Aller au contenu principal

Em và tôi, nữ sinh viên VN du học tại Pháp

11. septembre 2013

Em và tôi, nữ sinh viên VN du học tại Pháp

©Mathilde Tuyet Tran, France 2013

Thành phố ở gần làng tôi ở có trường đại học, nên mỗi khi vào thành phố thỉnh thoảng gặp các người trẻ, rất trẻ đến từ Việt Nam để đi học ở nước ngoài, tôi vừa vui, vì trong số đó thấy có nhiều em gái, vừa ngạc nhiên, sao sinh viên VN đi du học nhiều thế, nhiều hơn hẳn thế hệ tôi ngày trước ? Cũng con ông cháu cha, cũng trốn lính, trốn nghĩa vụ quân sự, cũng công tử tiểu thư như ngày xưa ?! 😉 

Thời tôi, tiêu chuẩn xin đi du học là điểm của bằng Tú Tài 2 phải từ hạng Bình trở lên, phải có chứng chỉ ngoại ngữ Anh, Pháp hay Đức, gia đình phải có của cải, phải có giấy chứng nhận của Ngân hàng, để bảo lãnh chi phí ăn học của con cái ở nước ngoài. Phía Việt Nam thì cấp cho cái giấy phép được xuất dương du học, với điều kiện là sau khi học xong phải trở về để phục vụ đất nước. Phía quốc gia nhận du học sinh thì cấp cho cái chiếu khán nhập cảnh và giấp phép tạm trú để đi học. Nguyên tắc là như thế, nhưng mỗi khi lên cổng bộ Giáo dục xem bảng niêm yết danh sách được đi du học thì đại đa số là tên con trai, các quý công tử nhà giầu, đẹp trai, học giỏi.

Mọi chuyện khác, như học ở đâu, học ngành nào, trọ ở đâu, thì đều do du học sinh tự lo lấy. Vì thế, muốn đi du học thì đã phải có « tham vọng » từ khi bắt đầu lên đệ nhị cấp. Hết lớp đệ tứ, lên đệ tam, tôi đã đi học thêm tiếng Pháp ở Trung tâm Văn hóa Pháp liên tục nhiều năm cho đến khi thi đậu bằng Tú tài.

Thế mà, tôi nhớ mãi, cô giáo dậy Pháp văn rất nghiêm khắc với tôi rằng, với sức học không đều của em, em sẽ không thể nào tốt nghiệp ở nước ngoài được đâu. Có thể nhận xét của cô đúng khi ấy, vì tôi học thêm rất nhiều môn, sau khi ở trường về, từ trưa chiều cho đến tối, tôi còn học thêm tiếng Pháp, tiếng Anh, học toán, học vẽ, học đàn, học làm bánh, học nấu ăn, học may vá, đan thêu, lại thêm tuổi mới lớn, yêu đương mơ mộng (vớ vẩn và hão huyền) thích đi chơi với bạn bè, bị chia trí, giảm tập trung, nên trong lớp có khi điểm cao, khi điểm thấp. Tuy thế, câu nhận xét của cô như mũi dao đâm thẳng vào tim tôi. Sau này, mỗi khi tôi xuống tinh thần vì gánh nặng gia đình, con cái, cái mũi dao ấy lại vực tôi dậy, phải cố gắng hết sức mình để học cho xong, nên bây giờ tôi hết giận cô. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.

Vốn liếng ngoại ngữ từ nhà đem theo, thật ra là vừa tạm đủ cho cuộc sống hàng ngày. Ngôn ngữ sống, nên cái học trong sách vở nó khác, tiếng Pháp dậy bởi người Việt cũng khác, đến nước người ta mới thấy họ có phong cách nói mà mình không hiểu, hay chậm hiểu. Mấy năm đầu tiên tôi luôn lo sợ toát mồ hôi hột là có lẽ mình theo không nổi thật vì sinh ngữ mình kém hơn sinh viên (sở tại) cùng lớp. Tôi học liên tục, đi chợ, đi đường cũng để ý đọc, lắng nghe, học thêm từ ngữ, học cách ăn nói, giao tiếp của người ta. Đến khi tôi sang Đức, hoàn toàn không biết một chữ tiếng Đức, mà phải thi vào đại học, thì quyết tâm tôi rất cao. Tôi được nhận vào lớp sửa soạn nhập học (Studienkolleg) và chỉ sau có 6 tháng, tôi thi đậu bốn môn bằng tiếng Đức: tiếng Đức là ngôn ngữ chính, Sử Địa, Toán và tiếng Pháp là (trở thành) sinh ngữ thứ hai, và được vào học đại học khoa Kinh tế học. Đã hết đâu, ngoài chương trình học chính, sinh viên ngoại quốc như tôi, phải học thêm 1 năm ( 2 lục cá nguyệt) tiếng Đức cao đẳng và toán cao đẳng. Một anh bạn học, rất giỏi Toán, kèm thêm cho tôi môn Toán, ngoài các giờ học trên. Nên khi vào thi vấn đáp môn toán Kinh tế (thống kê, xác xuất), sau khi đã thi viết, tôi đậu điểm Ưu, thầy khen, rất vui, mà tôi cũng ngạc nhiên vì chính mình. Có gì đâu, mình chỉ học và học.

Bây giờ, nhân được vài em gửi thư thăm hỏi, tâm sự…tôi thấy hoàn cảnh các em gái du học hiện nay vừa không khác mình ngày xưa chi mấy, lại vừa có sự khác biệt.

Thời tôi, còn bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Việt Nam, đa số chúng tôi bị cúp chuyển ngân kể từ cuối năm 1971, không còn nhận được tiền hàng tháng của gia đình chuyển sang nữa, ai nấy đều phải nhanh chóng tìm ngay một việc làm nào đó để trang trải chi phí ăn, ở và học hành của bản thân mình. Tìm ra việc gì cũng phải làm, tôi đi làm « ô xin » cuối tuần, quét dọn lau chùi nhà cửa…, đi rửa chén bát ở tiệm bánh, cà phê, đi làm trong viện dưỡng lão, đi làm trong xưởng may quần áo, trong xưởng chế tạo nước hoa…, ở đâu lương chỉ là 5 đức mã một giờ (tương đương với 2,5 euro bây giờ), tức là phải làm việc hết 80 giờ một tháng mới kiếm được 400 đức mã (Deutsche Mark). Thời ấy hai vợ chồng sinh viên với một đứa con cần phải có 700 đức mã mới đủ sống. Các anh bạn học thì đi làm những việc còn nặng hơn, như đi làm trong các hãng chế tạo bột giặt, bánh xe hơi. Việc học hành thi cử của chúng tôi bị chậm hẳn lại, vì bị mất những thì giờ lao động kiếm sống đó. Sau khi đậu được những điểm tốt, đa số sinh viên chúng tôi « thăng hoa », kiếm được những công việc có phẩm chất hơn, như làm trợ tá cho các giáo sư đại học. Chúng tôi cũng tụ họp nhau lại, ca, hát, thể thao là chính, tổ chức những « Đêm Văn Hóa » để giới thiệu văn hóa Việt Nam với xã hội sở tại, tuy trình độ ca hát múa may « nghiệp dư » của chúng tôi chỉ có giới hạn, nhưng rất vui và rất chân thành.

Một em gái, nữ sinh viên ngành Điện tử hiện nay tại Lyon, tâm sự:

Các chương trình hợp tác, trao đổi giữa các trường đại học trong và ngoài nước tạo cơ hội cho các sinh viên Việt Nam có thể theo học, đi du học ở các trường ở nước ngoài.
Ở trường đại học ở Việt Nam, em theo học chương trình hợp tác với nước Pháp. Các sinh viên theo học chương trình này sẽ học tiếng Pháp và học một số môn chuyên ngành bằng tiếng Pháp, sau đó sẽ được tuyển chọn để bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Pháp và 1,2 sinh viên được xếp hạng đầu của lớp sẽ được học bổng để đi học thạc sỹ ở Pháp. Em đạt được học bổng này và đã sang Pháp học thạc sỹ. Sau khi kết thúc chương trinh thạc sỹ, em tìm được học bổng của chính phủ Pháp để tiếp tục ở lại làm nghiên cứu sinh tại Pháp.

Học bổng của em đủ trang trải cho việc ăn, ở và học phí. Vì học phí ở các trường công ở Pháp đã được chính phủ tài trợ 90% nên học phí không quá đắt. Bản thân em không đi làm thêm vì học bổng đã đủ trang trải. Tuy nhiên cũng có một số bạn của em đi làm thêm, các công việc có thể là: giữ trẻ, bán hàng, làm dọn dẹp ở khách sạn, làm phục vụ ở nhà hàng …
Ở các thành phố có nhiều sinh viên VN thì thường có Hội Sinh viên VN. Hội này sẽ giúp đỡ các sinh viên mới sang trong việc đón tại sân bay/ga tàu, giúp tìm nhà cửa, giải đáp các thắc mắc về cuộc sống ở thành phố đó và về chương trình học nếu có thể. Hội sinh viên cũng tổ chức các buổi họp mặt vào những dịp lễ lớn (Trung thu, Tết Nguyên đán) để các sinh viên làm quen với nhau và giải đáp các thắc mắc của sinh viên mới. Hội sinh viên cũng tổ chức các hoạt động thể thao để mọi người có sân chơi chung. Nên các sinh viên Việt Nam không thiếu các mối quan hệ, không thấy mình lẻ loi. Ngoài ra các hoạt động của Hội sinh viên trong nhiều dịp cũng được liên hệ tổ chức cùng với Hội những người Việt đang sinh sống tại Pháp.
Em dự định là sẽ ở lại Pháp làm việc vài năm để tích lũy kinh nghiệm và sau đó trở về Việt Nam.

Một em gái khác có khó khăn về ngôn ngữ khi vừa mới đến Pháp, nhưng bây giờ thì cũng vượt qua được rồi. Một em gái khác có khó khăn về chủ đề nghiên cứu, nhưng cũng đã « gỡ » được cái nút thắt. Một em gái khác có khó khăn về phương cách làm việc (học tập) tại Pháp nhưng tôi tiếc là tôi không giúp em được gì, vì tôi không biết được sự khác biệt giữa cách học ở trong nước hiện tại và ở Pháp là như thế nào, khác nhau ở điểm nào, để khắc phục được sự khác nhau ấy. Tôi đã quen là sự tự học, tự tìm tòi, tự nghiên cứu, tự có sáng kiến là điều tất nhiên ở đây.

Có dịp trao đổi với các nữ sinh viên hiện tại tại Pháp tôi rất mừng vì thấy một thế hệ phụ nữ trí thức trẻ của nước Việt đang lên, vừa phục các em gái đã lựa chọn những môn học khó khăn, « lấn » vào các lãnh vực khoa học được cho là chỉ dành cho phái nam, vừa muốn nhắn nhủ với các em ba chữ kiên nhẫn, cố gắng, sáng tạo, các đức tính cần thiết để vượt mọi khó khăn trong chuyên môn, trong đường đời. MTT.

Commentaires fermés