị vùi trong nghĩa địa Madeleine vào năm 1793, thi thể của vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette được long trọng chuyển về thánh thất tu viện hoàng gia Saint-Denis, nơi các vua chúa Pháp dòng Capétien được chôn cất, yên nghỉ.

Khi khai quật mộ có nhiều tranh cãi về vấn đề xương thật của vua và hoàng hậu hay xương người khác, vì quần áo đã rục nhiều, thậm chí nhiều xác chết trần truồng, không đầu, cái đầu được đặt nằm giữa hai chân, thời ấy lại không có giám định gen ADN như bây giờ. Dẫu sao, cũng đã là quá khứ lịch sử, mà lịch sử thường mang tính chất của những thảm kịch, bạo động đẫm máu trong mục đích thay đổi cấu trúc xã hội đã đi vào một nề nếp, một trật tự cố định nào đó.

Kiến trúc sư Pierre-Francois Fontaine nhận trách nhiệm xây dựng đền, phó là kiến trúc sư Louis-Hippolyte Lebas lãnh trách nhiệm thực hiện. Đến năm 1824 thì hoàn tất phần đền chính, ngày 21.01.1824 một thánh lễ tưởng niệm vua Louis XVI được cử hành lần đầu tiên tại đền. Công việc trang trí nội thất được tiếp tục sau đó và hoàn thiện vào năm 1826 dưới thời vua Charles X, tính từ lúc khởi công vào năm 1815 đến nay 2020 là đã 205 năm tuổi.

Hầm mộ dòng họ hoàng gia Capétien trước năm 1975

Nhưng trải qua nhiều biến động chính trị của thời gian, khu đền vùi xác bị thâu nhỏ lại và bị đe dọa triệt tiêu. May thay, ngày 22.07.1914 đền được công nhận là di tích quốc gia được bảo tồn. Tám ngày sau, đại chiến thế giới lần thứ nhất bắt đầu. Tương truyền, nhiều người đã từng thấy hoàng hậu Marie-Antoinette hiện hồn về trong đền vùi xác.

Tượng vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette trong Basilique Saint-Denis hiện tại

Đến năm 1975 thì hầm mộ hoàng gia Capétien ở basilique Saint Denis được xây dựng lại, hoành tráng hơn, hiện đại hơn, các mộ được chôn xuống đất, nắp bằng đá đen, trước chỉ để quan tài xếp hàng cạnh nhau trong hầm mộ, để mở cửa cho khách du lịch vào thăm, nhưng ít có khách du lịch đến từ phương xa biết đến lịch sử của nước Pháp để đi thăm viếng những nơi này, thật là đáng tiếc.

Thánh đường tu viện lịch sử Basilique Saint-Denis, Paris hiện tại

Thánh đường tu viện Saint-Denis hiện tại chứa đựng lịch sử của hơn 1.500 năm qua các thời đại phong kiến từ vua Dagobert năm 639, có tượng khi chết của 43 vua và 32 hoàng hậu cùng 10 công thần, năm 1966 tu viện đã được nâng cấp lên hàng thánh đường. Vào thăm thánh đường càng thấy thấm thía hơn rằng con người không thoát khỏi bốn chữ sinh lão bệnh tử, dù là vua chúa nắm quyền sinh sát thần dân của mình, rồi chỉ có mỗi một con vật chung thủy với mình, đó là tượng con chó nằm dưới chân các tượng vua và hoàng hậu để sưởi ấm cho người.MTT

Cổng vào nhà nguyện đền vùi xác, nơi tìm thấy thi thể vua Louis XVI trong nghĩa trang Madeleine khi xưa. Photo bản quyền của MTT

Hai hàng mộ trước nhà nguyện đền vùi xác. Photo bán quyền của MTT.

Tượng hoàng hậu Marie-Antoinette trong nhà nguyện đền vùi xác. Photo bản quyền của MTT.

Tượng vua Louis XVI trong nhà nguyện đền vùi xác. Photo bản quyền của MTT.

Cổng vào đền vùi xác. Photo bản quyền của MTT.

 

Hoàng hậu Marie-Antoinette, đáng thương hay đáng trách ?

27. novembre 2020

Hoàng hậu Marie-Antoinette, đáng thương hay đáng trách ? ©Mathilde Tuyết Trần, France 2013

Hoàng hậu Marie-Antoinette

Marie-Antoinette là hoàng hậu cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng trước giai đoạn cách mạng dân chủ Pháp vào thế kỷ 18. Cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp kéo dài từ 1789 cho đến 1804 là một giai đoạn đẫm máu với nhiều xáo trộn xã hội và chính trị. Sự kiện quan trọng nhất là việc thiết lập chính thể cộng hòa đầu tiên của Pháp và lật đổ, bãi bỏ chế độ quân chủ, vương quyền của dòng họ Capétiens, tên gọi theo người sáng lập Hugues Capet (941-996), trị vì nước Pháp đã 8 thế kỷ.

Năm 1804 Napoléon Bonaparte thiết lập lại đế chế, tự xưng Hoàng đế của đế quốc Pháp, với sự chứng kiến của Giáo hoàng Pi VII. ( Cùng thời, vua Gia Long lên ngôi hoàng đế vào năm 1802 sau khi đã thống nhất lãnh thổ từ Bắc chí Nam).

Cuộc đời khởi đầu vương giả với một kết cục thảm khốc của Marie-Antoinette trải qua cơn bão lốc kinh hoàng của cuộc cách mạng dân chủ Pháp (la Révolution Française 1789) là đề tài thường xuyên của báo chí, tiểu thuyết, phim ảnh, nhạc, kịch….

Trong bài viết ngắn này tôi đặt câu hỏi là bà đáng tội nghiệp hay đáng trách. Người dân ghét bà thì chỉ gọi ngắn hơn nữa là “l’autrichienne” trong ngụ ý ám chỉ “chienne” là con chó cái nước Áo. Ngày hôm nay, người dân Pháp còn nhắc đến bà với câu nói nổi tiếng và tiêu biểu “Nếu chúng không có bánh mì để ăn thì chúng ăn bánh brioche !” (Qu’ils mangent de la brioche!) để trách bà là một người sống hoàn toàn xa rời thực tế, xa hoa, phung phí, kiêu ngạo, vô tâm, vô nhân, tuy không có gì chứng minh đó là câu nói của bà, có thể là do người ghét gán vào cửa miệng bà.

Marie-Antoinette là người Áo, con thứ mười lăm của vua Đức Franz I. Stephan von Lothringen và bà công tước Áo cũng là nữ hoàng nước Hung và Böhmen tên là Maria-Theresia, sinh ngày 02.11.1755 trong lâu đài Hofburg tại Wien, Áo. Tên khai sinh của bà là Maria Antonia Josepha Joanna von Habsburg-Lothringen (viết theo tiếng Đức), hay Marie Antoinette Josèphe Jeanne de Habsbourg-Lorraine (viết theo tiếng Pháp), nhưng bà thường được nêu bằng tên ngắn là Marie-Antoinette d’Autriche (Marie-Antoinette nước Áo). Bà sở hữu nhiều tước hiệu như nữ công tước Áo, công chúa đế triều, công chúa vương triều của Hung và Bohême, công chúa kế vị Pháp (dauphine), hoàng hậu nước Pháp và Navarre từ 1774-1792, vương phi chính thức của Louis XVI, vua nước Pháp.

Thời ấy các cuộc hôn nhân của vua chúa đang nắm quyền hành hầu hết là những cuộc hôn nhân được dàn xếp vì lợi ích của cả hai bên, nó phải đem lại một lợi ích nào đó như bảo vệ dòng giống hoàng gia, thêm đất đai lãnh thổ, của cải hay là một liên minh bảo vệ nhau về chính trị hay quân sự. Gia đình các vương triều châu Âu đều có quan hệ hôn nhân chằng chịt với nhau từ đời này sang đời khác. Để thỏa mãn các vấn đề tình cảm khác thì các vua chúa, bà hoàng đều có hầu thiếp, tình nhân…thêm bên cạnh.

Thời niên thiếu, Marie-Antoinette đã được giáo dục kỹ lưỡng với các môn học nhảy múa, diễn kịch, lịch sử, hội họa, đọc và viết, kiến thức chính trị, toán học và ngôn ngữ. Trong chính trị hôn phối châu Âu của mình, các con của nữ hoàng nước Áo đều phải kết hôn với các vương triều khác, hoàng hậu Maria-Theresia cương quyết nối kết hai dòng vua Bourbon (Pháp) và Habsburger (Áo) với nhau bằng hôn phối giữa con gái bà là công chúa Marie-Antoinette và hoàng thái tử Pháp.

Hoàng thái tử Louis XVI, sinh ngày 23.08.1754 trong cung điện Versailles, được kế vị ngai vàng của ông nội Louis XV (1710-1774), vì cha là hoàng thái tử Louis-Ferdinand de France (1729-1765) và cả hai người con trai sinh ra trước đều qua đời sớm. Louis XVI là con trai thứ ba của Louis-Ferdinand de France với bà Marie-Josèphe de Saxe, công chúa con của vua Ba Lan Frédéric-Auguste II.

Sau nhiều cuộc thương thuyết khó khăn, vua Pháp Louis XV đồng ý ký hiệp ước hôn phối vào năm 1769 cho Marie-Antoinette và hoàng thái tử Louis XVI. Từ đó, Marie-Antoinette mới 14 tuổi, phải gấp rút học tiếng Pháp cũng như cách ăn nói, xử thế, phong cách của một hoàng hậu.

Ngày 19.04.1770 hôn lễ được cử hành qua đại diện ở thủ đô Wien, Áo. Kể từ ngày đó cô dâu mang tên Pháp là Marie-Antoinette, và mặc quần áo theo phong cách Pháp. Rồi ngày 21.04.1770 cô gái trẻ Marie-Antoinette từ giã gia đình quê hương bạn bè, ngồi trên một cỗ xe ngựa với đoàn hầu cận kéo vượt đoạn đường dài từ nước Áo sang Pháp để gặp chồng còn chưa biết mặt. Cỗ xe cô dâu đi dọc con sông Danube, qua München, Ausburg, Freiburg/Breisgau rồi vượt biên giới ở Straßburg, được đón rước nghỉ ngơi long trọng ở nhiều nơi.

Ngày 14.05.1770 đoàn xe ngựa của Marie-Antoinette đến Compiègne, nơi cô dâu 15 tuổi được ông nội Louis XV và chú rể Louis XVI đích thân đón tiếp rất linh đình trọng thể. Trên đoạn đường từ Compiègne về Paris, Marie-Antoinette ngồi giữa hai vì vua Pháp trên cỗ xe ngựa hoàng gia. Marie-Antoinette đến nghỉ ngơi tại lâu đài chateau de la Muette nằm trong quận 16 Paris, gần cánh rừng bois de Boulogne, chờ ngày cưới. Đám cưới chính thức của hoàng thái tử Pháp, 16 tuổi, và Marie-Antoinette, 15 tuổi, được tổ chức vào ngày 16.05.1770 ở cung điện Versailles, và kết thúc bằng một lễ hội cho dân chúng vào ngày 30.05.1770.

Đang còn trong tuổi trưởng thành, thiếu tất cả người thân bên cạnh, nên Marie-Antoinette phải một thân một mình làm quen, đối phó với môi trường xa lạ, phức tạp của triều đình Pháp, nhất là với những người có quyền lực, ảnh hưởng chi phối như những bà nhân tình của vua Louis XV, đặc biệt là bà Dubarry. Ngày 10.05.1774 vua Louis XV qua đời sau một cơn bệnh nặng. Louis XVI trở thành vua nước Pháp, Marie-Antoinette lên ngôi hoàng hậu khi mới 19 tuổi.

Còn khá trẻ và trong ý muốn làm đẹp, Marie-Antoinette để ý rất nhiều đến sự xuất hiện của mình, nào là quần áo, kiểu tóc và nhất là nữ trang. Và làm gì để quên thời gian buồn chán đang trôi qua ? Hoàng hậu chơi đánh bài, săn bắn, dạo xe trượt tuyết mùa đông, xem đua ngựa, diễn kịch, nhẩy đầm…. Bà cho tu sửa lại mới lâu đài Trianon, một quà tặng của chồng, làm nơi ở riêng của mình, với một phí tổn khổng lồ 2 triệu bảng.

Trên thực tế, bẩy năm sau đám cưới, vua Louis XVI mới thực hiện bổn phận làm chồng của mình vào ngày 30.08.1777, lúc nhà vua 23 tuổi, và hoàng hậu 22 tuổi. Cả triều đình tụ họp để chứng kiến tận mắt cuộc giao phối giữa vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoine !

Gần một năm sau, cũng vào tháng 8, triều đình thông báo hoàng hậu mang thai đứa con đầu tiên. Ngày 19.12.1778 Marie-Antoinette sinh hạ một bé gái đặt tên là Marie-Thérèse-Charlotte, trong sự thất vọng của nhiều người chỉ muốn có một hoàng thái tử nối ngôi.

Hoàng hậu Marie-Antoinette với ba đứa con và một cái nôi trống

Ba năm sau, ngày 22.10.1781 Marie-Antoinette sinh con trai, đặt tên là Louis-Joseph Xavier François, đứa trẻ sơ sinh được phong ngay là quận công Normandie, vua Louis XVI khóc vì mừng rỡ. Ngày 27.03.1785 Marie-Antoinette sinh thêm được một đứa con trai, cũng tên là Louis-Charles. Rồi năm 1786 bà sinh lần cuối, một đứa con gái mang tên Sophie-Beatrice vào ngày 09.07, nhưng cô công chúa này chỉ sống được có 11 tháng. Marie-Antoinette rất buồn, cho vẽ một tấm tranh với cái nôi trống.

Kẻ thù chính của nước Pháp khi ấy, nước Anh và Hòa Lan, tận dụng những “điểm yếu” của bà hoàng hậu, trong mục đích chia rẽ phá hoại mối liên kết Pháp-Áo-Đức, tuyên truyền gây bất lợi cho bà, tạo hình ảnh của bà là người bị dân Pháp trách, ghét thậm tệ. Cho đến khi nổ ra vụ án “chuỗi kim cương” của Marie-Antoinette. Bà bị tố cáo oan ức là đã dùng tiền của quốc gia mua một chuỗi kim cương trị giá 1,6 triệu bảng qua trung gian của Hồng y Rohan. Tuy rằng, vợ chồng La Motte bị kết tội, chính danh là kẻ lường gạt Hồng y Rohan, bà La Motte bị xử án tù và đóng dấu lửa “V” (voleur, ăn cắp) lên vai, ông La Motte thì chạy trốn qua nước Anh với chuỗi kim cương ăn cắp, nhưng danh tiếng của hoàng hậu Marie-Antoinette bị thiêu rụi hoàn toàn trong vụ án này.

Chuỗi kim cương trong vụ án vợ chồng La Motte lường gạt Hồng y Rohan

Cuộc cách mạng dân chủ Pháp gồm nhiều giai đoạn, đặc biệt trong 10 năm từ 1789 cho đến năm 1799, có nhiều sự kiện đẫm máu đã xảy ra. Đề tài cách mạng dân chủ 1789 rất rộng lớn vì nhiều diễn biến lịch sử khá phức tạp, trong phạm vi bài viết ngắn này tôi chỉ đề cập vài chi tiết để giải thích ảnh hưởng lên số phận của bà hoàng hậu Marie-Antoinette.

Sự kiện đánh dấu nổi bật nhất là việc phá ngục Bastille vào ngày 14.07.1789, và cho đến nay, ngày 14.07 hàng năm là ngày lễ Quốc Khánh của nước Cộng Hòa Pháp với diễn binh long trọng trên đại lộ Champs-Élysées và nhiều hoạt động lễ hội khác kèm theo.

Ngòi nổ của cuộc cách mạng dân chủ Pháp là tình trạng nợ nần của triều đình vua Louis XVI, kế thừa từ triều đình vua Louis XV, mà trong đó có chi phí của các cuộc chiến tranh đã qua như sự tham chiến của Pháp để giúp tướng Washington dành độc lập, xây dựng nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chiến phí rất cao vì những tổn thất nặng nề của hải quân thời ấy, như của hai đạo quân Rochambeau và La Fayette. (Xem Dấu xưa…Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn).

Sự kiện tổng thanh tra tài chánh của vua Louis XVI, ông Jacques Necker, công bố sự thiếu hụt của ngân sách quốc gia năm 1781, thâu 503 triệu bảng, chi 620 triệu bảng, trong đó có 25% là ngân sách quân đội, 19% ngân sách hành chánh và 6% là ngân sách triều đình, làm cho dân chúng phẫn nộ.

Triều đình Louis XVI không thực hiện được cải cách thuế vụ vì sự chống đối của các thành phần ưu đãi, tức là giới quý tộc, lại còn cách chức Jacques Necker. Xã hội Pháp khi ấy gồm có 3 tầng xã hội theo thứ tự: Giới quý tộc, giới tăng lữ, gọi là thành phần ưu đãi có nhiều đặc quyền, và thành phần thứ ba tổng hợp bởi nông dân, công nhân, hành nghề tự do và giới chủ nhân. Trong giới quý tộc lại có sự chia rẽ giữa quý tộc quân đội (noblesse d’épée) và quý tộc do mua quan bán chức mà được mặc áo quý tộc (noblesse de robe).

Dân chúng, đại đa số là nông dân, phải gánh chịu gánh nặng thâu thuế của triều đình. Và không có gì nguy hiểm cho một quốc gia là đa số dân chúng bị đói kém. Giữa năm 1789 giá bánh mì tăng gấp ba, dân chúng thiếu ăn vì vật giá các loại tăng cao, nhiều đoàn người ăn xin kéo nhau đi lê lết khắp nơi. Sự bất mãn của dân chúng còn trải rộng trên các lãnh vực thương mại, giáo dục vì thương mại là để đem đến sự giầu có, và giáo dục là để đem đến kiến thức, để leo nấc thang uy quyền danh vọng trong xã hội.

Dân chúng muốn chống lại sự áp bức của guồng máy hành chánh chặt chẽ, và chống lại sự chiếm hữu đất đai rộng lớn của thành phần ưu đãi, quý tộc vùng, quý tộc nhà quê. Thành phần trưởng giả, có tài sản tiền bạc, cũng có tham vọng tham gia vào guồng máy quyền lực. Vào thời điểm này thì lòng dân đã chín mùi cho một cuộc nổi dậy vũ trang, mà mục đích tấn công đầu tiên là nhà ngục Bastille Saint-Antoine, biểu tượng cho uy quyền của triều đình quân chủ Louis XVI.

Khoảng năm ngàn dân tấn công phá ngục Bastille vào đêm 13.07.1789, với sự trợ giúp của một số tướng lãnh đã kéo mấy cỗ đại bác đến trước ngục Bastille, viên quản lý ngục Bastille là hầu tước Bernard-René Jordan de Launay đầu hàng, bị giết chết, đầu bị cắm trên cọc nêu, phơi làm gương. Nhà ngục Bastille, xây như một chiến thành từ năm 1370 cho đến năm 1383, bị phá vỡ hoàn toàn ngay sau ngày 15.07.1789 đó, ngày nay, trên nền cũ của nhà ngục là quảng trường La Bastille còn những hàng gạch đá trắng bị lửa đốt cháy đỏ hồng đánh dấu vị trí của nhà ngục.

Trong hai tháng “sợ hãi khủng khiếp” (la Grand Peur) 7-8/1789 nông dân nổi lên ở nhiều khu vực, tấn công các lâu đài và nhà thờ, tu viện, cướp bóc, giết chóc, tàn phá, đốt cháy thư viện, văn khố, chặt đầu xẻo mũi cắt tai luôn cả các tượng đá, cắt bỏ từng trang sách có hình ảnh vua chúa và giới tăng lữ.

Tầng lớp nông dân là tầng lớp nòng cốt của cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nhưng tầng lớp trí thức, dưới ảnh hưởng tư tưởng của Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Diderot, đặc biệt là giới luật gia, lãnh đạo tinh thần cho cuộc cách mạng. Bản tuyên ngôn nhân quyền của cách mạng dân chủ 1789 do khoảng 100 dân biểu thuộc thành phần thứ ba soạn thảo ra đời vào ngày 26.08.1789. Phụ nữ trí thức cũng nổi dậy có vũ trang đòi quyền bình đẳng với nam giới, theo đòi hỏi bình đẳng của bà Olympe de Gouges vào năm 1791.

Vua Louis XVI đứng trước một áp lực lớn chưa từng thấy, tập hợp bởi nông dân, phụ nữ, quân đội, trí thức, trưởng giả, ngay cả nhà thờ, trước đây vẫn là bạn đồng hành trung thành nhất với vương quyền, cũng đổi trận tuyến, đứng về phía cách mạng dân chủ. Sau nhiều biến động, vua Louis bị bức phải rời cung điện Versailles để về Paris, và phải chấp nhận nhiều thay đổi, cải cách về tổ chức chính trị, tư pháp như bầu cử, quy định xử án, tài chánh, thành lập các cơ cấu bảo đảm dân chủ như quốc hội (Assemblée nationale), tòa phúc thẩm (kháng án), tòa án tối cao…

Đang trong thời kỳ cao điểm của cuộc cách mạng dân chủ thì hoàng thái tử Louis-Joseph, con trai đầu tiên của Marie-Antoinette qua đời ngày 03.06.1789, chỉ mới được 8 tuổi. Đứa con trai thứ hai của Marie-Antoinette lên kế vị hoàng thái tử, tức là Louis XVII.

Bị quản thúc ở Paris từ tháng 10.1789, vua Louis XVI bèn tổ chức lén lút một cuộc chạy trốn với gia đình, giả làm gia đình thợ làm bánh mì. Họ trốn thoát được Versailles và Paris vào ngày 20.06.1791, nhưng đến Varennes-en-Argonne, thuộc vùng sông Meuse, Lorraine, gần biên giới Đức, Bỉ, thì bị một người hầu cận cũ nhận diện, bị bắt lại và giải về Paris chiều ngày 25.06.1791 và bị canh giữ cẩn thận. Từ đó, vấn đề hạ bệ vua Louis XVI được đặt ra.

Vào tháng 2 .1791 Marie-Antoinette viết thư cầu cứu anh trai là vua Leopold II với liên minh quân sự Áo-Hòa Lan, cứu hoàng gia Pháp, bảo vệ nền quân chủ và chống lại cuộc cách mạng dân chủ. Nhưng Leopold II chưa kịp có phương án gì thì qua đời vào đầu tháng 3.1792.

Ngày 20.04.1792 Pháp tuyên chiến với nước Áo. Bốn tháng sau, vua Louis XVI bị tước quyền lực và cả gia đình bị giam giữ ở Temple. Một tháng sau, trong phiên họp đầu tiên vào ngày 21.09.1792 quốc hội lập hiến (Assemblée législative) tuyên bố bãi bỏ vương quyền Pháp, thành lập chính thể cộng hòa.

Vua Louis, chỉ còn được gọi là ông Louis Capet, bị đưa ra xét xử về tội phản quốc và ngày 21.01.1793 bị chém đầu tại quảng trường La Concorde, Paris. Trước đó người bạn gái thân cận nhất của Marie-Antoinette, bà công chúa de Lamballe, bị chém đầu cắm vào ngọn dáo, đưa đi diễu khắp nơi.

Tranh khắc cảnh chém đầu hoàng hậu Marie-Antoinette tại quảng trường La Concorde, Paris

Sau đó Marie-Antoinette bị xa cách con, hoàng thái tử Louis XVII, mới 8 tuổi, bị đưa đi biệt giam. Rồi, chỉ sau hai ngày bị đưa ra tòa xét xử, cũng về tội phản quốc, hoàng hậu Marie-Antoinette, 38 tuổi, chỉ còn được gọi là “góa phụ Capet”, bị đưa lên máy chém tại quảng trường La Concorde ngày 16.10.1973.

Xác của bà, cái đầu đặt giữa hai chân, bị vất bỏ trong một cái hố chung ở commune de la Madeleine, đường Anjou-Saint-Honoré, cũng là nơi vất xác của Louis XVI, ngày nay là đền thờ nằm trên quảng trường Louis XVI (square Louis XVI) thuộc quận 8, Paris.

Chiếc giầy đánh rơi của hoàng hậu Marie Antoinette ngày bà lên máy chém

Tương truyền, đêm trước ngày lên máy chém, tóc của bà đổi màu trở thành bạc trắng toát, nên hiện tượng bạc tóc cấp tính này mang tên “hiện tượng Marie-Antoinette”. Khi bước lên máy chém, Marie-Antoinette đánh rớt một chiếc giầy, có người nhặt được, hiện nay chiếc giầy này được trưng bày trong bảo tàng của thành phố Caen.

Theo kích thước của giầy và áo còn lại, hoàng hậu Marie-Antoinette nhỏ nhắn, xinh xắn, chỉ cao khoảng 1, 63 mét, vòng ngực 103 cm, vòng eo 58 cm, đi giầy số 36 (theo kích thước hiện tại). Con trai thứ hai của Marie-Antoinette là vua Louis XVII chết trong ngục ngày 08.06.1795, lúc 10 tuổi. Chỉ có người con gái đầu, công chúa Marie-Thérèse-Charlotte (còn được gọi là Madame Royale) là sống sót qua khỏi cuộc cách mạng đẫm máu (1778-1851), nhưng tuyệt tự.

Marie-Antoinette được sử sách, chính sử và ngoại sử, đề cập đến nhiều, vì có những quy tội, kết án bà, chỉ vì bà mới châm dầu ngọn lửa cho cuộc cách mạng. Sự thật, những nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng dân chủ Pháp xuất phát từ những diễn biến xã hội chính trị kinh tế sâu xa và rộng lớn. Người đương thời khai thác một hình ảnh tiêu cực về Marie-Antoinette để hâm nóng lòng hận thù gia đình hoàng gia trực tiếp, đồng thời hận thù oán ghét chế độ quân chủ chuyên chế, một đòn chiến tranh tâm lý để thúc đẩy dân chúng nổi dậy.

Marie-Antoinette sinh ra và lớn lên là công chúa, lấy chồng là vua Pháp, trở thành hoàng hậu Pháp, sống một đời sống hoàn toàn xa rời thực tế, và không phải là một người có được hạnh phúc cá nhân, cuộc đời bà xẩy ra đúng vào buổi giao thời giữa hai nền chính trị hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các nhà sử gia tìm ra và đưa ra vài điểm tích cực của bà, như bài báo mới đây, ngày 27.05.2013 trên tạp chí Le Point, diễn tả bà là người chú ý đến môi trường sống, tìm nguồn nước sạch, cho xây dựng nơi ở riêng (le hameau de la reine) ngay trong khu vực cung điện Versailles như một trang trại nhà nông với mái rơm, hành lang bằng gỗ, giếng đào, ao thả cá, đặt tổ ong, nuôi chim bồ câu, dê, bò sữa…, nơi bà về ở ẩn, mặc quần áo như một phụ nữ nhà nông, trốn lánh triều đình rắc rối nhiều chuyện. Chính bà đã ủng hộ cho giám mục Bá Đa Lộc được ký hiệp ước tiếp viện cho chúa Nguyễn Phúc Ánh thời ấy.

Đức giám mục Pigneau de Béhaine tức Bá Đa Lộc

Mặc dù thất vọng vì không thuyết phục được Nguyễn Phúc Ánh theo đạo, nhưng trước tình hình nhà Tây Sơn cấm đạo nghiêm ngặt, và để cạnh tranh ảnh hưởng với các nhà truyền giáo đến từ Anh, Bồ Đào Nha, Hòa Lan – nhất là ngăn chặn sự phát triển của nhánh đạo Tin Lành (protestants) – cho nên Bá Đa Lộc tiếp tục giúp đỡ quân Nguyễn Phúc Ánh qua cơn ngặt nghèo và đề nghị Nguyễn Phúc Ánh xin trợ giúp của triều đình Pháp. Dẫu sao, thái độ ôn hòa của Nguyễn Phúc Ánh đối với Bá Đa Lộc và công việc truyền đạo của các giáo sĩ gây niềm hy vọng cho sự bành trướng đạo Thiên Chúa lâu dài ở Việt Nam.

Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh trong bộ triều phục tại triều đình Pháp

Nguyễn Phúc Ánh ưng thuận gởi Bá Đa Lộc làm sứ giả qua Pháp xin cầu viện và để làm tin, Nguyễn Phúc Ánh giao cho Bá Đa Lộc một dấu ấn của vương triều chúa Nguyễn và đem theo Hoàng tử Cảnh, Nguyễn Phúc Cảnh, năm tuổi rưỡi, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1780 tại Gia Định, con của Nguyễn Phúc Ánh và bà chánh thất Tống thị Lan, vợ thứ nhất, con gái quan Chưởng doanh Tống Phúc Khuông (sau được truy phong là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu).

Bá Đa Lộc, khi ấy 44 tuổi, khởi hành cùng với Hoàng tử Cảnh và đoàn tùy tùng. Nguyễn Vương cho Nguyễn văn Liêm (Khiêm Quan Hầu) và Phạm văn Chơn (Long Chánh Hầu) theo phò tá Hoàng tử Cảnh. Cùng đi có cả giáo sĩ Paul Nghị.

Ngày giờ khởi hành chính xác của Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh không được ghi chép rõ ràng, nên theo Cadière phỏng đoán thì đó là ngày 25 tháng 11 năm 1784, lên thuyền tại đảo Poulo Panjang (tên Mã Lai), có nghĩa là cả đoàn đã rời đất liền, lên thuyền nhỏ để ra đến tận đảo này chờ lên thuyền lớn. Tôi tưởng tượng một cảnh như trong phim, mọi người, từ thuyền nhỏ, leo từng bậc lên cầu thang giây dọc theo sườn thuyền để lên trên. Chú bé Hoàng tử Cảnh chắc phải được cõng trên lưng một người cận vệ khỏe mạnh leo lên thuyền.

Đảo Poulo Panjang này có tên Việt là đảo Thổ Chu, hay còn gọi là Thổ Châu, đảo lớn nhất của quần đảo cùng tên Thổ Châu gồm có tám đảo, điểm cao nhất trong quần đảo là 167m, nằm trong vịnh Thái Lan, cách cửa sông Ông Đốc, Cà Mau, khoảng 200 km, hay 125 dặm Anh, về hướng Tây, cách đảo Phú Quốc 100 km về phía Tây Nam, cách thành phố Rạch Giá khoảng 192 cây số. Về hành chánh Thổ Chu xã đảo nay thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, khá lớn, diện tích khoảng gần 40 cây số vuông, không những rất tốt để trú ẩn ngoài biển khơi, dùng làm trạm liên lạc với các thuyền lớn, còn có thể làm nơi định cư lâu dài được. Biển và rừng trên đảo là nguồn lợi sinh sống của người dân đảo Thổ Chu.

Theo tin mới hiện nay thì các đảo lớn mang tên Hòn Cao Cát, Hòn Mô, Hòn Cao, Hòn Từ, Hòn Nước, Hòn Keo Ngựa, đặc biệt có Hòn Nhạn được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở dùng để xác định lãnh hải Việt Nam.

Rừng trên các đảo còn tốt, chưa hề bị tàn phá, có ít nhất là hai trăm loại thực vật khác biệt. Thời tiết ở đây mưa ít, nắng nhiều, vào mùa khô ở những khu vực có độ cao thường hay thiếu nước.

Quanh đảo có nhiều rạn san hô gặp phổ biến trong vùng, đã xác định được tất cả 99 loài san hô. Các rạn san hô trong khu bảo tồn biển là nơi làm tổ lý tưởng đối với các loài rùa biển đang bị đe dọa trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các thảm cỏ biển tại khu vực là nơi kiếm ăn quan trọng của các loài rùa biển. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây các loài rùa đến đây làm tổ đã giảm đáng kể, hiện chỉ có một vài tổ rùa được ghi nhận. Hiện nay mỗi tuần có một chuyến tàu sắt từ Rạch Giá-Phú Quốc ra Thổ Châu và ngược lại. Gần đây, đảo Thổ Châu đã có sóng truyền hình và sóng di động. Khu vực đảo Thổ Châu hiện nay được quân đội đảm nhiệm gìn giữ.

Tuy nhiên ngày Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đặt chân lên đảo Malacca (Mã Lai) thì được ghi chép chính xác vào ngày 19 tháng 12 năm 1784, từ đó ông đi tiếp tục lên thuyền đi Pondichéry, và đến Pondichéry vào tháng 2 năm 1785.

Nhưng khi đến Pondichéry (Ấn Độ) rồi, Bá Đa Lộc gặp nhiều khó khăn. Hai nhân vật quan trọng tại thuộc địa Pondichéry là Tử tước de Souillac (vicomte de Souillac) và viên quan Tổng trấn de Coutenceau bác bỏ ý định của Bá Đa Lộc vói lý lẽ rằng, ý đồ xin cầu viện của Bá Đa Lộc trong thời điểm này là vô ích, triều đình nước Pháp đang muốn bỏ rơi các vùng thuộc địa tại Ấn Độ Dương cho quân Anh, đứng về mặt lực lượng quân sự thì đánh không lại một hải quân Anh quá hùng hậu, nước Pháp đang thở phào nhẹ nhõm vì không còn gánh nặng ở Canada nữa, triều đình Pháp sẽ không muốn mở thêm mặt trận mới, có thêm gánh nặng mới. Các viên chức Pháp đang trấn đóng ở Pondichéry không muốn mất đầu, nên có thái độ rất cẩn thận….

Bá Đa Lộc biết không trông mong gì được vào sự trợ giúp của hai người, de Souillac và de Coutenceau, ông viết nhiều thơ gởi Hội Thừa Sai và triều đình ở Paris. Tinh thần bị lung lạc, Bá Đa Lộc suy tính đến việc chỉ gởi Hoàng tử Cảnh cùng các cận thần và thông dịch viên về Paris, chuyển giao dự án cho Hội Thừa Sai thực hiện.

May sao Bá Đa Lộc tìm được những tiếng nói có thế lực giúp đỡ, cho rằng ông không vượt quá phạm vi truyền giáo, và tuy Nguyễn Phúc Ánh là người ngoại đạo, nhưng tình thân giữa hai người là đảm bảo cho sự thành công của dự án. Hội Thừa Sai chuyển thơ của Bá Đa Lộc về Giáo hoàng ở Rom. Sự kiện này đem đến kết quả tốt đẹp cho Bá Đa Lộc. Hai viên quan, de Souillac và de Coutenceau bị thay thế. Đại úy hải quân d‘Entrecasteaux thay thế de Souillac, và ông Charpentier de Cossigny thay thế de Coutenceau.

Cả hai quan mới đều đồng ý với dự án của Bá Đa Lộc, cùng đề nghị Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh cấp tốc lên thuyền đi Paris, không đòi phí tổn, trên một chiếc thuyền buôn mang tên le Malabar, khởi hành từ Pondichéry vào tháng 7 năm 1786. Còn hai ông thì ra lệnh cho Joseph de Richery làm thuyền trưởng chiến thuyền mang tên Le marquis de Castries, có đại úy de Berneron trợ tá, lên đường trinh sát vùng biển Cochinchine, tìm cách liên lạc với Nguyễn Phúc Ánh, và nếu cần thiết thì đem luôn Nguyễn Phúc Ánh về Pondichéry. Như thế Bá Đa Lộc mất tổng cộng khoảng mười tám tháng trường chờ đợi ở Pondichery, mới tiếp tục đi Pháp được.

Ông và Hoàng tử Cảnh cập bến Lorient vào tháng 2 năm 1787. Đoạn đường đi mất đúng hai năm, đủ thấy ông và Hoàng tử Cảnh cực nhọc rất nhiều.

Từ cảng Lorient, ngày 05 tháng hai năm 1787 Bá Đa Lộc viết thơ cho Bộ trưởng Bộ Hải Quân, Thống tướng de Castries, xin trình bầy vấn đề và yết kiến vua Louis XVI. Lá thơ trả lời của Thống tướng de Castries ngắn ngủi, lạnh lùng, cho biết rằng ông đã nhận được hai lá thơ của Bá Đa Lộc gởi từ Pondichery ngày 08 tháng 7 năm 1785, từ l‘île de France (hiện nay là đảo Mauritius trong Ấn Độ Dương, cách Madagascar khoảng 900 cây số đường biển) ngày 08 tháng 9 năm 1786, và cho phép Bá Đa Lộc cùng Hoàng tử Cảnh và đoàn tùy tùng về Paris, nhưng giao cho Hội Thừa Sai tiếp đón. Tướng de Castries lạnh lùng vì trách móc Bá Đa Lộc, khi đem Hoàng tử Cảnh đến Pháp, tức là đặt triều đình Pháp trước một sự kiện đã rồi, và không muốn tiếp đón Hoàng tử Cảnh theo vương lễ, nên đùn công việc tiếp đón cho Hội Thừa Sai Paris. Tại đây, phái đoàn Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh được các viên chức của Hội Thừa Sai đón tiếp rất niềm nở, vui mừng.

Trong khi đó, nhờ sự trung gian của giáo sĩ Paul Nghị, bôn ba nhiều lần đi về giữa Việt Nam và Pondichery để chuyển giao thơ từ, súng đạn, dụng cụ, vật liệu, hành lý, cũng như sự giúp đỡ của Charpentier de Cossigny, toàn quyền Pondichéry (người thay thế Coutenceau), gởi thuyền trưởng de Richery và de Berneron, chỉ huy chiến thuyền le Marquis de Castries lên đường đi Cochinchine, mà Nguyễn Phúc Ánh nhận được tin tức của Bá Đa Lộc. Giáo sĩ Paul Nghị và mười ba tùy tùng được de Richery và de Berneron đem đến đảo Poulo-Panjan (đảo Thổ Châu) vào ngày 01 tháng 9 năm 1786, cùng với lương thực đủ sống cho ba tháng, súng đạn, vật liệu, hành lý.

Nhưng vì nhiều sự hiểu lầm của de Richery và de Berneron, và thiếu phương tiện liên lạc khẩn cấp giữa ba người giáo sĩ Paul Nghị, Nguyễn Phúc Ánh và Bá Đa Lộc, mà dự kiến đem Nguyễn Phúc Ánh và gia đình về Pondichéry không được thực hiện. Nhiều bộ trưởng của triều đình Louis XVI chống lại một sự can thiệp ở Đông Dương, nhưng các nhân vật quan trọng Công giáo ủng hộ đề nghị của Bá Đa Lộc. Nhờ có sự giúp đỡ của ba nhân vật quan trọng trong triều đình, linh mục Vermont, thầy học cũ của nữ hoàng Marie-Antoinette, Giám mục địa phận Narbonne Dillon, và Loménie de Brienne, Giám mục Toulouse, vừa được bổ nhiệm tổng thanh tra tài chánh, và cả nữ hoàng Marie-Antoinette mà Bá Đa Lộc được gặp vua Louis XVI.

Tương truyền, nữ hoàng Marie-Antoinette đã cho may triều phục mới cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, và cho vẽ tranh cậu hoàng tử nhà Nguyễn.

Buổi gặp gỡ này được diễn ra vào ngày 5 hay 6 tháng 5 năm 1787, trước sự hiện diện của Bá tước de Montmorin, Thống tướng de Castries và một vài nhân vật quan trọng của triều đình. Bá Đa Lộc trình bày tình hình Đông Dương và những quyền lợi về kinh tế thương mại, vật chất, cũng như về việc truyền đạo Thiên chúa qua sự thuận tình của nhà Nguyễn. Thống tướng de Castries nhận trách nhiệm làm một bản báo cáo chi tiết về các nhu cầu của Bá Đa Lộc. (Trích Dấu xưa…Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, Mathilde Tuyết Trần, France 2010)

Chính ngay ngày hôm nay, khi xem trên truyền hình các đám cưới, lễ đăng quang của các công chúa hoàng tử vua chúa của những vương triều đang còn ngự trị như ở Anh, Hòa Lan, Thụy Điển…vừa qua, một thành phần dân chúng còn hoa mắt bởi những hào nhoáng xa hoa quá mức, say sưa bởi những chức tước, huân chương, thích thú bởi những cỗ xe ngựa dát vàng nệm nhung, những đoàn ngự lâm quân oai nghi sang trọng, những cung điện, những vườn hoa mênh mông…mà quên tự hỏi rằng những gia đình vương giả ấy sống xa hoa tột độ bằng những tài sản kếch xù vì đâu và nhờ đâu. Sau này, khi Napoléon tự xưng hoàng đế (empereur), thiết lập trở lại chính thể quân chủ tại Pháp (1804), thì cũng có ngôi hoàng hậu trở lại, nhưng các bà hoàng hậu sau chỉ sống một đời vương giả, không đáng cho hậu thế chú ý. MTT

 

 

 

 

 

Trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette

27. novembre 2020

Trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015

Tôi vẫn thường ao ước khi nào có dịp, vì thỉnh thoảng đi xe ngang qua Versailles, vào thăm trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette.

Tranh vẽ Marie-Antoinette trong trang phục xuất hiện trước triều đình vua Louis XVI, vẽ bởi họa sĩ Jean-Baptiste Gautier-Dagoty vào năm 1875

Hôm nay nhân Hội nghị thượng đỉnh Paris về biến đổi khí hậu COP21 đang diễn ra với sự tham dự của 147 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, khiến tôi lại nhớ về một bà hoàng hậu của nước Pháp. Trong thời đại của bà, Marie-Antoinette bị chỉ trích và phê phán nặng nề, oán ghét, chỉ với một lý do rằng bà là người tiêu xài hoang phí tài sản của quốc gia Pháp. Thế nhưng, có lẽ với lòng yêu một cuộc sống thiên nhiên, bình thường, bảo vệ môi trường sống lành mạnh, tiếp tục các phương thức canh tác, chăn nuôi, trồng rừng…tốt đẹp của tiền nhân để lại, chính hoàng hậu Marie-Antoinette mới là người “đi trước” thời đại lịch sử của bà.

Bà Marie-Antoinette là công chúa nước Áo, nên tuổi thơ của bà, lớn lên trong khung cảnh còn rất thiên nhiên của nước Áo thời ấy, khác hẳn một kinh đô ánh sáng, tột bực vương giả như Paris, hẳn đã ghi dấu ấn lên những kỷ niệm và sở thích của Marie-Antoinette khi phải rời xa vĩnh viễn quê hương của mình.

Là hoàng hậu, nhưng bà phải sống như con chim bị bắt nhốt trong cái lồng son, nhất cử nhất động đều bị ghi nhận, theo dõi, và không có tự do di chuyển như một người dân thường. Một khi đã phải chấp nhận đi một mình đến Pháp để cưới hoàng tử kế thừa Louis XVI thì bà không còn được trở lại quê hương nữa, nếu không có một lý do chính đáng và được triều đình chấp thuận.

Cung điện Versailles là cung điện lớn nhất nước Pháp, nằm trong thành phố cùng tên do vua Louis XIV sáng lập ra, là một trung tâm chính trị và văn hóa của Pháp trong suốt gần một thế kỷ (1682-1789). Hiện tại, thành phố này đã bị mất chỗ đứng thủ đô quân quyền của nó khi xưa, bị hạ giá thành một thủ phủ của khu vực hành chánh Yvenlines, dù vị trí địa lý của nó chỉ cách nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) có 16,8 cây số về hướng tây nam.

Năm 2012 thành phố Versailles còn nhiều di tích cổ, nguy nga, từ thời đại quân chủ phong kiến, có 85.424 dân cư, đa số thuộc thành phần trung lưu cao cấp và thượng lưu giàu có, vì nhà cửa đất đai trong khu vực này rất đắt, người dân hãnh diện là sống ở Versailles.

Lâu đài Versailles được tuyên bố là trụ sở triều đình của vua Louis XIV – Le Roi du Soleil (Vua Thái Dương) vào năm 1668. Kể từ đó ba đời vua dòng Capetiens cuối cùng: vua Louis XIV, Louis XV và Louis XVI đều trị vì ở Versailles, cho đến khi bị Cách mạng dân chủ 1789 tịch thu tất cả tài sản của hoàng gia.

Madame de Pompadour, hầu thiếp sủng ái của vua Louis XIV

Khuôn viên lâu đài Versailles rộng đến 7 mẫu đất, gồm có lâu đài Versailles và các lâu đài khác như Le Grand Trianon là nơi ở của Vua và gia đình vua, Le Petit Trianon là lâu đài xây cho người hầu thiếp sủng ái của vua Louis XIV là Madame de Pompadour, nhưng bà lại chết vào năm 43 tuổi vì bệnh phổi ngay trong cung điện Versailles, trước khi lâu đài Petit Trianon dành riêng cho bà được xây xong. Bà de Pompadour sở hữu hơn một chục lâu đài, trong đó có Hotel d’Evreux (thuộc tầm cỡ nhỏ hơn lâu đài) mà hiện nay chính là cung điện Élysée, nơi tổng thống Pháp trị vì. Xem trang phục của bà hầu thiếp Madame de Pompadour trên những tranh vẽ, lộng lẫy không hề thua kém gì trang phục của hoàng hậu Marie-Antoinette, nên không thể cho rằng, chỉ có hoàng hậu Marie-Antoinette mới phung phí tiền của do dân chúng đóng góp.

Sau này, lâu đài Le Petit Trianon được tặng cho vợ chồng Louis XVI và Marie-Antoinette, được trang trí lại rất lộng lẫy và có thêm một vườn hoa mới.

Một tấm tranh hiếm, vẽ ba người: quận công Maximilian Franz von Österreich (anh của hoàng hậu), vua Louis XVI và Marie-Antoinette, có thể được vẽ trong năm 1776 bởi họa sĩ Joseph Hauzinger

Nhưng hoàng hậu Marie-Antoinette có vẻ chán cảnh những cung điện quá sức lộng lẫy, xa hoa, thiếu vắng hẳn một không khí ấm cúng, gia đình của một cuộc sống “thật”, không phải là một cuộc sống ảo thường trực trên một sân khấu vàng son chỉ trong mục đích phô trương của cải, đầy rẫy những hận thù và ghen ghét của những nhân vật trong triều đình vua.

Hoàng hậu Marie-Antoinette cho xây dựng một nông trại trong khuôn viên của lâu đài Versailles, gọi là Le hameau de la Reine (nông trại của hoàng hậu), trong mùa đông 1782 qua 1783. Ý tưởng này của bà, tất nhiên hứng chịu nhiều chỉ trích, người thì cho là bà muốn gây ra một cái “mốt mới”, người thì cho là bà muốn có một chỗ ân ái riêng với tình nhân, người thì phê phán rằng cái gọi là nông trại cũng xa hoa như cung điện.

Nhưng người ta cũng cho rằng bà muốn xa lánh một đời sống có nhiều cản trở trong cung điện bởi luật lệ triều đình, hồi tưởng lại một cuộc sống dân dã bình thường của tuổi trẻ và dưới ảnh hưởng yêu mến khung cảnh, đời sống bình thường gắn bó với thiên nhiên và bảo vệ các truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại qua các áng văn, các bài bình luận của triết gia Jean-Jacques Rousseau.

Vua Louis XVI tặng cho bà một mảnh đất vuông vắn để xây dựng nông trại nằm ở phía đông bắc của vườn hoa Anh (jardin anglais) của lâu đài Versailles. 48.621 cây các loại được người làm vườn Antoine Richard cho trồng lên để bao bọc khu vực trang trại của Marie-Antoinette, theo phong cách thiên nhiên được giữ ưu tiên, không cắt xén, tỉa tỉ mỉ từng chiếc lá một như trong khuôn viên của lâu đài.

Kiến trúc sư Richard Mique được ủy thác xây dựng nông trại của hoàng hậu Marie-Antoinette, và sử dụng mô hình của các nông trại vùng Normandie nước Pháp.

Trung tâm của khu nông trại là một cái ao đào nuôi cá để câu cá thư giản và ăn thường nhật, được vây quanh bởi 12 căn nhà xây dựng theo phương cách cổ truyền của người dân Pháp bình thường, có cả một chuồng nuôi chim bồ câu, dùng làm chim bay đưa thơ, một vườn trồng rau, một vườn trồng cây ăn trái, nhà chứa rơm rạ và củi khô để sưởi, một nhà xây bột quay bằng sức nước (moulin) và luôn cả một vườn trồng hoa.

Hai ngàn con cá chép và 27 con cá chó (brochet) được thả vào ao. Vườn rau và vườn cây ăn trái trồng cả hàng ngàn loại thực phẩm xanh như bông cải trắng, ác ti sô, đậu đen, đậu xanh Hà lan, dâu tươi, đào, mận, táo, nho…

Các nhà trong nông trại đều lợp mái rạ, tường vách làm bằng gỗ trát rơm rạ và vữa đất sét, chỉ có nhà ở của hoàng hậu được lợp ngói và xây bằng gạch đất nung, có ao nuôi cá, có chuồng nuôi bò, cừu, gà, vịt… Bà cho lựa chọn những giống gia súc lành mạnh nhất từ Thụy sĩ để đem về nuôi và lấy giống.

Theo ý muốn của hoàng hậu Marie-Antoinette tất cả các nhà trong nông trại đều có chậu hoa bằng sành sứ trồng nhiều loại hoa dân dã khác nhau.

Hoàng hậu Marie-Antoinette “sản xuất” ra đủ tất cả các loại thực phẩm từ nông trại của bà như sữa và trứng gà tươi, cá, thịt, rau củ, trái cây, hoa tươi…ban đầu cho nhu cầu của gia đình bà và các con, và sau đó nông trại của bà lại còn cung cấp thực phẩm cho cả triều đình. Chính hoàng hậu Marie-Antoinette, trong trang phục đơn giản, đội một cái mũ bện bằng rơm đã tự tay vắt sữa bò, sữa cừu. Các con của bà được cho đi lượm trứng gà đẻ ở khắp nơi trong vườn, như là một thú vui. Những bữa ăn được nấu nướng đơn giản hơn, ít mỡ hơn. Bà sống ở đây một đời sống không bị gò bó bởi những phép tắc luật lệ của triều đình, ngay cả việc bà ngồi hát và tự đệm đàn cho người thân trong gia đình ngồi nghe.

Trong một lần đến thăm trang trại, vua Louis XVI cho xây dựng một cổng thành chiến thắng ở ngay đường vào nông trại, ven lề rừng Onze-Arpents, để đánh dấu nơi ở của hoàng hậu nước Pháp. Cổng thành này mang tên Porte Saint-Antoine, có huy hiện con sư tử, huy hiệu của vua Louis XVI, và được xây dựng xong vào năm 1787.

Công trình kiến trúc trang trại của Marie-Antoinette đã tô điểm thêm vẻ đẹp hiếm có, độc đáo của cả khu vực lâu đài Versailles.

Cách bày biện đồ đạc và trang trí trong nhà ở của hoàng hậu Marie-Antoinette, tuy xứng đáng với ngôi vị của bà trong thời ấy, nhưng so với thời hiện đại thì không bằng sự sang trọng của tầng lớp nhà giầu mới tại Paris hiện nay.

Hình ảnh hai căn phòng ngủ, một trong cung điện Versailles, và một trong nhà ở của bà trong nông trại, nói lên một sự khác biệt rõ ràng, đơn giản hơn và thân mật hơn.

Cũng cần nên biết là các vua chúa Pháp đều có phòng ngủ riêng với vợ và con cái. Những phòng ngủ được trưng bày đều là phòng ngủ “giả”, họ ngủ trong những căn phòng “bí mật” trong lâu đài rộng mênh mông có cả ngàn phòng, để tránh bị ám sát khi đang ngủ.

Thế nên, ý tưởng của hoàng hậu Marie-Antoinette ở trong một ngôi nhà nhỏ trong nông trại có ý muốn nói rằng, bà không sợ bị ám sát chăng ?

Những người được vinh hạnh vào trang trại của Marie-Antoinette đều là những người thân cận, gia đình, và khi vào họ phải mặc quần áo lịch sự nhưng đơn giản. Tương truyền, thỉnh thoảng hoàng hậu Marie-Antoinette ngả vào vòng tay người tình của bà, công tước Fersen (comte de Fersen), trong một căn nhà nhỏ nhất của trang trại, mang tên là “boudoir”.

Hoàng hậu Marie-Antoinette khi bị đưa ra xử trước tòa án Cách mạng, tranh khắc của Alphonse François theo một tranh vẽ của Paul Delaroche. Bản án tử hình chém đầu được tuyên bố lúc 04 giờ đêm ngày 16-10-1793, bà bị xử tử vào lúc 12.15 phút cùng ngày. Giữa khoảng thời gian đó bà viết một lá thư cuối cùng gửi cho em gái của vua Louis XVI, nhưng mãi nhiều năm sau lá thư mới đến tay của vua Louis XVIII. Hiện lá thư này được cất giữ vĩnh viễn trong một hộp sắt trong Văn khố Quốc gia Pháp.

Nhưng cuộc sống êm đềm lý tưởng này trong khoảng 5 năm ngắn ngủi, đã bị chấm dứt theo lệnh của vua Louis XVI vào ngày 05-10-1789, hoàng hậu Marie-Antoinette và các con phải rời trang trại, để rồi không còn bao giờ có thể trở lại nơi này được nữa. Marie-Antoinette, chỉ còn được mệnh danh là “vợ góa Louis Capet” (họ của dòng vua Capétien) bị Cách mạng 1789 bắt giam và chém đầu vào ngày 16-10-1793 trên quảng trường La Concorde Paris.

Trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette tất nhiên bị cướp phá bởi Cách mạng 1789 rồi bị bỏ lúng vào quên lãng. Hoàng đế Napoléon 1er cho sửa chữa lại lần đầu tiên vào năm 1810-1812. Lần sửa chữa thứ hai, trước sức tàn phá của thời gian là vào năm 1930 bởi sự rộng lượng của tỷ phú Mỹ John Rockefeller Jr. Nhưng mãi cho đến năm 2006 trong thời đại của chúng ta, thì khu vực này mới được chính thức mở cho dân chúng vào thăm, dưới cái tên “Domaine de Marie-Antoinette”. Ngày nay, khi viếng thăm nhà ở của Marie-Antoinette trong nông trại, hậu thế chứng kiến và có thể mường tượng ra một khung cảnh sống rất riêng tư, rất thân mật của một bà hoàng hậu bị tai tiếng nhất trong lịch sử của dòng vua Capétien của nước Pháp. Có thể, người của thời đại xa xưa đó, ghét bà Marie-Antoinette chỉ vì bà là một công chúa nước Áo, là người Áo và tiếng nói mẹ đẻ của bà là tiếng Đức ?MTT

PS: Xin xem bài “Hoàng hậu Marie-Antoinette – đáng thương hay đáng trách ? ” trang mạng https://mttuyet.fr

Ngôi nhà ở và ao cá của hoàng hậu Marie-Antoinette trong trang trại Le hameau de la Reine thuộc khu vực cung điện Versailles – Pháp

Tổng thể cung điện Versailles với một diện tích là 7 mẫu (ha) đất, thiết kế theo hình ngôi sao 5 cánh.

Phòng ngủ của hoàng hậu Marie-Antoinette trong cung điện Versailles, nhưng bà không bao giờ sử dụng, chỉ có tính cách biểu lộ uy quyền

Phòng ngủ của hoàng hậu Marie-Antoinette trong nông trại Le hameau de la Reine, Versailles, đã được thiết kế mới lại.

Căn nhà nhỏ nhất trong Trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette, mái lợp rạ, tường vách xây bằng gỗ, rạ trộn vữa đất sét theo kiến trúc truyền thống của vùng Normandie Pháp, có tên là “boudoir”, tương truyền là nơi hò hẹn của hoàng hậu Marie-Antoinette với tình nhân, le Comte de Fersen.

Không ảnh về tổng thể khu vực “trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette” trong khuôn viên của lâu đài Versailles. Nhà ở, vườn hoa, vườn rau, vườn cây ăn trái, vườn hoa…đều được bố trí chung quanh một cái ao đào thả cá, và bao bọc bởi một cánh rừng trồng nhân tạo.

Tưởng niệm vua Duy Tân và tướng Charles de Gaulle -© Mathilde Tuyết Trần, France 2020

8. novembre 2020

Tưởng niệm vua Duy Tân và tướng Charles de Gaulle – © Mathilde Tuyết Trần, France 2020

A Georges Vinh San et Pierre Deschamps

Năm nay 2020 nước Pháp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid và bị khủng bố cực kỳ ghê rợn, kỷ niệm tướng Charles de Gaulle bằng một „Năm de Gaulle“ cũng rất đặc biệt, kỷ niệm 130 năm ngày sinh của de Gaulle, 80 năm lời kêu gọi kháng chiến 18.6.1940 chống Đức Quốc Xã và kỷ niệm 50 năm ngày mất của de Gaulle.

Thời gian qua thật nhanh, không chờ đợi ai, nhưng những khuôn mặt lịch sử được nhắc nhở cho hậu thế, và cũng theo dòng thời gian, người đời sau gạn đục khơi trong nhận biết rõ ràng hơn tầm vóc của những anh hùng chân chính.

Vua Duy Tân mang cấp bậc thiếu tá của quân đội France Libre trước khi tử nạn. Bản quyền ảnh của Mathilde Tuyết Trần

Người Pháp chỉ tưởng niệm de Gaulle, nhưng người Việt không thể quên hình bóng của vua Duy Tân song hành cùng với lịch sử Pháp những 30 năm, kể từ khi nhà vua bị thực dân Pháp bắt đi đày ở đảo Réunion cho đến khi tử nạn trong chiếc máy bay rơi ở Cộng hòa Trung Phi khi nhà vua từ Paris về lại đảo thăm gia đình vào đúng dịp Giáng sinh năm 1945.

Quãng đời niên thiếu của vua Duy Tân ở Việt Nam cho tới năm 1916 đã được khai thác nhiều, nhưng quãng đời 30 năm dài của vua Duy Tân ở trên đáo thì ít người có sử liệu.

Vua Thành Thái, cùng bị đi đày với con trai là vua Duy Tân, thì vì thái độ chống Pháp bằng cách bất hợp tác trên đảo, tự đưa mình vào quên lãng của lịch sử, sống một cuộc đời dài đăng đẳng 30 năm „không có gì để kể“ trên đảo, cho đến khi được Pháp cho về lại Việt Nam năm 1947 sau sự tử nạn của vua Duy Tân.

Năm 1948 nước Pháp cho phép mọi thành viên trong hai gia đình Thành Thái Duy Tân được lựa chọn nơi định cư của mình giữa Nice, La Réunion và Việt Nam. Tất cả mọi người, trừ một người, lựa chọn về với Việt Nam. Nhưng vì thái độ của một bà cô mà những người con của Duy Tân lại từ Việt Nam trở về đảo La Réunion, rồi dần dần định cư tại Pháp đất liền sau này. Một nhánh hiện vẫn ở lại đảo.

Vua Duy Tân thì có thái độ khác cha, nhà vua tìm cách sống cởi mở, hòa hợp, kết bạn trong xã hội Pháp ở đảo. Nhưng vì vị thế đặc biệt của mình, một ông vua bị đi đày, sự tìm kiếm hòa đồng trong xã hội Pháp không phải không có khó khăn.

Vua Duy Tân trưởng thành, không còn là một thiếu niên 16 tuổi trong tầm mắt của người khác, được diễn tả là một người thông minh, nhanh nhẹn, hiếu động, cởi mở, hòa nhập vào tư tưởng phương Tây cùng với sự thông thạo hoàn toàn ngôn ngữ Pháp của ông.

Từ một thiếu niên có tính cách „dịu êm“, „rất dễ bị ảnh hưởng“ Vua Duy Tân trở nên „dữ dằn“ và „ranh mãnh, che đậy“ đối với người cai trị mình, có những biểu hiện „độc đoán“, ít có vẻ tôn trọng ngay cả với những vị quan đầu triều bộ trưởng mà tỏ ra thần phục những người cai trị như theo báo cáo của Ernest Roume năm 1915.

Ông J. Jacnal kể lại một câu chuyện trong cuốn sách Mémoires du Sud-Est của ông; „Duy Tân lấy làm hứng thú trong việc chế diễu những quan lại cao cấp của ông nhưng những việc có vẻ đùa cợt của vua không phải là không có hậu ý. Một lần, bộ trưởng bộ Lễ Huỳnh Côn tháp tùng vua đi dạo, bất chợt nhà vua bắt đầu chạy, và ra lệnh cho Huỳnh Côn cùng quan đồng cấp Nguyễn Hữu Bài phải chạy theo bắt kịp vua. Khi mọi người thở dốc theo không kịp, nhà vua quay trở lại gặp các quan khiển trách một cách chế giễu: „Làm sao các ông có thể đánh giặc được, khi mà các ông không thể chạy nổi ?“

Trên đảo, nhà vua ở riêng với cha, thuê nhà, sống bằng số tiền trợ cấp ít ỏi, thoạt đầu vua thuê nhà ở rue Marechal Leclerc, rồi chuyển nhiều lần địa chỉ, đến khi về ở góc đường Victor-Mac-Auliffe.

Georges Vinh San đã kể rằng: „Cha tôi chơi vĩ cầm, cưỡi ngựa, đánh kiếm, viết văn, diễn thuyết và làm thơ, nhưng niềm đam mê của Ngài là truyền tin.“.

Tài cưỡi ngựa của vua Duy Tân và hoàng thân Vĩnh Chương, là thợ máy, nổi tiếng trên đảo, trên trường đua hippodrome de la Redoute hai anh em đã thắng nhiều trận, tiếng vang vượt ra khỏi thành phố Saint Denis nơi gia đình Duy Tân ở.

Nhưng vua Duy Tân biết rằng, phải có thông tin thế giới mới chống lại được sự cô lập, biệt lập trên đảo. Vua tự học, rồi trở thành người sửa chữa máy radio, máy truyền tin trên đảo, vừa kiếm thêm tiền nuôi gia đình vừa có liên lạc, đó là điều quan trọng nhất.

Từ khi bước chân đi đày lên đảo, vua Duy Tân âm thầm chiến đấu một mình với số phận đi đày của mình, không biết ngày nào được trở về quê hương, nhưng đó là mục đích duy nhất cho mọi quyết định của nhà vua trong cuộc đời.

Ông A.Scherer, giám đốc cơ quan lưu trữ vùng, đã ghi nhận trong hồ sơ lý lịch do ông thiết lập rằng, vua Duy Tân tham dự vào một số tổ chức địa phương, là thành viên của hội „la loge l´Amitié de Saint Denis“, là diễn giả, được coi là người thuộc về cánh tả. Ngài chỉ hai lần tuyên bố giòng giõi hoàng gia của mình, lần thứ nhất trong buổi meeting của Mặt trận Bình dân năm 1936, và lần thứ nhì khi Nhật tấn công Đông Dương năm 1944, Ngài đã nhân danh hoàng đế Duy Tân gởi lời hiệu trị đến dân tộc trong nước.

Vua Duy Tân luôn nhấn mạnh rằng, nhà vua bị thực dân Pháp bắt đi đày, nhưng không bao giờ thoái vị.

Gia đình vua Duy Tân và bạn bè trên đảo La Reunion. Bản quyền ảnh Mathilde Tuyết Trần

Người ta đã nhiều lần đề nghị vua trốn thoát khỏi đảo để trở về Việt Nam, nhưng nhà vua từ chối, muốn trở về đường đường chính chính, và không ngại mọi thủ tục hành chính, mọi rào cản chính thức.

Để có thể được di chuyển, không bị quản thúc, vua Duy Tân nộp đơn vào quốc tịch Pháp vào tháng 7 năm 1929. Từ chối.

Trong những khoảng thời gian, tháng 12 năm 1929, tháng 7 năm 1932, tháng 4 năm 1935, tháng 6 năm 1936, vua Duy Tân nộp đơn liên tiếp xin được về ở Paris. Từ chối.

Vào những năm tháng, tháng 4 năm 1939, tháng 9 năm 1939, tháng 5 năm 1940, tháng bẩy năm 1940, tháng 9 năm 1940, nhà vua liên tiếp yêu cầu được nhập ngũ, nhất là sau lời hiệu triệu kháng chiến của tướng de Gaulle ngày 18.06.1940. Từ chối.

Và cũng vì lý do đó, mà vua Duy Tân bị chính quyền trên đảo đứng về phía Pétain bắt giam hành chính. Thế lực thực dân trong Bộ thuộc địa Pháp còn rất mạnh và đảo Réunion phần lớn theo chính phủ Pétain trong thời gian đại chiến thế giới lần thứ hai.

Mãi đến ngày 28.12.1942 khi chiến hạm Leopard của quân kháng chiến của tướng de Gaulle cập bến đảo La Réunion, vua Duy Tân lại có dịp nối lại yêu cầu của mình. Nhà vua được thâu nhận làm hạ sĩ quan truyền tin trên chiến hạm Leopard dưới quyền chỉ huy của thiếu tá hải quân Evenou (tự là Richard).

Nhưng sau 22 ngày trên chiến hạm, nhà vua được gởi về từ Monbassa, vì thể trạng không đủ sức chịu đựng. Duy Tân viết thư cho tướng de Gaulle, và được Ủy viên thuộc địa cho phép nhập ngũ vào bộ binh với chức vị hạ sĩ quan truyền tin (caporal radio-telegraphiste).

Trong bản tuyên dương công trạng trao tặng huy chương kháng chiến Pháp vào tháng 3 năm 1945, vua Duy Tân được vinh danh vào đúng sở trường truyền tin của mình:

Hoàng tử Vinh San, với một tư cách can đảm, với những lời bình luận của ông, và cho phép, tạo cơ hội cho nhiều người nghe được những chương trình phát thanh của đài nước Pháp tự do và đồng minh, những đài phát thanh bị cấm kỵ tuyệt đối, đã góp phần vào việc duy trì sống động ngọn lửa của Kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, đã bị bắt giam hành chính“.

Tướng de Gaulle đã lần lượt phong các chức vụ quân đội cho vua Duy Tân: thiếu úy 29.10.1945, trung úy (5.12.1943), đại úy (5.12.1944), tiểu đoàn trưởng (25.09.1945).

Trong cuốn Mémoires de guerre, oeuvres completes, quyển VI, tướng de Gaulle ghi lại vì sao ông gặp gỡ vua Duy Tân, sau khi đánh giá tình hình Đông Dương, ông nhận định rằng chế độ phong kiến ở Lào và Căm bốt vững chắc, không có gì đáng lo ngại, riêng tình hình Việt Nam phức tạp hơn vì sự hiện diện khác biệt giữa ba miền Bắc Trung Nam, làm cho ông phải đi từng bước.

Trong suy tính của ông, de Gaulle ra lệnh cho tướng Leclerc phải giữ vững miền Nam (Cochinchine) và Cam bốt, trước khi tiến đến miền Trung sau này, ở miền Bắc (Tonkin) ông chờ đợi ở quan hệ đã thiết lập giữa Sainteny và Hồ Chí Minh và chờ đến khi tình hình trở nên trong sáng hơn không còn một bóng đạo quân Trung Hoa.

Về phần đô đốc D´Argenlieu được biệt phái trước tiên đến Ấn độ, rồi từ Chandernagor quan sát tình hình, sau đó mới đến Saigon thiết lập mọi quan hệ cần thiết.

Tướng de Gaulle viết về vua Duy Tân (Mémoires, trang 108,109 cuổn VI):

Sau cùng để cho mọi việc có ích lợi, tôi nuôi một ý đồ thầm kín. Vấn đề là để cho cựu hoàng đế Duy Tân có điều kiện để tái hiện, một khi người kế vị và thân tộc là Bảo Đại chứng tỏ mình, một cách chắc chắn, đã bị mọi sự kiện vượt qua. Duy Tân bị nhà cầm quyền Pháp truất phế, trở lại là hoàng tử Vinh San và đi đày ở La Reunion, đã tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh này, đứng về hàng ngũ quân đội ta. Ông được lãnh chức vụ thiếu tá (commandant). Đây là một con người mạnh mẽ. Ba mươi năm lưu đày không làm cho phai nhạt hình ảnh của vị vua này trong tâm khảm người dân. Ngày 14 tháng 12 tôi sẽ tiếp ông, để bàn với ông, từ người với người, những điều gì chúng ta có thể thực hiện cùng nhau. Nhưng, không vì những người mà chính phủ của tôi sẽ đi đến những kết luận thỏa thuận, tôi dự tính tôi sẽ thân hành đi Indochine trong tính cách trang trọng nhất để cử hành những hiệp ước khi thời gian đã tới.“

Tướng de Gaulle còn để mở một cửa về „con người“ sẽ ký hiệp ước với ông, nhưng ông đã dự tính là sẽ xuất hiện cùng với vua Duy Tân vào tháng 3 năm 1946 tại Saigon. D´Argenlieu được lệnh sửa soạn cho cuộc xuất hiện này.

Trong nhiều bài bình luận chống lại thực dân Pháp, nổi bật nhất vẫn là ý kiến cho rằng, vua Duy Tân trở thành „lá bài của de Gaulle“. Và có những nhà sử học đặt nghi vấn về nhận định của tướng de Gaulle mà họ cho là có thể sai lầm, làm sao mà ông có thể khẳng định được tâm hồn yêu mến của người dân Việt đối với vua Duy Tân sau 30 năm xa cách ?

Đứng về phía vua Duy Tân, cô thân cô thế, không có một chút lực lượng gì trong tay, quân lính không có, bạc tiền cũng không, chỉ có một tấm lòng, mơ ước của suốt ba mươi năm đã qua gần kề trở thành hiện thực, thì phải suy nghĩ làm cách nào có thể trở lại quê hương, mang lại đổi thay cho dân tộc và thống nhất ba miền lại làm một mối giang sơn gấm vóc ?

Cái kết quả thì người hậu thế đã trông thấy. Vua Duy Tân tử nạn máy bay ngày 26.12.1945 trên đường bay Paris-La Réunion trong một tình huống có nhiều nghi vấn, chỉ 14 ngày sau khi gặp gỡ tướng de Gaulle, và tướng de Gaulle cũng từ chức ngày 20.01.1946, chưa tới một tháng.

Biểu tượng của France Libre tại đài kỷ niệm de Gaulle ở Colombey-les-Deux-Eglises. Bản quyền ảnh của Mathilde Tuyết Trần

Sau 12 năm vắng bóng, tướng de Gaulle chỉ trở lại sân khấu chính trị nắm quyền lực vào ngày 01.6.1958 dưới thời tổng thống René Coty.

Để sau này, năm 1954 chính phủ Joseph Laniel loay hoay với chiến thắng Điện Biên Phủ, và người Pháp thực dân phải từ giã vĩnh viễn Indochine năm 1956.

Chiếc xe citroen bị trúng đạn trong vụ ám sát de Gaulle tại Petit Clamart, triển lãm trong viện bảo tàng de Gaulle. Bản quyền ảnh của Mathilde Tuyết Trần

De Gaulle Superstar“, tờ ParisMatch chạy tít chữ đỏ như thế trong tuần lễ này. Trên đường phổ của một thành phố nhỏ cũng thấy xuất hiện những tấm bích chương cỡ lớn đăng hình tướng Charles de Gaulle mặc quân phục, các đài truyền hình, các đài truyền thanh, báo chí, sách vở, phim ảnh…..đâu đâu cũng có bóng dáng người anh hùng của Pháp. Người ta về thăm tư gia La Boisserie, thăm viện bảo tàng, thăm nơi sinh ở Lille, thăm bãi biển nơi ông nghỉ mát ở Wilmereux, thăm mộ phần tướng de Gaulle ở làng Colombey-les-Deux-Eglises ….

Còn vua Duy Tân ?

Sau tai nạn vua Duy Tân được chôn cất tại chỗ M´Baiki ở Cộng hòa Trung Phi, mãi 42 năm sau, đến 28.03.1987 mới được chính phủ Jacques Chirac phối hợp với chính phủ Phạm Văn Đồng hỗ trợ để cho gia đình bốc mộ ở Trung Phi, chuyển về Paris rồi đem về Huế an táng. Bốn người con vua Duy Tân là Suzy, Georges, Claude et Roger theo linh cữu từ Paris về Huế.

Bà Antier, vợ vua Duy Tân về thăm Huế. Bà ước mong được chôn cất ở Huế, bên cạnh vua Duy Tân. Bản quyền ảnh Mathilde Tuyết Trần

Ngày kỵ của vua Duy Tân rơi vào ngày 22.11 âm lịch hàng năm (26.12. dương lịch), thấm thoát đã 75 năm ngày vua ra đi.

Bây giờ đại dịch Covid chia cắt, kẻ bên Tây người bên Đông như thời chiến tranh, khiến cho con cái ngậm ngùi không được về giỗ cha mẹ để thắp một nén hương. MTT

Các tác phẩm tham khảo:

  • Jean-Marc Goglione, Jean-Luc Nguyen Phươc, Prince, résistant et Réunionnais de coeur, dans Le Dossier, quotidien du samedi 23/12/1995, page 11

  • E.P. Thebault, Le tragique destin d´un empereur d´Annam, Extrait de France-Asie/Asia n° 200, Paris 1973,

  • Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, Oeuvres Completes, tome VI, Librairie Plon, Paris, Club français des bibliophiles 1970-1974 (1970)

  • Mathilde Tuyết Trần, Dấu xưa…Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, nxb Trẻ, 2011

  • Mathilde Tuyết Trần, Vua Duy Tân những ngày cuối cùng ở Paris, trang mạng www.mttuyet.fr, 14.04.2018

  • Mathilde Tuyết Trần, Ký hiệu FR 8 VX của vua Duy Tân, trang mạng http://www.mttuyet.fr hay http://www.mttuyet.wordpresse.com

Lăng vua Duy Tân, Huế Việt Nam một ngày mưa. Bản quyền ảnh Mathilde Tuyết Trần

Phần mộ tướng de Gaulle và gia đình ở làng Colombey-les-Deux-Eglises, cũng một ngày mưa. Bản quyền ảnh Mathilde Tuyết Trần

La Boisserie trong mùa thu. Bản quyền ảnh của Mathilde Tuyết Trần

Mẹ già trong thời Covid – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

2. novembre 2020

Mẹ già trong thời Covid – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Bà nằm đó. Chỉ có hai con mắt hoạt động theo dõi những cử động của chúng tôi vào thăm bà. Trong mùa dịch Covid, ai vào thăm cha mẹ cũng phải ghi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại và ký tên trên một cuốn sổ to ngoài cổng.

Mẹ chồng tôi năm nay đã 91 tuổi, bà nằm liệt giường vì đột quỵ từ năm 2001 đến giờ tính ra đã 19 năm. Từ một người phụ nữ năng động, ở nhà quê, thăn thể vạm vỡ, khỏe mạnh sau mười chín năm liệt giường thân thể bà dần dần sọp xuống, mặt hốc hác lõm sâu, cằm nhô ra, hai con mắt viền đỏ không còn vẻ tinh anh ngày nào, hai cái chân nặng và cứng đờ như hai khúc gỗ, cả thân hình chỉ còn cánh tay phải và cái đầu cục cựa, hai gò má nhô lên cao đỏ hồng, dấu vết của một sự sống bền bỉ.

Trong hai năm đầu, một mình tôi săn sóc bà, thoạt đầu trong nhà thương, rồi về nhà phục hồi sức khỏe, xong về nhà riêng, bà ngồi xe lăn, còn nói năng được bình thường, còn phụ được tôi mỗi khi đỡ bà di chuyển. Nhưng việc săn sóc một người bị liệt nửa người là một chuyện rất cực nhọc, vất vả, bận rộn suốt ngày. Có con mọn lại còn dễ chịu hơn, vì đi đâu cũng mang trẻ nhỏ đi theo được, có người già trong nhà thì không thể rời ra một phút nào. Chồng tôi đi làm suốt ngày, sáng sớm đi tối mịt mới về, mùa đông thì đi lúc trời còn đen, về đến nhà trời cũng tối đen. Chỉ còn tôi với bà mẹ, chợ búa, cơm nước, các thứ….Cũng may là còn thằng con, nó đi học về thì tôi vội vàng chạy ra chợ ngay để cho nó trông bà.

Từ sáng sớm bà đã gọi dậy để dọn ăn sáng cho bà, xong rồi thì cơm trưa, cơm tối, trà nước…không nói chi đến việc vệ sinh, tắm rửa, thay giường thay quần áo….Mỗi ngày bảo hiểm cho một người đến phụ một lần một giờ vào buổi sáng… Bà nặng trên 80 kí lô, tôi không đỡ bà nổi, phải có chồng phụ một bên. Thế nên bà rên rỉ suốt ngày, kể cả la mắng, sốt cả ruột gan. Người ta bảo, người già khó tính, tôi thông cảm hoàn toàn khi phải nằm một chỗ, mọi việc phải trông chờ, nhờ vả, nhờ đến cái chân, cái tay của người khác, lúc này thì thấy, có chân có tay là rất có ích lợi.

Chờ đến khi có chỗ trong viện dưỡng lão chúng tôi mới đưa bà vào đấy. Ngày đưa bà vào viện tôi sắm sửa cho bà toàn đồ mới, một chồng áo ngủ, một vài bộ đồ, khăn tắm, khăn tay, giầy đi trong nhà….và các thứ cần thiết. Vào viện bà vui hơn một chút, những bữa ăn chung với người đồng cảnh tạo cơ hội chuyện trò, xem ti vi tập thể, tập thể dục trên xe lăn. Mỗi cuổi tuần vợ chồng tôi đều vào ăn trưa với bà, thỉnh thoảng đón bà ra viện, đưa về nhà riêng, hay đưa bà đi ăn nhà hàng. Bà chỉ muốn ra viện, về lại căn nhà và vườn tược thân yêu.

Nhưng sự thay đổi quản lý của viện dưỡng lão đã làm thay đổi điều kiện săn sóc bà. Trước đây, viện do những bà sơ quản lý và phục vụ săn sóc hàng ngày, sau bị một hãng bảo hiểm mua lại, trở thành kinh doanh viện dưỡng lão phải sinh lợi, từ đấy sức khỏe bà giảm sút dần dần.

Mười chín năm là tiêu hao dần dần tiền để dành của bà, xong đến tiền bán đất đai đất ruộng trong sở hữu của bà, xong bán đến nhà của bà. Chồng tôi phải vay mượn nhà băng mua lại cái nhà của mẹ mình bị bán theo quyết định của tòa án. Tiền bán nhà rồi cũng hết, anh lại phải trợ cấp thêm hàng tháng cho mẹ để trả đủ tiền cho viện dưỡng lão, cũng theo quyết định của tòa án. Lương hưu của bà, một cựu nhân viên y tế làm việc trong nhà thương công, cộng với một ít trợ cấp của nhà nước không đủ để trả tất cả phí tổn của viện dưỡng lão.

Dần dần bà chìm vào quá khứ. Trước kia bà còn khen cái sắc tay của tôi đẹp, còn hỏi thăm đến những đứa cháu, dấu hiệu bà còn nhận thức được thực tế. Đến một lúc nào đó, bà kể chuyện, toàn là những câu chuyện với những người quen, người thân lúc bà còn trẻ và đã qua đời, những ký niệm đã mấy mươi năm chợt trở về sống động trong ký ức.

Tôi đem cái đầu trọc lóc vì hóa trị ung thư vào thăm bà để động viên bà vui, nhưng bà chỉ nhìn, không nói gì cả.

Một hôm vào thăm bà, anh ngạc nhiên khi bà không nhận ra con trai, nét mặt dửng dưng lạnh lùng hỏi ông là ai và đuổi ra, lại còn dọa sẽ la lớn gọi người đến. Hai lần, ba lần, bốn lần như thế…chồng tôi buồn bã biết rằng bà đã mất hoàn toàn trí nhớ

Trong đợt hai dịch bệnh Covid, tuy bà phải được tiếp sức bằng truyền nước biển và thuốc nhưng sức khỏe vững, trái tim vững, bà vẫn vượt qua được.

Bà nằm đó. Cuộc đời đã trôi qua. Bao nhiêu buồn phiền lo âu vất vả vì chiến tranh, cơm áo gạo tiền đã qua đi.

Đời bà, lúc tuổi trẻ, bà đã trải qua trận đại chiến thể giới lần thứ hai khốc liệt khi vùng Picardie bị quân Đức chiếm đóng, quê hương của bà và là tiền tuyến cuối cùng của Paris. Làng của bà, dân số chừng 500 người, bị quân Đức thị uy bắn chết ngay ông trưởng làng, thầy giáo làng và vị cha xứ nhà thờ làng, sau khi đã bắt ba người này phải tự đào mồ cho mình. Quân Đức cũng đã hàng đêm bắt phụ nữ trong làng phải tụ tập ở sân trước nhà làng, để chúng chọn người hầu hạ mua vui trong đêm. Hitler đã đến đây để chứng kiến sự đầu hàng của quân Pháp, của chính phủ Pétain.

Nước Đức đã ngừng trả bồi thường chiến tranh hai lần vào năm 1953 và năm 1990 cho hai trận đại chiến thế giới gây ra. Vì thế trên làng mạc hiện nay ở Picardie vẫn còn nhiều vết đạn trên tường, vết bom lủng lỗ chỗ, vết cháy như một nhắc nhở không thể quên trong dân chúng, cho người còn sống. Gia đình bà đã không nhận được gì bồi thường, chỉ có một cái bằng khen của tổng thống Mỹ Eisenhower đóng khung treo ngay ngắn trên tường.

Bà rất thất vọng khi người lính không quân Mỹ đã được gia đình bà cứu sau khi máy bay bị quân Đức Quốc Xã bắn rơi, đã trở về Mỹ, hẹn trở lại đón bà rồi thất hẹn. Vết thương lòng duy nhất và ẩn giấu của bà.

Cái duyên tiền định khiến cho tôi gặp bà, tôi sẽ viết lại một câu chuyện tình dang dở…nếu cũng tôi còn được sống. MTT

Ảnh Trương Ngọc Giao, BRD

Quyền và lợi của người phụ nữ – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

20. octobre 2020

Quyền và lợi của người phụ nữ – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Bài viết này được viết từ năm 2008, nay đăng lại lần đầu tiên trên mạng và rút ngắn để bạn đọc tham khảo nếu muốn.

Tất cả mọi người đều được sinh ra bình đẳng và tự do trong nhân phẩm và trong quyền lợi. Điều một – Tuyên ngôn Nhân Quyền Thế giới

Hôm nay, mồng bốn Tết xuân Mậu Tý, tức là hai ngàn lẻ tám năm sau Thiên Chúa giáng sinh, tôi khai bút đầu năm với một đề tài tưởng là khô khan, nhưng thật ra là nhiều sóng gió, nhiều đau đớn, nhiều cay đắng và thú vị. Thú vị là vì sao ? Vì sự tranh đấu đòi hỏi quyền bình đẳng của phụ nữ trên quả địa cầu này vẫn còn tiếp diễn, hạ hồi chưa phân giải. Nhưng cũng chính vì, phụ nữ còn tự chấp nhận và thi hành những chính sách trọng nam khinh nữ ngay trong cuộc đời của mình, thì làm sao đòi hỏi các vị đàn ông „giải phóng phụ nữ“ cho được ?!

Trong khi suy nghĩ và tìm hiểu về chỗ đứng của người phụ nữ trong xã hội phát triển hiện đại, tôi chợt nhận ra rằng, song song vào đó, tôi đã tìm ra phần nào câu trả lời cho một câu hỏi về lịch sử đã ám ảnh tôi từ nhiều tháng nay – Tại sao mất nước về tay Pháp thời Tự Đức ? Theo suy nghĩ chủ quan của tôi thì, chính sách trọng nam khinh nữ xuất phát từ ảnh hưởng của Nho giáo du nhập từ Trung Quốc là một trong những yếu tố xã hội cơ bản đưa đến sự việc mất chủ quyền quốc gia hoàn toàn vào năm 1884, sau khi ký hòa ước Giáp Thân với Pháp (hòa ước Patenôtre).

Mãi đến năm 1948, cách đây đúng sáu mươi năm, vào ngày 10 tháng 12, năm tám quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc mới long trọng chấp nhận bản Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới gồm có ba mươi điều khoản tại Paris, Palais de Chaillot, và hứa hẹn bảo đảm tự do, nhân quyền, bình đẳng nam nữ, bảo đảm nền tảng gia đình, và tiến bộ, hòa bình xã hội cho mọi người. Một sự kiện quá trễ so với lịch sử của nhân loại. Nhưng chẳng thà, có còn hơn không.

Quan trọng hơn thời điểm của bản Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới là quá trình thực hiện từ sáu mươi năm nay đã đi đến đâu ? đã có những đổi thay nào cho người phụ nữ thế giới và riêng tại Việt Nam ?

Nếu đối chiếu các đặc điểm của chính sách trọng nam khinh nữ của xã hội quân chủ tuyệt đối với từng điểm của bản Hiến chương Nhân quyền, đã đặt lại vị trí xã hội của phụ nữ, thì tôi e rằng, bài tản mạn này sẽ vượt quá khuôn khổ của một sự gợi ý suy nghĩ, vì đề tài thật rộng lớn, có lẽ phải nghiên cứu suốt cả một đời người. Suy nghĩ hạn hẹp của riêng tôi, viết trên vài trang giấy, dừng lại ở một vài điểm mấu chốt trong vấn đề bình đẳng nam nữ và chỉ loanh quanh trong khung cảnh Việt Nam, mà tôi chủ quan cho rằng: Ngoài những quyền lợi khác cùng bình đẳng như người nam, ít nhất người phụ nữ phải có ba quyền lợi trọng tâm:

  • Quyền được đi học và mở mang trí tuệ
  • Quyền được bảo đảm nhân phẩm và thân thể
  • Quyền được ứng cử và bầu cử

Thành phần dân số thế giới hiện nay có quá nửa là phụ nữ. Nhưng sở dĩ các phong trào thế giới đòi bình đẳng, bình quyền nam nữ, tuy có đạt một số thành quả to lớn, để lại trong lịch sử những tên tuổi bất diệt như Clara Zetkin, Rosa Luxemburg…, cũng như ngày phụ nữ quốc tế 8.3 mỗi năm, lại không đem đến một sự tiến triển nhanh và đều đặn, vì ba lý do cơ bản: phụ nữ không có tình đoàn kết với nhau như nam giới, phụ nữ luôn luôn khe khắt với phụ nữ hơn là nam giới khe khắt với phụ nữ, và sau cùng, phụ nữ đối xử với nam giới rất trọng vọng, hơn là giữa phụ nữ với nhau. Tại sao ?

Đó là điều gây bức xúc nhất khi tôi suy nghĩ về đề tài phụ nữ.

Có nhiều lý do giải thích sự kiện này: sự ghen tị lẫn nhau của phụ nữ, ngay cả giữa chị em cùng cha mẹ với nhau, sự định nghĩa nhầm lẫn giá trị của bản thân mình qua giá trị của người chồng, và sự kiêu căng về quyền lực, sắc đẹp, địa vị, tiền của, tài năng….làm cho phụ nữ chia rẽ, lạnh nhạt, dè bỉu, chê bai, thậm chí tàn hại lẫn nhau. Con én làm nên mùa xuân, chứ không phải mùa xuân tạo ra cánh én. Nếu một con én không làm nổi mùa xuân, thì…hai, ba, bốn…cánh én phải hợp sức nhau lại. Đó là một quy luật bình thường trong trời đất mà người phụ nữ phải tâm niệm: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Muốn có bình đẳng thì phụ nữ phải biết đoàn kết và thông cảm với nhau.

Giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh lưu ý tôi rằng, vị trí của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam có nhiều tiến triển và được luật pháp bảo vệ. Bộ Quốc triều hình luật đời Lê, soạn thảo đầu tiên từ năm 1468, tu bổ nhiều lần cho đến lần phát hành chính thức vào năm 1767, chứa đựng các điều khoản luật lệ 284-341 về gia đình, phụ nữ và trẻ con. Giáo sư nhận định rằng, có một sự khác biệt rõ rệt giữa sự thực hiện luật lệ, đạo đức Nho giáo và thực tế, trong các tầng lớp xã hội khác nhau. Thành phần dân dã sống ít gò bó, ép buộc trong khuôn khổ Nho giáo, khác với tầng lớp Nho sĩ. Các điều luật 388-400 ấn định về kế thừa, hai mươi phần trăm tài sản của cải do cha mẹ để lại phải được giao cho con trai trưởng, gọi là phần „hương hỏa“ thờ cúng tổ tiên. Đến năm 1472 và 1485 vua Lê Thánh Tông cho sửa đổi lại quyền thừa kế phần hương hỏa, nếu con trai trưởng không thực hiện được nghĩa vụ hương hỏa, thì người thừa kế là con trai thứ, nếu không có con trai nối dõi thì con gái trưởng là người thừa kế. Đạo luật này đem lại giá trị xã hội cho người phụ nữ được quyền có tài sản riêng và quyền kế thừa cha mẹ, khác với luật Trung Hoa không cho con gái có quyền thừa kế.

Tuy theo tập quán, người phụ nữ thường phải đi làm dâu nhà chồng, nhưng không hiếm có trường hợp người đàn ông phải đi gửi rể nơi gia đình nhà vợ. Do đó, người vợ giữ toàn quyền tự do như khi chưa có chồng, trong khi người chồng tùy thuộc hoàn toàn vào gia đình vợ. Trên thực tế, trong nếp sống gia đình, hai vợ chồng đều bình đẳng, bởi thế, trong ngôn ngữ, người ta nói „vợ chồng“ chứ không phải „chồng vợ“.

Hôn nhân không làm cho người phụ nữ bị biệt lập và hoàn toàn tùy thuộc vào gia đình nhà chồng. Bình thường người phụ nữ vẫn gìn giữ quan hệ với gia đình mình, với làng quê mình, để nếu khi bị bạc đãi thì có chỗ nương tựa. Vả lại, sự gắn bó sâu xa với gia đình chồng chỉ xảy ra khi người phụ nữ ấy có con.

Tuy nhiên, sự bình đẳng trên luật lệ không có nghĩa được thực hiện tuyệt đối trên thực tế. Xã hội quân chủ Nho giáo ràng buộc người phụ nữ bằng nhiều hình thức, không qua văn bản luật lệ, mà đánh vào cái gọi là lương tâm và tinh thần đạo đức của mỗi người.

Xã hội của chúng ta hiện tại có nhiều đạo luật tiến bộ, thể hiện bình đẳng nam giới như cho phép con cái được mang họ mẹ, cho phép chồng lấy tên vợ, cho phép cả gia đình mang họ ghép của cả chồng lẫn vợ, cho phép sống chung không cần lập hôn thú, cho phép kết hôn giữa người cùng giới tính, nhưng không phải vì thế mà người phụ nữ có bình đẳng trong xã hội. Sự kỳ thị, bạc đãi phụ nữ trở nên ý nhị hơn, nhất là khi người phụ nữ phải đi tìm công ăn việc làm để nuôi chồng, nuôi con, nuôi gia đình.

Là một phụ nữ, tất tôi có cái nhìn khác nam giới, không phải chỉ dựa vào những gì Nho giáo nói và viết, mà qua một thực tế đa dạng, đầy mâu thuẫn, và tôi xin trình bày, trên tinh thần thảo luận, qua vài điểm sau đây:

1. Quyền được học hành mở mang trí tuệ

Điều 26: (Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới)

  1. Tất cả mọi người đều có quyền được học hành. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở tầng mức giáo dục căn bản và sơ cấp. Giáo dục sơ cấp là điều bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và giáo dục nghề nghiệp phải được phổ thông hóa; quyền được học ở Đại Học phải được mở rộng trong sự bình đẳng, theo khả năng, cho tất cả mọi người.

Người Đức có câu: Wissen ist Macht! Kiến thức là Quyền lực. Đúng thế, không có kiến thức, con người sẽ đi về đâu, trong cuộc đời mình, cũng như xã hội quốc gia dân tộc sẽ đi về đâu ?

Mới hôm qua, tôi trố mắt nhìn chăm chăm vào màn hình, khi đọc tin tạp chí Der Spiegel (Tấm gương), một tạp chí chính trị văn hóa cao cấp nhất của nước Đức, mở cách cửa cho mọi người trên thế giới biết đọc và viết tiếng Đức, tham khảo kho tàng lưu trữ tài liệu của mình, gồm cả triệu tài liệu lưu trữ, một cách trực tuyến thông qua mạng tin học Internet, mà không lấy tiền.

Các thư viện và các trung tâm lưu trữ văn kiện vĩ đại trên thế giới là những kho tàng kiến thức và văn hóa của nhân loại mở cửa hàng ngày đón tiếp người đến đọc sách, tham khảo, nghiên cứu. Nhưng có bao nhiêu người, có thì giờ, có điều kiện tinh thần và vật chất, và có trình độ hiểu biết đầy đủ để làm những công việc nghiên cứu ? Những „con mọt sách“ thường hay bị gia đình thân quyến bạn bè chế diễu là „tìm mãi không ra“ (Chercher mais pas trouver!), sống khiêm tốn giản dị, thậm chí eo hẹp…để được đọc sách suốt ngày. Sự thật là thế, càng đọc càng thấy hiểu biết của mình có giới hạn, và công việc tìm hiểu gây ra nhiều phí tổn tài chánh, không được tài trợ giúp đỡ.

Tình cờ, trong một cuộc trao đổi rất ngắn với một vị nữ giáo sư người Pháp danh tiếng quốc tế, tôi rất ngạc nhiên khi bà khẳng định ngay thế đứng của bà là bà không có thì giờ cũng như không thể viết cho quảng đại quần chúng được, và công việc của bà chỉ dành cho những người có trình độ nghiên cứu, đọc và hiểu được những gì bà viết và phát biểu.

Qua đó, tôi thấy rõ ràng ý nghĩa của câu Kiến thức là Quyền lực, và cái tháp ngà lộng lẫy kiêu ngạo của Kiến thức-Giáo dục hiện ra trước mắt. Mình đứng ở đâu trong đó ? và nếu có một chỗ đứng nhỏ nhoi, thấp kém thì mình làm gì trong đó ?

Chợt nhớ đến câu thơ: „Nhất Sĩ nhì Nông, hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sĩ“, thì anh nông dân quê mùa đơn giản dốt nát nghèo hèn dễ thương hơn một kẻ Sĩ kiêu ngạo hợm hĩnh vì quyền lực hiểu biết của mình.

Trong suốt thời đại phong kiến ở Âu châu, chữ nghĩa là một quyền lực đặc biệt dành cho giới quý tộc và đại trưởng giả, đại đa số dân chúng không biết đọc và biết viết.

Còn trong suốt thời đại quân chủ phong kiến của nước ta, phụ nữ không có quyền được mở mang trí tuệ. Tất cả các cuộc thi cử trong phạm vi Nho giáo – Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình – để tuyển quan lại cho triều đình (quan văn), chỉ dành cho các đấng nam nhi, các bà không được dự thi, mà có muốn thi cũng không được vì…không được đi học.

Tác giả Nguyễn thị Chân Quỳnh, trên con đường bênh vực cái hay cái đẹp của Nho giáo trong tác phẩm „Thi Hương“, cũng đã đưa ra nhận định như sau:

„ Phụ nữ cấm tuyệt không được đi thi. Thời xưa xếp phụ nữ ngang với trẻ con, coi là trí óc non nớt không đủ để bàn đến những chuyện quốc gia đại sự. Nhà Di-luân cùng phòng của Giám sinh đều cấm đàn bà con gái không được qua lại, thậm chí, theo Phạm Ðình Hổ, có người đàn bà đến cửa nhà Giám chỉ xin vào nghe một buổi bình văn mà cũng bị đuổi ra!

Con gái thường được học đến 13, 14 tuổi thì phải chuyển sang học nữ công. Những trường hợp như Hồ Xuân Hương, Ðoàn thị Ðiểm là ngoại lệ. Tuy nhiên, thời nhà Mạc ở Cao Bằng có bà Nguyễn thị Du đã cải nam trang thi đỗ Trạng nguyên (đỗ đầu thi Ðình) trong khi thầy học của bà chỉ được lấy đỗ thứ hai. „

Quyền được học hành mở mang trí tuệ được gắn liền với chỗ đứng của người phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ bị cấm thi cử như những hạng trộm cướp, làm phản, làm giặc, xướng ca vô loài, quân sĩ, giáo dân hay có đại tang.

Quyền được học hành mở mang trí tuệ của người phụ nữ cũng gắn liền với sự phát triển về chính trị và ngôn ngữ của dân tộc Việt.

Theo một vài tác giả nghiên cứu về ngôn ngữ, họ nhận định rằng, tuy dân tộc Việt có tiếng nói riêng (tiếng Việt cổ) nhưng tiếng Hán của Trung Quốc, là ngôn ngữ viết thông dụng trong đời sống và trong giáo dục, trải suốt thời gian bị Trung Hoa đô hộ và áp dụng chính sách đồng hóa dân Việt. Tuy nhiên, việc sử dụng hai ngôn ngữ song song – tiếng Hán và tiếng Việt – trong một khoảng thời gian rất dài, đã đưa đến sự phát triển của một phần ngôn ngữ mới, từ vựng mới: Hán-Việt, tách bớt ảnh hưởng nặng nề của chữ Hán, đưa chữ viết Hán về một hướng phát triển khác tại Việt Nam.

Nhưng, sau khi các chiến thắng quân sự đã đem lại chủ quyền và độc lập dân tộc, trên bình diện văn hóa, chữ Hán vẫn được sử dụng lâu dài là văn viết, cho đến khi chữ Nôm ra đời. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chỉ có thể cho rằng chữ Nôm bắt đầu được sử dụng vào khoảng thế kỷ thứ 11-12 (thời nhà Lý). Sự truyền bá phổ thông chữ Nôm có rất nhiều giới hạn, vì cách viết này cũng là cách viết (vẽ) tượng hình như chữ Hán, bằng bút lông và mực Tàu, tuy các người cấu tạo ra chữ Nôm cố gắng diễn đạt lại âm thanh của tiếng Việt nói, lại không có quy cách chính xác mẫu mực nhất định, không được xã hội chấp nhận là chữ viết chính thức của dân Việt.

Trong lịch sử Việt Nam, chỉ có hai vị vua chú ý đến sự phát triển của chữ Nôm, đó là Hồ Quý Ly (1400 – 1407) và Quang Trung Nguyễn Huệ (1788 – 1792).

Trên văn đàn xuất hiện vài tác phẩm bất hủ viết bằng chữ Nôm như Thiền Tông bản hạnh (đời Trần), Hịch Tây Sơn (vua Quang Trung, 1789), Truyện Kiều của Nguyễn Du…

Một thiểu số phụ nữ của thượng tầng xã hội, con gái vua chúa và quan lại triều đình, được giáo huấn tại gia, biết đọc, biết viết. Các công chúa, mệnh phụ phu nhân được cha mẹ hay sư nữ dạy thơ phú, thi luật, nữ công, sử dụng kiến thức của mình để làm thơ phú tiêu khiển thanh tao, xướng họa thơ văn, đọc sách, ngâm thơ cho chồng nghe, dạy con mình học. Các vị nữ học sĩ hay nữ thi sĩ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như bà Đoàn thị Điểm ( 1705-1746), Bà Huyện Thanh Quan Nguyễn thị Hinh (đời vua Minh Mạng), Hồ Xuân Hương (Bà chúa thơ Nôm, thế kỷ mười tám/mười chín)…đúng là những trường hợp ngoại lệ, đếm trên đầu ngón tay.

Thầy đồ dạy học tiếng Hán, Hán-Việt, hay tiếng Nôm trong các làng cũng chỉ là các ông. Bà Đồ, bà Tú…. chỉ là những người phụ nữ mang danh tước vay mượn của chồng.

Một điểm đáng chú ý trong các triều Nguyễn là triều đình vua quan văn võ đều sử dụng chữ Hán làm chữ viết. Vua Gia Long lên ngôi năm Nhâm Tuất (1802), cho xây dựng kinh đô ở Phú Xuân (Huế), các quan theo ông đều là quan võ, nên Gia Long cho xây dựng chế độ thi cử Nho giáo để đào tạo và tuyển quan văn, sử dụng Hán văn, đặt Văn Miếu ở các doanh, trấn, thờ Khổng Tử, dời Quốc Tử Giám từ Thăng Long vào Thuận Hóa.

Xem như thế, người bạn chiến đấu đồng hành đằng đẵng trong mấy chục năm trời của Nguyễn Phúc Ánh – Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), bỏ lại thân xác ở cửa Thị Nại khi đang hộ tống Nguyễn Phúc Ánh tiến đánh Nguyễn Huệ ở Quy Nhơn – đã góp phần đưa đến các chiến thắng quân sự của Nguyễn Phúc Ánh, và việc lên ngôi của Nguyễn Phúc Ánh thành Hoàng đế Gia Long, nhưng Bá Đa Lộc – trong cố gắng lôi kéo Gia Long về ảnh hưởng Tây phương – đã thất bại hoàn toàn trước ảnh hưởng của Trung Quốc, một kẻ địch không có mặt trực tiếp trên chiến trường cục diện.

Thế mới thấy tầm mức sâu đậm của chính sách đồng hóa từ mấy ngàn năm của Trung Hoa đối với dân Việt.

Đây là một điểm mâu thuẫn của lịch sử mà tôi không hiểu nổi. Đọc trong các sách sử đời xưa, tôi chỉ tìm thấy vài thí dụ bảo vệ văn hóa Việt Nam điển hình như không chịu để tóc dài thắt bím, không mặc quần áo kiểu Trung Quốc, không nói tiếng Trung Quốc, không kết hôn với người Trung Quốc. Đứng về mặt quân sự, các cuộc chiến đấu mãnh liệt suốt mấy ngàn năm chống Phương Bắc nói lên ý chí quyết tâm dành lại độc lập tự chủ quốc gia dân tộc của Việt Nam, nhưng đứng trên phương diện văn hóa xã hội thì xã hội Việt Nam du nhập văn hóa Trung Hoa làm văn hóa của mình, gọi sách vở kinh điển của Nho giáo là « sách Thánh Hiền », đạo lý Nho giáo là « đạo lý Thánh Hiền », gọi những người học chữ quốc ngữ là „vong bản“ và chữ quốc ngữ là chữ „con nòng nọc“.

Cuối đời nhà Nguyễn, giai đoạn dài giao thời giữa hai nền văn hóa Hán – Nho giáo của Trung Hoa – và văn hóa Âu châu trong tám mươi năm Pháp thuộc – đã đưa đến một phản ứng chống đối cả hai bên, chống cả Tàu lẫn Tây. Tuy cay đắng, nhưng tiếc là các vị học giả tiền bối uyên thâm uyên bác không mở ra được một con đường mới cho một nền văn hóa độc lập tự chủ của dân Việt.

Vua Thành Thái, năm 1896, ý thức sự giao lưu cần thiết giữa hai dòng nước văn hóa Trung Hoa và Pháp – và Việt Nam ở giữa – giao phó cho Ngô Đình Khả mở trường Quốc Học Huế (hậu thân của Quốc Tử Giám, 1896-1975) giảng dạy bằng ba ngôn ngữ: tiếng quốc ngữ, tiếng Hán và tiếng Pháp. Quyết định này thật sáng suốt và thông minh, tuy nhà vua ngấm ngầm muốn lấy lại uy quyền, chống bảo hộ.

Song song vào đó, chính quyền bảo hộ Pháp cần có một tầng lớp cộng tác viên Pháp-Việt để cai trị, cho nên họ xúc tiến nhanh chóng công việc mở trường học đào tạo học sinh với hai ngôn ngữ chính: tiếng Pháp và tiếng quốc ngữ. Khoa thi Hán văn cuối cùng trong lịch sử Việt Nam là khoa thi năm 1919 dưới triều Khải Định, một năm sau khi Đệ nhất thế chiến chấm dứt.

Vua Bảo Đại (sinh ngày 22.10.1913 tại Huế – qua đời ngày 30.07.1997 tại Paris), vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã suy tàn, được theo vợ chồng viên Khâm sứ Trung Kỳ Charles, là cha mẹ đỡ đầu theo sự ủy thác của vua Khải Định, sang Paris du học năm 1922, lúc mới lên mười tuổi. Năm 1925 vua Khải Định qua đời, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy về nước thọ tang, đồng thời nhận lễ phong vương, đặt niên hiệu là Bảo Đại, rồi trở qua Pháp học tiếp tục, đến năm 1932 vợ chồng Khâm sứ Charles theo lệnh của chính phủ Pháp đưa Bảo Đại trở về nước chấp chánh.

Ba tôi sinh năm 1918, đồng thời với vua Bảo Đại, thế hệ của ông còn ở trong buổi giao thời, còn có thể lựa chọn học chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ hay tiếng Tây.

Tôi đọc tiếp bài „Lịch sử thi cử Việt Nam“ của Nguyễn thị Chân Quỳnh. Bà Chân Quỳnh khách quan đưa ra những ý kiến phê bình sự thoái hóa của Nho giáo, khi các bậc học giả thức thời muốn canh tân nền tảng triết lý và giáo dục của xã hội Việt Nam, trong thời Đông Kinh nghĩa thục:

Trong Việt Nam Quốc sử khảo Phan Bội Châu viết : « Trung Quốc bỏ khoa cử từ năm Canh Tý (1900), Triều Tiên bỏ từ năm Giáp Ngọ (1894), đó là một việc nhơ nhớp duy chỉ nước ta còn có mà thôi »« người ta mửa ra, mình lại nuốt vào ». Vì sao cha ông ta lại quá nặng lời như vậy ?

Phan Chu Trinh xuất thân Nho học, đỗ Tiến sĩ, mà lên án Hán học rất nặng lời : « Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam Quốc ! » (không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam). Phương Sơn sửa lại : « Bất chấn Hán học, bất túc dĩ cứu Nam Quốc » (không chấn hưng Hán học thì không cứu được nước Nam). Khoa cử hủ bại, chúng tôi đồng ý về điều ấy, còn Hán học đã đào tạo ra biết bao anh hùng, liệt sĩ thì sao ta lại phế bỏ đi?.

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1948) tuy kết tội khoa cử, nhưng công nhận phần lớn lỗi ở người học đạo không đến nơi : « Mình nhận lối học khoa cử cùng lối học Tống Nho làm lối học Khổng, Mạnh, chính là chỗ hư, chỗ hở của người Tầu mà mình bắt chước « . Rõ ràng Huỳnh Thúc Kháng chỉ phê bình lối học « tầm chương, trích cú » chứ không nói trùm lấp cả lối kén người bằng thi cử, và chính ông đã ca tụng cái học cùng Khoa cử đời Trần, nhìn nhận nó gần chánh đạo. Lại cũng chính ông nghiêm khắc lên án thái độ của một số người theo tân học : Chẳng qua ngày trước nói Khổng, Mạnh thì ngày nay thay vào Hi lạp, La mã, Mạnh đức thư cưu (Montesquieu), Lư thoa (Rousseau), đổi cái « chi, hồ, dã, giả » bước sang « a, b, c, d ».

Phan Chu Trinh còn gay gắt hơn :  » Ngày trước học chữ Hán thì làm hủ Nho, ngày nay học Tây thì làm hủ Âu ».

Chính sánh « bế quan tỏa cảng » càng khiến ta thu hẹp tầm mắt, chỉ biết có văn minh Trung Hoa, ngoài ra không coi ai ra gì, tự kiêu, tự mãn cho mình là văn minh, không thèm học hỏi thêm. Nguyễn Tường Tộ viết : « mỗi khi chê Tây nhỏ yếu, thì mọi người hân hoan, vui vẻ, còn nói sự thật thì lập tức bị thoá mạ, nghi là ăn hối lộ của Tây, vì thế ai cũng cắn răng ngậm miệng, không dám nói sự thật ». Phái đoàn Phan Thanh Giản đi sứ Pháp về kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe xứ người thì bị coi là nói chuyện hoang đường : « làm gì có thứ nước chảy từ dưới lên trên (nước phun trong công viên), và đèn gì lại chúc đầu xuống mà vẫn cháy được? ».

Cho đến thời điểm hiện nay, không ai ngạc nhiên gì khi vẫn có nhiều tác giả/học giả binh vực triết lý đạo giáo lễ nghĩa Khổng Mạnh trong xã hội Việt Nam và muốn khởi gây lên lại các giá trị đạo đức của Nho giáo Khổng Mạnh làm chuẩn mực tư tưởng đạo lý dân tộc căn bản cho hiện tại và tương lai của dân tộc Việt. Họ hãnh diện khi viết tên họ của mình bằng chữ Hán, xem như một biểu tượng của „trí thức“.

Nhưng, tại sao người Việt không xây dựng được cho chính mình một hệ thống căn bản triết lý đạo đức lễ nghĩa riêng biệt, song song với việc chọn lọc và học hỏi tinh hoa của những nền văn hóa khác ?

Trang trên mạng của Hương Kiều Loan đưa thông tin về một bài giới thiệu Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội:

Năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông, cho lập Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và bốn môn đệ xuất sắc nhất của Khổng Tử là: Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử. Vẽ hình 72 người hiền, và bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái Tử đến học. Năm 1076, đời vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám để con cháu quan lại biết chữ vào học. Việc thành lập Văn Miếu Quốc Gia Giám tôn kính các bậc Tiên Thánh, Tiên Hiền và đào tạo nhân tài cho đất nuớc đã chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của tinh thần tự lập, tự cường, xây dựng quốc gia độc lập. Các vua Trần đã cho mở mang thêm vào những năm 1236, 1243,1253 và gọi là Quốc Học Viện. Năm 1428 vua Lê Thái Tổ mở mang thêm Quốc Tử Giám, chọn con cháu các quan và thường dân tuấn tú sung làm giám sinh Quốc Tử Giám. Năm 1444 nâng lên trình độ đại học gọi là Thái Học Viện. Năm 1453, Vua Lê Thánh Tông cho trùng tu lớn: Từ cửa chánh phía nam đi vào, hai bên dựng bia tiến sĩ : Qua cửa Ðại Thành và sân Ðại Bãi vào điện Ðại Thánh thờ Khổng Tử. Hai bên tả hữu thờ 72 người hiền. Nơi đây còn có điện Canh Phục và kho giữ đồ tế khí. Phía sau điện Ðại Thành là Quốc Tử Giám có giảng đuờng , kho chứa văn gỗ đã khắc thành sách và sáu dãy nhà, có 150 phòng cho các giám sinh ở và học. Ðầu thế kỷ XIX nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế. Văn Miếu Hà Nội đuợc trùng tu lớn. Xây tường bao quanh, dựng Khuê Văn Các và điện Khải Thành thờ cha mẹ Khổng Tử trên nền Quốc Tử Giám cũ. Năm 1947, điện Khải Thành bị chiến tranh tàn phá. Nay đang có dự án tồn tạo để tôn vinh văn hóa dân tộc. Ngày 25-1-1965 Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội quyết nghị thành lập: Trung Tâm Hoạt Văn Hoá, Khoa Học Văn Miếu. Quốc Tử Giám có chức năng: Quản Lý tổ chức hoạt động văn hoá khoa học, nghệ thuật, huớng dẫn du khách tham quan, lập quy hoạch tồn tạo di tích. Từ 1991-1995 Một số công trình của Văn Miếu Quốc Tử Giám đã đuợc tu sửa. Trong đó có 8 nhà che bia. Dự định đến năm 2000 việc tồn tạo sẽ hoàn thành. Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu tượng của nền Văn Hoá Giáo Dục Việt Nam, thời phong kiến, khơi dậy tinh thần dân tộc truyền thống yêu nước, hiếu học và trọng đạo lý của dân tộc.“ ?.

Các vấn đề khác nhau về Nho giáo do nhiều triết gia, học giả, đặt ra trên các phương diện triết học, đạo đức, ngôn ngữ, giáo dục đều là những vấn đề có tầm vóc thảo luận, nghiên cứu rất lớn, đi sâu vào chuyên môn. Để tránh gây mọi hiểu lầm, tôi xin nói rõ ở đây là tầm nhìn của tôi giới hạn trong cái thực tiễn cuộc đời người phụ nữ trong xã hội Việt Nam qua ảnh hưởng Nho giáo.

Khi nêu ra các nhược điểm và khuyết điểm của chữ quốc ngữ, Cao Xuân Hạo, người được coi là bậc thầy ngôn ngữ học trong thời đại của chúng ta, viết những hàng chữ trên giấy trắng mực đen, mà khi đọc, tôi phải dụi mắt mấy lần, tưởng mình đang ngủ mơ hay mắc chứng bệnh tâm „vĩ cuồng“ (Cao Xuân Hạo, Chứng vĩ cuồng:Hiện tượng và căn nguyên. Tiếng Việt Văn Việt Người Việt, nxb Trẻ, TP HCM 2003) của ông đã tả. Trong nhiều bài viết ông giáo sư đề cao chữ Hán, cho rằng:

„ Giá hồi ấy ông cha ta không sáng tạo ra chữ Nôm, mà cứ dùng chữ Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn như người Nhật Bản đã làm (và hiện nay vẫn làm), nghĩa là mỗi chữ có hai cách đọc, Hán âm (Kan-on) và Quốc âm (Go-on), thì tình hình có lẽ đã khác.“

„Ngày nay nhiều người, trong đó có cả những nhà ngữ học phương Tây, đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng chỉ vài ba mươi năm nũa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc…“

„ Chữ viết không phải là phiên âm, vì ngôn ngữ không phải chỉ là âm thanh: nó còn có nghĩa nữa. Cho nên một hệ thống chữ viết lý tưởng phải phản ánh, ít nhất là một phần, cái nghĩa của từ ngữ. Từ cổ đại, loài người đã có một hệ thống chữ viết gần đạt đến cái lý tưởng ấy: chữ Hán. Một bằng chứng sáng rực của tính ưu việt của chữ Hán là hiệu quả tuyệt vời của việc sử dụng nó cho một ngôn ngữ thuộc một loại hình hoàn toàn khác tiếng Hán: tiếng Nhật, một thứ tiếng đa âm tiết thuộc loại hình chắp dính (agglutinating).“

Cũng trong nhiều bài viết Cao Xuân Hạo chê bai chữ quốc ngữ, không do „ông cha“ ta sáng tạo ra (các „bà mẹ“ ở đâu nhỉ !)

„ Trên bình diện ngôn ngữ học lý thuyết, chữ quốc ngữ không phải là một cách viết thích hợp với tiếng Việt.“

„ Một trong những cái tội lớn nhất của thực dân Pháp là nền giáo dục mà họ đã áp đặt cho dân ta. Nền giáo dục ấy không nhằm đào tạo một đội ngũ trí thức. Nó chỉ nhằm đào tạo ra một lớp nha lại. Ngay như môn tiếng Pháp họ cũng không thèm quan tâm sửa đổi cho kịp với sự tiến bộ của khoa học.“

„ Di hại của chủ trương ngu dân ấy cho đến ngày nay vẫn còn rõ mồn một.“

May thay, dù muốn bài trừ, thay đổi chữ quốc ngữ, Cao Xuân Hạo cũng phải công nhận rằng:

„ Và mặc dầu việc vay mượn kiểu chữ này của phương Tây, theo ý tôi, là một công việc có phần đáng tiếc, nó vẫn có một thuận lợi khá quan trọng ở chỗ nó đưa nước ta vào cái khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ Latinh trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu.“

„ Chữ ABC đối với đa số quả có một ưu điểm lớn là học rất nhanh. Muốn đọc chữ ABC chỉ cần học vài tháng, trong khi muốn viết 1.200 chữ Hán thông dụng thôi đã phải mất một năm. Ưu điểm đó khiến cho chữ « quốc ngữ » đắc dụng trong thời Pháp thuộc, khi mà người ta cần thanh toán việc học đọc học viết tiếng mẹ đẻ cho nhanh để chuyển sang học chữ Pháp và tiếng Pháp. Nó cũng đắc dụng trong thời kháng chiến, khi cần thanh toán mù chữ cho thật nhanh để còn lo đánh giặc. „

Nếu vị giáo sư này sống đời đời, ông sẽ suy nghĩ sao khi thấy lớp trẻ ngày nay gõ máy tính lách cách lóc cóc (thay vì viết tay), xem màn hình nhay nháy suốt ngày (thay vì đọc sách), sáng chế ra những cái thứ gọi là ngôn ngữ mới (viết SMS), nói viết lẫn lộn hai, ba, bốn, năm… bẩy thứ tiếng ? và họ không có thì giờ ngồi học nắn nót vẽ chữ Hán vì „time is money“….vân vân. Nhưng biết đâu chừng, chính ông sẽ có lý, như trong một phim ảo tưởng…Der Rückkehr der Jedi-Ritter (Sự hồi hương của người Kỵ sĩ Jedi) !

Một trong những bước ngoặt của tiếng Việt viết là công lao của các Giáo sĩ Bồ Đào Nha và giáo sĩ truyền đạo dòng Jesuites của Hội Thừa Sai Paris chuyển âm ngôn ngữ tiếng Việt nói theo mẫu tự Latinh, trở thành „chữ quốc ngữ“, biến hóa một số từ vựng từ tiếng Pháp sang thành tiếng Việt (nhà ga, xe buýt, ô tô, cà phê, phở, đi văng, rờ mọc, xích lô, ba tê, la ghim, xúp, xăng, ban công, xe tăng, cà nông, Latinh …).

Tiếng Việt, chuyên chở bằng các mẫu tự Latinh và bộ dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng đặc biệt cho tiếng Việt, và quy luật phối hợp dấu giản dị (một âm có hai dấu), dễ học, dễ hiểu, dễ viết, phát huy thành những hình ảnh, âm thanh, giai điệu, nhạc điệu… một cách khá chính xác và phong phú, nhất là bằng những tĩnh từ tượng thanh và tượng hình, tạo cho người xử dụng một sự tự do khá lớn. Mỗi người viết tiếng Việt, chữ quốc ngữ hay chữ ABC, có một văn phong khác nhau, nhạc điệu khác nhau, hình ảnh khác nhau, ngay cả tình cảm thổ lộ trong văn cũng khác nhau, mỗi người một vẻ, cái hay ở chỗ: đọc văn là biết người, đúng như „Tây“ nói: Le style c‘est l‘homme. Các nhà văn nổi tiếng trên bầu trời văn học chữ quốc ngữ là minh chứng cho sự phong phú của tiếng Việt.

Sự kiện này, đem lại lợi ích rất lớn cho đại đa số phụ nữ – nếu không muốn nói rằng tiếng quốc ngữ, tiếng con nòng nọc, là một viên đá vững chắc lót con đường bình đẳng nam nữ – dù không được đến trường, cũng có thể tự học chữ quốc ngữ trong gia đình hay qua chị em bạn chỉ bảo nhau.

Biết đọc và biết viết, một việc tưởng chừng như tất nhiên trong thời đại của chúng ta, nhưng có phải thế không ? Không nói đâu xa xôi, có bao nhiêu bà mẹ của chúng ta được đi học, biết đọc biết viết, có cả trình độ đại học ?

Dù tiếng Việt viết thành „chữ quốc ngữ“ mới được truyền bá từ thời giáo sĩ A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và từ thời đức Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), tức là trong thời đại của vua Gia Long, đầu thế kỷ thứ mười chín, nhưng cũng nhờ phong cách chuyên chở mới của tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh mà khả năng hấp thụ các ngoại ngữ khác, các kiến thức khoa học thế giới, khả năng trao đổi thông tin…của người Việt tăng nhanh vượt bực.

Sau hòa ước Giáp Thân 1884, còn gọi là hòa ước Patenôtre, chính quyền bảo hộ Pháp nhanh chóng mở trường đào tạo nhân viên trung và hạ tầng như thông ngôn, thư ký, thầy giáo (trường Thông ngôn Hà Nội 1886, trường Hậu bổ 1903, trường Cao đẳng Sư phạm, trường Bưởi 1908…) giảng dạy bằng ba thứ tiếng chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán và mở các kỳ thi với các cấp bậc bằng cấp theo hệ thống giáo dục của Pháp tiểu học, trung học và đại học.

Con cái các nhà trưởng giả giầu có được ăn học, ngay cả con gái, nhập học trường Tây như các Trường trung học lycée Albert Sarraut ở Hà Nội, Trường Marie Curie (Saigon, thành lập năm 1918), Trường Lasan Taberd (thành lập năm 1873 ở Saigon, hậu thân của trường Collège d’Adran, hoạt động từ 1861 đến 1887), sau đó thêm một trường nữa vào năm 1894 ở Hà Nội, đặt tên là Trường Puginier, Trường Chasseloup-Laubat (thành lập năm 1875, sau được đổi tên thành Lycée Jean-Jacques-Rousseau, rồi đổi tên một lần nữa thành Trường Trung học Lê Quý Đôn)…

Một thiểu số nam nữ thanh niên con nhà đại trưởng giả được đi du học bên Pháp như Công tử Bạc Liêu hay bà Jeanne Mariette Nguyễn Hữu thị Lan, con của đại gia Nguyễn Hữu Hào, sinh năm 1914, xuất dương du học tại Pháp năm 1927, năm bà mới được mười ba tuổi, lấy bằng Tú Tài Pháp, sau này trở thành Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Đại. Tuy thế, bà Nam Phương cũng theo „nề nếp“ ký tên là Bà Vĩnh Thụy (tên của vua Bảo Đại).

Trong buổi giao thời chuyển từ Đông sang Âu này, quyền được đi học và mở mang trí tuệ không còn là một độc quyền cho người nam. Các cụ nhà Nho cay đắng nguyền rủa: chỉ có hai hạng đàn bà lấy Tây, đó là đàn bà làm đĩ và đàn bà trí thức.

Tác giả Toan Ánh đã viết rất rõ ràng như sau:

„Trong ngôn ngữ Việt Nam ta có những thành ngữ « Thằng Ngô Con Đĩ  » để chỉ người Tàu và các bà vợ Việt, và sau này có danh từ Me để chỉ phụ nữ lấy chồng Tây phương: Me Pháp, Me Mỹ. Lớp me này rất bị chị em phụ nữ khinh bỉ, hành động lấy chồng Tây phương là một hành động mất gốc, lạc loài của hạng người đã đứt cỗi rễ. Chính các me này, thường là người trong lớp hạ lưu trụy lạc, nhưng họ vẫn tự cảm thấy sự âm thầm tủi nhục xót xa đau đớn, có khi còn hơn lớp phụ nữ đồng cảnh có trình độ học vấn và sinh trưởng trong những gia đình gọi là tử tế, lớp sau này đã bị văn hóa nước ngoài đầu độc, mất hết ý niệm quốc gia dân tộc – rất may bọn này không nhiều ! »

Xin hỏi: ai là người bị văn hóa nước ngoài đầu độc, mất hết ý niệm quốc gia dân tộc ?

„ Mặt khác, mấy chục năm sau khi bãi Khoa cử, bỏ chữ Hán, người dân quê vẫn một lòng tôn trọng chữ của thánh hiền và khinh rẻ chữ quốc ngữ. Trần Duy Nhất kể lại lời một nông dân, trong Nam Phong : »Học làm quái gì cái chữ cò quăm mách qué ấy ? Chữ thánh hiền nào lại có chữ thánh thế ? Thánh nào lại dậy những con cua, con ốc ấy ? đến đàn bà, con trẻ cũng thừa biết nữa là » và ghi thêm : » Phải cưỡng bách (học quốc ngữ), đến nỗi coi chỗ học đường là giám thất, cái học là cái tội, phải bắt bớ, phải chạy bậy mới được thả ra ».

Quá trình hình thành và phát triển có hệ thống của tiếng Việt viết (tiếng quốc ngữ) như thế là còn trẻ, so với những ngôn ngữ khác trên thế giới, chỉ mới từ năm 1886, tức là mới được có 122 năm, cho tới ngày hôm nay, nhưng nhờ vốn liếng phong phú của tiếng Việt nói vẫn được truyền khẩu trải qua mấy ngàn năm mà tiếng Việt viết và nói đã theo kịp đà tiến triển của thời đại.

„Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…“, quả thật tôi không thể tưởng tượng nổi sự sung sướng được viết và đọc ngôn ngữ của dân tộc mình một cách dễ dàng như hôm nay.

Cái tuyệt diệu nhất là sự tách rời hẳn hoi tiếng Việt khỏi tiếng Trung Hoa sau suốt mấy ngàn năm, một cách dành độc lập tự chủ cho tiếng Việt, đã thành công hoàn toàn. Ngày nay, người Trung Hoa nói và viết tiếng Trung Hoa. Người Việt viết và nói tiếng Việt, dù vẫn còn (phải) sử dụng nhiều khái niệm Hán-Việt. Có còn gì hơn ?

Nếu bây giờ tôi bắt đầu học chữ Hán, chỉ là để hiểu các văn tự lưu trữ viết bằng chữ Hán, chứ không phải để tuyên dương chữ Hán.

Từ ngàn xưa, qua con đường hấp thụ các thể loại văn chương truyền khẩu, thơ phú, tuồng tích, ca dao, tục ngữ, kinh kệ, bài thuốc nam, bài hát như hát trống quân, hát quan họ, hát ru em, hát giã gạo, hát giao duyên, đồng dao, các bài hò, các câu đố, câu đối…cũng như các kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn truyền khẩu từ đời mẹ sang đời con, phụ nữ thuộc các tầng lớp xã hội gọi là thấp, tự thân vận động tiếp thu một trình độ kiến thức căn bản, không cần qua sách vở trường học, nhưng giới hạn trong những lãnh vực của đời sống hàng ngày.

Nước ta vốn là một nước chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp và ngư nghiệp. Đại đa số phụ nữ sống ở các vùng nông thôn, vùng biển, cáng đáng các công việc đồng áng, chài lưới. Từ những công việc có tính chất sản xuất, tạo ra nguồn lợi kinh tế gia đình như nhổ mạ, cấy lúa, trồng rau, trồng các loại hoa mầu, khoai cà, nuôi tằm, dệt vải, tưới nương tưới rẫy, mò cua bắt ốc, đánh cá, nuôi heo, trâu, bò, gà, vịt…, vá lưới, hái rau, hái trà, gánh nước, kéo nước, tạt nước ruộng đồng, phục vụ cơm nước cho thợ cầy đồng, đưa đò chèo xuồng chở khách, mua bán ven sông, ở chợ…. cho đến những công việc có tính chất phục dịch gia đình (nhà chồng) như hầu hạ bố mẹ chồng, mang bầu, đẻ con, chăm sóc và dạy dỗ con cái, đi chợ làm bếp, lau nhà rửa nhà, giặt giũ khâu vá quần áo cho mọi người….đều do bàn tay người phụ nữ lao động không mệt mỏi, ngày qua ngày lại.

Người phụ nữ – người vợ – bằng lòng với sự phân chia công việc: nàng lo thu nhập kinh tế gia đình để nuôi chàng ăn học. Sự phân công này đã bị xóa bỏ trong thời đại của chúng ta, đó là một điều may mắn cho phụ nữ lớp trẻ. Thời xưa, nàng quay tơ dệt vải, đem vải vóc tơ lụa bán ngoài chợ, bảo đảm kinh tế gia đình, chàng thì đọc sách ngâm thơ, lại còn được nuông chiều đến mức khỏi phải lo dầu cạn:

Sáng trăng giải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ

Xin chàng đọc sách ngâm thơ

Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.

Bài ca dao này lại còn rõ hơn về sự thu nhập của người đàn ông Nho sĩ, lúc công chưa thành, danh chưa toại: một con số không to tướng !

…Nay anh học gần,

Mai anh học xa

Tiền gạo thì của mẹ cha

Cái nghiên cái bút thật là của em

Em thì canh cửi trong nhà

Nuôi anh đi học đặng khoa bảng vàng.

Thậm chí, chỉ bán có rau, mà cũng nuôi đấng chồng Nho sĩ ăn học, mình thì không được học:

Em là con gái Phụng Thiên

Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng

Nữa mai chồng chiếm bảng rồng

Bõ công bón tưới vun trồng cho rau.

đến nỗi, không biết chàng đi học ở đâu ? Có lẽ chàng học hết chữ của thầy này, phải đi nơi khác tìm thầy học tiếp ?

Mùa hè cho chí mùa đông

Mùa nào thức nấy cho chồng đi thi

Hết gạo thiếp lại gánh đi

Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao.

Cuối thế kỷ thứ mười chín, ông Tú Xương vừa khen bà Tú, vừa cay đắng cho chính số phần của mình, không đạt được danh vọng như ý muốn, để cho vợ phải làm lụng kiếm ăn nuôi chồng vất vả:

Quanh năm buôn bán ở ven sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng,

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông,

Một duyên hai nợ thôi đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không.

Còn ông thì tự cười mình, vừa để cho lương tâm khỏi cắn rứt:

Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành

Mặt thời lơ láo, mắt thời xanh.

Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó

Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ

Rượu chè trai gái đủ tam khoanh.

Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi

Cứ việc ăn chơi, chẳng học hành.

Mãi cho đến giữa thế kỷ hai mươi, tình trạng phụ nữ không được đi học còn phổ biến. Quan niệm sử dụng phụ nữ cho công việc sinh đẻ bảo đảm dòng giõi gia đình (chồng), làm nhân công không lương tạo dựng kinh tế gia đình, phục dịch gia đình (chồng) là quan niệm chỉ đạo thống trị hoàn toàn tư tưởng của người phụ nữ.

Nền tảng của sự thống trị này dựa trên cái gọi là đạo đức lễ giáo, xuất phát từ Nho giáo, cơ bản của đạo Khổng. Tôi không dám lạm bàn ở đây về giá trị triết lí của đạo Khổng – của Khổng Phu Tử, sinh năm 551 trước công nguyên, là người sáng lập được gọi là Đức Thánh Khổng và của các học trò đồ đệ của Khổng tử sau đó – việc này xin để cho những nhà triết học uyên bác, mà chỉ xin nêu lên phần ảnh hưởng Nho giáo đàn áp đè nén phụ nữ trên cơ sở xã hội, kể từ khi Khổng giáo (Nho giáo) từ Trung Hoa lan truyền sang Việt Nam – và được xã hội Việt Nam tiếp thụ hoàn toàn từ đấy, chấp nhận Khổng giáo là giá trị đạo đức căn bản cho dân tộc Việt.

Sau thời đại Hai Bà Trưng, các vua chúa Việt Nam dùng hệ tư tưởng Khổng giáo của Trung Hoa, xây dựng lên mẫu mực đạo đức lễ giáo căn bản làm nền tảng cai trị nước và dân.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ viết trong cuốn „Người Việt đáng yêu“ về làng xã Việt Nam, đơn vị kinh tế và xã hội căn bản của dân Việt:

„… Làng là một đơn vị tôn giáo vì mỗi làng có một cái đình, một cái chùa, một cái miếu. Đình thờ Thành Hoàng làng…Chùa là nơi thờ Phật. Đền là nơi thờ các vị Thánh. Các làng văn học còn có Văn chỉ là nơi thờ Đức thánh Khổng.“

Sau bao nhiêu thế kỷ đô hộ ta, người Tàu ra đi để lại Khổng giáo, Lão giáo và …gò Đống Đa. Nụ cười đầy rẫy của ca dao còn văng vẳng:

Chẳng thà ăn cá giếc trôi,

Còn hơn lấy Khách mọc đuôi trên đầu.

Và nụ cười rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất kẻ cả của Bà Hồ Xuân Hương khi qua đền thờ Sầm Nghi Đống ở phố Hàng Buồm:

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo

Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.“

Những người binh vực Nho giáo nói rằng, Nho giáo không có gì xấu, ngược lại, Nho giáo là những giá trị đạo đức tồn tại từ nhiều thế kỷ đáng được noi theo, chỉ có phương pháp áp dụng Nho giáo là có thể có sơ hở.

Các giáo điều chính trị trọng nam khinh nữ xuất phát từ đạo Khổng gọi là các nguyên tắc tu thân cho người nam như „Tam cương, ngũ thường“, và đặc biệt dành cho phụ nữ như „Tam tòng, tứ đức“, thực ra để bảo đảm một lề lối sinh hoạt và cai trị xã hội có giai cấp (Quân, Sư, Phụ), có đạo đức Nho giáo (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), có trật tự nam nữ ( tòng phụ, tòng phu, tòng tử), có phục dịch tôi mọi tự nguyện (công, dung, ngôn, hạnh), không xuất phát từ thời đại Hai Bà Trưng, mà nằm trong chính sách đồng hóa tư tưởng của Tầu trong suốt gần một ngàn năm đô hộ, đã để lại hậu quả tiêm nhiễm trầm trọng trong hệ tư tưởng của dân Việt mãi cho đến ngày hôm nay.

Tam cương là ba giềng mối của ba trật tự xã hội chính yếu: quân thần (vua và bầy tôi), phụ tử (cha và con), phu thê (chồng và vợ). Ba giá trị đạo đức Nho giáo „ bất trung“ , „bất hiếu“ và „bất nghĩa“ được định nghĩa từ Tam cương:

Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung.

Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu.

(Vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chịu chết là bất trung.

Cha bảo con chết, con không vâng lời là bất hiếu.)

Một bạn học cũ của tôi, người thích nghiên cứu về chữ Hán và chữ Nôm, nhắn nhủ tôi rằng: „Đó là câu mà nhiều người thường hay trích dẫn để phê phán tư tưởng Nho gia phong kiến. Có nhiều người bảo của Khổng Tử, nhưng đã có người chứng minh rằng hoàn toàn không thấy xuất hiện trong các sách vở của Khổng hoặc Nho giáo chính dòng, mà có thể của một Triết Nho Gia nào đó sau này đặt ra nhưng không rõ tác nhân.“

Hiện nay chúng ta vẫn rất cần và rất trọng những người nghiên cứu chữ Hán, chữ Nôm, phiên dịch Hán-Nôm ra chữ quốc ngữ để có thể đọc và hiểu được các văn kiện lịch sử, văn chương, thơ phú, triết học…của dân Việt. Các nhà nghiên cứu tài tử như hạng tôi thấy văn kiện viết bằng chữ Hán và chữ Nôm thì khựng lại, bỗng nhiên biết mình „mù chữ“. Người Việt hôm nay, „chỉ“ biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ, có khi còn chưa thành thạo, lỗi chính tả, lỗi văn phạm đầy rẫy, dấu hỏi dấu ngã lẫn lộn, dấu nặng chấm câu, dấu phẩy ngắt câu không thông, chưa kể đến văn phong nhạc điệu không chỉnh. Nếu tôi có phạm các lỗi văn phong tiếng Việt, nhân đây mong độc giả thứ lỗi cho dùm.

Đó không phải là một mâu thuẫn lịch sử hay sao ?

Một số câu ca dao cũng định nghĩa vị trí và công lao đặc biệt của người cha:

Còn cha gót đỏ như son

Mất cha gót mẹ gót con đen sì

Con có cha như nhà có nóc

Con mất cha như nòng nọc đứt đuôi

Khi người Pháp đặt chân lên Việt Nam vào cuối thế kỷ mười chín, bắt đầu thực hiện chính sách đô hộ…theo cách của họ, tức là theo Tây phương, và bắt đầu tìm hiểu về đất nước, con người, triều đình, xã hội Việt Nam, thì họ đứng trước một mô hình, một hệ tư tưởng gia đình gọi là Việt Nam mà trong đó người phụ nữ hoàn hoàn không có một giá trị gì cả, ngược lại họ phải lao động, đẻ con, nuôi con và phục dịch suốt đời. Còn nói chi đến quyền được đi học và mở mang trí tuệ.

Người vợ gọi chồng bằng „Thày“ và „Ông“, người chồng gọi vợ „bu nó, mụ ấy, bà nớ, cô ấy…“ như người không quen, mãi đến những thế hệ Việt Nam sinh sau Đệ nhị thế chiến, vợ chồng mới xưng „anh, em“ với nhau, gọi nhau một cách tình tứ: « mình ơi! », giới thiệu lẫn nhau: « Đây là nhà tôi ».

Alfred Schreiner nhận định trong tác phẩm Les institutions annamites (t.II) như sau:

„…l‘autorité paternelle chez les Annamites était absolue. Le père de famille avait pleins pouvoirs sur ses descendants: droit de disposer leur liberté, de leurs biens, de leur travail, comme des choses lui appartenant; droit de châtiment jusqu‘à la mort ! Il pouvait vendre ses fils, louer leurs services, les mettre comme gages entre les mains de ses créanciers“.

„ l‘autorité paternelle était sans bornes… Il s‘érigeait en juge suprême et châtiait jusqu‘à l‘extrême-limite. Bref, il avait sur les siens droit de vie et de mort“.

„…quyền lực người cha của dân An nam là tuyệt đối. Người cha trong gia đình thực thi rất nhiều quyền lực lên các người thân thuộc cùng dòng máu: quyền ấn định sự tự do, sự tư hữu, sự lao động của mỗi người, như một vật sở hữu của ông, quyền trừng trị hình phạt cho đến chết ! Người cha có thể đem con trai đi bán, cho thuê sử dụng làm sức lao động, thế chấp làm con tin cho chủ nợ. „

„…quyền lực của người cha là vô giới hạn…Ông trở thành vị quan tòa tối cao và trừng phạt cho đến mức . Tóm gọn, ông là người quyết định cuộc sống và cái chết của những người thân thuộc.“

Eliacin Luro khẳng định thêm trong tác phẩm « Le pays d‘Annam »:

„ Fast à cette accumulation de droits, presque aucune obligation n‘a été imposée au père à l‘égard de ses enfants, pas même celle de leur fournir des aliments“.

„ Đối nghịch vói sự tập trung mọi quyền lực, người cha gần như hoàn toàn không có một nghĩa vụ nào đối với những đứa con của ông, ngay cả không cần phải cung cấp thực phẩm cho chúng“.

Trong quan hệ vợ chồng thì giá trị đạo lý Nho giáo chỉ định nghĩa một chiều: Người vợ phải tuyệt đối chung thủy với chồng. Chồng không cần phải chung thủy với vợ, vì chồng có…nhiều vợ.

Thân em làm lẽ vô duyên,

Mỗi ngày một trận đòn ghen tơi bời.

Đàn ông ngoại tình được tha thứ. Nhưng đàn bà ngoại tình thì phong tục không dung, mà pháp luật Nho giáo trừng trị rất nghiệt ngã. Câu nguyền rủa „Đồ quạ mổ ! Đồ quạ rỉa !“ xuất phát từ hình phạt độc ác „bè chuối trôi sông“ của chồng đối với vợ:

„Chồng bắt được vợ ngoại tình có quyền gọt gáy bôi vôi, đóng cọc phơi nắng và nghiệt ngã hơn, lên quan, quan xử bè chuối trôi sông. Đây là một hình phạt hết sức nặng nề để xử những người đàn bà có chồng còn ngoại tình. Người ta kết một bè chuối và trói ghì người có lỗi trên bè chuối này, có khi để ngồi, có khi để nằm. Trên bè chuối có một mâm cơm, một ấm nước, một âu trầu. Tay người này có thể cử động để tự ăn uống lấy được, nhưng không tự cởi trói được.

Bè chuối mang phạm nhân được đẩy ra giữa dòng sông, muốn trôi đi đâu thì trôi, mặc trời mưa nắng. Trên bè chuối có cắm bản án kể rõ tội lỗi của phạm nhân. Bè chuối theo dòng sông trôi đi, nếu vì sóng gió giạt vào bờ một xã nào, dân làng xã ấy sẽ lấy gậy, lấy sào đẩy bè chuối ra. Người đàn bà có tội phải chịu chết trên bè chuối, rồi diều hâu, quạ, kên kên sẽ cùng nhau xâu xé thân xác người này“. (trích Toan Ánh)

Đạo đức Nho giáo cũng không kém cay nghiệt với những người góa bụa. Nếu không phải uống thuốc độc, thắt cổ tự tử chết theo chồng, hay bị chôn sống chung trong một hầm mộ, để chứng tỏ lòng yêu thương chung thủy với chồng, thì ít nhất, khi chồng chết, người vợ phải ở vậy suốt đời thờ chồng, chăm sóc mẹ chồng:

Bác mẹ chàng phơ phơ đầu bạc

Con chàng còn trứng nước thơ ngây

Có hay chàng ở đâu đây

Thiếp xin mượn cánh chắp ba theo chàng.

Nếu lấy chồng lần nữa thì trở thành bia miệng cho mọi người chê cười:

Ông chết thì thiệt thân ông,

Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai.

Dù rằng phụ nữ không có chồng đã bị xã hội nhạo biếm:

Tròng trành như nón không quai,

Như thuyền không lái như ai không chồng,

Gái có chồng như gông đeo cổ,

Gái không chồng như phản gỗ long đanh,

Phản gỗ long đanh anh còn chữa được,

Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi.

Ngũ thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, huấn dụ con người cư xử có nhân đạo, có lẽ phải, hòa nhã, tôn trọng người khác, phân biệt thiện ác đúng sai, không sai lời hứa hẹn. Các giá trị đạo đức „bất nhân“, „bất nghĩa“, „bất lễ“, „bất trí“ và „bất tín“ được định nghĩa từ đây.

Tam tòng là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Dẫu rằng, việc gì tốt, như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, thì mình học theo, các tôn giáo như đạo Phật hay đạo Thiên Chúa cũng đưa ra những chuẩn mực đạo đức tương tự.

Nhưng riêng bản thân tôi, nếu phải gìn giữ Tam tòng „tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, mà phu tử thì tòng tử“, là tôi chịu thua, không theo được.

Dân tộc Việt có chữ „Đức“, sống phải có đức với mọi người chung quanh và để lại đức cho con cháu đời sau. Cũng như cách nói rất nhân nghĩa : „vợ chồng đầu gối tay ấp“, hay câu ca dao:

„ Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con“.

nói lên rằng, núi Thái Sơn cao ngất tầng xanh còn đo được cao bao nhiêu thước…Tây, nhưng nước trong nguồn chảy ra thì…có bao giờ cạn. Trong câu thành ngữ „Của chồng, công vợ“, đạo đức Việt đưa người vợ, người mẹ (ít nhất) ngang hàng với người chồng, người cha.

Còn Tứ Đức của Nho giáo dành cho phụ nữ như công (làm việc nhà, làm lụng, lao động…), dung (có sắc đẹp, ưa nhìn…), ngôn (ăn nói nhỏ nhẻ, không to tiếng cãi cọ…), hạnh (ngoan ngoãn, vâng lời, hầu hạ gia đình…), không phải là những giá trị xấu, nhưng nếu chỉ có một chiều như thế thì bốn chữ ấy đưa phụ nữ lạc hướng vào con đường tôi mọi tự nguyện, tự hạn chế, mà không có phần tự phát triển trí tuệ và khả năng của chính bản thân mình. Quan niệm Nho giáo dành cho phụ nữ công, dung, ngôn, hạnh, so với quan niệm 3K bên Đức (Kirche, Kinder, Küche – Nhà thờ, con cái và bếp núc) hay quan niệm „femme au foyer“ (phụ nữ trong gia đình) bên Pháp, trói buộc người phụ nữ chỉ biết hầu cha hầu chồng hầu con, không khác nhau là mấy.

Phận gái tứ đức vẹn tuyền

Công, dung, ngôn, hạnh giữ gìn chẳng sai.

Ngay trong tục lệ tảo hôn, người phụ nữ phải lấy chồng quá già, hay phải một đứa con nít hai ba tuổi làm chồng, cũng phải làm trọn mọi bổn phận tam tòng tứ đức của mình.

Vô duyên vô phúc,

Vớ phải anh chồng già,

Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng?

Nói ra đau đớn trong lòng

Ấy cái nợ truyền kiếp chứ có phải chồng em đâu !

…Bống bồng cõng chồng đi chơi,

Đến ao nước lội đánh rơi mất chồng,

Chị em ơi ! cho tôi mượn cái gàu sòng,

Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên !

Tục lệ lấy tên và chức tước của chồng để làm danh xưng cho người vợ, thí dụ vợ ông Phán Thông thì gọi là bà Phán Thông, còn tên thật của người vợ thì xem như là tên húy, tên cúng cơm, không được nhắc đến nữa, làm cho người đàn bà như „lột xác“, mặc một chiếc áo khoác và thuộc quyền sở hữu của chồng, mình không còn là mình nữa, chồng có danh có chức thì mình cũng có danh có chức.

Cùng thời ấy, các ông được phép lấy chính thức bốn vợ, và đa số phụ nữ chấp nhận cảnh chồng chung, vợ lớn, vợ bé, nàng hầu…đều ở chung dưới một mái nhà. Trên tờ giấy hôn thú dưới thời Pháp thuộc có điều khoản „Thứ hạng người vợ“ (Rang de femme): hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và hạng tư.

Cộng thêm vào đó cái quan niệm chắc như đinh đóng cột của cả xã hội: „Con gái là con người ta, con dâu mới là con mình“, đã in ấn lên mỗi thai nhi gái từ khi mới lọt lòng. Lấy chồng thì phải làm dâu, xem như lấy cả gia đình họ tộc nhà chồng. Không có ai dám cãi lại.

Sông bao nhiêu nước cho vừa

Trai bao nhiêu vợ cũng chưa hài lòng

Trai tài năm thê bẩy thiếp,

Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng.

Lý do xem như chính đáng nhất cho việc các ông được lấy bốn vợ, là để cho các ông có đích tôn nối dòng dõi. Các ông lấy bốn năm bà, có mấy chục đứa con, là lẽ đương nhiên. Các bà thường hay bị tử vong khi sinh đẻ, đó là vấn đề thứ nhất, các bà lại hay đẻ con gái, đó là vấn đề thứ hai, các bà sinh con thì các bà nuôi con bận bịu, làm lụng vất vả, nhan sắc kém tươi, tèm nhem tuốc nhuốc, ít có thì giờ hầu ông, đó là vấn đề thứ ba.

Đêm năm canh năm vợ ngồi hầu

Vợ cả pha nước têm trầu chàng xơi,

Vợ hai trải chiếu, chia bài,

Vợ ba coi sóc nhà ngoài nhà trong,

Vợ tư trải chiếu quạt mùng,

Vợ năm thức dậy trong lòng xót xa,

Chè thang, cháo đậu bưng ra,

Chàng xơi một bát khẻo mà công lênh.

Chàng mà „công lênh“ thì cả nhà đều khổ sở ! Nhưng nhất định chàng phải „đẻ“ ra con trai đích tôn, rồi con trai đích tôn phải „đẻ“ ra cháu trai đích tôn… „Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô“ hay nói nôm na rằng „ một trăm đứa con gái không bằng hòn giái thằng con trai“, theo các cụ.

Một trong những „tội“ nặng nhất của vợ là tội không đẻ con trai nối dõi cho chồng. Tội này đứng hàng đầu trong bẩy tội Thất sủng „chính đáng“ khiến cho chồng và gia đình chồng trừng phạt, ruồng bỏ đuổi đi (may phúc!) hay hành hạ người phụ nữ cho đến chết.

Bẩy tội đó là:

  • Tội thứ nhất: Không đẻ con trai nối dõi cho chồng.
  • Tội thứ hai: Không thi hành bổn phận người vợ.
  • Tội thứ ba: Không hầu hạ cha mẹ chồng hay phạm lỗi

đối với cha mẹ chồng.

  • Tội thứ tư: Nói nhiều và nói xấu người khác.
  • Tội thứ năm: Ăn cắp
  • Tội thứ sáu: Ghen tuông
  • Tội thứ bẩy: Tàn tật tâm thần hay thân thể

(theo Nguyễn văn Phong – Alfred Schreiner)

Luật thì ngắn ngủi như thế, nhưng sự „diễn dãi“ các hành động thành ra tội thì rất bao la tùy tiện tùy theo từng chi tiết một. Nói thật hay than van về những sự áp bức bất công của chồng và gia đình chồng thì bị gán tội „nói xấu“, ăn nhịn để dành đem chút quà về biếu cha mẹ ngày giỗ, ngày Tết thì bị kết tội „ăn cắp“ của nhà chồng đem về nhà mình, một ánh mắt nhìn (không lời) cũng bị kết tội là „ghen tuông“, còn nói chi đến định nghĩa và diễn dãi các tội thứ hai, tội thứ ba và tội thứ bẩy. Người chồng chỉ cần kết tội vợ „mụ này điên!“ là có quyền xua đuổi vợ.

Những người phụ nữ bỏ chồng, trốn đi, hay bị chồng bỏ, ly dị, bị xã hội kết án là „vô đạo đức“, mang dấu ấn suốt cuộc đời mình. Người chồng gặt hái sự thương cảm. Người đàn ông tình nhân gặt hái sự thông cảm. Người phụ nữ chịu đựng tất cả mọi sự chê bai, nguyền rủa.

Ngay thành phần sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài trong những năm sau 1975 của thế kỷ thứ hai mươi vẫn còn phát huy truyền thống Nho giáo – biến cải thành „đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Mao chủ tịch„ – phân biệt giữa người phụ nữ „có đạo đức“ và „vô đạo đức“ trong những trường hợp vợ chồng sinh viên son trẻ trở nên cơm không lành canh không ngọt, đưa đến ly dị, lập một thứ „tòa án nhân dân“ để tuyên án người làm xấu cộng đồng, cô lập người bị lên án, cấm không cho tham dự mọi sinh hoạt của cộng đồng, cắt đứt tất cả mọi quan hệ liên lạc. Kỳ dị nhất là các nữ sinh viên đang du học tại nước ngoài, sống trong một khung cảnh xã hội Tây phương, cũng tránh người „bạn gái cũ“ bị cộng đồng lên án „vô đạo đức“ như tránh hủi, sợ lây bịnh.

Thế hệ ba tôi còn được chính thức cưới bốn vợ. Trên tờ giấy hôn thú ký năm 1953 tại Gia định, để có thể làm khai sanh cho tôi, có điều khoản: Thứ hạng vợ (Rang de femme), má tôi có hân hạnh được làm vợ chánh hạng nhất (Premier) !

Năm tôi lên sáu, ba tôi dắt tôi đến trường đi học. Nghe nói „đi học“ là tôi sợ quắn đít, vì ai cũng dọa nạt trước rồi, mày mà không ngoan, không học thì bà giáo đánh chết. Sợ bà giáo đánh chết, tôi dẫy nẩy không chịu vào trường. Ba tôi bế tôi lên dỗ dành, tôi cứ thúc đầu gối vào bụng ông. Ông giận quá đem tôi về nhà, lấy cái thước bảng đánh cho mấy cái vào đùi thâm tím cả tuần không hết.

Trong đời tôi, người đàn ông thứ nhất đánh tôi là ba tôi, người đàn ông thứ nhì đánh tôi là chồng tôi, người đàn ông thứ ba đánh tôi là em trai tôi. Má tôi cũng trừng phạt tôi bằng roi vọt nhiều lần, mỗi khi em kế tôi khóc lóc bù lu bù loa nước mắt nước mũi chảy lòng thòng mét má: « Má ơi, bà chằng lửa ăn hiếp con ». Không cần biết chuyện gì đã sẩy ra giữa hai đứa con nít, con chị và con em cách nhau bốn tuổi, tôi phải nằm sấp xuống cái đi văng kê trong phòng ăn, sát cửa sổ, thường dùng làm chỗ nghỉ trưa cho chị bếp, má tôi kề cái chổi lông gà lên mông, hỏi: Tội này nặng mấy roi ? Dạ, năm roi (tối thiểu, theo kinh nghiệm!). Bà rầy, năm roi là còn ít, nhưng ăn đòn để chừa thói chòng ghẹo em. Thế là năm cái chổi lông gà quắn đít, lại còn cấm không cho khóc, khóc thì ăn thêm đòn.

Bị đánh là đáng đời chăng ? Lại còn có người mắng thêm cho „Không có lửa thì làm sao có khói ?“, hay „Có khiêu khích người ta thì ăn đòn là phải rồi, tất nhiên!“.

Tất nhiên ?

Nhưng mà, cũng phải nói đến Đức Chúa, lời phán của Chúa về công bằng và luân lý: „Trước khi ném đá người hãy tự xét chính mình.“.

Và, nếu phụ nữ không tự thay đổi đời mình thì ai có thể thay đổi cuộc đời cho người phụ nữ ?

Chính vì xuất phát từ quan điểm „con gái là con người ta, con dâu là con mình“ mà trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, quan điểm xem con gái – một khi đã gọi là xuất giá ra khỏi nhà – như là „khách đến thăm“ còn phổ biến, là một „lễ giáo“ không thể thay đổi. Hệ thống tôn ti trật tự trong gia đình Việt Nam vẫn là « Cha – Con trai trưởng – Cháu nội trai trưởng ». Bất biến, bất di, bất dịch.

Sở dĩ tôi vạch áo cho người xem lưng, vì chính những sự kiện này phản ánh quan niệm trọng nam khinh nữ còn hiện hữu trong xã hội Việt Nam cho đến tận thế hệ của tôi, mà xã hội, tổ trưởng tổ phó, hàng xóm láng giềng, bè bạn….đa số đều làm ngơ, cho là chuyện riêng tư, ngõ nhà nấy quét, đèn nhà ai nấy sáng, chỉ biết lên án những người phụ nữ „vô đạo đức“, nhưng không có biện pháp giúp đỡ hay can thiệp những sự việc đàn áp, đánh đập, khống chế đến sinh mạng và trí tuệ của phụ nữ, chưa nói chi đến sự can thiệp của pháp lý, hay thông cảm, binh vực nạn nhân.

Đề tài phụ nữ hôm nay trên báo chí đặt trọng tâm trên những lãnh vực „lifestyle“, phong cách sống hiện đại: làm đẹp, sửa sắc đẹp, thi sắc đẹp, thi hoa hậu, từ mập thành ốm, theo thời trang, trang trí nhà cửa, chiều chồng, chiều con, nấu ăn ngon…, cũng là một cách đánh lạc hướng phát triển của phụ nữ.

Phụ nữ có thành công thì bị dè bỉu, châm biếm, nhất là nghi vấn „thành công qua cái gối đầu…“ dễ được mọi người tán thưởng.

Nhân một việc „tán gẫu“ về cô Tư Hồng thời xưa, bị mang tiếng là bênh vực phụ nữ, khi một người bạn học đồng thời (nam) của tôi, viết như sau, với một văn phong hiện đại, tân kỳ:

Cô lấy hai đời chồng một ông cắc chú, một ông tây. Cô là « me » tây (đó có phải là một tội?), cô buôn bán giàu có. Năm 1904 miền trung đói to, cô chở gạo ra cứu tế. Nhờ công đức đó (chữ công đức có cần phải để trong chữ ngoặc? « công đức »? ) vua Thành Thái sắc phong cô « Lạc quyên nghĩa phụ » và tước « Ngũ phẩm nghi nhân ». Người đời đàm tiếu. Có dư luận bảo mới đầu cô định đầu cơ gạo mang ra bán giá cao, sau sợ bị tội « đầu cơ » nên cô biến thành chuyện « phước thiện ». Thế thì chẳng biết đâu mà lần, cô là người tốt hay là con đĩ đầu cơ? Những dư luận đó là đúng hay là « độc miệng »? Cụ Nguyễn Khuyến làm thơ cho cô là « Đĩ có tàn có tán, có hương án lọng che! ». Em không biết đánh giá cô ra sao.

Em chỉ biết là qua sự cứu tế đó hàng ngàn người khỏi chết đói. Công đức của cô (nếu có) có thể .. to hơn nhà thơ Nguyễn Khuyến. Cụ cứu được bao nhiêu mạng? Nếu em là người sắp chết đói , em sẽ nhớ ơn « con đĩ » suốt đời! « Con đĩ » đó , động cơ nào không biết, đã làm việc tốt. Sao « con đĩ » Marie Madeleine có thể trở thành Thánh mà cô Tư thì không? Còn chuyện các cô Tư tân thời thì em chịu!

Chỉ có lần ngồi trong một quán lẩu ở sè gòn… Trong bàn nhậu của một lũ đàn ông.. vô tích sự (trong đó có em -:) ) .. em nghe là « nghe nói bả hồi xưa là bồ của… » . Thế đấy! Làm đờn bà hổng có dễ đâu nghen! Chúng ta, ai nấy đều thích.. ngồi lê đôi mách. Một người đàn bà thành công. Vì tài năng? Đáng ngờ! Nghe ba chớp ba nháng là « cổ là bồ của..  » thì .. ta tin liền! Nghe « con mẹ đó mà làm ăn cái gì! Toàn là nhờ lăn lóc .. trên giường » là ta .. tin sái cổ! Có lần một bác kể là người ta đồn bà bộ trưởng xx tiến thân bằng … nhan sắc! Em thấy nghi nghi. Dở hình bà ra xem thử thấy tuổi .. tròm trèm già .. như chúng ta. Nhan sắc đại khái thua người mẫu chân dài khoảng hàng trăm ký lô mét. Thế mà người ta tin! Bà này mà dùng nhan sắc thì có mà bị .. đuổi việc! Một dạng của … Machochismus!

Mới đây một nhà chính trị sử học trẻ, giáo sư Pierre Hillard (Pháp) đưa ra nhận xét về chính sách trọng nam khinh nữ tại Trung Hoa trong kế hoạch kiểm soát và hạn chế sinh đẻ. Ông cho rằng chính sách „một con“ nhưng nhất là một con „trai“ đem lại sự mất thăng bằng cho xã hội Trung Quốc trên nhiều lãnh vực, một phát triển theo chiều hướng tiêu cực rất lớn.

Sau khi nghe một số bài thuyết trình của Pierre Hillard, tôi tìm vài con số thống kê về Trung Hoa trên các mạng Internet – không bảo đảm được là chính xác – như sau:

Dân số Trung Hoa đạt con số 1.324.480.000 người vào cuối năm 2006, tức là tăng hơn 7,50 triệu dân so với năm 2005 – với một con số sinh là hơn 16 triệu và một con số tử là hơn 8,49 triệu người – trên một diện tích đất đai là 9,6 triệu cây số vuông, mật độ trung bình 136,9 người trên một cây số vuông, và chiếm 20% dân số thế giới. Tính ra cứ mỗi phút có 31 đứa trẻ, mỗi giờ có 1.827 đứa trẻ ra đời trên đất Tàu. Một sự phát triển dân số khủng khiếp. Khoảng 43,9% dân số của Tàu sống trong những vùng thành thị hóa.

Tỷ lệ đàn ông là 51,5% ( khoảng 674 triệu đàn ông), tỷ lệ đàn bà là 48,5% (khoảng 634 triệu đàn bà). Tỷ lệ trẻ sơ sinh con trai so với trẻ sơ sinh con gái là 119,25 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Chính sách kiểm soát sinh đẻ áp dụng từ những năm 1970 đưa Trung Hoa đến một hoàn cảnh có một không hai trên thế giới: theo dự đoán thống kê, khoảng năm 2020 Trung Hoa sẽ có một số lượng đàn ông trẻ dư trội – trong tuổi lấy vợ – là 30 triệu người (không vợ). Cũng theo dự đoán thống kê dân số Trung Hoa sẽ tăng thành 1,45 tỷ người vào năm 2030.

Cách đây nhiều năm, các báo chí Tây phương đã phổ biến những tấm ảnh tử thi của trẻ sơ sinh gái, bị vất ra ngoài đường, nằm bên cạnh cống rãnh. Các biện pháp khác như phá thai (thai nhi gái) trước ngày sinh hay làm tuyệt đường sinh sản của phụ nữ đưa đến trình trạng dư nam thiếu nữ. Đây là hậu quả của chính sách „một con“ và tư tưởng chế độ phong kiến bảo thủ cũ „Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô“ của dân Tàu. Tuy nhiên, từ năm 2002, một số người, nhất là những gia đình giầu có tại thành thị, chịu trả „tiền phạt“ cho chính quyền để có thêm con.

Ngoài vấn đề thiếu thốn về nguồn năng lượng, vấn đề thiếu ăn đã được đặt ra từ ngày hôm nay, vì Trung Hoa sẽ phải cần có một số lượng ngũ cốc khổng lồ. Trong năm 2005 họ sản xuất một khối lượng ngũ cốc là 484 tỷ kí lô, nhưng vẫn còn thiếu khoảng 50 tỷ kí lô. Sức thu mua thực phẩm của Trung Hoa trên thị trường thế giới làm cho giá thực phẩm ở nhiều nước tăng lên, nhất là ở Âu châu.

Theo thống kê năm 2006 Trung Hoa có 106 tỷ phú, trong khi mức thu nhập trong suốt một năm tại nông thôn tương đương với 350 euros/người, và tại thành thị là 1.170 euros/người (chưa tới một trăm euros một tháng). Trình độ biết đọc biết viết khoảng 90% đàn ông và 86,5% cho đàn bà.

Thống kê của UNESCO của năm 2000 cho biết trên thế giới có 862 triệu người mù chữ (trên 15 tuổi), trong đó, tỷ lệ xóa mù chữ (Taux d’alphabétisation des adultes ) của phụ nữ chiếm 64%.

Khoảng 113 triệu trẻ em không được đến trường học (bậc tiểu học), trong đó có 57% trẻ em gái. Tính theo lục địa thì có 23 triệu trẻ em gái tại Phi Châu phía nam sa mạc Sahara, và 21 triệu em gái trong khu vực Đông Nam châu Á, không được đi học.

Được xếp hạng mù chữ, những ai, ngoài sự kiện hoàn toàn không biết đọc, biết viết, không có khả năng để đọc và hiểu được 60% một đoạn văn bình thường hoặc viết một đoạn để diễn tả một việc thông thường trong đời sống hàng ngày.

Không nói đâu xa xôi, ai có ngờ rằng, với 4 triệu người mù chữ, nước Đức có tỷ lệ xóa mù chữ là 95%, tức là khoảng 5% dân số bị xếp hạng mù chữ.

Còn nước Pháp ? Thống kê của viện INSEE vào năm 2006 cho biết nước Pháp có trung bình 13% người mù chữ trong hạn tuổi từ 18 đến 65 (tỷ lệ xóa mù chữ 87%, tức là trong một trăm người Pháp thì có mười ba người mù chữ).

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc của năm 2005 về sự phát triển của nhân loại, trong đó các quốc gia được chia ra làm ba nhóm: nhóm phát triển mạnh, nhóm phát triển trung bình và nhóm phát triển yếu, thì Việt Nam, thuộc nhóm phát triển trung bình, đứng vào hàng thứ 105 trên tổng số 177 quốc gia, có tỷ lệ xóa mù chữ là 90%, tức là trong một trăm người thì có mười người không biết đọc biết viết.

Algérie, tuy đứng đồng hạng với Việt Nam, nhưng có tỷ lệ xóa mù chữ thấp hơn, chỉ có 69,9% dân chúng biết đọc, biết viết (tức là trong mười người thì có đến ba người mù chữ). Tỷ lệ xóa mù chữ trong nhóm phát triển trung bình thấp nhất thuộc về Bhoutan, chỉ có 47% dân số biết đọc biết viết (trong hai người thì có một người mù chữ!). Tỷ lệ xóa mù chữ thấp nhất thế giới thuộc về các nước Mali (24%), Tchad (25,7%), Guinée (29,5%).

Pierre Hillard cũng có nói lên sự quan trọng của giáo dục và vấn đề ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Tôi đồng ý với nhận định của ông rằng công việc Giáo dục và công việc bảo vệ ngôn ngữ của mỗi dân tộc phải là công việc hàng đầu của xã hội ấy.

Ngôn ngữ càng phong phú, càng phát triển, có thêm những từ ngữ mới, có nhiều cách diễn đạt mới làm cho người sử dụng ngôn ngữ càng có nhiều tự do và khả năng diễn đạt hơn trong nhiều lãnh vực khoa học nhân văn và khoa học kỹ thuật, dân trí tăng cao, cho nên khỏi cần phải bàn luận đến sự suy đồi nhân trí bởi một ngôn ngữ nghèo nàn, đơn điệu. Các nhà dịch thuật có trình độ ngoại ngữ chính xác và kinh nghiệm sống tại nước ngoài là những người góp phần tích cực làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mình, cho nên công việc và thành quả của họ chớ nên xem thường.

Thế hệ nam nữ thanh niên Việt Nam trước tôi, lớp người được sinh ra sau Đệ nhị thế chiến, giữa những năm 40, năm nay đã trên sáu mươi, là thế hệ đầu tiên có cơ may trong đời được du học tại các nước kỹ nghệ tân tiến trên thế giới, nhiều người trở thành những giáo sư đại học nổi tiếng thế giới.

Năm tôi mười bẩy, qua cái bằng Tú Tài hai, là ba má tôi cho rằng học như thế là đủ rồi, muốn gả chồng theo lời hứa hẹn với một gia đình bạn. Đến lượt thế hệ tôi, thế hệ năm mươi, đi du học từ những năm cuối 60, đầu 70, con số nữ sinh viên còn rất ít. Tôi nhớ mang máng rằng trong số một ngàn sinh viên nhập học tại Đức thì chỉ có khoảng tám mươi nữ sinh viên. Con số này ngày nay tôi không kiểm chứng được, không còn ai nhớ nguồn gốc ở đâu, nhưng đúng trên thực tế, vì nữ sinh viên quá ít, nên chị em bạn và mọi sinh viên nam đều biết lẫn nhau rõ ràng, ai học ở đâu, học gì, và học trường nào.

Thế hệ sau tôi, đúng là „hậu sinh khả úy“, cả trai lẫn gái đều ham học, có nhiều người tài giỏi, nhất là các thiếu nữ đều cho việc đi học là một việc „tất nhiên“, thật là một điều đáng mừng. Các bạn trẻ có một ưu điểm rất lớn so với lớp thế hệ tôi, đó là khả năng hấp thụ sinh ngữ. Nhiều người trẻ nói, viết thông thạo một trăm phần trăm hai, ba, bốn, năm thứ tiếng, không như trình độ tiếng Tây, tiếng Đức, tiếng Anh nửa mùa của tôi.

Khả năng sinh ngữ mở ra một sức phát triển rất lớn cho bản thân và cho xã hội. Vì thế xã hội Việt Nam cần thiết phải tổ chức sự giao lưu của lớp trẻ trong và ngoài nước, trong tinh thần học hỏi cái hay cái đẹp của văn hóa người để xây dựng văn hóa của chính dân tộc mình.

Một số không ít người lên tiếng chỉ trích lớp trẻ ngày nay là „mất gốc, vong bản“, nhất là lớp trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại khắp nơi trên thế giới. Xin hỏi ở đây: gốc nào ? gốc Nho giáo Khổng Mạnh hay gốc Việt Nam ? Thế nào là gốc Việt Nam thuần túy ?

Dân Việt đã chẳng có câu „Đi một ngày đàng học một sàng khôn“, lớp trẻ Việt Nam ngày nay, sống rải rác trên khắp thế giới, học hỏi mỗi ngày vạn điều hay có, dở có, của những xã hội khác nhau, có một tầm nhìn rộng rãi hơn, cởi mở hơn, không còn bị đồng hóa theo tư tưởng Nho giáo Khổng Mạnh, mà triết lý cuộc đời của họ tóm gọn trong năm chữ Độc Lập – Tự Do – Dân Chủ – Hòa Bình – Bình Đẳng. Đó không phải là một điều tốt hay sao ?

Sự phát triển của phụ nữ và trẻ em là thước đo mức độ phát triển kinh tế, chính trị và nhân bản của xã hội. Xã hội phải tạo điều kiện cơ sở để giúp đỡ và bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhưng nói cho cùng, nếu mỗi người phụ nữ – khi có điều kiện và cơ hội – mà không ý thức được quan niệm trọng nam khinh nữ, thể hiện qua nhiều „ngóc ngách“ tư tưởng, bàng bạc trong nhiều cử chỉ, hành động, cách đối xử gọi là „nho nhỏ“… , không muốn học hành, mở rộng kiến thức, đi tìm và tiếp thu cái mới, cái hay của nhân loại… thì cũng không thể trách một chiều xã hội được.

Có quyền được đi học và mở mang trí tuệ thì phải cố gắng học!

2. Quyền bầu cử và ứng cử

Điều 21:

1. Tất cả mọi người đều có quyền tham dự vào trách nhiệm điều hành các công việc công cộng của đất nước họ, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua sự lựa chọn tự do các người đại diện.

2. Tất cả mọi người đều có quyền tham dự, trong mọi điều kiện bình đẳng, vào các chức vị công quyền của nước họ.

3. Dân ý là nền tảng của quyền lực chính quyền, dân ý phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử trong sạch theo một định kỳ đều đặn, bầu cử phổ thông hợp pháp, bỏ phiếu kín, hay theo một thể thức tương đương bảo đảm quyền tự do bầu cử.

Một trong những thể hiện dân chủ thực sự là quyền ứng cử và bầu cử của phụ nữ trong một xã hội, một quốc gia. Trên thế giới, chỉ vào đầu thế kỷ hai mươi, cách thời đại của chúng ta khoảng 100 năm, quyền bầu cử của phụ nữ mới được thực hiện dần dà, ban đầu với nhiều giới hạn về tuổi tác, tình trạng gia đình (có chồng hay độc thân), có công ăn việc làm (đóng thuế), trình độ học vấn… trước khi phụ nữ có quyền ứng cử, bước vào chính trường, sớm nhất là ở Tân Tây Lan (Neuseeland) vào năm 1893 và mới gần đây ở nước Ả Rập Thống Nhất (Les Emirats arabe unis; EAU) vào ngày 16/12/2006.

Không ai có thể ngờ rằng, ngay tại Pháp, đất nước của Nhân quyền (droit de l‘homme) mà phụ nữ Pháp chỉ có quyền bầu cử và ứng cử nhờ quyết định của Đại tướng de Gaulle, khi ấy đứng đầu Chính phủ Lâm Thời, đóng ở hải ngoại, ký ngày 21 tháng 4 năm 1944 tại Alger, và phụ nữ Pháp đã đi bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử ngày 20 tháng 4 năm 1945. Trước đó, trong xã hội Pháp, người chồng là người có quyền „bảo hộ“ người vợ!

Tại Đức, phụ nữ được quyền bầu cử và ứng cử vào ngày 19 tháng một 1919, sau khi Đệ nhất thế chiến chấm dứt ! Kết quả của sự tranh đấu từ năm 1891 của Đảng Xã Hội Đức (SPD). Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Đức năm 1919, thành phần phụ nữ đắc cử là 8,7%, tức là có 37 dân biểu nữ được bầu (trong số này có 19 nữ dân biểu thuộc đảng Xã Hội).

Tại Việt Nam, mãi cho đến năm 1945 phụ nữ không có quyền tham dự vào „việc nước“, không có quyền công dân, không có quyền được tham gia vào lãnh vực chính trị, xã hội, dù rằng người phụ nữ Việt Nam luôn luôn gánh vác kinh tế gia đình, tức là gánh vác kinh tế xã hội. Người vợ, người mẹ nuôi chồng, nuôi con, nuôi cả gia đình chồng nhưng không có tiếng nói, địa vị trong xã hội.

Con không cha ăn cơm với cá

Con không mẹ liếm lá đầu đường

Trong 24 đạo dụ của vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) có sáu đạo dụ trực tiếp hành xử lên người phụ nữ, qua đó cha mẹ và chồng có quyền trừng trị người phụ nữ:

  • Đàn bà có lỗi mà cha mẹ và chồng đã trừng trị thì nên phải sửa mình đổi lỗi, không được tự tiện trốn đi, làm hư mất nết đàn bà.
  • Làm đàn bà thì phải theo chồng, không được cậy cha mẹ mình phú quý mà khinh nhà chồng, nếu không như thế thì bắt tội đến cha mẹ.
  • Vợ chồng cần kiệm làm ăn, ân nghĩa trọn vẹn, duy chỉ có khi nào người vợ phạm tội thất xuất thì mới được bỏ, chứ không được khiên ái, cẩu dung làm hại tới phong hóa.
  • Người đàn bà góa không được chứa những đứa trai trẻ trong nhà, nói dối là con nuôi để âm hành những việc gian dâm.
  • Người đàn bà góa chồng, đối với các con vợ lẽ, nàng hầu, nên có lòng thương xót, không được mưu mô để chiếm đoạt gia tài làm của riêng mình.
  • Đàn bà góa chồng, chưa có con cái, phải ở nhà chồng để giữ đủ tang lễ, không được chuyển vận của cải mang về nhà mình.

Xã hội phong kiến Nho giáo Việt Nam dựa trên căn bản năm hạng người: Sĩ, Nông, Công, Thương. Đứng đầu nấc thang xã hội là kẻ Sĩ, là các thầy đồ, thầy địa lý, thầy lang, thầy bói, quan lại triều đình, hương chức, hội đồng…toàn là đàn ông. Xếp hạng cuối cùng trong xã hội là các người làm nghề buôn bán mà đa số là phụ nữ.

Khôn ngoan cũng thể đàn bà,

Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông.

Nghề thì được trọng, nghề thì bị khinh rẻ. Một trong những biểu hiện thời ấy là những bậc đàn ông quý phái thượng lưu, được hầu hạ, suốt đời không cần phải lao động chân tay, để móng tay mọc không cắt, móng tay mọc dài đến cả một hai tấc, xoắn lại như vòng xoắn, thì được gọi là „móng tay lá lan“, câu tục ngữ „không làm việc gì động đến móng tay“ xuất phát từ đấy!

Trắng như bông lòng anh không chuộng,

Đen như cục than hầm làm ruộng anh thương.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh ở đây rằng, chữ « thương » thời ấy gắn liền với hai chữ « lao động » và « sản xuất »: cô bán vải vóc lụa là cũng là người chăn tằm dệt cửi, cô bán rau cũng là người trồng rau, cô bán gạo cũng là người trồng trọt cầy cấy thóc lúa, cô bán heo, gà, vịt cũng là những người chăn nuôi, cô bán bún cũng là người làm bún…. Thường thì gái quê gái làng bán các hàng hóa do chính họ sản xuất trong các phiên chợ làng, hàng tuần, hàng tháng.

Tờ mờ sáng người phụ nữ đã thức dậy, lục tục nấu cơm nước để sẵn cho chồng con ở nhà, gánh hàng đi bộ mỗi ngày, có khi đi bộ cả hai ba chục cây số lên, chợ tỉnh, chợ quận, chợ thành phố, rao bán, buổi trưa ăn vài vắt cơm nắm, rong rỏi trên chợ đến quá trưa tan chợ lại gánh gánh về, thêm một lần ba bốn tiếng đi bộ. Về đến nhà, đặt quang gánh xuống là lo nấu bữa cơm chiều và trăm công việc trong gia đình

Ở thành phố thì phụ nữ cũng gồng gánh trên đôi vai bán rong mọi thứ cần thiết cho đời sống trên khắp phố phường, từ gánh rau, gánh gạo, gánh khoai, gánh hoa, gánh hàng xén (bán kim chỉ khuy nút…), gánh phở, gánh bún, gánh giò chả….

Con ơi mẹ bảo con này,

Học buôn học bán cho tày người ta,

Con đừng học thói chua ngoa,

Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười,

Dù no dù đói cho tươi,

Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan,

Phòng khi đóng góp việc làng,

Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng,

Trước là đắt nghĩa cùng chồng,

Sau là họ mạc cũng không chê cười,

Con ơi nhớ bấy nhiêu lời !

Nhưng nếu chàng đi buôn thì chàng ra điều kiện:

Nhà anh chỉ có một gian,

Nửa thì làm bếp nửa toan làm buồng,

Anh cậy em coi sóc trăm đường,

Để anh buôn bán chẩy trương thông hành,

Chút mẹ già trông lấy cho anh,

Để anh buôn bán thông hành đường xa,

Liệu mà thờ kính mẹ già,

Đừng nặng tiếng nhẹ người ta chê cười.

Nói theo định nghĩa kinh tế hiện đại thì phụ nữ thương nhân chỉ là hạng tiểu thương có địa bàn hoạt động nhỏ hẹp (như bà Tú Xương). Các sự việc thuần túy thương mại mua đi bán lại, mua rẻ bán đắt, có tầm mức địa lý rộng lớn hơn chưa phát triển lắm, nhưng cũng đã vượt quá tầm mức của phụ nữ làng trong lãnh vực giao dịch, mở rộng thị trường…. vì phụ nữ không biết đọc, biết viết.

„Việc nhà“ đã do cha và chồng quyết định, „Việc nước“ cũng do các Ông quyết định. Trải qua bao nhiêu thời gian, bao nhiêu lần sửa đổi tên và cách tổ chức, tất cả mọi chức vị cai trị và quản lý trong làng xã: xã quan, hội đồng kỳ mục, hội đồng hương chức, hội tề, hội đồng tộc biểu, hội đồng hương chính, hội đồng kỳ hào…đều chỉ dành riêng cho các ông, phụ nữ không được tham dự, không có tiếng nói.

Toàn Ánh viết trong cuốn „Làng xóm Việt Nam – Nếp cũ„ như sau:

„ Mãi cho đến tháng 8-1945, Việt Minh nắm chính quyền, việc tổ chức làng xã mới được sửa đổi lại….Việt Minh căn cứ vào bản Hiến Pháp năm 1946 của họ…Mỗi xã bất kể Trung, Nam, Bắc có hai cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân và Ủy Ban Hành chính…Với chế độ Việt Minh bao nhiêu cơ cấu của làng xã và bao nhiêu tập tục cổ truyền đều bị sụp đổ và tiêu hủy, kéo theo bao nhiêu là thuần phong mỹ tục. Những điều kiện ứng cử và bầu cử đều nhất loạt thay đổi. Bất cứ ai, 18 tuổi trở nên đều được ứng cử và bầu cử. „

Ý chính của Toàn Ánh là tiếc nuối tập tục cổ truyền và thuần phong mỹ tục xưa cũ, nhưng câu tiếp sau của chính ông đã phản ánh một sự thay đổi cuộc đời rất lớn cho phụ nữ: mãi đến năm 1945, với quyền bầu cử và ứng cử, người phụ nữ chính thức có tiếng nói và chỗ đứng trong xã hội. Đó là bước đầu trong việc thực hiện dân chủ.

Được xã hội và chính thể công nhận cho người phụ nữ có quyền ứng cử và bầu cử là biểu hiệu của một biến chuyển về hướng bình đẳng. Thực tế ra sao, khi người phụ nữ muốn thực hiện quyền lợi của mình, có dân chủ và bình đẳng thật sự hay không, đó lại là một vấn đề khác. Riêng tôi, khi thấy phụ nữ có khả năng kiến thức, có trình độ học vấn, mà xếp đó ngồi nhà, dù là làm một công việc có ích cho xã hội là hầu chồng hầu con, tôi vẫn lấy làm tiếc.

3. Quyền được tôn trọng nhân phẩm và thân thể

Điều 3:

Tất cả mọi cá nhân có quyền sống, quyền tự do và quyền thân thể

Điều 4:

Không ai bị cưỡng bách làm nô lệ hay người hầu kẻ hạ;

Nô lệ và sự buôn bán nô lệ bị cấm đoán dưới mọi hình thức.

Điều 5:

Không ai bị tra tấn, hình phạt hay đối xử dã man, vô nhân đạo hay nhục mạ.

Tôi xin ngắn gọn ở điểm này, vì không cứ gì ngày xưa dưới thời quân chủ phong kiến Nho giáo, phụ nữ phải chịu nhiều hình phạt thân thể, cạo đầu gọt gáy bôi vôi, đánh cho chết, dìm nước, thiêu đốt, bè chuối trôi sông…mỗi khi dám phản kháng lại các bất công trong đời mình, mà ngày nay, trong các xã hội gọi là cực độ tân tiến kỹ thuật cũng còn nhiều hành động không tôn trọng nhân phẩm và thân thể của phụ nữ.

Tình yêu thương vợ chồng và sự chung thủy gắn bó đều là một sự tự nguyện tự giác trên một căn bản tình cảm đồng điệu, chia xẻ, tôn trọng lẫn nhau. Không một người phụ nữ nào còn thương người đã đánh đập mình, nhục mạ mình. Có chăng, chỉ là một sự nhẫn nhục, hy sinh, vì con, vì gia đình, hay vì gì khác, chứ không phải vì bản thân mình.

Trên hai nước Đức và Pháp đều có hệ thống thông tin không tốn tiền để cho phụ nữ và trẻ em gọi cầu cứu cấp bách trong những trường hợp khẩn thiết, và những cơ quan xã hội, tôn giáo đều có những cơ sở đón tiếp người phụ nữ bị nạn. Nhưng, một điều hoàn toàn ngạc nhiên cho chính tôi, là các cơ sở ấy đều ngập ứ các yêu cầu giúp đỡ, đến nỗi họ chỉ có thể giúp những trường hợp nào nặng nhất. Tin tức ngày càng thường xuyên hơn trên báo chí về những người mẹ giết trẻ sơ sinh, cắt ra từng khúc bỏ tủ lạnh đá, hay dấu dưới chậu cây, giết con nhỏ…cho thấy rằng những người mẹ bất hạnh ấy bị xã hội ruồng rẫy, không giúp đỡ khi khó khăn.

Cũng xin miễn nơi đây nói đến sự bất hạnh nhục nhã của những người phụ nữ cam chịu bán thân dưới mọi hình thức, để nuôi toàn thể gia đình.

Ngày nào, phụ nữ còn chịu nhiều áp bức, thì ngày đó, phụ nữ cần phải học để mở mang trí tuệ, để tự thay đổi đời mình, cần phải có „đồng minh“ trên con đường thực hiện bình đẳng, cần phải có môi trường giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi. Một xã hội không có bình đẳng, đưa đẩy phụ nữ và trẻ em vào bước đường cùng, là xã hội đó chưa có dân chủ thực sự.

L’inégalité entre hommes et femmes dans les doctrines de Confucius

De nos jours, sur notre planète, les traitements d’inégalité des femmes, brutal ou subtil raffinement existent encore et encore. La femme, souvent, réduite dans sa fonction de reproduction et de travaux de ménage, voir plus, de machine gagne-pain, n’est pas toujours reconnue comme être humain, égale de l’homme.

Dans la société vietnamienne actuelle la position de la femme a très vite évoluée, rapide comme un tourbillon depuis le début du 20ème siècle. La société vietnamienne reconnaît la valeur de la femme: les femmes occupent des postes dans tous les étages de tous les domaines, certaines deviennent célèbres dans le monde scientifique, littéraire, artistique et politique, pas seulement au Viet Nam, mais dans plusieurs pays développés du monde. Les jeunes femmes des familles dignes de leur rang reçoivent un programme d’éducation de haut de gamme: les études universitaires, même en langues étrangères, les apprentissages pratiques: la cuisine, la couture, les beaux-arts, sans oublier les soins de beauté et les vertus d’une démarche silencieuse, d’une parole douce.

Jusque dans les années 50, un homme pouvait avoir officiellement jusqu’à quatre épouses, chacune devant s’occuper seule de ses enfants, par contre les femmes devaient rester fidèles. Cette tradition n’existe plus de nos jours, mais un divorce reste encore mal vu.

La famille compte beaucoup si bien qu’une femme qui ne peut avoir d’enfant est malheureuse aussi. Dans la période confucianiste elle aurait commis une «faute grave» et dans le temps moderne elle est considérée comme « inaccomplie ». À savoir qu’une famille vietnamienne, dans les années 50, a en moyenne quatre à six enfants, huit était une famille courante.

On n’a pas encore oublié la date historique de 1946, qui a vu l’obtention du droit de vote et de participation aux élections pour la femme vietnamienne. Et avant 1946? Les doctrines confucianistes pèsent lourdement sur le sort de la femme, quoi qu’il existait de temps en temps des réformes sous les règnes des rois généreux et progressistes.

Le confucianisme en pratique impose deux règlements principaux à suivre strictement pour maintenir l’ordre de la société – les hommes doivent respecter strictement la hiérarchie «le Roi, le Maître et le Père“ – et pour établir l’ordre dans la famille – les femmes doivent respecter strictement la hiérarchie «le Père, l’Époux et le Fils».

Toute sa vie, la femme n’a qu’à obéir et se sacrifier pour le bien-être de ses «hommes» et de leurs familles, après le mariage la sienne ne compte plus.

Jusqu’au début du XXème siècle la femme vietnamienne, à l’exception des femmes issues des familles de très haute position sociale, n’a pas le droit d’avoir une éducation, elle ne savait ni lire ni écrire.

Pourtant, le trésor des chants populaires traditionnels, chantés et développés par les femmes, prouve que les femmes apprenaient quand même par transmission orale et par mémoire. Ma mère, née en 1922, ne pouvait pas aller à l’école, elle a appris à lire et à écrire toute seule avec les filles de son âge.

Les peines de mort pour les hommes, prononcées par la cour du Roi, touchaient aussi leurs femmes innocentes: les hommes de trois générations dans la famille de l’accusé sont décapités, même les enfants et les bébés, tandis que les femmes de trois générations sont données comme esclaves.

Une simple «faux pas», une «faute» suffisaient pour des punitions corporelles et mentales très brutales, même la peine de mort, exercée par la famille de l’époux dans les cas de «femmes adultères». Les hommes ont le droit d’avoir plusieurs femmes et concubines, mais la femme doit être absolument fidèle a «son» homme, quel qu’il soit. L’époux et sa famille ont le droit de bannir, donner, vendre une de ses femmes, qui est accusée de ne pas avoir accomplit ses devoirs. Pour survivre, les femmes rejetées, qui avaient la chance de rester vivante, devaient partir très loin dans le pays. Pendant l’occupation française les femmes vietnamiennes, mariées avec un étranger, étaient considérées également comme des prostituées. Elles étaient méprisées.

La convention des droits de l’homme représente aussi pour les femmes de notre temps une base d’égalité sur le plan politique, mais la lutte contre les inégalités continue. Heureusement, les femmes d’aujourd’hui ont des moyens dont les femmes d’autrefois étaient privées: une éducation scientifique, une formation pratique, des moyens de déplacement, d’information et d’expression et les aides d’un entourage renforcé.

Bình phim „Emily ở Paris“ – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2020

9. octobre 2020

Bình phim „Emily ở Paris“ – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2020

Dẫu biết rằng, càng có nhiều người viết về một đề tài thì lại làm cho nó nổi tiếng hơn, dù không được thuê bao để viết, đành làm một việc quảng cáo không công, không mất tiền cho một bộ phim Mỹ. Vì sao ? Vì nó ẩn chứa quá nhiều chuyện „cường điệu“ về Paris mà phải nói ra để không bị mù quáng bởi phim ảnh Âu Mỹ. Tôi xem bộ phim này qua sự giới thiệu của một người bạn. Nó đã được phụ đề Việt ngữ để cập nhật khán giả Việt. Báo chí Pháp cũng đã có nhiều bài bình luận.

Điều làm cho chồng tôi phải phì cười vì cách diễn tả „đàn ông Pháp“ ở Paris. Cách tán gái của đàn ông Pháp Parisien nổi tiếng trên thế giới, sang trọng như đi thuyền, uống sâm banh trên sông Seine, hay chỉ là món trứng rán ăn trong bếp… Họ có cách „tiếp cận“ nhau rất tự nhiên.

Người Pháp, đàn ông, đàn bà, già trẻ lớn bé, thường có lệ hôn nhau trên má hai cái, ba cái, hoặc bốn cái để chào hay tạm biệt nhau. Những cái hôn này được bày tỏ bằng nhiều cách: nhẹ nhàng, tôn trọng, xã giao hay thân mật, âu yếm, gần gũi…tùy theo cả hai phía đối tượng. Và ở thời buổi này, cần phải phân biệt cho rõ quan hệ tình dục và tình yêu chân chính.

Trong phim, cách diễn đạt làm nổi bật những quan hệ tình dục, ham muốn, thèm khát, tức khắc, một đêm, vài đêm, thay đổi người tình nhanh chóng và họ quen biết lẫn nhau, chấp nhận cuộc chơi…Những mẫu người đàn ông Pháp xuất hiện trong phim là những người đại diện cho những cuộc chơi, những phiêu lưu tình dục kiểu „libertin“ (tự do quá trớn).

Những chi tiết như làm tình ồn ào quá mức, đến hàng xóm phải bịt tai lại…là những chuyện thật xảy ra ở những chung cư tường mỏng, sàn trần mỏng có ở khắp mọi nơi, không chỉ ở Paris. Hào hoa, phong nhã, làm tình từ sáng đến tối không mệt mỏi, latin lover, tán tỉnh người nào vừa mới gặp, tán gẫu về tình dục trong phạm vi đồng nghiệp…ngay từ những quan hệ nghề nghiệp xếp với khách hàng, nhân viên với nhau, những quan hệ tình dục chồng chéo, người này là vợ hay chồng hay nhân tình lâu dài, một vài đêm…của người kia, có sự đồng ý hay không của người vợ…

Nếu sự thật nó là như thế ? Hay chỉ là sản phẩm của tưởng tượng ? Nếu đàn ông Pháp ở Paris sự thật là như thế ?

Hay một cuốn phim chỉ cần nữ diễn viên thật đẹp, ăn mặc cũng thật đẹp, tài tử nam đều bảnh trai, có thân hình của người mẫu là ăn khách, coi như là thành công, mà không cần đến chi nội dung của bộ phim chuyển tải ???

Diễn viên Pháp Lucas Bravo, bảnh trai, cao ráo, đóng vai đầu bếp trong một nhà hàng ở Paris, nhìn nhận trong một cuộc phỏng vấn của tờ ParisMatch đó là „Culture Parisien“ (văn hóa parisien) rằng „Personne n´appartient à personne“ (Không một ai thuộc về một ai cả), le monde est un grand magasin de „wonders“, pas ideal, mais proche de la réaltité (thế giới là một siêu thị với nhiều bất ngờ diệu kỳ, không lý tưởng, nhưng gần với thực tế.)

Tình dục và tiền là hai vũ khí mạnh nhất để đưa những người có chức có quyền vào cái bẫy giăng ra, và lạ thay, biết thế mà có những đấng nam nhi không cưỡng lại được và cũng không thấy mình bị bẫy.

Nhân vật chính trong phim, Emily, lấy cái bánh crêpe để nói lên cái ao ước một mối tình chung thủy duy nhất của mình: „em không phải là người có thể chia xẻ một cái bánh crêpe với ai, em muốn cả cái bánh…“

Ngay cả nhân vật Sylvie cũng ngậm ngùi, cay dắng khi được hỏi về hạnh phúc của mình và đã trả lời Emily bằng những câu hỏi lại: „Cô thật sự tin là mọi người có hạnh phúc ?..Cô tin vào một hồi kết thúc hạnh phúc ?“ , trong khi Sylvie khẳng định rằng đó chỉ là „một kết thúc của một phim dở ẹt“ .(Tập 7)

Đàn ông Pháp ở tỉnh, ở làng quê, trên khắp nước Pháp, có người này người kia nhưng …số đông là truyền thống hơn, chung thủy một chồng một vợ, quan hệ tình dục trong nghề nghiệp đối với họ là điều cấm kỵ nếu họ không muốn mất việc, bị chủ đuổi.

Và cũng cần phân biệt ở đây, những cái phong cách sống cường điệu Parisien rất khác với phong cách sống ở nước Pháp còn lại.

Đã từng ở Paris, nên tôi bật cười khi căn hộ thuê cho nhân vật chính cũng là một „chambre de bonne“. Căn hộ dùng để đóng phim đã được sửa chữa lại để có bề rộng 40 mét vuông và đầy đủ tiện nghi.

Ngày trước, chủ nhà ở bên dưới trong những căn hộ rộng 100 mét vuông đến hơn 300 mét vuông, người phục vụ ở tầng trên cùng, dưới nóc nhà, trong những căn phòng nhỏ hẹp, thấp, phòng tắm và nhà vệ sinh chung, từ 6 mét vuông cho đến 9, 14 mét vuông.

Hiện tại, những căn phòng „chambre de bonne“ này được sửa sang lại cho thuê với giá tương đối ở Paris khoảng trên dưới 1.000 euros tùy địa điểm và mức độ tiện nghi là chỗ ở rẻ nhất ở Paris, nhưng vì ở trên cao từ những căn hộ chambre de bonne có cái nhìn trên nóc nhà của những kho phố Paris và đường phố, đó là cộng điểm cho giá thuê nhà.

Cùng cộng điểm thêm với sự kiện tường mỏng, hiện tượng mất điện, đang tắm mất nước…, bà gác nhà chanh chua, đáo để, thùng rác bốc mùi ngay cửa ra vào, đạp phải cứt chó khi vừa ra khỏi nhà, nhiều đường phố đầy rác, những cầu thang máy nhỏ xíu vừa đủ cho hai người đứng sát vào nhau…đó là đời sống thực tế của đa số ở thủ đô Paris hào nhoáng.

Cơm áo gạo tiền cũng là những nổi khổ của dân ở khắp nơi, không cứ riêng gì ở Paris. Càng lên cao không khí càng mỏng dần, càng phải củng cố địa vị để kiếm ra tiền. Sự cạnh tranh được thể hiện rõ nét qua phim.

Vai Sylvie, sếp công ty dịch vụ thương mại Savoir, đã thể hiện được vai trò của mình, từng trải, sexy, lạnh lùng, khinh khỉnh, có những cú „đá giò lái“ cực hiểm, chỉ chạy theo đồng tiền, đúng y như mẫu phụ nữ trong nghề nghiệp mà người ta thường gặp. Hễ công việc chạy tốt, có nhiều khách là tất nhiên dịch vụ cao giá.

Đứng về mặt quản trị kinh tế, các nhà sản xuất, không có khâu „dịch vụ thương mại“ của mình, thường bắt buộc phải thuê công ty ngoài để quảng bá, thúc đẩy việc buôn bán của mình, tìm khách hàng mới, tìm thị trường mới. Điều này, trong kinh tế học, nói lên sự đề cao khâu thương mại so với các khâu khác như sản xuất, nhân sự, thâu mua, kế toán…vì sản phẩm tốt chưa hẳn đã có thành công trên thị trường và được ưa chuộng rộng rãi bởi khách hàng.

Cái thú vị của tôi khi xem bộ phim này, vì méo mó nghề nghiệp, chính là vì được xem thế nào là công việc trong ngành marketing, giống như ngành lobbying, một ngành mà phụ nữ chiếm đa số để tạo ảnh hưởng: giao tiếp, gặp gỡ, quan hệ, giao tiếp, gặp gỡ, quan hệ…là chính.

Emily, nhân vật chính đóng vai nhân viên đi săn khách hàng, không nói được tiếng Pháp dù cô cố gắng học, đến Paris mà chỉ nói tiếng Mỹ, thể hiện được vai trò của mình: ngây thơ, kiêu ngạo, muốn đem cái kiến thức thương mại lẫn phong cách sống của Mỹ ra để dậy khôn cho người Pháp ở Paris, muốn thế giới phải quay chung quanh mình, thể hiện tiếng Anh là ngôn ngữ hạng nhất trên thế giới, tiếng Pháp xuống vai trò thứ yếu, mình đồng da sắt trong nghề nghiệp, không một lời xúc phạm nào làm chạm đến cô, không một cử chỉ khinh miệt nào làm cô nổi nóng, giận dữ… , lạnh như tiền, một cô gái Mỹ có bản lĩnh trên sân chơi nghề nghiệp ở Paris và đã thành công.

Dụng cụ làm việc của cô ta là sự tươi trẻ, hồn nhiên, cái miệng nói huyên thiên, duyên dáng, cái máy điện thoại vừa là máy chụp ảnh chuyên nghiệp và cái laptop. Cô tận dụng khả năng của các mạng xã hội, được gọi là „người gây ảnh hưởng“ để quảng cáo cho chính mình dưới bảng hiệu „Emily in Paris“. Không có ít người „nghiện“ cái „like“ của mạng xã hội, càng nhiều người theo dõi thì càng nổi tiếng và càng có ảnh hưởng. Vậy mà cô bị gọi là „la plouc“ (Cái đồ nhà quê ngu ngốc) và cô ta đã bị nhuốm mầu Parisien lúc nào không hay: người Parisien là người nhiều mặt, không thật tình, che giấu, thích cường điệu hóa mọi chuyện, sống phô trương, hợm hĩnh, „không ai đến Paris để ngoan cả“, theo lời đầu bếp trong phim.

Ngay cả ngôn ngữ Pháp cũng là đề tài của phim, khiêu khích ngay với công kích „le vagin n´est pas masculin“ (âm hộ không thuộc phái nam) với ẩn ý trong hai đoạn đầu của phim. Hai phu nhân tổng thống Pháp, bà Brigitte Macron và bà Carla Bruni Sarkozy bị lạm dụng đưa lên phim một cách bất đắc dĩ, dù không có quan hệ gì với nhà sản xuất. Danh tiếng của hai bà phu nhân này trên thế giới đã làm cho bộ phim nổi như cồn ở Mỹ.

Trong phim cũng có những cú „đá hậu“ đến nước Đức, đến bà thủ tướng Angela Merkel, sự kiện một chàng thanh thiếu niên 17 tuổi lần đầu có quan hệ tình dục vởi một phụ nữ lớn tuổi hơn, du khách giầu có ở Thượng hải đem nhiều tiền đến nướng ở Paris, để thăm viếng một bạn cũ thuộc hàng siêu giầu đang „trốn“ cha mẹ ở Paris, vấn đề đuổi việc dễ dàng của những người không có giấy tờ sinh sống hợp lệ ở Pháp, „Les Chinoises sont méchants derrière ton dos mais les Francais sont méchants en face“ (Người Trung quốc thì hung dữ sau lưng nhưng người Pháp thì hung dữ ra mặt), những người buôn bán lẻ hách dịch, khó chịu ở Paris, cùng với nhiều „clichés“ (thành kiến có sẵn) về lối sống ở Paris như đi làm muộn 10 giờ, 11 giờ, hút thuốc lá liên tục….

Tất nhiên, một thủ đô Paris đẹp tuyệt vời như carte postale và rất sạch sẽ làm bối cảnh cho bộ phim, tung ra đúng vào thời điểm covid-19 mà du khách thế giới phần lớn đều bị ở nhà, đóng cửa nhà, đóng cửa biên giới, không cho xuất nhập. Khán giả được no con mắt, như được đi nghỉ hè với những cảnh quay ở tháp Eiffel, Cổng thành chiến thắng (Arc de Triomphe), Place de L´Estrapade, tiệm bánh mì Moderne, vườn Palais Royale, le Panthéon, cầu Alexandre III, cầu tình yêu (Pont des Arts), nhà hàng Le Grand Véfour, Hotel d´Evreux, Atelier des Lumières, la Maison Rose, Rue de l´Abreuvoir, Place Dalida, Café de Flore, kênh Saint-Martin, Opéra, Hotel Plaza Athenée, Château de Sonnay, La Monnaie de Paris…., những bữa ăn ấm cúng, vui vẻ trong những nhà hàng Pháp, cùng dạo chơi những vườn hoa công cộng, đi thuyền trên sông Seine…, những căn hộ Parisien tuyệt vời đáng giá mấy triệu euros….

Cả bộ phim Emily in Paris, 10 tập, mỗi tập ba mươi phút, được người Pháp đánh giá là chấp nhận được dù rằng nó chứa đựng từ đầu đến cuối nhiều thành kiến về tính chất thế nào là Pháp của người dân Pháp. Được quay từ tháng 8 năm 2019, chiếu từ tháng đầu 10 năm 2020 bộ phim chỉ được đánh giá là đạt được tầm mức trên trung bình, vì thế những cố gắng về marketing (thương mại) đang được đặt ra cho chính bộ phim. MTT

Cô có biết người Pháp làm gì khi mọi chuyện đều không tốt ? khi mà những quả bom dội như mưa xuống đầu nước Pháp những  năm 39-45 ? Cô có biết họ làm gì không ? Họ đi ẩn trốn ? Không, họ làm tình với nhau.

Place de L´Estrapade – Quận 5 Paris



La Maison Rose, Paris


EMILY IN PARIS (L to R) ASHLEY PARK as MINDY CHEN and LILY COLLINS as EMILY in episode 106 of EMILY IN PARIS. Cr. STEPHANIE BRANCHU/NETFLIX © 2020

 

 

 

Une lettre de la Première Dame de la République Française et la Poste -©Mathilde Tuyet Tran, France 2020

6. octobre 2020

J´ai l´honneur de recevoir une lettre écrite par Monsieur Pierre-Olivier COSTA, Directeur du cabinet de Madame Brigitte MACRON, au nom de la Première Dame de la République Française.

Cependant, cette lettre envoyée le 24 juillet 2020 de La Présidence de la République, a été retournée pour la raison „Défaut d´adressage“ (sans date de retour du bureau de Poste), et puis réexpédiée encore la deuxième fois par le même bureau le 01 octobre 2020 avec la même adresse exactement et finalement je l´ai trouvée dans ma boite aux lettre le matin du 06 octobre 2020.

Cette petite histoire prouve une chose: le harcèlement de la Poste à mon encontre, si ce n´est que le centre de tri, si la Poste de Ressons-sur-Matz, si le facteur du village. Mon village est si petit, ni commerce, ni école, une seule rue d´un bout à l´autre pour l´entrée et la sortie…avec environ 90 âmes habitant en permanence, je suis unique „étrangère“ dans le village, comment la Poste ne trouve pas où j´habite depuis plus de 20 ans toujours à la même adresse ?!

Sur la vignette de refuse de la distribution on peut lire „La Poste a tout mis en œuvre pour distribuer ce pli“, ce n´est pas vrai ! Au minimum le facteur connaît mon adresse, et alors ?

La Poste en France, contre son propre marketing, est le contraire de ce qu´on appelle „confiance“ !

Les courriers adressés à mon mari ont toujours été distribués, tant qu´ils ne portent pas mon nom de jeune fille, un nom étranger. Finalement depuis le mois de juin 2018 j´ai souvent perdu mes courriers adressés à mon nom et j´en perdrai encore. Pourquoi ?

Seul le vent connaît la réponse ?

Luật Pháp: chiếm nhà ở bất hợp pháp !

20. septembre 2020

Luật Pháp: chiếm nhà ở bất hợp pháp ! ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Một đạo luật đang gây thêm sóng gió trên đất Pháp trong mùa dịch covid mà chưa tìm được giải pháp cụ thể và có hiệu nghiệm cứu vãn cho nạn nhân, đó là trường hợp nhà ở bị chiếm bất hợp pháp khi chủ nhà vắng mặt.

Khi nhà ở bị chiếm bất hợp pháp, muốn thâu hồi lại căn nhà, thường thì nạn nhân – chủ nhân một căn nhà – mất từ một đến ba năm hơn và phải trải qua một giai đoạn đấu tranh pháp lý với quan tòa, luật sư, thừa phát lại, cảnh sát và luật sư…cực nhọc và rất tốn kém để đòi lại quyền lợi và sở hữu của mình, chứng minh với tất cả giấy tờ cần thiết từ giấy mua bán nhà đất, giấy công tơ điện, công tơ nước, giấy thuế nhà thuế đất, các hóa đơn sửa chữa nhà cửa… .

Nếu giấy tờ này lại nằm trong căn nhà bị chiếm thì sao ? Bởi vậy chủ nhà phải lo trước, phải cất giữ giấy tờ cần thiết ở một chỗ khác phòng khi bị thiệt hại về nhà cửa như thiên tai, cháy, bị chiếm đóng bất hợp pháp, trộm cướp…..

Tại sao lại có trường hợp như thế trong một nước như nước Pháp bảo vệ quyền tư hữu của dân chúng ?

Trở lại một chút về lịch sử của sự „chiếm đóng bất hợp pháp“ nhà cửa theo Wikipedia: Kể từ năm 1972, phía cực tả „theo Mao“ – les Secours rouge – phát động chiến dịch, phong trào chiếm đóng những căn nhà bỏ trống, những phân xưởng đã ngưng sản xuất… làm nơi trú ngụ cho những gia đình nghèo, có con nhỏ, hay dùng làm nơi ở tập thể.

Từ ngữ „squats“, „squatteurs“ (danh từ chung), „squatter“ (động từ) du nhập vào ngôn ngữ Pháp từ đó.

Người ta lên án những kẻ có nhiều căn hộ, nhiều nhà cho thuê, những người bỏ nhà trống, không ở, đồng thời tội nghiệp thương cảm cho những người không có nhà ở. Họ nâng cao mầu sắc chính trị của việc chiếm đóng nhà cửa, chính trị hóa và nghệ thuật hóa một phong trào chiếm đóng.

Những người chiếm đóng là những gia đình tỵ nạn mới đến, những đứa trẻ ở „lậu“, những người thất nghiệp, những người mẹ đơn thân, họa sĩ, nhạc sĩ có thu nhập thất thường, yếu kém, thành phần nghèo bị „lọt sổ“ trong xã hội vì không đáp ứng được những tiêu chuẩn đặt ra của người có nhà cho thuê…

Squatter là chiếm nhà người khác, chiếm đóng hay sử dụng những vật dụng tài sản trong nhà đó, không trả tiền thuê nhà, tự do muốn trang trí, sửa chữa mà không cần phải hỏi ai, người chiếm đóng như là người chủ.

Squatter là một „cuộc chiến“ hàng ngày không súng đạn, đối lập với thành phần trưởng giả và hệ thống tư bản, để đạt được sự tự lập, cho không, tái thiết, đối lập với tất cả mọi thứ…. Họ chiếm đóng những tài sản quốc gia, hay của những chủ nhân lớn, của nhà thờ, của công ty xe lửa…

Một số nghệ sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ chiếm đóng những cơ sở bỏ trống tại Paris và một số thành phố lớn như Marseille, Lyon …để ở, làm nơi hoạt động nghệ thuật, tổ chức những hoạt động triển lãm, văn nghệ, sự kiện….Những nghệ sĩ chiếm đóng lâu dài đã tạo dựng được một phân khúc văn hóa nhất định gây tiếng vang và tạo sức ép đối với chính quyền để tài trợ, ủng hộ họ. Có những squats trở nên nổi tiếng. Chủ nhà, chủ cơ sở phải thương lượng với người chiếm đóng để họ trả tiền nhà.

Một căn nhà ở Normandie bị chiếm đóng bất hợp pháp. Báo l´Edition du soir, Normandie

Trong những năm 80, 90 những căn nhà vắng chủ phải xây tường bịt kín cửa sổ và lối ra vào.

Những công ty, cá nhân có nhiều nhà cho thuê thường lựa chọn người thuê một cách gắt gao để bảo đảm quyền lợi của họ, có đi thuê nhà mới thấu hiểu được hoàn cảnh của những người phải ở thuê.

Chủ nhà cho thuê đòi hỏi những điều kiện thu nhập, điều kiện phải có người bảo lãnh, giấy thuế của người bảo lãnh, cách chuyển tiền của người bảo lãnh cho người thuê nhà, soi mói đời tư, cách sống của người thuê nhà….Nhiều nhà cho thuê, nhắm vào tầng lớp có thu nhập cao, bảo đảm, loại trừ hẳn những thành phần nghèo, thất nghiệp. Người nộp đơn xin thuê nhà thường phải chờ đợi một thời gian dài. Trần ai khổ ải mới thuê được một chỗ ở, mừng còn hơn là trúng số vì mọi chuyện hành chánh khác đều phụ thuộc vào địa chỉ chỗ ở.

Thống kê của INSEE năm 2018 cho biết tại Pháp có 58% người có tài sản nhà ở, tức là họ là chính chủ căn nhà mình ở, và khoảng 40% người ở nhà thuê, trong số này có 17% thuê nhà của chính quyền và 23% thuê nhà của tư nhân.

Kể từ 2015 những cuộc chiếm nhà bất hợp pháp tái phát mạnh mẽ, người chiếm nhà chiếm hẳn những căn nhà của cá nhân, tư nhân, không bị bỏ hoang, chủ nhà đang ở, bằng cách thay ổ khóa cửa nhà, họ biết rất rõ, lợi dụng chỗ hở của luật pháp hiện hành, lúng túng kéo dài thời gian đến những hai, ba năm, cho họ có quyền chiếm đóng tài sản của người khác trong thời gian ấy.

Chủ nhà, không đòi được nhà, phải đi ở khách sạn, ngủ ngoài xe hơi…, tài sản của họ trong nhà bị lạm dụng, mất mát, nhà cửa bị phá nát, thậm chí cả cái bồn cầu, ống nước… cũng bị gỡ đi, xuống cấp, thiệt hại nặng nề. Những căn nhà của gia đình cha mẹ đã qua đời còn trong giai đoạn phân chia tài sản giữa con cái, mà không có người ở, cũng bị người đến chiếm đóng. Có người, đi nghỉ hè, thấy chỗ ở thứ hai của mình bị chiếm đóng bởi người lạ. Thậm chí, một số luật sư, thừa phát lại, chưởng khế….lập công ty để mua lại rẻ nhưng căn nhà bị chiếm đóng.

Sự kiện làm nóng lên một tình trạng chiếm đóng nhà một cách bất hợp pháp xảy ra mới đây ở Théoule-sur-Mer thuộc vùng Alpes-Maritime. Vợ chồng ông Henri Kaloustian, hưu trí ở Lyon, trước kia ông Kaloustian là thợ máy, dành dụm mua được một căn nhà thứ hai để hưởng hưu của mình ở Théoule-sur-Mer, ông bà không phải thuộc thành phần „trưởng giả“ trong xã hội.

Năm nay, khi ông bà Kaloustian về nhà của mình để nghỉ mùa hè, thì thấy ngôi nhà đã bị người lạ chiếm đóng từ giữa tháng tám 2020 bởi một cặp vợ chồng có hai con nhỏ, họ đã thay khóa cửa nhà.

Vợ chồng ông Kaloustian phải ngủ đêm trong xe hơi rồi quay trở về Lyon. Thật là may mắn cho ông bà Kaloustian, người chồng đó lại bị cảnh sát bắt tạm giam vì vợ ông ta gọi cảnh sát đến nhà, tố giác về tội bạo hành vợ chồng và nhở cảnh sát can thiệp mang đồ đạc, hành lý của mình ra khỏi ngôi nhà mình chiếm đóng, rồi người vợ đã đem hai đứa con ra khỏi nhà, lên xe hơi của mình đi mất, trong khi người chồng bị cảnh sát còng tay đem về trụ sở. Một người bạn của cặp vợ chồng này cùng chiếm đóng trong nhà, thấy tình hình căng thẳng, truyền hình, cảnh sát túc trực, cuối cùng cũng đồng ý tự ý rời khỏi ngôi nhà. Được sự ủng hộ của báo chí, truyền hình và mạng xã hội, trường hợp chiếm nhà của ông Kaloustian khơi dậy sự chú ý của cả nước Pháp. Ngày 11.09.2020 ông bà Kaloustian lấy lại sở hữu của mình và bắt đầu dọn dẹp lại ngôi nhà của mình. Đây là một trường hợp ngoại lệ, có một không hai.

Những người bênh vực cho rằng cả hai bên, người chiếm đóng và người bị chiếm nhà đều là nạn nhân của chính sách nhà ở, thiếu thốn nhà ở cho nên người ta phải chiếm đóng nhà người khác, và đổ lỗi cho cấp quận trưởng của hạt hành chánh và tòa án không làm tròn phận sự của mình. Thời gian để lấy lại căn nhà là nơi trú ngụ chính thức của mình kéo dài quá lâu, từ một năm đến ba năm hơn.

Hiện nay, tòa án ở Pháp phân biệt nhà ở chính (domicile principal) và nhà ở thứ hai (résidence secondaire), cho những trường hợp tư nhân, cá nhân bị chiếm nhà. Luật lệ được áp dụng hiện hành vẫn là luật cũ từ những năm 80, 90 tuy gần đây có thay đổi đôi chút.

Người bị chiếm đóng nhà cửa phải làm đơn thưa ra cảnh sát, và đơn thưa lên quận trưởng của hạt hành chánh cấp tốc trong vòng 48 tiếng đồng hồ, và đơn thưa lên tòa án tiếp tục nếu ở hạt không giải quyết.

Theo luật hình sự hiện hành, người chiếm đóng nhà, nếu chứng minh được họ vào nhà một cách bất hợp pháp như bẻ khóa nhà, phá cửa sổ, thay đổi khóa cửa nhà…, thì họ chỉ bị phạt tù 1 năm và 15.000 euros, trái lại, nếu chủ nhà dùng những biện pháp hăm dọa, đuổi người chiếm đóng ra khỏi nhà mình mà không thông qua luật pháp thì sẽ bị phạt nặng hơn đến 3 năm tù và 30.000 euros tiền phạt.

Sở dĩ có tình trạng luật lệ như thế, vì đứng về phía luật dân sự, tòa án vẫn coi trọng „quyền có nhà ở“ (droits de logement) hơn là „quyền sở hữu nhà đất“ (droits de propriété) ! Lại còn thêm luật lệ không được đuổi nhà trong mùa đông, cũng gây khó khăn thêm và kéo dài thời gian chiếm đóng thêm.

Những điều này, đứng về mặt nhân bản thì cũng gây tranh cãi, khi chủ nhà chỉ có mỗi một cái nhà để ở ?!

Trên nguyên tắc, quận trưởng một hạt hành chánh có nhiệm vụ giải quyết các việc chiếm đóng nhà cửa, nhưng thường ngại những việc đuổi nhà mà có trẻ nhỏ, lại đùn đẩy cho tòa án phải đưa ra quyết định rồi mới thi hành.

Luật pháp không công bằng thì người dân có khuynh hướng „tự làm luật“ và tự đưa mình vào con đường „vi phạm“ luật pháp khác nữa, như một vài trường hợp đã xẩy ra.

Ngày thứ năm 17.09.2020 tờ báo có uy tín nhất ở Pháp Le Figaro đặt câu hỏi « Có phải có luật lệ cứng rắn hơn để chống lại những người chiếm đóng nhà cửa ?  » thì 98% trả lời rằng có trong số 168.518 độc giả trả lời online.

Vấn đề đọng lại là phải bổ xung, sửa lại luật lệ cũ đã không còn hợp với tình hình hiện tại, tìm được sự công bằng cho cả đôi bên.

Nhưng vấn đề làm lại luật mới, hay sửa luật cũng cần một thời gian rất lâu. Hiện thời, các chủ nhà vẫn phải lo liệu, đề phòng những nguy biến có thể xẩy ra, và điều này tạo nên thêm một hiện tượng tâm lý bất an trong dân chúng mà trách nhiệm nằm về phía chính quyền.MTT

Tin buồn

17. septembre 2020

Tin buồn

Bà quả phụ Trần Trọng Tân

Nhũ danh Nguyễn Thị Chức

đã về cõi vĩnh hằng ngày 16.09.2020

nhằm ngày 29.07 âm lịch năm Canh Tý

tại thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam

hưởng thọ 90 tuổi (1931-2020)

Tuyết Trần và Pierre Deschamps thành kính phân ưu cùng anh Trần Trọng Dũng và chị, các cháu cùng toàn thể tang quyến.

Xin đốt nén hương nơi từ xa xăm gửi theo mây bay về tận quê nhà

cầu chúc anh linh Cụ Bà tiêu diêu vĩnh cửu.

Thị trường tiêu thụ mùa covid-19 năm 2020

10. septembre 2020

Thị trường tiêu thụ mùa covid-19 năm 2020 – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2020

Học thuyết trong kinh tế rằng những tiêu thụ của thành phần giầu sẽ nhỏ giọt, thấm ơn mưa móc, bù đắp được lỗ hổng do thành phần nghèo và trung lưu của xã hội gây ra và vực lại được một nền kinh tế bấp bênh một lần nữa đã được thực tế chứng minh là một học thuyết chỉ có giá trị tương đối, đôi khi sai lầm hoàn toàn, như trong giai đoạn covid-19.

Một thí nghiệm rõ rệt vô hình chung đã xảy ra trong cuộc cách ly toàn thể xã hội tại Pháp từ ngày 17.03.2020 đến ngày 11.05.2020, tổng cộng là tám tuần lễ, mới chấm dứt lệnh phong tỏa xã hội đợt I.

Trong khoảng thời gian hai tháng trời như dài đằng đẵng này, khi mọi người coi như bị giam lỏng trong bốn vách tường của mình, muốn đi đâu phải có giấy phép đặc biệt, số lượng 100.000 cảnh sát khám giấy tờ ở mọi ngã tư, ngã ba….từ nhà quê vắng vẻ cho đến thành thị, đã gây ấn tượng mạnh, khó quên trong dân chúng. Những người chưa biết thế nào là xa cách, thế nào là bất lực trước công quyền thì nay đã được nếm mùi.

Thời gian như đứng lại. Phố xá đìu hiu không một bóng người. Đường xá vắng hẳn xe cộ, vắng tanh vắng ngắt. Những người vô gia cư không biết đi đâu, về đâu, chỗ nào xin ăn.

Chỉ cho phép ra đường đi chợ gần nhất để mua thực phẩm, đi bác sĩ, đi nhà thương thì phải có giấy tờ chứng minh, nếu không thì bị phạt. Hàng vạn hoàn cảnh gọi là „đặc biệt“ xảy ra, cha mẹ già ốm đau con cái không được đến săn sóc, vợ chồng xa cách không được về với nhau, những sự săn sóc người có bệnh kinh niên bỗng dừng lại, trẻ con không được ra đường, đến trường……, gây sợ hãi, bấn loạn, khủng hoảng tinh thần.

Mọi người ngồi trong nhà, đóng kín cửa, dán mắt lên màn hình ti vi, ngó chăm chăm về Paris….vì không biết nhìn đâu. Ở Paris chỉ có người giầu mới sống được, họ vẫn túa ra đường chạy bộ, dắt chó đi dạo loanh quanh các khu phố…

Từ 11.05.2020 trở đi người dân được phép di chuyển trong vòng bán kính 100 km chỗ ở của mình, gọi là „espace vitale“ (địa bàn sinh sống) tối thiểu của dân chúng. Ngày 02.06.2020 mới hết lệnh cấm „100 km“, ngày 15.06 giải tỏa các biên giới nội địa châu Âu. Cho đến hôm nay, giữa tháng chín, các biên giới quốc tế vẫn chưa được giải tỏa, giao thông chưa trở lại bình thường.

Nhắc lại tình trạng trên để có thể hiểu được sự thay đổi trong cách tiêu thụ của dân chúng.

Hình như những người có trách nhiệm quên đi bộ môn tâm lý học trong những quyết định của họ. Con thú khi bị nạn, phản xạ của nó là chạy trốn, co cụm lại, thì con người cũng thế.

Co cụm kinh tế có nghĩa là thắt hầu bao, giảm thiểu tiêu xài đến mức tối đa, để dành khi có biến loạn xảy ra thêm nữa. Sự việc „bùng nổ kinh tế“ sau cách ly xã hội đã không xảy ra toàn diện. Vẫn là những người dân Paris giầu có đi chơi hè, nghỉ hè…làm kẹt xe trên các nẻo đường đi và về Paris trong mùa hè 2020. Sức tiêu thụ của họ, dù cho có phóng khoáng hơn mọi khi, cũng không đủ làm cho kinh tế sống lại như trước.

Sự việc chỉ cho phép người dân đi chợ mua thực phẩm ở nơi gần nhất và chỉ được một người đi, tạo ra hiện tượng „À, ra thế !“ . Thực phẩm thiếu thốn, chất lượng dở, giá mắc….nhưng vẫn phải mua, không được đi chỗ khác, chỗ quen biết, chỗ lui tới thường xuyên vì một lý do nào đó.

Sự việc ấn định phạm vi địa bàn sinh sống (espace vitale) trong vòng 100 km càng làm cho người dân ngạc nhiên „ À, ra thế !“ , người ta bắt đầu nhìn, ngắm chỗ ở của mình với một con mắt khác, gây thêm sợ hãi, nếu có việc gì xảy ra thì mình không đi ra khỏi phạm vi này được.

Sự việc phải đeo khẩu trang nới rộng trên đường phố trong một số thành phố lớn và Paris, ngoài những cơ sở công cộng khép kín như chợ búa, nhà thương, trường học, cửa hàng, tiệm ăn….càng làm cho người dân co cụm.

Trước kia vô tư, đi đó đi đây, thì nay nhiều người co cẳng nằm nhà để tránh bị ăn đòn, bị đánh đập, bị phạt vạ, bị mắng chửi chỉ vì một cái khẩu trang đeo không đúng cách « À, ra thế ». Trên nguyên tắc, khẩu trang dùng để bảo vệ sức khỏe trước nhất cho mình, và cho người, nhưng cái khẩu trang bị biến thành một áp lực xã hội bắt buộc, là nguyên nhân của những sự việc « thượng cẳng chân, hạ cẳng tay » đáng tiếc.

Cách ly, cách ngăn, ngăn cấm di chuyển…là những hậu quả của…chiến tranh, một trong những quyền tự do căn bản tối thiểu của con người là quyền tự do di chuyến để sinh sống, để lánh nạn. Thế mà lại bị tước đi một cách bất ngờ, không báo trước rộng rãi và không biết khi nào chấm dứt, có thể tuần này, có thể tháng sau…sau nữa.

Vì thế, chỉ còn có cái ăn, ngoài cái ở và bình diện sức khỏe, là người ta phải tiêu tiền. Thậm chí có người bắt đầu trồng trọt cà chua, cà rốt, hành, tỏi…..các thứ rau cỏ trên một mảnh đất nhỏ xíu, trước kia không thèm ngó đến để cho cỏ dại mọc.

Thói quen tiêu thụ thay đổi với 3 yếu tố hàng đầu là giá cả, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm: người ta bắt đầu ý thức được cái gì là dư thừa, không cần thiết, cái gì cần thiết, ít đi chợ siêu thị hơn, thích tự nấu ăn, tự làm bánh hơn là mua các thực phẩm ăn sẵn, chứa thực phẩm ở nhà nhiều hơn, đi chợ phiên nhiều hơn, dù đắt hơn nhưng ưu tiên tiêu thụ những sản phẩm Pháp, sản phẩm địa phương, thích mua hàng Second-Hand hơn (mua đồ cũ)…

Người ta học được những thứ phải luôn luôn có sẵn trong nhà: găng tay, chất sát trùng rửa tay, khẩu trang, túi rác, các chất sát trùng lau chùi…

Không còn những người thích dạo chơi và tiêu tiền ở các trung tâm thương mại vĩ đại, hoành tráng và đông người nữa. Sự ham muốn „có để mà có“ đang dần dần giảm xuống trong thái độ của người tiêu thụ.

Những tin tức, tin thật và tin giả, phát tán trên mạng càng gây ra tâm lý hoang mang, sợ hãi, ru ngủ cho một tương lai gần, nuôi dưỡng một sự co cụm lâu dài.

Nhiều người, vì cùng quẫn suốt ngày ở nhà buồn chán nảy sinh ra mua hàng trên mạng. Bỗng dưng, các trang mạng bán lẻ nở rộ, nở hoa thu được nhiều lợi nhuận, vì người mua phải trả tiền trước qua mạng rồi mới được giao hàng sau. Nhưng việc bán lẻ qua mạng bị kìm hãm vì ba lý do: giao hàng chậm trễ, mất mát, hàng hóa không đúng chất lượng, yêu cầu và người mua bị ăn cắp dữ liệu thẻ ngân hàng, mất tiền mà không được gì.

Một cuộc thăm dò cho biết nếu một lệnh cách ly xã hội mới xảy ra thì 64% các cửa hàng bán lẻ „gần người tiêu thụ“ vì thiếu vốn sẽ không trụ được.

Sự hinh thành một hệ thống tiêu thụ mới như „drive“ (mua hàng đặt trên mạng, khách chỉ đến lấy) hoặc giao hàng tận nhà, tiêu thụ tại chỗ, tránh mua hàng hóa phải di chuyển vòng quanh thế giới… làm chuyển động các nhà bán lẻ với những trung tâm thương mại cố định hyper-marchés, super-marchés, mà người mua phải đến tận nơi mua sắm, thường nằm ở xa thành phố, trong những khu vực thương mại riêng rẽ.

Tổ chức „e-commerce và bán buôn đường dài“ (vente à distance) đã đạt được một con số doanh thu đáng kể là 100 tỷ euros và có 40 triệu khách hàng tại Pháp, như trường hợp Amazon có doanh thu tăng 26% đạt 75,5 tỷ dollars (64 tỷ euros) trong mùa covid.

Trong khi các mảng thị trường khác đều bị thiệt hại, như thị trường xe hơi bớt đến 6.000 euros cho một chiếc xe mới, thì chỉ có thị trường bất động sản là được mùa hậu covid. Khách hàng mua nhà là dân giàu có parisien, khi trước chỉ tiêu của họ là Paris nội thành, lấy đường xa lộ vòng quanh Paris làm ranh giới, thì bây giờ họ sẵn sàng mua nhà ở ngoài vòng để có đất, có vườn, có sân, có ban công…làm cho giá nhà đất ở những vùng bọc quanh Paris tăng đến 8%.

Pháp đang tìm cách „giải thoát“ 85 tỷ euros tiền để dành trong các ngân hàng của dân chúng để đổ vào vòng quay kinh tế. Một biện pháp mới là cha mẹ được cho con cái 100.000 euros miễn thuế để xây nhà, sửa nhà hay mở hãng xưởng.

Những mảng thị trường của CAC 40

Tổ chức CAC 40 là tổng hợp của 40 hãng xưởng hàng đầu của nước Pháp, có tổng số vốn khoảng 697,2 tỷ euros, báo tin thất bại trong các ngành xe hơi, du lịch….trong năm 2020, những „triệu chứng“ làm nhớ đến năm 1929, giai đoạn nung nấu đưa đến đại chiến thứ hai.

Ngày 08.09.2020 tờ Le Figaro loan tin trong tam cá nguyệt II vừa qua, thị trường lao động của Pháp đã mất đi thêm hơn 215.000 việc làm, cộng với con số gần 500.000 công ăn việc làm bị biến mất đi trong tam cá nguyệt I. Tổ chức quản trị bảo hiểm thất nghiệp Unedic phỏng đoán sẽ có 900.000 công ăn việc làm bị tiêu hủy trong năm 2020 tại Pháp.

Đọng lại một câu hỏi, tại sao một quốc gia tự dưng tự nguyện phá vỡ nền kinh tế của mình như thế ?

Tình hình dân chúng Pháp như chia hai, bên này thì sợ hãi, lo lắng, bên kia thì chống lại việc bắt buộc phải đeo khẩu trang. Cả hai bên đều không/ít tiêu thụ vì lo sợ và bực tức.

Trên báo chí Pháp và trên nhật báo Le Parisien ngày 11.09.2020 xuất hiện một lá thư ngỏ của 35 nhà nghiên cứu, vi trùng học, giáo sư, bác sĩ…trong giới y khoa kêu gọi chính quyền phải thay đổi thái độ gây lo sợ trong dân chúng, thí dụ như bằng những con số thống kê không nói lên được điều gì, không thống nhất, bằng biện pháp bắt buộc phải đeo khẩu trang trên đường phố, không có minh chứng khoa học…Cùng ngày 200 bác sĩ ký một lá thư ngỏ yêu cầu „Hội đồng Cố vấn Y khoa“ (Conseil de l’Ordre) hãy „để yên“ cho giáo sư bác sĩ Raoult Didier, người đã gánh chịu nhiều tai tiếng khi ông đơn thân độc mã bảo vệ cho phương cách điều trị chống covid-19 của mình, đi khác con đường của những người thuộc nhóm lợi ích….

Như để trả lời, ngày 11.09.2020 nhân lúc phải quyết định các biện pháp chống nạn covid-19 đang trở lại, ông Jean Castex, thủ tướng mới, thay thế ông Edouard Philippe, tuyên bố không ban hành cách ly xã hội toàn diện, cũng như không khoanh vùng cách ly, mà „Chúng ta phải sống chung với con vi khuẩn (lũ), không phải bước vào một lần nữa trong cái lý luận cách ly toàn diện. Chiến lược của chúng tôi không thay đổi. Chống lại con vi trùng đồng thời tránh phải đặt đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế, giáo dục con em chúng ta và khả năng sống bình thường của chúng ta trong dấu ngoặc.“. Castex kêu gọi sự tự giác, ý thức của mọi người, đặc biệt là của người già, có bệnh tật. Biện pháp mới của thủ tướng Pháp là đặt 42 hạt vào mức cảnh giác „Đỏ“, cách ly 7 ngày cho người dương tính covid, thâu nhận thêm 2.000 nhân viên xét nghiệm và giao nhiệm vụ cho cấp bực quận trưởng (préfet) cùng với những người có trách nhiệm trong y tế công cộng đối phó phù hợp với mức độ của tình hình từng hạt mà không phải phụ thuộc vào quyết định từ Paris. MTT

Lourdes mùa thu

23. août 2020

Lourdes mùa thu – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Những hình ảnh núi rừng của rặng Pyrénée đang chuyển sang thu thật là đẹp và yên bình. Lourdes nằm gọn trong một thung lũng cũng hưởng được khung cảnh thiên nhiên thơ mộng đó, những mầu sắc mùa thu vàng, đỏ, nâu, xanh lá úa bao bọc lấy Lourdes.

Ở làng tôi đã yên, đến Lourdes cũng yên nốt, một sự yên tĩnh, lặng thinh cần thiết cho tâm hồn đã mang nhiều sôi động. Lourdes ở xa tít mù vì thế mới gọi là đi hành hương, lặn lội đường xa cả ngàn cây số để đến Lourdes theo tiếng gọi của Đức Mẹ. Về Lourdes mấy ngày, tôi có cảm giác nhẹ tâng, bao nhiêu buồn phiền xa vời vợi, không nghĩ gì nữa cả, chỉ thưởng thức phong cảnh và hưởng bầu không khí mát rượi trong lành.

Du lịch vùng núi khác với du lịch vùng biển, náo động, ăn chơi ướt át. Những người đã có kinh nghiệm đi dạo đường dài với ba lô và túi ngủ thích đi đoạn đường GR10 (grande randonnée số 10) rất nổi tiếng xuyên rặng Pyrénée từ biển Đại tây dương ở thành phố Hendaye qua đến biển Địa Trung Hải ở thành phố Banyuls sur Mer, nằm sát biên giới với Tây Ban Nha.

Đoạn đường này rất dài, 922 cây số, tính trung bình theo thời gian là 55 ngày và 355 tiếng đi bộ đường núi, lên đèo xuống đèo của nhiều ngọn núi trùng trùng điệp điệp, ngọn cao nhất 2.735 mét mang tên Hourquette d’Ossoue. Nhiều người chỉ đi một đoạn ngắn cũng đủ, thấy nhiều cảnh đẹp, hoặc đi tắt từ Lourdes băng ngang qua rặng Pyrénée trên phần đất của Pháp. Mùa đông tuyết phủ đầy núi, không phải là không có hiểm nguy. Đẹp và nổi tiếng nhất có lẽ là Thung lũng Gavarnie, có thác nước Gavarnie cao 422 mét, nước rơi xuống như một sợi chỉ trắng, nhìn từ xa.

Đến với núi là nghe tiếng thì thầm của cây cỏ, nghe tiếng gió hoặc nhẹ nhàng như hơi thở, hoặc phần phật giận dữ buốt da, nghe tiếng mưa rơi nặng trĩu, nghe tiếng những con suối đầu nguồn róc rách ào ào đều đều, nghe tiếng hồ trên núi phẳng lặng gió la đà mặt nước, nghe tiếng lá xào xạc xào xạc đong đưa, nghe chính từng bước chân mình trên đường mòn…

Nhịp sống ở Lourdes chậm hơn, bình thản hơn. Ở đây, người dân đã quen phục vụ khách du lịch đến tận hang cùng ngõ hẻm này, nếu không có Đức Mẹ hiện ra. Câu chuyện thánh Bernadette vì thế có tính chất chân thật, không phải như chiêu trò dụ khách của thời đại bây giờ.

Lourdes cũng như các địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Pháp trong mùa covid-19 bị thiệt hại nặng nề. Con số du khách đến Lourdes hàng năm có khoảng từ 6 đến 7 triệu người, trung bình là 3 triệu người, trong số này có đến 51% du khách được tổ chức (khách đoàn). Con số lao động dịch vụ cho du khách lên đến 3.900 công việc. Lourdes đứng thứ 10 trên thế giới sau những thủ đô của các nước như Amsterdam, Londres, Berlin, Florence, Venise…. Lourdes có hơn 12.000 phòng và 22.000 giường của 144 khách sạn, trong khi dân số của Lourdes chỉ có khoảng 14.361 dân, đứng thứ ba ở Pháp, sau Paris và Nice.

Báo La Nouvelle République des Pyrénée ngày 07.07.2020

Năm 2019 được vinh danh là năm của thánh Bernadette, thành phố Lourdes phấn khởi về số lượng khách đến thăm. Hai tháng đông nhất trong năm đáng lẽ là tháng bẩy và tháng tám, nhưng năm nay đa số khách sạn lớn đóng cửa, 2/3 các cửa hiệu bán lưu niệm đóng cửa, phố xá mọi năm đông chật người thì năm nay vắng tanh vắng ngắt. Khách đến Lourdes đông vừa đủ vỏn vẹn một nhà thờ. Làm sao để đưa du khách trở lại, câu hỏi này đang làm đau đầu những người có trách nhiệm.

Mùa covid-19 năm nay có nhiều áp đặt về y tế như khoảng cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn…, chỉ nội vấn đề đeo khẩu trang đã gây tranh cãi xã hội gay gắt, khi mỗi người đều tự cho mình cái quyền của cánh sát „nhắc nhở“ người khác phải đeo khẩu trang, những người chống đối lại việc đeo khẩu trang nêu nhiều lý do kinh tế, chính trị khiến cho họ bất mãn, đến cả những xung đột tay chân gây thương tích đã xảy ra.

Những ai du lịch bằng phương tiện chuyên chở công cộng như máy bay, xe lửa…lại còn phải xuất trình giấy tờ kiểm dịch phải làm trước đó nữa, rồi lại phải thực hiện cách ly nhiều ngày ở nơi đến, nơi đi, trong khi các tiện nghi khác bị giảm thiểu. Có việc gì cần thiết lắm, bắt buộc phải đi thì người ta mới lên đường.

Đó là lý do chính yếu khiến cho mọi cuộc du lịch thư giãn, vui chơi đối với nhiều người, những gia đình không có trẻ con, trở nên vô nghĩa, họ không đi du lịch nữa. Ở nhà, ăn ngon ngủ yên không phải đeo khẩu trang vẫn thoải mái hơn là chịu đựng những áp đặt nóng của xã hội, lại tốn nhiều tiền vô ích, vì đi đâu, nhiều nơi lại còn áp đặt thêm trong mọi dịch vụ „phụ phí covid“ để moi thêm tiền !

Mùa covid-19 năm nay đã chỉ rõ ra cho những người có trách nhiệm, bằng phương cách nào, không cần đến súng ống bom đạn, mà ai ở yên nhà nấy, không đi đâu hết. Kinh tế bị triệt tiêu, giảm thiểu, thất nghiệp, mất công ăn việc làm hàng loạt, thiếu ăn, khủng hoảng…nỗi lo của ai kia ? Rồi đâu lại vào đấy ? MTT

Khung cảnh trung tâm thung lũng Gavarnie với thác nước

Uy quyền của vua chúa Pháp qua kiến trúc vườn

14. août 2020

Uy quyền của vua chúa Pháp qua kiến trúc vườn – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Không phải là chỉ vì lười biếng trồng cây cho thẳng hàng, mà đối với tôi vườn cây thể hiện một sự tự nhiên của thiên nhiên, không ngay hàng thẳng lối, hoa không mọc từng cụm kết hợp, mà méo mó xẹo xọ, thứ này chen lẫn với thứ kia. Cái vườn của tôi là như thế. Thứ nào do chim chóc gieo hạt mọc lên tươi tốt thì để cho mọc, thứ nào tôi mua về trồng mà không hợp đất hay cây giống có thuốc, cứ nở hoa một lần thôi là ngủm thì thôi tôi không cố trồng nữa. Thiên nhiên cũng như con người, mạnh được yếu thua, cây nọ lấn cây kia, có những cây hoa được năm, sáu năm bỗng dưng chết mất, nó bị cây bên cạnh, khỏe hơn, vươn cao hơn, lấy mất sân chơi, có những cây hoa bỗng dưng xuất hiện tươi mơn mởn.

Vườn nhà tôi vì thế luôn thay đổi, cây sống, cây chết, cây mọc, cây di chuyển đi chỗ khác một cách tự nhiên trong thiên nhiên, hoàn toàn không sử dụng chất hóa học, chỉ có nước mưa và khí trời, ít có bàn tay con người, tôi và chồng tôi, can thiệp vào.

Khi còn sức lực để làm vườn, chúng tôi trồng 4, 5 năm luống khoai tây mỗi năm, rồi cà rốt, cà chua, ớt chuông, bí đỏ, dưa, ngò tây…hoàn toàn theo cách nhà nông truyền thống, không sử dụng phân bón hóa học, chất diệt cỏ dại hóa học, sới đất, làm đất, nhổ cỏ dại chúng tôi đều làm bằng sức lực tay chân, cuốc xẻng. Đất đen mịn, mầu mỡ, mỗi năm cho chúng tôi mấy trăm kí lô khoai tây, còn rau củ thì ăn không kịp, không hết.

Cây ăn trái, chúng tôi cũng chẳng mua cây giống gì nhiều. Có một lần một, tôi mua một cây lê giống và một cây táo giống còn nhỏ, lại không có lá hay hoa, rốt cục khi hoa nở, thì cây lê thành ra cây táo, và cây táo thì là giống táo khác tôi không muốn trồng, thì ra là nhà ươm giống dán nhãn sai bét, nhầm lẫn cây này với cây kia.

Chồng tôi gieo những hạt quả đã ăn, chờ cho chúng nó mọc lên, hạt nào khỏe thì mầm lên cao rồi thành cây con, sau tháng chín thì nhổ nó lên đem ra chỗ trồng. Anh cũng vào rừng, tìm cây ăn quả mọc dại, bứng lên đem về vườn nhà trồng. Bằng cách đó, những cây ăn quả vườn nhà đều khỏe mạnh, sau vài năm đã lớn và kể từ năm thứ năm trở đi cho nhiều trái khỏe. Chúng tôi có 7 cây mận các loại, 1 cây lê, 3 cây táo, 1 cây griottes và 2 cây mirabelles, cùng với 3 cây lá nguyệt quế (lauriers) chen lẫn với những cây hoa, hoa hồng, hoa dâm bụt, hoa xoan, hoa đào, hoa serenga, hoa boules de neige, hoa forthysia, hoa clématite …và cả chục loại cây khác làm hàng dậu quanh khu đất nhà. Thấm thoát vườn nhà đã được 20 năm tuổi, từ lúc mới gây dựng lên,

Nhiều người xem chuyện làm vườn như là thể thao thêm cho thân thể khỏe mạnh, tinh thần được sảng khoái, quên đi những nghĩ ngợi lo âu buồn phiền, ngoài việc có lợi về kinh tế gia đình, cho sức khỏe.

Tôi trồng cây theo phong thủy bao bọc quanh nhà, sườn bên phải nằm cạnh đường đi của làng thì tôi trồng một dãy cả chục gốc hoa hồng đủ mầu sắc, đủ giống, hồng vừa đẹp vừa thơm vừa có gai nhọn để bảo vệ. Nếu tin rằng mỗi cây có một thần trú ngụ thì nhà tôi được bảo vệ bằng bấy nhiêu thần cây. Chim chóc bay về tìm nơi làm tổ, đàn ong cũng bay đến tìm chỗ làm nhà, chẳng mấy chốc nhà có thêm nhiều khách trọ không tốn tiền trong vườn. Mỗi sáng sớm chim chóc hót vang lừng.

Áy vậy mà không vừa lòng hàng xóm, có ông thấy vườn nhà tôi thì khó chịu, bảo sao không trồng ngay hàng thẳng lối, có ông thì bảo hoa này thì phải chọn chỗ khác cho nó, có người lại bảo san phẳng hết đi, đốn hết cây ở vườn trước đi, mở lối vào nhà cho hoành tráng, có người lại bảo phải tỉa cây đi chứ, cắt bụi cho tròn, cho vuông vức….Nhưng cũng có người thích vườn nhà tôi, chăm sóc nhưng không kiêu kỳ, thơ mộng và không trưởng giả, rộng rãi mà không hoành tráng, mùa nào hoa nấy, hoa nở quanh năm suốt tháng.

Cái vườn này, nơi thiên nhiên ngự trị, dân ngu cu đen làm vườn có khác, không có một chút nào tính cách „vườn kiểu Pháp“ (jardin à la française) dù ở trên đất Pháp,

Vườn kiểu Pháp“ thể hiện quyền lực của vua chúa Pháp, cây phải trồng ngay hàng thẳng lối như binh lính đứng thẳng hàng, im lặng, sẵn sàng tuân lệnh vua, hoặc phải uốn éo theo hoa văn như ý thích của vua, không có cái lá cây nào được ra khỏi cái chỗ đã chỉ định, hễ lá nhú lên, ló đầu ra là bị cắt, không có cái hoa nào nở tự nhiên vô trật tự, hoa phải nở theo khung hình dáng, kỷ luật tuyệt đối.

Khu vườn kiểu Pháp phải được thiết kế theo hình học, những đường kẻ thẳng tắp ngang dọc, đối xứng với nhau trên những mặt bằng phẳng, những hình thoi, bát giác, lục giác, tam giác, những trục đường dẫn cân xứng với lâu đài phòng ốc và sân, cân xứng với những điểm nhấn trong khu vườn như nhà hóng gió, một bức tượng làm cảnh, một cái hồ, một vòi nước, một thác nước…. làm chuẩn, phải phản ánh một tầm nhìn xa, một tầm nhìn chiến lược của người chủ.

Tóm lại, thiên nhiên trong thiết kế vườn kiểu Pháp là thiên nhiên phải quy phục luật vua, phải theo trật tự, kỷ luật của vua áp đặt, phải chịu nép mình trong khoa học thực tiễn tượng trưng cho sự tiến bộ của xã hội và chứa đựng sự phô trương về quân sự. Vườn kiểu Pháp tức là hệ thống trật tự, ký luật, cân bằng, tinh khiết, tầm nhìn chiến lược để chứng tỏ uy quyền, địa vị tầng lớp quý tộc, thượng tầng xã hội và quan điểm một nếp sống cao cấp của chủ vườn.

Chung quanh những lâu đài của Pháp là những khu vườn rộng mênh mông nhìn hút mắt để dạo chơi, còn vườn trồng cây trái, hoa quả, rau củ để ăn, vườn cây thuốc được tách ra riêng biệt, nhưng cả ba loại vườn đểu thể hiện phong cách đặc điểm vườn kiểu Pháp. Dần dà người quyền quý, người trưởng giả, người có của…trong dân chúng đều thích những đặc điểm ấy và áp dụng cho vườn tược của mình, họ chế nhạo những người nông dân làm vườn vì chỉ nghĩ đến ăn, không nghĩ đến việc nào „cao“ hơn.

Vì thế, người làm nghề „làm vườn“ đến nay vẫn được trọng dụng, và người chủ, phải giầu có lắm, thường có chút hãnh diện khi nói về „người làm vườn của tôi“.

Những người làm vườn nổi tiếng của vua chúa Pháp, đưa tầm mức người làm vườn lên thành kiến trúc sư vườn tược, được sách sử ghi lại từ thế kỷ thứ 16.

Những kiến trúc sư này ghi dấu ấn trong những công trình có nghệ thuật phối cảnh (perspective) với một không gian rộng mênh mông và với một sự hoàn hảo (perfection) tuyệt vời. Lâu đài càng có giá trị khi khu vườn càng rộng, càng hoành tráng.

Một góc vườn của lâu đài Versailles

Chỉ nội công việc san phẳng những địa hình đồi núi lấy đất làm vườn cũng nói lên công sức của những người làm vườn thời xưa. Họ đưa cả những hệ thống nước để nuôi dưỡng vườn tược thành một nghệ thuật phản ánh như tấm gương với các mạch nước ngầm, thang nước, hồ, ao như những công trình kiến trúc trong tổng thể cảnh quan vườn.

Người làm vườn nổi tiếng trong lịch sử kiến trúc vườn kiểu Pháp gần đây là ông André Le Nôtre (họ của ông còn được viết nguyên thủy là Le Nostre) mang chức danh „người làm vườn của vua“ (Jardinier du Roi). Le Notre sinh năm 1613 và qua đời năm 1700, trong một gia đình có truyền thống từ ba đời là người trồng rau cỏ và làm vườn, thời của ông là nửa sau của thế kỷ 17.

Ông là người làm vườn của vua Louis XIV, lãnh trách nhiệm kiến trúc các khu vườn của lâu đài Versailles, ngoài ra ông cũng kiến trúc lâu đài Vaux-le-Vicomte và lâu đài Chantilly.

Allée des Beaux-Monts

Trên đường đến Paris là tâm điểm, ngay từ thời Charlemagne đã chọn địa điểm Compiègne là một nơi đóng đô, từ đó đến nay, trải qua gần hai ngàn năm lịch sử Compiègne luôn luôn có lâu đài của vua Pháp, hoàng đế Pháp, là nơi đã đón hai bà hoàng hậu, Marie-Antoinette của vua Louis XVI và Marie-Louise của hoàng đế Napoléon Ier, là nơi ký kết hiệp ước đầu hàng ngày 11.11.1918 của quân Đức kết thúc trận đại chiến thế giới lần thứ nhất. Lâu đài Compiègne hiện nay là kết quả xây dựng và sửa chữa của nhiều đời vua, mà trong đó Napoléon Ier đã để lại dấu ấn khi ông cho mở một đại lộ mang tên Allée des Beaux-Monts dài 4 cây số, rộng 60 thước xuyên thẳng qua rừng năm 1860, để từ phòng ngủ của mình hoàng hậu Marie-Louise có thể nhìn tới chân trời. Công trình này kéo dài đến 1823 mới hoàn tất thì Napoléon Ier đã mất trước đó vào năm 1821 trên đảo Sainte-Hélène.

Lâu đài nào cũng tương tựa nhau ở điểm kiến trúc nội thất, phòng rộng mênh mông, trần cao, cửa sổ nhiều, cao, hai cánh to, rèm cửa hai lớp nặng nề, các lò sưởi than củi cũng phải to khổng lồ mới đủ ấm. Khu vườn kiểu Pháp nào cũng giống nhau, mùa hè nắng chói chang không có một bóng râm, rất khác những kiểu vườn của Anh, của Nhật, của Việt Nam.

Lâu đài Le petit Trianon nhìn từ khu vực nông trại của hoàng hậu

Khi được vua Louis XVI tặng cho lâu đài nhỏ Le petit Trianon, hoàng hậu Marie-Antoinette liền cho thiết kế lại khu vườn thuộc lâu đài này theo ý riêng của bà, dựa trên nền tảng triết lý của Jean-Jacques Rousseau, với một sự hoài niệm về thiên nhiên, dân dã, đối lập với ý tưởng „vườn kiểu Pháp“, như một nơi để bà ở ẩn, rút lui, quên đi, so với cuộc sống bon chen trục lợi, nhiều hiềm nghi, hiềm thù trong triều đình nước Pháp thời đó. Công việc này được giao cho kiến trúc sư Richard Mique và họa sĩ Hubert Robert thực hiện từ năm 1783 đến 1786. Công trình này để lại cho hậu thế một „hameau de la Reine“ (nông trại của nữ hoàng), mà ngày nay mọi người có thể đến Versailles để chiêm ngưỡng những gì còn lại.

Chung quanh một cái ao đào để nuôi cá, câu cá, Richard Mique dựng lên một khung cảnh nhân tạo của một cái làng nhỏ đẹp như tranh vẽ gồm 12 cái nhà lợp lá theo phong cách của vùng Normandie, một nông trại để nuôi súc vật bò, cừu, gà…lấy sữa và trứng cho hoàng hậu, một nhà xay lúa, một chuồng chim bồ câu, một nhà chứa rơm rạ, một khuê phòng, một ngọn tháp…cũng như vườn cây ăn trái, vườn rau củ, vườn nho và vườn hoa…., ngôi nhà đẹp nhất trong làng này là „ngôi nhà của hoàng hậu“ (Maison de la Reine) nằm bên cạnh một con sông nhân tạo, bắc qua một cái cầu bằng đá…

Chỉ những người thân cận với Hoàng hậu Marie-Antoinette mới được vời đến đây, bà tìm cách dậy dỗ con cái biết thế nào là thiên nhiên, những bữa ăn đơn giản, những buổi vui chơi tự nhiên, ăn mặc quần áo đơn giản…

Tuy thế, đương thời, hoàng hậu Marie-Antoinette cũng bị chỉ trích nhiều, chi phí thiết kế nông trại ước tính lên đến 500.000 quan tiền vàng Pháp, vì lối sống xa cách triều đình, trong một không gian nhà quê giả tạo mà không hề bị thiếu thốn vật chất, thiếu thốn cái ăn như nhà quê thật sự, vì khu vườn được thiết kế theo ảnh hưởng của Anh và Trung quốc…và vì kế hoạch này mà khu vườn thuốc thời vua Louis XV với 4.000 giống cây thuốc phải dọn đi ra ngoài Jardin des Plantes ở Paris… Đúng là sống làm sao cũng không vừa ý được thiên hạ.

Hoàng hậu Marie-Antoinette nhìn lại nông trại lần cuối cùng một buổi trưa ngày 05.10.1789 để rồi vĩnh viễn vĩnh biệt luôn.

Hoàng hậu Marie-Louise, vợ của hoàng đế Napoléon I

Trải qua sự tàn phá và cướp bóc triệt để năm 1789, nông trại của hoàng hậu Maris- Antoinette suýt nữa bị lệnh triệt tiêu bởi Napoléon Ier, nhưng rồi được hoàng hậu Marie-Louise cứu, vợ của Napoléon Ier , sau khi đã ly dị với bà Josephine. Bà cũng là người gốc Áo, là cháu của hoàng hậu Marie-Antoinette, cho sửa chữa lại và bày biện với nội thất mới, nhưng một số kiến trúc, vườn tược của thời Marie-Antoinette đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Qua nhiều thay đổi với thời gian, nông trại của hoàng hậu Marie-Antoinette được Unesco công nhận là di sản thế giới năm 1979. Đến năm 2006, thì khu vực này được đổi tên thành „Domaine de Marie-Antoinette“ mở cửa cho người xem rộng hơn là giới hạn khi trước vì sợ bị phá hoại.

Bây giờ, nội thất được triển lãm là nội thất thế kỷ thứ 18-19 của thời nữ hoàng Marie-Louise (1791-1847). Người thăm lâu đài Versailles, khu vườn của lâu đài, rồi sang thăm khu vực của hoàng hậu Marie-Antoinette sẽ thấy sự khác biệt giữa hai ý tưởng kiến trúc vườn, dù đây là những khu vực được chăm sóc rất nhiều, sức người, sức của bỏ ra để hấp dẫn du khách khắp thế giới. MTT

Tổng quan lâu đài Versailles

Lâu đài Versailles, nơi ở sau cùng của vua Louis XVI

Palais de Compiègne

Phòng ngủ của hoàng hậu trong Palais de Compiègne

Lâu đài Vaux-le-Vicomte

Khu vực nông trại của hoàng hậu Marie-Antoinette trong khuôn viên lâu đài Versailles

Ngôi nhà của hoàng hậu Marie-Antoinette và tháp canh

Ung thư, Hành trình đến với cảm thông

20. Mai 2020

Ung thư, Hành trình đến với cảm thông – Cancer, Voyage vers la sympathie

là tập sách mới của Mathilde Tuyết Trần.

Phát hành ngày 11.06.2020 tại Pháp

ISBN: 978-2-9536096-6-0

Tập sách này được viết theo cái nhìn của một người bệnh ung thư, viết « nóng » theo dạng nhật ký thời gian, khi những cơn đau nhức nhối vẫn còn, những phản ứng phụ của thuốc chưa hết, những mệt mỏi còn bắt liệt giường. Vì thế, tầm nhìn chủ quan, phiếm diện. Người viết không có tham vọng thương mại, giáo dục hay triết lý, viết chỉ để hiểu những cái khó khăn của một người bệnh đi tìm thầy chữa bệnh, như một « chiến binh ung thư », vượt qua những lo âu, sợ hãi, con đường tìm đến một sự cảm thông, cái tình người, cái « lương y như từ mẫu ». Có hay không ? Hay chỉ là ảo ảnh như những ảo ảnh khác của cuộc đời trần tục.

Ce livret a été écrit dans les yeux d’un patient atteint de cancer, écrit à «chaud» sous forme de journal intime, lorsque les courbatures et les douleurs persistent, les effets secondaires du médicament ne sont pas terminés et que la  fatigue paralyse, cloue au lit.

Par conséquent, la vision est subjective, unilatérale. Elle raconte son histoire, son vécu, comme un parcours du combattant semé d’embûches qui se succèdent. L’écrivain n’a aucune ambition commerciale,éducative ou philosophique, n’écrivant que pour comprendre les difficultés d’un malade à chercher les médecins, surmonter son anxiété, son angoisse, chercher le chemin de la sympathie. L’amour humain, le modèle asiatique « médecine soignant comme une mère douce » existe dans le monde occidental ou non? Ou tout simplement des illusions comme d’autres illusions de la vie moderne et riche.

Échos des lecteurs / Ý kiến bạn đọc :

Colette:  » J´ai pris le temps de lire ton livre toute cette après-midi…Et le parcourant j´avais l´impression de t´entendre parler et m´expliquer. Ton récit est frappant et on a l´impression d´être dans les couloirs, dans les chambres préparatoires et chambre d´opération…Subitement on perd son sourire et on rentre dans ces nombreux tourments…et personne ne devrait traverser ce genre de problèmes… »

Jacqueline: « La doute, la peur, la douleur et tout le reste…Ne jamais baisser les bras…c´est aussi notre devise…Avec ton récit, lu d´une seule traite, et tes mots, si vrai, nous prenons conscience que nous ne sommes pas les seuls, à subir et à souffrir…Soldat Mathilde…bravo !… »

Isabelle: « C´est une vraie leçon de vie et de courage. Je garderai précieusement ce livre, car un jour ou l´autre, je serai peut être également condamnée à affronter cette terrible épreuve… »

M. :  » Bien écrit et facile à lire. Douloureux ! « 

G. Vinh San: « …très courageuse et très aimante. Avec les kilomètres que vous avez fait, vous auriez pu faire le tour du monde… »

Journal « Vivre », Mars 2019, N°381, Pages 34-41

Dans son article « Discriminations et accès aux soins des personnes en situation de précarité », Marianne Cornu-Pauchet décrit clairement le phénomène de discrimination susceptible d’aggraver le non-recours à la CMU-C et à l’ACS, mais aussi le renoncement aux soins.

Cette discrimination dont les patients les plus démunis font les frais se traduit par un refus de soin qui peut prendre plusieurs formes: le refus direct de rendez-vous, la fixation tardive inhabituelle et abusive d´un rendez-vous, l´orientation répétée et abusive vers un autre confrère, un centre de santé ou la consultation externe d´un hôpital sans raison médicale énoncée, le refus d’élaborer un devis…..Lié à des causes systémiques et contextuelles, le refus de soin est difficile à évaluer. Pour autant, son existence a été confirmée par la DREES…

P.H.H:  » Cuốn sách của Tuyết rất quý vì nó chia sẽ nh̃ững trải nghiệm cá nhân mà ít người đồng bệnh có khả năng diễn đạt như vậy. Nó giúp người đọc có được sự cảm thông sâu sắc… »

TS Nguyễn Tường Bách (Đức):  » Viết cuốn sách để ôn lại quãng đời và quá trình bệnh tật của mình là một cách hay để nhận diện lại thân tâm mình. Đó cũng là một dạng của lòng biết ơn (Dankbarkeit). Và nhất là đó là phương thuốc để giữ sức khỏe lâu dài….Cuốn sách mang lại một cảm nhận chân tình, muốn chia xẻ với người đọc. Thật là quí….

Tôi đã đọc tác phẩm của Tuyết. Đầy ắp thông tin, cảm nhận, suy tư…kể cả những thông tin nóng hổi nhất về Corona. Đây là một cuốn sách đáng đọc, đáng tìm hiểu cho những ai phải trải qua hoạn nạn của bệnh tật. Nó sẽ là nguồn động viên từ một tấm lòng thương yêu cuộc đời và quyết tâm cứu vãn chính mình. Đặc biệt đối với những ai cùng một thứ bệnh, sách này có thể mang lại niềm tin trong cuộc sống.

Điểm một cuốn sách, ta có thể nhìn dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Ở đây, tôi kể Tuyết cách nhìn của tôi.

Tác phẩm này là một cuộc hành trình tự nhìn thân và tâm của chính mình. « Tự nhìn thân tâm » có một chiều sâu hơn hẳn chuyện chữa trị bệnh tật. Erkenne Dich selbst, như người phương tây hay nói, vốn là một cách để vượt thoát giới hạn của mình, nói một cách triết lý. Tự nhìn thân tâm, nếu nhìn theo triết lý phương Đông, nhất là Thiền định, chính là con đường đi đến một mức độ sáng sủa và tự tại hơn.

Với tác phẩm này, Tuyết đã (vô tình hay cố ý) tự nhìn vào bên trong, bên trong thân mình, bên trong tâm mình, nhìn cả dòng chảy của đời mình. Với bệnh ung thư, thân đã phát tiếng kêu la, thân âm mưu « nổi loạn ». Qua cuốn sách này ta thấy tác giả đã Versöhnen (giảng hòa) với nó. Với tâm, Tuyết đã nhận biết tấm lòng yêu cuộc sống và con người. Với số phận thăng trầm, qua cuốn sách, Tuyết đã chấp nhận hết các mặt của nó.

Tôi tin rằng với tác phẩm này, Tuyết đã tự chữa trị cho chính mình, trên một bình diện cao hơn ngành y khoa.

T. N. Giao : Tối chủ nhật mình đọc vài trang, đến chiều nay thì đọc xong. Câu chuyện tuy ngắn, nhưng phải nhìn nhận đúng là một hành trình dẫn đến cảm thông đối với người bị bệnh ung thư nói chung. Thú thật khi đọc xong đến trang cuối mình vẫn còn run và xúc động. Như Tuyết biết, em mình cũng bị ung thư nhưng không qua khỏi, chỉ kéo dài khoảng 6 tháng rồi ra đi. Tuyết có khả năng và kiến thức liên quan để diễn tả mạch lạc những diễn biến bệnh lý và quá trình điều trị cho người khác cùng đọc để hiểu và cảm thông.

Lúc đầu mình cũng ngại, vì nghĩ ung thư vú nên dành cho phụ nữ đọc để học hỏi kinh nghiệm của Tuyết. Hơn nữa bản tính mình rất sợ bệnh tật, không dám đối diện với những sự thật mà mình biết Tuyết sẽ kể lại trong sách, nhưng rồi cũng đọc vì tò mò.
Đọc vài trang đầu đã thấy oải rồi, vì Tuyết trình bày sự việc khá trực diện, sau đó có chêm vào một vài câu chuyện vui riêng tư bên cạnh để làm nhẹ bớt cảm giác nặng nề. Quá trình và điều kiện chữa trị khá chật vật, phải di chuyển nhiều nơi trong thời gian dịch bệnh Covid-19 càng tạo thêm không khí khó thở…Tất nhiên vượt qua được hay không vẫn chính là Tuyết, cạnh đó cũng cần đến những yếu tố hệ thống bệnh viện máy móc và đội ngũ bác sĩ và y tá…Tóm lại thành công là duyên mà không vượt qua được cũng là duyên.

Một quyển sách nên đọc, đáng được trân trọng vì đó là những thông tin thực tiễn rất quý của người trong cuộc đã trải qua.

ĐỗĐắcVọng: tuần rồi, đã nhận được sách Tuyết gửi, nên đã đọc hết ngay (đến trang 99).
Thật cảm phục Tuyết, giữa những đau đớn, mệt nhọc và đủ thứ chịu đựng… do cơn bệnh mang lại, mà có thể tỉnh táo và đầy nghị lực để viết ra chia sẻ với người khác. Lời kể rất tự nhiên, chân thực khiến mình vừa bồi hồi, xúc động và hiểu thêm nhiều về người bạn ngỡ là đã biết từ rất lâu.
Có nhiều câu hỏi “tại sao lại là tôi”, why me, xảy đến trong cuộc đời, và nếu câu trả lời gắn với một sứ mệnh nào đó có thể mang lại nhiều ý nghĩa nhất. ..
Cơn bạo bệnh như “lửa thử vàng” để tình cảm và hạnh phúc thăng hoa…..
Thật đáng thán phục khi sự sống bị đe dọa, rình rập có thể bị cướp đi thì sức sống lại mãnh liệt, năng lượng sống cuồn cuộn tuôn trào, trong khi có những cuộc sống bên ngoài nhìn bình thường thì sức sống có lẽ đã tắt ngấm từ lâu…
Có lẽ Tuyết sẽ cần phải tái bản, nên có một số chi tiết vụn vặt khi đọc bị cộm….

GSTS Nguyễn Xuân Xanh:
Đó là một hành trình nước mắt, đấu tranh và hy vọng ngày đêm trong một cuộc đời người. Nhưng nền y khoa Pháp và tình yêu của người thân đã giúp vực em ra khỏi miệng « lỗ đen » của định mệnh để quay trở về cuộc sống bình an. Bao nhiêu cái « ải của đau đớn » dằng dặc em đã đi qua một cách dũng cảm.
Quyển sách này không phải là quyển sách cuối cùng, như em lo ngại, mà có lẽ sẽ còn quyển sách thứ hai: quyển sách nói về sự sống. Phải đối diện với cái chết mới thấy yêu, thấy quý cuộc sống. Chẳng phải cuộc sống bình yên đã là nirvana hay sao? Có những người mà đối với họ không gì là điều huyền diệu cả. Nhưng có lẽ giờ đây em sẽ cảm nhận mọi thứ của cuộc đời đều là huyền diệu cả, và vô giá tạo mà hóa đang ban tặng em và loài người, từ áng mây trời, cơn mưa, đến hoa thơm, cỏ dại. Nếu qua đi, biết mình có lần sau không?

Sách song ngữ Việt – Pháp gồm có 204 trang DIN A5, in trắng đen, trong số này có hai trang in mầu offset, in, xuất bản và nộp lưu chiểu tại Pháp tháng 5/2020. Giá bìa 16 euros.

Bạn đọc mua sách xin đặt qua trang mạng, mục Liên hệ. Xin cảm ơn. MTT

Bên lề nạn dịch Covid-19 ở Pháp

22. avril 2020
tags:

Bên lề nạn dịch Covid-19 ở Pháp – Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Bài đã đăng trên tạp chí Hồn Việt của Hội nhà văn Việt Nam, số tháng năm 2020

Ngày 17.03.2020, cho tới 12.00 giờ trưa, người nào còn kịp nghe tin tức buổi sáng đều hối hả chạy ra siêu thị mua thực phẩm cho những ngày tới. Trong sự hốt hoảng, những người đi siêu thị cứ chất đầy một cái xe đẩy, không nghĩ ngợi lôi thôi, cứ mua cái đã, rồi tính sau. Chẳng mấy chốc, các kệ hàng sạch bách, người tiêu dùng nhắm vào các thứ như giấy vệ sinh, mì ý các loại, đồ hộp, bột mì, bột nổi, đường, trứng, dăm bông, thịt hun khói, sữa tươi, sữa chua, bơ, nước hoa quả ép…làm cho người đến sau không có mà mua, mang thêm tâm trạng hoảng hốt. Sau 12 giờ là thời điểm cách ly toàn xã hội tại Pháp.

Hôm qua, thứ hai 16.03, cả nước Pháp ngạc nhiên khi thấy dân Pa-ri-siêng vội vã kéo va li ra các nhà ga hàng loạt, đến tối mịt vẫn còn những đoàn xe từ Paris hấp tấp nối đuôi nhau chạy về hướng Nam, hướng Tây, làm kẹt xe đến khuya. Những người trố mắt nhìn cảnh tượng ấy tự hỏi, họ biết từ bao giờ chính phủ sẽ ban hành lệnh cách ly mà tháo chạy khỏi Paris như thời đệ nhị thế chiến ? Họ đi về vùng biển Địa Trung Hải phía Nam, hay biển Đại Tây Dương phía Tây như là đi nghỉ hè, một mùa nghỉ hè dôi ra, tặng không, trong khi cả nước Pháp sửa soạn chống dịch, trên nguyên tắc. Nhờ vào mạng điện thoại đi động xác định được 17% dân số của vành đai lớn Paris đã rời khỏi Paris trong vòng từ ngày 13 đến 20.03.2020, còn dân số tính riêng của nội thành Paris thì có khoảng 580.000 đến 610.000 người (tức là ¼) đã rời khỏi Paris. Đó là thành phần giẩu có, có nhà thứ hai ở nhà quê, hay đi thuê thêm, hay về ở với cha mẹ, họ hàng. 

Des voyageurs quittent Paris par le train via la Gare Saint Lazare lors que l’épidémie de coronavirus s’étend et oblige au confinement
Paris le 16/03/2020 Photo François Bouchon / Le Figaro

Nạn nhân tử vong vì Coronavirus đầu tiên tại Pháp tại bệnh viện Bichat Paris là một người đàn ông 80 tuổi, du khách, quê quán ở Hubei, đã đi qua Wu Han, nhập viện ngày 25.01.2020, qua đời ngày 14.02.2020. Kể từ đó dịch Corona khởi động tại Pháp, nhưng sự việc tưởng chìm đi so với thời sự đang nóng bỏng tại Pháp.

Cuối tháng một, các hãng hàng không quốc tế tại Pháp tạm cắt đường bay đến Trung Quốc và nước này cắt đường bay đến một số nước châu Á trong đó có Việt Nam, nhưng vẫn giữ đường bay của họ với Pháp, du khách Trung Quốc vẫn tiếp tục đến Pháp.

Ngày 30.01.2020 nước Pháp cử một máy bay Airbus A340 của quân đội không quân Pháp đến Vũ Hán để giải thoát khoảng 200 công dân Pháp tại đây về Pháp.

Trên báo chi đã thấy xuất hiện câu hỏi, chúng ta có phải đóng cửa biên giới ? Điều này có nghĩa là đóng cửa cả khu vực Schengen của cả 28 nước thành viên Liên Minh châu Âu, cả một vấn đề khó khăn, đâu phải ngày một ngày hai mà một quốc gia tuyên bố đóng cửa bầu trời của 28 nước được ! Nạn dịch Corona hãy còn trong vòng « giả thuyết » (eventuell) và xa xôi ở tận châu Á.

Ngày 13.01.2020 nước Thái Lan chính thức thông báo có dịch với vi khuẩn SARS-CoV-2.

Pháp và châu Âu vẫn phớt lờ lời cảnh báo đại dịch của WHO từ ngày 30.01.2020, nhưng đến ngày 11.03.2020 WHO mới tuyên bố chính thức đại dịch toàn cầu.

Từ phía Bắc của Paris, chúng tôi đi suốt chiều dọc nước Pháp đi Lourdes hành hương vào giữa tháng hai, vẫn thấy những đoàn du khách Trung quốc kéo nhau về Lourdes bằng xe bus. Mùa đông ở Lourdes, chỉ có khách du lịch Trung quốc là nhiều nhất. Dọc đường đi, dân chúng còn rất yên bình, các nơi đi qua đều yên tĩnh, bình thường, không thấy có dấu hiệu gì về dịch cả. Tuy nhiên, trong một nhà hàng ăn, mặc dù đi cùng với chồng tôi là người Pháp, ông chủ nhà hàng vẫn có lời tiếng, với giọng điệu nứa thật nửa giỡn, cho rằng người Á châu đem đại họa đến cho toàn thế giới, phải đuổi về châu Á.

Ngày 17.03.2020 dồn dập tin Liên Minh châu Âu tuyên bố đóng cửa bầu trời Schengen, nước Đức tuyên bố đóng cửa biên giới với năm quốc gia lân cận là Pháp, Lục Xâm Bảo, Đan Mạch, Thụy sĩ và Áo, hãng hàng không VietNam Airlines tuyên bố tạm dừng các chuyến bay đến Pháp, đến châu Âu, thánh địa Lourdes cũng đóng cửa không nhận du khách nữa. Cái tin 18 người Việt lên chuyến máy bay cuối cùng trở về Việt Nam loan trên mạng làm cho những người Việt khác còn ở lại nước ngoài đều kinh ngạc. Làm cách nào mà có người biết để mua vé máy bay, sửa soạn, về nước kịp thời, người lại không biết một tí gì ? Có những thành phần được ưu đãi, nhận thông tin đúng lúc ?

Cũng như cái tin, một đại gia thuê cả một chuyên cơ riêng để chỉ đưa độc nhất cô con gái từ Anh về Việt Nam làm ai nấy đều hít hà chắt lưỡi, giầu có đến thế ít người tưởng tượng ra được. Những người Việt còn bị kẹt trở lại vì nhiều lý do công ăn việc làm, sức khỏe, gia đình làm sao mà về được Việt Nam đây ? Sự chia ly thời chiến tranh của quá khứ lại được dịp sống lại với một sự sợ hãi trong thực tế.

12 giờ trưa, thời gian thoạt đầu như ngừng lại. Những tấm ảnh về thành phố vắng xe cộ, vắng bóng người xuất hiện trên báo chí, trên mạng. Nhưng chẳng được bao lâu. Nhiều người không chịu nổi cảnh tù túng trong bốn vách tường, nhất là những người trẻ, có con nhỏ, sống trong điều kiện chật hẹp, lại túa ra đường.

Năm nay mùa xuân về rực rỡ, tháng ba các cây hoa đều nở rộ, đẹp ngất ngây, nắng xuân ấm áp khiến lòng người hưng phấn, người lớn, con nít, người già kéo nhau ra đường như trẩy hội, người chạy bộ (joggers) chạy đầy đường, công viên, bờ kè sông Seine, các cánh rừng thưa….cảnh sát vất vả kiểm soát, giản tán…

Tính đến ngày 01.04.2020 cảnh sát đã kiểm soát 5,8 triệu người và lập 359.000 biên bản phạt tiền rất nặng, kể cả phạt tù những ai vi phạm nhiều lần, bướng bỉnh chống đối. Đường làng, đường liên tỉnh, đường quốc lộ vẫn có xe chạy ngược xuôi, phần lớn là xe tải chở hàng hóa, và một số ít xe nhỏ. Tuy thế những người buôn bán ma túy vẫn lái xe đến những chỗ hẹn bên đường làng, chờ đợi. Các nhà hàng xe tải đều phải đóng cửa theo lệnh, không biết những tài xế xe tải ăn, ngủ ở đâu ? Tiếng kêu cứu của họ được cứu trợ sau đó bằng một bữa ăn nóng phân phát vào buổi tối trên xa lộ.

Sự cách ly xã hội đến với nhiều người một cách bất ngờ, thế hệ trẻ sau này không có kỷ niệm những năm tháng chiến tranh, họ không quen bị quản thúc tại gia, mất tự do cá nhân, tự do đi lại, đặt nhiều câu hỏi cho thấy tầm mức ý thức của họ còn rất thấp, chỉ biết nghĩ cho riêng mình cho nhu cầu của gia đình mình, thí dụ như : tại sao đường vắng thế này tôi không được ra đường lâu ?!

Sự cách ly xã hội còn làm nổi bật lên những vấn đề….xã hội : chồng đánh vợ, cha đánh con đến chết, áp bức tình dục, trầm cảm, lo sợ, quan hệ hàng xóm láng giềng, săn sóc người già yếu, người cô đơn một mình…những thảm cảnh khi có người thân qua đời vì dịch Coronavirus, những cuộc an táng vội vàng với một ít người thân, người ở lại bị đòi nhiều phí tổn vô lý phải trả như cho việc quàng xác trong nhà đông lạnh ở chợ Rungis của tư nhân, vì nhà xác của nhà thương không còn chỗ trống nữa.

Sự cách ly xã hội còn làm cho nhiều quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng, bỗng chốc họ không chịu được nhau, tính đến ly hôn, ly dị, nhưng cũng có những đôi xích lại gần nhau hơn, bao cao su trở nên khan hiếm, sau cách ly là đám cưới, chín tháng sau trẻ con ra đời, những đứa trẻ mùa dịch Coronavirus, thật là có tử, có sinh.

Không ít người so sánh nó với bệnh cúm mùa đông hàng năm ở châu Âu. Mùa kêu gọi chích ngừa phòng chống cúm đã bắt đầu từ tháng 10/2019 và được kéo dài cho đến tháng 2/2020, nhưng theo thống kê hàng năm chỉ độ 30% đối tượng có chích ngừa. Sở dĩ có tình trạng lười biếng chích ngừa như trên vì nhiêu khê phải lấy hẹn bác sĩ nhà, phải có toa để ra nhà thuốc lấy thuốc, rồi phải lấy hẹn trở lại bác sĩ để tiêm chích. Trong mùa cúm từ tuần lễ thứ 40/2018 đến tuần lễ thứ 15/2019 có 9.900 người chết chỉ vì cúm týp A (H1N1 và H3N2) tại Pháp. Nhưng đó chỉ là một so sánh không đúng đắn, như so sánh cải xanh với cà rốt.

Griveaux và phu nhân

Tại Paris, cái rốn của nước Pháp, cuộc chạy đua của các ứng cử viên chính trị để đứng đầu ở tầm mức địa phương đang đến hồi quyết liệt, đương kim thủ tướng Edouard Philippe ứng cử vào chức vụ thị trưởng thành phố cảng biển Havre. Báo chí thì rầm rộ lên vụ ông Benjamin Griveaux từ bỏ quyền đứng đầu danh sách đảng LREM của tổng thống tại thủ đô Paris ngày 14.02.2020 vì lý do bê bối tình dục cá nhân qua mạng điện thoại di động, bị cả nước chê cười thỏa thích. Ông Griveaux được thay thế bằng chính bà đương kim bộ trưởng bộ Y tế Agnès Buzyn vào ngày 16.02.2020 trong tình huống căng thẳng cấp bách. Cuộc bầu cử địa phương vòng một diễn ra ngày 15.03.2020 như dự tính, làm cho dân chúng tạm quên nạn dịch Coronavirus. Ngay sau đó mới có lệnh cách ly toàn xã hội ngày 17.03.2020.

Trường hợp tử vong của một giáo sư trung học người Pháp, 60 tuổi, ngày 26.02.2020 vì Coronavirus ở làng Crépi-en-Valois thuộc vùng Oise mới đánh động dư luận Pháp qua báo chí. Thêm một trường hợp nữa, một người nam, 55 tuổi, ở thị xã Lacroix-Saint-Ouen, xáp cận với thành phố Compiègne, nhân viên ở phi trường Creil, bị nhiễm Coronavirus và nhập viện trong tình huống nặng, được đưa từ bệnh viện Compiègne lên bệnh viện đại học Amiens. Từ đó vùng Oise được xem như là một trong những tâm điểm đầu tiên phát ra dịch bệnh. Nhưng mãi đến ngày 07.03. thì tất cả trường học trong vùng Oise mới đóng cửa, thời điểm mà bệnh dịch bùng phát ở nhiều nước trên thế giới Trung quốc, Hàn quốc, Ý, Iran, Pakistan…

Đến ngày 27.02.2020 thì Pháp ghi nhận có 38 ca nhiễm Coronavirus, lúc này thì có tổng cộng 82.000 ca nhiễm khuẩn và 2.813 ca tử vong trên thế giới với khoảng 50 quốc gia bị lây dịch.

Ngày 28.03.2020 một cô y tá nổi tiếng trong trò chơi truyền hình @ineskohlanta không chịu đựng nổi những thiếu thốn thiết bị y tế và sự cực nhọc trong bệnh viện đã thốt lên tiếng kêu báo động « Emmanuel Macron, bouge toi bordel » ! (Emmanuel Macron, hãy hành động ngay, mẹ kiếp!). Bà bác sĩ Amelie Charbon làm chứng trên tờ Le Figaro ngày 10.04.2020 : « Tôi mặc một cái áo trắng của thợ sơn, đeo một cái mặt nạ của thợ hàn và mang găng tay của công việc nhà ». Hai công đoàn của cảnh sát cũng nộp đơn trước tòa án thưa kiện, vì chính họ cũng không có khẩu trang. Người viết bài này không mua được một cái khẩu trang và nước cồn rửa tay, dù đã ghi tên trong danh sách chờ đợi ở tiệm thuốc tây thị xã.

Những người già trên 60 tuổi là thành phần chịu đựng cách ly giỏi nhất, kiên trì nhất vì họ biết rằng một khi nhiễm phải Coronavirus là cầm chắc cái chết trong tay, họ sẽ không được cứu. Nhiều bác sĩ, y tá đã công nhận sự sàng lọc mà theo họ là một sự bắt buộc vì thiếu thốn thiết bị, thiếu giường, thiếu người săn sóc, nên họ ưu tiên cho người trẻ, người có khả năng chữa khỏi trước hết. Một ngày một giường bệnh hồi sức tốn 3.000 euros cho bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tư nhân, phần phí tổn còn lại do người bệnh gánh chịu. Nếu một người già trên nằm một giường hồi sức 22 ngày thì phí tổn lên đến 66.000 euros, mà chưa chắc người đó thoát khỏi bệnh, phục hồi, họ tính toán như thế.

Trách cái xã hội tiêu thụ này là một xã hội bất nhân vô nghĩa cũng bằng thừa, vì người ta càng ngày càng tin chắc rằng mục đích của những người ở địa vị lãnh đạo là sống vì tiền là trên hết, con người chỉ là thứ vắt chanh bỏ vỏ. Đến tuổi hưu, chưa được ăn lương hưu mà đã khiêng chân ra trước thì quỹ hưu được lợi, không phải trả lương hưu cho những người đã lao động cả đời, đóng góp phần mình cả đời cho xã hội.

Mùa dịch Coronavirus làm rơi mặt nạ của một xã hội xa hoa phung phí của một tầng lớp. Nước Pháp lại có đặc điểm là thích tập trung (Centralisation) cho nên hình thành nhiều dạng khu thương mại tập trung với tầm vóc lớn, những ZAC, những ZI, những ZA rộng hàng chục ngàn mẫu đất được quy hoạch ở tất cả địa phương, điều này làm chết hết những cửa hàng bán lẻ, nhà hàng ăn uống, phố xá xầm uất, ở khắp các làng xóm, thôn quê, thị xã, thành thị, và hiện nay trong thời đại dịch bệnh thì không thoát khỏi lây lan nhiễm trùng vì tụ tập đông người trong các siêu thị rất lớn, các xe đẩy dơ bẩn, không được rửa sạch, là ổ vi khuẩn.

Bệnh dịch trả lại đường phố trống vắng cho những người không cửa không nhà sống ăn ngủ ngoài đường của thủ đô Paris hoa lệ. Những bóng hình cô đơn nổi rõ trên những con đường trống trải, 3.500 người vật vờ, bị cảnh sát xua đuổi, điều kiện vệ sinh, ăn uống giảm thiểu đến mức tối đa, thậm chí có người còn bị cảnh sát phạt vì không có lý do, giấy tờ trên đường phố.

Cũng không quên tiếng kêu cứu của 12 triệu người đang ở trong những bệnh viện tâm thần, sự cách ly với xã hội càng gây sợ hãi, hoang mang thêm cho họ, và cả những người già, người bệnh hoạn còn nằm trong viện dưỡng lão. Tính đến ngày 07.04 đã có 3.237 người già tử vong vì Covid-19 trong các nhà dưỡng lão, trong tổng số 10.328 người chết đến nay.

Bệnh dịch cũng làm cho những con chó, nhiều nhất là mèo bị bỏ rơi, bỏ hoang, vì chủ nhân của chúng sợ chúng mang mầm bệnh về.

Bệnh dịch đem lại cho 10.000 tù nhân trong các nhà tù của Pháp được trả lại tự do. Chỉ số người ở tù trên khả năng trước là 119% nay giảm xuống còn 103% với 62.650 tù nhân các loại tội phạm. Theo thông báo của bộ trưởng bộ Tư Pháp, bà Nicole Belloubet, có 60 tù nhân nhiễm khuẩn Coronavirus và gần 900 người quản tù phải cách ly tại gia, một người quản tù và hai tù nhân tử vong vì dịch covid 19.

Bệnh dịch làm giảm 44% những vụ ăn trộm nhà cửa, vì giới nghiêm ban đêm, ít người ra đường, bị kiểm soát, và tất nhiên cũng làm giảm đi những tai nạn giao thông vì có ai dám ra đường đâu. Giá xăng dầu bỗng hạ dần dần từ trên 1,60 euros xuống còn dưới 1,20 euros.

Nếu có một ngành phải tăng tốc thay vì thất nghiệp trong đại dịch thì đó là công ty sản xuất quan tài. Công ty OGF phải tăng sản xuất lên tới 15% trong ngày, tức là phải làm ra 420 hòm trong ngày để cung cấp cho khoảng 1.000 khách hàng (nhà táng), hiện tại cung cấp chủ yếu cho thị trường Paris.

Bưu điện đóng cửa những chi nhánh làm cho ở tỉnh nhỏ, nhà quê lại còn gặp khó khăn thêm, một lá thư trong nước đi cả tuần mới được phát, nói chi đến những kiện hàng tồn đọng không được gửi đi, không được phân phát. Người tiêu dùng không thế mua hàng trên mạng vì không được phân phối, kéo theo sự sụp đổ thêm về kinh tế.

Tốc độ lừa đảo trên mạng gia tăng, các nhà băng phải phát tán những thư cảnh báo thì ai lại có hứng mua hàng qua mạng ? Một số bưu điện chỉ được mở ở những thành phố lớn để đầu tháng, cuối tháng dân chúng có thể lãnh trợ cấp xã hội, lương hưu.

Trong khi đó, giá hoa quả, rau xanh « bốc hơi » đắt lên gấp bội, dân chúng lại mua dự trữ các nhu yếu phẩm rất cần trong lúc này nên thu nhập có bao nhiêu thì đổ vào cái ăn, tiền thuê nhà…cả. Nhũng học sinh, sinh viên phải đi làm thêm, người nghèo làm việc này việc kia để kiếm sống bỗng dưng mất việc, lao đao, đói ăn.

Ngày 14.04.2020 nước Pháp thông báo là đã đi vào giai đoạn suy thoái kinh tế với một con số tổng sản lượng quốc dân nội địa giảm 8% trong quý I/2020, con số thấp nhất kể từ 1945. Bà bộ trưởng bộ Lao Động, Muriel Pénicaud, đánh giá phí tổn chi tiêu cho thất nghiệp sẽ vượt quá 24 tỷ euros, con số thất nghiệp tạm thời hiện nay đã lên đến thêm 8,5 triệu người lao động, và còn tăng nữa.

Khẩu trang là món hàng cả Âu châu đều chở đợi, thậm chí ngày thứ tư 08.04.2020 thái tử Frederik de Danemark ra phi trường từ 05.30 sáng để đón chuyến vận chuyển 1 triệu khẩu trang mua từ Trung quốc đến. Tân bộ trưởng bộ Y tế Pháp, ông Olivier Véran, đã đặt Trung quốc 250 triệu khẩu trang nhưng thời gian giao hàng mãi tận đến tháng sáu, ngày 28.03 ông lại tuyên bố thêm là một tỷ khấu trang đã được đặt ở nước ngoài. Hiện tại, nước Pháp cần mỗi tuần 40 triệu khẩu trang y tế mà chỉ sản xuất được 8 triệu.

Thủ tướng Édouard Philippe chống chế : « Không có một hệ thống y tế nào mà lại được nghĩ ra để đối phó với một tình trạng giông bão như thế » (Aucun système sanitaire n´a été pensé pour faire face a une telle vague,). Ai nói đâu, cai trị là phải có tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược ?!

Từ các đời tiền nhiệm Giscard d’Estaing, Sarkozy, Hollande qua tới Macron, việc cắt giảm mọi chi phí xã hội đều dẫn tới việc cắt giảm trong lãnh vực y tế. Tình trạng thiếu bác sĩ tổng quát, bác sĩ chuyên khoa đến thuốc men, thiết bị y tế, nhất là ở vùng quê, vùng tỉnh, tình trạng ngày càng tăng sự phụ thuộc vào Trung quốc cung cấp, trong khi dân chúng thất nghiệp ngồi không. Theo lời một dược sĩ, 80% thuốc men phụ thuộc vào sự cung cấp của Trung quốc, tạo ra một tình trạng khan hiếm, khi có thuốc, khi không có. Một phương cách tái thiết lại quốc gia mà không phá vỡ mô hình toàn cầu hóa kinh tế đã bắt đầu được suy nghĩ, nghiên cứu.

Đến một vật nhỏ như là khẩu trang cũng được thổi phồng lên, gây tranh cãi vô ích trong xã hội. Thoạt đầu, ở Paris, những ai đeo khẩu trang, thường là người châu Á bị nhìn với ánh mắt hằn học, bị tấn công, nhổ nước bọt, đánh đập khi làn sóng kỳ thị người châu Á nổi lên, gây tâm lý bất an ngay cả cho người nhập cư đã ở cả đời. Người phương Tây xem việc đeo khẩu trang là yếu đuối, bệnh hoạn, và cũng để phòng chống nạn khủng bố, cấm che mặt nơi công cộng, đường xá. Cho nên, chính phủ Pháp phát động chiến dịch « Chỉ đeo khẩu trang y tế khi có bệnh » dán đầy trong các bệnh viện. Nay thì những tấm bảng này đã bị tháo gỡ, dân chúng được kêu gọi nên làm quen với việc mang khấu trang, các bà nội trợ đua nhau trổ tài may vá, chế biến khẩu trang bằng vải, trước kia thì làm bằng giấy thô sơ, bằng ngay cả giấy vệ sinh, khăn giấy dùng trong nhà bếp.

Dân chúng kêu ca đã bị chính phủ đánh lừa trong việc cung cấp khẩu trang và mất niềm tin vào lãnh đạo. Cho tới nay 28 lá đơn khiếu nại chính phủ về việc giải quyết nạn dịch đã được nộp lên tòa án.

Sự kiểm soát, theo dõi dân chúng qua điện thoại di động đang gây tranh cãi, theo một cuộc thăm dò (Le Figaro 12.04.2020) chỉ có 46% người dân chấp nhận, người ta lo ngại rằng tự do cá nhân ngày càng bị xiết chặt trong tầm kiểm soát của chính phủ.

Bác sĩ giáo sư vi sinh học Didier Raoult làm nổi sóng giới y khoa và những tập đoàn lợi ích, cố vấn y khoa vì đề nghị của ông, sử dụng ngay thuốc Hydroxychloroquine (tên thương mại là Plaquenil), nguyên thủy để chống sốt rét, kết hợp với thuốc kháng sinh đăc biệt về bệnh đường hô hấp Azithromycine cho người vừa mới chớm bệnh Coronavirus, mà ê kíp của ông đã áp dụng cho bệnh nhân covid-19 có hiệu quả ở bệnh viện Marseille (Institut hospitalo-universitaire (IHU) Méditerranée), bị gạt ra, bị phản đối, nghi ngờ. Nhưng giáo sư Raoult đã đạt được sự thành công nhất định của mình khi bộ y tế cho phép sử dụng Plaquenil trong những trường hợp nặng.

Người ta cũng tranh cãi nhiều về vấn đề nên hay không nên để dịch Coronavirus tự do phát triển để đạt được « miễn nhiễm cộng đồng ». Theo một mô hình toán học một xã hội chỉ có thể có miễn dịch cộng đồng khi đạt được khoảng 70% dân số đã nhiễm khuẩn Covid-19. Điều này có nghĩa là 47 triệu dân số Pháp phải nhiễm khuẩn để đạt được miễn nhiễm cộng đồng, trong khi đó sẽ có bao nhiêu là người chết ?! Nếu tính chỉ 1% dân số thì phải có 670.000 người chết ?.

Tình hình ngày 10.04.2020, theo ước tính mức độ miễn nhiễm cộng đồng ở khoảng 15% dân số, tức là khoảng 10 triệu người, cho thấy có 86.334 người dương tính với Coronavirus, 30.767 người được điều trị tại bệnh viện, 7.066 người trong tình trạng hồi sức, thở máy và 12.210 người tử vong. Con số điều trị tại nhà không được thống kê. Điều không tưởng này « miễn nhiễm cộng đồng » đã được tổng thống Pháp bác bỏ trong diễn văn tối ngày 13.04.2020. Phương thức cách ly xã hội là biện pháp duy nhất trong đại dịch để hệ thống y tế của một xã hội không bị sụp đổ hoàn toàn.

Khi dịch Coronavirus đã cướp đi theo thống kê chính thức 14.967 sinh mạng thì tổng thống Pháp quyết định cách ly toàn xã hội sẽ kéo dài thêm một tháng cho đến ngày 11.05.2020, sau đó các trường học sẽ được mở cửa lại, đại học vẫn đóng cửa, các nơi vui chơi giải trí như các quán ăn, quán cà phê, quán bar, cinéma, lễ hội văn hóa…vẫn tiếp tục đóng cửa sau 11.05, ít nhất cho đến giữa tháng 7, nhóm những người yếu đuối già cả vẫn phải tiếp tục cách ly sau 11.05, biên giới Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa, và hứa hẹn mỗi người dân sẽ có một khẩu trang sau ngày 11.05., đồng thời tăng thêm cường độ xét nghiệm cho những ai có triệu chứng. Thủ tướng Pháp công bố một gói cứu trợ đại dịch lên tới 110 tỷ euros.

Người ta lo sợ những bất ổn xã hội sẽ còn nổi bùng thêm lên sau khi dãn hay chấm dứt cách ly. Những biện pháp cách ly xã hội áp dụng tại các nước châu Âu, tại Pháp, chỉ làm khổ dân nghèo, làm nổi bật lên những rạn nứt, xa cách của xã hội và làm tê liệt, suy sụp nền kinh tế. Chiến lược « Phòng bệnh hơn chữa bệnh » và đừng để cho « Nước đến chân mới nhẩy » vẫn là đúng đắn nhất. MTT

Con đường di chuyển bệnh nhân lây nhiễm dịch Coronavirus ở Pháp từ ba ổ dịch là Paris và vùng Grand-Est, vùng Bourgogne-Franche Comté

Hiệu quả của việc đeo khẩu trang vải, khẩu trang mổ, và khâủ trang FFP2

ZAC : Zones d´activité commerciale, Khu vực trung tâm thương mại – ZI : Zones industrielles, Khu vực trung tâm kỹ nghệ – ZA : Zones artisanales, Khu vực trung tâm nghề thủ công – ZL : Zones logistiques, Khu vực trung tâm ngành vận chuyển

Nóng hơn quang tuyến X

22. mars 2020

Nóng hơn quang tuyến X – ©MathildeTuyetTran, France 2020

Thế là tôi đi xạ trị trong giới nghiêm. Giới nghiêm ở Pháp được ban hành vào ngày thứ ba 17.03 lúc 12 giờ trưa. Buổi sáng hôm đó chúng tôi vội vã chạy ra siêu thị gần nhà nhất để mua thức ăn cho cả tuần, những người đi chợ đều mua đầy nhóc chiếc xe đẩy. Tôi không hiểu tại sao các cuộn giấy vệ sinh lại được hâm mộ đến thế, các kệ trống trơn ! Kỷ niệm thời chiến trong nước tôi lại ùa về. Tích trữ, rồi đến đầu cơ thường xấy ra trong tình trạng chiến tranh, tổng thống Pháp đã chẳng tuyên bố rằng chúng ta đang ở trong chiến tranh với một kẻ thù vô hình, nhỏ bé nhưng có sức tàn sát.

Ấy vậy mà dân chúng, nhất là ở khu vực Paris chẳng xem những lời cảnh báo răn đe ra gì. Họ đã biết trước việc chính phủ áp đặt giới nghiêm từ mấy ngày trước, nên trễ nhất là tối thứ hai họ đã kéo nhau cả đoàn chạy ra khỏi Paris, như là chạy trốn thời đệ nhị thế chiến, như là đi nghỉ một vụ hè được tặng không, làm cho tối mịt mà vẫn kẹt xe trên những nẻo đường xuống phía Nam hay ra hướng Tây, phía vùng biển Bretagne . Nhờ vào dữ liệu điện thoại di động mạng Orange đã xác định được là 17% dân số Paris đã rời khỏi thủ đô trong vòng từ 13 đến 20.03.2020 (Le Parisien, 26.03.2020).

Những người trẻ, đặc biệt là dân thành phố lớn như Paris, chưa biết không khí chiến tranh là gì, không ý thức được vấn đề chung của cả xã hội, tỏ ra rất ương ngạnh, giả vờ như không nghe thấy tin tức, vẫn tiếp tục những nhu cầu, những đòi hỏi tự do cá nhân của mình. Người chạy jogging, người đi dạo, người đi xe đạp, người đi đến nhà bạn, người chơi đá banh, người thì tụ họp nhau nướng thịt ăn uống, người đi du lịch biển….., ai chết mặc ai. Chỉ thông cảm cho những gia đình có trẻ con và người già cô đơn, bị cách ly trong tình huống này thật là tội nghiệp. Nhưng không phải vì những thành phần ương ngạnh này mà nên ban bố tình trạng thiết quân luật gay gắt trên toàn lãnh thổ, trên toàn thể dân chúng. Tự do di chuyển trên toàn cầu là một đặc điểm của toàn cầu hóa kinh tế, cắt giảm sự tự do này là một « ngỡ ngàng » đối với thế hệ trẻ.

Nhất là dân chúng ở vùng quê, mật độ dân cư đã thưa thớt, sống biệt lập như là tự cách ly từ bao đời nay, chợ búa ở xa hàng chục cây số, người già ở biệt lập một mình trong nhà….thường không phải là một trở ngại cho việc cách ly. Xử phạt nghiêm khắc những người thành phố coi thường luật lệ đã ban hành, coi thường tình trạng đau khổ của những người khác, dạy cho họ biết thế nào là đoàn kết là những biện pháp cần phải tận dụng. Hinh như kỷ luật là điểm yếu của một số người trong một xã hội an bình, nhất là của những người tự nhận mình có tính chất « lãng mạn pa-ri-siêng ».

Thống kê ngày thứ sáu 20.03.2020 có 450 người chết, 12.612 ca nhiễm khuẩn, 5.226 ca được điều trị tại bệnh viện và 1.297 ca trong tình trạng nặng được hồi sức.

Báo Le Figaro có bài khá chi tiết về tình hình dịch bệnh covid-19 vào ngày thứ năm 19.03, nước Pháp có 10.995 ca nhiễm khuẩn, 372 ca tử vong, 4.461 người được điều trị tại bệnh viện, 1.122 người trong tình trạng hồi sức, thở máy, 92% số tử vong là bệnh nhân trên 65 tuổi.

Vùng Paris và phụ cận (Ile de France) có 3.384 ca nhiễm khuẩn, kế tiếp là vùng Grand-Est (phía đông) có 2.643 ca nhiễm khuẩn, vùng trung tâm Auvergne-Rhône-Alpes có 1.014 ca, phía bắc Hauts-de-France có 700 ca, vùng đông nam Bourgogne-Franche-Comte 696 ca, vùng biển đảo Paca có 693 ca nhiễm khuẩn.

Nhà cầm quyền rất tức giận vì dân chúng nhất là ở Paris coi thường các lệnh giới nghiêm, tụ họp, ăn uống, chơi thể thao, đi dạo…như không có chuyện gì xẩy ra. Chó, mèo bị bỏ rơi hàng loạt. Nhiều người chỉ trích giận dữ vì tình trạng thiếu khẩu trang trầm trọng. Bác sĩ mà không được cung cấp một khẩu trang.

Trong khi đó, một cô y tá ở nhà thương Emilie Muller thuộc vùng Mulhouse làm chứng nhân ngày 22.03.2020 trên tờ Le Figaro, cô nói :

«Tôi nghĩ rằng tình hình đã bắt buộc chúng ta phải nói để dân chúng ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc. Chúng ta không thể giấu giếm nhưng điều này được nữa. Chúng ta bị choáng ngợp, chúng ta phải nói ra những điều cụ thế. Đột nhiên chúng tôi được dẫn dắt để có những sự lựa chọn. Chúng tôi không còn có thể cung cấp tất cả mọi biện pháp điều trị cho tất cả mọi bệnh nhân. Chúng tôi phải lựa chọn người có nhiều khả năng, may mắn để phục hồi sau này. Thật khó cho chúng tôi. Thật khó để tự nói rằng sẽ không làm tất cả cho mọi người. Chúng tôi đã có khó khăn để giữ vững việc làm của chúng tôi. Chúng tôi có khó khăn khi nhìn thẳng vào mắt những bệnh nhân. Chúng tôi có những bệnh nhân rất trẻ không có vấn đề về sức khỏe mà đang nằm trong phòng hồi sức, chính vậy, nó gây bệnh cho mọi lứa tuổi, mặc dù không có vấn đề về sức khỏe. Tôi nghĩ thật sự rằng, phải thiết lập quyết liệt sự cách ly. Mọi người phải ở nhà và việc cách ly phải được tôn trọng thực hiện. Ở đây, người ta tiếp tục có thể đi ra ngoải, chơi môn thế thao của họ…thật là vô trách nhiệm, mọi người phải ở nhà. » ( http://video.lefigaro.fr/figaro/video/coronavirus-a-mulhouse-la-situation-est-grave-(…)-on-est-depasses-temoigne-une-infirmiere/6143637203001/ )

Điều « lựa chọn » của cô nói cắt nghĩa nguyên nhân tại sao có 92% tử vong là bệnh nhân trên 65 tuổi !

Ai sẽ vui vẻ khi được lựa chọn như thế ?! Gia đình nào sẽ vui vẻ khi biết cha mẹ, người thân của mình được lựa chọn để không được điều trị, săn sóc và để chết ?!

Làm việc cống hiến cho xã hội cho gia đình cả đời, rồi vừa mới được về hưu, 65 tuổi là tuổi hưu, thì đã chết vì covid-19 thì lương hưu ai ăn ?!

Tình trạng thiếu điều kiện có giường hồi sức, hạn chế, bình thường chỉ có 03 giường trong một bệnh viện tầm cỡ trung bình, trong khi con số nạn nhân cần được hồi sức, thở máy tăng nhanh. (Le Parisien, 04.04.2020Coronavirus : manque de moyens, accès aux soins… la révolte des personnes âgées. Deux associations déplorent une perte de chances pour les plus vieux patients. Elles ont engagé une action devant le Conseil d’État, comme nous le révèle en exclusivité le lanceur d’alerte Michel Parigot. – Coronavirus : «Décider de qui va vivre ou mourir, cela laisse des traces indélébiles» Charlotte Chollet, directrice médicale adjointe du Samu à l’hôpital Henri-Mondor de Créteil, évoque ce qu’on appelle «la solitude du médecin trieur» en cas d’afflux de malades dans les services de réanimation. Covid-19 : «Sur le certificat de décès, il ne faudrait pas écrire coronavirus, mais manque de lits». Guillaume Hannotin est l’avocat des deux associations qui réclament en justice que le tri des malades en réanimation ne repose pas uniquement sur les épaules de médecins.)

Một nước Pháp rất mực giàu có, xa hoa, phung phí, văn minh, văn hóa từ ngàn đời phơi bày trên cả thế giới những điểm yếu của chính xã hội mình trong y tế công cộng của dân chúng khi có biến động: thiếu khẩu trang, thiếu cồn rửa tay, thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu giường bệnh, thiếu bác sĩ, thiếu y tá…..trong khi các chính khách phụ trách không ngớt lời tốn nước bọt để cãi qua cãi lại lằng nhằng, đính chính phân bua, không hành động quyết liệt để cứu dân chúng, mà dân chúng Pháp thời buổi 2020 đại dịch mà vẫn tê liệt, ù lì, mê muội, hậu quả của việc ăn mãi tuyên truyền tiêu thụ chăng ? Những tiếng kêu đòi hỏi phải sửa đổi, bức xúc, cải cách thật sự, chống tham nhũng, ăn chận…còn quá yếu ớt, lẻ tẻ, ít người nghe, ai cũng lo phận của mình. Nỗ lực của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, sinh viên y khoa…để cứu chữa hàng ngàn nạn nhân đang được ủng hộ, bù đắp bằng những tràng pháo tay 20 giờ ở thành phố, những bản nhạc của những nghệ sĩ như Vanessa Paradis với bài hát viết riêng « Merci pour tout » (Cảm ơn vì tất cả) trên ParisMatch ngày 27.03. 2020.

Đến ngày thứ tư của việc cách ly, trên đường đi đến nhà thương để xạ trị, chúng tôi thấy xe cộ vắng hẳn nhưng vẫn còn xe hơi cá nhân chạy dập dìu, xe tải chở hàng hóa vẫn chạy rầm rập, và những kẻ buôn cần sa ma túy vẫn đợi để được giao hàng, bên lề những con đường làng, đường quốc lộ.

Điều đáng nêu gương là đơn vị xạ trị của nhà thương nơi tôi được điều trị ung thư vẫn kiên quyết làm việc để tiếp tục công việc điều trị cho những bệnh nhân đã bắt đầu. Bác sĩ tự động cấp giấy chứng nhận để tôi có thể đi và về hàng ngày trong giai đoạn giới nghiêm và vẫn có mặt mỗi thứ tư để khám bệnh. Tôi rất biết ơn họ. Nhiều bác sĩ khác, kể cả của phân khoa ung bướu, thì bị trưng dụng vì dịch bệnh phải hủy bỏ tất cả cái hẹn khám bệnh của bệnh nhân trong tháng này.MTT

Cảnh sát Bỉ phát tán một bài hát của Claude François (1939-1978) qua sự trình bày của Yann Lambiel chế lời theo tình hình hiện tại của dịch covid-19 và kêu gọi mọi người nên thực hiện cách ly, ở trong nhà và thường xuyên rửa tay:

Tính đến ngày thứ hai 23.03.2020 nước Pháp có 19 856 ca nhiễm bệnh , 8 675 đang được điều trị tại bệnh viện , trong số này có 2 082 ca nặng, con số tử vong lên đến 860 người.

Nguyên văn tiếng Pháp :

« Je pense que la situation fait qu´il faut dire les choses telles qu elles sont. Pour faire prendre conscience a la population la gravite de l´enjeux. On ne peux plus cacher ces choses là, on est dépassés, il faut dire les choses telles qu´elles sont. Du coup, on est amenés a faire des choix. On ne peut plus proposer tous les soins à  tous les patients. On doit choisir qui a le plus de chance de se rétablir par la suite. C´est difficile pour nous. C´est difficile de se dire qu´on ne fera tous pour chacun. On a du coup du mal a tenir notre poste. On a du mal a regarder dans les yeux de nos patients. On a des patients très jeunes sans problèmes de santé qui sont en réanimation, donc, ça touche tous les âges même sans problèmes de santé. Je pense vraiment qu´il faudrait un confinement drastique. Que les gens restent chez eux et que ce soit vraiment applique. Là, de pouvoir sortir, faire son sport…c´est n’importe quoi, il faut que les gens restent chez eux. »

Petite Maman

8. mars 2020
tags:

Petite Maman, poème de Mathilde Tuyet Tran 2006, Illustration de Tran Minh Khoi, Berlin

Petite Maman

J‘ai quitté ma maison et mon ciel

légère comme un petit oiseau avec de grandes ailes

s‘envole, libre et heureuse, vers d‘autres cieux lointains,

sans savoir d‘avoir tourné la page d‘une enfance insouciante,

d‘avoir laissé maman, seule, comme une capitaine

d‘un bateau plein de gens exigeants,

son mari, ses enfants et les autres,

à traverser toutes les tempêtes imminentes.

Je m‘éloigne d‘une petite femme,

travailleuse, courageuse, et généreuse,

qui n‘a jamais posé une question

que sa vie est si dure et que Dieu est injuste.

Avec le temps, les masques tombent,

les méchants, les indignes se dévoilent forcément,

Toi, maman, ta grandeur devient plus grande,

lorsque les petites choses deviennent importantes,

rien n‘est bien évident,

et qu‘on comprend tes jours rouges et tes nuits blanches,

seule,

pour ramasser tes forces,

avaler les reproches,

et soigner tes blessures.

Ton âme est venu me dire adieu

d‘un petit matin gelé de neige et de glace

le ciel était si bleu, les étoiles si étincelantes,

mon cœur tremble de honte et de remords,

ma fille, tu me manques tant,

quand reviens-tu me voir,

derrière la fenêtre froide, j‘ai pleuré ton départ.

Maman, je t‘appelle maintenant,

trop tard et pourtant…

pardonne moi, Maman,

je te dois ton amour si grand.

Je sais, tu n‘est plus là,

mais tu m‘entends dans l‘au-delà,

je t‘aime, Maman,

je veux être comme toi, Maman,

travailleuse, courageuse et généreuse,

ma petite Maman.

© Tuyet Tran, 2006 (Mathilde Tuyet Tran 14.07.2012)

Cuộc đời tình duyên của Vua Duy Tân

29. février 2020

Cuộc đời tình duyên của Vua Duy Tân – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Trong số các vua nhà Nguyễn của lịch sử Việt Nam cận đại thì có ba vua có vợ là người Pháp, đó là vua Hàm Nghi, vua Duy Tân và vua Bảo Đại. Vua Hàm Nghi êm ấm trong tháp ngà với người vợ duy nhất. Cuộc đời tình duyên của vua Bảo Đại đã làm tốn nhiều giấy mực của báo chí đương thời. Chỉ có vua Duy Tân còn là một ẩn số kể từ khi nhà vua bị Pháp đày đi đảo La Réunion sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Thái Phiên và Trần Cao Vân từ năm 1916, lúc nhà vua chỉ mới 16 tuổi, tuổi thật của vua Duy Tân khi ấy là 17 tuổi.

Về đoạn đời của vua Duy Tân từ lúc được Pháp chọn lên ngai vàng kế vị vua Thành Thái cho đến khi đi đày đã có nhiều tác phẩm viết qua chuyện kể lại, tài liệu lưu trữ, nhưng về đoạn đời trong những năm tháng lưu đày của vua Duy Tân từ 1916 đến 1945, từ lúc 17 tuổi đến 46 tuổi, lúc nhà vua tử nạn máy bay trên đường từ Paris về đảo La Réunion thì chưa có tác phẩm nào nghiên cứu trọn vẹn đầy đủ cả.

Tác giả bài viết này dựa trên những lời kể của hoàng tử Nguyễn Phước Bảo Ngọc tức ông Georges Vinh San, trưởng nam, và bà Suzy Vinh San, trưởng nữ của vua Duy Tân và một số tài liệu tại hải ngoại, trong đó có cuốn sách viết về vua Duy Tân của ông Nguyễn Phước Bảo Vàng tức ông Claude Vinh San. Các nhân vật này và hậu duệ của vua Duy Tân còn sinh thời, nên mọi thông tin, chi tiết viết về vua Duy Tân đều phải rất cẩn thận, không được sai với thực tế.

Sử sách ghi chép rằng khi tới đảo La Réunion đi đày theo vua Duy Tân, thì mẹ của vua Duy Tân là bà Tài Nhân Nguyễn thị Định, cô em gái Lương Nhàn, và vợ mới cưới của vua Duy Tân vào ngày 30.01.1916 là bà Mai thị Vàng, và cho biết, vì không hợp khí hậu nên chỉ sau một thời gian ngắn ở đảo, đến đảo ngày 20.11.1916 trên chuyến tàu Guadiana nhưng trong năm 1917 cả ba bà đã được người Pháp cho trở về Việt Nam, để vua Duy Tân một mình ở lại đảo và không biết đến bao giờ gặp lại, không biết đến bao giờ mới được Pháp cho về nguyên quán.

Như thế, một bà vương phi không theo chồng ? Không chung sống với chồng và không có cơ hội gặp lại chồng ? Câu hỏi này không ai đặt ra, có thể không ai quan tâm đến, hay cho là « tò mò » đời tư của vua. Chỉ biết rằng, bà Duy Tân tức Vương phi Mai thị Vàng, trở về Huế ở vậy suốt đời.

Phần vua Duy Tân, một thiếu niên 18 tuổi, đã nhiều lần viết thư về Huế để chính thức ly hôn với bà Mai thị Vàng cho phép bà đi lấy chồng khác, nhưng đều bị Tôn nhơn phủ và bà Vàng từ chối. Kết quả là hai người trên nguyên tắc vẫn là vợ chồng với nhau.

Tại sao vua Duy Tân lại để vợ đi về và còn đòi được ly hôn ?

Trả lời cho câu hỏi này tức là đi vào thâm cung bí sử, một bí mật của hoàng cung không hề được tiết lộ. Một tài liệu mật của Pháp trong tay của ông Georges Vinh San cho rằng, bà Mai thị Vàng bị vua Thành Thái xâm phạm, cho nên vua Duy Tân mới giận dữ nghi ngờ bỏ vợ, lánh cha. Điều này có đúng hay không, hay là một kế ly gián thâm hiểm của người Pháp đổi với hai vị vua chống Pháp như Pháp đã từng lập « hồ sơ đen » về vua Thành Thái khi nhà vua còn tại vị ở Huế, thì xin để thời gian về sau trả lời. Có lẽ vua Duy Tân biết đời mình lao đao, muốn trả lại tự do và êm ấm bình an cho mẹ, em gái và người vợ mới cưới ?

Bà Mai thị Vàng vốn là con gái của quan phụ đạo Mai Khắc Đôn, người miền Nam, được vua Duy Tân « nạp phi » để trả ơn thầy đã dạy vua. Bà Vàng có tiếng là « tuy không đẹp lắm nhưng có đức hạnh». Trước đó, vua Duy Tân đã yêu tiểu thư họ Hồ, con gái của quan thượng thư Hồ Đắc Trung.

Có thể kể cuốn Vua Duy Tân 1916 của Nguyễn Trương Đàn tổng hợp đã viện dẫn lá thư viết ở Cửa Tùng của vua Duy Tân ngày 23.11.1915 và chuyện tình của vua Duy Tân vởi tiểu thư họ Hồ cùng với việc nhà vua cưới gấp con gái quan phụ đạo Mai Khắc Đôn dù là không yêu, cũng chưa có thời gian tìm hiểu. (Trang 192-196). Lý do được đưa ra là vì vua Duy Tân muốn tránh cho tiểu thư họ Hồ và cả gia đình một sự liên hệ đến nhà vua, mà sau này Hồ Đắc Trung lại cứu vua thoát khỏi tội chết, chỉ bị đi đày ở đảo La Reunion cùng với vua cha là Thành Thái. *)

Khi đặt chân lên đảo, vua Duy Tân đã tỏ rõ ý chí tự lập và tiến bộ, khác với vua Thành Thái tỏ thái độ bất hợp tác, sống biệt lập và không cho con cái đi học trường tây, vua Duy Tân thuê nhà ở riêng, một mình, và hòa mình vào cuộc sống với xã hội, với người dân trên đảo, tiếp tục học xong bằng cử nhân luật và thâu thập những kiến thức khác.

Vua Duy Tân, không những đã viết thư nhiều lần về Huế, để đòi ly hôn với bà Mai Thị Vàng, mà còn viết nhiều thư bằng tiếng Pháp cho nhà cầm quyền ở đảo đòi ly hôn. Theo luật hôn nhân của Pháp thì chỉ được một vợ một chồng, dủ rằng vua có quyền nạp nhiều phi theo tục lệ thời ấy, mà vua thì sống ở đảo, trên đất Pháp, cho nên không thoát ra được luật pháp hiện hành của Pháp.

Vua Duy Tân không thể ly hôn được với bà Mai thị Vàng, tức là không thể lấy vợ khác, tất cả các con sinh ra đều là con ngoại hôn của « vợ » không có hôn thú, mang họ mẹ. Điều này cắt nghĩa vì sao những người con của vua Duy Tân mãi đến năm 1946 mới được chính quyền Pháp nhìn nhận và cho mang họ của cha sau khi vua Duy Tân bị tử nạn máy bay ở Cộng Hòa Trung Phi năm 1945. Nhưng vì không thông hiểu cách đặt tên của hoàng tộc nên các con của vua Duy Tân mang họ cha là « Vĩnh San », viết theo tiếng Pháp không bỏ dấu là « Vinh San », cũng không có tước vị hoàng tử hay công chúa.

Ban đầu, vua Duy Tân có quan hệ với bà Anne-Marie Viale và sinh ra một người con trai tên là Armand Viale sinh năm 1919.

Sau đó, khoảng năm 1927, nhà vua gặp một người con gái mới 14 tuổi, nhỏ hơn vua 13 tuổi, con của một người bán cơm, nấu cơm tháng cho thanh thiếu niên hay đến cửa hàng này ăn cơm, bà Fernande Antier.

Cuộc tình duyên này kết tụ lâu dài và đã đem đến cho ông tám người con, bốn trai bốn gái, nhưng bốn người mệnh yểu qua đời sớm, đó là Thérèse (1928), Solange (1930), André (1935) và Ginette (1940), bốn người còn sống là Suzy (1929), Georges (1933), Claude (1934) và Roger (1938).

Sau khi chia tay với bà Fernande Antier, nhà vua có với bà Ernestine Yvette Maillot một người con gái út đặt tên là Andrée Maillot sinh năm 1945, là lúc nhà vua tử nạn trên đường bay về với gia đình vào dịp Giáng sinh, không kịp nhìn mặt đứa con gái út.

Bà Andrée qua đời năm 2011 vì bị mưa lớn đá lở sập đè trong vườn nhà.

Ông Claude Vinh San thọ 82 tuổi, qua đời năm 2016. Còn sống ngày nay có ba người ở Pháp, đã thọ trên 80 tuổi là bà Suzy Vinh San, ông Georges Vinh San và ông Roger Vinh San. Riêng ông Roger Vinh San có về Việt Nam sinh sống vài tháng ở Nha Trang, vài tháng lại ở Pháp.

Sau năm 1945 người Pháp cho phép cả hai gia đình Thành Thái và Duy Tân thoát khỏi cảnh đi đày, một phần gia đình vua Duy Tân về sinh sống trên đất Pháp. Bà Fernande Antier cũng theo con gái là Suzy Vinh San rời đảo, sau một thời gian sinh sống ở Madagascar, cuối cùng về Pháp lục địa sinh sống.

Bà Antier sau khi chia tay với vua Duy Tân cũng ở vậy cho đến khi qua đời ngày 12.02.2005, thọ 92 tuổi. Bà là người vợ duy nhất của vua Duy Tân đã có dịp về thăm quê chồng, mộ chồng ở Huế vào tháng 4 năm 1987.

Tôi có duyên được đến thăm bà Suzy Vinh San tại nhà riêng ở làng Ruffec thuộc địa phận Charente và được bà mời đi thăm mộ mẹ, bà Fernande Antier, ở cách đó không xa. Đó là một ngôi mộ gia đình bằng đá xám, nơi an nghỉ của bà Antier, vợ vua Duy Tân, và chồng bà Suzy song song. Tiết trời lại vần vũ chuyển mưa. Chồng một nơi, vợ một nơi, lúc chết cũng không được xum họp. Ước nguyện của bà Antier năm nào được an táng bên cạnh lăng mộ vua Duy Tân ở An Lăng có được thực hiện ? MTT

* Xem Dấu Xua – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, Mathilde Tuyết Trần, nxb Trẻ, 2012

Bà Antier trong lần về Huế – Ảnh tư liệu gia đình Duy Tân Vĩnh San

Bà Antier và vợ chồng ông Roger Vinh San trong lần về Huế – Ảnh tư liệu gia đình Duy Tân Vĩnh San

Công chúa Suzy Vĩnh San lúc còn trẻ – Ảnh tư liệu gia đình Duy Tân Vinh San

Ngôi nhà của công chúa Suzy Vĩnh San, nơi bà Antier đã sống lúc sinh thời – Ảnh: MTT2019

Nghĩa trang nơi chôn cất bà Antier và công chúa Suzy Vĩnh San – Ảnh: MTT2019

Ngôi mộ bà Fernande Antier, vợ vua Duy Tân tại Pháp – Ảnh: MTT2019

Hành hương Đức Mẹ Lourdes (Lộ Đức) II

22. février 2020

Hành hương Đức Mẹ Lourdes (Lộ Đức) II – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2020

Chúng tôi mất ba tiếng đồng hồ từ khoàng cách 100 cây số ở phía Bắc để vượt qua cái ải Paris dày đặc xe cộ nối đuôi nhau chạy theo kiểu Stop and Go xuống phía Nam. Đến ngang khu vực Palaiseau ở nam Paris, tôi ngạc nhiên nhìn hoa aubépine nở trắng hai bên đường. Sớm quá, mới giữa tháng hai mà mùa xuân đã về năm nay. Khi ra khỏi nhà, khu vực miền Bắc đang có bão, gió thổi trên trăm cây số giờ, nhà riêng của chồng tôi có cây đổ làm lủng nóc lỗ chỗ, cái cây cao hai mươi thước đổ nằm ngang trên sân chắn lối đi. Vậy mà chồng bỏ cây đổ ngổn ngang đó, đưa tôi đi Lourdes xa cả ngàn cây số bằng xe hơi.

Càng xuôi Nam, càng thấy Xuân về rõ nét. Không những chi aubépine mà cứ dần dần hiện ra nào là hoa đào, hoa mimosa, hoa genêts trong tiết trời xám xanh, gầm gừ chỉ chực mưa. Đi được hơn 500 cây số thì trời đã sụp tối, lái xe đã mười tiếng, chúng tôi nghỉ đêm lại tại một thành phố cảng biển. Vì là mùa đông, nên chồng tôi tính không đi lối trong, khí hậu lạnh hơn, vùng núi, có tuyết, nên chọn đường đi dọc vùng biển Atlantique, tuy rằng có mưa nhưng ít nguy hiểm hơn.

Sáng hôm sau, ăn sáng xong chúng tôi lại lên đường ngay, chồng tôi ngại sẽ kẹt xe đoạn qua thành phố Bordeaux. Vậy mà y như rằng, ngay trên xa lộ người ta đã báo tin là đoạn xa lộ chạy ngang qua Bordeaux về phía Đông đã kẹt cứng xe, thời gian chờ đợi là khoảng 1 tiếng rưỡi. Thế là chúng tôi khi chạy đến đuôi của đoạn kẹt xe, tìm ngay lối ra đường quốc lộ, đi tiếp.

Chúng tôi chạy thong dong, nhưng trên quốc lộ thì nhiều đoạn hạn chế tốc độ 80, 70, 50, qua làng mạc thì nhiều khi chỉ được chạy 30 cây số, lại có nhiều vật cản tốc độ nên thời gian di chuyển lâu hơn. Cũng có cái thú là được ngắm cảnh, những nơi chưa bao giờ đến, hay những đổi thay theo thời gian của những nơi quen biết rồi.

Chúng tôi đến thành phố Lourdes thì đã 7 giờ tối, nhận phòng khách sạn rồi vội vã đi ăn tối ngay khẻo hết giờ. Bên Pháp, buổi trưa tiệm ăn nhà hàng chỉ nhận khách đúng y từ 12 giờ cho dến 13.30 giờ, 14.00 giờ thì có nơi họ đã khóa trái cửa không cho khách vào, đến trước 12 giờ thì phải chờ ở ngoài dù trời lạnh giá, buổi tối từ đúng y 7 giờ cho tới 8.30 giờ, nghiêm ngặt như thế bảo sao chẳng vắng khách đi ăn tiệm, ai cũng ngại bị bồi bàn mời ra khỏi cửa như đến ăn mày ăn xin của họ.

Lourdes ngày đầu trời đẹp, tức là có mây nhưng không mưa, lạnh dịu, nhưng vắng tanh, ở khu vực thánh địa thì nhiều khách sạn, cửa tiệm, nhà hàng đóng cửa, tạo một cảm giác đìu hiu. Cho những ai chỉ muốn đến cầu nguyện xin ơn thì quãng thời gian này rất thuận tiện, ít người, giá cả hạ. Một khách sạn cho tôi biết là họ sẽ đóng cửa ngay sau ngày lễ thánh Bernadette cho đến tháng tư mới mở cửa lại, mùa chính là từ tháng tư đến tháng mười, sau đó đến mùa Giáng sinh. Thảo nào, nếu muốn dùng mạng để đặt phòng thì không đặt được, mà chẳng cho biết lý do là tại sao.

Đi đến đâu cũng gặp người Việt Nam, chồng tôi tinh ý nhận ra ngay một nhóm người đang mua sắm là người Việt, cô ngồi ở lễ tân thánh địa cũng là một sơ người Việt. Giọng nam giọng Nghệ lại chộn rộn.

Hôm đó, tôi đi taxi một mình đến thăm mộ ba má tôi, có một thầy trong chùa nhìn mặt tôi rồi quở ngay, ngó mặt chị là biết chị « theo » bên giáo, tháng chín này chị bị bệnh nặng đó, bỏ lương theo giáo nên chị bị Phật phạt ! Tôi chẳng dám vô phép trả lời lại thầy, im lặng nghĩ rằng, Phật nào lại phạt tui ?! Đến khi tôi lâm bệnh nặng vào thời điểm ấy tôi mới ngờ điều thầy rủa !

Những ngày ở Lourdes êm đềm trôi qua, ngày có chút nắng ngày mưa nhiều. Người bệnh ung thư là người không có ngày mai, nên mỗi ngày được sống là một quà tặng vô giá.

Vết mổ của tôi đã bớt đau, cánh tay cử động được, chồng tôi cười vui sướng khi tôi làm được cử động dùng tay phải gãi tai trái vòng qua ngang đầu, tuy còn ngượng ngịu.

Những thánh lễ ở Lourdes đều chật kín người, dù nắng hay mưa, nhất là thánh lễ long trọng cho thánh Bernadette vào ngày 18.02, có đến ba vị giám mục đồng chủ lễ, và sau đó là rước kiệu thánh trên vai ra ngoài hang Massabielle, nơi Đức Mẹ hiện ra. Thật khó mà tưởng tượng ra được khung cảnh hoang vu, thiên nhiên thời xưa, hang động, đường đất, bùn lầy, đồi núi, nhà cửa chật hẹp tối tăm….của hơn hai thế kỷ trước, bây giờ tất cả đã được xây dựng để phục vụ người hành hương.

Đường về còn xa. Chồng tôi quan sát tôi, nói, em vừa mới đóng cửa xe một mình. Lúc đi, anh vẫn mở cánh cửa xe cho tôi, chờ tôi ngồi vào trong, đóng cửa xe lại. Xuống xe cũng thế, chỉ nội việc mở cửa xe hơi là một sự đau đớn, anh phải đi vòng qua mở cửa cho tôi ra. Mặc áo, anh cũng xỏ tay áo cho tôi…Cắt miếng thịt, mở nút chai anh phải làm giúp tôi. Bây giờ, những việc ấy, cả vói tay, xách cái sắc tay,   tôi làm được một mình, cơn đau của vết mổ đã bốn tuần nay bớt dần. Chúng tôi lại về mất hai ngày đường, cũng mất ba giờ đồng hồ để lái vòng qua Paris. Về đến nhà, mừng quá, ôi, mấy cây đào vườn nhà cũng đang đơm nụ ra hoa dưới nền trời xám ngắt.

Về Lourdes, người ta gặp những người hành hương từ khắp thế giới, không ai đến đây đường xa tốn kém với ý nghĩ đi chơi vui thú mà mỗi người đến với một cơn bệnh nặng, một sự tàn tật, một nỗi niềm đau khổ, một tâm tình của một người sắp từ giã cõi trần, một tâm tư với những nguyện cầu…. rồi họ lại rời Lourdes ra đi, với một tâm trạng tràn đầy hy vọng, dù có thể vẫn là trong tuyệt vọng. Đó là sức quyến rũ của thánh địa Lourdes trải qua hơn hai thế kỷ, từ năm 1858 đến nay, mỗi năm có khoảng 6 triệu người đau khổ bệnh tật lũ lượt kéo về tìm nguồn hy vọng.MTT

Tháng hai ở Lourdes – Photo MTT2020

Lourdes trong ngày mưa – Photo MTT2020

Thánh đường ngày lễ St. Bernadette – Photo MTT2020

Hang Massabielle – Photo MTT2020

Ngôi nhà cổ của cha mẹ thánh Bernadette – Photo MTT2020

Bạn nghĩ gì về ung thư ?

2. février 2020

Bạn nghĩ gì về ung thư ? ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Khi nhận được cái tên « ung thư » từ người bác sĩ, có người bật khóc nước mắt chảy dài chạy ra khỏi phòng mạch, có người điềm tĩnh lặng thinh chồng nhìn vợ vợ nhìn chồng không nói…. và có một cái nhói đau trong trái tim. Dù phản ứng của mỗi người bộc lộ ra bên ngoài một cách riêng khác nhau, nhưng bên trong tâm khảm cùng một câu hỏi : ngày mai sẽ ra sao ? Một ngày mai gần, có hạn định.

Bà và cháu

Ung thư, phải nói là một căn bệnh do môi trường xã hội gây ra. Đa số người bị ung thư là những người có một đời sống lành mạnh, số phần trăm ít ỏi do di truyền hay do tác động của hormones, cũng là nguyên nhân gián tiếp từ môi trường, trong hòa bình hay trong chiến tranh. Người ta đều biết, mỗi một cuộc chiến đều có, đều để lại những hậu quả dài lâu, có khi hàng trăm năm sau cho người dân gánh chịu.

Mỗi một người bệnh ung thư là một ca riêng biệt, người nặng người nhẹ, người có may mắn, người thì đã vào giai đoạn cuối, không ai giống ai. Con người sống trong môi trường do mình tạo ra, hủy hoại nó, để trở thành nạn nhân của chính nó.

Khi con gái tôi, nhìn vết thương của mẹ dài hơn 20 cm chạy ngoằn ngoèo ngang qua thân thể, nó nói rằng, con không thể tưởng tượng ra cái đau của mẹ, tôi biết là nó rất chân thật và băn khoăn về một cái đau khó mà hình dung được, cảm nhận được.

Tôi nghĩ rằng, người phụ nữ nào cũng cắn răng chịu đựng cái đau rát cắn xé thân thể mình trong im lặng vì thương chồng, không muốn anh lo lắng, hoảng hốt, vì thương con, cũng vì thế. Mọi người thân của mình phải sống bình yên, một mình mình chịu là đủ. Nhưng cũng có lúc, đau quá tôi bật khóc, chồng tôi yên lặng vuốt cái đầu trọc le ngoe tóc con mới mọc lên. Tôi cảm thấy sự chia xẻ trong lòng bàn tay ấm áp của anh, nín khóc. Anh nói, phải như thế em mới có hy vọng sống sót. Con tôi, làm việc trong nhà thương, cũng hỏi bác sĩ trong ấy, rồi cũng bảo, phải như thế thôi.

Những biện pháp hóa trị, phẫu thuật, xạ trị là những biện pháp cứu người, chữa bệnh nhưng chúng đều gây ra những đau đớn khổ cực cho người bệnh mà bác sĩ đều bất lực, chấp nhận như một chuyện tất yếu. Ông bác sĩ giải phẫu của tôi đã nói trước, bà sẽ chịu đựng một cuộc phẫu thuật đau đớn, vì ông biết ông phải làm gì khi mổ, nhưng cái đau nhức cắt da xé thịt tôi phải chịu đựng sau đó thì chắc ông cũng không tưởng tượng ra được. Bạn viết thư cho tôi, biết tôi là người không hay than van chuyện gì, thế mà lần này chắc hẳn là đau lắm. Thuốc giảm đau chỉ làm giảm đau, nhưng liều thuốc từ những an ủi, những lời động viên, những tình cảm của chồng, con, bạn bè, những người thân mang đến, tặng cho, mới làm thành sự chịu đựng.

Người bệnh ung thư, trừ một số bị trầm cảm, đa số đều « vùng lên », muốn sống, yêu đời. Họ hối hả thời gian còn lại, ba tháng, sáu tháng, một năm…Họ không tính sổ cuộc đời như thường tình, mà cố làm nốt, thực hiện nốt những công việc đang dở dang, còn việc gì phải làm không ? Bệnh nhân trẻ tuổi vùng lên sức sống như cô sinh viên ung thư đi thi hoa hậu, cô start up ung thư đi leo núi nhiều chuyến…ở Việt Nam, có lẽ họ không muốn làm gương cho ai, chỉ muốn sống cho chính mình. Những người khác cố gắng sinh hoạt bình thường, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu cơm, lái xe, giặt giũ, chăm sóc con cái…như thường ngày, không có gì xẩy ra, quên đi cái đau, cái lo của chính mình với một nghị lực phi thường. Bởi thế nên ít có ai nói về cái đau của mình.

Trăn trở về sự sống (sót) cộng với sự tiếc nuối sự sống đó chính là điều lo nghĩ căn bản của bệnh nhân ung thư.

Ngày mai ? Ngày mai, có còn nhìn được bình minh ? Có còn ngắm được hoàng hôn ? Có còn chờ được trăng lên, sao mọc lấp lánh trên nền trời xanh đen ? Có còn ngắm hoa nở ? Cánh đồng dưới trời mưa ? Mầm hoa xanh trồi lên trong mùa đông lạnh giá báo hiệu mùa xuân sẽ về ? Con chó nhẩy cỡn mừng chủ ? Con mèo đói chờ ăn ? Có còn nhìn trẻ con tung tăng đến trường ? Nghe tiếng trẻ con cười đó, khóc đó ? Có còn nhìn thấy anh cười, bàn tay anh ấm áp nắm lấy tay em khi ngủ ? Có còn thấy mặt con, mặt cháu, đang ở xa, vội vã hấp tấp chạy về, bay về ?…tất cả những biểu hiện của đời sống hiện ra cấp bách, hối hả, dục dã tâm trạng người sắp phải ra đi. Cuộc đời, chỉ có ngần ấy thôi.

Không một căn bệnh nào lại dramatisch như ung thư, kể cả đột quỵ. Người bị đột quỵ hoặc chết hoặc sống với một sự tàn tật không nặng thì nhẹ, nhưng cách cứu chữa, trị bệnh tuy lâu dài, đến hết đời, nhưng khả năng sống còn thì không có tính thúc bách như ung thư, rất tốn kém lại không được quá « đát » (date). Nhiều người gặp khó khăn về kinh tế gia đình, phải bán nhà bán cửa để có tiền chữa bệnh…, không có tiền thì phải chịu vậy. Bên Pháp cũng chia hai nhà giầu, nhà nghèo, giầu thì vào clinique tư, nghèo thì vào hôpital, nhà thương công.

Ung thư không phải chỉ là một căn bệnh quái ác, hành hạ, đoạt mạng sống mà nó còn là một cơ hội để cho người trực tiếp đối diện và gián tiếp, gia đình, thân quyến, bè bạn, định lại những giá trị của cuộc sống, bất kể giàu nghèo sang hèn. Không mơ ước hão huyền, giầu sang, xa hoa, chạy theo ảo ảnh danh vọng tiền bạc, không đứng núi này trông núi nọ. Hạnh phúc ở trong tầm tay mình, ở chung quanh mình, chỉ cần nhận ra nó. Những điều, những việc, những cái giản đơn nhất, nhỏ bé nhất cũng có thể làm cho mình hạnh phúc, khóc vì hạnh phúc, cười vì hạnh phúc.

Ung thư cũng giúp nhận diện ai thương, ai không thương, giả dối với mình. Người bỏ một cái gánh nặng để thoát đi ư ? dễ dàng quá, vì người bệnh ung thư bị tước hết mọi vũ khí tự vệ. Nói cho cùng, mỗi người có một số phận, từ khi sinh ra đã bất bình đẳng với tất cả mội người chung quanh mình, với mọi người trên thế giới. Gọi đó là may mắn, hay kém may mắn chăng ?

Với sự tiến bộ của y khoa, theo một thống kê có ít nhất từ 50% đến 70% bệnh nhân ung thư sống sót trên mười năm. Họ là những người yêu đời nhất, lạc quan nhất, tích cực nhất, biết giữ gìn hạnh phúc nhất, biết yêu hòa bình của đất nước, biết yêu sự bình an của xã hội vì họ đã biết thế nào là ranh giới của sự sống, khi tiền tài và danh vọng cá nhân không còn ý nghĩa gì nữa cả. Dẫu sao, cảm ơn cuộc đời đã cho thêm một trải ngiệm đáng giá ! MTT

Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) – Tại sao kênh đào Suez dẫn đến Sông Hồng?

25. janvier 2020

Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) – Tại sao kênh đào Suez dẫn đến Sông Hồng? ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Trong cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Đồ Phổ Nghĩa là một cái tên mấu chốt của các sự kiện đã đưa đến việc quân Pháp tấn công miền Bắc lần thứ nhất Thật tình mà nói, tôi không chú ý lắm về giai đoạn xa xưa này, cũng như về bản thân nhân vật chính Đồ Phổ Nghĩa. Nhưng, trên đường tham khảo các tài liệu lịch sử lưu trữ tại Pháp, tôi lại có cái duyên vấp phải một số tài liệu liên quan đến giai đoạn lịch sử này, về nhân vật mang tên „Đồ Phổ Nghĩa“, tên phiên âm Hán Việt từ tên chính thức của một người Pháp là Jean Dupuis.

Nhân tôi thấy các tài liệu gốc cung cấp các thông tin về những trang sử cũ của Việt Nam thời ấy và về Đồ Phổ Nghĩa một cách khá rõ ràng, toàn diện, nên dù không có chủ đích về chủ đề trên, tôi mạnh dạn tổng hợp và trình bày các thông tin thu thập được làm tư liệu cho những bạn đọc có quan tâm tham khảo. Tôi sẽ mạn phép ngưng sử dụng cái tên phiên âm Hán Việt Đồ Phổ Nghĩa ngay từ đây, để không làm lạc hướng về ấn tượng cũng như sự đánh giá của bạn đọc đối với nhân vật chính.

Jean Dupuis sinh ngày 08.12.1829 tại làng Saint-Just-la-Pendue, gần Roanne, thuộc vùng thung lũng sông Loire, vùng hành chánh Rhône-Alpes, miền Đông Nam nước Pháp, gần về phía nước Thụy Sĩ, là con của ông Étienne Dupuis và bà Geneviève Labouré de Beaudinat.

Làng Saint-Just-la-Pendue, hiện nay đã lên cấp thành phố (Ville de Saint-Just-la-Pendue) vẫn còn là một địa điểm có tầm cỡ trung bình, dân số theo thống kê sau cùng của năm 2016 chỉ có 1.650 dân, sống rải rác trên một diện tích là 19,88 km², chỉ số  thất nghiệp trong làng là 8,4%, và đa số dân làng là người già về hưu trí (chiếm 36,6% năm 1999). 1) Làng được xây dựng trên một triền núi cổ, có độ cao từ 428 mét đến 637 mét trên mặt biển, xưa kia vào thế kỷ 17, 18 có truyền thống làm nghề dệt lụa.

Cha mẹ của Jean Dupuis là đại phú nông, sống một cuộc đời nhàn hạ sung túc, nên họ mong muốn đứa con trai duy nhất sẽ nối nghiệp nhà nông và cũng tiếp tục một đời sống như họ. Nhưng Jean Dupuis đã mơ mộng từ thưở còn nhỏ, là sẽ thoát ra khỏi vòng tay quá chặt của gia đình, làng xóm, đi đến những chân trời xa, tự do bay nhảy như  trong những cuốn sách về địa lý và những sách viết về những công cuộc thám hiểm,  chinh phục những miền đất lạ, người lạ, mà Jean Dupuis đã được đọc. Nhưng chưa  bao giờ Jean Dupuis dám thố lộ với ai về những mơ mộng của mình, sợ làm thất vọng cha mẹ và cũng sợ sẽ bị cản trở thực hiện giấc mơ.

Jean Dupuis theo học trường College de Tarare cho đến năm 18 tuổi, khoảng năm  1847. Thời ấy, theo luật lệ thì con trai phải vào lính, theo một phương cách tuyển lính đặc biệt: bốc số tình cờ. Những gia đình giầu có, khi con trai bị bốc số gọi nhập ngũ,  thì họ có quyền „mua“ một người nhà nghèo nhập ngũ thay cho con họ. Cha mẹ  Dupuis đã tính sẵn „phương án“ này để giữ con trai lại nhà. Nhưng Dupuis lại chí  tâm muốn vào lính để có cơ hội thoát ra khỏi gia đình, mơ ước đi đến Algerie hay  một thuộc địa xa xôi nào đó của Pháp. 

Không được vào lính, Dupuis làm quen với một thương nhân có tuổi, chuyên buôn  bán các mặt hàng vải vóc và hàng thêu ở Saint-Just. Chỉ có nghề thương nhân là nghề hay đi buôn bán nhiều nơi, năng động. Dupuis xin đi theo người thương nhân ấy để  thoát ra khỏi gia đình và ngôi làng trên núi, đi đến những thành phố, thị trấn lớn hơn của miền Nam nước Pháp như Aix en Provence, Marseille, rồi học dần các ngón nghề buôn bán, ép giá mua, định giá bán, biết chỗ mua, chỗ bán…Khi đã học đủ kinh  nghiệm nghề nghiệp rồi thì Dupuis tách ra, trở thành thương nhân, tự mua tự bán các mặt hàng với một số vốn của chính mình. Đó là vào khoảng năm 1858. Dupuis được 29 tuổi.

Trong thời gian đó, Ferdinand de Lesseps đang bắt đầu tiến hành một công trình vĩ  đại, thực hiện kênh đào Suez làm đường ra biển, nối từ biển Địa Trung Hải ra tới  Biển Đỏ (Vịnh Suez). Trước đó, đã có nhiều dự án nghiên cứu xây dựng kênh đào,  nhưng không một công ty nào đi vào thực hiện được. 

Nhờ kết thân bạn bè với Muhammad Said Pascha, Phó vương Ai Cập, Ferdinand de  Lesseps được trao quyền thực hiện và thành lập công ty Compagnie universelle du  canal maritime de Suez, với quyền sử dụng là 99 năm. 

Các áp lực và cản trở từ phía Anh quốc không làm cho de Lesseps mất tinh thần. Công ty thực hiện kênh đào được thành lập với số vốn khởi đầu là 200 triệu quan  Pháp, 56% do các nhà đầu tư Pháp góp vốn, 44% là vốn của Phó vương Ai Cập Muhammad Said, nên tên của ông đã được đặt cho cảng vào kênh ở đầu Bắc: Port Said. 

Công việc thực hiện kênh đào được mở đầu long trọng vào ngày 25.04.1859. Khi  Muhammad Said Pascha qua đời, Anh quốc nhân cơ hội gây áp lực để chặn đứng sự  thực hiện tiếp tục của kênh đào. 

Mãi đến năm 1866, nhờ vào sự can thiệp của Napoleon III, de Lesseps chính thức  nhận được quyền thực hiện kênh đào vào ngày 19.03.1866. Tổng cộng có khoảng 1,5 triệu nhân công, đa số là người Ai Cập lao động thực hiện kênh đào. Năm 1865  trong mùa hè vào tháng sáu bẩy có bệnh dịch tả khiến cho nhiều người chết, hay bỏ  cơ sở chạy trốn. Kênh đào Suez được long trọng khai trương vào ngày 17.11.1869, với một phí tổn  cao hơn dự tính, tổng cộng là 426 triệu quan Pháp (tính đến năm 1871).  

Kênh đào Suez có một chiều dài tổng cộng là 162,25 cây số, chiều sâu là 24 mét,  chiều rộng là 345 mét trên mặt nước, 215 mét dưới đáy ở đầu kênh Bắc, 280 mét trên mặt nước và 195 mét ở đầu kênh Nam. Tàu thuyền di chuyển trên kênh chỉ được đi  từng chiếc một, nên có 3 chỗ trú ẩn, chờ đợi. Ở đầu kênh Bắc có hai cửa vào kênh ở  Port Said và Eastern Entrance. Ở đầu kênh Nam thì cửa ra nằm ở Port Taufiq, ngay bên cạnh cảng Suez. Đi hết kênh đào là cần từ 12 đến 16 tiếng. 2)

Tại sao công việc đào kênh Suez lại có liên quan đến „Đồ Phổ Nghĩa“ tức Jean  Dupuis và vận mạng của nước Việt Nam ? 

Trong công việc buôn bán, Jean Dupuis tiếp xúc với nhiều thương nhân bè bạn, nghe nói đến sự xây dựng kênh đào Suez sẽ mở ra một cơ hội thông thương với nhiều  nguồn lợi hấp dẫn. Một cơ hội mới của thế kỷ. Dupuis bèn lén gia đình, xin sổ thông hành xuất ngoại. Rồi giả vờ chỉ đi Marseille buôn bán, lên tàu đi Ai Cập. 

Khi đến Ai Cập rồi, định cư tại Alexandrie, Dupuis mới báo tin cho gia đình hay biết. Tại đây, công việc buôn bán của Dupuis phát triển rất tốt đẹp…cho đến năm 1859,  khi công việc thực hiện kênh đào bị đình chỉ, và chưa ai biết kết quả dự án sẽ ra sao, khi nào thì sẽ được tiếp tục. 

Dupuis đã hiểu ít nhiều về tình tình thế giới của thời đại, dự tính sẽ lập ở Ai Cập một kho dự trữ và chuyển hàng từ châu Âu sang châu Á, cụ thể là buôn bán với Trung  Hoa và bán đảo „Indochinoise“ (Việt Nam). Phần đất được các nhà địa lý Pháp gọi là „Cochinchine“ thời ấy, vào đầu năm 1859, đã bị Phó đô đốc hải quân Rigault de Genouilly, theo lệnh của Napoleon III 3), tiến đánh, san thành Gia Định thành bình  địa.    

Những thông tin quý giá này, Dupuis thâu lượm được từ những thuyền  trưởng các tầu buôn, tàu chiến. Trong số đó, có một thuyền trưởng già, muốn trở về Pháp nghỉ hưu, khuyến khích và tư vấn cho Dupuis tiếp tục dự án, đồng thời đề nghị với Dupuis bán dùm một chuyến hàng do ông xuất vốn với mức lợi giao hẹn là 50% giá bán. 

Cả hai người đều thấy, dự tính tương lai là quân đội châu Âu sẽ cập bến chiếm đóng  các hải cảng châu Á, sẽ đem lại một giá trị vượt mức không thể tưởng tượng được cho việc bán các sản phẩm châu Âu tại đây.  Dupuis đồng ý cho ông bạn mới này  chuyển chuyến hàng của ông ấy đến Thượng Hải, trong dụng ý trộn lẫn hàng tốt với  lô hàng kém giá trị của mình. 

Dupuis lên đường, theo các tuyến đường của Anh, đến Trung Hoa. Tại đây, Dupuis ngạc nhiên và thích thú nhận thấy lời khuyên của người thuyền trưởng già là đúng.  Sản phẩm châu Âu đạt một mức giá vượt sức tưởng tượng, và khi chuyến hàng vừa  cặp bến, thì chỉ trong giây phút, Dupuis đã bán hoàn tất lô hàng kém giá trị của mình với giá gấp đôi, vốn mua chỉ có 30 ngàn quan.

Dupuis đứng trước một cơ hội quá tốt đẹp, vừa đi du lịch, vừa làm quen với miền  Viễn Đông, lại vừa làm giầu. Dupuis rất kiêu ngạo, cho rằng thương nhân, với hàng  hóa trong tay, có quyền đến bất cứ nơi nào họ muốn, chỉ vì người tiêu thụ cần hàng  và họ đem hàng hóa đến trao đổi kiếm lợi. 

Khi Pháp vừa ký kết hiệp ước với Bắc Kinh năm 1860 4) Dupuis cũng đến Bắc Kinh, rồi về lại Thượng Hải, định lên tàu trở về Ai Cập. Tại khách sạn Hotel Imperial ở  Thượng Hải, Dupuis làm quen với một người Pháp mang tên là Eugène Simon. 

Simon thuyết phục Dupuis bằng đủ mọi lý lẽ đừng trở về Ai Cập, công  việc đào kênh Suez vẫn còn bị đình chỉ, chưa tiếp tục, và một cơ hội ngàn năm một thưở đang mở ra trước mắt tại đây, tại Trung Hoa, một đất nước vẫn còn đang được bao phủ trong một lớp vỏ đầy bí ẩn. 

Đô đốc người Anh tên là Hopp sẽ làm một cuộc tham sát dòng sông Trường Giang 5) lên đến Hán Khẩu (Han-Keou) trong mục đích tìm ra ba cảng dùng làm thương cảng cho hàng hóa Âu châu theo như hiệp ước đã ký. 

Simon cho rằng gia nhập đoàn tham sát là rất có lợi vì an ninh cá nhân được bảo đảm. Dupuis đồng ý đi cùng với Simon, và cả hai được nhận lên một trong 13 chiến thuyền trong cuộc tham sát. Simon, dưới danh nghĩa đi nghiên cứu khoa học, thật ra là một gián điệp đi khảo sát và thu thập thông tin tại Trung Hoa. 

Dupuis và Simon gặp hai người Anh tên là Sarel và Blakeston, đến từ Ấn Độ, cũng nhân dịp đi theo đoàn của đô đốc Hopp, để tìm đường thông thương từ thuộc địa của Anh tại Ấn Độ với một thị trường Trung Hoa giầu có. 

Dupuis là người rất thông minh, quan sát giỏi, xông xáo, thâu thập nhiều kiến thức  mới lạ, thông hiểu lịch sử, đặc biệt đi đến đâu ông ghi chép mọi sự kiện tỉ mỉ đến đấy, xuất bản sách ngay để gây ảnh hưởng dư luận tại Pháp, đặc biệt trong giới thương  nhân tại Lyon, Bordeaux , Marseille để làm áp lực lên chính quyền, chăm chỉ học  tiếng Trung để giao tiếp với người Trung quốc, ăn mặc theo kiểu Trung quốc.

Nói về sông Hồng: sông Hồng, còn có nhiều tên gọi và những phụ lưu, chi lưu, chiều dài tổng cộng là 1.149 km, bắt nguồn từ rặng núi ở một độ cao là 1.776 mét trong địa phận tỉnh Vân Nam 6), Trung quốc, (còn được người Pháp gọi là Sông Cái hay Sông Côi), chảy vào địa phận Việt Nam ở xã A Mú Sung, tỉnh Lào Cai với tổng số chiều  dài trên đất Việt Nam là 510 km rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ, đoạn sông này thường được  sách sử Việt Nam gọi là sông Nhĩ Hà, hay Nhị Hà. Người Pháp gọi chung là Fleuve  Rouge (sông đỏ vì mầu phù sa) như người Anh gọi là Red River. 

Khoảng năm 1867, Jean Dupuis gặp Francis Garnier tại Hán Khẩu, cả hai đều nhận ra tầm quan trọng của việc chuyên chở trên sông Hồng. Khoảng năm 1872 Dupuis đã  thâm nhập vào miền Bắc và lưu trú bất hợp pháp tại Hà Nội, được sự ủng hộ của  giám mục Puginier. Đô đốc Dupré được triều đình Huế yêu cầu nhiều lần phải trục  xuất Dupuis ra khỏi Hà Nội, nơi mà hắn ta đang ở từ mười một tháng nay và hắn từ  chối phải rời bỏ “faire partir M. Dupuis de cette ville, òu il s´est établi, il y a onze  mois et qu’il refuse de quitter…” 7) 

Dupuis ương ngạnh muốn được thông thương trên toàn bộ chiều dài sông Hồng trên  đất Việt, để có thể ngược xuôi từ Vân Nam đến vịnh Bắc Bộ và biển Đông, ỷ vào sự hỗ trợ của người Trung quốc, để buôn bán vũ khí và quặng mỏ, vận chuyển người.  Hắn ta thúc dục Soái phủ Nam Kỳ hành động, đòi chính phủ Pháp phải can thiệp vào Bắc kỳ, cũng như không ngần ngại dùng vũ lực, vũ khí và quân lính riêng tư để tự  bảo vệ và chống đối lại. 

Triều đình nhà Nguyễn, trước sự khiêu khích của Jean Dupuis và những hành động  xâm phạm lãnh thổ, chủ quyền của tên lái buôn “quỷ quyệt” (theo lời Philastre, rất  giận dữ với Jean Dupuis, sau cái chết của Francis Garnier) cương quyết đòi đô đốc  Nam Kỳ trục xuất Jean Dupuis ra khỏi Hà Nội, là điều kiện để thương thuyết tiếp tục. Hãy xem Dupuis lập luận về lý do dẫn đến việc quân Pháp tấn công miền Bắc lần thứ nhất qua chính ngòi bút của ông ta qua tác phẩm “Le Tong-Kin et l’Intervention  française “ xuất bản năm 1898, trang 14-16 ff …:

Thực ra trong thời gian ấy tôi là đại diện của các quan ở Vân Nam 7), và hơn một  lần nữa tôi được tỉnh Kouang-si cấp cho tôi binh lính để bảo đảm cho sự qua lại tự do của tôi trên sông đỏ. Ngoài ra, nếu không có những đội binh ấy, tôi đã ngược  dòng sông một cách vô tôi vạ hai lần, với những đoàn quân của nhà cầm quyền Yûn-Nân. Tôi đã thành lập ở gần một cái vịnh nhỏ một căn cứ gồm hơn 100 người, chính giữa rừng, và, ngay sau đó những người bản xứ đã bắt đầu xây dựng nhà ở của họ  dưới sự che chở của căn cứ. Những người Cờ Vàng chịu thuần phục tôi; những  người Cờ Đen thì tỏ ra ngần ngừ và ngại ngùng. Và, trên đất này, một người hậu duệ mới của nhà Lê đã đề nghị tôi để làm nổi dậy và lật đổ chính quyền không được lòng dân và tiếm vị của những quan lại an-nam-mít (Một thời gian ngắn trước đó, nhà Lê đã cho chuyển đến một thỉnh nguyện thư yêu cầu một người Pháp, ông de  Champeaux, đứng về phía của họ. Cùng lúc, họ còn khẩn thiết xin Đô đốc cho họ 20 khẩu cà nông, 10.000 súng bắn và một chiến thuyền hơi nước. Sự việc rất dễ dàng,  một khi đã biết tinh thần của dân chúng và sự chính đáng của những đòi hỏi của họ.Chúng ta đừng quên, ở Tông-Kin, một cuộc cách mạng luôn luôn sẵn sàng: những  người có địa vị phẩm chức, những gia đình cổ mong muốn tái lập lại nhà Lê trên  toàn quốc. Những gia đình cổ ấy nuôi dưỡng bằng những đóng góp bí mật những  nhóm người rút lui vào rừng núi và luôn giữ được sự độc lập của họ . Trên thực tế,  nhà cầm quyền an-nam-mít bị giới hạn ở các vùng phẳng và vùng đồng bằng. Trong số những người trong rừng núi, có cả những hoàng tử, và ngay cả một người cháu  của vua Lê cuối cùng, người sẽ sẵn sàng nổi dậy trong bất cứ một sự kiện nào.

Sự xung đột của tôi với triều đình An-Nam trong vấn đề tôi muốn di chuyển trên sông Hồng hiện ra trước mắt họ là một sự kiện họ có thể lợi dụng. Tôi không sáng tạo ra  hoàn cảnh, hoàn cảnh tự nguyện đến cho tôi và người nào đầu tiên lợi dụng hoàn  cảnh ấy. Trong sự kiện của chuyến thông thương của tôi, những người tông-ki-noa dự trù một sự tiến bộ, và người Trung hoa –  nhiều như Yûn-Nân cũng như Tông-kin –  khả năng để bán những quặng mỏ giầu có, trữ lượng rất nhiều ở khu vực thượng lưu của sông. Tất cả đều mong muốn một sự thay đổi, và thật là một sai lầm khi chúng ta cho rằng chúng ta đang đối diện với một dân tộc náo động và đối nghịch. Dân tộc  tông-ki-nois là ngoan ngoãn, thuần phục. Khi một người có địa vị, một người cũ, một người bề trên vì tài cán hay lý luận của họ, không một ai sẽ nghĩ là phản đối lại uy  quyền của họ. Thêm vào đó, xã hội của họ tự lập và được tổ chức rất tốt. Khi thay  đổi cái đầu của chính quyền, sẽ không có gì thay đổi. Chúng ta có thể xóa bỏ đám  quan lại ở Huế không một chút hiểm nguy. Vì người dân lựa chọn những người có  phẩm chức của họ, sẽ không khó để tìm ra giữa họ những người có chữ nghĩa để thay thế đám quan lại bắt nạt dân từ Huế.

Chính hoàn cảnh đó đã làm nên Tông-kin – và điều này bằng những con đường hòa  bình và nhân đạo – thành đồng minh tự nhiên của thế lực hàng đầu thế giới mà sẽ  can thiệp giữa họ và những người đang làm chủ đất nước hiện tại.

Những người quan lại biết rõ điều đó. Uy quyền của họ bị lung lay; uy tín của họ bị  giảm đi mỗi ngày; họ biết bao nhiêu rằng, một sự bảo hộ hòa bình của nước Pháp sẽ được chào đón với một cảm tình đồng nhất và thu phục.

Hậu duệ nhà Lê thêm một lần nữa định mượn tay ngoại bang dựng lại ngai vàng hay chăng, và quên đi tấm gương Lê Chiêu Thống ? Và Jean  Dupuis tận dụng mọi sự chia rẽ.

Tuy nhiên, ý đồ của Jean Dupuis phù hợp với toan tính của Francis  Garnier và đô đốc Dupré, hai người chủ trương tiếp tục gây hấn, đòi hỏi thêm quyền lợi ở Bắc kỳ và thông thương trên sông Hồng.  Francis Garnier bị quân Cờ đen phục kích chết chém đầu ngày 21.12.1873 tại Hà Nội.

Tháng hai năm 1874, cuối cùng, đô đốc Dupré ra lệnh trục xuất Jean Dupuis ra khỏi  lãnh thổ miền Bắc, sau hơn hai năm khích động quấy rối. Ngày 10.01.1876 tại Saigon Jean Dupuis viết lá đơn cuối cùng phản đối lại đô đốc Dupré, hắn ta phải trở về Pháp, tầu chở hàng và hàng hóa bị tịch thu, nhưng Jean Dupuis còn trở lại từ năm 1883 đến năm 1888 nhiều lần hầu gỡ gạc và đòi bồi thường tiền của đã mất. 

Paul Philastre dẫn đến việc ký kết Hiệp ước hòa bình và thân hữu 15.3.1874 (Traité  de paix et d´amitiés) với triều đình nhà Nguyễn.

Jean Dupuis qua đời ngày 28.12.1912 tại Monte-Carlo, 82 tuổi.

Chú thích:

1) Thông tin của Conseil-General.com và các trang thông tin mạng.

2) Thông tin Suezkanal, tiếng Đức, Wikipedia

3) Hoàng đế Napoleon III tên khai sinh là Charles Louis-Napoleon Bonaparte, sinh  20.04.1808 tại Paris, qua đời ngày 09.01.1873 in Chislehurst (London) còn được gọi  tắt là Louis Napoleon Bonaparte hay Napoleon III. Napoleon III là con của một  người em của Napoleon I. tên là Louis Bonaparte (1778-1846), mẹ là Hortense de  Beauharnais, con riêng của Josephine de Beauharnais, vợ của Napoleon I, tức là vừa  là cháu-chú, vừa là con rể-cha vợ, vì Napoleon I. đã nhận Hortense là con nuôi.  

4) Dấu xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, nxb Trẻ, 2011, trang 38

5) Trường Giang còn có tên là sông Dương Tử, hay Dương Tử Giang, và một số tên  gọi địa phương khác. Các sách sử địa Pháp sử dụng các tên „Yangtsé, Yangtze, Yang zi, Yang Tsé Kiang ou Yangzi Jiang“. Sông dài 6.300 km, bắt nguồn từ cao nguyên  Thanh Hải và Tây Tạng, chảy qua các tỉnh Vân Nam (Yunnan), Tứ Xuyên (Sichuan), Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy và Giang Tô, rồi đổ ra biển ở  phía Bắc của Thượng Hải (Shanghai). Trường Giang là con sông dài nhất Trung Hoa, nhưng tàu thuyền chỉ lưu thông được trên khoảng 2.800 km. 

6) Vân Nam (Yúnnán) là một tỉnh ở phía tây nam của Trung quốc, giáp biên giới với Việt Nam. Vân Nam có dân số 44.150.000 người, gồm có 22 dân tộc thiểu số, diện  tích 394.100 km² (rộng hơn diện tích Việt Nam). Thủ phủ của tỉnh này là thành phố  Côn Minh. Vân Nam là một vùng núi, nơi bắt nguồn của sông Hồng và sông Đà,  sông Mê Kông cũng chảy qua Vân Nam.

7) Jean Dupuis, Le Tonkin et L´Intervention française,

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược

2. Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, NXB Văn Học 2007

3. Mathilde Tuyết Trần, Dấu Xưa-Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, NXB Trẻ, 2011

4. Jean Dupuis, Le Tonkin et L´Intervention française, Paris, Augustin  Challamel,  Librairie Maritime et Coloniale, 1898

Khủng hoảng của phái mạnh tại Pháp 2019

24. novembre 2019

Khủng hoảng của phái mạnh tại Pháp 2019 – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Năm 2019 sắp qua đi, chấm dứt hai thập niên đầu của thế kỷ thứ 21, đã đánh dấu nhiều sự thay đổi có tính cách tiêu cực trong xã hội Pháp. Những ngày cuối năm 2019 tại Paris là những ngày sôi động vì những cuộc biểu tình của những người áo vàng (Gilets jaunes) và những thành phần xã hội khác. Ngày thứ bẩy 23.11.2019 là ngày mà gần 50.000 phụ nữ Pháp xuống đường tại Paris và trên khắp nước Pháp để đòi hỏi chính quyền và tòa án, cảnh sát phải có biện pháp thích ứng với tình trạng giết vợ ngày càng gia tăng của phái mạnh. Họ được sự ủng hộ của gần 70 hội đoàn chính trị và một số người nổi tiếng trong sân khấu, điện ảnh và cả người em trai Vincent Trintigant của Marie Trintignant, một nữ diễn viên bị chồng là Bertrand Cantat, một ca sĩ nổi tiếng, giết chết. Anh này tìm cách trở lại sân khấu nhưng bị cản trở, không ai muốn nghe kẻ đã giết người hát những bài về tình yêu.

Trên Twitter lời kêu gọi của phong trào #NousToutes (tất cả chúng tôi) được viết như một tối hậu thư quả quyết: « Monsieur le Président, nous étions 150 000 en France. La mobilisation est historique. Nous exigeons un changement de cap. Nous exigeons des moyens. Lundi, soyez au RDV.  » (Thưa tổng thống, chúng tôi gồm có 150.000 trên đất Pháp. Sự huy động này có ý nghĩa lịch sử. Chúng tôi đòi hỏi phải có một sự thay đổi chủ trương chính sách. Chúng tôi đòi hỏi những khả năng. Thứ hai, hãy đến điểm hẹn.)

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng cần phải có tiền tỷ euro mới thực hiện được, như việc thành lập cấp tốc 1.000 chỗ ở cho nạn nhân và con cái (ở Đức có « Frauenhaus », Nhà phụ nữ, nhưng rất khó có chỗ trống để vào), hay có thể nộp đơn khiếu nại ngay tại bệnh viện, hay lựa chọn những quan tòa chuyên môn về bạo lực gia đình, hay thiết lập một đường dây nóng thường trực, hay tịch thâu vũ khí của người chồng, hay tăng mức xử phạt khi vợ bị bắt buộc phải tự tử….

Mới đây, cảnh sát đã nhận được chỉ thị phải áp dụng một danh sách gồm 23 câu hỏi để nhận định ra tình hình một phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Tình hình có vẻ cấp bách, lan rộng, trước đây, những trường hợp cá biệt riêng lẻ thì chẳng ai thèm chú ý đến giúp đỡ. Vấn đề không phải chỉ bắt những kẻ giết người vào tù, mà những người chồng chưa « xuống tay » giết vợ, hành hạ, mắng chửi, đánh đập, dọa nạt, vợ con ngày đêm, phải được xử phạt và ngăn cản bằng mọi biện pháp. Những người đàn ông như thế phải bị lột mặt nạ của những kẻ « đạo đức giả » trong xã hội.

Trong xã hội Pháp, hiện tượng « Patriarcal » (thói gia trưởng) cũng còn phổ biến, vì đàn ông lương cao hơn lương phụ nữ, kiếm tiền nhiều hơn, tự cho mình nhiều quyền hơn người phụ nữ, nhất là khi người vợ hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế của chồng. Đồng tiền là nguyên nhân thứ nhất của những chuyện cãi nhau, hạch họe, ai tiêu nhiều ai tiêu ít, mua sắm cái gì…dẫn đến xung đột tay chân. Nguyên nhân thứ nhì là những chuyện mèo mỡ của một hay cả hai người. Đơn giản thế thôi, tiền và tình.

Chỉ trong năm 2019 đã có đến 116 vụ phụ nữ bị giết vì chồng, chính thức hay không chính thức, sự kiện mà người Pháp gọi là « Feminicides ». Những người phụ nữ biểu tình kêu gọi các lực lượng chức năng như cảnh sát, quan tòa thức tỉnh trước nỗi đau khổ của nạn nhân và gia đình, con cái. Không ít trường hợp bị « dẹp » ngay từ lúc tố cáo ở cảnh sát, hay quan tòa dẹp hồ sơ, không xử, coi thường sinh mạng của nạn nhân dẫn đến sự « ra tay » của kẻ sát nhân, trước mặt con cái chứng kiến, khi ấy thì mọi chuyện đã muộn.

Làm thế nào để nhận ra những dấu hiệu bất thường của một nạn nhân bạo lực gia đình ? Trước tiên hết là sự « co cụm » từ chối mọi sự thăm viếng, tiếp xúc của nạn nhân vì xấu hổ, và những lời nói dối quanh co để giải thích những vết bầm trên mặt, nào là vì vô ý té cầu thang, vô ý bị cán chổi đập vào, vô ý bị cụng vào tủ sách…. Sự co cụm của phụ nữ khi là nạn nhân bị bạo lực gia đình, đánh đập, mắng chửi, dọa nạt…, là phổ biến và lâu dài, như một phản xạ.

Cái nhìn về phía kẻ sát nhân, phái mạnh, thì đó là một sự khủng hoảng xã hội và cá nhân.

Họ khủng hoảng vì thất nghiệp lâu dài, khả năng ít để kiếm nhiều tiền, mà khả năng xài tiền lại nhiều hơn : gái mãi dâm tăng mạnh, nghiện ngập, ăn nhậu bạn bè….Họ khủng hoảng vì một xã hội mà vẻ bề ngoài chiếm ưu thế, phải tỏ ra ta đây có tiền ăn, tiền để diện, diện xe hơi, diện quần áo, giữ thể diện đẳng cấp… Họ khủng hoảng vì mất niềm tin vào cuộc đời, ngày hôm nay chỉ biết có ngày hôm nay. Họ khủng hoảng vì hai chữ « Đạo đức » hầu như biến mất trong giáo dục. Họ khủng hoảng vì phim ảnh, trò chơi video, quảng cáo truyền hình…..làm cho vấn đề bạo lực, sát nhân, sinh lý tình dục trở thành nhàm chán. Họ khủng hoảng vì người phụ nữ không (thể) chiều theo những đòi hỏi tình dục quá mức sa đọa của họ. Họ khủng hoảng vì họ không chịu đựng được một sự sửa chữa sai lầm, như một đứa trẻ con vòi vĩnh nuông chiều bắt mẹ luôn phải chú ý đến nó. Họ khủng hoảng vì họ không thể chịu được những sự thiếu thốn của gia đình và bản thân họ, về nhà không có bữa ăn nóng, quần áo không được giặt ủi phẳng phiu, cái xe hết xăng hết dầu…Họ khủng hoảng vì họ không chịu được sự bỏ rơi, khi vợ, con muốn ra đi…muốn đi thì họ giết.

Trừ một thiểu số trường hợp chỉ vì « cá tính » tâm lý mà giết người, hiện tượng Feminicide hiện nay chính ra là một vấn đề « nổi », một vấn đề báo động của toàn diện tình trạng tiêu cực của xã hội Pháp, một xã hội siêu giầu phát triển nhưng không cho họ khả năng để sinh sống và không bảo vệ nổi công dân. Vấn đề là xã hội Pháp có nhận ra tính cấp bách và phải hành động trước khi quá trễ hay không, hay vẫn còn cho rằng « ly nước còn vơi một nửa » ?

Ngày thứ hai 25.11.2019 chính phủ Pháp tuyên bố sẽ dành 360 triệu euros cho hồ sơ « bạo lực gia đình », hứa hẹn sẽ dành một ngàn cái vòng « cấm đến gần » trong năm tới, đường giây nóng 3919 sẽ được mở 24/24 và 7/7 không giới hạn, sẽ giữ lại một danh sách 40 biện pháp phòng chống…, nói chung, còn là những biện pháp chữa lửa hậu quả của một vấn đề xã hội. MTT

Trả lại trăng rằm…

10. novembre 2019

Trả lại trăng rằm…

Trả lại trăng rằm

tình yêu của em

đời vẫn luyến tiếc

không biết nẻo ra

hư vô bốn bề,

Trả lại trời xanh

những việc chưa xong

sách vở bỏ lại

ngổn ngang trăm đường,

Trả lại ngàn sao

làn da mịn màng

thơm mùi hương anh

đôi bàn tay ấm

che chở cho em,

Trả lại gió đồi

lùa trên mái tóc

thề còn vương vấn

từ thuở mười ba,

Trả lại nắng vàng

dịu dàng mơn trớn

đôi mắt em nâu

long lanh cười nụ,

Trả lại mưa ngâu

ướt sũng hoa hồng

trồng bên hàng dậu

tay vói hái cành,

Trả lại hạt sương

lạnh buốt dưới chân

bước đi chập chờn

của em run rẩy.

Trăng sao nắng gió

trả lại cho em

mơ ước đầu đời

ngây thơ hăm hở,

Mưa sương tuyết phủ

trả lại cho em

bao nỗi nhọc nhằn

một ngày một đời

hết thôi hy vọng,

Trời cao mây trắng.

trả lại cho em

khung trời bình yên

mang theo hành trang

ân oán giang hồ

nợ đời chưa trả

xin hẹn ngày sau…

Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Người già, có lợi cho kinh tế xã hội hay không ?

1. novembre 2019

Người già, có lợi cho kinh tế xã hội hay không ? ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Khái niệm « người già » thường được xã hội Pháp hiện nay định mức từ 60 tuổi trở lên. Theo thống kê INSEE năm 2018 thì thành phần trên 60 tuổi chiếm 25,9 % dân số và trong đó trên 75 tuổi chiếm 9,3 %, dân số Pháp gồm có 67,187 triệu người.

Tuổi thọ bình quân của người Pháp hiện nay là 78,4 tuổi cho phái nam và 84,8 tuổi cho phái nữ, tuổi mất sức tự lập là 83 tuổi và 8% người trên 60 phải sống tùy thuộc vào chế độ săn sóc đặc biệt (tê liệt, mất trí…).

Có khoảng 1,2 triệu người lãnh trợ cấp xã hội APA (trợ cấp cá nhân về tự lập, Allocation Personnalisée à l´Autonomie), trong số này có 60% người được săn sóc tại nhà và 40% người ở trong viện dưỡng lão.

Một con số thống kê cũ cho biết chi phí xã hội Pháp trong năm 2010 cho người già lên tới 24 tỷ euros, trong đó có 14 tỷ cho thuốc men, bệnh viện…, 5,3 tỷ cho trợ cấp APA, và 2,2 tỷ cho trợ cấp cư trú trong viện dưỡng lão.

Có 2,8 triệu người thân trong gia đình đỡ đần một người già mỗi ngày, 62 % trong số này là phụ nữ.

Người già đồng nghĩa với sức tiêu thụ kém trong xã hội.

Việc này có nhiều nguyên do,

  • vì mức lương hưu

ít ỏi, họ phải sống rất tần tiện, chưa hết tháng đã hết tiền. Con số người có lương hưu ung dung nhàn hạ chỉ là số ít, và thành phần này phải tiếp tục đóng thuế thu nhập, đóng bảo hiểm xã hội cao, cho nên sức tiêu thụ cũng giảm.

Một số người già còn sáng suốt, tìm những giải pháp để bảo đảm cho cuối đời của mình trước sự tranh giành của con cháu, chực để ngắm nghía phần tài sản còn lại của họ. Họ bán nhà, giữ lại cho mình số vốn liếng cuối cùng trong tài khoản ngân hàng, và thuê một căn hộ trong viện dưỡng lão ở. Như thế, họ được nhiều cái lợi, được ở trong một « khung cảnh » có người chăm sóc, khỏi phải lo việc ăn uống, giặt giũ, lại được hưởng thêm trợ cấp của xã hội.

  • vì bệnh tật

họ ít khi ra đường, đi dạo chơi ỏ những trung tâm mua sắm, giải trí tốn kém nhiều tiền bạc, ngại đi du lịch, sợ di chuyển.

  • vì tâm lý tiêu thụ, đánh giá được/mất của cá nhân

Đến một mức nào đó thì người già không còn tha thiết đến những hào nhoáng vật chất, những món xa xỉ phẩm không cần thiết cho đời sống. Họ gạt bỏ ra rất nhiều những sản phẩm « vô ích » của thị trường thượng lưu đem lại rất nhiều lợi nhuận : nước hoa, thời trang, sắc đầm, giầy dép, xe hơi, máy móc, vật dụng trang trí nhà cửa…

Ngay cả đến những vật dụng « cần thiết » của những món ăn tinh thần như báo chí, sách vở, phim ảnh, nhạc kịch… họ cũng chẳng màng tha thiết đến.

Trong vấn đề dinh dưỡng họ gạt bỏ những món ăn thời thượng, xa xỉ, lạ miệng, lạ văn hóa…. để trở về với những « căn bản » thuần túy tùy theo gốc tích của họ.

Những ai tham lam gom góp của quý trên đời trong những sưu tập cá nhân : tranh ảnh, sách cổ, đồ cổ, tem phiếu…bỗng dưng dừng lại. Để lại cho con cháu ? Chúng có biết giá trị, đồng tiền, biết cái gắn bó tình cảm, tinh thần của những vật ấy không ?

Cái chính đối với họ ở phần cuối đời là sự an toàn bản thân : ở nhà có sưởi ấm, có cái ăn hàng ngày, có thuốc bệnh để uống, có người săn sóc.

Từ những nhu cầu thiết thực đó của người già mà đẻ ra những mảng thị trường để đầu tư sinh lợi, lao động.

Hiện nay, tại Pháp có thể kể ra những mảng thị trường nhắm vào nhu cầu « phục vụ » người già như :

  • Nhu cầu nhà ở : các hình thức viện dưỡng lão tư nhân và bán công, ngành xây dựng (sửa chữa lại nhà cửa: thay bồn tắm bằng tắm đứng/ngồi, nới rộng khung cửa trong nhà cho xe lăn di chuyển, bỏ cầu thang, làm phòng tầng trệt….)

  • Nhu cầu di chuyển : xe cứu thương tư nhân, xe phục vụ di chuyển người già

  • Nhu cầu ăn uống : các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao

  • Nhu cầu săn sóc : y tá, săn sóc sức khỏe, săn sóc con người, săn sóc nhà cửa, vườn tược…ở tư gia

  • Nhu cầu tư vấn pháp lý : chưởng khế, luật sư về di chúc, thừa kế, cho tặng…

  • Nhu cầu mai táng : nhà hòm, nhà hỏa táng, đất nghĩa trang

Người già ký hợp đồng cho từng loại dịch vụ, thí dụ như dịch vụ « săn sóc con người » có những điều khoản như một ngày ba lần sáng, trưa và tối có nhân viên ghé qua chăm sóc vệ sinh, thay tã, thay quần áo, tắm rửa…, dịch vụ « săn sóc nhà cửa » một tuần quét nhà, hút bụi, lau nước sàn nhà một lần, dịch vụ « nấu ăn » cho bữa trưa và bữa tối…

Nhiều khi, số lương hưu không đủ để trả chi phí tất cả các dịch vụ cần thiết, họ được trợ cấp thêm của xã hội, nhưng tất cả chỉ để thanh toán tiền dịch vụ và cái ăn. Đối với nhiều người già thì cuộc sống rất eo hẹp về cuối đời, không có khả năng để tiêu thụ thêm.

Các công ty dịch vụ săn sóc người già mọc lên như nấm, họ thuê cả những người không có nghiệp vụ, không có bằng cấp làm việc, mức lương thường chỉ 1.300 euros cho một hợp đồng 130 giờ một tháng, nhưng giá dịch vụ của họ đổi với các hãng bảo hiểm, tư nhân thì đội lên rất cao.

Các gia đình giầu có hơn ở các thành phố lớn ở Pháp thì thuê những người có bằng cấp tương tự như aide-soignant, auxiliaire de vie sociale…(trợ lý, điều dưỡng…) để săn sóc người già tại nhà, phải trả lương cao hơn, khoảng từ 1.500 đến 2.100 euros/tháng.

Qua đó, nhu cầu săn sóc người già cũng trở thành một mảng thị trường lao động có chiều hướng phát triển.

Chính sách xã hội Pháp, vì giá cả của viện dưỡng lão trở nên quá cao, giá có từ trên 2.500 euros/tháng ở vùng quê cho một người, theo đuổi chiều hướng « giữ lại ở nhà » (maintien à domicile) để săn sóc tại tư gia cho đỡ tốn kém hơn.

Vì thế, những người già, không có con cái gần gũi để săn sóc, mỗi ngày được nhân viên dịch vụ ghé qua, kéo ra khỏi giường, đặt vào một cái ghế dựa ngồi trước màn hình Ti Vi, buổi trưa có người ghé qua cho ăn, buổi tối lại được kéo từ ghế dựa vào giường ngủ, cứ thế năm này qua tháng kia, trong cô đơn cô quạnh.

Về nhu cầu mai táng thì mảng thị trường này kiếm ăn béo bở, vì vấn đề tâm lý « nghĩa tử là nghĩa tận » nên các gia đình không ngại tốn kém, so đo giá cả.

Trên 72 đơn vị hành chánh vùng của Pháp có đến 664 công ty mai táng. Số tiền chôn cất trung bình là từ 3.815 euros đến 7.500 euros, không tính tiền làm hầm mộ và mua/thuê đất nghĩa trang. Ngoài ra, mỗi một « dịch vụ » đều được tính riêng biệt, thí dụ dịch vụ « cho vào hòm » có giá từ 30 euros cho đến 450 euros, dịch vụ « mở nắp hầm mộ » từ 95 euros cho đến 880 euros. Việc gia đình chọn hỏa táng thì chi phí trung bình là 4.000 euros, giá thị trường giao động từ 1.362 euros đến 7.900 euros. Tính ra, khi người qua đời « mồ yên mả đẹp » rồi thì phí tổn cho người thân có thể lên đến 20.000 euros, từ khi bỏ vào quan tài, đóng nắp quan tài có dấu chứng của cảnh sát sở tại, di chuyển quan tài về nhà thờ làm lễ, khiêng vào, khiêng ra, di chuyển ra nghĩa địa……, cứ mỗi một « động thái » của bốn hay hai nhân viên nhà táng phụ trách tang lễ là một dịch vụ tính riêng, cộng lại.

Chỉ cần làm một bài toán cộng đơn giản, ít nhất, cái miếng bánh 24 tỷ (năm 2010) trợ cấp xã hội của chính phủ Pháp cộng với lương hưu của hơn 16 triệu người trên 60 tuổi đó là mảng thị trường béo bở của người già còn đóng góp cho xã hội cho đến khi qua đời. Đó là chưa kể đến khối tài sản cá nhân của họ để lại cho con cháu, người Pháp rất siêng năng chắt bóp để dành tiền bạc, của cải.MTT

Hóa trị ung thư vú

28. septembre 2019

Hóa trị ung thư vú – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Bài viết này chỉ thể hiện trải nghiệm của một trường hợp ung thư vú, vì thế nó chỉ có tính chất tham khảo, đọc cho biết mà thôi. Mỗi một bệnh nhân ung thư đều có những trải nghiệm khác nhau do bệnh án, tiền sử và khả năng chống chọi với ung thư của bản thân mình. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay !

Ung thư vú ở châu Âu được xem là may mắn nhất vì dễ phát hiện khi nó mới xuất hiện, cục u có thể nhìn thấy, sờ mó được từ bên ngoài. Thống kê của Pháp cho biết 80% thoát khỏi bệnh, sống trên 5 năm, còn 20% kém may mắn hơn vì đã di căn vào nội tạng và xương, giai đoạn cuối, nên đã tử vong. Có những trường hợp bị di căn vì ung thư vú xảy ra mươi, mười lăm năm sau.

Các bác sĩ khoa giải phẫu, phụ khoa thường không mổ trước khi hóa trị, vì lý do muốn tránh di căn các tế bào ung thư còn tích cực, còn sống cho bệnh nhân, vì thế bệnh nhân ung thư vú được chuyển qua khoa ung bướu để làm hóa trị trước. Thời gian hóa trị kéo dài khoảng 6 tháng trước khi mổ, và công việc hóa trị bắt buộc phải được truyền qua tĩnh mạch của lồng ngực để tránh không gây thêm tổn thương cho bệnh nhân, vì thuốc hóa trị có thể làm cháy các đường tĩnh mạch ngoại biên như ở cánh tay hay cổ chân chẳng hạn.

Do đó bệnh nhân ung thư vú phải được mổ để đặt buồng tiêm dưới da ngực, luồn một ống vào tĩnh mạch lớn để tiêm thuốc vào. Công việc này được thực hiện trong gây mê toàn diện trong vòng 1 tiếng rưỡi đồng hồ của ca mổ, có toàn bộ ê kíp mổ với bác sĩ giải phẫu, bác sĩ gây mê, y tá….trong phòng mổ. Bệnh nhân được thâu nhận trong một ngày trong bệnh viện là xong. Vết thương lành sau 10 ngày, những ngày đầu bạn thấy đau, hơi khó chịu ở cổ, nơi đường ống dẫn vòng lên cổ rồi đi xuống tim. Buồng tiêm có thể hoạt động ngay tức khắc trong những trường hợp khẩn cấp, còn lại thì sau mười ngày bạn mới được bắt đầu hóa trị.

Trong khi chờ đợi được hóa trị, bạn sốt ruột chăng vì khối u ác tính trong người bạn ngày một phát triển đáng sợ ? Mặc kệ bạn. Không một nhân viên y tế nào lại có chút thì giờ cảm thông với bạn, giải thích những nỗi lo sợ và an ủi bạn. Bệnh nhân ung thư hoàn toàn bị bỏ rơi trong trạng thái tâm lý lo sợ, việc gì sẽ đến ? nguồn thông tin duy nhất của bạn là các trang mạng internet hầu hiểu biết thêm về công việc hóa trị. Bạn mong ngóng để được làm hóa trị để bớt cái đau đáng sợ của khối u trong người. Những tế bào ung thư bắn ra liên tục những tia nhói đau, một đặc tính của ung thư, chúng đang liên kết với nhau lại để xâm lăng cơ thể bạn. Thần chết đã giơ lưỡi hái lên cao, lởn vởn trước mặt.

Các bác sĩ khối ung bướu trời Tây là thành phần bác sĩ mà con người thường gặp trước khi chết, họ phân loại ca nào có khả năng sống, ca nào có khả năng gần chết để đưa qua phần chăm sóc giảm đau cuối cùng (soins palliatifs), nên có người rất là vô cảm, dửng dưng đến lạnh lùng, kiêu ngạo, hách dịch. Từ cái nhìn về cuộc đời, sự nghiệp của họ thì họ chỉ tập trung vào công việc khám phá ra những ca « ngoại lệ » y khoa có lợi cho đường tiến thân và mức lương bổng. Lương y như từ mẫu ? Chuyện này chỉ có thể xẩy ra ở châu Á. Lời thề Socrates ? Mấy ai còn nhớ, học ra trường rồi quên. Có lẽ, ít bệnh nhân nào sống sót quay lại nói một lời cảm ơn họ chăng.

Nhưng bạn phải lựa chọn sự sống , lựa chọn niềm hy vọng ! Bạn phải chấp nhận những khó khăn, những sự nhọc nhằn của việc hóa trị, nếu đó là con đường sống duy nhất cho bạn. Cố gắng, cố gắng và cố gắng mãi. Người ta thường dùng từ « chiến đấu để mà chiến thắng bệnh ung thư », có phải đây là một chiến trường ? Người bác sĩ ung bướu căn dặn tôi trước, rằng việc hóa trị sẽ rất « dur » (nặng nề) cho tôi, vì ông theo phong cách « đánh nhanh đánh mạnh », thay vì cách quãng 3 tuần, ông cho rút ngắn lại chỉ có hai tuần, tuy chưa hình dung được mức độ hành hạ cơ thể của việc hóa trị tôi im lặng chấp nhận 8 đợt hóa trị, cách nhau mỗi đợt chỉ 2 tuần lễ.

Đến ngày được hóa trị lần đầu tiên, bạn đừng ngạc nhiên khi chỉ có y tá thực hiện công việc truyền hóa chất, họ đã thành thạo, còn bác sĩ thì không thấy đâu. Ông đã đi nghỉ hè một tháng, giao lại công việc cho y tá và bác sĩ trực. Ai có bệnh, phải tránh lâm bệnh ít nhất ba tháng hè ở Pháp !

Ở Pháp, công thức, phác đồ (protocole) hóa trị ung thư vú đã được phổ thông hóa trong các bệnh viện công và tư và Gustave Roussy, trung tâm ung thư hàng đầu của nước Pháp. Các hóa chất Doxorubicine – Cyclophosphamide – Taxanne là bộ ba hàng đầu được dùng trong những trường hợp ung thư vú chưa bị di căn và có thể mổ được.

Doxorubicine có mầu đỏ thẫm rubi như tên gọi của nó, là một chất hóa học được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị ung thư vú, ung thư xương, ung thư của trẻ con, ung thư phổi, ung thư máu, ung thư buồng trứng, ung thư bàng quang, ung thư dạ dày và nhiều loại bệnh khác nữa.

Liều thuốc được tính theo trọng lượng, diện tích của cơ thể, tuổi tác, bệnh đã có, và chỉ số ASAT trong máu bệnh nhân và được truyền cách quãng từ 3 đến 4 tuần. Tốc độ truyền tối thiểu từ 3-5 phút đến 10 phút tối đa, thuốc đã được hòa với chlorure de sodium isotonique 0,9 % hay với glucose 5%.

Cyclophosphamide (tên thương mại là Endoxan) cũng là một hóa chất trị nhiều loại ung thư, chất này can thiệp trực tiếp vào ADN (gen) của tế bào, tạo thành những cầu nối và như thế nó hủy hoại tế bào, và có tác dụng ngăn chặn hệ miễn dịch.

Hai chất Doxorubicine và Cyclophosphamide thường được tiếp cùng lúc cho cơ thể bệnh nhân, Doxorubicine vào trước, Cyclophosphamide vào sau theo quy trình.

Đối với cơ thể người bệnh, hai chất này phát huy tác dụng chính của nó là tiêu diệt tế bào ung thư nhưng các tác dụng phụ của nó giống nhau làm cho người bệnh khốn đốn. Chỉ sau ba đợt hóa trị các tác dụng chính của hai hóa chất này đã rõ ràng là khối u đã được ngăn chận lại hoàn toàn, tôi không còn cảm thấy đau ở khối u và sự phát triển của nó, những tia bắn đau nhói, cũng đã bị chấm dứt. Một hiện tượng đáng mừng. Nhưng.

Tác dụng phụ chính của chúng là gây ói mửa. Hiện nay, đã có thuốc hiệu nghiệm ngăn ngừa việc ói mửa, bệnh nhân phải uống ngay lập tức khi truyền hóa trị và trong các ngày sau đó, thường là kéo dài một tuần lễ tùy theo sức chịu đựng của mỗi người. Tác dụng phụ thứ hai là rụng tóc. Sự việc này xảy ra cũng tùy cơ thể, có người rụng tóc lưa thưa dần dần, có người đến ngày thứ 18 thì toàn bộ tóc rụng xuống trong ba ngày là hói đầu, rất ấn tượng. Vì thế, có người cạo đầu xuống tóc trước khi làm hóa trị để tránh một ấn tượng thảm cảnh cho người thân phải chứng kiến cảnh rụng tóc rùng rợn, tóc rụng đầy nhà, thành mảng. Y khoa đã bỏ qua vấn đề tâm lý của người bệnh ung thư bị rụng tóc trọc đầu, một sự việc đã như dấu ấn đối với mọi người về căn bệnh của người bệnh, coi như là một hình thức không tôn trọng đời tư và bệnh tình của con người. Đấy, xem nè, tôi đang bị ung thư nè.

Tác dụng phụ thứ ba là giảm bạch huyết cầu và hồng huyết cầu trong máu. Ngày thứ ba sau khi hóa trị người bệnh phải được chích thuốc để kích thích tủy xương tăng cường hoạt động sản xuất ra các bạch huyết cầu và hồng huyết cầu mới cho cơ thể.

Tôi còn chịu đựng thêm nhiều phản ứng phụ nữa, mệt mỏi, xương cốt rã rời, nóng ran trong người như lò lửa, nóng lạnh liên tục, nằm xuống là run rẩy lập cập, ăn không được, không cảm thấy mùi vị, miệng đắng ngắt, da nhăn nheo, khô khốc, các ngón tay ngón chân thâm đen, lở miệng, bức rức, ngủ không thẳng giấc, ác mộng… và phải nhớ tránh ra nắng trong suốt thời gian hóa trị.

Ngay sau một đợt truyền hoá trị, khi tiếp ngay sau đó bắt đầu đi tiêu chảy ra nước liên tục 5, 6 lần trong ngày, đau bụng quằn quại, tim đập mạnh, áp huyết lên cao, cơ thể rã rời thêm nữa là dấu hiệu đã bị truyền hóa chất quá liều, cần phải đi cấp cứu để tránh tình trạng choc, thiếu nước cho cơ thể và phải làm xét nghiệm máu ở cấp cứu. Bác sĩ cấp cứu phải truyền vào tĩnh mạnh các chất thuốc làm giảm đau, giảm co thắt ruột, giảm ói, giảm tiêu chảy.

Vì đã ngăn chặn đường thoát của chất độc quá tải bên trên qua đường ói mửa, nên lối thoát duy nhất của chất độc quá tải phải qua đường ruột, ngăn chặn lại đường thoát này thì cơ thể sẽ ứ đọng chất độc, càng khó chịu hơn. Phải tỉnh táo điều khiển đường thoát này, cụ thể là tiêu chảy, đồng thời uống thật nhiều nước, chất lỏng như cháo lỏng, nước trái cây tươi ép, sữa, trà thảo dược…cứ hai ba tiếng lại uống vào để giúp cho cơ thể có thể thanh lọc thải chất độc dư thừa. Tôi cảm thấy sức khỏe suy sụp hoàn toàn, mệt mỏi, nằm liệt gường, tay chân nhấc lên không nổi, già đi trăm tuổi trông thấy. Với sự kiên cường, sẽ vượt qua được cơn thử thách này, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi, cùng lắm mất đi 10 ngày khổ ải và một, hai kí lô. Có sao đâu, sáng mở mắt ra là biết mình còn sống. Khi đã vượt qua được khổ ải, bắt đầu bổ dưỡng cho sức khỏe lại từ từ. Vấn đề là : tôi phải sống !

Taxane là tên của một chất hóa học được sử dụng rộng rãi trong việc phòng chống ung thư, nó bao gồm hóa chất Paclitaxel (tên thương mại là Taxol) và hóa chất Docétaxel (tên thương mại là Taxotère). Hai chất này được chế tạo từ cây tùng, sự khác biệt nằm ở chỗ chất Paclitaxel được chế tạo từ vỏ cây tùng ở Mỹ và được ứng dụng trong việc điều trị ung thư vú từ năm 1994, còn chất Docétaxel được chế tạo từ lá cây như cây kim của châu Âu từ năm 1995 và mạnh gấp hai lần Paclitaxel. Hóa chất này ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và di căn, bởi vậy nó được sử dụng rộng rãi cho nhiều bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày ….

Trong việc điều trị ung thư vú, Taxane được kết hợp với các hóa chất khác như Doxorubicine, Cyclophosphamide, Epirubicine, Capecitabine, Trastuzumab tùy theo tiển triển của ung thư có di căn hay không. Taxane không thể kết hợp chung được với Doxorubicine vì hai chất này cùng tác dụng mạnh lên tim, cho nên Taxane được truyền vào sau khi đã chấm dứt quy trình với Doxorubicine.

Những tác dụng phụ của chất Taxane đều giống như các chất Doxorubicine và Cyclophosphamide, tức là rụng hết tóc, buồn ói, giảm hồng huyết cầu và bạch huyết cầu trong máu, làm nổi dị ứng trên da và khó thở ngay sau khi truyền hóa chất này. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của Taxane đã được chận lại bằng những thứ thuốc chống ói, chống dị ứng đi kèm. Được truyền một mình, nên khi bệnh nhân đã trải qua nửa chặng đường khó khăn kinh khủng của hai chất hóa học kia thì cảm thấy « nhẹ » người. Dù là móng chân móng tay của tôi mỗi ngày một đen dần hơn.

Sau giai đoạn hóa trị, một bilan sẽ được thực hiện cho kết quả của công trình hóa trị và được chuyển trả lại về khoa giải phẫu. Sau giải phẫu, có thể được cho điều trị tiếp tục bằng xạ trị (radiothérapie), cho đến khi các bác sĩ giải phóng cho chấm dứt công việc điều trị ung thư. Có thể nói, tôi đã đi được một chặng đường xa, tiên liệu sẽ sống trên/dưới 5 năm nữa.

Hai hình ảnh đã giúp tôi có cố gắng để vượt qua chặng đường tối tăm này, một là của bà hàng xóm nhà tôi, bà bị hai lần ung thư vú, thay xương chậu, thay hai đầu gối nhưng hiện nay vẫn sống ở tuổi 94, hai là của bà bán vé số ở bên nhà do bạn gửi qua động viên tôi cố gắng. Bán vé số nên dĩ nhiên là nghèo, bán được một tấm vé số thì kiếm được 1 ngàn đồng, ngày ăn hai bữa cơm từ thiện tốn hết 4 ngàn đồng, vào bệnh viện gặp bác sĩ ung bướu hỏi chị có tiền không ? Dạ không ! Vậy thì chị được hóa trị với giá rẻ nhất của bệnh viện, chỉ có 2 triệu đồng một đợt hóa trị, trong khi người có tiền phải tốn 100 triệu đồng bằng giá với điều trị ở nước ngoài. Hiện nay chị bán vé số đã khỏi bệnh, tóc chị đã mọc lại đầy đầu, móng tay móng chân đã hết đen. MTT

Kết hợp đông y và tây y để chống chọi với ung thư ?

11. septembre 2019

Kết hợp đông y và tây y để chống chọi với ung thư ? – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Trong việc làm hóa trị chống lại căn bệnh ung thư, trước đó là phải làm xét nghiệm máu của người bệnh để chẩn đoán và phòng ngừa cho người bệnh về những chức năng, tình trạng hoạt động của nội tạng như gan, thận, lá lách, ruột…

Thuốc chống ung thư có nhiều loại, tùy theo bệnh án cá nhân và tình trạng tiến triển của ung thư đã di căn sang máu và nội tạng, xương hay chưa, mà được áp dụng theo công thức khác nhau.

Thêm vào đó là phong cách chữa bệnh của hội đồng bác sĩ. Căn bệnh ung thư là căn bệnh hiểm nghèo, lưỡi hái tử thần đứng trước mặt, nên ở những nước đã phát triển thì quyết định điều trị một bệnh nhân phải do một hội đồng bác sĩ quyết định. Hội đồng này gồm có các bác sĩ khoa phụ sản, khoa ung bướu, khoa mổ, khoa huyết mạch, khoa tim mạch, khoa tâm lý, khoa dinh dưỡng, y tá, điều dưỡng…quyết định và chịu trách nhiệm chung về phương án điều trị.

Những quyết định của họ được thông báo cho bệnh nhân và phải được bệnh nhân chấp nhận. Hoặc hóa trị trước, rồi mổ, rồi xạ trị, hoặc xạ trị trước, rồi hóa trị rồi mổ…mỗi phương án điều trị đều tùy thuộc vào bệnh án và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Ngay cả phong cách « đánh nhanh, đánh mạnh » hay đánh từ từ…, thuốc kết hợp liều mạnh và những đợt hóa trị ngắn ngày chỉ cách nhau một tuần hay hai tuần, hay chỉ một thứ thuốc và những đợt hóa trị thưa ra ba tuần hay bốn tuần, cũng đều do hội đồng bác sĩ quyết định tùy theo tình trạng mỗi người bệnh.

Người bệnh ung thư thường đã có những căn bệnh khác trong người : huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận, tiểu đường….khiến cho việc điều trị ung thư cũng bị ảnh hưởng theo.

Những thuốc trị ung thư, mục đích của nó là tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn ung thư phát triển bằng cách « đánh thẳng » vào hệ thống gen ADN của tế bào chẳng hạn để bẻ gẫy gen của nó trong điều trị ung thư vú thường có nhiều tác dụng phụ.

Người bệnh bị mệt mỏi vì tác dụng phụ của thuốc mà « quên » đi mặt tích cực của thuốc. Những tác dụng phụ của thuốc như cảm giác buồn nôn, ói mật xanh mật vàng, rụng tóc, chân tay rã rời, nóng lạnh, mệt, nằm liệt gường…là đáng sợ nhất trong khi hóa trị.

Theo phương hướng hiện đại, thuốc hóa trị được truyền vào cơ thể với dung dịch glucose để có thể đi thẳng đến tế bào ung thư, vì tế bào ung thư cần có glucose để phát triển, coi như là cách hay nhất để « dụ » nó hấp thụ thuốc. Nhưng chất glucose này tràn lên các tuyến trong miệng, tạo một cảm giác ngọt kỳ lạ dai dẳng kéo dài cả tuần lễ khiến cho người bệnh không còn cảm giác gì khác khi ăn uống.

Đã thế, quan niệm không ăn uống bổ dưỡng khi bị ung thư, sợ sẽ « nuôi » cho tế bào ung thư phát triển thêm, lại càng làm cho sức khỏe, sức đề kháng suy sụp nhanh chóng.

Cho nên vấn đề theo dõi cân lượng của bệnh nhân được thực hiện trước mỗi đợt hóa trị, nếu bệnh nhân xuống cân nhanh thì phải được điều trị cấp tốc.

Một vấn đề phụ khác không kém phần quan trọng là hệ thống miễn dịch của cơ thể bệnh nhân bị suy sụp, bạch huyết cầu và hồng huyết cầu giảm dưới mức trung bình thấp nhất, tức là bệnh nhân lâm vào tình trạng thiếu máu và thiếu sức đề kháng của cơ thể.

Bây giờ, y khoa phát triển đã có những thuốc chống ói, những thuốc kích thích tủy xương tái tạo thêm bạch huyết cầu, hồng huyết cầu, nhưng những biện pháp này lại có tầm mức hạn chế tùy theo cơ thể của người bệnh, có người chịu thuốc và có người không chịu thuốc, và lại phát sinh ra những tác dụng phụ của nó như lở miệng, tiêu chảy, nóng lạnh… mỗi ngày.

Vì thế, truyền thêm máu hay truyền thêm chất dinh dưỡng là những biện pháp có thể phải được thực hiện song song trong giai đoạn hóa trị.

Nhiều khi, chịu nhiều hóa chất trong cùng một lúc, người bệnh lại có thêm những hiện tượng như sót bao tử, ác mộng, ngủ không thẳng giấc, đêm thức hai, ba lần, nóng nảy trong người, bức rức, khó chịu…

Ở Pháp, bác sĩ dinh dưỡng thường khuyên, hãy ăn những gì mình thích nhất và thèm ăn, trong giai đoạn hóa trị. Các bác sĩ tây y rất ngại khi người bệnh hỏi về áp dụng của đông y trong thời gian hóa trị bệnh ung thư.

Giai đoạn tuần lễ đầu tiên của một đợt hóa trị là khoảng thời gian khó khăn nhất cho người bệnh, mới truyền thuốc nên vật vã, hầu như không ăn được, chỉ uống. Người viết bài chỉ nêu lên ý kiến của một cá nhân, nên cũng rất hạn chế, và không có mục đích trong việc quảng cáo các thực phẩm chức năng tổng hợp trên thị trường mà tác dụng của nó thường không bảo đảm.

Ở nước ngoài tôi không có điều kiện được săn sóc như ở Việt Nam, các phương pháp hỗ trợ ung thư rất hiệu nghiệm như xoa bóp tay chân, châm cứu…rất ít được ứng dụng vì thời gian chờ đợi lâu, đường xá đi lại xa xôi, rất bất tiện. Ở nhà, có người thân, có bè bạn, có người săn sóc, cơm nước, giặt giũ, đó là những chỗ dựa tinh thần quý báu.

Chỉ nhắn bạn một câu : Bạn nên uống mỗi ngày ít nhất 1 lít rưỡi tùy ý lẫn lộn gồm có sữa tươi, nước trái cây tươi ép, nước vối, nước nấu từ nấm linh chi, cà phê, trà xanh Thái Nguyên, trà cung đình Huế… để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mứt gừng dẻo, ô mai mơ gừng, ô mai mận gừng, chè sen tươi… giúp bạn chặn lên cơn ói. Cháo gà, cháo tôm, cháo thịt bò bằm, nước phở với lòng đỏ trứng gà, miến gà, súp rau củ, súp khoai tây, súp xương hầm…giúp bạn có chút năng lượng cần thiết.

Buổi tối, nếu bạn có điều kiện, ăn bát yến chưng nóng trước khi đi ngủ, ba lần một tuần hay hàng ngày tùy theo khả năng kinh tế. Như thế là đủ, cho đến khi bạn ăn uống lại được bình thường, vì phải có năng lượng mới chống chỏi được căn bệnh hiểm nghèo một sống, hai chết này.

Có nhiều người khuyên ăn chay, nhưng tôi, dù rất thích ăn chay, không khuyên bạn ăn chay trong thời gian điều trị bệnh ung thư, tuy nhiên đó là sở thích và quan điểm của mỗi người. Điều quan trọng hơn là ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ để tái tạo máu, bảo vệ hệ thống tiêu hóa, bảo vệ gan, ruột, thận… của mình đã bị phá hủy phần nào bởi hóa chất chống ung thư, đó cũng là một cách tích cực để tự giúp mình và giúp cho các phương cách điều trị ung thư có kết quả tốt. MTT

Photo page facebook Beckett Strong: Aubrey et Beckett – ParisMatch 12.09.2019

Thay tóc

19. août 2019

Thay tóc – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Những ai đã trải qua một lần hóa trị ung thư có thể đã qua giai đoạn rụng tóc khi thuốc đã bắt đầu có tác dụng. Có người không bị rụng tóc, điều này tùy thuộc vào hóa chất theo bệnh án, tùy theo sự tiến triển của khối u trong cơ thể. Thống kê của Pháp cho biết, trong số bệnh nhân bị ung thư vú, có khoảng 20 % không bị rụng tóc. 80 % phải trải qua giai đoạn đau đớn này.

Dù đã được bác sĩ báo trước, nhưng đó là cái choc cho tâm hồn và cho hình ảnh mỗi người. Đến ngày tóc rụng, thường là vào ngày thứ 18 của đợt hóa trị thứ nhất, một lần chải tóc là một lần thẫn thờ nhìn tóc rơi ra cả mảng, hàng trăm sợi tóc. Bác sĩ ung thư, như đã chai lì trước cơn bệnh tật, cười nói, rồi tóc sẽ mọc ra lại sau khi chấm dứt đợt hóa trị chừng một tháng, lo chi. Trước mắt, kiếm cái khăn che cái đầu trọc, hay là đội một mái tóc giả qua ngày. Đơn giản chỉ có thế thôi ư ?

Thoạt đầu tóc rụng như thường lệ mỗi khi chải tóc. Mấy ngày sau đó thì càng nhiều hơn, cho đến đúng ngày thử 18 thì tôi bần thần nhìn nắm tóc dày cộm trong tay, cả nửa mái tóc như rớt ra, rồi chỉ trong ba ngày kế tiếp sau đó tóc rụng cả mảng thấy bải hoải tay chân, rồi đến cái đầu trắng như quả trứng gà bóc không còn một sợi tóc !

Nhìn mỗi bệnh nhân ung thư đến hóa trị trong nhà thương, ai cũng cười tươi và chuyện trò cởi mở vui vẻ, khoe cái đầu trọc lóc, không còn một sợi tóc, mà tôi không khỏi thán phục cho sự can đảm của họ. Nhưng trong câu chuyện mỗi người kể cho nhau nghe, ai cũng có lúc khóc thầm một mình, không cho người thân thấy mình khóc.

Lúc mẹ mới sinh ra trên đầu le ngoe có ba sợi tóc mà thấy em bé thiệt là dễ ghét quá chừng, muốn cắn, muốn hôn, muốn nựng. Sao bây giờ tóc rụng, trọc đầu lại như thuở mới sinh, tôi lại khóc hu hu. một mình.

Mái tóc người con gái chứa đựng bao nhiêu là sự quyến rũ, là cái duyên dáng sinh động. Vì thế các người tu hành, từ sư nữ xuống tóc thoát tục cho đến bà sơ dấu kín mái tóc của mình trong mũ, trong khăn, khỏi nói đến những phụ nữ hồi giáo. Mái tóc, đề tài cho bao nhiêu bài văn, bản nhạc, hình tượng trong tranh vẽ, trong thơ..

Mái tóc của tôi, đã theo tôi suốt quãng đường đời đến nay, bây giờ rung xuống năm trong một cái hộp giấy, khiến cho tôi ngơ ngẩn nhìn nó, như nhìn một phần của mình, lại càng có cảm giác, một phần đời đã qua đã rơi rụng không trở lại, bây giờ là một giai đoạn mới, giai đoạn sống với bệnh tật và nhìn thẳng phía trước.

Hay là phải xem nó, như cái quá khứ đã rũ sạch, không nên tiếc mà chi ? Bạn khuyên tôi thiền : có như không, không mà có.

Chồng tôi, chứng kiến giai đoạn tóc rụng của tôi, cũng chịu đựng cơn bạo bệnh của tôi, lúc thì tôi mệt mỏi nằm liệt giường không thể dậy nổi, lúc thì như ngọn đèn dầu cháy heo hắt, tôi bật dậy, làm đủ mọi thứ theo sức lực còn lại của mình, viết thơ, don dẹp nhà, nấu bếp…cho đến lúc lại chân tay bủn rủn lại gục xuống, cũng xuống cân theo tôi luôn. Tôi phải làm một cái gì đó để quên những cơn buồn nôn, buồn ói, đó là điều kinh khủng nhất của hóa trị.

Từ mấy mươi năm nay, việc nhà tôi làm tất, nhưng bây giờ thì chợ búa phải giao cho chồng đi thay. Tôi khám phá ra một điều mới, chồng tôi đi chợ rất tài, thế mà bây giờ mới biết, anh chọn thịt ngon, đúng rau, đúng quả, lại coi cặn kẽ nguồn gốc của hàng hóa, mua không dư một món nào, dù rằng anh nói, hôm nay có thịt bò ngon, sao anh không mua thêm ? Em không dặn, anh không mua, mua về chỉ tội em đứng bếp.

Anh vuốt nhẹ lên cái đầu trọc lóc của tôi, cười mếu máo cảm thông : em thay tóc, rồi sẽ mọc tóc mới. MTT

Thăm đền thờ Triệu Vũ Đế ở Đồng Xâm, Thái Bình

7. août 2019

Thăm đền thờ Triệu Vũ Đế ở Đồng Xâm, Thái Bình – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015

Trời mưa phùn lất phất, gió bắt đầu lên thổi cái rét đến, khi có gió là có diều lên, những cánh diều to lượn lờ trên không đưa tiếng sáo diều u u u u vang dội trên nền trời, tôi trở về Thái Bình thăm làng Đồng Xâm và đền thờ Triệu Đà một lần nữa 1).

Lần này thì có duyên may, gặp được cụ thủ từ giữ đền, cụ Nguyễn Xuân Ngận, thuộc đời thứ bẩy liên tục giữ đền thờ Triệu Vũ Vương và bà Trình Thị Lan Nương, mà người dân tôn kính chỉ dám gọi là Thánh Ông và Thánh Bà.

Đền thờ Triệu Vũ Đế nằm ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có một kiến trúc khá lạ mắt, đẹp và tầm mức vương giả với hai con rồng chầu, hai con hổ và một chú khỉ bao bọc kín sân chầu, mà ở giữa hai con rồng chầu khí thế là một cây đa cổ rất đẹp. Rồng, hổ và khỉ đều được tạo dựng với một nét tinh xảo hiếm thấy.

Trong đền có ba tầng bàn thờ, đặc biệt, sau hậu cung lại còn có thượng cung. Ai vào đền, theo tục lệ đều phải thắp một nén hương tỏ lòng thành kính. Và đây là cái duyên may của tôi được cụ thủ từ cho vào bái kiến thượng cung.

Ở phía sau và bên phải của hậu cung có mấy bậc thang nhỏ xíu, chỉ vừa đặt được một nửa bàn chân dắt lên thượng cung, xây trên một bục cao đến tận nóc đền, lúc nào cũng cửa đóng then cài, từ hậu cung nhìn lên thì chỉ thấy một tấm màn to làm bằng đồng chạm trỗ li ti, công phu, chắn nguyên bề ngang của thượng cung.

Cụ thủ từ mở rộng hai cánh cửa bên hông phải của thượng cung, bật điện cho tôi bước vào thượng cung.

Cả thượng cung chỉ là một trang thờ to lớn, không có chỗ đứng hay quỳ. Tôi mom men trèo lên bệ tường, lưng sát với tấm màn đồng, trước mắt tôi là hai bức tượng cổ, tượng của Triệu Đà và hoàng hậu Lan Nương ngồi bên tay phải của vua. Rất ít có ai được lên tận thượng cung chiêm ngưỡng và bái yết hai pho tượng thờ Thánh Ông và Thánh Bà.

Khi tôi ra ngoài, cô cháu đi theo cứ tiếc mãi cho tôi là tôi không biết nên không sờ vào tượng để được có phúc và lộc. Cụ thủ từ mời chén chè nóng và rất cởi mở nhiệt tình, trả lời câu hỏi của tôi về gốc tích của Triệu Đà, là người Tàu hay người Việt.

Tôi xin chép lại đây nguyên văn tư liệu của cụ thủ từ cho tôi để bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo, kiểm chứng và đối chiếu:

Triệu Đà là Nguyễn Thận có sách dịch là Nguyễn Cẩn sinh năm 256 trước Công nguyên, quê quán ở Vân Nội, Thanh Oai, Hà Nội ngày nay, ông mất năm 136 trước Công nguyên, thọ 121 tuổi, ở ngôi 71 năm.

Bố đẻ của Nguyễn Thận là ông Hùng Dục Công, em trai của Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18). Mẹ của Nguyễn Thận là bà Trần Thị Quý. Khi còn bé, Nguyễn Thận ở đất phong của bố tại Chèm, Từ Liêm, Hà Nội ngày nay.

Khi Thục Phán An Dương Vương đánh chiếm được Văn Lang, Nguyễn Thận phải lưu lạc. Quan lệnh úy Nhâm Ngao, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc ngày nay, thấy tướng mạo Nguyễn Thận khôi ngô, tuấn tú, khỏe mạnh nên đã nhận ông làm con nuôi.

Nhâm Ngao có người chị trong phủ Đại tổng quản thái giám Triệu Cao của nhà Tần. Nhân một lần vào thăm chị có Nguyễn Thận đi theo, Triệu Cao rất ưng tướng mạo của Nguyễn Thận và là thái giám không có con nên mới nói với Nhâm Ngao để xin nhận Nguyễn Thận làm con nuôi. Từ lúc này Nguyễn Thận được đổi tên là Triệu Đà.

Do thực tài và là con nuôi của đại thái giám quyền thế nên được phong chức là hiệu úy, dưới quyền Nhâm Ngao. Khi nhà Tần suy sụp, Nhâm Ngao ốm nặng và trăn trối với Triệu Đà rằng khi ông chết Triệu Đà nên giữ lấy đất để mưu việc lớn.

Nhâm Ngao chết, tất cả quyền hành đều thuộc về Triệu Đà. Là người có tài, có đất lớn, có quân đông, nhà Tần lại sụp đổ, nên Triệu Đà đánh chiếm các vùng đất lân cận và mở rộng đất tới phía nam sông Trường Giang, Trung quốc ngày nay, và tiến về phía Nam đánh Thục An Dương Vương, chiến thắng vào năm 207 trước CN.

Sau Triệu Đà lên ngôi hoàng đế đặt tên nước là Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung thuộc Quảng Châu Trung quốc ngày nay. Triệu Đà mất năm 136 trước CN, thọ 121 tuổi, sau này di mộ về táng tại Gò Bình Phán, Thanh Oai, Hà Nội ngày nay.

Tóm lại, Triệu Đà và nhà Triệu nói chung có những đặc biệt như sau:

  • Triệu Đà đã thu phục được đất Bách Việt rộng lớn của ông cha,

  • Triệu Đà là người xưng ngôi Hoàng đế đầu tiên ở đất Việt,

  • Nhà Triệu đã dám giết sứ thần nhà Hán và những kẻ phản bội định dâng nước Việt cho nhà Hán

  • Nhà Triệu truyền qua được 5 đời vua và đã giữ được nền độc lập cho nước Nam Việt được 97 năm từ năm 206 trước CN đến năm 111 trước CN

  • Tiếp sau, hậu duệ nhà Triệu là Nguyễn Lang Tề (Tây Vu Vương) đã tiến hành các cuộc chiến tranh nhỏ lẻ chống lại nhà Hán thêm 14 năm nữa.

Triệu Vũ Vương với các triều đại sau:

  • Năm 40 sau CN, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh Tô Định, viết lời kêu gọi (Hịch Trưng Nữ Vương) trong đó có câu:

    Từ Kinh Dương Vương cho đến Triệu Vũ Đế
    Tương truyền chính thống, vua bậc Thánh hiền
    Dân là hưng khởi, dân yên nước thịnh…“

  • Thời kỳ Bắc thuộc Đông Hán, năm 187 Sĩ nhiếp được cử sang giữ chức Thái Thú Giao châu, hàng năm vào mùa xuân, mùa thu đều đến lễ tại đình thờ Triệu Đà ở làng Xuân Quan, huyện Vân Giang, Hưng Yên ngày nay.

  • Đinh Bộ Lĩnh đến đình Xuân Quan dâng lễ xin Triệu Vũ Đế phù trợ đánh dẹp 12 sứ quân. Sau khi toàn thắng năm 968 lên ngôi Hoàng đế, sau đó ông đến đình lễ tạ và ban cấp 60 mẫu ruộng, 10 người phục dịch bảo vệ.

  • Thời vua Lê Đại Hành từ năm 980 và các triều đại nhà Lý từ Lý Thái Tổ đều kính ban yết lễ và chuẩn y ruộng đất và phục dịch như cũ.

  • Vua Lý Anh Tông năm 1159, khi đi đánh giặc Ai Lao xâm lược bờ cõi, đến đền Xuân Quan lễ. Khi đi đánh giặc toàn thắng trở về, vua Lý hạ chiếu xuất tiền công quỹ trùng tu đền thờ Triệu Vũ Đế.

  • Năm 1225 vua Trần Thái Tôn nhận sự truyền ngôi của vua Lý Chiêu Hoàng đã ban sắc phong Triệu Vũ Đế là Khai Thiên Thể Đạo Thánh Vữ Thần Triết Hoàng Đế.

  • Vua Lý Thái Tổ (Lê Lợi) năm 1428 bình xong giặc Minh lên ngôi ban sắc phong và tăng người phục dịch lên 18 người và trong bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã viết.

    Khởi Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước
    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên xưng đế một phương“

  • Vua Lê Thánh Tông năm 1470 trước khi đánh giặc Chiêm Thành đã đến đền Xuân Quan lễ, sau khi thắng giặc, vua về dâng lễ tạ và phong tặng lên 90 mẫu ruộng.

  • Tiếp đến các đời sau từ vua Gia Long đến vua Khải Định đều có sắc phong giữ nề nếp thờ cúng… 2)

Được các triều đình thế hệ sau công nhận là một việc, nhưng quan trọng hơn và to lớn hơn cả sự công nhận ấy là sự được lòng dân, trải qua hơn 2000 năm Triệu Đà vẫn được dân chúng tôn thờ, kính trọng, hương khói thờ cúng, bảo tồn và tu sửa giữ đền thờ liên tục. Hàng năm làng Đồng Xâm tổ chức lễ hội ở đền Triệu Đà Đồng Xâm rất vui, có đua ghe bơi chải và hát chèo, khêu gợi lòng biết ơn tiền nhân và tình yêu, lòng gắn bó với quê hương xứ sở, khiến cho lòng dân thêm hưng phấn, dù sử sách sử gia có viết chi đi chăng nữa, cũng không ngăn cản hay thay đổi được lòng kính trọng của người dân đối với Thánh Ông và Thánh Bà trên mảnh đất làng xóm thân yêu của họ. MTT

1) Xin mời đọc bài viết „Thái Bình xưa và nay“ http://mttuyet.fr
2) Tài liệu tham khảo: Viết theo người sưu tập, ông Nguyễn Gia Thắng: Việt Nam và cội nguồn trăm họ, Nguồn gốc dân tộc Việt và văn minh Việt cổ, Thơ ca cách mạng ở Việt Bắc, Thần phả Thành Hoàng đình Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên.

Những chuyện không kể…mà nên nói về ung thư vú

13. juillet 2019

Những chuyện không kể…mà nên nói về ung thư vú – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Mùa hè về năm nay tháng sáu rất nhẹ nhàng với nhiều ngày mưa ngắn, chen lẫn với nắng lên và gió thổi có cơn ào ạt. Hoa hồng nở khắp nơi, nhất là ở nhà quê, đủ mầu sắc, đủ hương thơm, đủ loài. Vườn nhà tôi mười mấy bụi hoa hồng nở bung, ngắm không kịp. Buổi sáng thức dậy trong tiếng chim hót, buổi chiều đi ngủ cũng trong tiếng chim líu ríu gọi nhau về tổ ấm. Vậy mà, tôi phải viết cái loại bài này hầu có thể có ích khi cần, điều mà tôi không hề mong cho các bạn.

Ung thư vú đến một cách tàn nhẫn, nó im lặng, không có dấu hiệu, chỉ khi nào bạn cảm thấy có gì hơi hơi bất thường là nó đã hình thành, có ở trong bạn. Lúc đó bạn mới chạy đi bác sĩ tìm người cứu mình cấp tốc.

Thoạt đầu, bạn có thể hơi ngứa ở núm vú, xong rồi qua, bạn quên đi. Nhưng đó là dấu hiệu đáng lo ngại báo động ung thư vú . Mỗi khi tắm, bạn có sờ vào ngực mình không ? Nên tự động một cách có ý thức tự nắn đôi gò bồng đảo, xoay quanh núm vú và đừng quên nhấn vào nách, để xem có gì cứng hay không. Có khi bạn chợt nhận ra một hạt gì cứng ? Hay núm vú bị biến dạng, bẹt ra, thụt vào bên trong ?

Có khi, ung thư phát triển dưới dạng viêm vú như ở phụ nữ cho con bú. Nếu bạn bị vú sưng đỏ, nóng, ngứa và có thể bạn bị sốt nhẹ, yêu cầu bạn đi bác sĩ ngay. Bác sĩ có thể bắt đầu bằng cho bạn uống kháng sinh và cho đi siêu âm vú.

Đến đây, có thể có bạn đặt câu hỏi, bác sĩ mà khoa nào ? Có bạn khỏe mạnh, bình thường không có vấn đề về bệnh phụ nữ (gynécologie), nên lười đi khám bác sĩ, tốn tiền, mất thì giờ, mà không sao cả. Tôi cũng nghĩ thế, đến khi….

Một năm, bạn nên đi bác sĩ 2 lần, bận quá, thì cũng nên 1 lần trong 1 năm, và đừng đổi bác sĩ xoành xoạch, khi cần thì chính người bác sĩ ấy sẽ cứu bạn. Đừng để nước đến chân mới nhẩy, khi có biến mới chạy đi tìm bác sĩ không quen biết.

Phải chờ lâu mới có hẹn là trong khi ấy thì cái khối ung thư nó phát triển. Từ khi phát hiện, có người chỉ cần có 10 ngày là đã được mổ, mà có người cả hai tháng vẫn chưa được mổ. Mười ngày là thời gian tối thiểu cần thiết trước khi mổ, để có kết quả của những xét nghiệm siêu âm vú, thử máu, chụp IRM, làm biopsie.

Nếu ở Pháp, theo qui trình xét nghiệm của Pháp, thì bạn phải làm mammographie, échographie rồi IRM, biopsie, scanner, scintigraphie osseuse, TEP-scan, mấy lần thử máu rồi mới đến giai đoạn mổ, kể ra có tới 9,10 loại xét nghiệm cần thiết, rất tốn kém, trước khi bác sĩ và hội đồng bác sĩ quyết định phương cách điều trị. Có khi bạn cần phải làm xét nghiệm cho cả hai nhũ hoa.

Những phụ nữ đã làm mammographie trong quá khứ đều than là rất đau vì bị máy ép nhũ hoa đến dẹp lép như bị tra tấn nên họ ngại đi. Bạn lên mạng tìm kiếm trong vùng mình ở, những trung tâm nào có máy mammographie Pristina đời mới, thì đến đó làm xét nghiệm. Máy Pristina chụp mammo không đau tí nào cả.

Còn về échographie, thì trời ơi, mỗi bác sĩ có khả năng khác nhau, có máy móc cũ, mới, hiệu khác nhau cho nên kết quả thì năm người mười ý. Tìm được một bác sĩ giỏi, có máy móc tốt, mới, không phải là chuyện dễ. Có khi phải làm đi làm lại 5, 6 lần échographie cho tới khi nào một bác sĩ quyết định cho bạn làm IRM. Kết quả của IRM thì không ai cãi lại được, nó rõ ràng mười mươi là bạn bị ung thư gì, mức độ ra sao.

Xong rồi bạn còn phải chịu đựng khâu biopsie (sinh thiết tế bào), chờ đợi tám ngảy mới có kết quả chính xác căn bệnh của bạn. Không có bác sĩ nào chịu mổ mà không có kết quả biopsie, vì qua đó họ xác định ca mổ sẽ tiến triển như thế nào, cắt hết một bên vú hay chỉ cắt một phần và những khó khăn có thể có khi mổ, cùng với những phương pháp điều trị kế tiếp như xạ trị, hóa trị….Nghe nói đến việc phải làm biopsie là bạn sợ xanh mặt phải không ? Tại Pháp công việc này thường do bác sĩ quang tuyến đảm nhiệm (Radiologue), nhưng họ chỉ dùng loại kim làm biopsie thông thường thôi. Các bác sĩ phụ khoa (Gynécologue) trong bệnh viện thì có dụng cụ khác, đỡ đau hơn. Mặc dù biopsie được làm với gây tê nhưng chỉ nội nghĩ đến việc phải chích thẳng ba bốn lần vào vú là bạn đã bủn rủn tay chân rồi. Bạn yên tâm, đó chỉ là một chịu đựng nhỏ mà bạn có thể vượt qua, con đường chiến thắng căn bệnh ung thư còn nhiều gian nan phía trước. Phải can đảm lên.

Phương pháp hóa trị trước rồi mổ sau được xem là phương án « tối ưu » để làm cho ung thư nhỏ lại, tránh di căn. Thường khi phát hiện ung thư nhiều trường hợp đều ở giai đoạn 2 là may mắn, các tế bào ung thư còn ở trong trạng thái cục bộ chưa lây lan qua các bộ phận khác. Nhưng nếu chậm đi một hai tháng, trong khoảng thời gian định bệnh bị chậm trễ, có thể tế bào ung thư đã chuyển sang giai đoạn 3, tức là đã bắt đầu tấn công các tuyến khác thì bạn phải làm sao để yêu cầu bác sĩ hóa trị cấp tốc để tránh lây lan sang giai đoạn 4 tức là lây lan sang nội tạng và xương thì hết phương cứu chữa. Điều này cắt nghĩa tình trạng tử vong do di căn ung thư vú vì chậm trễ điều trị tại Pháp lên đến khoảng 20%, 80% sống sót được trên 5 năm nữa. Bạn được hóa trị là coi như bạn được « ban ơn » sống thêm vài năm nữa.

Bạn thấy đó, bẩy tám lần là bấy tám lần phải lấy hẹn. Câu chuyện của bạn được bắt đầu bằng cái bà thư ký bác sĩ hay thư ký bệnh viện (vấn nạn tham nhũng vặt ?) ! Hên xui may rủi mà bạn được cái bà thư ký làm ơn làm phước cho bạn một cái hẹn gần, đôi ba ngày cho đến một tuần, hay hẹn xa, hai tuần, ba tuần hay thậm chí sáu tuần ! Việc của bạn chứ đâu phải của bà ấy, mặc kệ bạn, bác sĩ đâu có biết đâu ! Họ ngăn cản bạn được tiếp cận với bác sĩ, để cho bạn biết được quyền lực của chức vị thư ký.

Vậy là bạn phải chạy đi tìm bác sĩ khác, trung tâm khác, ở thành phố khác, bạn mất nhiều thì giờ, đi xa, tốn kém lại thêm sốt ruột. Từ khi phát bệnh bạn hoang mang lo sợ trong một thời gian dài có khi đến cả hai tháng hơn, làm đủ mọi yêu cầu, mọi thủ tục …thì người bác sĩ mổ đi nghỉ hè mấy tuần lễ liên tiếp làm bạn phải chờ đợi….Các nước Âu châu đều bộc lộ nhược điểm phòng thủ trong mùa hè vì người đi làm suốt năm trong mùa đông lạnh giá đói nắng cho nên ba tháng hè thì thành phần tích cực của xã hội, bao gồm bác sĩ, nhân viên y tế, đều thay phiên kéo nhau đi nghỉ hè hết trơn. Tại những cơ sở y tế, nhà thương thiếu nhân viên thì coi như là đóng cửa.

Có những nhà thương tỉnh nhỏ, phải gạt bệnh nhân vì quá tải, bệnh nhân gọi tới trong đầu tháng 7 mà bị gạt ra, bảo tháng 8 gọi lại để lấy hẹn vào tháng 10, hoặc bệnh nhân đến tận cơ sở urgence (cấp cứu) trình diện thì bị gạt ra hẹn 10 ngày nữa trở lại ! Tại vùng quê bên Pháp, một người chồng chở vợ đi từ hai tháng nay tổng cộng gần đến 5.000 cây số, tốn không biết bao nhiêu là tiền xăng dầu, ngược xuôi từ nhà thương này đến nhà thương khác, từ bác sĩ này đến bác sĩ khác, để tìm một bác sĩ chấp nhận mổ, nhận điều trị nhanh chóng cho vợ mình. Ở Việt Nam thì có như thế không ?! Các chính khách của đảng Xanh ve chai Pháp quốc với chiêu trò écologie vẽ mầu xanh gì lên luật lệ quái quỷ của họ, chỉ để vắt dân ra thuế mà thôi.

Như vậy quá trình xét nghiệm của bạn dài đằng đẵng, có khi mà bạn lên bàn mổ rồi mà cái hẹn thứ nhất vẫn còn mấy tuần lễ nữa mới đến !!! Ở Pháp cũng là quen biết, cũng là tiền bạc thì được ưu đãi, ưu tiên. Đàn ông Pháp có tiếng ga lăng bao nhiêu thì người phụ nữ Pháp có tiếng là lạnh lùng hách dịch bấy nhiêu, miễn nói đến những người có tư tưởng kỳ thị dân nhập cư, một tinh thần đang lên đặc biệt ở vùng quê và tỉnh nhỏ. Ở Việt Nam thì không như thế, bạn có thể năn nỉ được thông cảm nhiều hơn.

Chế độ sức khỏe của Pháp hiện nay là chế độ tập trung tất cả về Paris và các thành phố lớn. Thế giới đều biết nền y học của nước Pháp là ưu việt, nhưng tiếc thay chính sách y tế trải qua từ ba đời tổng thống Pháp cho đến nay là một chính sách phục vụ vì tiền và cho đồng tiền, không vì con người, vì dân. Các cơ sở bệnh viện công, ít tốn kém cho dân, cho quỹ bảo hiểm xã hội, thì không đủ nhân viên phục vụ y tế, dân chúng có tiền thì đều tìm đến các bệnh viện tư, bác sĩ tư, thì tất cả phí tổn sẽ tăng nhiều hơn, tốn kém hơn. Dân chúng không dành dụm được một số tiền phòng khi đau ốm đều phải trông nhờ vào bệnh viện công.

Trung tâm ung thư nổi tiếng nhất nước Pháp là Gustave Roussy nằm ở Villejuif , Paris nghiên cứu và chữa tất cả bệnh ung thư, kể cả ung thư vú, thường được gọi tắt là Villejuif. Trung tâm này có cả một phần để cho du khách nước ngoài đến chữa bệnh, tập hợp tất cả các phân khoa nên việc định bệnh rất nhanh, không để mất thì giờ vàng ngọc làm tổn hại thêm sức khỏe bệnh nhân. Trung tâm có hơn 300 nhà khoa học nghiên cứu, 545 bác sĩ chuyên khoa, 1.200 điều dưỡng và tổng cộng hơn 3.100 nhân viên y tế phục vụ, số giường bệnh là 457 giường, tuy vậy mà vẫn thường quá tải. Gần đấy mọc lên mấy cái khách sạn để người thân ở trọ. Bệnh nhân nội địa thường bị đưa ra những nhà thương nhỏ lân cận, nằm dưới quyền kiểm soát của trung tâm, và muốn xin một cái hẹn phải có giấy giới thiệu của một bác sĩ và đã có hồ sơ bệnh án, nhưng chưa được điều trị. Ở đây, chỉ cần tối đa 2 tuần, không phải 2 tháng, là việc định bệnh đã xong, chuyển qua khâu điều trị. Chỉ có bệnh nhân nhà quê, mù mờ, đi lòng vòng thì mới mất 2 tháng để định bệnh, từ lúc khám phá ra bệnh đến khi được điều trị là mất hết gần 3 tháng trời, cái ung thư nó tha hồ phát triển, chỉ biết cầu Trời khấn Phật ăn ở hiền lành để cho nó đừng có di căn biến chứng vào xương tủy và nội tạng trong thời gian đó !!!

Những nhà thương nhỏ dần dần bị đóng cửa, thành phố quy tụ trên 30.000 ngàn dân mới có được một nhà thương đa phân khoa, thường là hai thành phố khoảng 30.000 dân có chung một trung tâm y tế. Dân ở vùng quê, tỉnh nhỏ bị bóc lột nhiều nhất, phải có phương tiện tiền và xe để đi ít nhất 40 cây số đến bác sĩ chuyên khoa, 10 đến 25 cây số để đến bác sĩ tổng quát, và quy định hiện hành là phải có toa của bác sĩ tổng quát chuyển đến bác sĩ chuyên khoa gây ra nhiều tốn kém và mất thời gian điều trị. Những làng có trên 3.000 dân mới có một, hai ông bác sĩ tổng quát. Có lẽ thành phần bác sĩ không thích ở nhà quê, tỉnh nhỏ. Rồi dân lại phải còn di chuyển đến những trung tâm chụp hình, lọc máu…riêng rẽ.

Ở Paris phân khoa cấp cứu thì ế, năng xuất chỉ đạt được khoảng 50% theo tờ Le Parisien, ngược lại ở thành phố nhỏ thì quá tải, có bệnh nhân chết trong khi chờ đợi, thường thì thời gian chờ đợi kéo dài đến 7, 8 tiếng đồng hồ, ít nhất là 5 tiếng. Bị AVC (đột quỵ) mà chờ cấp cứu thì mất hết thời gian vàng, vì có đến được nhà thương thì cũng phải nằm chờ tới phiên được nhận ! Vì thế, dân Pháp bị bắt buộc phải đi « du lịch sức khỏe » nội địa, chạy ngược chạy xuôi những ai còn có chân cẳng và tiền bạc để chạy. Người ta phải đặt câu hỏi, có hay không có kỳ thị những người bệnh không phải là gốc Pháp trong hệ thống y tế của Pháp ? Kinh nghiệm cho thấy ở những nhà thương có bác sĩ, y tá là người gốc nước ngoài người bệnh được tiếp đón ân cần hơn. Người già nằm viện dưỡng lão thì có viện dưỡng lão lo.

Vấn đề tâm lý bệnh nhân ung thư phải đứng trước nỗi lo sắp chết được đặt ra…cho có lệ, vì không bác sĩ nào, nhà tâm lý học nào có thì giờ lo cho bệnh nhân cả, mà ngược lại họ đâm ra chai lì trước căn bệnh, nỗi khổ của gia đình bệnh nhân, thậm chí còn xem phim x trong khi làm việc để cho bớt căng thẳng, nhàm chán. Những trang mạng nói về ung thư hầu hết chỉ đưa ra những dữ liệu y khoa hoặc trải nghiệm tâng bốc của những bệnh nhân được ưu tiên, không nói về khó khăn, nỗi khổ.

Nếu bây giờ mà xẩy ra tình trạng chiến tranh thì nước Pháp sẽ thua trận ngay vì tình trạng y tế chỉ tập trung vào Paris, dân chúng tỉnh nhỏ nhà quê sẽ chết nhiều vì quá nhiều nhà thương tỉnh lẻ bị đóng cửa, bác sĩ và nhân viên y tế và thuốc men thiếu thốn. Y tế vốn là một cột trụ của xã hội, không những trong mục đích bảo đảm sức khỏe cho dân chúng mà là rất cần thiết trong quốc phòng, mạng lưới y tế càng rộng thì an ninh quốc phòng càng bảo đảm. Hiện nay chính trị của nước Pháp đi ngược lại mục đích đó. Và muốn vào Paris chữa bệnh thì bạn phải có xe hơi xịn, xe diesel hạng 4 trờ đi bị cấm chạy ở Paris và các vùng phụ cận ! Nghèo thì chết giầu thì sống. Những người chỉ đến Paris, đi chơi, ăn ở và không ra khỏi Paris không hiểu được điều đó.

Những yếu tố như có người thân đã bị ung thư vú, yếu tố di truyền, đã có điều trị bằng thuốc ngừa thai, các chất hormones, cho con bú….hầu như chỉ làm dữ liệu cho thống kê, không thực tế. Bạn có thể có một cuộc sống lành mạnh: không hút thuốc, không rượu chè, không uống thuốc ngừa thai, không xử dụng chất hormones sau khi mãn kinh, gia đình bạn không có người thân trực tiếp bị ung thư vú…nhưng bạn vẫn bị ung thư vú một cách không ngờ, do đó không nên chủ quan ! Hiện nay, sự ô nhiễm môi trường thể hiện tràn lan, những yếu tố ô nhiễm môi trường hoàn toàn do xã hội gây ra, ngoài tầm kiểm soát, ảnh hưởng có thể của bạn, những cột sóng điện thoại di động, những sóng wifi vô hình, những chất hormones trong chăn nuôi, những chất thuốc độc hại trong rau, củ, quả, những chất phụ gia trong thức ăn chế biến, những tia điện x-quang kiểm soát an ninh….đâu đâu cũng có cái hại tiềm ẩn không có minh chứng, con người trở thành nạn nhân trong môi trường mình sống.

Ung thư vú làm cho người phụ nữ có cảm giác là mình không còn sức hấp dẫn người chồng của mình nữa, và nó cũng thật sự là một thử thách cho sự ràng buộc giữa hai người. Hy vọng là nỗi khổ của bạn không bị nhân đôi và chồng của bạn là một người đàn ông tuyệt vời, chung thủy trong mọi tình huống. MTT

PS: Nếu bạn đang buồn, hãy ngắm những bông hoa hồng, và nghĩ rằng mình cũng là một đóa hoa hương sắc mặn mà, dịu dàng, tuyệt vời….và quên đi cái buồn của bạn, đời không đáng buồn.

Gửi người em gái tôi quen

9. juillet 2019

Gửi người em gái tôi quen…©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Tôi không nghĩ là khuyên, mà chỉ là tâm tình của một người chị đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời với người em gái trẻ tuổi, đường đời còn dài.

Phải gom hết suy nghĩ của mình lại, rồi bắt đầu từ đâu ? Câu hỏi này chỉ ra vướng bận của những người phụ nữ trẻ tuổi đứng giữa cuộc đời, đứng giữa xã hội, đất nước, giữa chồng, giữa con, giữa gia đình mình, giữa gia đình chồng, giữa công việc, giữa bạn bè, giữa hàng xóm láng giềng….bao nhiêu là quan hệ gần xa, làm thế nào để vừa lòng tất cả mọi người, làm thế nào để hoàn tất mọi bổn phận.

Đừng nghĩ như thế em ạ, bởi vì lẽ mình không thể nào làm vừa lòng tất cả mọi người được, bởi vì lẽ mình phải xây dựng chính bản thân mình thì mình mới có thể đem lợi ích đến cho mọi người.

Những năm đầu đời, tôi không hiểu tại sao mình lại được cha mẹ cho học nhiều thế : học may cái quần, học cắt cái áo dài, học làm bánh, học nấu ăn, học hát, học đàn, học vẽ, học ở trường rồi lại còn học sinh ngữ. Cha mẹ cho đi học tất, từ sáng đến tối chỉ có học và vui thú trong việc học. Thế rồi, tạm biệt gia đình tôi đi du học. Nói thì rất dễ, nhưng thực hiện được điều ấy quả là khó khăn vô cùng. Nói theo người châu Âu, tôi đang nhẩy vào vùng nước lạnh. Đang từ vòng tay bảo bọc của cha mẹ, của xã hội mình quen thuộc, một thân một mình nơi xứ lạ quê người, tất cả mọi việc của đời tôi, tôi phải cáng đáng trên đôi vai nhỏ bé của mình.

Lẽ sống của mình là gì ? Sống cho ai ? Cho mình ? Cho xã hội chung quanh ? Mục đích sống của mình là gì ? Làm thể nào để bảo đảm đời sống của mình ? Làm thế nào để sống với cộng đồng xã hội ? …những câu hỏi ấy không phải là triết lý để thảo luận xuông mà là thực tế hàng ngày đang diễn ra trước mắt, điều ấy tôi học được vì tôi đang một thân một mình trong lòng một xã hội châu Âu xa lạ. Nó rất xa lạ với mình vì mình từ văn hóa phương Đông, hội nhập vào văn hóa phương Tây. Tạm gác câu chuyện của tôi lại, để nói về em. Tất nhiên, những câu hỏi cúa tôi cũng tương tự như những câu hỏi em đặt ra cho mình. Ở đây mình cũng tạm gác lại chuyện lý tưởng, mà nói về một chuyện rất thực tế : một ngày chỉ có 24 tiếng, làm thế nào để cáng đáng tất cả mọi việc ?

Trước hết tôi thấy cái lợi của em sống trong xã hội Việt Nam, một xã hội biết đùm bọc, đỡ đần, tương trợ. Em chỉ cần có óc tổ chức, óc quản lý, mình thiếu tay thiếu chân thì phải biết tổ chức thêm tay thêm chân và quản lý nó.

Thí dụ như trước khi đi ngủ, em và các con xúm xít bày bàn ăn sáng hôm sau, để sáng thức dậy khỏi phải lụp cụp hối hả quên nọ quên kia. Ai ngồi chỗ nào, có cái ly, cái muỗng con dao, hay đôi đũa. Xắp đặt sẵn các thứ để pha cà phê, pha trà…Ai lãnh nhiệm vụ đi mua xôi, bánh mì, bánh cuốn, cơm, phở….thì giao việc, hẹn giờ từ tối hôm trước. Quần áo để mặc trong ngày cũng sắp sẵn, ủi là từ tối hôm trước, để khỏi mất thì giờ tần ngần trước tủ áo bừa bộn, rồi lại còn phải ủi đồ….Tôi và các con chỉ cần một tiếng mỗi buổi sáng để thay quần áo, ăn sáng rồi ra khỏi nhà, đi học, đi làm, mùa đông tôi lái xe đưa con đến trường, mùa hè các con tự đi bằng xe điện. Tôi tập cho con tôi phải biết tự thân vận động những gì các cháu có thể làm được trong khả năng của cháu. Ở nhà, tôi thấy có bạn chở con đi học, đón con về hàng ngày, dù là con đã 18 tuổi.

Những công việc như chợ búa thì tổ chức xe ôm mua đồ dùm, quét dọn nhà cửa thì tổ chức cho có người làm công việc ấy, cơm nước thì thuê người nấu bếp thay mình, có người trông con, có người đưa đón con đi học, có người giặt giũ ủi là cho mình….Ở bên nhà thì việc ấy dễ như trở bàn tay, còn ở nước ngoài thì không như thế, chỉ có một mình mình, không ai giúp đỡ cho cả, không có mẹ, cô, dì…hàng xóm ở bên cạnh, chẳng có ai là người thân.

Nói thì dễ phải không em ? Nhưng tiền ở đâu ra mà thuê người giúp mình ? Hoặc mình kiếm ra tiền để « mua lại » thời giờ cho mình hoặc là mình phải lựa chọn ưu tiên, việc nào ưu tiên nhất, cấp bách nhất, và những việc em và các con có thể làm được. Hồi đó, cuối tuần là mẹ con dọn nhà, lau nhà cửa, trong khi tôi dọn cái bếp và phòng ăn thì mỗi đứa con tôi đều phải dọn phòng của chúng, bỏ quần áo dơ cho mẹ giặt, mẹ ủi…

Dù có hăm hở, sôi nổi nhưng em không nên nghĩ rằng mình sẽ đạt được mọi thứ của cuộc đời mình trong cùng một lúc. Ở đây em cũng phải cho mình một thứ tự ưu tiên, việc gì làm trước, việc gì làm sau theo hoàn cảnh bó buộc mình. Dạo tôi còn đi học, các bạn thường hay bàn với nhau, có con khi đang học hay học xong rồi mới có con ? Những bạn đợi mình học xong rồi mới có con thì vừa mới ra trường, có bầu, nghỉ đẻ, nghỉ nuôi con, thế là mất trớn, khó tìm được việc làm, cái bằng đâm ra chỉ để làm cảnh, uổng phí công lao giáo dục, học hành.

Không ít bạn gái than gánh nặng hàng ngày, làm nản sức, nản chí, nào công việc, nào chồng, nào con, nào cha mẹ…..thấy đuối sức, bận tối tăm mắt mũi, khó khăn chồng chất. Đó là vì em hãy còn nghĩ mình phải làm chu tất hết tất cả mà không lượng được sức và thời gian của mình.

Phải tìm cho mình một sự thăng bằng trong đời sống : có thực hiện bổn phận và trách nhiệm thì phải có lợi ích cho bản thân mình như thế mình mới đi đường dài được. Người phụ nữ Việt Nam thường có quan niệm « hy sinh » vì chồng con, công việc. Trong thời chiến, sự hy sinh vì sống còn là cần thiết, nhưng trong thời bình không đem lại công bằng và thăng bằng cho người phụ nữ. Lợi ích của bản thân mình là tự lo cho mình sống khỏe, đầy đủ cái ăn, cái mặc, lo cho tinh thần, trí tuệ, sự phát triển, trau dồi khả năng, trau dồi kiến thức và văn hóa của mình.

Hãy tự cho mình một cái nhìn khoan dung về mình, hãy tự tha thứ cho mình khi phạm lỗi lầm, hãy bày tỏ những khó khăn của mình ra thành lời dịu ngọt để chồng và con cùng gánh với mình, thông cảm với mình, cùng chia xẻ những khó khăn của mình. Hãy yêu mình, hãy tự săn sóc sức khỏe cho mình vì nếu một ngày nào đó mình gục xuống thì sao, con người đâu có phải một cái máy ? Một chút thì giờ để tập thể dục mỗi buổi sáng, ngủ đủ tám tiếng một ngày, một chút thì giờ thư giãn một mình, một buổi đi chơi với bạn gái, một giờ đọc sách, báo, theo dõi tin tức, một giờ viết thư cho bạn…. , nhưng cũng không quên, những buổi nấu ăn chung với chồng con, đi chơi cả gia đình. Khi mình khỏe mạnh, tất nhiên là mình đẹp, cái đẹp tự nhiên từ bên trong toát ra ngoài, không phải là cái đẹp đi mua bằng tiền, bằng dao kéo.

Người Âu châu có quan niệm để bảo vệ công ăn việc làm của mình họ chia thành phần bạn bè làm hai, bạn trong công việc và bạn riêng tư. Đối với bạn trong công việc thì họ cố gắng không thổ lộ nhiều về đời sống riêng tư của mình. Về nhà, họ cố gắng không kể, không nói đến công việc, những vấn đề công sở. Ở Việt Nam thì bạn bè là bạn bè, ăn con gà bạn cũng biết, nên ảnh hưởng của bạn bè tác động không nhỏ lên suy nghĩ của mình. Phải sáng suốt, phải biết cân nhắc. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Nhưng, nhân vô thập toàn, hay, nobody is perfect, từ Á sang Âu người ta đã nói như thế, xét người thì phải xét ta, em có bao giờ nghĩ rằng mình không hoàn hảo không ? Biết nghe lời hay lẽ phải để mà sửa lại những quan điểm sai lầm của mình, những thiếu sót của mình về kiến thức là một điểm mạnh đấy em ạ. Đừng tự ý biến mình thành một con ngựa bị che mắt. Tầm nhìn càng rộng lớn, càng thông thái, càng nhiều hiểu biết, thế giới sẽ mở ra cho em nhiều điều hay. Thái độ hành xử của mình giống như mình chơi bóng vào tường, đánh nhẹ hay đánh mạnh quả bóng sẽ dội lại với mình y như thế, trước khi em trách người, em nên tự hỏi mình có đúng không đã nhé.

Em thấy, sự thành công trong đời sống đòi hỏi ở người phụ nữ rất nhiều đức tính trí tuệ, mà cái chìa khóa là sự thể hiện trong giao tiếp của mình : một lời nói dịu dàng, mềm mỏng nhưng cương quyết. Mình đạt được mục đích của mình hay không đều qua giao tiếp, thông tin, tiếp cận. Lịch sự, nhã nhặn, dịu dàng, theo ý tôi là những đức tính giúp mình trên đường dài, còn sự khôn khéo thì bản thân nó có chứa đựng chút gì không thật, giả dối chỉ có thể có ích trong những trường hợp nhất thời mà thôi. Đây chỉ là một vài ý tưởng ngõ hầu giúp em lọc lựa những suy nghĩ của mình, chắc chắn rằng em sẽ thành công ! MTT

Một cây mít, một cây xoài Sa Đéc

4. juin 2019

Một cây mít, một cây xoài Sa Đéc©Mathilde Tuyết Trần, France 2013

Mỗi lần đi xa, về thăm quê là kéo theo một mớ quà cáp và một niềm hớn hở, hy vọng sẽ có được những ngày vui, đẹp trên quê hương. Mỗi lần đi xa, về lại nhà là cũng kéo theo một mớ quà của bạn bè tặng với bao nhiêu là kỷ niệm vui…buồn. Chuyến đi này, ngoài các món quà mang nặng tình nghĩa, vài cân cà phê, bánh phồng tôm, hạt điều, kẹo mứt…tôi còn lê được một cây mít và một cây xoài từ Sa Đéc, vòng ra miền Trung, lên đến Hà Nội, rồi về tận nhà bên Pháp, an bình! Thật đấy.

Lần ấy, anh chị Vị đưa chúng tôi đi thăm vùng đất cực Nam của quê hương. Theo lịch trình đã bàn với nhau, từ Sài Gòn chúng tôi ngang qua Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, ghé nhà thờ cha Diệp trước khi xuôi về Cà Mau, lướt sóng ca nô ngang qua Năm Căn để ra tận Đất Mũi, rồi đi Rạch Giá, Hòn Đất, Hòn Chông, Hà Tiên, đến đây sẽ chia tay nhau, anh chị Vị trở về Sài Gòn vì còn rất bận bịu công việc, phần chúng tôi sẽ đi tiếp đến Phú Quốc, và sau đó đi Côn Đảo.

Anh chị Vị đến đón chúng tôi từ sáu giờ sáng, để còn chạy đi ăn một tô phở Tàu bay chính hiệu ở đường Lý Thái Tổ, trước khi lên đường. Sáu giờ sáng ở Sài Gòn là trời đã lên cao, sáng rõ, tuy nắng mới lên còn chỉ là những luồng nắng nhẹ nhàng, e ấp, chưa nóng thiêu da như giữa trưa. Mỗi người một tô phở bò Tàu bay tái nạm nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, húp xì xụp toát mồ hôi. Giá phở tăng từ 10 ngàn, 15 ngàn…bây giờ đã là 55 ngàn một tô, phở đặc biệt có nhiều thịt bò tái giá lên đến 75 ngàn, thậm chí 95 ngàn, nhưng chỗ nào bán phở là chỗ ấy có khách, phở là một món ăn không thể thiếu trên đất nước Việt Nam, từ sáng cho đến trưa, chiều, tối. Điều lạ là tôi chưa được ăn một tô phở nào ngay tại Hà Nội, quê hương xuất xứ của phở, lại ngon như một tô phở trong miền Nam, nước dùng thơm đậm đà hơn, thịt nấu nhừ và có đúng mùi phở, không chỉ ngọt mùi bột ngọt, mà miền Bắc gọi là mì chính. Hay tại vì không biết chỗ bán phở ngon tại Hà Nội, chỉ được ăn phở như ăn mì ăn liền trong các khách sạn.

Trên xe, anh chị Vị đã chu đáo mua sẵn những chai nước suối nhỏ để uống dọc đường. Thế là, mọi người đóng cửa xe lại, anh Vị nhường cho vợ chồng tôi nguyên một băng giữa thoải mái, dễ chụp hình, quay phim, còn anh thì ngồi phía sau, chị ngồi phía trước, bên cạnh tài xế.

Đường ra khỏi thành phố thì dài, chứng tỏ là thành phố đã phình to ra, không còn nhỏ bé, ấm cúng như thời tôi còn nhỏ, chỉ có mấy quận, hiện nay trở thành các quận trung tâm. Xe chạy ngang qua quận 6, quận 10, quận 11, xa cảng miền Tây, bến xe miền Tây, lên quốc lộ 1A, thẳng vào đường cao tốc Trung Lương mới xây dựng, có nghĩa là được chạy „thả ga“ tối đa 100 cây số/giờ. Giá vé mãi lộ đường cao tốc là 40.000 đồng.

Ở bên Pháp, tốc độ hạn chế tối đa là 130 km/giờ, mà tôi còn thấy xe chạy chậm rì. Dạo xưa đi làm, tôi cứ phóng trung bình là 140, vắng xe thì chạy ào ào lên 160, có khi 190 cây số/giờ. Nhưng ở Việt Nam, xe chạy 50 cây số giờ là đã thấy nhanh…so với các xe hai bánh và xe đạp vây chung quanh, cứ sợ cán người tông xe gây tai nạn !

Bởi thế, nên được chạy lên 100 cây số/giờ là người thích tốc độ vui cười hể hả, còn ai sợ tốc độ thì níu chặt tay xe. Đường cao tốc mới tinh, mặt đường phẳng phiu bóng loáng dưới ánh nắng, mỗi chiều xe có hai lằn chính và một lằn phụ cấp cứu, vắng xe vì các xe dồn hết vào đường quốc lộ 1A cũ, trời xanh nhạt trong vắt không một gợn mây, anh tài thong thả chạy.

Hai bên, các ruộng lúa đang hườm hườm chín vàng, nhà nông bắt đầu mùa gặt vào tháng ba này cho đến giữa tháng năm, để trước mùa mưa vào tháng sáu là đã gieo lớp mạ cho mùa lúa tới.

Ai đi trục đường Bình Chánh – An Lạc – Bến Lức – Tân An – Tân Hiệp – Mỹ Tho – Cai Lậy – Cái Bè để về cận bờ sông Tiền ở Mỹ Thuận thì dọc đường tha hồ ghé hàng quán ăn hủ tiú Mỹ Tho nước lèo ngọt xớt, hay ghé nghe đờn ca tài tử còn ngọt và du dương hơn. Những cái tên bảng hiệu rất đậm đà hương sắc miền Nam như „ Năm Lùn“, „Mười Em“, „Út Đen“…nghe mà thấy thương…giống như tên tôi „Hai Tai“ của các em tôi gọi trong nhà ! Khi xe xuống tới Mỹ Tho, thì được nhìn những lò gạch đất nung của Châu Thành, những cái lò gạch rất lớn, như những cái tô „bự“ chảng úp ngược màu gạch nung, cam cam đỏ đỏ đen đen, xếp hàng cạnh nhau bên bờ sông Tiền. Ghe thuyền cập bến chở gạch đi bán, tấp nập.

Tô hủ tíu Mỹ được ăn làm hai cách, ướt hay khô. Tôi thích ăn „khô“ vì được chén nước lèo để riêng, nhưng lần này tôi hơi thất vọng vì chén nước lèo nhỏ xíu, chỉ là cái chén ăn cơm, và không có „xí quách“. Ở Việt Nam có cái lạ là người ta ăn suốt từ sáng đến tối mịt, có người ăn năm, sáu lần trong ngày, có lẽ là trời nóng, những món nước như phở, mì, hủ tíu, cháo, chè tuy ngon miệng nhưng mau tiêu, ít nhiệt lượng cho cơ thể, nên mau đói, mau khát, muốn ăn no, ăn cho chắc bụng là phải ăn cơm, ăn xôi.

Được nghỉ giữa đường, hàng quán mát mẻ, chỉ có mái mà không có vách đóng kín, các em gái miền Nam mặc bà ba tiếp khách, gió mát lồng lộng hơi hướng miền Nam đến dễ khó dzìa, là thích rồi. (Ở Hà Nội chữ „rồi“ được nói là „rùi“, còn trong Nam là „gồi“ !).

Bên Pháp, khi nào thèm lắm, tôi vin cớ này cớ nọ, nhõng nhẽo để được đi vào quận 13 Paris, ở đó có một hàng quán bán món hủ tíu Mỹ Tho, cũng có khô có ướt, và tô nước lèo thật to có một miếng xương „xí quách“ heo chín nhừ ngọt lịm. Ông chủ quán thấy mặt tôi là khách hàng quen từ mấy chục năm nay, lúc chủ và khách còn trẻ như nhau, bây giờ cũng già như nhau, cái tiệm mấy chục năm vẫn y như thế, không có gì thay đổi. Khách vẫn trung thành với tô hủ tíu Mỹ còn chủ là người làm ăn thành công, biết giữ khách.

Trước khi đi, lúc còn ở nhà, tôi đã đọc vài bút ký của nhà văn Sơn Nam, riêng bút ký „Tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long“, tôi đọc đi đọc lại để cho có kiến thức về một miền đất mà tôi chưa quen biết, nghe nói là đã thấy „sợ“ rừng U Minh và những cái tên như Cà Mau, Đồng Tháp Mười…, nhưng bây giờ trên đường tự mình đi khám phá, thì tôi quên hết những gì đã đọc, bị thu hút bởi quang cảnh đang xảy ra trước mắt, có lẽ đã thay đổi nhiều so với thời của Sơn Nam viết bút ký. Trời sáng quang đãng lại có người thân, bạn bè bên cạnh thì không thấy sợ gì nữa. Đến một địa điểm mục đích đã nhắm trước thì vui, nhưng đường đi đến mục đích là một kỳ thú, luôn kèm theo những sự hồi hộp, ngạc nhiên…vì dọc đường mắt thấy tai nghe nhiều điều mới lạ, so với sách vở đã đọc.

Thêm những nẻo đường mới, thêm những cây cầu mới, thêm chợ mới, thêm trường học… là dấu hiệu của sự phát triển của cả một vùng đã có tiếng là vựa thực phẩm của cả nước. Ở đây, con người khai thác hầu như tất cả những thứ có sẵn trong thiên nhiên để tồn tại. Tôm, cá, hải sản, cát, sỏi, than đước, vỏ dừa khô, gỗ, đất sét, đất trồng trọt cày cấy, lúa gạo, trái cây, gà, vịt, rau cỏ, hạt điều…là những sản phẩm như bày ra trước mắt cho khách qua đường thấy sự giầu có của miền Nam. Năm 1862 khi các quan đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Giãn Thiệp (hay Lâm Duy Tiếp) ký với đô đốc hải quân Pháp Louis Adolphe Bonard và đại tá Don Carlos Palanca Gutierres hiệp ước đầu hàng vào ngày 05.06.1862 (Hiệp ước Nhâm Tuất) thì vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn mất ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (và Mỹ Tho) và đảo Pulo-Condor (đảo Côn Sơn, hay Côn đảo) cho Pháp, tức là nguyên khu vực từ phía Bắc thành phố Sài Gòn xuống đến giáp sông Tiền phía Nam, vừa là một cửa ngõ địa lý có tầm mức chiến lược rất quan trọng, vừa là một miền đất trù phú.

Năm năm sau, triều đình vua Tự Đức mất luôn ba tỉnh miền Tây, tức là mất hẳn miền Nam cho Pháp, Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam Sử Lược như sau: „Ở bên Pháp, thì từ năm Đinh Mão (1867), hải quân trung tướng Rigault de Genouilly lên làm thượng thư hải quân bộ, ra sức giúp thiếu tướng De la Grandière cho xong việc. Bởi vậy súy phủ ở Sài Gòn chỉ đợi dịp để khởi sự. Tháng 6 năm đinh mão (1867) là năm Tự Đức thứ 20, thiếu tướng De la Grandière hội hơn 1.000 quân ở Mỹ Tho, rồi định ngày kéo sang lấy Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Ông Phan Thanh Giản biết thế không chống nổi, bảo các quan đành chịu nộp thành trì cho khỏi sự tai hại, rồi ông uống thuốc độc mà tự tận, dặn lại con cái phải cày ruộng mà ăn, chứ không được nhận quan chức gì ở Nam Kỳ. Bấy giờ ông đã già, đã ngoài 74 tuổi, làm quan thật là thanh liêm, nhưng chẳng may gặp phải khi nước có biến, biết thế mình không làm gì được, đem tấm lòng son sắt mà báo đền ơn nước cho hết bổn phận người làm tôi. Từ đó đất Nam kỳ toàn cảnh thành ra đất thuộc địa của Pháp, thuế má, luật lệ, điều gì cũng do súy phủ ở Sài Gòn quyết định cả.“

Cuộc đời là những dòng thời gian, những thế hệ nối tiếp nhau. Nếu ngày xưa trên đất Pháp xa xôi, tôi đã nghe bài hát mà bây giờ gọi là „nhạc đỏ“ „…ở tận sông Hồng, anh có biết quê hương em cũng có dòng sông, em mãi gọi với lòng tha thiết Vàm Cỏ Đông, ở Vàm Cỏ Đông… “ thì mấy chục năm sau, hôm nay tôi đang từ thành phố xuôi xuống An Lạc, đến Bến Lức nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, rồi ngang qua Thủ Thừa, đi tiếp xuống Tân An, nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Tôi cười thầm, vì tôi cũng vừa chợt nhớ thêm một câu hát khác, vui vui, cũng nhạc đỏ: „…con kênh ta đào chưa có nước chảy qua…. Trời quê hương rất quen mà rất lạ, cứ xanh trong thăm thẳm ở trên đầu “.

Đặc điểm đất đai phong cảnh của miền Nam là sông ngòi uốn éo, kinh rạch thẳng đoong đan nhau chằng chịt như bàn cờ trên một khu vực rất rộng, tương đối bằng phẳng, nước ở đâu đổ về cũng tìm đường ra biển.

Không biết bao nhiêu tiền của và sức người đã tốn ra để đào hệ thống kinh rạch của miền Nam ! Đường đất cho xe chạy thì ít mà sông và kinh rạch thì nhiều, bởi vậy, không có ghe, xuồng làm phương tiện di chuyển thì làm sao mà sống ! Khoảng cách các thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long theo đường chim bay thì không xa, nhưng đường đất phải xây dọc theo đường kinh (hay ngược lại ?), uốn éo theo dòng chảy của sông, nên thành xa.

Sau này, anh Kha một người hướng dẫn, cũng như chồng tôi, cắt nghĩa cho tôi nghe rằng, Tây nó tính, nó quy hoạch cứ đi từ thành phố này sang thành phố khác là 60 cây, cho nên bây giờ không cần bản đồ mình cũng dễ tính chiều dài và thời gian cần phải di chuyển. Chúng tôi không dùng máy định vị (GPS), thường dùng bản đồ khi di chuyển, vì không muốn chỉ máy móc lái xe theo đường của máy định vị vạch sẵn. Còn ở bên mình, chúng tôi rất ngạc nhiên là không có tài xế nào có một cái bản đồ trong xe cả, có người cũng không biết nhìn phương hướng Nam Bắc Đông Tây theo mặt trời, theo vị trí của sao Mai, thì em Long, có lần đã là tài xế lái xe của chúng tôi, chỉ ngón tay trỏ vào miệng mình bảo, đường ở đây này cô, cứ biết hỏi thì biết đường thôi mà.

Hai nhánh sông Vàm Cỏ, cũng uốn éo, đổ nước một phần vào rạch Gò Công để thoát ra bằng cửa Tiểu, một phần nước chảy quanh co rồi cũng thoát ra bằng cửa Soài Rạp. Chúng tôi không vào Mỹ Tho, năm trước tôi đã ghé thăm Mỹ Tho và cù lao Rồng trên sông Tiền rồi, từ Tân An tiếp tục đến Tân Hiệp, ngang qua Cai Lậy, Cái Bè.

Đến Cái Bè mà không nhắc đến „gạo“ là một sự thiếu sót rất lớn. Ui chu choa, trên là trời dưới là gạo, chợ gạo Cái Bè tập trung toàn bộ gạo miền Tây, «ghẻ» (rẻ) lắm, bán lẻ chỉ có 11.000đồng/ 1 kí gạo, tính theo tỷ giá đồng Euro hôm nay thì chỉ tương đương có 0,40€. Giá bán bên Pháp 1 kí gạo hiện nay là 1,20 € nếu mua nguyên bao 25 kí, mua lẻ từng kí thì giá thay đổi từ 1,5€ đến 3€ một kí.

Tôi nhắm mỗi bao gạo phải nặng cầu 50 kí lô, vì bao gạo tôi thường mua 25 kí thì nhỏ hơn, vậy mà người vác gạo vác đi te te từ đất lên xe, từ xe xuống thuyền… công việc vác gạo chất lên các phương tiện chuyên chở đi xa bằng tàu thuyền, xe vận tải đều còn bằng sức người, không biết sau một ngày vác gạo như thế đến tối về nhà nghỉ ngơi họ có bị đau lưng, đau đầu gối không ?

Ngoài gạo, Cái Bè còn nổi tiếng với chợ nổi Cái Bè trên sông Tiền và trái cây miệt vườn ! Chợ nổi Cái Răng thì ở gần Cần Thơ trên sông Hậu, cũng là một điểm hấp dẫn du khách của miền Nam. Muốn đi chợ nổi thì phải thức sớm lắm, 5 rưỡi sáng là phải thức dậy, 6 giờ ăn sáng, vội vội vàng vàng, vì 6 rưỡi phải xuống ghe rồi. Người hướng dẫn đã thuê sẵn ghe, đúng hẹn là ghe chờ ở bến.

Sáng sớm, ngồi trên ghe máy chạy trên sông gió thổi mát rượi, có thêm hơi nước, giọt nước bắn li ti theo sóng hắt lên thì lại còn mát hơn. Du khách ngồi trên những chiếc ghe khác đi chợ nổi vui cười hớn hở vẫy tay chào nhau, thích thú xem ghe khách nào chạy nhanh hơn, luồn lách hay hơn. Tôi để ý, ghe nào cũng khẩm, nước sông mấp mé mạn thuyền, nhưng không có ai mặc áo phao cả, hình như tất cả mọi du khách đều tin tưởng vào người lái ghe thuyền và…số mạng.

Đoạn sông từ bến đến chợ nổi cũng khá xa, đến đầu chợ thì người lái ghe giảm hẳn tốc độ, để cho chúng tôi xem chợ: hàng trăm cái ghe thuyền lớn nhỏ đủ cỡ đậu gần nhau trên một khúc sông, thuyền nào muốn mua bán thứ hàng nào thì treo món đó lủng lẳng trên một, hai cây sào gọi là « cây bẹo » hoặc dựng đứng trước mũi thuyền hoặc dựng ngang theo sườn thuyền, một củ cà rốt, một trái thơm, một trái xoài, một nhánh hoa cúc vàng, một củ hành, một quả bí, một quả bầu, một củ cải trắng, một trái bưởi, một nải chuối, một trái dưa… xem rất vui mắt. Nhiều người quen sông nước, phụ nữ, đàn ông đủ cả, đứng trong ghe này một chân, gác lên ghe bên cạnh một chân.

Trong lòng thuyền thì « hàng hóa », đa số là trái cây, rau củ cỏ, hoa các loại chất thành đống khiến du khách há hốc miệng, tròn mắt, thuyền nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là các thuyền chở đầy ắp hoa. Màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu tím…và những chiếc nón lá phản chiếu những tia nắng mới lên trong ngày. Một bức tranh đẹp và rất sống động.

Nếu ai đó muốn mua chỉ một trái ăn ngay thì họ cũng bán, cắt gọt tại chỗ. Vui nữa là có những chiếc ghe chèo lái bởi một người phụ nữ mặc bà ba, đội nón lá, bán cà phê, nước ngọt, bánh kẹo, xôi… len lỏi giữa những chiếc ghe hàng hóa chào mời. Mấy năm trước, năm nào tôi cũng đặt may một bộ bà ba bằng lụa tơ tằm để mặc trong nhà theo thói quen. Bây giờ, hè đến, nóng bức, tôi mặc cả quần bà ba đi chợ bên Pháp.

Chợ nổi họp đến chừng 9 giờ sáng là tan chợ, chúng tôi đã đi một vòng từ đầu chợ đến cuối chợ, các ghe thuyền lái về, thưa dần, du khách cũng trở về bến khởi hành, chấm dứt một cuộc tham quan thích thú.

Trước năm 2000, muốn qua sông Tiền thì phải lấy Bắc Mỹ Thuận, để đi tiếp xuống phía Nam, vào địa phận của Vĩnh Long. Nhìn trên bản đồ, đoạn sông Tiền chảy ngang qua Mỹ Thuận bị eo thắt lại, bề ngang sông hẹp hơn, trước khi tỏa ra thành nhiều nhánh như những ngón chân với bốn nhánh chính là sông Tiền, sông Bà Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên.

Con rồng nước Cửu Long xuyên qua miền Nam Việt Nam để ra biển bằng hai con sông chính, sông Tiền Giang (còn gọi là sông Mekong, Mê Kông) và sông Hậu Giang (còn gọi là sông Bassac, Bát Xắc), đổ khối lượng nước khổng lồ ra biển Đông bằng nhiều cửa, theo thứ tự các cửa sông từ Bắc xuống Nam là các cửa Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Ba Lai, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Bát Xắc, cửa Trần Đề hay Thanh Đề, cửa Mỹ Thanh.

Những khi về Việt Nam, máy bay đến từ biển xanh thẫm xà xuống sửa soạn hạ cánh, thì nhiều người nhốn nháo hẳn lên khi thấy sóng biển vỗ vào đất liền trắng như những đường chỉ trắng bao bọc cái lưng cong hình chữ S, các nhánh sông Cửu Long thì như là những nét bút vẽ phác họa phóng khoáng tự do mầu nâu ngoằn ngèo, các cửa sông thì nửa đục nửa trong nửa nâu nửa xanh, tôi không hiểu sao đó lại là một hình ảnh rung động trái tim, nơi nước thượng nguồn đổ ra biển cả, có phải đó là biểu tượng của sự tuần hoàn thiên nhiên, của nhân quả, một vòng luân hồi khép kín ? Từ khi có cầu Mỹ Thuận bắc ngang qua sông Tiền thì nạn kẹt bắc không còn nữa, nhưng những người ngày xưa kiếm sống trong khu vực lên bắc xuống bắc nhộn nhịp vui tươi đã phải đổi nghề hay dọn đi nơi khác. Chữ „bắc“ là phiên âm của chữ tiếng Pháp „le bac“, ý chỉ một loại tàu thủy có đáy cạn dùng để chuyên chở người, xe cộ qua một con sông, một cái hồ, một cái vịnh hay một ven biển.

Bên Pháp, nhiều khi dân làng than phiền, biểu tình, khiếu nại…vì xe cộ chạy qua làng ồn ào quá, thỉnh thoảng lại có tai nạn, nhưng khi chính phủ làm đường cao tốc mới, đánh một vòng xa quanh làng, thì…kinh tế làng ấy chết ngủm luôn, vì mọi xe đều chạy trên đường mới, không ghé qua làng nữa, hàng quán đóng cửa không có khách ăn, chợ búa lèo tèo vì thiếu khách mua, dân làng được ngủ yên nhưng phải kéo nhau đi kiếm sống ở một nơi khác, đó là sự „công bằng“ của cuộc đời, được cái nọ thì mất cái kia.

Cầu Mỹ Thuận là một cây cầu treo, cách Sài Gòn 125 cây số, nằm trên quốc lộ 1A, chiều dài cầu là 1.535,2, đầu cầu phía Bắc thuộc huyện Cái Bè, đầu cầu phía Nam thuộc thành phố Vĩnh Long. Người miền Nam qua đây đều nhớ câu hát ngân nga vọng cổ „Chẻ tre bện sáo cho dầy, ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em…“.

Cầu Mỹ Thuận đẹp, người dân còn quen miệng kêu theo cách cũ là cầu Bắc Mỹ Thuận, hai trụ cầu treo dây cáp nổi lên trên nền trời xanh không một gợn mây, nước sông Tiền mầu nâu, mặt nước rộng mênh mông, trôi băng băng bên dưới. Xe lên cầu, nhón người qua khung kính xe, mới bấm máy chụp hình được hai lần thì xe đã xuống cầu. Nhanh quá ! Khối lượng xe cộ qua cầu còn thưa thớt thảnh thơi hôm nay, nên xe chạy ào ào qua, làm như tài xế nào cũng sợ cầu gẫy nửa chừng.

Từ cầu Mỹ Thuận chạy xuống quẹo tay phải đi hướng Sa Đéc, quẹo trái thì vào thành phố Vĩnh Long. Chúng tôi ghé Sa Đéc. Chợ Sa Đéc đông vui, khi xe chạy ngang qua, chỉ đọc các bảng quảng cáo «bún thịt xào, hủ tiếu, mì, gỏi cuốn, bì cuốn, bánh mặn, chè thập cẩm, bánh cuốn, bánh ướt nóng, chả lụa, nem chua…» là đã thấy no ứ hự. Nhà ở và cửa hàng quanh chợ khang trang, toàn là nhà lầu, nhà gạch.

Chúng tôi đến thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lệ, người tình xưa của nhà văn Marguerite Duras trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng « L’Amant » (Người tình). Đây là một ngôi nhà quy mô thì nhỏ thôi nhưng kiến trúc bên ngoài và nội thất đều trang trí cầu kỳ, nền lát gạch hoa, tường vách đều phủ bởi những tấm gỗ quý chạm trổ tinh vi, cẩn xà cừ, bàn ghế đều bằng gỗ mun, trang thờ nguy nga sơn son thếp vàng, chứng tỏ chủ nhân của nó khi xưa là người rất giầu có và sống với cái giầu của mình. Một đoàn khách nước ngoài đang nghe kể về chuyện tình cũ của bà Duras. Người hướng dẫn kể rằng thời ấy dân chúng đi ngang nhà này đều phải cúi đầu, không dám nhìn thẳng hay liếc vào nhà.

Tôi chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, nhưng cũng thấy tiếc cho khung cảnh ngôi nhà, đã bị xây bít chung quanh, mất hẳn cái vị thế quyền quý giầu sang thời xưa của nó. Bên ngoài đường, ngay trước cửa là hàng quán hai bên lề, xe ba gác, xe tải to nhỏ, xe hai bánh, người đi chợ qua lại đông vui đối nghịch lại cái quá khứ đang thầm lặng của ngôi nhà cổ.

Anh tài đưa chúng tôi đến xem trường Trưng Vương Sa Đéc, nơi cũng có liên quan đến câu chuyện tình Duras. Xe chạy ra bờ sông, nhìn người dân đang tải hoa lên thuyền đem đi bán, tôi chợt nhớ đến « làng hoa Sa Đéc » và tỏ ý muốn đi xem. Thế là tôi được chiều, được đưa đi vào những nhà vườn trồng hoa, cây kiểng, phong lan, và cây trái cây giống.

Điều gì phải xẩy ra đã xẩy ra: tôi mua một cây mít và một cây xoài cát Hòa Lộc, quên bẵng là mình phải vác nó từ đây về tận nhà bên Pháp, mà tôi lại còn muốn ra miền Trung và ra Bắc, ghé Hà Nội thăm bạn bè, rồi đáp máy bay về. Chồng tôi và anh chị Vị thấy tôi vác hai cái cây lên xe, thì chỉ cười.

Chúng tôi nghỉ ăn trưa ở Sa Đéc trong một nhà hàng khách sạn Hoa Mai, bữa ăn trong « gói » tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lệ rất thịnh soạn, nhưng bị bắt phải ăn riêng trong một phòng « séparée » (riêng) vì nhà hàng đang có tiệc cưới lớn, cho nên tôi tiếc cho bữa ăn có không khí tù túng, ngột ngạt.

Cây xoài, cây mít về tận được nhà quê bên Pháp. Tôi trồng chúng trong hai chậu đất « Tây », không to lắm, đặt sát cửa kính trong nhà bếp, cho có ánh sáng và hơi ấm. Chúng đứng im, không động đậy, như thế khoảng độ hai tuần lễ. Rồi, coi bộ đã bén rễ, bắt đầu mọc thêm lá xanh bé tí. Hàng ngày, vợ chồng tôi nhìn cây lớn. Đem về hồi tháng tư, mới tháng mười một, một hôm, cây mít, mới chỉ cao hơn một thước tây mà lá khá to, cho hai cái nụ có hình khum khum như cái bẹ lá với hai lá màu xanh nhạt, khi hai lá này nứt ra, xòe ra, bên trong xuất hiện một quả be bé, thường gọi là cái « dái mít ». Dái mít có vị chát, dân nhậu ở nhà thích ăn dái mít để uống rượu. Sáng nào thức dậy, mở màn cửa cho ánh sáng vào, vợ chồng tôi đều ngắm hai cái dái mít, nó lớn lên thấy rõ hàng ngày. Anh Vị xem hình gửi về thì vui, bảo, vậy là năm nay chị có « Lộc » đó. (Trích Từ Lũng Cú đến Đất Mũi, Mathilde Tuyết Trần, France 2013)

Đất Mũi Cà Mau

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lệ, nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm L´ Amant của Marguerite Duras, đã được quay thành phim

Bãi Nai – Hà Tiên

Nhà thờ Cha Diệp

Bầu cử quốc hội Liên minh châu Âu tại Pháp 2019

27. Mai 2019

Bầu cử quốc hội Liên minh châu Âu tại Pháp 2019 ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Ngày chủ nhật 26.05.2019 nước Pháp bầu cử dân biểu quốc hội Liên minh Châu Âu. Cuộc bầu cử chỉ diễn ra có một vòng quyết định, nên báo chí do dự giữa hai khả năng tham dự bầu cử, nên hy vọng nó cao hay tuyệt vọng nó thấp trước ngày bầu cử.

Năm nay, có tất cả 34 đảng phái ứng cử, thậm chí có một con chó trắng vàng với ánh mắt nhìn gợi đầy thương cảm ứng cử trên bích chương của đảng Súc Vật (Parti animaliste), đảng này quảng cáo, tranh thủ người đi bầu cử, với con heo, con bò, con mèo, con chó…và cho một lối sống « ít thịt ». Biết chọn ai, người hay vật ? Và ăn chay hay ăn mặn trong khối thị trường chung châu Âu ? Ấy, mới đây đã thấy lời kêu gọi kịp lúc trước mùa nghỉ hè lớn hàng năm dân chúng không nên đem bỏ rơi chó, mèo trên xa lộ, vì họ không có chỗ gởi chúng để đi chơi.

Những cái đầu trên các bích chương (tête de liste) thì là tuổi trẻ măng trên dưứi 30 tuổi như những đại diện của đảng cánh cực hữu của bà Marine Le Pen, đảng cánh hữu Les Républicains , hay của đảng cánh tả Les Insoumises… người ta tự đặt câu hỏi, tuổi trẻ như thế mới thoát ra khỏi sự nuôi dưỡng của cha mẹ mà bước vào chính trường châu Âu thì với kinh nghiệm nào của bản thân, của trường đời để dẫn dắt, lèo lái, làm ra luật lệ để lãnh đạo 512,6 triệu dân của 28 quốc gia thành viên ?

Và người ta có cảm tưởng dân Pháp xử dụng cuộc bầu cử quốc hội châu Âu năm nay để bày tỏ qua lá phiếu sự bất mãn của mình với chính phủ và tổng thống đương nhiệm, hơn là nghĩ xa cho châu Âu, cuộc tranh tay đôi giữa bà Marine Le Pen (RN, Rassemblement national) và ông Macron (LREM, La république en marche) vẫn tiếp diễn ở hồi thứ ba.

Nhưng cũng có quyết định về châu Âu đấy chứ, học kinh nghiệm của Brexit, dân chúng Pháp chưa chín mùi để đòi Frexit và phải từ bỏ đồng Euro, mà phải tiếp tục nằm trong khối Liên minh châu Âu để đạt được tầm ảnh hưởng của mình trong các quyết định chung.

Nước Pháp với 67 triệu dân, đứng thứ nhì sau Đức với gần 83 triệu dân, khó có thể mà rút ra khỏi khối Liên minh châu Âu hay trở về tiền tệ quốc gia là đồng Franc của mình, rõ ràng là thời cơ chưa đến. Hình ảnh mới đây của một bà đương kim thủ tướng của nước Anh Theresa May nghẹn ngào rơi lệ cay đắng bất lực khi phải từ chức chủ tịch đảng Bảo thủ sau gần 3 năm cố gắng để lãnh đạo nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, mặc dù nước Anh có lợi thế tiên quyết là vẫn giữ được bảng Anh tiền tệ quốc gia, đã gây ấn tượng sâu sắc.

Một điểm tâm lý đáng nghi nhận là cái rào cản, có từ năm 2002 khi Chirac trong lần tranh cử nhiệm kỳ hai bất ngờ phải đối phó với ông Jean-Marie Le Pen là phải ngăn chặn đảng cực hữu của Le Pen lên nắm chính quyền, đã bị phá vỡ trong lần này, người ta không còn sợ con ngáo ộp nữa, mà sẵn sàng bầu cho nó, để thoát khỏi vòng kiềm tỏa thuế vụ và sự miệt thị dân chúng của chính phủ đương nhiệm với một khẩu hiệu « xấu hơn nữa là không thể có ».

Bà Marine Le Pen một ngày nào đó sẽ nhậm chức tổng thống Pháp ? Năm 2019 thì người ta hình dung sự kiện này có thể xảy ra trong một tương lai gần, nếu chính quyền đương nhiệm tiếp tục các cuộc cải cách bất lợi cho thành phần đa số dân chúng, như các biện pháp giảm thiểu lương hưu trí của người già, cắt bớt trợ cấp xã hội đặc biệt là cho những người mẹ đơn thân nuôi con, thâu thuế làm suy yếu rõ rệt tầng lớp trung lưu thấp của xã hội với định mức với 2.000 euros là đã thuộc thành phần « giầu có ».

Đến 17.00 giờ chiều thì con số tham dự bầu cử được ước tính là 43,29%, cao hơn 8 điểm so với năm 2014 chỉ được 35,07%.

Đến cuối ngày, theo công bố kết quả sơ khởi của bộ Nội Vụ Pháp, thì đã có 50,73 % cử tri đi bầu cử, đã là một điều tích cực vì năm 2014 chỉ có 42,43% đi bầu, nhưng gần nửa số người không đi bầu 49,27 % cũng nói lên qua sự thầm lặng của mình một cách tích cực là bầu bán làm chi cho mất công, không tin rằng lá phiếu của mình có thể thay đổi được thời cuộc. Người ta ghi nhận rằng có nơi những người áo khoác vàng và những người già lãnh lương hưu đi bỏ phiếu ồ ạt.

Số phiếu hợp lệ năm nay, khoảng chừng 22,5 triệu phiếu, chỉ bằng 1/3 dân số nước Pháp.

Kết quả chính thức chưa được công bố, tạm thời bộ Nội vụ công bố kết quả của 98% ghi nhận là đảng cực hữu Rassemblement national (RN) của bà Marine Le Pen đứng đầu cuộc bầu cử với 23,43 %, tiếp theo là danh sách liên minh của đảng LREM, Modem và đối tác đang cầm quyền là 22,31 %, thứ ba là đảng xanh của Europe Ecologie với 13,42 %.

Đặc biệt, hai đảng mới của những người áo khoác vàng đạt 1,2 % tổng số phiếu, gồm có khoảng 270.000 phiếu. Những người dù ủng hộ áo khoác vàng đã bị chia phiếu cho các đảng phái khác, đặc biệt là cho đảng cực hữu RN.

Những đảng phái kỳ cựu như đảng Xã hội Pháp (PS) 6,19 % hay đảng cánh hữu (LR) 8,4 %, đảng cánh tả của ông Melenchon 6,31% bị đẩy lùi xuống tình trạng yếu ớt, không vực lên được trong chính trường nước Pháp, dù họ đã cố gắng đổi mới, biến dạng.

Đến 18.47 giờ thì 89,42 % những tù nhân đang bị giam giữ và vẫn được ghi danh trong danh sách bầu cử đã bỏ phiếu, và kết quả cho thấy họ bỏ phiếu cho RN 23, 52% , La France insoumise 19,69% , đảng cầm quyền LREM 9 % và đảng xanh EELV 8,93% . Thành phố Paris tập trung bỏ phiếu cho đảng của tổng thống LREM cả đến 50%, thứ nhì là đến đảng Xanh, còn lại ít ỏi cho những mầu sắc chính trị khác. Ở các vùng quê ngoài những thành phố lớn thì khuynh hướng ngược lại, vì thế mới có người nói rằng Paris không phải là nước Pháp.

Số ghế dân biểu quốc hội Liên minh châu Âu tính theo tỷ lệ dân số của Pháp là 74 ghế, đứng thứ hai sau Đức 96 ghế, Ý và Anh đồng hạng 3 với 73 ghế, hạng tư là Tây Ban Nha với 54 ghế và hạng 5 là Ba Lan với 51 ghế. Ở tầm mức Liên minh châu Âu thì đảng LREM xếp chung với các đảng phái trung lập và tự do toàn cầu hóa của các nước thành viên khác. Số 74 ghế dân biểu quốc hội Liên minh châu Âu của Pháp được chia theo kết quả bầu cử như sau: đảng Rassemblement national 22 ghế, đảng LREM 21 ghế, đảng Xanh 12 ghế, đảng Les Republicains 8 ghế, đảng La France insoumise 6 ghế và đảng Envie Europe 5 ghế. Sau Brexit các đảng phái được phân chia thêm một ghế nữa. MTT

Thành phần sơ khởi các đảng phái trong quốc hội Liên minh châu Âu tổng cộng 751 ghế dân biểu, nhiệm kỳ 2019-2024

Kết quả bầu cử ngày 26.05.2019 theo vùng tại Pháp

 

Bích chương của đảng Súc Vật, được 2,17 % số phiếu sau cuộc bầu cử.

Đường đi của hàng hóa

13. Mai 2019

Đường đi của hàng hóa – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2019

Con đường tơ lụa ngày xưa trong thế kỷ thứ 18, 19 được vận hành với sức của con vật, lừa, ngựa, lạc đà, trâu, bò…và sức người để vận chuyển hàng hóa qua lại từ Á sang Âu.

Ngày nay, ngành Logistic là một ngành nghề đang phát triển trên thế giới, năm 2019 được coi là năm bản lề của ngành này, do đó tiếng Anh là vốn liếng chung phải cần có, biết thêm ngôn ngữ khác thì càng có lợi hơn khi nhìn vào vị trí của những bến cảng tàu hàng khổng lồ trên bản đồ thế giới.

Chẳng cần nhìn đâu xa, nhìn trên đất Pháp thấy những nhà kho to lớn của Amazon mọc lên, trên đường làng chạy đầy những xe tải đơn, xe tải đôi cồng kềnh ngang dọc thì biết hướng phát triển.

Các nhà phân phối vĩ đại đã trải qua kinh nghiệm gởi hàng trực tiếp từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu thụ là một thất sách chiến lược, vì thời gian hàng đến tận tay người tiêu dùng hoặc qua trung gian của bưu điện các nước, hoặc qua trung gian những hãng phân phối nhỏ, rất lâu, có khi cả tháng, lại chứa đựng nhiều bất lợi về tiền bạc, về thuế nhập khẩu….làm cho người tiêu dùng chùn bước trước quyết định mua hàng trên internet.

Người tiêu thụ vì thế chỉ lên mạng xem giá cả, so sánh rồi cuối cùng mua ở một cửa hàng tại chỗ, chẳng thà họ mua mắc một chút mà lấy hàng ngay khi trả tiền và có cơ hội trông thấy mặt hàng, kiểm soát hàng, và tránh được bị lừa gạt qua mạng mất tiền toi.

Vấn nạn lừa đảo qua mạng internet, ăn cắp thông tin dữ liệu, buôn bán địa chỉ khách hàng, phẩm chất hàng hóa không bảo đảm là những nguyên nhân đầu tiên khiến cho người tiêu thụ mất tin tưởng, hạn chế tối đa việc mua bán qua mạng. Có thể nói những ai mua hàng hóa qua mạng đều bị lừa bằng cách này cách khác một lần.

Ngay trong vấn đề quảng cáo, thì việc quảng cáo trên mạng không đạt được dự tính của nhà sản xuất/bán hàng vì nhiều lý do : từ việc không biết tìm kiếm trên mạng, xem màn hình mỏi mắt, cho đến không có thời gian và không có tiền lên mạng, cho nên một ngành nghề tưởng chết đi rồi lại sống lại.

Đó là ấn phẩm quảng cáo được in ra và phát không tận nhà, từng nhà, để đạt tới từng ngóc ngách của thế giới, dù là bán hàng trên mạng. Trong một tuần lễ một đơn vị gia đình ở Pháp nhận được mấy ký lô ấn phẩm quảng cáo, trong khi rác lại bị đánh thuế theo khối lượng, bởi vậy người ta phải cấm bỏ quảng cáo trong thùng thơ hoặc tốn công đem loại rác này trở về bỏ vào thùng rác của các siêu thị. Nhưng ấn phẩm quảng cáo lại đem đến thu nhập cho một loạt nghề nghiệp như chụp ảnh, người mẫu, dàn trang, thiết kế, nhà in, nhà phát hành…

Hơn thế nữa, trước kia mua hàng trên mạng chỉ có một chiều, vô hình, không biết ai, tổ chức nào ở đầu bán, bây giờ người tiêu thụ có thể gọi điện thoại trò chuyện về món hàng, đặt hàng, đổi trả hàng…cho thấy rõ các biện pháp marketing đã có cải tiến để người tiêu dùng tiêu tiền trong túi mình một cách dễ dàng hơn.

Toàn cầu hóa bị nghẽn ở chỗ thời gian giao hàng quá lâu, cho nên những nhà phân phối khổng lồ phải tính đến biện pháp trữ hàng tại những kho trung tâm trung chuyển ở các quốc gia thị trường tiêu thụ để rút ngắn thời gian giao hàng đến người tiêu thụ trong vòng một tuần lễ.

Và để bảo đảm thời gian giao hàng này họ phải mở rộng mạng lưới phân phối bằng vận chuyển/giao hàng trực tiếp bằng xe tải, hay sử dụng những công ty nhỏ trung gian, những « điểm » giao hàng như tiệm bán báo, siêu thị, chi nhánh bưu điện ….đồng thời họ  » khuyến khích » người tiêu thụ phải di chuyển (chuyển tốn kém và thời gian di chuyển về người tiêu thụ) để « nhận » hàng thay vì « được giao hàng » bằng cách không tính thêm tiền giao hàng. Bằng biện pháp này họ cũng tránh được sự vụ mất hàng, hư hại hàng hay thái độ phục vụ tùy tiện không tốt của lái xe.

Một biện pháp khác nữa là thiết lập những công ty chuyên môn buôn bán qua mạng mà cơ sở giao dịch nằm bên kia biên giới còn công ty mẹ thì nằm ở bên này biên giới của hai quốc gia để tận dụng các lợi ích về thuế má, ngân hàng/tài chánh, nhập và xuất khẩu, thí dụ như sử dụng « hộp thư » (boite aux lettres) ở biên giới Pháp, kho hàng và công ty nằm ở trên đất Đức gần biên giới Đức-Pháp.

Biện pháp này cũng nhằm đánh lạc hướng người tiêu thụ Pháp, tưởng là mình mua hàng tại Pháp, nào ngờ mình mua hàng của Trung Quốc xuất qua Mỹ rồi xuất lại qua Đức để bán cho thị trường tiêu thụ ở Pháp.

Trong việc sử dụng mạng Internet để bán hàng thì những trang mạng của những công ty ít nồi tiếng, nhỏ…phải thuê lại chỗ trên những trang có tăm tiếng để bán hàng, thí dụ như trang của Darty hay trang của Galeries Lafayette, Fnac… được thuê bởi những nhà bán lẻ khác nhỏ lẻ hơn, vô danh hơn tại Pháp, cũng là để đánh lừa người mua.

Nghề nghiệp lái xe tải có bằng lái xe hạng nặng, hoặc vừa lái xe vừa giao hàng vì thế đang có cơ hội phát triển tìm được việc làm ở các quốc gia tiêu thụ như Pháp.

Trên bình diện chính trị, những nhà chính khác đảng Xanh và sự hỗ trợ của báo chí có thể có người chỉ là những con rối, con mồi được thuê để đánh lạc hướng dư luận. Họ sử dụng những biện pháp tâm lý vẽ ra viễn ảnh, hình tượng tàn phá thế giới để đánh động lương tâm, tình cảm cứu trợ của nhân loại cho mục đích chính trị tại chỗ của họ. Câu hỏi được những người áo khoác vàng ở Pháp đặt ra là chính đáng: tại sao chính phủ Pháp lại áp đặt thuế carbone (thuế ô nhiễm môi trường trong việc sử dụng xăng dầu) lên người lao động, người tiêu thụ cuối cùng trên đất Pháp, các công ty vận tải thì lại được mua với giá rẻ hơn, trong khi trên thế giới không có thuế carbone ?! Và ai kiểm soát, trừng phạt, ngăn ngừa, thâu thuế ô nhiễm môi trường với đủ mọi mức độ ô nhiễm khác nhau tại mọi quốc gia trên thế giới ?! Đành rằng Pháp muốn đi tiên phong trong việc bảo vệ môi trường, nhưng biện pháp sưu cao thuế nặng trên đầu dân chúng không phải là biện pháp thích hợp, thuyết phục và được sự đồng tình của dân chúng. Trong giá một lít xăng dầu bán ra tại Pháp, hiện nay khoảng 1,6 – 1,5 euros/lit thì tiền thuế đã tròm trèm gần 1 euro ! Lại đem loại xe chạy bằng diesel ra làm vật tế thần, trong khi ai cũng biết mục đính chính là để bán xe mới không tiêu thụ được. Pháp đứng hàng thứ 10 trên thế giới về sản xuất xe hơi với 2.227.000 chiếc năm 2017. (Đứng đầu vẫn là Trung Quốc với 29.015.434 chiếc xe mới mỗi năm, theo thống kê năm 2017.).

Trong danh sách các quốc gia có lượng khí thải CO2 trên thế giới thì Pháp chỉ xếp hạng thứ 19 năm 2015 với 340 tấn chiếm tỉ lệ 1,1% trong tổng số các quốc gia, và lượng khí thải CO2 của Pháp giảm liên tục từ năm 1970, điều này cũng có nghĩa là mức độ sản xuất của Pháp đã giảm đáng kể liên tục.

Trong 10 quốc giá đứng đầu thế giới về sản lượng khí thải CO2 thì hạng nhất là Trung Quốc với 10.350 tấn khí CO2 chiếm 26,4% tổng sản lượng khí thải CO2, kế tiếp theo thứ tự là các quốc gia Hoa Kỳ (541,4 tấn; 17,7%), Ấn Độ (227,4 tấn; 17,3%), Nga (161,7 tấn; 4,9%), Nhật (123,7 tấn; 3,8%), Đức (789 tấn; 2,4%), Iran (648 tấn; 1,7%), Saudi-Arabien (601 tấn; 1,8%), Nam Hàn (592 tấn; 2,2%) và Canada (557 tấn; 1,8%) năm 2015. (Nguồn: Liste der größten Kohlenstoffdioxidemittenten, Wikipedia)

Có khí thải CO2 vì có sản xuất trong kỹ nghệ và tiêu thụ điện, xăng dầu, sưởi ấm trong dân chúng. Và rừng của trái đất, cây xanh của chúng ta cũng cần đến khí thải CO2 để xanh mãi, để « ăn và sinh sản mới ».

Vấn đề phục hồi và định hướng lại cho kỹ nghệ quốc gia là con đường cần thiết để kinh tế có phát triển cũng như giải quyết nạn thất nghiệp rộng lớn trong thành phần lao động có trình độ dưới kỹ sư. Việc học thêm, học lại, thay đổi ngành lao động, thay đổi chỗ ở chỗ làm…của những người thất nghiệp thường có kết quả rất hạn chế vì nó là vấn đề lâu dài, cần thời gian, và đụng vào những vấn đề rất con người, sở thích, khả năng và kinh nghiệm, môi trường sinh sống.

Việt Nam đứng hạng thứ 29 trên thế giới với 184 tấn CO2 chiếm tỷ lệ 0,4 % năm 2015, khối lượng khí thải CO2 tăng đặc biệt từ 47,4 tấn năm 2006 lên gần gấp đôi 95,8 tấn năm 2007, điều này có thể cắt nghĩa với việc hình thành những khu công nghiệp mới và cơ giới hóa của dân chúng, nhu cầu điện dùng trong nhà tăng lên trong thời điểm đó.

Đội ngũ tàu chở công tơ nơ (containe) với hàng vạn chiếc tàu to lớn chạy ngang dọc khắp biển phục vụ cho toàn cầu hóa cũng là một yếu tố ô nhiễm môi trường cho cả thế giới mà ít ai nói đến.

Một công tơ nơ 20 feet tiêu chuẩn

Công xuất tàu công tơ nơ được tính theo đơn vị « TEU » tức là « 1 công tơ nơ 20 feet tiêu chuẩn » , 6,06 mét chiều dài, 2,44 mét chiều rộng và 2,59 mét chiều cao.

Năm 2013 tờ Frankfurter Allgemeine cho biết một lần « đổ đầy bình » cho một tàu công tơ nơ trung bình hạng 12.000 TEU cho 11.500 tấn dầu nặng tốn hết 5,3 triệu Euros theo giá dầu khi ấy và tại nơi ấy ! Hiện tại tầu công tơ nơ lớn nhất thế giới là tầu hạng OOCL Hong Kong có sức vận tải 22.000 TEU một chuyến. Giá dầu nặng và thuế má ở châu Á lại rẻ hơn rất nhiều.

Nếu người ta tin NABU (Naturschutzbund Deutschland) thì một chiếc tàu thải ra khối lượng khí độc bằng 3.500 xe tải. Ngay cả những tàu du lịch cao nghệu như một tòa nhà cao tầng, các du thuyền của đại gia…cũng tỏa khí độc gấp ngàn lần xe hơi, tại sao không đánh thuế ô nhiễm môi trường đặc biệt của chúng ?

Theo một bài báo trên tạp chí Der Spiegel Đức (11.5.2019) thì 90% khối lượng trao đổi hàng hóa trên thế giới được thực hiện bằng đường biển, không hổ danh là con đường chiến lược trong toàn cầu hóa, vì qua phương tiện vận chuyển này giá vận chuyển hàng hóa được giảm thiểu tối đa đến mức độ không còn là quan trọng nữa.

Thí dụ giá vận chuyển một công tơ nơ 40 feet với 10.000 quần jean từ Shanghai đến Hamburg chỉ tốn khoảng 3.000 đến 3.400 đô la Mỹ, tính ra mỗi chiếc quần jean chỉ tốn khoảng từ 0,27 đến 0,30 euro phí chuyên chở từ Á sang Âu. Quan trọng hơn phí tổn vận chuyển là tiền lương sản xuất, phẩm chất nguyên liệu và thuế má, vì thế sản xuất ở những nước công nhân rẻ , nguyên liệu rẻ đem lại lợi nhuận rất lớn.

Nhìn sự phát triển của các thương cảng công tơ nơ trên thế giới từ năm 1995 cách đây 24 năm, cũng là khoảng thời gian phát triển của chính sách toàn cầu hóa kinh tế, người ta thấy rõ sự phát triển của kinh tế các nước, bên thì phát triển, bên thì suy thoái.

Thi dụ như cảng Shanghai tiến từ 1,53 triệu TEU (1995) đến 40,23 triệu TEU (2019) hiện nay đứng hàng đầu trên thế giới. Cảng Los Angeles của USA chiếm hạng 17 trên thế giới với 9,343 triệu TEU (2017), hai cảng khác Long Beach và New York/New Jersey chiếm hạng 20 và 21.

Cảng Hamburg của Đức, lớn nhất nước Đức, chỉ đạt được 2,89 triệu TEU (1995) lên đến 8,86 triệu TEU (2017) đứng hàng thứ 18 trên thế giới. Hai cảng Âu châu khác đứng hạng thứ 11 là Rotterdam Hòa Lan với 13,73 triệu TEU (2017) với hạng thứ 13 là Antwerpen Bỉ với 10,45 triệu TEU.

Một góc của máy tàu công tơ nơ dài 24 mét

Tại Pháp có hai cảng Le Havre và Marseille nhưng Pháp chiếm một vị trí khiêm nhường trên bản đồ thế giới, nói lên sự yếu kém xuất/nhập của nền kinh tế Pháp, vài con số thưa thớt được công bố trên mạng là 2,21 triệu TEU năm 2011, 2,303 triệu TEU năm 2012, đến nỗi không có tên trong số 50 cảng công tơ nơ lớn nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng của Lloyd´s List năm 2018 cảng Le Havre đứng thứ 60 với 2,870 triệu TEU với sự tăng trưởng 14,3 % so với năm 2016 chỉ có 2,5 triệu TEU.

Cảng công tơ nơ thành phố Hồ-Chí-Minh xếp hạng thứ 25 trong số 50 cảng lớn nhất thế giới với một công xuất tăng liên tục từ 1,869 triệu TEU (2004) lên đến 6,156 triệu TEU năm 2017, với sức tăng trưởng 4,6% (2018). Theo bảng giá của các nhà logistic trên mạng thì giá vận chuyển một công tơ nơ 20 feet, đầy, từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hamburg chỉ có 939 euros, và chiều ngược lại từ Hamburg về tp Hồ Chí Minh lại rẻ hơn chỉ có 579 euros, chưa tính thêm các khoản phụ phí khác. Các cảng ở Cái Mép, Đà Nẵng, Hải Phòng cũng đều có vận chuyển đi ra quốc tế, giá cả cũng tương tự, đắt nhất là chuyến VietNam-Bremerhafen (Đức) 1.024 euros. Công tơ nơ 20 feet có trọng tải là 33m³, hay 28.230 kí lô.

Giá xuất cảng nhỏ lẻ bằng tầu thủy giao hàng tận địa chỉ bao gồm tất cả phí tổn ở thành phố Hồ Chí Minh rất đắt, tỷ dụ như từ cảng TP HCM đi Le Havre cho một kiện hàng 100 kí lô lên tới 40 triệu đồng vn, tương đương với 1.600 euros, chưa tính thêm phí nhập nội ở Pháp (tùy món hàng cá nhân hay hàng thương mại) có thể hơn tổng cộng 2.000 euros phí vận chuyển cho kiện hàng.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đe dọa trực tiếp lên tình hình cảng công tơ nơ và đội ngũ tàu đi biển. Nhưng có lẽ đây là một đề tài ít gây chú ý của dư luận. MTT

Cảng biển Cát Lái của thành phố Hồ Chí Minh

Cảng Le Havre Pháp

Cảng công tơ nơ của Hong Kong

Cảng biển Singapore / REUTERS/Edgar Su – GF10000386322

Thời gian qua mau ở trường Pétrus Ký

5. Mai 2019

Thời gian qua mau ở trường Pétrus Ký – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Lời yêu cầu viết một bài về sự thay đổi về kiến trúc của trường Pétrus Ký đến với tôi thật là bất ngờ và “phũ phàng” đưa tôi trở về với kỷ niệm thời trung học, ôi, biết bao nhiêu là mộng mơ, biết bao nhiêu là kỷ niệm đẹp. Chắc người đưa ra yêu cầu vì một tấm ảnh bưu thiếp cũ cách đây đã gần 100 năm không thể tưởng tượng được ra điều ấy. Tôi có dịp so sánh sự thay đổi với thời gian của trường Pétrus Ký, quả là một tốc độ nhanh so với gần 100 năm của giai đoạn hiện tại đối với quá khứ. Trường Petrus Ký ngày xưa nay đã đổi tên là trường Lê Hồng Phong.

Trường Gia Long cũ cũng đã đổi tên thành trường Nguyễn thị Minh Khai và có những thay đổi, nhưng còn giữ được hầu như toàn vẹn khuôn viên trường và những ngôi nhà mới xây mới tu sửa, thể hiện vẻ bề thế, sang trọng, uy nghiêm của trường giữa lòng một thành phố lớn nhất nhì đất nước.

Hồi đó, các trường công lập nổi tiếng nhất dành cho con trai theo chương trình chủ yếu tiếng Việt có hai sinh ngữ Pháp, Anh là trường Chu Văn An, Võ Trường Toản, Pétrus Ký. Bên con gái thì có các trường công lập là Trưng Vương, Gia Long và Lê Văn Duyệt.

Tuổi học trò đã biết “yêu” – bây giờ thì tôi kêu trời khi nghĩ lại, vì hồi đó đâu có biết yêu là gì trên thực tế, chỉ là một sự lãng mạn trong tâm trí viển vông với những cánh thư xanh dài dòng văn vẻ, với những tấm ảnh căn cước gửi trộm chẳng dám ký tên – thì ghép đôi, trường Chu Văn An với trường Trưng Vương, vì hai trường đều là Bắc di cư vào Nam năm 1954, trường Gia Long với trường Pétrus Ký, còn trường Võ Trường Toản với trường Lê Văn Duyệt.

Cơ hội để gặp nhau thì hiếm lắm, mỗi niên khóa có một lần một, đó là dịp được vào khuôn viên trường của nhau để bán báo Xuân, mà phải là người của Ban Báo Chí đại diện trường mới được đi bán báo, đứng bán báo. Bây giờ nhớ lại thấy tức cười, sao mà hồi xưa mình ngây thơ đến khiếp, sợ gặp nhau, trông thấy nhau, “anh” nhìn “em” rồi thì em có bầu, vậy mà cũng tranh nhau đi bán báo trường bạn, hoặc đón phái đoàn báo chí của trường bạn. Những năm được viết báo Xuân cho trường, tham gia vào ban Báo chí, là những hoạt động bên lề việc học, cũng như tham dự những cuộc tranh giải thể thao như bơi lội, đánh bóng, hay văn nghệ văn gừng múa hát…được nhiều học trò trai gái đều ưa thích, thầy cô đều khuyến khích những hoạt động lành mạnh mà bổ ích như thế. Như cơ duyên của tôi, hay là cái nghiệp, tập tễnh viết báo từ năm mười bốn tuổi đến giờ chưa nghỉ ngơi.

Tôi còn nhớ như in cái cảm giác bồi hồi khi lần đầu tiên về thăm nhà đi ngang qua trường cũ. Lưu luyến đến chảy cả nước mắt. Rồi cứ như là một thói quen, tôi thích nhìn trường học, nhìn sân trường đầy ắp học sinh, nhìn bộ đồng phục, nhìn các em vui đùa, nhìn thế hệ trẻ đang cắp sách đến trường, có một tương lai rộng mở. Tiếng cười nói ồn ào như ong vỡ tổ, tiếng trống nhập học, tiếng chuông tan giờ, tiếng hát quốc ca, cả sự vắng lặng của sân trường khi các em về nhà….những tiếng động ấy là những tiếng động của một đời sống đáng quý đáng yêu. Thế hệ 40x, 50x của chúng tôi đang như ngọn đèn dầu khi tỏ khi mờ không biết tắt lúc nào, bây giờ đã đến thế hệ 20x, 21x rồi, đúng là tuổi trẻ là tương lai của một dân tộc, vậy thì phải học cho giỏi, không hơn người thì cũng ráng bằng người. Tuổi đi học là quãng đời đẹp nhất của một đời, không phải lo gì cả cơm áo gạo tiền, chỉ phải lo học, có cha mẹ nuôi nấng, thầy cô dạy dỗ, xã hội đùm bọc.

Nghe nói các em thế hệ trẻ bây giờ hầu hết là những sinh viên Việt Nam xuất sắc trong các đại học tại nước ngoài như Đức, Pháp, em nào chỉ được điểm 1 (rất giỏi) đều không hài lòng với kết quả, các em “phải” đạt điểm Ưu hay Tối Ưu thì mới vừa ý, tôi vừa ngạc nhiên vừa khâm phục tài sức của các em, tương lai đang nằm trong tay các em!

Trường Pétrus Ký được Pháp xây dựng năm 1925, kiến trúc sư Hebrard de Villeneuve nhận trách nhiệm xây trường. Trước đó, trường trung học đệ nhất cấp Collège Chasseloup-Laubat được mở năm 1874 và trường nữ trung học đầu tiên Collège de Jeunes Filles Indigènes, tiền thân của trường nữ trung học Gia Long, tức trường Áo Tím (bây giờ đổi tên lại là Nguyễn thị Minh Khai) được mở ra từ năm 1915 ở miền Nam. Các trường Collège có 4 lớp, học trò học 4 năm rồi thi lấy bằng Thành chung tức là bằng Diplôme d’Etude Primaỉre Supérieur Franco-Indigène.

Trường Pétrus Ký là trường thứ ba do người Pháp thành lập, nhưng được chính thức có tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, tức là gồm cả đệ nhị cấp. Thời đó, bậc trung học được chia theo hệ thống giáo dục của Pháp gồm có đệ nhất cấp 4 năm, đệ nhị cấp 3 năm để thi lấy bằng Tú tài 1 và Tú tài 2 (Tú tài toàn phần, Certificat de Fin d’Etudes Secondaires Franco-Indigènes) hoặc thêm bằng Tú tài Pháp. Niên học đầu tiên của trường Petrus Ký là 1928-1929, đến nay đã 90 năm.

Như các trường công lập nổi danh , học trò đã đậu bằng Tiểu học rồi lại phải thi tuyển nhập học thêm. Tôi đã là một thất vọng cho nhà trường tôi khi đậu thi tuyển không được hạng nhất mà chỉ đứng thứ hạng 28 trên con số khoảng 400 học trò thi đậu (8 lớp đệ thất mới) ! Áp lực của việc “phải học giỏi” là một gánh nặng cho những đứa trẻ mới lên mười phải thi hai kỳ thi liên tiếp, thi bằng Tiểu học và thi tuyển vào trung học. Sau này ở bậc trung học cô giáo cũng phê tôi “học lực không đều” chỉ vì tôi bị nhiều điều khác chi phối vì học thêm sinh ngữ, vẽ, nhạc…và cô quở rằng tôi không bao giờ thành tài ở nước ngoài cả !

Cũng như trường nữ Gia Long sở hữu một diện tích rộng lớn là hơn 23.000 mét vuông, trường Pétrus Ký được người Pháp quy hoạch năm 1925 trên một khoảng đất rộng lớn gồm 8 mẫu ở khu vực Chợ Quán, tiếp giáp đường Trần Bình Trọng, đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ), đường Thành Thái (nay là An Dương Vương) và đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú).

Bây giờ theo thời gian, phần đất này đã được chia năm xẻ bẩy, lổn nhổn những nóc nhà xây trong nhiều giai đoạn đan xen với nhau không còn một lỗ trống, gồm có mấy trường đại học, một trường trung học mới tinh, nhiều nhà tư nhân, cả một hệ thống thể thao to lớn mới được xây dựng bên cạnh hồ bơi Lam Sơn với hai sân đá banh và một nhà thi đấu vận động trường, một cái siêu thị, một cái chung cư đồ sộ mới mọc…chứng tỏ con người cần đất để sống và giá nhà đất ở thành phố này xoáy lên cao đến chóng mặt, không gian của ngôi trường Lê Hồng Phong bị thu nhỏ lại. Cả một khu phố rất ồn ào, nhộn nhịp, tươi vui với những trường học đầy nhóc học trò ra vào và những quán ăn đủ mọi túi tiền cho mọi thành phần trẻ già lớn bé giầu nghèo. Có nhiều trường, có nhiều học trò, có nhiều thầy cô, như vậy là cũng đúng ước nguyện trước đây cả trăm năm của nhà giáo Pétrus Ký đấy chứ. Tuy vậy những nóc nhà cổ thời Pháp với mái ngói đỏ vẫn dễ nhận ra, và cả cái bồn nước, vẫn nguyên trạng đứng đấy sừng sững bên cạnh hồ bơi Lam Sơn làm chứng tích lịch sử. Hy vọng nó sẽ không bị phá hủy !

Ở gần khuôn viên trường Pétrus Ký cũ, phía bên kia đường An Dương Vương, góc ngã tư Trần Bình Trọng/Trần Hưng Đạo thuộc quận 5, TP HCM, còn có nhà thờ Chợ Quán, tu viện các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, cạnh đó là lăng mộ Petrus Ký với dòng chữ nhắn nhủ đời sau bằng tiếng La tinh “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (Tri thức là nguồn sống cho những ai sở hữu nó) và ngôi nhà cuối cùng của ông xây dựng từ năm 1886 giờ đây cũng đã 133 năm tuổi là nơi thờ tự, bây giờ đã trở thành một hàng quán ăn uống và xe hai bánh gửi đầy trong sân, ngay cả trên các nấm mồ người ta cất nhà để ở, tất cả đều ngập chìm trong dòng người, dòng xe chảy qua mỗi ngày của đời sống hiện tại. Nhìn tấm ảnh ngôi nhà nề nếp nghiêm trang thuở xưa, so sánh với tình cảnh hiện nay, tôi không khỏi buồn vì tất cả vật chất trên thế gian này đều là vay mượn, có giữ được cho hôm nay và cho mai sau đâu ? MTT

Trường Pétrus Ký khi được Pháp quy hoạch

và bây giờ, năm 2019 …thời gian thay đổi nhiều…Photo: MTT2019

Nhà ở của Pétrus Trương Vĩnh Ký lúc sinh thời…

Ngôi nhà xưa của Pétrus Ký ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng thuộc khu vực Chợ Quán cũ, bên phải là quán ăn, bên trái là chỗ để xe, cạnh lăng mộ gia đình. Photo: MTT2019

Trên một góc cạnh lăng mộ của Pétrus Kỳ còn có ghi hàng chữ bằng tiếng La Tinh “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch Hỡi những bạn hữu của tôi xin hãy thương xót tôi). Tiếc là chung quanh lăng mộ của ông đã thành bãi đậu xe có trả tiền. Photo: MTT2019

Nhà thờ Chợ Quán trong mùa Noel 2018, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Photo: MTT2019

Một ngày ở Cao nguyên tươi đẹp Kontum

3. Mai 2019

Một ngày ở Cao nguyên tươi đẹp Kontum – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2019

Đã rất ấn tượng về một Pleiku xinh xắn và thơm phức trải mình trong ánh nắng với đồi cà phê và đồi trà tôi lại còn ấn tượng hơn khi đến thăm Kontum lần đầu tiên trong đời. Đất nước Việt Nam thật là đẹp, suốt từ Bắc chí Nam, những người đã chu du khắp thế giới có lẽ đều nhận thấy mảnh đất này như một thiếu nữ vừa độ xuân thì, còn nhiều tiềm năng cung ứng.

Người Pháp đã nhận ra điều đó từ nửa thế kỷ thứ 17. Chẳng những thế, tôi trích đoạn trong cuốn Dấu xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, tôi viết năm 2009, xuất bản năm 2010 tại Pháp cách đây đã đúng 10 năm, nhận định của người Pháp khi họ đến khai phá nước ta qua ngòi bút của người không đâu xa lạ với lịch sử của nước ta thời chúa Nguyễn: Đức giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), ngài trình lên vua Louis XVI các sản phẩm có thể xuất cảng của VN thời ấy, năm 1845:

Sản phẩm của nước Cochinchine và các nơi khác tùy thuộc vào Hoàng tử (Nguyễn Phúc Cảnh):

Vàng, tiêu, quế, đường, tơ lụa thô, tơ lụa chế biến, bông vải, vải , thuốc nhuộm xanh, sắt, trà, nghệ, sáp ong, ngà voi, mủ cao su, hàng sơn mài, dầu cây lô hội, gỗ muồng, gỗ vang (tô mộc), tinh dầu gỗ, gỗ làm giấy, gỗ cau, các loại gỗ quý…, sợi dứa, các loại gỗ dùng trong xây dựng nhà cửa, nhựa hắc ín và…nói chung, tất cả những gì cần thiết cho đời sống.

.Ở đây không có cừu và lừa, nhưng trong rừng thì đầy đặc những cọp, voi, sừng, gấu, nai, sơn dương, linh dương, xạ hương, khỉ, và nhà quê thì đầy kín những bò, trâu, heo sữa và gà vịt. “

Người dân Việt đã có một đời sống rất sung túc ở thế kỷ 18, điều này đã được người Pháp ghi chép trong sách sử nhiều lần khi họ đến nước ta.

Dài dòng như thế vì Kontum xinh đẹp nhắc nhở tôi trở về với quá khứ lịch sử, đến đây mới thấy sự giầu đẹp của đất nước. Kon Tum là ngôn ngữ Ba Na (Bahnar) của dân tộc thiểu số Ba Na tại đây, Kon là làng Tum là hồ. Kontum có một vị trí chiến lược, nằm ở cực bắc của Tây Nguyên và phần lớn trên sườn phía tây của dâỹ Trường Sơn, nên Kontum được gọi là Ngã ba Đông dương vì có đường ranh giởi tiếp giáp với Lào (142,4 cây số ) và Campuchia (138,3 cây số ). Cột mốc ba biên Việt Nam-Lào-Campuchia được đặt ở cửa khẩu xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi.

Từ nửa thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tôn chinh phạt Chiêm Thành năm 1471 và thu phục các bộ tộc ở Tây Nguyên, sát nhập vùng đất Tây Nguyên vào lãnh thổ Đại Việt. Các giáo sĩ người Pháp tìm đến Kontum để truyền đạo năm 1848 và lập cơ sở trung tâm truyền đạo Kon Ko Xâm và Kon Trang năm 1850.

Kontum có độ cao trung bình từ 500 mét đến 700 mét, phần phía bắc cao từ 800 mét – 1.200 mét với đỉnh Ngọc Linh cao 2.596 mét, vùng đất này nổi tiếng với sâm Ngọc Linh là thuốc bổ cường dương quý hiếm.

Tháng 1-2 vào mùa Tết nhiệt độ trung bình ở Kontum là 17-18 độ C. Nhiệt độ ở Kontum xuống rất nhanh vaò buổi chiều, mặc dù buổi trưa nắng nóng 29-30 độ thì chiều xuống lạnh đến 14-15 độ.

Đất Kontum có nhiều khoáng sản như sắt, crôm, vàng, plutonium, đá quý…Rừng Kontum có nhiều gỗ quý, động vật quý, thực vật quý.

Hiện nay, tỉnh Kontum với diện tích 9.674,2 cây số vuông và 507.800 dân (thống kê năm 2016) có thành phố Kontum và 9 huyện gồm 6 thị trấn, 10 phường và 86 xã. Người dân ở Kontum đa số theo đạo Công giáo và Tin Lành, chỉ có khoảng 25.012 người theo đạo Phật (thống kê 2009).

Tôi không phải là cưỡi ngựa xem hoa nữa mà là phải “chạy” như chạy giặc để “xem” Kontum trong một ngày, trước khi màn đêm buông xuống.

Bên trong nhà thờ Kontum. Photo MTT2019

Đến Kontum lúc 11 giờ sáng, đường đèo ngoằn nghèo uốn lượn, phong cảnh hai bên là núi thấp núi cao, núi xa núi gần trong ánh nắng và bầu trời trong xanh không một gợn mây tuyệt đẹp. Ăn xong bữa trưa vội vàng, cơm trưa đầy đủ, giá rẻ, chỉ khoảng 8 – 9 euros cho hai người, bác tài bảo sẽ đến nhà thờ và quả thật anh dành cho tôi một ngạc nhiên khi không báo trước.

Nhà thờ gỗ đẹp không tưởng. Tôi đã đến thăm nhà thờ bằng gỗ rất đẹp ở Phát Diệm, nhưng nhà thờ gỗ ở Kontum có nét độc đáo của nhiều nền văn hóa pha lẫn vào nhau Pháp, Việt và của nhiều dân tộc sở tại. Nhà thờ toát ra một nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ, mạnh mẽ của núi rừng Tây Nguyên trong một không gian im ắng, chỉ có tiếng lá cây rì rào trong gió ! Khuôn viên của nhà thờ vắng vẻ trong buổi trưa nóng, chỉ có bước chân của những du khách phương xa là chúng tôi, thế nên tha hồ chụp hình, ngắm cảnh. Nhà thờ gỗ ở Kontum được xây vào năm 1918 trên nền cũ, đã được đúng một trăm năm tuổi.

Nhà thờ gỗ Kontum dành cho Đức mẹ Maria. Photo MTT2019

Chồng tôi đi tìm cửa vào bên trong, là người công giáo nên ông ấy tin chắc rằng nhà thờ phải mở cửa cho con chiên tìm đến Chúa, không có nhà thờ nào lại khóa trái cửa cả. Quả thật, có một cánh cửa mở vào nhà thờ, dù là không thấy có ai trông.

Toàn nhà thờ xây bằng gỗ, rất mỹ thuật, nền nhà thờ được đặt trên cọc, cách mặt đất 1 mét, theo cách xây nhà mặt bằng thông thường bên Pháp, để cho ngôi nhà được thở, thoáng khí, không bị ẩm mốc, mục rữa. Điểm đặc biệt là nền nhà bằng gỗ nhưng đi không nghe tiếng gỗ kêu. Ngoài trời nắng gắt mà bên trong nhà thờ thì mát. Ngoài mé đường trước nhà thờ hai cây nêu cao ngất đong đưa trong gió.

Bên trong nhà thờ, đây là ngôi nhà thờ dành cho Đức Mẹ, bầy biện đơn giản mà cảm động, vẫn có sự pha trộn của các dòng mỹ thuật, cái lư hương, các hoa văn khắc gỗ, chiếc khăn thổ cẩm…

Rời nhà thờ gỗ Kontum, chúng tôi vội vàng chạy sang Tòa giám mục được xây dựng trong năm 1935-1938 do vị Giám mục tiên khởi Martial Pierre Marie Jannin Phước sáng lập. Con đường thẳng tắp trước tòa Giám mục thơ mộng và đẹp vì hai hàng cây hoa đại cổ thụ đang khẳng khiu chỉ có cành trơ và vài cái hoa mầu hồng nhạt hé nụ nở sớm. Tôi chợt nghĩ ngay đến khung cảnh một đám cưới, hai người yêu nhau mới cưới thơ thẩn dưới đường hoa. Đẹp quá. Tòa giám mục vừa có nét Art Deco của Pháp vừa có nét văn hóa Tây nguyên. Tôi không ngờ ở Kontum có những kiến trúc đẹp như vậy, trong trí tưởng tượng của tôi về miền đất này thì chỉ có nhà sàn và nhà Rông.

Photo: MTT2019

Bác tài dục chúng tôi lên xe rồi hối hả chạy đến khu rừng thông Măng Đen ở phía Bắc Kontum. Xe chạy xuyên rừng thông mát rượi, xanh um, không khí trong lành sảng khoái. Tôi nhớ hồi xưa cha tôi đi săn bắn thú rừng với bạn bè ở Cao Nguyên, ông đi cả tuần, mang về nào rượu cần, thịt nai, khô nai và cả mấy miếng da thú khô, tôi còn giữ một cái ví may bằng da nai của cha tôi, đặt trên bàn thờ.

Chúng tôi chạy cả gần hai giờ đồng hồ mới đến thác Pa Sỹ nằm ở độ cao khoảng 1.500 mét ở làng Kon Tu Rằng, xã Măng Cảnh, huyện Kon Plong cách Kontum đến 60 cây số đường rừng núi. Đường vắng, không xe, nhưng bác tài cẩn thận chạy theo tốc độ quy định. Nơi đây đã thành một khu du lịch có bán vé vaò cửa.

Thác Pa Sỹ, cao khoảng 45 mét, nằm lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ mầu xanh. Nếu không có bãi đậu xe, hàng quán, cửa thâu tiền thì bạn có thể tưởng tượng ra một mầu xanh tươi thắm của núi rừng Tây Nguyên chung quanh thác Pa Sỹ.

Một người khuyết tật không nói được tỏ vẻ rất tức giận khi một chiếc xe hai bánh ủi làm vỡ một chậu cây cảnh của anh bày ở ven đường làm đẹp cho khung cảnh của thác, rồi họ bỏ đi không nói một lời xin lỗi.

Khung cảnh dưới chân thác Pa Sỹ. Photo MTT2019

Có hai đường đến thác đã được làm ra, một đường đến chân thác, một đường trèo từ trên đỉnh để xuống thác. Nhìn những bậc thang đẽo bằng đất đá cao thấp hoàn toàn không đều nhau, tôi chịu thua, không xuống được thác. Chồng tôi hăm hở cầm cái máy ảnh của tôi xuống thác chụp cho tôi tấm hình. Trong lúc ấy, bác tài khám phá ra đường xe hơi đi được đến chân thác, bèn vội vàng chở tôi đến đấy. Tôi quay về đỉnh thác vừa đúng lúc chồng tôi đang đúng chờ tôi mặt đỏ bừng muốn xỉu vì tưởng bác tài phải chở tôi đi cấp cứu mà không kịp báo. Một kỷ niệm mà tôi không quên.

Từ thác Pa Sỹ bác tài chở chúng tôi đi ngang qua khu du lịch Măng Đen, nhiều nhà xây dở dang bỏ hoang, để đến chỗ Đức Mẹ Măng Đen, nhưng tôi mệt quá, đến nơi rồi mà “chạy” không nổi nữa, đành phải đi về.

Dọc đường, băng xuyên qua rừng thông trên con đường Trường Sơn Đông, là một đoạn của con đường Hồ Chí Minh, con đường rừng hẹp, hai bên đường cây cao xanh ngát, tôi có cảm giác như ở bên Pháp, nhất là khi nhiệt độ bên ngoài chỉ còn có 15 độ. Lời nhạc của một bài hát “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm…” vang lên trong trí nhớ, bây giờ tôi mới hiểu thấm thía tình cảnh của hai người yêu nhau, cùng ra trận, người ở sườn Đông, người ở sườn Tây, cách nhau một rặng núi, một rặng rừng. Đẹp quá.

Nếu bạn có muốn đi Kontum chơi, nên dự trù ít nhất là hai ngày, đừng chạy như chúng tôi. Cảm ơn bác tài đã nhiệt tình chở chúng tôi đi chơi suốt cả một ngày mà không mệt. Lúc về, màn đêm xuống rất nhanh, bỗng chốc không còn thấy cảnh bên ngoải nữa. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy có người đi bộ xuyên rừng khi màn đêm buông xuống, họ đi đâu, đi đến bao giờ mới ra được đường cái !

Dọc đường, bác tài gọi điện bảo vợ thổi cơm ăn muộn khi bác về đến nhà vì suốt mấy trăm cây số không có hàng quán gì để ăn uống, và bác mua cho chúng tôi nửa con vịt quay để ăn tối trong phòng khách sạn.MTT

Nhà thờ gỗ Kontum – Photo: MTT2019

Tòa tổng giám mục Kontum – Photo: MTT 2019

Đường vào tòa tổng giám mục dưới nắng xuân. – Photo: MTT2019

Thác Pa Sỹ ở Kontum – Photo: MTT2019

Kiến trúc nhà rông đặc trưng ở Kontum – Photo: MTT2019

Nhà thờ Đức Bà Paris cháy !

15. avril 2019

Nhà thờ Đức Bà Paris cháy ! ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Ngọn lửa bắt đầu từ lúc 18.30 giờ ngày 15.04.2019 và rất nhanh chóng tàn phá nhà thờ Đức Bà. Người qua đường, người ngồi trước màn hình không tin vào sự thật đang diễn ra trước mắt mình. Nhiều người khóc. Nhiều người bỏ ăn. Nhiều người ngẹn họng, không biết nói gì. Nhiều người sững sờ chứng kiến một sự kiện diễn ra duy nhất một lần trong đời. Nhiều người quỳ gối trên nền đường lạnh lẽo trước nhà thờ đang cháy dữ dội. Trên báo mạng của tờ le Figaro thoạt đầu còn xuất hiện những icon buồn bã, khóc than nhưng rồi tiếp theo đó là những khuôn mặt giận dữ.

Bắt đầu cháy từ nóc nhà, nhà thờ Đức Bà đang được sửa chữa trùng tu lại, nên giàn thang còn được dựng chung quanh, mãi đến 21.40 phút, ngọn lửa còn chưa dập tắt, thỉnh thoảng còn bùng lên mãnh liệt, có tin cho biết là có thể những gì chưa cháy sẽ bị sập đổ. Trong lúc tôi viết những dòng này thì ngọn lửa vẫn thiêu cháy kinh hoàng. Khung nóc nhà thờ bằng gỗ của cả 1.300 cây sồi đã hoàn toàn cháy rụi, ngọn tháp bằng gỗ của kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc sửa chữa xây dựng từ 1844 đến 1864 cao 93 mét gồm có 500 tấn gỗ và 250 tấn chì sụp đổ trước mắt người xem vào lúc 19.50 giờ. May sao, để sửa chữa lại ngọn tháp, người ta đã tháo gỡ 16 bức tượng cổ, đem xuống, cất ở một nơi khác, cho nên không bị lửa thiêu hủy. Nhiều người lo ngại những cửa kính tuyệt đẹp của nhà thờ Đức Bà đã nổ tung trong ngọn lửa. Hiện tại chưa biết có thiệt hại về nhân mạng hay không, người ta chỉ nói về thiệt hại tinh thần và vật chất. Sự xây cất lại nhà thờ Đức Bà Paris được ước tính khoảng 150 triệu euros. Người có trách nhiệm của nhà thờ vừa mới thông báo là những bảo vật của nhà thờ đã kịp thời đưa ra an toàn. Nhà thờ Đức Bà Paris cháy vào thời điểm thứ hai của tuần lễ thánh đầu tiên, chủ nhật 21 và thứ hai 22 là lễ Phục sinh của đạo Công giáo, một mùa Phục sinh của đau buồn và tha thứ.

Khắp thế giới đều có phản ứng ngay những giờ đầu tiên của vụ cháy. Thật kinh hoàng khi nhìn nhà thờ Đức Bà ở Paris cháy dữ dội, tổng thống Donald Trump đã viết như thế trên Twitter, và kêu gọi phải chống lại ngọn lửa nhanh chóng,

Bà thủ tướng Angela Merkel tuyên bố qua người phát ngôn viên bày tỏ nỗi đau đớn nhìn thấy hình ảnh tàn khốc của nhà thờ Đức Bà trong lửa đỏ, một biểu tượng của nước Pháp và của văn hóa châu Âu.

Đến 23.45 giờ ngọn lửa vẫn chưa được dập tắt . Mãi đến 03.40 sáng ngày thứ ba đội cứu hỏa với khoảng 400 lính dưới quyền chỉ huy của tướng Jean-Claude Gallet mới dập tắt được đám cháy, đây đó chỉ còn vài chỗ cháy âm ỉ. Hai tháp của nhà thờ còn đứng vững. Hãy còn sớm để nói về nguyên nhân gây ra cháy, nhưng người ta ghi nhận là ngay trong đêm những người thợ đang làm việc ở công trường nhà thờ Đức Bà đã được điều tra. Ngày thứ hai đầu tuần, lại ngay giờ tan sở ở Paris, đường phố đều nghẹt cứng xe cộ, khiến cho việc điều động xe cứu hỏa có nhiều khó khăn về thời gian để đến được hiện trường. Ngay như tổng thống Macron lên xe để đến hiện trường vào lúc 19.30 giờ mà đến 20.30 giờ mới tới nơi, tại đây ông đã gặp thủ tướng Edouard Philippe và phó bộ trưởng bộ Nội Vụ Laurent Nunez, và chỉ lên xe rời khỏi hiện trường vào lúc nửa đêm.

Mỗi ngày ở nhà thờ Đức Bà đều cử hành 5 thánh lễ, riêng ngày chủ nhật có 7 thánh lễ. Nhà thờ Đức Bà tuy không to lắm, không có nhiều cái nhất của những nhà thờ khác nhưng nó đã khắc sâu vào tâm khảm của triệu triệu con tim trên thế giới qua ngòi bút của đại văn hào Victor Hugo với tác phẩm « Notre-Dame de Paris », với Quasimodo và Esmeralda, và vô số những tác phẩm văn chương, âm nhạc, kịch nghệ khác. Sức hấp dẫn của nhà thờ Đức Bà Paris, nơi những con đường bắt đầu từ số 0 km, đối với khách du lịch trên thế giới là một sự kiện hàng đầu liên tục, mỗi năm có tới khoảng 13 triệu khách đến chiêm ngưỡng. Ai đã đến Paris lại không có một cái ảnh chụp trước nhà thờ Đức Bà ! Trong nhà thờ, có những tác phẩm nghệ thuật vô giá treo trên tường không thể gỡ xuống được.

Một quỹ cứu trợ xây dựng lại Notre Dame de Paris, công việc kéo dài của hàng chục năm tới và cần đến hàng trăm những bàn tay thợ thuyền tinh xảo, chuyên nghiệp, cũng như những kiến trúc sư muốn để lại dấu ấn cho đời, sẽ được khởi xướng ngay lập tức vào thứ ba. Gia đình đại gia Pinault tuyên bố sẽ đóng góp 100 triệu euros. Chạm đến nhà thờ Đức Bà Paris là lay động đến trái tim của dân tộc Pháp, rúng động đến xương tủy, tinh thần đoàn kết quốc gia dân tộc lên cao.

Năm giờ sáng ở Paris, một ngày mới đã lên lờ mờ trong màn đêm. Công tố viên mở hồ sơ « hỏa hoạn do bất cẩn » sau cuộc điều tra công nhân, nguyên do gây cháy có thể vì hàn xì trong nóc nhà thờ. Điều này làm cho tôi liên tưởng đến vụ hỏa hoạn khủng khiếp ở thương xá Tam Đa tại thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn ) cũng do một thợ hàn bất cẩn khi làm việc. Nhà tôi lúc đó ở kế bên thương xá Tam Đa.

Bây giờ thì mưa tiền rơi xuống nhà thờ Đức Bà ! 200 triệu euros của nhóm LVMH (Louis Vuitton) , 50 triệu euros của thành phố Paris, 10 triệu euros của vùng Ile-de-France….dân chúng chắc cũng không ngại tốn kém, rồi còn tiền của nhóm bảo hiểm…bỗng chốc đã 360 triệu euros được tuyên bố, tiền thì không thiếu, nhưng nỗi đau mất mát thì không thể nào hàn gắn được, đã xẩy ra. Câu hỏi « Seigneur, pourquoi ? » Lậy Chúa, tại sao ? được đặt ra. Điềm gì ?

Tờ báo Le Soir của Bỉ viết lên những dòng chảy nước mắt dưới hàng tít : » Ngọn lửa và những dòng nước mắt »… » Đột nhiên, ngọn tháp ngã xuống. Và đột nhiên đến lượt chúng ta gập người lại làm đôi. Vỡ ra, cắt rời, xâm chiếm bởi một nỗi lo lắng tàn nhẫn và một cảm giác nôn mửa. Và rồi, còn hình ảnh này, khủng khiếp, của một vị tổng thống bất lực dưới chân cái gã khổng lồ đang nuốt chửng nhà thờ. Lạc lõng và bị hủy diệt, như tất cả dân chúng đang im lặng và đang khóc. Người ta không thể không nhìn thấy trong sự sụp đổ này, sự biến thái của những quyền lực đã bị rạn nứt, đã bị thiêu cháy của một thế giới đã bị lung lay…Paris không còn là Paris nữa. »

Đến sáng thì đội cứu hỏa đã hoàn toàn dập tắt ngọn lửa, hơn 1.000 mét vuông nóc nhà bị thiêu đốt, bên trong nhà thờ là đống tro màu đen, hai tháp chuông nhà thờ đứng vững, được củng cố, và đội cứu hỏa đã giao lại nhiệm vụ cho những chuyên gia giám định nguyên nhân vụ hỏa hoạn. Paris đã sống một thời gian dài trong hòa bình, bộc lộ rõ rệt khả năng yếu kém trong công việc bảo vệ dân chúng và thành phố.

Bỗng dưng, dân chúng đổ xô nhau đi mua tác phẩm « Notre-Dame de Paris » của văn hào Victor Hugo, những ai chưa đọc hay đọc rồi đã quên.

Trái tim của những người nhạc sĩ như muốn rớt ra ngoài vì lo lắng cho cây đàn orgue (đàn ống, đại phong cầm) của nhà thờ Đức Bà. Ông Vincent Dubois, một người chơi đàn ống cho nhà thờ Đức Bà đã nhận được trong một đêm 200 cú điện thoại. Ông Olivier Latry, một người khác chơi đàn cho nhà thờ Đức Bà, trở về từ Vienne (Áo) cấp tốc trong đêm, thở dài nhẹ nhõm khi được biết cuối cùng cây đàn không bị cháy, chỉ bị nước cứu hỏa làm hư hại đôi chút và có thể sửa chữa được. Giàn đàn ống của nhà thờ Đức Bà rất to lớn, gồm có 5 phím đàn, 109 ống và 8.000 ống nối bằng chì và kẽm, có thể chịu đựng nhiệt độ lên đến 350° C, có từ đầu thế kỷ thứ 19, và vẫn được sử dụng mỗi ngày cho thánh lễ. Phải biết rằng nhiệt độ của khối lửa cháy to như thế lên đến hơn 800° C.

Cả những tấm kính cửa sổ rất mỹ thuật may mắn đã được cứu khỏi thần lửa. Đến trưa thứ ba thì những hứa hẹn của các đại gia, công ty đã lên quá 600 triệu euros.

Thần lửa đã nuốt nhà thờ Đức Bà như thế nào ? 18.20 giờ nhà thờ đang có thánh lễ thì chuông báo cháy báo động lần thứ nhất, mọi người được mời ra khỏi nhà thờ, nhưng những người có trách nhiệm không phát hiện ra đám cháy đã diễn ra, lại mời mọi người vào ! Đến 18.43 giờ thì chuông báo cháy vang lên lần thứ hai, lần này thì thấy cháy, mọi người được mời ra. Ngọn lửa và khói bốc lên rõ ràng lúc 18.50 giờ. Lửa lan rất nhanh chóng dưới nóc nhà, liếm trọn khung mái nhà dài hơn 100 mét. Khung mái nhà thờ, được mệnh danh là khu rừng vì môĩ một cây cột, cây kèo có xuất xứ từ một cái cây khác nhau, đỡ cái mái bằng chì gồm 1.326 mảnh bề dầy 5 phân nặng 210 tấn. Một giờ sau, 19.50 giờ ngọn tháp đã bị thiêu đốt sụp đổ, ngọn tháp này được cấu tạo bởi 500 tấn gỗ và 250 tấn chì, có từ thế kỷ thứ 19. Ngọn lửa tiếp tục lan ra bốn hướng. Đến 21 giờ, thần lửa bắt đầu liếm ngọn tháp phía Bắc, đến 21.30 giờ lửa đã lan đến nội thất của ngọn tháp phía Bắc. Đến 22.50 giờ, dàn giáo có nguy cơ sụp đổ theo. Mãi đến gần 4 giờ sáng, đội chữa cháy mới dập tắt hoàn toàn được đám cháy.

Việc đi tìm ra nguyên nhân và thủ phạm đám cháy nhà thờ Đức Bà Paris sẽ rất gian nan và khó khăn, vì như tất cả mọi đám cháy có giá trị lịch sử to lớn đều không thể tìm ra nguyên nhân và thủ phạm như đám cháy ở Reichtag Berlin, nhưng hậu quả của đám cháy thì sẽ làm lợi cho mưu đồ chính trị của một số người. Tổng thống Macron đã dời lại bài diễn văn dự trù cho ngày 15.04 vào lúc 20.00 giờ trên đài truyền hình TF1 một cách vô hạn định, hai tiếng rưỡi sau đám cháy, trong bài diễn văn này sẽ đưa ra những câu trả lời về những biện pháp làm giảm sức ép của bất công thuế vụ, lương hưu của người già cũng như sức mua của kinh tế Pháp. Thời gian sẽ có câu trả lời. Người ta ghi nhận một đám cháy trước đó, ngày 17.03.2019 ở nhà thờ Saint Sulpice Paris, may kịp thời dập tắt được.

Thứ tư 17.04.2019 vào 18.50 giờ tất cả các chuông nhà thờ trên nước Pháp sẽ đều gióng lên cùng lúc. Hôm nay, thứ ba 16.04.2019 tại Paris có 2 cuộc tuần hành cầu nguyện được tổ chức bởi những người trẻ công giáo « Les Bâtisseurs » và « Les Veilleurs » và bởi tổ chức Scouts de France. Các giáo xứ ở Paris cũng huy động tập hợp lại. Một làn sóng tổ chức công giáo khởi động trên khắp nước Pháp để cầu nguyện tại các nhà thờ. Mưa tiền vẫn tiếp tục rơi xuống, gần 1 tỷ euros đã được hứa hẹn để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng người ta vội vã quên rằng, không thể ngăn chặn những hoài niệm một quá khứ đã bị lấy đi một cách thô bạo, ngọn lửa cháy Nhà thờ Đức Bà Paris làm cho nhiều người đau đớn, sững sờ đã đi vào lịch sử nhân loại. Không có gì tàn bạo bằng một ngọn lửa. MTT

12 pho tượng của mười hai sứ đồ cao 3,40 mét nặng 150 kí lô và 4 pho tượng thánh phúc âm được tháo gỡ và đem về Dordogne để sửa chữa vài ngày trước đó, nên thoát khỏi ngọn lửa của nhà thờ Đức Bà ngày 15.04.2019

Con gà trống biểu tượng cho dân tộc Pháp bằng đồng đặt trên đỉnh của ngọn tháp đã được tìm thấy trong đống tro sau đám cháy ngày 15.04.2019

Photo by FRANCOIS GUILLOT / AFP

REUTERS/Benoit Tessier

(Photo by Philippe LOPEZ / AFP)

REUTERS/Charles Platiau

REUTERS/Benoit Tessier

(Photo by ERIC FEFERBERG / AFP)

Văn hào Victor Hugo như đã đoán trước được nhà thờ Đức Bà sẽ cháy trong tác phẩm của ông

Dàn đàn ống (orgue) của nhà thờ Đức Bà không bị cháy, chỉ bị nước cứu hỏa và bụi khói làm hư hại. Các bạn xem thêm về đàn ống nhà thờ Đức Bà Paris qua video này ở địa chỉ: https://youtu.be/8dQCvAQhIwA

Điểm xuất phát đám cháy từ bên trong nóc của nhà thờ, dưới chân ngọn tháp

Ngọn tháp sụp đổ, lửa lan rộng ra bốn hướng.

Lửa làm cháy rụi mái nhà và tấn công tháp phía Bắc.